Hướng đến ngày kỷ niệm Đản sinh của đức Phật, PL.2565 DL.2021, tìm hiểu sự kiện Đản sinh của đức Phật. Theo một số tài liệu ghi nhận đức Thế Tôn trước khi Giáng sinh xuống cõi Sa bà này thì Ngài đã trải qua ba A-tăng kỳ kiếp tu hành trở thành một vị Bồ Tát nhất sinh bổ xứ trên cung trời Đâu Suất Đà Thiên. Khi đức Thế Tôn quyết định Giáng sinh xuống thế gian này, thì bấy giờ Bồ Tát Hộ Minh là tiền thân của đức Phật có quan sát và suy nghĩ năm vấn đề:
Thứ nhất là thời điểm Đản sinh. Chữ ‘Thời’ trong Phật học có nói đến đức Thế Tôn chọn vào thời kỳ kiếp giảm khi tuổi thọ của nhân loại khoảng 100 tuổi. Theo Phật học thì hiện nay chúng ta đang nằm trong kiếp giảm. Kiếp giảm là gì? Tức là cứ khoảng 100 năm thì tuổi thọ bình quân của con người giảm xuống 1 tuổi và khi hết kiếp giảm thì tuổi thọ bình quân chỉ còn có 10 tuổi thì sẽ tăng trở lại. Cứ 100 năm thì tăng thêm 1 tuổi, mà tăng cho đến 84,000 năm rồi từ 84,000 năm giảm xuống, giảm dần cho đến 10 năm. Đức Thế Tôn chọn thời điểm Đản sinh là thời điểm kiếp giảm khi tuổi thọ bình quân là 100 năm. Hay nói như tuổi của đức Thế Tôn là 80 năm. Đây gọi là “thời” thời điểm xuất hiện ở thế gian.
Thứ hai là chọn quốc độ. Trong thế giới Sa bà này Tam thiên đại thiên thế giới thì Ngài chọn sinh ra ở đâu? Nhiều người cho rằng tại sao đức Phật không sinh ra ở nước nào khác, mà sinh ở Ấn Độ? Thông lệ của chư Phật và thường pháp của chư Phật là sinh ở Trung tâm. Ấn Độ khi ấy được coi là Trung tâm bởi mấy nghĩa: Một là, nằm giữa khoảng các khu vực của các đất nước. Hai là, đây là nơi mà văn hóa nói như cách bây giờ thì chính trị, tôn giáo, kinh tế phát triển bậc nhất đương thời. Nếu quan sát trên khắp thế giới về mặt lịch sử lúc bấy giờ thì không có nước nào trên thế giới này cách đây 26 thế kỷ phát triển bằng Ấn Độ về cả tư tưởng, học thuật, kinh tế và xã hội.
Thứ ba, lựa chọn về giai cấp. Đương thời Ấn Độ đều ghi nhận là có bốn tầng lớp: Bà La Môn tức là tầng lớp Tăng sĩ; tầng lớp vua chúa là Sát Đế Lợi; tầng lớp thương nhân thợ thủ công và tầng lớp dân nghèo. Vậy đức Phật chọn Đản sinh vào tầng lớp nào? Có đến 80% hay 90% dân số là dân nghèo, tại sao đức Phật không chọn sinh vào tầng lớp dân nghèo để lấy số đông? Chúng ta thấy rằng các vị giáo chủ của các tôn giáo lớn trên thế gian này đều xuất thân từ tầng lớp bình dân tức là tầng lớp dân chúng đại đa số. Nhưng nếu đức Phật xuất thân từ tầng lớp bình thường ở Ấn Độ mà xuất gia tu hành thì thứ nhất không có những "sở hữu" để từ bỏ, thứ hai xã hội sẽ không tôn trọng và thứ ba vì không tôn trọng người ta sẽ khó tin theo.
