Trang chủ Chuyên đề Một vài suy nghĩ về công tác nghiên cứu Phật học hiện nay

Một vài suy nghĩ về công tác nghiên cứu Phật học hiện nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Đại đức Thích Vạn Lợi
Trung tâm biên, phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế
Thuộc Ban Phật giáo Quốc tế TWGHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có 2 phân viện, 12 Trung tâm và 2 ban, với số lượng khoảng 450 vị Tăng Ni và Cư sĩ là tiến sĩ, nhà nghiên cứu, học giả cùng hoạt động theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật xã hội. Trong nhiệm kỳ này, ngoài công tác dịch thuật, trước tác, đào tạo thì sự nghiệp in ấn, phát hành các ấn phẩm của Viện Nghiên cứu cũng đạt được thành tựu to lớn với hơn 60 tác phẩm, đặc biệt đã ấn hành 19/100 tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, viện phối hợp với các Trung tâm tổ chức 2 buổi tọa đàm, 7 hội thảo khoa học, bên cạnh đó các thành viên của viện cũng thường xuyên tham gia viết bài, tham dự các tọa đàm, hội thảo khoa học trong và ngoài nước.

Để tiếp nối, phát huy những thành tựu vốn có của Viện Nghiên cứu, chúng tôi xin đóng góp thêm ý kiến trên 7 phương diện: 1. Chiến lược bổ sung nhân sự; 2. Đào tạo Tăng Ni, Phật tử theo khuynh hướng cung cấp nhân sự cho các Trung tâm của Viện Nghiên cứu; 3. Viện Nghiên cứu chia ra những chuyên đề nghiên cứu liên quan các ban chuyên trách của Hội đồng Trị sự GHPGVN; 4. Tham gia vào hệ thống giáo dục Phật giáo và giáo dục quốc dân, hướng dẫn nghiên cứu sinh thạc sĩ tiến sĩ Phật học; 5. Liên kết với các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh để làm công tác nghiên cứu tư vấn; 6. Nghiên cứu những vấn đề tư vấn cho các bộ ban ngành của chính phủ; 7. Định hướng phiên dịch các tác phẩm thành tựu nghiên cứu Phật học trên thế giới và trong nước ra tiếng dân tộc anh em và nước ngoài.

1. Chiến lược bổ sung nhân sự

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Tăng tài là pháp khí của Phật giáo”, nên chiến lược đào tạo nhân sự vô cùng quan trọng, đặc biệt lĩnh vực Phật học. Chúng ta nên có kế hoạch đào tạo Tăng tài, chiêu hiền đãi sĩ, thu hút lượng Tăng Ni, Phật tử có chuyên môn cao về Phật học đã được đào tạo trong và ngoài nước để mời tham gia làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian cho Viện Nghiên cứu.

Hàng năm, Viện Nghiên cứu cần có kế hoạch chiêu mộ nhân tài cụ thể, không để mai một, lãng phí số lượng Tăng Ni có khả năng muốn cống hiến phục vụ, làm cho Phật giáo mất đi vị trí trong xã hội và trong giới tri thức học thuật. Lãnh đạo Viện không chỉ làm công tác giữ vững nhân sự cũ mà còn mời thêm nhân sự mới, phân chia công việc khoa học, đoàn kết hỗ trợ, không phân biệt vùng miền, hệ phái, cùng thực hiện những dự án nghiên cứu lớn của Giáo hội.

2. Các Học viện Phật giáo đào tạo Tăng Ni, Phật tử theo khuynh hướng cung cấp nhân sự cho các Trung tâm thuộc Viện Nghiên cứu

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu nên có chiến lược đào tạo người sau này làm nhân sự cho các Trung tâm. Chẳng hạn như, đào tạo người chuyên Hán Nôm để đáp ứng nhân sự cho Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang; đào tạo những người đầy đủ kiến thức liên quan Phật giáo Việt Nam để cung cấp nhân sự cho Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam; đào tạo người có chuyên môn về Thiền học để cung cấp nhân sự cho Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thiền học Nam truyền và Bắc truyền; đào tạo thêm kiến thức cổ ngữ Pali, Sanskrit, Hán ngữ v.v. để cung cấp nhân sự cho Trung tâm nghiên cứu Pali, Sanskrit, Hán truyền; cũng vậy đào tạo Anh ngữ để cung cấp nhân sự cho Trung tâm dịch thuật Phật học Anh Việt; đào tạo thêm nhân sự có hiểu biết kiến thức về Phật giáo Nam truyền để cung ứng cho Trung tâm nghiên cứu Nam Tông Khmer; đào tạo, bồi dưỡng những người có khả năng, đam mê văn học để cung ứng nhân sự cho Trung tâm nghiên cứu Văn học Việt Nam; đào tạo kiến thức tôn giáo học để cung ứng nhân sự cho Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo; đặc biệt cần chú trọng đào tạo người có chuyên môn biên tập, in ấn, xuất bản để cung cấp nhân sự cho việc dàn trang, thiết kế, xuất bản Đại tạng kinh và các ấn phẩm của Viện Nghiên cứu.

Ma so ISSN 3

3. Viện Nghiên cứu chia ra những chuyên đề nghiên cứu liên quan các Ban chuyên trách của Hội đồng Trị sự

Nếu như Viện Nghiên cứu có nhân sự đầy đủ, tài lực phong phú, thì lãnh đạo Viện Nghiên cứu nên định hướng một bộ phận nhân sự chuyên nghiên cứu, nhằm đánh giá thành tựu hoạt động của các ban: Tăng sự, Hoằng pháp, Giáo dục Phật giáo, Nghi lễ, Văn hóa, Hướng dẫn Phật tử, Kinh tế Tài chính, Thông tin Truyền thông, Từ thiện Xã hội, Pháp chế, Kiểm soát, Phật giáo Quốc tế. Từ việc đánh giá một cách khách quan đó đưa ra ưu khuyết của các ban, đồng thời tư vấn một cách độc lập để các ban có thể phát huy mạnh mẽ được công tác của ban mình, liên kết chặt chẽ hoạt động của các ban trên tinh thần đoàn kết, phát triển trí tuệ của Giáo hội.

4. Tham gia vào hệ thống Giáo dục Phật giáo và Giáo dục Quốc dân, đặc biệt hướng dẫn Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học

Đối với thành viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chư Tôn đức lãnh đạo nên giới thiệu các vị tiến sĩ, thạc sĩ trẻ tham gia sâu vào hệ thống Giáo dục Phật giáo nước nhà, đặc biệt tham gia hướng dẫn Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Đối với những người có đủ điều kiện, khả năng thì giới thiệu tham gia giảng dạy ở các trường đại học,… Bởi vì các vị Tăng Ni mới tốt nghiệp nếu không có môi trường nghiên cứu, giảng dạy, thiếu cơ duyên rèn luyện, thì kiến thức sẽ dần bị mai một, kỹ năng viết lách khó thành thạo, phương pháp ứng dụng khó đạt đến điêu luyện. Như vậy thật uổng phí công sức tu luyện, trau dồi tri thức nhân loại.

5. Liên kết với các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố để làm công tác nghiên cứu, tư vấn

Hiện nay, một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh cụ thể như: Bình Định, Thái Nguyên,… đã tổ chức hội thảo khoa học về Phật giáo tỉnh nhà. Nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hóa,… của Phật giáo các địa phương rất lớn. Truyền thống nghi lễ, y phục, kiến trúc và hoằng pháp, v.v. vẫn luôn luôn là những điều trăn trở của chức sắc cũng như các tín đồ. Phương pháp nào thích nghi với xã hội hiện đại, các khóa tu học cho học sinh sinh viên, giảng pháp định kỳ, lớp giáo lý cơ bản, v.v. cũng là những vấn đề tối cần thiết cần tìm ra phương cách.

Viện Nghiên cứu nên phối kết hợp với Ban Trị sự tỉnh, thực hiện những buổi tọa đàm, trà đạo, hội thảo nghiêm túc, để đưa ra những giải pháp mang tính thực tế, cấp thiết. Từ đó, cùng nhau xây dựng những mô hình tiêu chuẩn, hợp thời đại, đúng chính pháp, giữ truyền thống, nhằm phát triển bền vững, toàn diện mọi mặt.

6. Nghiên cứu và tư vấn cho các Bộ, Ban ngành của Chính phủ

Nếu có thể thì Viện Nghiên cứu Phật học nên từ lĩnh vực Phật học nghiên cứu liên ngành với những chủ đề liên quan đến các Bộ, cụ thể như:

Đối với Bộ Giáo dục: Nghiên cứu về giáo dục đào tạo Phật học của các nước, việc ứng dụng thiền học trong các trường học ở Phương Tây và các môn Phật giáo được học ở trường lớp tại các quốc gia như Thailand, Myanma, Campuchia, Tây Tạng, Srilanka,… đề xuất những ưu điểm hỗ trợ tham mưu cho Bộ giáo dục đào tạo.

Đối với Bộ Văn hóa: Nghiên cứu bản sắc văn hóa Phật giáo của người Kinh và các dân tộc anh em, phân loại, định hướng, đúc kết tinh hoa bản sắc văn hóa của Việt Nam. Phiên dịch những thành quả nghiên cứu này ra tiếng Việt để giới thiệu với bạn bè năm châucũng như các dân tộc anh em và toàn nhân dân được mở rộng tầm nhìn, nâng cao sự hiểu biết, giao lưu với quốc tế.

Đối với Bộ Thể thao và Du lịch: Nghiên cứu các mô hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, bảo tồn, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh nước nhà, tạo ra môi trường lành mạnh cho người dân hành hương du lịch, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Ngoài ra việc duy trì các giá trị du lịch, văn hóa còn có thể thu hút khách du lịch quốc tế, tạo danh tiếng cho đất nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.

Đối với Bộ Y tế: Nghiên cứu thực hiện thiền Yoga, các liệu pháp chữa lành bằng tâm lý học, tập luyện võ thuật giữ gìn sức khỏe, tuyên truyền lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, khoa học, gieo trồng chăm sóc các cây thuốc quý, lập các Tuệ Tĩnh đường trong nhà chùa,… góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đối với Bộ Công an, Bộ quốc phòng: Nghiên cứu ứng dụng đạo đức học Phật giáo, giới luật học cho toàn xã hội nhằm cùng với công an giữ gìn an ninh trật tự trong nước, nâng cao sức mạnh của dân tộc, góp phần giữ vững hòa bình quốc gia. Bên cạnh đó, các Tăng Ni có thể làm công tác tâm lý cho các tình nguyện viên sĩ quan quốc tế, tham gia gìn giữ hòa bình của liên hợp quốc.

Đối với Bộ Nội vụ: Nghiên cứu phương pháp quản lý học Phật giáo từ góc độ kinh điển, luật điển để đưa ra những mô hình quản lý kiểu mẫu, góp phần xây dựng thể chế nhà nước. Vì Phật giáo là một tôn giáo rất đặc biệt, có thời gian tồn tại lâu đời nhất so với các tôn giáo toàn cầu, hệ thống quản lý không sử dụng quyền lực, nhưng lại có khả năng đoàn kết, lan tỏa, tồn tại hơn 2500. Đây là một điều mà các nhà nghiên cứu nên tư vấn cho bộ nội vụ tham khảo ứng dụng.

