Tóm tắt

Việt Nam và Ấn Độ có một mối quan hệ cội rễ về văn hoá. Tư tưởng Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm, thời Lý Trần trở thành quốc giáo, hiện tại Phật giáo đã ăn sâu vào tâm hồn Việt, đa phần người Việt theo đạo Phật, tạo nên nền tảng vững chắc cho tương đồng văn hoá. Ngày nay, ngoại giao văn hoá trở thành một quyền lực mềm. Vì vậy, dựa trên sự hoà hợp về nền tảng văn hoá truyền thống của hai quốc gia, Ấn Độ và Việt Nam cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu mà hai nước cùng quan tâm. Trong thời đại khủng hoảng môi trường, trở về với triết lí "kính uý sinh mệnh" của Phật giáo để tìm giải pháp tư tưởng cho việc bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Trong tham luận này, chúng tôi tìm hiểu motif cốt truyện đồ tể, đi săn, để thấy từ góc nhìn Phật giáo, văn xuôi sinh thái đương đại Việt Nam đã đưa ra những thông điệp quan trọng để kiến lập nên chủ nghĩa nhân văn sinh thái.

Từ khóa: văn xuôi sinh thái, khủng hoảng sinh thái, Phật giáo

Viet Nam and India have a rooted relationship in culture. Buddhism has appeared in Vietnam for a long time. In Ly Tran dynasty, it became the the national religion. At the present time, the majority of Vietnamese are Buddhists, which has created the solid foundation for cultural similarities with India. Today, cultural diplomacy is becoming a the soft power. So, based on the harmony of traditional cultural foundation, India and Vietnam proposed solutions to resolve global issues of mutual interest. In the age of environmental crisis, the return to the concept of "Awing life" of Buddhist is a solution for the protection universe in nature and the balance of the ecosystem. In this article, we studied the plot about the butcher, the hunter. From viewpoint of the Buddhist, contemporary ecological Vietnamese prose have given important messages to establish the ecological humanism.

Keywords: ecological prose, ecological crisis, Buddhism

***

Thế kỉ XXI là thế kỉ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ sinh thái nhất nhưng đồng thời đây cũng là thế kỉ sẽ nảy nở và phát triển các trào lưu sinh thái. Vấn đề khủng hoảng môi trường không phải vấn đề của mỗi quốc gia dân tộc nữa mà là vấn đề của toàn nhân loại. Có rất nhiều động thái trên thế giới thể hiện sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đến các vấn đề sinh thái nhằm thức tỉnh nhân loại trước những nguy cơ đe dọa của khủng hoảng môi trường. Theo Cheryll Glotfelty, từ các sử gia đến các nhà tâm lí học, các triết gia và các nhà hoạt động tôn giáo đều đã đặt ra những vấn đề môi trường từ những năm 1970. Tìm về các tôn giáo Phương Đông được coi là “hệ thống tôn giáo chứa đầy các tín điều sáng suốt về tự nhiên và thế giới tinh thần” [2, 95]; quay sang tư tưởng, tôn giáo, triết học phương Đông hi vọng có thể tìm ra phương pháp giải quyết nguy cơ sinh thái [Xem thêm 13]. Trong đó, Phật giáo với tư tưởng "vạn vật bình đẳng", coi con người hay giới vô tình đều có Phật tính đã tạo nên một nền tảng tư tưởng vững chắc cho việc tái thiết sinh thái.

Các nhà Phật học cho rằng nguồn gốc của khủng hoảng sinh thái là do con người quá tham lam, u mê, độc ác. Tự hào rằng mình là loài có trí tuệ nên có thể điều khiển Trái Đất theo ý muốn. Kì thực, con người chỉ là một phần bé nhỏ trong hệ sinh thái này mà thôi, nếu không nhanh chóng tỉnh thức để điều khển hành vi, nền văn minh của loài người sẽ là "nền văn minh không thể chế ngự". Trong thời đại khủng hoảng môi trường, ánh sáng của Phật pháp song chiếu với các tư tưởng sinh thái phương Tây hiện đại được tập hợp trong dịch phẩm Đạo Phật và Môi trường của Thích Nhuật Đạt [8] cho thấy tư tưởng Phật giáo đương đại cảnh tỉnh về tình trạng Trái Đất đang lâm nguy… Cuộc đối thoại giữa Daisaku Ikeda và Aurelio Peccei rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thế kỉ XXI [5], "cảnh tỉnh để lo thu tập và cứu nguy môi trường" [9], để cầu về mối tương duyên tương sinh của muôn loài trên Trái Đất của Thích Nhất Hạnh [4]. Đạo Phật là thức tỉnh. Tỉnh thức để tìm ra con đường sáng, thoát khỏi mê chấp để cứu vãn trái đất, tìm ra những giải pháp để sống hài hoà với vạn vật xung quanh để yên ổn và hạnh phúc.

1. Quan niệm loài vật có sinh mệnh

"Con người ai ai cũng yêu tiếc mạng sống, muôn vật loài nào cũng mong muốn được sinh tồn" [10, tr 9]. Câu nói này xuất phát từ quan niệm "loài vô tình có tính giác". Do vậy trong thực tiễn Phật giáo Cấm sát sinh, Phóng sinh và Ăn chay; Giới tại gia không làm các nhà nghề như đánh bắt cá, săn bắt, giết mổ… để mưu sinh. Quan niệm muôn loài cũng có Phật tính rất gần với các nhà văn có tư tưởng sinh thái: loài vật có tâm hồn, tình cảm, tính cách, ngôn ngữ. Nhà văn Mạc Ngôn từng phát biểu “Khi đó tôi bỗng cảm thấy cỏ cây quanh mình, và cả bò dê nữa, đều có thể trò chuyện với con người, chúng chẳng những có sinh mệnh, mà còn có cả tình cảm nữa” [7, tr 9].

Loài vật có trí khôn, sự thông thái và hiểu biết. Ông Diểu (Muối của rừng – Nguyễn Huy Thiệp) nhận xét loài khỉ “Loài thú này khôn tựa như người, khi kiếm ăn bao giờ cũng có canh gác (…) con canh gác rất thính. Không thấy nó thì đừng hòng cuộc săn thắng lợi, đừng có hòng bắn được con át chủ bài”. Mại (Chuyến đi săn cuối cùng – Sương Nguyệt Minh) cũng bị một con khỉ mốc đánh lạc hướng để đàn của nó trốn thoát. Anh đuổi theo con khỉ nhưng cứ bị nó lừa, giả bị trúng đạn, khi anh đến gần nó lại vụt tót lên cành cây cao “Cứ thế, nó cứ như người nhử mồi, anh đuổi theo bắt bóng. Con khỉ đã thành tinh của rừng xanh thật rồi, nó nhanh nhẹn, tàng hình như ma. Anh phát hiện khỉ không chỉ biết bẻ bắp ăn mà còn biết cách mang về bằng cách thức thông minh “Nó biết lấy dây rừng buộc vòng quanh bụng và đi bẻ ngô non dắt vào”. Trí thông minh mang bản năng giống loài giúp chó Bi (Chó Bi, đời lưu lạc, Ma Văn Kháng) có thể phân biệt kẻ tốt người xấu một cách rạch ròi. Nó quất quýt với những người có học vấn, có nhân cách cao và chan chứa tình thương với nó như bà giáo Trang, cậu Toản, ông Thuần, người phóng viên báo Lao động... và tỏ ra cực kì nhạy cảm và quyết tâm truy kích đến cùng cái Ác mỗi khi có cơ hội với những người như ông Mệnh, Viển cụt, Xuân Chương, bà Lan...

Nhiều tích truyện Phật giáo toát lên ý tưởng "hết thảy muôn loài đều yêu con không khác gì người" [10, tr 285], những câu chuyện tình mẫu tử của loài vật chạm đến đáy tâm hồn: con hổ sắp chết đói vẫn cố lết thân tàn cho 7 đứa con bú mớm; con chim mẹ trúng tên của Đặng Chi vẫn mang mũi tên trên thân mà mớm cho con ăn, ngậm mồi nhả bên cạnh rồi mới chết… Những motif này tiếp tục được các nhà văn sinh thái tái thiết trở lại. Tình mẫu tử của con khỉ cứu đứa con khi bị thương khiến chúng ta cảm động “Trên cành cây cao không lá, mẹ con đang ngồi phơi nắng. Nó rúc vú mẹ. Một mũi tên găm “phập” sau lưng, khỉ mẹ rùng mình loạng choạng giữ con bám chặt cành. Máu chảy nhuộm màu lông vàng tía, nhỏ giọt xuống lá rừng tí tách. Khỉ mẹ dồn hơi sức cuối cùng tìm cho con một chỗ nương thân, nước nhỏ theo giọt máu. Nén đau cố ôm chặt con trong lòng, tay chuyền cành xuống thấp tìm hết gốc cây này đến gốc cây khác đặt con, hi vọng bầy đàn tìm đến mang đi” (Lão Sìn và khỉ con, Đào Hiếu). Loài vật có tình cảm rất sâu nặng: tình mẫu tử, tình đôi lứa, tình cảm bầy đàn: con khỉ cái lẽo đẽo đi theo người thợ săn (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp); khi bị chia lìa, những con khỉ trên đảo bơi đi để tìm bạn tình cho đến chết; khỉ con chết, khỉ mẹ đau đớn ôm đứa con cho đến nỗi cái xác thối rữa mới chịu buông ra (Giường đôi xóm Chùa, Đoàn Lê)...

Loài vật cảm nhận đời sống riêng theo cách của nó, có một cảm quan đặc biệt trong việc cảm giác về cuộc sống và con người. Bi có khả năng đặc biệt của loài, sự thính nhạy trong giác quan: “Bi nhận ra tôi có lẽ từ khoảng cách vài chục mét… Nó có cái mũi tinh tế vào loại siêu cấp. Thành ra chưa trông thấy nó, tôi đã nghe thấy nó mừng rối rít rồi. Tới khi tôi rẽ vào cổng, nhìn thấy cái mõm ngắn của nó thò ra ở khe cửa, chưa kịp gọi, nó đã chồm lên phía trong cửa gỗ, cào càn cạt và cất tiếng toang toang: Đi đâu mà lâu thế, nhanh lên, anh” (Chó Bi, đời lưu lạc, Ma Văn Kháng). Sự thính nhạy đó đã giúp Bi phát hiện ra ba của Toản ngay khi ông mới ra tù và đi theo ông trong suốt những tháng ngày lưu lạc sau đó (khứu giác của Bi ngửi thấy mùi của ông còn vương lại trên khăn áo, thư từ). Bi có một khả năng ghi nhớ tuyệt vời, lúc trên chiếc tàu thủy, giữa những nhốn nháo của đủ loại mùi, Bi vẫn nhận ra kẻ thù, và cứu chủ nó khỏi sự truy sát của kẻ thù. Phật giáo cũng khẳng định loài vật có ân tình, vậy nên khi vị quan huyện lệnh Phan Hoa, người từng ban lệnh cấm bắt cá, về kinh thành, cá khóc cảm động lòng người; chim bồ câu chết bên mộ người đã cứu chúng, kiến đưa tin trả ơn người đã cứu mạng mình…

Tư tưởng "vô tình hữu tính""chúng sinh bình đẳng" tôn trọng sinh mệnh của Phật giáo quả rất gần với các nhà văn sinh thái. Coi loài vật là sinh linh có tâm hồn, biết đồng cảm và chia sẻ, các tác giả đã giúp cho chúng ta khỏi trượt xa trong cái nhìn duy ý chí về vạn vật, để trở lại với tâm thức sống hòa hợp tự nhiên, khôi phục lại cái khách thể tự nhiên câm nín bên cạnh chúng ta: “Một trong những sứ mệnh của văn học nghệ thuật sinh thái là thức tỉnh những khách thể trầm lặng đang bị tổn thương một cách nghiêm trọng xung quanh chúng ta, khôi phục thân phận chủ thể vốn có của nó” [11, tr 17].

2. Niềm cảm thông vô biên với vạn vật

Descartes, triết gia người Pháp thế kỉ XVII đã giải phóng con người khỏi boăn khoăn về nỗi đau đớn của con vật và trở thành người chủ sở hữu tự nhiên bằng cách quan niệm “những con vật chẳng là gì hơn và hoặc chẳng là gì khác những cỗ máy cơ giới rất phức tạp” [1, tr 31]. Tất nhiên, rất nhiều quan điểm tôn giáo và triết học phản đối quan điểm đó: “phủ nhận việc loài vật có thể thể hiện sự thích thú và nỗi đau… cứ như thể bằng tiếng kêu, tiếng rên rỉ của mình, những con vật chẳng phàn nàn gì về nỗi đau thể xác, ngay cả khi chúng bị bỏ rơi, bị nhốt, bị sập bẫy, bị cách li với con cái, chịu những nỗi đau tinh thần… Cứ như thể chúng không cảm thấy lo âu” [1, tr 48]. Coi loài vật có sinh mệnh nghĩa là thay đổi quan niệm về chính con người, không phải con người độc quyền có ngôn ngữ, tư duy, tình cảm và cảm xúc. Nhà thơ Mỹ, Stephen H. Schneider cho rằng động vật cỏ cây đều có quyền của chính nó. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra loài vật cũng có tư duy, ví như con ngựa có tư duy như một đứa trẻ [6, tr 208]. Do vậy, người ta mới đặt ra quyền của động vật, bởi một khi loài vật cũng có những đặc điểm như con người, vậy tại sao xâm hại đến phần bị đau của đồng loại thì trái với nhân đạo còn với động vật thì được phép?

Phật giáo quan niệm mọi vật cũng như mình, đều tham sống sợ chết "Hết thảy loài vật đều ham sống sợ chết, tìm chỗ an ổn, tránh chỗ nguy hại, so với tâm lí con người không khác" [10, tr 5]. Cảm thông vô biên với vạn vật, thái tử Ma Hà Tát Thanh (tiền thân của đức Phật) xả thân cho hổ ăn thịt. Coi cảm giác đói của con vật và bầy con của nó cũng giống như cảm giác đói của mình, coi lòng xót thương mẹ hổ dành cho bầy con sắp chết đói cũng là nỗi đau của mình. Hành động quên mình giản dị mà thiết thực. Ngay cả việc an cư của chư tăng vào mùa mưa, ngoài ý nghĩa dành một thời gian nhất định để tu tập, phát triển đời sống tâm linh, còn gồm cả mục đích không gây hại cho loài sinh vật khác trong thời kì nảy mầm, sinh sôi phát triển.

Phật giáo nhấn mạnh sự tôn trọng đối với sinh mệnh khác. “Tất cả chúng sinh đều có ân với mình, làm sao có thể giết chúng để ăn? Giết hại sinh mệnh tức là tạo nghiệp ác, nhất định sẽ nhận lấy báo quả sinh tử” [10, tr 295]. Văn xuôi sinh thái chỉ ra những huyền thoại về các món ăn khiến cho những động vật hoang dã trên bị tiêu diệt. Những con chim sẻ bị bắt vì "Ưu điểm duy nhất của chúng là khi chúng lên đĩa, lúc ấy chúng có tác dụng bổ thận tráng dương" (Bà cụ Cần và đàn chim sẻ, Ma Văn Kháng). Sâm cầm Hồ Tây không còn vì thịt chúng ngon, vì đôi chân đại bổ (Sâm cầm Hồ Tây, Sương Nguyệt Minh), ốc Bụt huyền thoại ở Đồng Nàng bị bắt đến cạn kiệt (Sông, Nguyễn Ngọc Tư), những món ăn như “óc khỉ trường sinh”, “món mèo tam thể chửa” (Nơi hoang dã đồng vọng, Sương Nguyệt Minh; Lão Sìn và con khỉ, Phạm Xuân Hiếu…), món ná hàm: bào thai của con heo (Chuyển nghề, Nguyễn Trí)… cho thấy sự tàn bạo và độc đoán của con người trong việc cư xử với tự nhiên. Nếu như con người lấy sự đau đớn của con vật là niềm vui thì thật ghê sợ. Những vị thực khách điềm nhiên ăn món óc mèo xúc trực tiếp từ cái chỏm đầu bị phạt ngang của nó, còn con vật thì co rút người lại vì đau đớn trong những tràng cười khả ố của họ khiến cho người đọc cảm thấy kinh sợ với cái phần hoang dã, man rợ trong con người (Nơi hoang dã đồng vọng, Sương Nguyệt Minh). Đó cũng là một lời cảnh tỉnh đầy nghiêm khắc về nhân tính.

Con người nhìn thấy cái phi nhân nhất của mình qua hành động giết hại động vật. Vì sao lão Hạc quyết tự tử bằng bả chó? Điều cốt yếu ở chỗ chính là lão thấy nỗi đau của con chó, lão day dứt, ám ảnh với nỗi đau của con vật, nếu con chó là vật vô tri hoặc lão Hạc không nhận ra nỗi đau của con vật thì lão không ám ảnh đến như vậy. Châu (Đồ tể, Nguyễn Trí) nhận thấy sự tinh khôn của con heo “ai nói ngu như lợn là sai, có vào nghề này mới biết nó cũng khôn và biết trước cái chết của mình”, nỗi đau đớn của con trâu “Đau lắm. Chắc là đau đớn lắm nên tiếng kêu bi thương ngoài sức tưởng tượng” nên anh cảm thấy ghê rợn, ám ảnh khi phải làm nghề đồ tể. Khiêm (Không có vua, Nguyễn Huy Thiệp) ám ảnh với nghề đồ tể "em mơ thấy đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười". Ông Diểu (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp) đi săn nhưng chủ yếu cảm nhận “sự tĩnh lặng bình thản của rừng xuyên suốt qua ông”, nên mỗi lần gây tai họa cho khỉ, ông đều ân hận, thảng thốt. Khi dương súng bắn, “sự hỗn loạn của đàn khỉ khiến ông Diểu sợ hãi run lên… Ông đã lộ mặt là tên ám sát”; khi dồn khỉ con đến miệng vực khiến nó lăn xuống, “ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Từ vực sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ… Ông Diểu lùi lại kinh hoàng”; khi vác con khỉ đực bị thương xuống núi, ông chia sẻ cảm giác bị đau với con vật, băng bó vết thương, chăm sóc cho nó, “thấy thương hại”, “tránh nhìn vào mắt nó” vì “dễ mủi lòng”. Kiểu nhân vật đi săn, nhân vật làm nghề đồ tể trong văn xuôi sinh thái, không còn hiện diện với cảm hứng chinh phục tự nhiên, mà nghiêng về cảm giác chia sẻ nỗi đau thể chất với những con vật.

Hầu hết, trong các cốt truyện đi săn trong văn học sau năm 1975, các tác giả đều tập trung khắc họa cảnh những loài vật đang sống yên tâm, vui vầy thì gặp tai họa do người thợ săn gây ra: gia đình khỉ đang vui chơi chuyền cành (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp), con khỉ mẹ đang phơi nắng bắt chấy cho con (Lão Sìn và con khỉ, Phạm Xuân Hiếu), đàn chim sẻ đang mổ những hạt thóc của bà cụ Cần nhân hậu (Bà cụ Cần và đàn chim sẻ, Ma Văn Kháng)… thì tai vạ chợt đến. Tình cảnh này cũng đã được mô tả trong bài hát Người thợ săn và đàn chim nhỏ (Anh Bằng): “Chim yên tâm sống yên bình/Yêu thương nhau trên đầu cành/Đạn vụt bay đến nhanh/Chim chết chim lìa cành” với một nỗi ưu tư, sầu muộn. Do vậy, đi săn không còn là niềm vui chinh phục mà nặng trĩu âu lo về nhân tính “Ông vừa làm điều ác” (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp).

Jacques Vernier trong công trình Sinh thái học nhân văn thống kê “Vào thế kỉ XVI, người ta ước tính rằng cứ 100 năm chúng ta mất đi một loại động vật; năm 1900, mỗi năm ta mất đi một loài, và đến ngày nay người ta cho rằng ít ra mỗi ngày chúng ta mất một loài” [12, tr 112]. Thế nhưng, những con số đáng báo động ấy vẫn không tỉnh thức được nhân loại. Mà phải xuất phát từ việc coi trọng kến lập tâm linh sinh thái. Không nên phân biệt giữa vật với ta "Hết thảy muôn loài mang máu huyết thần khí đều có tri giác cảm nhận, hết thảy những sinh vật động đậy bay nhảy đều chung một thể tánh với ta" [10, tr 279]. Phân biệt vật và ta là đầu mối của mọi sinh ly, giết hại. Điều này là điểm cốt lõi để tỉnh thức, vì vẫn coi sinh thái và chúng ta là những thực thể khác biệt nên chúng ta vẫn loay hoay với việc tìm ra tư tưởng để tái thiết sinh thái.

3. Kính sợ sinh mệnh tự nhiên

Hình thức kể chuyện của Phật giáo rất gần nghệ thuật kể chuyện của văn học. Người đọc đi vào thế giới tâm linh sâu thẳm qua những bài học luân lí. Những tích truyện Phật giáo… với nghệ thuật kể chuyện vừa chân thực vừa thấm đẫm yếu tố thần kì hư ảo đã tạo nên hiệu quả thẩm mĩ. Những bài học về tự nhiên có những logic huyền bí của nó, nếu con người ta cư xử một cách ngỗ ngược thì sẽ bị trừng phạt một cách thê thảm trong những câu chuyện như cá khóc cảm động lòng người; phá tổ chim bị đốt khô chân; khuyên đừng ăn cua; người với nai cùng chết… là những lời cảnh tỉnh đầy nghiêm khắc của việc tàn hại loài vật. Hình thức kể chuyện kì ảo này được các nhà văn sinh thái sử dụng triệt để nhằm thể hiện ý thức trách nhiệm với môi trường. Tiêu biểu như Mạc Can với Con cua màu rêu, Mổ heo, kể theo sách "Truyền kì trích quái": người ăn nằm với tinh cua; giết hại heo, con gái người bán thịt bị quả báo thành người heo… Xen lẫn cái kì ảo, nhà văn tô đậm đến việc gây sự với tự nhiên, con người bị quả báo, khoan dung với tự nhiên con người được ân thưởng hạnh phúc. Kính sợ sinh mệnh tự nhiên cũng là thông điệp của Sói trả thù (Nguyễn Huy Thiệp). Ông Hoàng Văn Nhân là một tay súng cự phách, khi đi săn thú thường mang con trai đi cùng. Năm đứa bé 12 tuổi, ông cùng đoàn thợ săn truy sát một con sói mẹ vào tận hang ổ của nó. Ông giết con sói mẹ và mang con sói con đẹp nhất về nuôi giữa đám chó nhà. Năm sau, vào bữa tiệc sinh nhật con trai, ông quyết định giết con sói. Không may, đứa trẻ đi xuống cầu thang, vấp ngã ngay chỗ con sói đang bị xích. Vết máu của đứa trẻ đánh thức dậy hồi ức đau đớn xa xưa ngủ kĩ trong tâm thức con sói: trước khi chết, sói mẹ cắn nhẹ để lại một vết sẹo nhỏ trên trán sói con. Con sói lao vào giết đứa bé. Trước hành động cắn xé tàn bạo của con sói với cậu con trai, ông Hoàng Văn Nhân không giết mà chặt đứt dây xích để sói chạy vào rừng. Có lẽ trong lúc đau đớn trước cái chết thảm khốc của con trai, ông đã hiểu được sự bất hạnh của bầy sói mà ông tàn sát. Ông đã ngộ ra bài học đau đớn “hãy biết sợ rừng” [8, 78]. Quả như lời răn mừng sinh con không nên giết hại: "Nhà giàu nếu sinh được một đứa con thì trân quý như ngọc báu, nhưng thấy con vật lạc khỏi bầy liền [nghĩ ngay đến việc] bắt lấy làm món ăn… không chịu nghĩ đến việc hết thảy muôn loài đều biết yêu thương con không khác gì mình" [10, tr 52].

Nếu như, trong văn học Việt Nam trước đó, motif cốt truyện đi săn thường thiên về cảm hứng ca ngợi sức mạnh con người chiến thắng thiên nhiên hoang dã, dữ dằn (Bắt sấu rừng U Minh hạ, Con heo khịt, Sơn Nam; bắt cá sấu, bắt rắn trong Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi…) thì văn học sau 1975 tô nhấn về cảm giác khi tàn sát tự nhiên con người sẽ mất hết tất cả: Ông Diểu đi săn nhưng cuối cùng súng mất, ông tha bổng con khỉ, áo quần và thức ăn để lại bị tổ mối đùn hết, ông trần truồng trở về nhà (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp); đoàn người đi săn voi, đạn lạc khiến một người chết, con voi đầu đàn bị thương được những con voi đực hợp sức đưa vào rừng sâu (Mưa đỉnh núi xa, Hoa Ngõ Hạnh); hai anh em rủ nhau đi săn, đêm tối, ngỡ tiếng chân nai Dần bắn nhầm anh Sinh (Nghiệp rừng, Triệu Hoàng Giang), … Motif truyện đi săn đương đại Việt Nam toát lên ý niệm, nếu như anh chống lại tự nhiên sinh thành ra anh thì cuối cùng sẽ trở nên trắng tay. Các nhân vật làm nghề giết hại muôn loài trong Nơi hoang dã đồng vọng (Sương Nguyệt Minh) đều bị quả báo: bố Lài làm nghề bắt rắn, sơ ý để rắn sổng hom cắn chết mẹ Lài khi cô còn ẵm ngửa, ông bỏ nghề nhưng có truyền lại cho một người học trò, anh này cũng bị rắn cắn phải chặt đứt ngón tay, bà chủ nhà hàng bị rắn cắn phải cưa chân mới cứu được mạng sống. Giết rắn, giết mèo để ăn thịt còn để lại một hậu quả dài lâu hơn, không còn loài nào để bắt chuột, nông thôn lâm vào cảnh mất mùa thê thảm, thành phố bị chuột hoành hành “Dạo này cúm gà cả nước, người ta sợ vi rút H5N1, các quán ăn nhậu dính dáng đến gà đều đóng cửa. Người ta quay sang ăn thỏ, ăn mèo. Quán Tiểu hổ mọc lên như nấm trong thành phố. Mèo ít đi thì chuột nhiều lên, đúng là một sự mất cân bằng sinh thái tai hại”, chúng thậm chí còn gặm nhấm chân đôi chân bại liệt của bà chủ chỉ còn trơ xương trắng hếu. Câu chuyện thật bạo liệt nhưng nó là lời cảnh tỉnh thật sâu sắc.

Một số truyện của của Trần Duy Phiên (Mối và người, Kiến và người…) cảnh báo về sự trả thù của tự nhiên nếu con người không biết đâu là giới hạn. Cứ mãi khai thác tự nhiên, không tôn trọng sinh mạng – dù nhỏ nhoi như con mối, con kiến thì cũng sẽ có lúc con người bị trừng trị lại: “Như kẻ thù chờ nhau, nghe động, bọn kiến ngóc cao đầu”; “Từ lâu tôi dè chừng chúng đòi đất lại. Chúng nuôi mộng “phục quốc” mà”. Khi những sinh mệnh tự nhiên trả thù, con người không thể có phương thức nào có thể chống đỡ được: “Trại gà cậu Bảy bị mối tập kích. Trận này, chúng nó đại thắng, cậu Bảy, già Nu và chúng con đại bại (…) trước khi trời sáng chúng nó đã rút lui an toàn”. Trong cuộc chiến đấu với kiến, lần nào con người cũng thua thiệt, chỉ nhận được thất bại mà thôi dù có trong tay đủ mọi phương tiện khoa học. Trước sự tấn công âm thầm của mối, ánh sáng điện - sản phẩm của văn minh, dù chuồng trại theo dây chuyền hiện đại thì đàn gà bị nhốt cũng không giải cứu được mọi người; trước sức tàn phá của kiến thì thuốc diệt côn trùng, bình phun, dầu hôi… những vũ khí của văn minh loài người cũng trở nên vô dụng, thậm chí, cả những sức mạnh to lớn mà con người đưa ra chinh phạt cũng trở thành trò cười “Cái dùi của công an đập đến ngày nào cho hết rừng kiến này… Bộ đội ta không quen chiến đấu với thứ giặc li ti này đâu… Trên thế giới, đã có nước nào chế tạo ra súng bắn kiến”. Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra sai lầm của việc làm trái tự nhiên “Bố cháu đã sai lầm. Bố đã đào một con sông ngược vào núi”. Các nhân vật rời phố thị lên rừng để lập trại chăn nuôi, trồng trọt như là một ẩn dụ cho việc con người đang ngày càng xâm lấn tự nhiên, dành đất sống của muôn loài, khai thác cạn kiệt tự nhiên: “Đất rừng của chúng đâu phải của mình", “Đất này nguyên là giang sơn của mối. Ông Bảy đặt trại, cho máy ủi bằng, cày nát ụ đống, mồ mả tổ tiên nhà chúng. Đã thế ông còn dùng đèn nhử chúng làm mồi nuôi gà (…). Con người cần phải biết kính sợ sinh mệnh tự nhiên, biết yêu từng sinh mạng thấp kém như Hoằng Nhất pháp sư, trước khi ngồi xuống đều cẩn thận từng li từng tí rung ghế để côn trùng không bị chết uổng; như chú Sa di cởi áo cà sa cứu đàn kiến khỏi nước lũ… "Một sinh mạng dù thấp kém thế nào đi chăng nữa trên thế giới này đều nên có một chỗ đứng của riêng mình" [3, tr 177] bởi vì “Thế giới sinh vật là một “dây chuyền sống” cực kì tế nhị và người ta không thể phá hủy một mắt xích trong dây chuyền này mà không bị trừng phạt” [12, tr 113].

4. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái trên nền tảng tư tưởng Phật giáo

Càng ngày, con người văn minh càng phải biết cảm thông với tự nhiên, đó cũng là lí do những tổ chức bảo vệ động vật ra đời, để lên án những hành vi trái với quyền động vật như lấy mật gấu, lấy sừng tê giác, lấy ngà voi… Tại sao việc cứu lấy các động vật hoang dã lại quan trọng? Bởi vì để cứu chúng, con người sẽ phát triển tính người, mà nhân tính lại là cái chúng ta cần có để nhân loại bền vững. Từ quyền con người đến quyền của tự nhiên là bước tiến lớn trên lộ trình nhân văn hóa con người.

Học cách yêu quý muôn loài là cách chúng ta nuôi dưỡng nhân tính. Nương và Ðiền (Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư) chứng kiến cảnh những con vịt của mình bị chôn sống, cảm thấy đau đớn đến nghẹt thở “tôi nghe vịt - của – tôi vẫn còn thoi thóp, chúng đau đớn vì những cái cổ gãy, rối quặt quẹo… cảm nhận được cái thở hướt ngắn dần, ngắn dần của con vật sau cùng”. Con người cảm nhận nỗi đau của con vật như nhận ra nỗi đau của đồng loại: “Họ phởn phơ nói bằng thứ ngôn ngữ buồn cười (bọn chăn vịt chúng tôi chẳng khi nào dùng những chữ “chỉ thị”, “loại trừ tận gốc” hay “giải quyết dứt điểm”…). Thật đơn giản, khi nói “các người phải tiêu hủy bầy vịt”. Cha tôi cáu kỉnh gật đầu. Tôi và Điền kêu lên một tiếng buốt, ôi, những bạn – bè của chúng tôi sắp bị chôn sống nữa rồi”. Ông Khúng (Phiên Chợ Giát, Nguyễn Minh Châu) cảm thấy đau đớn, ám ảnh trước những phản thịt bò bày bán ở chợ, ông không nỡ bán con bò Khoang cho người ta giết thịt mà tha bổng cho nó về rừng. Nhớ lại Vĩnh biệt Gunxarư (Aitmatov), gia đình ông Tanưbai cuống cuồng, đau đớn như thế nào khi không chăm sóc được những con cừu mới đẻ. Cái tình thế đầy đau đớn, tiếng kêu của vật, sự biểu hiện khát sữa thèm ăn… của chúng nhắc nhở con người về một trách nhiệm nặng nề mà anh ta không làm tròn. Khi vác con khỉ đực bị thương xuống núi ông Diểu (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp) băng bó vết thương, chăm sóc cho nó rồi cuối cùng ông thả con khỉ vào rừng như là một hành động chuộc lỗi với tự nhiên và ông đã được đất trời ân thưởng gặp loài hoa tử huyền ba mươi năm mới nở một lần. Tuệ anormal phụ cha làm nghề bắt chó giết thịt nhưng khi chứng kiến cô gái bé nhỏ, gầy nhom lấy hết sức lực của mình ra cứu con chó thì động lòng trắc ẩn thả con chó ra và từ bỏ nghề, đồng thời suốt đời giữ một tình yêu thầm lặng, câm nín, tôn thờ cô gái bé nhỏ nhưng quyết liệt và đa cảm ấy. Tình yêu đó khiến cho anh trở thành “một người yêu vô lượng, một gã đồ tể buông cây dao trong tâm” (Hoa tre nở, Quế Hương). Người vợ (Giải vía, Hà Thị Cẩm Anh) cứu con hổ khỏi làn cung tên của người chồng, chấp nhận từ bỏ hạnh phúc riêng tư, chịu đựng sự kì thị của đồng loại để cứu vớt các sinh linh trú ngụ trong rừng.

Khi nói đến đạo đức, chúng ta chỉ chú ý tới quan hệ con người với nhau mà ít chú ý tới quan hệ với tự nhiên. Thực chất, con người cần phải giao tiếp với cái ngoài nó, với cái phi nhân loại (nonhuman) để điều chỉnh đạo đức của mình mới có thể sống yên ổn và hạnh phúc. Nếu con người chỉ coi tự nhiên là giới vô tri, phục vụ cho lợi ích thực dụng của mình, mà không nhận thấy, đó còn là một thế giới khác để con người giao tiếp với cái ngoài nó, mất đi chiều giao tiếp với sự sống đó, tâm hồn con người sẽ trở nên què quặt, con người sẽ cảm thấy rất cô đơn. Trong văn xuôi sau năm 1975, đã xuất hiện những kiểu nhân vật biết lắng nghe tiếng nói của thế giới tự nhiên, biết che chở và đồng cảm với những thân phận tự nhiên câm lặng như ông lão (Cái nhìn khắc khoải, Nguyễn Ngọc Tư), ông Sáu (Biển người mênh mông, Nguyễn Ngọc Tư), Nương và Điền (Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư), em (Gió lẻ, Nguyễn Ngọc Tư), người vợ (Mùi cọp, Quý Thể), Đoan (Con chó và vụ li hôn, Dạ Ngân), (Lão Sìn và con khỉ, Phạm Xuân Hiếu), nhân vật người vợ (Giải vía, Hà Thị Cẩm Anh) … Những kiểu nhân vật đó lại chủ yếu là những người phụ nữ, trẻ em, người già… những người nhỏ bé, lẻ bầy, cô độc, lập dị, ngốc nghếch, khiếm khuyết… Nhưng chính những người ở thế yếu, bị đẩy ra bên lề đó là những nhân vật hình thành đạo đức sinh thái mới về tự nhiên.

Văn học từ xưa đến nay ngợi ca bao nhân vật mang vị thế chúa tể muôn loài bằng khát vọng chinh phục tự nhiên: từ Prômêtê, Hecquyn, Uylitxơ đến Hậu Nghệ, Nữ Oa, Ngu công, Sơn Tinh… Vậy nên văn học cũng có lỗi trong việc khiến cho trái đất đang ngày một kiệt quệ. Bởi vậy, sự thay đổi trong suy nghĩ liên quan đến con người với môi trường cần được đổi thay từ chính văn học, nơi thích hợp để phản biện lại những thói quen của tư duy. Để làm được điều đó, cần xây dựng chủ nghĩa nhân văn sinh thái (Ecological humanism) trong văn học: con người phải được miêu tả hài hòa trong chỉnh thể sinh thái, giúp cho tâm hồn con người trở nên phóng khoáng, rộng rãi hơn, biết yêu thương và san sẻ, nâng lên cái giá trị làm người “có khả năng giúp con người khám phá thế giới ngoài thế giới của mình, khiến con người nhạy cảm hơn với tiếng chim ngoài cửa sổ, với tiếng xao xác mơ hồ của chiếc lá lìa cành, với sự hoàn hảo của tạo hoá đối với mỗi loài và cuối cùng, là niềm kiêu hãnh thanh cao vì mình là con người, là chúa tể của muôn loài có khả năng chinh phục nó, bảo tồn nó và ban bố cho nó tấm lòng bao dung chỉ có ở con người!” (Tre hoa nở, Quế Hương)…

***

Thực chất, giải quyết khủng hoảng sinh thái hiện tại nếu chỉ bằng lí trí rất khó thay đổi. Mỗi người cần có trách nhiệm với môi trường từ ngay trong tâm thức mình. Văn học và tôn giáo gần nhau ở điểm tác động trực tiếp vào tình cảm, tư tưởng, tạo chiều sâu, cảm xúc thật khiến mỗi người bừng tỉnh. Do vậy, đã đến lúc cần tích hợp một mối liên hệ liên ngành, xuyên quốc gia trong một nỗ lực toàn cầu về tình trạng Trái đất đang lâm nguy.

Trở về với tư tưởng Phật giáo không thể là giải pháp toàn diện cho những vấn đề môi trường nhưng bằng cách đó, phần nào giữ gìn cho nhân loại khỏi trượt xa trong cách cư xử lí trí, thiếu tôn trọng với tự nhiên. Tâm hồn Việt, tâm hồn Ấn luôn giữ niềm yêu vạn vật từ cội rễ Đông phương vì vậy trong thực tế khủng hoảng của môi trường hiện tại, tìm cách điều chỉnh thái độ với tự nhiên bằng cách trở về những triết luận Phật giáo để tái thiết tâm hồn.

TS Trần Thị Ánh Nguyệt Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

------------------------- Tài liệu tham khảo 1. Fontenay E. (2013), Khi con vật nhìn ta, Hoàng Thanh Thủy dịch NXB Tri Thức, Hà Nội. 2. Cheryll Glotfelty (1996), Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường (trong Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press), Trần Thị Ánh Nguyệt dịch (2014), Tạp chí Sông Hương, số 305 tháng 7, [86 – 95]. 3. Viên Đường Hân, Tạ Chí Cường (2014), Truyện kể Phật giáo, NXB Thời Đại, Tp Hồ Chí Minh. 4. Thích Nhất Hạnh (2014) Tâm tình với đất mẹ, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 5. Daisaku Ikeda và Aurelio Peccei (1993), Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỉ XXI, Trương Chính, Đông Hà dịch, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 6. Desmond Morris (2010), Vượn trần trụi, Vương Ngân Hà dịch, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. 7. Mạc Ngôn (2002) , “Văn học phải làm cho con người tin nhau hơn” (Đối thoại đầu năm giữa Oe Kenzaboko với Mạc Ngôn), Báo Văn nghệ, Số 12 (23/03/2002), tr 9. 8. Nhiều tác giả (2010), Đạo phật và môi trường, Thích Nhuận Đạt dịch, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 9. Thích Trí Siêu (2008), Xin cứu độ mẹ đất, NXB Phương Đông, TP Hồ Chí Minh. 10. Vạn Thiện Tiên Tư (2015), Khuyên người bỏ sự giết hại, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 11. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2013), Tô tem sói của Khương Nhung từ lý thuyết sinh thái, Báo cáo khoa học, Đại học Sư phạm Huế. 12. Jacques Vernier (2002), Môi trường sinh thái, Trương Thị Chí, Trần Chí Đạo dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội. 13. Trần Hải Yến (2014), “Nghiên cứu phê bình sinh thái hiện đại và di sản văn hóa: nhìn từ cách Sinh thái học tìm về Tam giáo” (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo), Hội thảo khoa học Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Viện Văn học. Nguồn: Trần Thị Ánh Nguyệt (2017), “Motif cốt truyện đồ tể, đi săn trong văn xuôi sinh thái Việt Nam đương đại từ góc nhìn Phật giáo”, Hội thảo Quốc Tế Việt Nam - Ấn Độ 45 năm quan hệ ngoại giao và đối tác chiến lược, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, NXB Lí luận chính trị, ISBN 978-604-901-823-7