Có một niềm tin phổ biến rằng, vì nghèo quá, khổ quá cho nên mới đi tu. Nếu mà lại chọn tầng lớp Bà La Môn thì ngài có tu hành đắc đạo thì cái đạo ấy cũng chỉ là đạo Bà La Môn mà thôi, bởi người ta cho rằng ngài cũng chỉ là hiện thân của một vị thần nào đó của một tôn giáo có sẵn. Đối với tầng lớp buôn bán thì cũng giống như vậy, giống như tầng lớp dưới. Và cuối cùng ngài chọn Đản sinh vào tầng lớp Sát Đế Lợi tức là xuất thân vào tầng lớp đế vương. Thứ hai là xuất thân trong tầng lớp cao quý thì khi thành đạo, người ta sẽ dễ tin, người ta sẽ tôn trọng và khi tin khi tôn trọng thì nhất định họ sẽ thực hành theo. Đây chính là lý do đức Phật chọn tầng lớp Sát Đế Lợi.
Thứ tư, ngài chọn vị đế vương nào? Ấn Độ lúc bấy giờ có 18 quốc gia nhỏ mà ngài chọn thành Ca Tỳ la Vệ không phải vì là một nước lớn cũng không phải là một nước nhỏ. Bời vì vua Tịnh Phạn là người có đạo đức và có dòng máu trong sạch trong bảy đời. Người Ấn rất coi trọng tầng lớp xuất thân cho nên nói rằng phụ mẫu bảy đời đều là huyết thống trong sạch. Ở đây có nghĩa là có đạo đức thanh tịnh. Bởi có sinh ra ở các dòng tộc như vậy thì sau này không ai băn khoăn về nguồn gốc xuất thân và sự xuất thân tốt đẹp thì nhất định có nền tảng giáo dục tốt.
Thứ năm, ngài chọn người mẹ. Thực ra chúng ta biết rằng vua Tịnh Phạn không phải chỉ có hoàng hậu Mada là vợ, bởi vì chế độ vua chúa khi ấy nhiều thê thiếp. Lúc bấy giờ vua Tịnh Phạn có cưới hai chị em ruột là bà Mada phu nhân và bà Maha Ba Xà Ba Đề tức hai chị em ruột cùng lấy một người, còn có nhiều phi tần khác nữa. Thế nhưng trong hai người này thì Bồ Tát chọn ai làm mẹ? Có một điều là ngài chọn ai có tuổi thọ chỉ còn có 10 tháng 7 ngày và lúc bấy giờ ngài thấy bà Mada là có tuổi thọ chỉ có 10 tháng 7 ngày cho nên chọn đầu thai vào hoàng hậu Mada dẫn đến câu chuyện Ngài sinh ra 7 ngày sau thân mẫu qua đời còn bà Maha Ba Xà Ba Đề sau này tuổi thọ rất dài cho đến khi đức Phật thành Đạo và còn xuất gia theo ngài. Đây là năm điều đức Thế Tôn lựa chọn.
Sau khi ngài đã lựa chọn và thấy như thế là đã đủ rồi thì ngài quyết định xả tuổi thọ ở cõi trời. Bởi vì sinh lên cõi trời thọ mạng rất dài nên ngài phải xả bỏ mới có thể đầu thai xuống thế gian để làm một con người như những người bình thường. Lúc bấy giờ vào khoảng đêm rằm tháng 4 khi mà tuổi thọ thân mẫu của ngài bà Mada phu nhân chỉ còn có 10 tháng 7 ngày thì Bồ Tát Hộ Minh quyết định đầu thai. Chúng ta gọi là giáng sinh.
Ở Ấn Độ có truyền thống người phụ nữ mà sinh con đầu lòng thì phải trở về nhà của mình để sinh, bao giờ mẹ tròn con vuông thì người ta mới đón trở về nhà chồng tức là người phụ nữ trở về nhà chồng có hai lần. Trên quãng đường từ thành Ca Tỳ La Vệ trở về đến quê hương của hoàng hậu thì phải đi qua một khu vườn mà trong sử sách nói là vườn Lâm Tỳ Ni. Theo truyền thuyết thì Thái tử Đản sinh vào ngày mùng 8 tháng 4 giờ Dần tại vườn Lâm Tỳ Ni. Ngài hạ sinh từ hông bên phải của thân mẫu, khi vừa đặt chân xuống dưới đất thì dưới đất xuất hiện những bông hoa sen đỡ dưới chân. Bấy giờ ngài xoay mặt về hướng Đông, hướng của binh minh mặt trời đang mọc, đi 7 bước mỗi bước chân của ngài thì có một bông ha sen đỡ chân, đến bước thứ 7 thì Ngài dừng lại và tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, Phật ngôn: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Trên hư không bỗng xuất hiện chín con rồng phun hai dòng nước nóng lạnh để tắm gội cho kim thân của đức Phật. Chính vì vậy cho nên tất cả các chùa miền Bắc hay chùa cổ đều có một tòa cửu long để trước Tam Bảo trong đó mô tả thời khắc mà đức Phật xuất hiện ở thế gian. Nghe câu chuyện này thì chúng ta thấy nó giống như một câu chuyện cổ tích, nó mang nhiều màu sắc thần bí hơn là sự kiện lịch sử. Chúng ta biết rằng đức Phật có ba thân: Pháp thân, Ứng hóa thân và Báo thân. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì có đức Phật lịch sử, con người thật, thứ hai là đức Phật Tôn giáo và đức Phật lý tưởng. Đức Phật lý tưởng tức là đức Phật chân lý. Đức Phật lý tưởng chính là Phật pháp thân; Phật Tôn giáo chính là Ứng hóa thân, mang tính chất biến hóa; Báo thân mới là Phật lịch sử. Phải hiểu được tam thân của đức Phật mới lý giải được ý nghĩa các yếu tố liên quan đến sự kiện này.
Đức Phật không sinh ra trong mùa Xuân cũng không phải sinh ra vào mùa Hạ mà Ngài sinh vào thời gian gạch nối giữa Xuân và Hạ. Một năm theo quan điểm của phương Đông có bốn mùa của Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi, mùa hạ là vạn vật tăng trưởng, mùa thu là thu liễm cây cối bắt đầu thu nhựa lại và bắt đầu chuẩn bị suy tàn, mùa đông là vạn vật tàn lụi. Cho nên đức Phật không sinh vào mùa thu cũng không sinh vào mùa đông là mùa của sự tàn lụi và chết chóc mà Ngài sinh vào cái gạch nối giữa xuân và hạ. Xuân sinh hạ trưởng, từ chỗ sinh đến chỗ phát triển. Xưa kia thì chúng ta thường kỷ niệm ngày đức Phật Đản sinh là ngày mùng 8 tháng Tư, thời gian gạch nối giữa Xuân và Hạ. Ngày nay chúng ta theo thông lệ của thế giới lấy ngày rằm tháng Tư để kỷ niệm. Phật giáo Nam truyền thì hợp nhất ba ngày của đức Phật để kỷ niệm: Đản sinh, Thành Đạo và Niết bàn. Ba ngày này đều là Rằm tháng Tư Âm lịch nên gọi đó là Lễ Tam hợp của đức Phật và lấy ngày trăng tròn tháng Vesak, nên chúng ta gọi Lễ Phật Đản là Lễ Vesak. Vesak là rơi vào tháng Năm dương lịch, còn tại sao Phật giáo Bắc truyền lấy mùng 8 tháng Tư? Xưa kia tất cả các kinh sách của Phật giáo Bắc truyền đều ghi thống nhất đức Phật sinh ngày mùng 8 tháng Tư. Tại sao nó có lý do như vậy? Theo lịch pháp cổ Ấn Độ, những ai học Phật thì sẽ biết là một tháng 30 ngày của chúng ta bây giờ thì Ấn Độ ngày xưa chia làm hai tháng (một tháng có 15 ngày). Tháng bắt đầu từ ngày mùng 1 cho đến ngày 15 được gọi là tháng Bạch nguyệt tức là tháng trăng sáng, trăng sáng dần lên cho đến khi nó tròn. Từ ngày 16 cho đến ngày 30 thì gọi là tháng Hắc nguyệt, trăng sẽ tối dần. Trong sử sách ghi rằng đức Phật sinh vào ngày giữa tháng trăng sáng và ngày giữa tháng của tháng trăng sáng là ngày mùng 8 còn ngày giữa tháng của tháng trăng tối là ngày 23 nhưng bây giờ giữa tháng thì nó là ngày rằm chứ không phải mùng 8. Cho nên xưa kia ghi đức Phật sinh vào ngày giữa tháng của tháng trăng sáng, như thế khi mà chuyển sang lịch Pháp của Trung Quốc thì nó nhằm mùng 8 tháng Tư là chính xác. Còn sau này khi căn cứ vào Trụ tháp của vua A Dục vương và các nước Phật giáo Nam truyền cho rằng đức Phật sinh vào ngày giữa tháng của tháng Vesak cũng không có sai. Tháng Vesak có hai tháng: Tiền Vesak là tháng Bạch nguyệt, hậu Vesak là tháng Hắc nguyệt. Theo Ấn Độ thì bao giờ một tháng cũng có 2 phần: tiền là nửa tháng đầu, hậu là nửa tháng cuối. Chúng ta kỷ niệm ngày mùng 8 theo truyền thống là như vậy.
Phật giáo Việt Nam hiện nay có cả Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền cho nên Giáo hội mới thống nhất là không nói là ngày Phật Đản nữa mà là Tuần Lễ Phật Đản kỷ niệm từ ngày mùng 8 cho đến ngày rằm. Như vậy, giữ cả hai truyền thống chứ chúng ta không bỏ ngày mùng 8 và cũng không nhất thiết là ngày nào cả. Trong một tuần lễ từ ngày mùng 8 cho đến ngày rằm đều tổ chức kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật và như thế là chúng ta đang dung hợp cả hai truyền thống là Bắc truyền mùng 8 tháng Tư, Nam truyền Tam hợp ngày rằm tháng Tư.
Có những loài hoa có sắc không có hương, có loài có hương không có sắc. Các loài có hương sắc phần lớn là nó chiêu dụ ong bướm tới gần, nhưng hoa sen tuy có sắc có hương nhưng ong bướm không gần. Chính vì thế cho nên hoa sen là biểu tượng của đức Phật, biểu tượng cho giáo pháp của đức Phật và biểu tượng cho sự chuyển hóa màu nhiệm cho nên đức Phật sinh ra là bước chân trên hoa sen, thành đạo ngồi trên tòa sen, thuyết pháp cũng là thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Sự mầu nhiệm của hoa sen là sự chuyển hóa khổ đau thành giải thoát giác ngộ, chuyển hóa sự bất tịnh thành sự thanh tịnh.
Bởi vậy khi cất bước, dưới mỗi bước chân của đức Phật đều có hoa sen nở. Ý nghĩa hình ảnh này nói lên Phật pháp đi tới đâu thì cuộc đời nở hoa tới đó. Phật pháp lan tỏa tới đâu thì đất cằn sỏi đá cũng biến thành hoa sen. Tâm đau khổ của chúng sinh cũng biến thành hương thơm tỏa ngát. Ở đâu có Phật pháp, ở đó có chúng sinh an lạc.
Tại sao Ngài lại đi bảy bước và lại hướng về phương Đông? Phương Đông là phương của mặt trời mọc, phương của ánh sáng. Hướng Đông thuộc hành Mộc. Mộc sinh Hỏa. Hỏa phát ánh sáng. Cho nên ánh sáng là phương của trí tuệ, của tri thức và chân lý. Ngài hướng về phương Đông, tức là bước tới sự quang minh và vô thượng trí. Nhưng để bước tới vô thượng trí, cần phải trải qua bảy bước tu tập, bảy bước chuyển hó và bảy sự thanh tựu. Con số bảy rất màu nhiệm trong Phật pháp. Số bảy là sự kết hợp của bốn phương không gian và ba chiều thời gian. Không gian hợp với thời gian cấu thành nên vũ trụ. Con số bảy là con số của vũ trụ. Thời gian có quá khứ, hiện tại và vị lai. Không gian có bốn chiều Đông, Tây, Nam, Bắc, biến ra thập phương. Hợp giữa thập phương tam thế thành bảy. Bảy bước đi để chuyển hóa toàn bộ vũ trụ. Ai nắm giữ toàn thể quy luật vũ trụ sẽ trở thành Thiên Nhân sư, tức là làm thày toàn thể trời người. Như vậy bảy bước ở đây có ý nghĩa là bậc Đại hùng ngự trị cả vũ trụ. Trong Phật giáo có thuyết đầu thai bảy ngày, bảy tuần. Số ngày ta sống trên thế gian này cũng chia hết cho bảy. Cho nên số bảy là rất màu nhiệm trong Phật pháp. Nhưng ý nghĩa quan trọng hơn là bảy giai đoạn tu tập để chuyển hóa từ phàm phu thành một vị Phật. Trong hệ kinh văn Nikaya, có bản kinh Bảy Trạm Xe. Để đi từ thành phố này tới thành phố kia thì phải đi qua bảy trạm xe. Mỗi trạm phải xuống, đổi ngựa và bước lên xe mới. Trong bộ kinh viết: Cũng giống như nhà vua phải đổi xe, đổi ngựa. Nếu không có trạm xe thứ nhất, thì không có trạm thứ hai, không có trạm cuối cùng. Bảy trạm xe là nền cho nhau, cái nọ làm nền tảng cho cái kia để tới đích cuối cùng. Trong Phật pháp có bảy Pháp được gọi chung là 37 phẩm trợ đạo. Pháp thứ nhất là Tứ Niệm Xứ, tiếp tới Tứ Chính cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Giác chí, Bát Chính đạo. Nếu không có Tứ Niệm xứ, thì không có Tứ Chính cần và các pháp thiếp theo. các pháp tu này làm nền tảng cho nhau, để tiến tới thành tựu giác ngộ. Bảy bước đi của đức Phật chỉ cho chúng ta rằng, mỗi con người đều có khả năng thành Phật như chính Ngài không khác, và đều có khả năng tự thân chuyển hóa chúng sinh khi tu tập qua cả bảy giai đoạn này.
Trong truyền thuyết nói, ngay khi Đản sinh, đức Phật tay phải ngài chỉ trời, tay trái chỉ đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Trong các tôn tượng đức Thích ca Đản sinh từ thời Nguyễn khoảng thời vua Tự Đức trở về trước, tay trái của ngài chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống dưới. Có một câu phổ biến mô tả biểu tượng này là: “Tả thủ chỉ thiên, hữu thủ chỉ địa”. Căn cứ theo triết học phương Đông, thì tay trái là Thanh Long, biểu thị cho phần Dương, tay phải biểu thị phần Âm, cho nên tay trái chỉ lên, tay phải chỉ xuống hợp lý trời đất. Từ thời Nguyễn, tổ Tính Định có khắc bộ ván kinh Phật thuyết Công Đức Tạo Tượng Phật. Y cứ bộ kinh văn này trong đó các phần như Thích Ca Phổ, Thích Ca Phương Trí, đều viết: “Hữu thủ chỉ thiên, tả thủ chỉ địa”. Tới khi đó thì thế tay tôn tượng bắt đầu được cải chính. Như vậy vấn đề này ở đây mang tính chất lịch sử. Có mấy luận cứ cho biểu tượng này như sau: Khi đức Thế Tôn thành đạo, ca sa ngài đắp vai trái che lại, tay trái biểu thị ác pháp, tay phải biểu thị thiện pháp, cho nên khi lên lễ thì phải để lộ vai phải ra, đầu gối bên phải quỳ sát đất. Do đó tay phải biểu thị thiện pháp, chỉ lên trời tức là đức Phật chỉ cho chúng ta có một con đường hướng thượng - con đường của thập thiện. Người nào thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, giữ dòng tâm thiện thì cuộc đời đang hướng thượng. cũng như hoa sen ở trong bùn, vươn lên khỏi bùn, tỏa hương cho cuộc đời. Ngược lại, tay trái chỉ xuống đất, biểu trưng cho bất thiện pháp, với ý nghĩa có con đường đọa lạc xuống cõi thấp. Nếu thân làm điều ác, miệng nói lời ác, tâm nghĩ ác thì cuộc đời người đó từng ngày từng giờ đang đi xuống trong tam ác đạo. Trong cuộc đời này, chỉ duy nhất có hai hướng đi như thế. Và ngay khi Đản sinh, đức Phật đã chỉ cho chúng ta hai con đường lựa chọn. Một là con đường hướng thượng, một là con đường trầm luân đọa lạc. Người xưa nói: “Thuận thì đi lên, nghịch thì đi xuống”. “Hai tay chỉ rõ lối thăng trầm”. Giáo pháp đức Phật dạy chỉ nói về hai điều thiện ác. Tay trái chỉ bất thiện pháp, tức là cái phải che đậy và diệt trừ, cho nên đắp y thì phủ vai trái. Căn cứ như thế thì hình tượng tay phải chỉ lên, tay trái chỉ xuống là hợp với chân lý và kinh điển đã ghi chép.
Sự kiện khi đức Phật Đản sinh, xuất hiện rất nhiều các biểu tượng cát tường như: trái đất rung động, mưa hoa rơi khắp, nhạc trời lừng vang, chín con rồng thiêng phun hai dòng nước ấm lạnh để hòa thành một dòng nước ấm mát tắm kim thân đức Phật. Trong quan niệm phương Đông, trời có chín phương. Chín phương trời chính là biểu tượng cho rồng. Đức Phật ra đời, đất nở hoa đỡ chân, rồng tới quy y. Ngài thành Thiên nhân đạo sư, tức là thày cả cõi trời, người. nên rồng tới tắm cho Phật. Rồng là biểu tượng tối cao trời đất, vì thế đức Phật ra đời thì cả chín phương trời quy y, đất rạp mình nở hoa. Một bậc vĩ nhân ra đời khiến cho cả trời đất, nhân loại, không ai không quy phục.
Hình ảnh hai dòng nước nóng-lạnh biểu trưng cho những thăng trầm của cuộc đời.
Ngày nay có rất nhiều nghi thức linh thiêng là tái diễn lại sự kiện đức Phật Đản sinh như: Dựng vườn Lâm Tỳ ni, trang hoàng tôn tượng Đản sinh, đặc biệt có nghi thức tắm Phật. Trong Dục Phật Công Đức Kinh, đức Phật nói về công đức tắm cho hình tượng đức Phật. vậy nghi thức thế nào? Trong bản kinh này Đức Phật dạy công đức cúng dường hai loại xá lợi. Thứ nhất là cúng dường xá lợi xương cốt của đức Phật. thứ hai, pháp thân xá lợi, tức là kinh điển, đọc tụng… rồi sau đó, có nói tới tắm Phật như thế nào? Muốn thực hiện nghi thức tắm Phật phải làm đài cao, bày biện như lối đàn tràng, trên đó bày hoa, tôn nghiêm, nước để tắm phải dùng các bột chiên đàn, trầm thủy, các loại hương thơm mài thành bột... Chư tôn đức cũng thường chỉ dạy rằng, chúng ta nên dội ba gáo khi thực hiện nghi thức. Trước hết dùng dội nước lên cánh tay trái, từ vai xuống, quán niệm nguyện đoạn nhất thiết ác. Dội nước tay trái là gột sạch tam ác đạo. Vì đức Phật vì có vô kiến đỉnh tướng nên không dội nước lên trên đỉnh đầu, dội vai trái: quán niệm. Tiếp đó dội nước lên cánh tay phải, nguyện tu nhất thiết thiện. Dội gáo thứ ba xuống chân của ngài, nguyện độ nhất thiết chúng sinh. Đôi chân bước đi truyền pháp, độ sinh, bởi vậy gội nước xuống chân phù hợp con đường Bồ tát đạo. Như thế nghi thức tắm Phật mang ý nghĩa trước hết tắm gội bản thân, làm sạch trần cấu trong tâm. Khi ấy đức Phật Đản sinh ngay chính trong bản tâm mình. Khi ấy nguyện mình và nguyện cho chúng sinh trong cõi năm ác trược, xa lìa cấu nhiễm, chứng Pháp thân Phật. Chúng ta thực hiện nghi thức tắm Phật là để đức Phật trong tâm ta hiện diện, để cho ngày nào giờ nào, phút nào lúc nào cũng là lúc Phật Đản sinh trong tâm chúng ta cả. Đó mới là ý nghĩa thiết thực của ngày lễ Phật Đản. Xin thành tâm cầu chúc quý tăng ni, phật tử có một mùa Phật Đản an vui. Mong rằng chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm các ý nghĩa biểu tượng, nỗ lực tu tập để đức Phật luôn luôn hiện diện trong tâm mình.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021
Bình luận (0)