Đối với các Bộ như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chúng ta tăng cường tư vấn kết nối Phật tử doanh nhân trong và ngoài nước, Việt kiều,… xúc tiến đầu tư về Việt Nam; nghiên cứu về Bộ Tư pháp để đưa ra những đề xuất hợp lý giữa luật Phật và pháp luật của quốc gia; đối với Bộ Công thương chúng ta tăng cường khích lệ quần chúng Phật tử tăng gia sản xuất, doanh nhân Phật tử kinh doanh theo hướng Bát Chính đạo; với Bộ Lao động và Thương binh xã hội, nghiên cứu các mô hình phù hợp với công nhân, nuôi dưỡng tinh thần giải trí, giải lao, tu tập cho người lao động, người có công với đất nước, góp phần bình ổn xã hội; đối với Bộ Giao thông Vận tải, chúng ta có thể nghiên cứu các giải pháp tuyên truyền luật lệ giao thông, ủng hộ chủ trương xây dựng hệ thống giao thông hiện đại cho đất nước, cách thức vận động người dân, nhà chùa hiến đất, các mô hình Từ thiện xây cầu đường nông thôn; đối với Bộ Xây dựng chúng ta tư vấn nghiên cứu kiến trúc xây dựng chùa viện mang bản sắc Việt Nam, góp phần làm đẹp cơ sở vật chất của Phật giáo, tạo dựng bộ mặt đẹp của xã hội; đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho thí điểm, nghiên cứu trồng trọt các loại rau sạch, mô hình trồng cây xanh, bảo vệ rừng; luôn đồng hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra những giải pháp chiến lược về thông tin chính xác, nhanh nhạy, chân thật, có định hướng nhằm phát triển văn hóa tinh thần của xã hội; với Bộ Ngoại giao thì nghiên cứu các mô hình Ngoại giao Phật giáo, Ngoại giao nhân dân, Ngoại giao quần chúng Phật tử, thực hiện đại đoàn kết toàn dân; về Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nghiên cứu trong Kinh, Luật, Luận, kết hợp với mô hình của các Quốc gia Phật giáo để đưa ra những giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường; Viện Nghiên cứu kết hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu Phật học và khoa học, những kết luận về khoa học trong Phật giáo, đưa ra các phương thức tu học phù hợp cho các nhà khoa học, giảm stress, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học; kết hợp Bộ Tài chính, nghiên cứu cách khai thác tài chính tự viện, khích lệ khả năng sử dụng tài chính phù hợp, đầu tư xây dựng đất nước.

7. Tiếp tục thực hiện theo định hướng phiên dịch các tác phẩm thành tựu nghiên cứu Phật học trên thế giới và trong nước ra tiếng dân tộc anh em và nước ngoài

Viện Nghiên cứu ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chức năng như hiện tại, thì cần có kế hoạch mang tính quốc tế. Chúng ta không chỉ phiên dịch những tác phẩm Phật học có giá trị từ nhiều quốc gia khác nhau sang tiếng Việt như các Trung tâm nghiên cứu thuộc viện và Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế thuộc ban Phật giáo Quốc tế đang thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta còn dịch ngược các tác phẩm thuộc lĩnh vực Lịch sử, văn hóa,… của Phật giáo Việt Nam ra các thứ tiếng Anh, Trung, Nhật, Pháp, Hàn,… hoặc những ngôn ngữ dân tộc anh em. Việc làm này nhằm gắn kết Phật giáo toàn cầu, nâng cao dân trí, ổn định nhân tình, hoằng pháp lợi sinh, góp phần giữ gìn hòa bình thế giới.

8. Kết luận

Trên đây là 7 kiến nghị chi tiết từ các phương diện như: Mục đích phương hướng nghiên cứu, nội dung cụ thể nghiên cứu, nhân sự cho công tác nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu; kết hợp giữa giáo dục đào tạo Tăng tài của Phật giáo và các ban thuộc Hội đồng Trị sự, từ trung ương đến địa phương, chi tiết cụ thể cho đến Ban Trị sự cấp tỉnh thành; từ trong nội bộ Phật giáo cho đến các bộ ban ngành của đất nước; từ trong việc nội bộ quốc gia cho đến tầm nhìn quốc tế. Những góc độ trên, chúng tôi đã trình bày sơ lược qua, hy vọng dưới sự nhất trí đồng lòng, chuyên tâm tinh tiến, tầm nhìn chiến lược, kế hoạch cụ thể của chư tôn đức, thì Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam sẽ có đóng góp được nhiều thành tựu to lớn cho Phật giáo và dân tộc, Việt Nam và thế giới.

Đại đức Thích Vạn Lợi
Trung tâm biên, phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế
Thuộc Ban Phật giáo Quốc tế TWGHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường