Tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục
Mùa Vu Lan đã về. Là những người con, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở bản thân về bao nhiêu ân đức mà cha mẹ dành cho mình. Hẳn bạn còn nhớ ai đã ẵm bồng, nâng đỡ khi bạn khóc, khi bạn đói, vấp ngã, hay bị đau yếu. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là vô điều kiện, hầu hết thời gian, chúng ta luôn được lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc nâng niu của cha mẹ. Lẽ dĩ nhiên, cũng có những bậc cha mẹ vô trách nhiệm hoặc lạm dụng con cái mình. Nhưng hầu hết cha mẹ đều dành tình yêu thương, ân cần cho con cái, dù tình yêu thương đó có sáng suốt hay không, điều đó không thành vấn đề, điều thực sự quan trọng là cha mẹ yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Khi chúng ta trưởng thành mỗi ngày, chúng ta phải nhớ rằng cha mẹ mình cũng ngày một có tuổi, ngày thêm già yếu. Thời gian mà ta có với cha mẹ mình chỉ có hạn, bởi vậy nên bất cứ khi nào có thời gian ở bên cạnh cha mẹ, ta hãy làm cho họ hoan hỷ, hạnh phúc, hãy khiến cho họ mỉm cười. Không có công đức nào sánh với công đức của việc đáp đền ân nghĩa của mẹ cha.
Mở rộng dòng tâm, khai phát Bồ đề hạnh nguyện
Ngày nay, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, hầu hết mọi người đều bị chi phối rất nhiều bởi công nghệ; bởi vậy họ có xu hướng sống xa rời môi trường bên ngoài, với giađình, các quan hệ xã hội và cả với môi trường tự nhiên. Con người sống giống như bị điều khiến bằng nút bấm, hết bấm nút này sang bấm nút khác, thậm chí không biết nổi diễn biến cuộc sống của mình sẽ như thế nào. Kể từ giây phút bắt đầu đánh mất mối liên hệ với thế giới xung quanh, con người đã đánh mất sự kết nối với cuộc sống, như vậy có nghĩa là bắt đầu sống một cuộc sống đơn điệu và cứng nhắc.
Nền giáo dục hiện đại ngày nay dạy chúng ta quá nhiều những hành động, suy nghĩ và cách ứng xử đầy ích kỷ và luôn tự coi mình là trung tâm. Ý nghĩa về chúng ta và những người xung quanh, hay nói đúng hơn là sự phân cách giữa chúng ta và những người khác đã trở nên vô cùng lớn, đến nỗi quên mất rằng, cùng với nhau chúng ta đang là những thành viên của một cộng đồng. Dần dần chúng ta đang để mất khả năng chia sẻ, trân trọng và tri ân của mình.
Thật vô cùng may mắn, Giáo pháp của đức Phật đã mang tới cho chúng ta cách thức tổ chức lại cuộc sống của mình, trước hết bằng cách điều chỉnh lại động cơ của bản thân. Trong giáo lý về nhân duyên đức Phật đã dạy rằng: Chúng ta không tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà phụ thuộc và được nuôi dưỡng thông qua các mối liên hệ đó. Bạn hữu, kẻ thù, các bậc thầy, những người mẹ, anh em hay thậm chí kể cả các con vật nuôi, cây cối, nơi bạn sinh ra, lớn lên cũng như bất cứ nơi nào bạn từng được nhìn thấy, những người nào bạn đã từng gặp gỡ, tất cả đều không chỉ là sự tình cờ hay ngẫu nhiên. Chẳng có gì trên thế gian này xảy ra do tình cờ hay may mắn. Bất cứ sự việc nào cũng đều là nhân hoặc quả. Chính mối quan hệ nhân quả mà chúng ta gọi là “duyên nghiệp”. Bởi vậy chúng ta cần tri ân tới đời sống này, tri ân tới những mối liên hệ mà chúng ta đang có trong đời sống. Những hoạt động tưởng nhớ, tri ân tới cha mẹ, ông bà tổ tiên nhiều đời của chúng ta trong những ngày này là một giá trị tinh thần cao quý và hết sức tích cực trong xã hội ngày nay. Nếu trong thời gian này, chúng ta hòa mình với các thiện hạnh của các đạo hữu, nương năng lực của chư tăng ni thì công đức đó sẽ tăng trưởng vô lượng vô biên, vượt ngoài khả năng tư duy thông thường.
Là một người con Phật, chúng ta cần hướng tình yêu thương, sự tri ân rộng mở hơn, vượt qua giới hạn chật chội của những người, những đối tượng mà chúng ta yêu thương và quan tâm một cách vị kỷ, cá nhân, thì chúng ta có thể kỷ niệm tháng Vu Lan một cách đích thực và ý nghĩa hơn, với tâm yêu thương bao dung bình đẳng vô tư không thiên vị. Bởi vậy hãy tận dụng tháng Vu Lan, thực hành tình yêu thương, tỏ lòng tri ân tới cha mẹ, ông bà tổ tiên, rộng hơn nữa là tới hết thảy mọi người, mọi loài và cả môi trường tự nhiên nữa. Hãy coi đây là duyên lành để có thể thực hiện những thiện nghiệp, tích lũy công đức. Bước đầu, chúng ta có thể phát khởi và rộng mở tâm từ bi đại bình đẳng tới cha mẹ, những người thân và những chúng sinh quanh ta, dần dần hướng tới xa hơn, xa hơn nữa. Hãy đem tình yêu thương chia sẻ với hết thảy hữu tình, không chỉ ngày hôm nay, ngày mai mà mãi mãi về sau! Nếu chúng ta thường xuyên tu tập như vậy thì tâm Bồ đề – tâm Giác ngộ sẽ dễ dàng được trưởng dưỡng.
Tôn trọng, tri ân với những người từng gây khó khăn cho ta
Trên thực tế, sẽ thật dễ dàng khi tôn trọng, yêu thương và tri ân tới những ai đã giúp đỡ, hỗ trợ và mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Nhưng chúng ta rất khó để yêu thương, tôn trọng cả những người đã gây tổn hại tới mình. Nếu như vậy thì ta mới chỉ giới hạn ở tình cảm thế gian chật hẹp, có sự phân biệt và bị thúc đẩy bởi vô minh, tham ái. Tình yêu thương, sự tôn trọng và tri ân được dạy trong đạo Phật vô cùng bao la, rộng lớn; tình cảm đó hoàn toàn không phân biệt, dựa trên trí tuệ hiểu biết về các quy luật của thế giới, của vũ trụ và không hề chịu sự chi phối, thúc đẩy của sân hận hay tham ái. Chính trong cuộc đời hoằng pháp của đức Thế tôn, có những người âm mưu làm tổn hại tới Ngài cả bằng hành động và lời nói, nhưng Ngài không có phản ứng từ bỏ hay không bằng lòng trong tâm; Ngài vẫn tiếp tục làm lợi ích cho những kẻ đó.
Cũng như vậy, đối với người thực hành Phật pháp, chúng ta cần tri ân cả những khó khăn, thử thách mà mình trải qua. Nếu không có những khó khăn thử thách đó, chúng ta sẽ không thể học hỏi và trưởng thành. Một số người có thể xử tệ với ta, bàn tán những điều vô nghĩa về ta và đổ tiếng xấu cho ta, thậm chí làm tổn hại tới ta, hoặc là chúng ta có thể vì thế mà đau khổ và sinh lòng ghét bỏ, hận thù những người đó, hoặc là chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để tự phản tỉnh bản thân, nhìn nhận lại những lỗi lầm của mình và tìm cách sửa đổi hoàn thiện mình. Thường thì chính những người xử tệ, thù ghét ta, những người gây khó khăn trở ngại cho ta lại chính là người giúp ta tiến bộ trên đường đạo. Họ khiến cho cuộc hành trình của chúng ta trở nên thú vị hơn nhiều. Vì vậy, trong tháng tri ân này, nếu trong cuộc đời chúng ta gặp những người từng gây tổn hại tới mình, những người gây khó khăn, khiến chúng ta vô cùng đau đớn, chúng ta hãy hướng tâm tới họ và chúc nguyện họ một tháng Vu Lan thật hạnh phúc và ý nghĩa. Chính họ có thể là những đối tượng đã giúp chúng ta hàng phục được những tình cảm hận thù và bất mãn của bản thân. Họ đã giúp không để cho bản ngã và những xúc tình tiêu cực lấn lướt những phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn trong chúng ta. Hãy để tháng Vu Lan này là cơ hội để chúng ta giải thoát bản thân khỏi vòng luẩn quẩn của những phiếm luận thị phi và những nghiệp xấu ác.
Tôn trọng và tri ân môi trường tự nhiên
Giáo lý của đức Phật đã chỉ rõ, con người là một hợp thể của đất, nước, gió, lửa – con người là một phần không thể tách rời của tự nhiên. Chúng ta sống dựa vào tự nhiên và tự nhiên đã luôn hào phóng và ưu đãi chúng ta. Từ thuở khai sinh nền văn minh nhân loại, chúng ta luôn sống hoàn toàn nhờ vào tự nhiên. Chính Mẹ Thiên Nhiên nuôi nấng và duy trì sự sinh tồn của chúng ta, giúp đem lại cho ta cuộc sống đủ đầy.
Tuy nhiên, bản ngã luôn bảo ta rằng “Ta là chủ nhân của thiên nhiên. Ta ưu việt hơn tự nhiên, có thể sai khiến tự nhiên, sai khiến tất cả. Ta là nhân vật trung tâm và đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ta có toàn quyền huy động và sử dụng tất cả mọi nguồn lực tài nguyên thiên nhiên”.
Chúng ta đã lạm dụng Mẹ Thiên Nhiên trong một thời gian quá dài, từ đời này sang đời khác, từ thế hệ nối tiếp thế hệ. Chúng ta không thể làm khác đi, bởi vì bản ngã của chúng ta quá lớn, thậm chí vượt tầm kiểm soát của chính mình. Bản ngã luôn sai sử chúng ta, khơi gợi tâm tham khiến chúng ta ham muốn rất nhiều thứ, khi đã có thứ này rồi chúng ta vẫn muốn có thứ khác, chúng ta luôn muốn nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa. Chính vì lạm dụng thiên nhiên, bạc đãi môi trường sống xung quanh nên chúng ta phải đương đầu với vô số thảm họa. Chúng ta thường gọi đó là thảm họa “tự nhiên”, nhưng như vậy không công bằng, bởi chính chúng ta đã làm tổn hại sâu sắc tới tự nhiên, khiến tự nhiên lâm trọng bệnh. Điều này cũng giống như khi không giữ gìn sức khỏe, chúng ta để cơ thể bị ốm, bị cảm lạnh, khi đó cơ thể sẽ không thể điều tiết hài hòa và sẽ não hại chúng ta, khiến ta vô cùng mệt mỏi, thậm chí đau đớn. Chúng ta gọi những căn bệnh “nan y” đó của tự nhiên là “thảm họa tự nhiên”.Nhưng thực chất, đó chính là cách mà tự nhiên biểu lộ nỗi đau, sự tổn thương sâu sắc của mình. Đó thực sự là thiên tai hay do con người? Thiên tai từ lâu đã là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi mỗi lần có chuyện xảy ra như mưa lớn, động đất, lốc xoáy… xảy ra trên thế giới, nhưng điều đó có đúng thật hay không? Đã từ bao đời nay chúng ta không hề trân trọng, yêu thương và tri ân môi trường tự nhiên. Chúng ta cần nhớ rằng mình chỉ là một trong số những loài cùng chung sống với thiên nhiên, chúng ta không hề cao cả hơn thiên nhiên. Vì vậy, nhân tháng Vu Lan tri ân tới cha mẹ, ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ, chúng ta hãy học cách trân trọng, tri ân tới cả môi trường tự nhiên. Tôn trọng người khác và trân trọng lẫn nhau là điều vô cùng quan trọng. Chỉ một phút lãng quên không trân trọng những chúng sinh khác, bạn đã không còn là một chúng sinh có trí tuệ.
Tình yêu thương và hạnh phúc thế gian
Ngày nay, tình yêu thương thế tục đang trở thành sự ham muốn và là công cụ để kiểm soát những người khác, điều đó đã biến nó trở thành thảm họa. “Yêu thương” đối với nhiều người trong chúng ta có nghĩa là “kiểm soát”, chứ không hề có nghĩa là “trân trọng” hay “tri ân”. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ tước bỏ quyền của người khác. Đáng buồn nhất là chúng ta luôn nghĩ rằng mình đứng trên hết thảy mọi thứ. Thậm chí chúng ta còn tìm cách tạo tác cả thiên nhiên, nhân danh “tình yêu đối với thiên nhiên”, song chúng ta lại không hề tôn trọng, tri ân thiên nhiên. Chúng ta yêu thương cái gọi là “tự nhiên” do chúng ta tạo tác xuất phát từ ham muốn của mình. Nhưng chúng ta quên, thiên nhiên không thể nào tạo tác, nó vốn tồn tại sẵn và chúng ta là một phần trong đó. Điều quan trọng hàng đầu là tình yêu thương phải được hiểu theo nghĩa “trân trọng” và “tri ân”, chứ không phải là ham muốn hay phương tiện chiếm hữu. Chúng ta cần phải hiểu và tri ân mọi thứ trên thế gian vì tất cả đều là một phần của tự nhiên, chúng ta cần phải cùng nhau tồn tại trong hòa bình và cân bằng hòa hợp, nếu không thì chắc chắn thảm họa sẽ nảy sinh.
Đức Phật Thế tôn, trong bài pháp về Tứ diệu đế, đã chỉ ra rằng, chúng sinh ai ai cũng mong cầu hạnh phúc, nhưng trên con đường để đạt được hạnh phúc cho bản thân, do không hiểu được hạnh phúc đích thực là gì và đâu là nhân của hạnh phúc, họ lại tạo ra những nhân của khổ đau. Bởi vậy, chúng sinh cứ mãi trôi lăn trong vòng luân hồi thống khổ vô cùng tận. Chúng ta tri ân công đức sinh thành của cha mẹ, mong cầu cha mẹ được hạnh phúc, bình an. Nhưng do không hiểu giáo pháp, chúng ta có thể giết hại rất nhiều động vật, dâng lên cha mẹ để mong cha mẹ có món ăn ngon miệng, hoặc chúng ta mang đến cho cha mẹ nhiều của cải vật chất và nghĩ rằng đó là thứ duy nhất mang lại sự vui lòng cho cha mẹ. Như vậy để cha mẹ hạnh phúc, chúng ta đã tạo ra rất nhiều những nghiệp bất thiện, đó là chưa kể những hạnh phúc đó rất mong manh, giả tạm và đầy những ảo tưởng sai lầm.
Để báo đáp ân đức của cha mẹ, bạn hãy chân thành thực hành Pháp, nhận ra chính mình và cố gắng giải thoát cho họ. Hãy ban tặng cho cha mẹ giáo pháp nếu mình thực sự đủ năng lực hoặc hướng cha mẹ tới đạo tràng, gặp chúng tăng thanh tịnh, để cha mẹ hiểu được giáo pháp, hiểu được ý nghĩa và mục đích chân thực của cuộc đời, để có thể trải nghiệm được niềm hạnh phúc và sự bình an đích thực.
Yêu thương, tôn trọng và tri ân hết thảy chúng hữu tình
Để tiến xa hơn một bước trên con đường thực hành Phật pháp, đối với mỗi người mong nguyện phát triển Bồ đề tâm, chúng ta cần học hỏi nhiều hơn để thấu hiểu rằng, mọi chúng hữu tình trong các đời trước đều từng là mẹ của mình. Hãy hình dung tới tình yêu thương của mẹ trong cảnh giới súc sinh, ngay đến chim chóc, côn trùng nhỏ bé hay những con vật khác, những con thú mẹ cũng cho con của chúng tình yêu thương và sự chăm sóc cao cả nhất. Trong các khóa lễ, chúng ta thường cầu nguyện câu “hết thảy chúng sinh mẹ…”. Điều này có nghĩa là, trong vô vàn kiếp đời quá khứ, chúng ta đã nhận vô vàn chúng sinh là mẹ mình, một vài trong số đó, vào kiếp đời này, có thể là bạn ta, là vật nuôi của ta, là đối tác kinh doanh, thậm chí có thể là kẻ thù. Khi quán chiếu một cách sâu sắc như vậy, nếu bạn có thể nhớ được rằng, trong đời này mẹ đã yêu thương chăm lo cho mình như thế nào, thì trong mỗi kiếp đời quá khứ, những chúng sinh mẹ đó cũng yêu thương quan tâm đến bạn chừng ấy. Khi bạn có suy nghĩ và hiểu biết như vậy, bạn sẽ phát khởi được tâm nguyện đền đáp ân đức của những chúng sinh mẹ trong ba đời đang chịu đau khổ trong luân hồi và để mong nguyện mang lại hạnh phúc đích thực cho họ, chúng ta phát nguyện thành tựu Phật quả giải thoát. Khi có được hiểu biết và suy nghĩ như vậy, bạn sẽ không thể làm hại bất cứ ai, bạn sẽ không thể nghĩ đến việc giết hại hay đoạt mạng sống của bất cứ chúng sinh nào, bạn sẽ không thể nghĩ đến việc lạm dụng, ngược đãi bất cứ chúng sinh nào, bởi vì tất cả mọi chúng sinh đều là “chúng sinh mẹ”.
Mùa Vu Lan đã về. Có rất nhiều các hoạt động để tri ân, hướng tình yêu thương và lòng kính trọng tới đấng sinh thành. Điều chúng ta cần làm là biến tất cả mọi ngày đều trở thành Ngày của tri ân và luôn nhắc nhở bản thân rằng tất cả mọi chúng sinh trong một kiếp nào đó đều đã là mẹ mình. Chúng ta hãy nghĩ về tình cha, mẹ, về công ơn và ân đức của cha, mẹ. Chúng ta hãy trân trọng và tri ân tình cảm và ân đức của tất cả những ai đã là cha mẹ ta trong vô lượng kiếp. Đây chính là bài thực hành tâm linh và thực hành Bồ tát đạo đối với mỗi người con Phật.
Đức Phật đã dạy về Bồ Đề tâm hạnh và Bồ Đề tâm nguyện. Bồ Đề tâm hạnh có thể hiểu là những tâm nguyện mang lại lợi ích giải thoát cho bản thân và muôn loài chúng hữu tình. Bồ Đề tâm hạnh là những công hạnh để thành tựu tâm nguyện cao quý đó. Là người phật tử, chúng ta may mắn được lắng nghe, thụ nhận và thực hành giáo pháp giải thoát. Trong tháng Vu Lan, chúng ta vẫn rất cần dành công phu nghiêm cẩn để tụng kinh, niệm Phật, thiền định, nhằm khai triển từ bi, trí tuệ nơi chính mình. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng rất cần các thiện hạnh bên ngoài, biến bi tâm và trí tuệ thành hành động lợi ích chúng sinh.
Tác giả: Trần Nam Cường Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2018
Bình luận (0)