Trang chủ Chuyên đề Một vài ý kiến với Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Một vài ý kiến với Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Được mời tham dự Hội thảo “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và định hướng” nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học (30/11/1990- 30/11/2020), với tư cách là một bạn đọc và một cộng tác viên, tôi xin mạo muội có một số ý kiến dưới đây.

I. TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC ĐÃ KẾ THỪA, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO MỘT SỐ THÀNH QUẢ TỐT ĐẸP CỦA BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC ĐÂY

1. Kế thừa

Có thể nói, trước thời kỳ chấn hưng Phật giáo, ở Việt Nam chưa có báo chí Phật giáo, mặc dù những sách viết về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam đã có trước đó rất lâu (Thiền Uyển Tập Anh, Khóa Hư Lục, Thiền Uyển Kế Đăng Lục, …). Đến thời kỳ chấn hưng Phật giáo (1934- 1944), báo chí Phật giáo nước ta xuất hiện và có tiếng nói mạnh mẽ về mọi phương diện. Thời đó, trên đất nước ta đã có những báo và tạp chí Phật giáo: Pháp Âm, Từ Bi Âm,Viên Âm, Tiếng Chuông sớm, Đuốc Tuệ, Duy Tâm, Tam Bảo chí, Tiến hóa, Việt Liên,… Những tờ báo và tạp chí trên đây là phương tiện giúp đông đảo tín đồ Phật tử và tăng sĩ thời đó có thêm hiểu biết về giáo lý Phật giáo, về tình hình Phật giáo trong nước.

So sánh với một số báo và tạp chí thời kỳ chấn hưng Phật giáo và gần đây của Phật giáo trong nước, chúng tôi thấy, trong điều kiện xã hội mới, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại, có thể nói, trong mức độ nào đó, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại, nhưng cũng kế thừa những mặt tích cực, ưu việt của các tờ báo và tạp chí Phật giáo trước đây. Chẳng hạn:

Về mặt tôn chỉ mục đích: Tạp chí Nghiên cứu Phật học đề cao phương châm “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội”. Điều đó thể hiện ở nội dung các bài viết.

Về tư tưởng: Đề cao nếp sống của nhà Phật là từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, yêu chuộng hòa bình, đề cao tứ ân hiếu nghĩa, đồng hành cùng dân tộc

Về nội dung bài vở: Tạp chí vừa đảm bảo tính ổn định cho một vài chuyên mục của các số, vừa có tính tính định hướng tuyên truyền cho dịp lễ hội, ngày kỷ niệm lớn của Giáo hội và của đất nước, như: lễ Vu lan báo hiếu, lễ Phật đản, ngày quốc khánh,… Tạp chí cũng có những bài thể hiện sự hưởng ứng các cuộc vận đông lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, như bảo vệ môi trường, bảo vệ trẻ em, an tòan giao thông,…

Về đội ngũ cộng tác viên: Nếu trước đây, tờ Đuốc Tuệ thu hút được những tác giả là những nhân sĩ, trí thức có tên tuổi viết bài (như Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Giáp, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục,..) tạo uy tín cho tạp chí, thì nay, trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học cũng đã xuất hiện những bài viết của nhiều trí thức có tên tuổi, nhiều tăng sĩ có trình độ, nhiều tác giả có kiến thức sâu về Phật học.

Ma so ISSN 3

2. Phát triển và nâng cao

Với sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học kỹ thuật của công nghệ thông tin, công nghệ ấn loát, công nghệ sản xuất giấy, … và đặc biệt là sự đổi mới trong chính sách đối với báo chí, xuất bản của Nhà nước, việc xuất bản sách và báo chí ngày nay thuận lợi rất nhiều so với trước đây. Có thể nói, Tạp chí Nghiên cứu Phật học là một minh chứng cụ thể cho thuận lợi đó. Mở bất kỳ một số nào của Tạp chí, người đọc cũng thấy ngay đây là một ấn phẩm không những có giá trị về mặt học thuật mà nó còn có giá trị về mặt thẩm mỹ: bìa trình bày đẹp, ảnh đẹp, chữ rõ ràng, giấy tốt. Ở thời kỳ trước đổi mới, điều này không thể có được.

Về đội ngũ tác giả, cộng tác viên, biên tập viên: nếu ở thời kỳ chấn hưng Phật giáo, đội ngũ tác giả, cộng tác viên của hàng chục tờ báo và tạp chí chỉ thấy tên tuổi một số nhân vật nổi tiếng xuất hiện (như Tố Liên, Trí Hải, Huệ Tâm, Dương Bá Trạc, Thiều Chửu, Thái Không, Tâm Minh Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền,…) thì nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học có nhiều cộng tác viên ở khắp mọi miền đất nước với các thành phần xã hội khác nhau.

Về vấn đề sử dụng tin bài và cơ cấu tin bài: với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc gửi tin bài thuận tiện, nhanh hơn rất nhiều so với trước. Điều này giúp cho việc sử dụng, biên tập của Ban Biên tập của Tạp chí được thuận lợi và chính xác. Trong cơ cấu tín bài của các số tạp chí, chúng tôi thấy, mặc dù còn chưa phản ánh được sinh hoạt Phật giáo một cách đầy đủ, nhưng đã tỏ ra có nhiều cố gắng.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ

Hiện nay, trên đất nước ta có nhiều báo và tạp chí Phật giáo, có tờ báo là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo (Báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh), có tạp chí là cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học). Bên cạnh đó, ngoài xã hội có hàng trăm tờ báo và tạp chí, phản ánh hoạt động của rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, lứa tuổi và rất nhiều tờ báo điện tử, trang mạng xã hội với vô vàn loại thông tin rất phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh đó, Tạp chí Nghiên cứu Phật học tồn tại được cũng là điều đáng biểu dương.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, Tạp chí Nghiên cứu Phật học ngày nay không phải chỉ dừng lại như những gì đã có mà cần phải phát triển hơn nữa. Để làm được việc đó, Tạp chí cần có một số đổi mới sau đây:

1. Về các chuyên mục và cơ cấu tin bài

Đọc báo Giác ngộ, (cơ quan của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh), chúng ta thấy có đến 16 chuyên mục: Tin tức (thời sự), Văn hóa, Sự kiện- vấn đề, Diễn đàn xây dựng, Phật học, Tư vấn- Tâm linh, Phật giáo- Tuổi trẻ, Phật giáo nước ngoài, Lịch sử, Tự viện, Văn học- Nghệ thuật, Từ thiện xã hội, Y học- sức khỏe, Ẩm thực chay, Bạn đọc- Tòa soạn, Thư viện, Bạn cần biết. Còn Tạp chí Nghiên cứu Phật học có 6 mục, nhưng có mục không ổn định, số có số không (chỉ có 2 chuyên mục là Lịch sử- Triết học và Nghiên cứu- Trao đổi là ổn định).

Theo chúng tôi, thời gian tới, Tạp chí Nghiên cứu Phật học cần giữ ổn định các chuyên mục đã có, đồng thời mở thêm một số chuyên mục mới, như: 1) Những ngôi chùa nổi tiếng, 2) Những danh tăng tiêu biểu, 3) Nhìn ra thế giới, 4) Kinh điển Phật giáo, …

2. Về cách trình bày, chế độ nhuận bút, chế độ thù lao cho người làm Tạp chí

Về cách trình bày: Nên bỏ bớt ảnh mà tăng các bài viết chuyên sâu, bài trao đổi ý kiến; Mục lục nên ghi số trang và tác giả để tiện cho người đọc theo dõi và sử dụng Tạp chí.

Về chế độ nhuận bút: Với 200.000/bài nghiên cứu là quá thấp so với nhuận bút của các báo và tạp chí khác ở nước ta hiện nay. Hội Phật giáo nên có cách kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí thì Tạp chí mới có thể phát triển được.

Về chế độ thù lao cho người làm Tạp chí hiện nay: Cũng cần được các vị lãnh đạo quan tâm để động viên anh chị em chuyên tâm vào công việc. Chúng tôi được biết có anh em, ngoài công việc ở Tạp chí, họ còn phải làm những nghề khác ở ngoài xã hội để sống.

III. TÓM LẠI

Tạp chí Nghiên cứu Phật học là cơ quan ngôn luận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ra đời được 30 năm với một Hội đồng biên tập rất hùng hậu và trình độ học vấn cao, trong thời gian qua đã đóng góp cho xã hội và giáo hội nhiều món ăn tinh thần bổ ích, góp phần không nhỏ vào quá trình “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội”. Tuy nhiên, để Tạp chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình, lãnh đạo Giáo hội cần có sự quan tâm hơn nữa./.

Nguyễn Quang Khải
Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh
HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường