TS.Tạ Quốc Khánh Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Mở đầu
Chùa Liên Phái hiện tọa lạc tại ngõ chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa do Hòa thượng Như Trừng Lân Giác khởi dựng năm 1726 và được coi là chốn tổ của thiền phái Liên Tông. Chùa Liên Phái đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 313 VH/QĐ ngày 28/4/1962 ngay trong đợt xếp hạng đầu tiên của Bộ Văn hóa.
Tồn tại đến ngày nay, ngôi chùa đã khẳng định được những giá trị về nhiều mặt kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Ngôi chùa là trung tâm gìn giữ và xiển dương giá trị Phật pháp, là chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh của bao thế hệ người dân trong vùng. Với những ý nghĩa đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của chùa Liên Phái là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
2. Đề xuất cho việc bảo tồn, tu bổ di sản sơn môn Liên Phái
Chùa Liên Phái được xếp hạng di tích cấp quốc gia và nằm trên địa bàn thủ đô Hà Nội nên về mặt luật pháp, ngoài việc phải tuân thủ những quy định từ Luật Di sản Văn hóa, từ các Thông tư, Nghị định của Chính phủ, còn phải tuân thủ những quy định riêng về quy chế quản lý, bảo vệ di tích do Hà Nội ban hành.
Về công tác quản lý, Hà Nội thực hiện việc phân cấp quản lý di tích theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành “Quyết định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố”. Theo đó, Hà Nội có 02 cấp quản lý di tích trực tiếp là: cấp thành phố và cấp quận huyện, xã, phường, thị trấn, theo nguyên tắc cấp nào quản lý trực tiếp thì cấp đó chịu trách nhiệm đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Như vậy, về mặt chính quyền nhà nước, chùa Liên Phái do cấp Quận, huyện quản lý. Cùng với việc phân cấp quản lý, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố” và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố”. Như vậy, các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản nói chung trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có chùa Liên Phái phải tuân thủ những quyết định này.
Mặt khác, chùa Liên Phái là một cơ sở Phật giáo, nên còn chịu sự quản lý về mặt hoạt động, tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội. Việc song trùng quản lý này là tình trạng chung của mọi ngôi chùa được xếp hạng di tích ở nước ta nên cần phải có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý.
Liên quan đến công tác quản lý là phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích. Thông thường, nhiều di tích có hai khu vực bảo vệ, trong đó khu vực I là khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích còn khu vực II là vùng bao quanh và tiếp giáp với khu di tích. Tuy nhiên, chùa Liên Phái hiện nằm trong khu dân cư, đô thị, nhà dân, đường ngõ sát với tường bao nên ở đây chỉ còn một khu vực bảo vệ. Ở khu vực này, Luật Di sản văn hóa quy định “Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.”. Thực tế cho thấy, ở chùa Liên Phái vẫn còn một khu tháp mộ nằm sau Điện Mẫu cũng là thành phần gốc cấu thành di tích hiện lại đang nằm ngoài tường bao của chùa, khó tiếp cận nên thiết nghĩ cần có sự giải tỏa để trả lại cảnh quan cho chùa.
Về hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích: Luật Di sản văn hóa đã có hướng dẫn khoa học trong việc trùng tu di tích, theo đó: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a. Gìn giữ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích
b. Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”
Năm 2018, Chính Phủ ban hành Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/9/2018 Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thay thế cho Nghị định 70/2012/NĐ-CP. Ngay sau đó, năm 2019, Bộ Văn hóa cũng ban hành Thông tư số 15/2019/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm hướng dẫn cụ thể hơn những điều khoản về hoạt động tu bổ di tích đã được ghi trong Nghị định số 166/2018/NĐ-CP.
Thông tư số 15/2019/TT- BVHTTDL gồm 05 chương, 22 điều đã quy định chi tiết nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo quản, tu bổ di tích, như: công tác khảo sát, lập hồ sơ (trước và sau khi tu bổ, cả những chi tiết như như hồ sơ ảnh chụp, bản vẽ như thế nào cũng được quy định cụ thể...); giải pháp hạ giải, thi công, nghiệm thu; vấn đề năng lực của từng đơn vị liên quan (đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát...); thậm chí cả những vấn đề về giải pháp vật liệu, nhà bao che, các phương tiện, kỹ thuật khi thi công cũng được Thông tư đề cập đến. Theo Thông tư số 15/2019/TT- BVHTTDL, một trong những nguyên tắc của hoạt động thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích là: “Ưu tiên sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống (trường hợp giải pháp kỹ thuật truyền thống không đáp ứng yêu cầu về tu bổ di tích thì được áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại phù hợp, đã được kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc, giá trị của di tích). Ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích”; Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích cũng là “Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích. Được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích; thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư nơi có di tích”. Những nguyên tắc đó cũng chỉ nhằm mục đích gìn giữ tối đa các thành phần nguyên gốc, vốn làm nên giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi công trình... Mặc dù đề cao việc sử dụng vật liệu và kỹ thuật truyền thống, nhưng các Thông tư, Nghị định ra đời sau này cũng đề cấp đến giải pháp sử dụng vật liệu và công nghệ kỹ thuật mới, hiện đại trong hoạt động tu bổ di tích, miễn sao người thợ không được lạm dụng nó và vẫn phải đảm bảo những giá trị bền vững cho công trình... và “Việc thay thế bằng kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để đảm bảo kết quả chính xác khi áp dụng vào di tích” (Quyết định số 05/2003/QĐ - BVHTT Về việc ban hành qui chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hoá ra ngày 06/02/2003).
Ngoài ra, do chùa Liên Phái nằm trên địa bàn Thủ đô nên ngoài việc tuân thủ những quy định của Luật, Nghi định do Chính phủ ban hành thì cũng phải tuân thủ cả những quy định mà Hà Nội đã ban hành liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ di tích. Cụ thể ở đây là Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố” và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố”. Điều 8 của Quyết định trên đã ghi: “Tập thể, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi làm xâm hại đến di tích, di vật; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường di tích xanh - sạch - đẹp; đảm bảo an ninh trật tự; thực hiện nếp sống văn minh tại di tích; dâng lễ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, thắp hương, hóa sớ, bỏ rác thải đúng nơi quy định. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.”
Bảo tồn các hạng mục kiến trúc: Trước hết, cần có những kế hoạch lâu dài và cụ thể nhằm kéo dài tuổi thọ cho các công trình, trong đó đặc biệt chú ý đến việc thông gió, tránh ẩm mốc, tránh mối mọt cho các cấu kiện gỗ, đặc biệt là những cây cột chịu lực (cần có biện pháp diệt mối cho công trình, quy hoạch hệ thống thoát nước hợp lý, tránh ngập úng, đảm bảo các yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm cho công trình...). Cần có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kiểm tra, phát hiện kịp thời những hư hỏng nhỏ. Kiểm tra theo dõi những cây cột để phát hiện kịp thời độ lún mà có biện pháp gia cố; kiểm tra phát hiện những viên ngói vỡ để kịp thời thay thế và thường xuyên dọn lá cây trên mái để việc thoát nước khi trời mưa được thực hiện tốt. Một chỗ dột nhỏ trên mái nếu không được lợp lại ngay thì những giọt nước mưa từng ngày sẽ ngấm vào gỗ, gây ẩm mốc, mục mọt; một cây xà, hoành bị mục nếu thay thế ngay sẽ đỡ tốn kém kinh phí lại không gây ảnh hưởng đến những liên kết, cấu kiện khác. Những việc sửa chữa nhỏ mang tính chất bảo dưỡng định kỳ đó nếu địa phương chủ động làm ngay, làm thường xuyên mà không trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí từ trên rót xuống thì sẽ giúp di tích được bền vững hơn. Bên cạnh việc bảo tồn các hạng mục kiến trúc gỗ cũng cần quan tâm đến những hạng mục thuộc thể xây như khu tháp mộ, phần sân vườn, tường bao... Tất cả những phần việc đó phải đảm bảo di tích được khang trang hơn nhưng vẫn hài hòa với tổng thể, phù hợp với kiến trúc dân gian truyền thống.
Đối với các hạng mục kiến trúc của chùa Liên Phái, giá trị nhất là hệ thống tháp Phật và tháp mộ sư xây bằng gạch và đá. Đây là những kiến trúc gốc, gắn với lịch sử ngôi chùa nên cần được bảo tồn nguyên vẹn. Trong số những ngôi tháp đó có tòa Cửu phẩm liên hoa xây gạch niên đại cuối thế kỷ 19, được coi là ngôi tháp Phật giáo cao và tiêu biểu cho khu vực nội thành Hà Nội. Cạnh điện Mẫu cũng có một ngôi tháp mộ sư xây gạch nhưng điều đặc biệt ngôi tháp này có mặt bằng lục giác, không giống những ngôi tháp mộ sư khác trong chùa và cũng khá hiếm gặp trong hệ thống tháp mộ sư ở miền Bắc… Tất cả những giá trị kiến trúc đặc sắc đó cần được bảo tồn, phát huy. Ngoài ra, với khu vườn tháp phía sau chùa hiện có một số ngôi tháp gạch đã bị xuống cấp, bong tróc lớp vữa trát cũng cần đươc tu bổ lại để công bền chắc và tôn dáng vẻ uy nghiêm của tháp tổ.
Tòa Tam bảo chùa Liên Phái với lối kiến trúc kiểu trùng thiềm – điệp ốc khá hiếm gặp trong các ngôi chùa miền Bắc nên nếu có tu bổ cũng cần bảo tồn nguyên vẹn mặt bằng và các nếp nhà như vậy.
Bảo tồn các di vật có giá trị: Bên cạnh bảo tồn những cong trình kiến trúc cũng cần phải quan tâm bảo tồn các di vật có giá trị tại chùa Liên Phái.
- Đối với hệ thống mộc bản của chùa cần có tủ bảo quản, nhà chứa ván đảm bảo đúng tiêu chuẩn, thông thoáng tránh bị ẩm, mối mọt gây hư hại hiện vật. Khi tiếp xúc với hiện vật cần đeo găng tay phù hợp. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm của nhà chứa ván khắc này.
- Đối với hệ thống bia đá. Chùa Liên Phái có hệ thống bia đá khác nhiều nhưng lại nằm rải rác cả trong nhà và ngoài trời, qua thời gian bia sẽ bị mòn mờ, xâm hại bởi rêu, tảo, địa y nên cần có kế hoạch bảo dưỡng, làm sạch bia thường xuyên. Hiện nay đã có nhiều phương pháp làm sạch bia nhưng không gây hại cho hoa văn, nét chữ (như dùng công nghệ nano, dùng thủy lực hay phun hóa chất thân thiện với môi trường) mà nhà chùa có thể tham khảo, áp dụng.
- Đối với hệ thống tượng thờ. Chùa Liên Phái còn giữ được nhiều pho tượng Phật, tượng tổ niên đại thế kỷ 18 – 19 với kích thước lớn và giá trị thầm mỹ cao. Trong trường hợp cần tiến hành tu bổ, sơn lại tượng thì nhất quyết và dùng sơn ta và theo phương pháp sơn thếp truyền thống, tuyệt đối không dùng sơn công nghiệp.
3. Đề xuất phát huy giá trị di sản sơn môn Liên Phái
Chúng ta cần có những kế hoạch cụ thể phát huy giá trị của di tích. Cần có kế hoạch quảng bá, tuyên truyền về giá trị di sản của sơn môn bằng nhiều hình thức như xuất bản sách về ngôi chùa, về di vật, về cuộc đời, hành trạng các sư tổ... trên nhiều phương tiện, cả trên các website, mạng xã hội.
- Trước hết, cần xây dựng hồ sơ khoa học đầy đủ về di tích. Chùa Liên Phái được xếp hạng đợt đầu là minh chứng khẳng định giá trị của di sản nhưng cũng chính vì vậy mà hồ sơ về di tích đến nay còn khá sơ sài và thiếu. Đặc biệt hồ sơ bản vẽ kiến trúc qua các lần xây dựng, trùng tu hầu như không được lưu trữ tại chùa nên cần có kế hoạch sưu tầm, lưu trữ tiến tới số hóa hồ sơ để tiện tra cứu. Hồ sơ bản vẽ kiến trúc những công trình gốc cần được thực hiện và lưu trữ…
- Cần tổ chức dập, dịch, in các tư liệu Hán Nôm có tại sơn môn, bao gồm cả văn bia, mộc bản để tuyên truyền, phát huy giá trị di sản. Bản dịch có thể được in thành cách sách chuyên khảo hoặc theo từng chuyên đề nhằm giới thiệu về di sản tới đông đảo người dân…
- Phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của di tích: Chùa Liên Phái là một ngôi chùa đặc biệt, được hình thành theo hình thức “cải gia vi tự”. Hình thức này thực tế cũng đã xuất hiện nhiều trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới nhưng ở đây là biến một dinh thự, phủ chúa thành chùa rồi bản thân chủ nhân của nó (Trịnh Thập) cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống xa hoa, nhung lụa để quyết tâm theo thầy, học đạo rồi về sáng lập một thiền phái riêng. Đây là điểm độc đáo trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam, cho thấy tư tưởng này đã có sức mạnh chi phối trong mọi tầng lớp nhân dân từ thượng lưu đến bình dân và rất cần được xiển dương trong tinh thần giáo dục con người hướng đến cái thiện.
Bên cạnh phát huy giá trị tư tưởng Phật giáo, hiện mỗi năm chùa Liên Phái còn tổ chức rất nhiều các lễ hội sinh hoạt văn hóa, bao gồm cả lễ hội Phật giáo, lễ giỗ tổ, các lễ cúng Thượng nguyên, Tất niên,v.v… Các lễ hội đó cũng cần được duy trì, phát huy và tổ chức sao cho thật chu đáo. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng cần tuân thủ theo những quy định của Pháp luật. Trong điều 5 (Nguyên tắc tổ chức lễ hội) và điều 8 (Quản lý hoạt động phát huy giá trị di tích) của quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố” đã ghi:
Điều 5. Nguyên tắc tổ chức lễ hội
1. Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
2. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
3. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
4. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
5. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
6. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
7. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 8: Quản lý hoạt động phát huy giá trị di tích
1. Lễ hội tổ chức tại di tích phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và quy định của Thành phố. Việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nơi có di tích”.
Lễ hội cũng là dịp thu hút đông đảo lượng khách đến hành hương, chiêm bái di sản và đây cũng là dịp tốt để tuyên truyền, quảng bá về di sản, trao đổi, các thông tin về di sản qua các phương tiện truyền thông, như sách, tranh ảnh, website, tờ giới thiệu hay trên các nền tảng mạng xã hội khác.
Trong công tác phát huy giá trị di sản, cần tuyên truyền, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di tích bởi vai trò của cộng đồng (cả khách thập phương và người dân địa phương) trong việc này là không hề nhỏ. Thực tế vai trò, trách nhiệm của cộng đồng với việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản không chỉ được ghi nhận trong nhiều khuyến nghị của UNESCO mà còn được đưa vào luật hay văn bản hướng dẫn thi hành trong nước. Công đồng địa phương sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp từ di sản khi chúng được phát huy tốt, bởi vậy cần lôi kéo dân địa phương tham gia công tác bảo tồn di sản, gắn nghĩa vụ với quyền lợi của họ... Ngoài tuyên truyền cũng cần đầu tư về hạ tầng, đường sá, cảnh quan môi trường, cũng như đầu tư đào tạo đội ngũ chuyên môn hướng dẫn hiểu biết, yêu nghề để hấp dẫn du khách.
4. Lời kết
Chùa Liên Phái được Hòa thượng Như Trừng Lân Giác khai sơn vào năm 1726 trên cơ sở biến dinh thự của mình thành chùa. Từ một ngôi chùa ở thế kỷ 18, Liên Phái đã trở thành một sơn môn danh tiếng, khai sinh một phái thiền Liên Tông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Là chốn tổ của một phái thiền, chùa Liên Phái khi xưa có quy mô khá rộng lớn nhưng đến nay, do tốc độ đô thị hóa, diện tích chùa đã bị khuôn lại trong một phạm vi hẹp hơn nhiều.
Tồn tại đến ngày nay, chùa Liên Phái còn lưu giữ nhiều di vật, công trình kiến trúc có giá trị, như tháp cổ, bia đá, tượng thờ và hệ thống mộc bản. Bảo tồn và xiển dương các giá trị bảo vật Phật giáo là việc làm rất cần thiết, cấp bách và có tính thời sự. Chùa Liên Phái được xếp hạng di tích quốc gia ngay đợt đầu tiên, lại nằm giữa thủ đô nên mọi hoạt động bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị cần tuân thủ những quy định của pháp luật đã ban hành.
Bên cạnh những văn bản mang tính pháp lý thì sự chung tay vào cuộc của những người am hiểu, có tâm huyết và cả của cộng đồng địa phương là việc làm cần thiết để hoạt động trùng tu, tôn tạo di sản thực sự mang lại hiệu quả; để mỗi ngôi chùa sau khi được trùng tu sẽ góp phần làm tốt vai trò chăm lo đời sống tinh thần, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh, hướng thiện cho nhân dân, đồng thời góp phần phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Song song với bảo tồn thì việc xiển dương giá trị di sản sơn môn cũng là hành động cần thiết để di sản có thể tỏa sáng trong kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bảo tồn và phát huy là hai mặt vừa có sự đối lập, vừa có sự tương hỗ, qua lại... Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải huy động được sự tham gia của quần chúng thông qua tuyên truyền, giáo dục, tức phải hướng về cộng đồng, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng và toàn xã hội…
TS.Tạ Quốc Khánh Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bình luận (0)