Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Một số vấn đề về nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo và tục đốt vàng mã của người Việt (*)

Một số vấn đề về nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo và tục đốt vàng mã của người Việt (*)

Trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa tôn giáo, đốt vàng mã từ một tín ngưỡng cổ ở Trung Hoa tích hợp với các nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo dần phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Trên cơ sở trình bày các cứ liệu lịch sử nhằm nhận diện tục đốt vàng mã ở người Việt một cách đầy đủ, phân biệt với các nghi lễ của Phật giáo, chỉ ra cơ sở xã hội của nó trong đời sống người Việt xưa và nay.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa – tôn giáo, đốt vàng mã từ một tín ngưỡng cổ ở Trung Hoa tích hợp với các nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo dần phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Trên cơ sở trình bày các cứ liệu lịch sử nhằm nhận diện tục đốt vàng mã ở người Việt một cách đầy đủ, phân biệt với các nghi lễ của Phật giáo, chỉ ra cơ sở xã hội của nó trong đời sống người Việt xưa và nay.

Tác giả: NCS Trương Thúy Trinh

Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Tóm tắt:

Trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa – tôn giáo, đốt vàng mã từ một tín ngưỡng cổ ở Trung Hoa tích hợp với các nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo dần phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Trên cơ sở trình bày các cứ liệu lịch sử nhằm nhận diện tục đốt vàng mã ở người Việt một cách đầy đủ, phân biệt với các nghi lễ của Phật giáo, chỉ ra cơ sở xã hội của nó trong đời sống người Việt xưa và nay. Đồng thời, chỉ ra các vấn đề đương đại: nhu cầu thực hành của người dân, sự lệch chuẩn trong nhận thức và thực hành nghi lễ đốt vàng mã, quan điểm, các biện pháp từ phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính sách, luật pháp của Nhà nước… Cuối cùng, bài viết chia sẻ một vài suy nghĩ trong vấn đề ứng xử về mặt nhà nước đối với nghi lễ đốt vàng mã từ góc độ truyền thống văn hóa – tôn giáo.

Từ khóa: Đốt vàng mã, tập tục, nghi lễ, Phật giáo.

1. Các lễ hội và nghi lễ thờ lửa trên thế giới

Trước hết, nhìn từ góc độ truyền thống văn hóa – tôn giáo, lễ hội và nghi lễ thờ lửa dưới hình thức thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán phổ biến ở nhiều tộc người trên thế giới. Trong lịch sử loài người lửa giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Việc phát minh ra lửa giúp cho loài người chấm dứt giai đoạn mông muội thời kỳ nguyên thủy, từ việc biết dùng lửa con người đã phát minh ra các kỹ thuật chế tác đồ gốm, luyện kim v.v… là cơ sở hình thành các nền văn minh của nhân loài.

Dựa trên các khảo cứu ở một số tộc người trên thế giới,[1] J. G. Frazer cho rằng nghi lễ thờ lửa là một trong những trong tín ngưỡng đầu tiên của người nguyên thủy. Xuất phát từ các hiện tượng trong tự nhiên (sấm sét, cháy rừng, núi lửa)  hoặc do con người, con vật tình cờ tạo ra… nguồn gốc của lửa được thiêng hóa thường gắn với các vị thần, các nhân vật, con vật đặc biệt giữ vai trò trung gian mang lửa đến cho loài người.

Các nghi lễ thờ lửa phản ánh nhãn quan của con người nhận thức về thế giới vạn vật, trong đó điều kiện sống giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các truyền thống văn hóa – tôn giáo ở mỗi tộc người. Ngoài những sự khác biệt do điều kiện sống quy định, trong nghi lễ thực hành thờ lửa, luôn có những điểm chung mang ý nghĩa biểu trưng thể hiện niềm tin của con người đối với nghi lễ thờ lửa như: cầu mong đem lại thuận lợi, sinh sôi nảy nở cho mùa màng, con người và vạn vật, đẩy lùi mọi hiểm nguy, sâu bọ, bệnh dịch v.v…

Việc khảo cứu nghi lễ về lửa của các tộc người trên thế giới mang lại hai nhận thức quan trọng, như sau:

Thứ nhất, nhìn một cách phổ quát lửa trở thành biểu tượng của tín ngưỡng thờ mặt trời với các ý nghĩa phồn thực, no đủ hoặc sự tẩy uế hướng tới thanh tịnh. Những ý nghĩa biểu trưng này có thể tìm thấy trong các nghi lễ trong Phật giáo và một số hình thức nghi lễ về lửa sẽ được trình bày trong phần viết dưới đây.

Thứ hai, nguồn gốc xa xưa của các lễ hội, nghi lễ liên quan đến lửa. Từ dạng thức sơ khai trải qua hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ, các hình thức lễ hội, nghi lễ về lửa tiếp tục hiện hữu trong đời sống xã hội hiện đại, là một phần quan trọng tạo nên truyền thống văn hóa – tôn giáo của các cộng đồng dân tộc trên thế giới.

2. Nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước lân cận

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ khoảng thế kỷ VI TCN do Tất Đạt Đa sáng lập. Từ thời Đức Phật tại thế đến thế kỷ III TCN là thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, mọi tư tưởng, pháp tu về căn bản tuân theo lời dạy của Đức Phật. Thế kỷ III TCN – II, diễn ra sự biến thiên của giáo đoàn nên gọi là thời kỳ Bộ phái Phật giáo, Phật giáo tiểu thừa phát triển. Cuối thế kỷ II – VII, Phật giáo mở rộng và thích ứng với các dân tộc nên Phật giáo Đại thừa phát triển. Thế kỷ VII -XII là thời kỳ Phật giáo Mật tông hưng thịnh ở Ấn Độ, Tây Tạng và một số nước lân cận. Phôi thai từ thờ Phật giáo nguyên thủy, Mật tông chịu ảnh hưởng của Ba la môn nên có xu hướng sử dụng nhiều nghi lễ ma thuật, phù chú và thờ lửa (Xem thêm Thích Thanh Kiểm 2014), sẽ được trình bày ở phần sau.

Đáng chú ý, thời kỳ đầu Phật giáo tập trung ở trung Ấn và vùng lưu vực sông Hằng Hà. Kể từ vương triều Asoka (thế kỷ III TCN), Phật giáo được nhà vua ủng hộ và truyền bá ra khắp lãnh thổ Ấn Độ, nhiều nước châu Á và vùng Địa trung hải (Thích Thanh Kiểm 2014: 95). Trong đó, Phật giáo tiểu thừa truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ sang các nước phía Nam. Các nước này chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, theo Bà la môn và Phật giáo tiểu thừa gồm các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Mi-a-ma… Trong khi Phật giáo Đại thừa truyền đến các nước phía Bắc dán tiếp qua Trung Quốc, gồm các nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… Các nước này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa Trung Quốc, ngoài việc tiếp thu Nho giáo, Lão giáo, tiếp thu luôn Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc (Nguyễn Thanh Xuân 2005: 67).

Đối với Việt Nam, Phật giáo được truyền vào chủ yếu theo hai con đường là Bắc truyền (Trung Hoa) và Nam truyền (từ Ấn độ và các nước Nam Á) (Xem thêm Nguyễn Lang 2000). Một số bằng chứng cho thấy các thương nhân Ấn Độ đi bằng đường biển là những người đầu tiên truyền bá Phật giáo vào nước ta. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa Trung Hoa, Phật giáo được truyền vào nước ta chủ yếu là Phật giáo đại thừa theo con đường Bắc truyền. Do đó, việc tìm hiểu nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo Ấn độ và Trung Quốc và một số nước lân cận có thể góp phần lý giải những ảnh hưởng của chúng đối với tục đốt vàng mã ở Việt Nam.

Như các nghiên cứu đã chỉ ra, các nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo Ấn độ có nguồn gốc các tín ngưỡng Hindu giáo phổ biến trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Trong đó, thần lửa Agni trong Phật giáo gọi là Hỏa thiên, Hỏa thần, Hỏa quang tôn. Các tôn vị có nhiều hình dáng khác nhau (Hình 1), có khả năng chiếu sáng, thiêu đốt vạn vật, tương trưng cho sự giác ngộ và thanh tịnh (Huỳnh Thanh Bình 2018: 386).  Nhiều đệ tử của Phật (nhóm Ca Diếp) tu hành thờ thần Hỏa trước khi thọ pháp (Đoàn Trung Còn 2011: 385-386).

Phật giáo được truyền vào các khu vực Tây Tạng, Trung Quốc (khoảng đầu công nguyên), các vị thần lửa từ hình thức thờ phượng riêng trở thành hệ thống Thập nhị Chư thiên hay Thập nhi Diên vương (Huỳnh Thanh Bình 2018: 370). Diêm vương hay địa phủ được tiếp thu từ quan niệm về 3 giới trong Vệ đà (Thiên giới, Hư không, Địa giới). Trong đó địa giới thường được nhắc tới trong các truyền thuyết dân gian là địa ngục có 8 tầng nóng (hỏa ngục), 8 tầng lạnh (địa hàn) (Thích Thánh Nghiêm 2011: 51-53). Tuy nhiên Phật giáo chủ trương coi địa giới là một dạng biểu hiện duy thức và do nghiệp (của mỗi người) thúc đẩy. Cái chết là một hình thức của sự tái sinh, địa ngục không phải là chỗ trú ngụ cuối cùng mà là một chặng đường của sự luân hồi (Akira Sadakata 2017: 238). Quan niệm phổ biến về một thế giới địa phủ gắn với ngục tốt bắt người thực chất là các truyền thuyết dân gian không phải của Phật giáo (Thích Thánh Nghiêm 2011: 51-53).

Đặc biệt, trong quá trình phát triển, các nghi lễ dùng lửa nhập vào phái Mật tông với các hình thức thiêu đốt đồ vật để cúng dường với ý nghĩa dùng lửa để thiêu đốt u mê. Pháp này có nguồn gốc từ tục cúng dường thần lửa để trừ ma và cầu phước của Ấn Độ cổ đại, sau trở thành một pháp tu quan trọng trong phái mật tông. Một trong những biểu tượng tiêu biểu cho phái mật tông là hình ảnh Văn thù Bồ tát với tay phải cầm kiếm lửa tượng trưng cho sức mạnh giác ngộ tiêu diệt sự ngu si (Hình 2).

Picture1

Hình 1: Các biến thể của thần lửa trong Phật giáo (Huỳnh Thanh Bình 2018: 369)

Picture2

Hình 2: Văn thù Bồ tát với kiếm lửa tượng trưng cho sự giác ngộ (Thích Minh Tông 2013: 84-85)

Quan niệm và tục thờ lửa với ý nghĩa hướng tới sự giác ngộ và thanh tịnh là cơ sở hình thành tục hỏa táng phổ biến ở một số quốc gia theo Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo tiểu thừa như Xê ri lan ca, Mi-a-ma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (cộng đồng Nam tông Khmer)… Phật giáo tiểu thừa quan niệm linh hồn cá thể (Átma) được tách ra từ linh hồn vũ trụ (Brahama). Khi người chết – linh hồn cá thể sẽ quay trở về với linh hồn vũ trụ, hoả táng là để thiêu đốt về mặt thể xác cũng như mọi tội lỗi giúp cho linh hồn người chết nhanh chóng trở về với vũ trụ (Nguyễn Đức Dũng, Võ Thành Hùng 2014: 83-82).

Trong khi đó, nghi lễ thờ lửa trong Phật giáo khi được truyền vào Trung Quốc trên cơ sở tiếp thu các tín ngưỡng bản địa đã hình thành nên tục đốt vàng mã đặc biệt trở nên phổ biến trong đời sống Phật giáo ở Trung Quốc và Việt Nam. Các nghiên cứu cho rằng, ngay từ thời Hán hình thức chôn tiền theo người chết đã rất phổ biến, xuất phát từ quan niệm người chết biến thành quỷ, quỷ phải có tiền để sống, thế giới của quỷ cũng giống thế giới của người chỉ khác nhau về âm dương.

Tục chôn tiền thật tốn kém về sau người ta cắt giấy thành tiền rồi đốt đi cho quỷ dùng, dần hình thành nên tục đốt vàng mã cho người chết (Thích Thánh Nghiêm 2011: 73-74). Như vậy, bên cạnh các nghi lễ thờ cúng với lửa của Phật giáo, nghi lễ đốt vàng mã có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian hòa nhập trong quá trình thực hành nghi lễ Phật giáo khiến nhiều người lầm tưởng đó là một nghi lễ của Phật giáo. Thực chất, tục đốt vàng mã không nằm phạm vi quan niệm và thực hành của Phật giáo.

Ngoài ra, liên quan đến tục thờ lửa còn có tín ngưỡng ông Táo, một trong những gia thần phổ biến ở Trung Quốc sau này truyền vào Việt Nam. Ông Táo, trong tín ngưỡng dân gian là vị thần có chức năng quản lý củi lửa, báo cáo tội lỗi của nhân thế một cách trung thực, đồng thời là vị thần đem lại phồn vinh hạnh phúc, thần hộ mệnh bảo vệ nhà cửa yên ổn (Huỳnh Thanh Bình 2018: 372) .v.v….

Ở Việt Nam, khoảng đầu công nguyên nước ta đã hình thành một trung tâm Phật giáo là Luy lâu cùng với hai trung tâm Phật giáo khác ở Trung Hoa là Lạc Dương và Bành Thành. Thời kỳ đầu người Ấn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo ở Giao Châu về sau vai trò này chuyển dần cho người Hán (Xem thêm Nguyễn Lang 2000). Ngoài ra, Việt Nam và Trung Hoa là hai nước láng giêng có quá trình giao lưu văn hóa diễn ra sớm, liên tục và lâu dài, do đó nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm cả Phật giáo có nguồn gốc Trung Hoa như Thập điện diêm vương, phái mật tông, tục đốt mã, kể cả tín ngưỡng thờ ông Táo v.v… sớm trở thành những truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo phổ biến ở người Việt.

3. Nghi lễ về lửa và tục đốt vàng mã của người Việt qua các thời kỳ lịch sử

Trước khi tiếp thu Phật giáo và nghi lễ đốt vàng mã từ Trung Hoa, thời tiền – sơ sử nhiều chứng tích cho biết người Việt cổ sử dụng lửa như những nghi lễ tôn giáo trong an táng người chết.

Ngay từ rất sớm, trong các di chỉ mộ táng của người Việt cổ đã tìm thấy những dấu tích về việc sử dụng lửa trong mai táng. Di chỉ mộ táng thuộc văn hóa Hòa Bình thời kỳ đối đá mới (18.000 – 7.500 năm BP), ngoài hình thức chôn cất (thổ táng) là chủ yếu, tìm thấy một số di cốt có vết đốt cháy, có thể đây là những dấu hiếu đầu tiên của hình thức hỏa táng (Bùi Văn Liêm 2019: 20-29).. Thời Hùng Vương, các nhà khảo cổ cũng tìm trong các thạp đồng, trống đồng chôn trong lòng đất ở độ sâu khoảng 2-3m có chứa tro than, xương và răng người cháy dở. Đáng chú ý, ngay từ thời tiền sử và sơ sử, người Việt cổ đã có những ý niệm đầu tiên về một đời sống và thế giới sau cái chết, nó được thể hiện qua tục chôn đồ tuy táng theo người chết rất phổ biến ở các di chỉ mộ cổ (Chu Văn Tuấn, Trương Thúy Trinh 2019: 70-84). Mặc dù tìm được dấu tích về hỏa táng song các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định thổ táng là hình thức mai táng phổ biến của người Việt cổ (Đinh Quang Hải, 2019: 9-18). Trong đó, tục chôn đồ tùy táng theo người chết là những cơ sở quan trọng để người Việt tiếp thu nghi lễ đốt vàng mã ở các giai đoạn sau, nó cũng trở thành truyền thống phổ biến trong suốt thời kỳ phong kiến và tiếp tục duy trì trong đời sống xã hội hiện đại.

Thời kỳ phong kiến độc lập: thời Lý – Trần, Phật giáo giữ vai trò quốc giáo, bên cạnh thổ táng là xu hướng chính, do ảnh hưởng các quan niệm sinh mệnh luân hồi chuyển kiếp trong Phật giáo cho nên trong tang ma mai táng thời kỳ này giới quí tộc thường lựa chọn hình thức hỏa táng. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết các vua chúa và giới hoàng cung thường sử dụng nghi lễ Phật giáo trong tang ma và thờ cúng như phóng sinh, bố thí, cầu siêu… nhưng chưa nói nhiều đến việc đốt mã.

Thời kỳ Lê, Nguyễn, nhà nước đề cao Nho giáo, tiếp thu tư tưởng Nho giáo trong tang ma luật pháp thời kỳ này nghiêm cấm hình thức hỏa táng, đồng thời phạt nặng đối với tội đào mồ mả, xâm phạm phá hủy thi thể người chết…[2]

Trong cả hai bộ luật Quốc triều hình luật (triều Lê) và Hoàng Việt luật lệ (triều Nguyễn) đều có các điều luật nghiêm cấm người dân tự xưng cư sĩ, đạo pháp để tuyên truyền về hỏa phục, phúc họa, tướng số (Viện Khoa học Xã hội 2009: 88-89, 96)… Nó cho thấy các quan niệm về địa phủ, hỏa ngụ có ảnh hưởng khá sâu sắc trong dân chúng thời kỳ này.

Đáng chú ý, trong các tác phẩm của Alexande De Rhode (thế kỷ XVII), ông mô tả khá đầy đủ, chi tiết về tục dùng mã, đốt mã của người Việt. Theo ông, người Việt đốt mã cho người chết vào các dịp sau khi mất, giỗ, cuối năm và tháng 6 âm lịch[3]. Tục này phổ biến ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, từ người nghèo, người giàu cho đến giới vua chúa quí tộc.

Trước hết, đối với Đàng ngoài:

“Họ đua nhau dựng nhà, sắm các dụng cụ bếp núc làm bằng tre nứa và giấy hoa rồi đem đi đốt… nhà quyền quý làm riêng những việc rất tốn phí… Khi một người có quyền thế và giàu có qua đời thì những người thừa kế dựng một lâu đài giữa đồng bằng vật liệu sơ sài và có thể thiêu đốt dễ dàng được, tất cả đều được trang trí và vẽ nhiều hình tượng, họ làm bàn ghế, giường, tủ và những đồ vật thường dùng trong nhà cùng những hình nổi cũng bằng vật liệu nhẹ, như voi, ngựa, chó, mèo… người thừa kế đem tất cả hàng mã này châm lửa đốt… họ tin rằng hồn người quá cố sẽ nhận được tất cả những đồ vật còn nguyên vẹn ở cái thế giới mà họ tới” (A. Rhodes, Lịch sử… 1994: 57-59).

Về việc cúng mã tổ tiên vào tháng Sáu (thực chất là tháng Bảy[4]) Âm lịch:

“… Người Đàng Ngoài có tục, vào tháng Sáu âm lịch… đốt áo hoa… cho người nghèo bị bỏ rơi dùng… để giúp cô hồn bơ vơ: trong lớp học, học sinh mỗi tháng hai lần, ngày mồng một và ngày rằm, họp nhau rảo trong thành xin tiền để mua gạo nấu cháo. Sau khi ăn một ít còn đổ trên mái nhà, cho rằng những hồn lang thang đó về dùng…” (A. Rhodes, Lịch sử… 1994: 57-59).

Đối với Đàng Trong, năm 1644 trong lần tiếp đón một phái đoàn truyền giáo, chúa Nguyễn tổ chức lễ cúng vong linh tổ tiên có nghi lễ đốt mã:

“…Tất cả binh sĩ đều chỉnh tề túc trực, chừng sáu ngàn. Tất cả đều vận nhung đỏ sẫm, mũ mạ vàng và súng su kê bóng loáng. Các tướng lãnh chỉ huy đạo binh ai nấy đều đứng trong hàng ngũ như thể phải đi trận. Mọi người đã xếp hàng đông đủ khi có mặt chúa rồi, thì có một vị thượng tọa cử hành các nghi lễ bên cạnh bàn thờ. Rồi sau khi thượng tọa đọc những lời chẳng ai hiểu thì đốt mấy con ngựa giấy với mấy khẩu đại bác cùng bằng giấy…” (A. Rhodes, Hành trình…1994: 181-182).

Trong tập Kỷ sử hải ngoại, Thích Đại Sán cũng nói về đàn hỏa diệm và việc đốt bùa trong nghi lễ cầu tạnh, trong đợt thiền sư nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đi hoàng pháp ở Đàng Trong (1695-1697).

“Chiều hôm làm đàn “hỏa diệm”… Ta nghĩ, nhà vua một lần công đức, tổn phí bạc nghìn, bèn lấy hết tín thành cầu đảo, niệm. “Uế Tích Kim Cang thần chú” 108 biến, đốt hai đạo bùa. Nghỉ một lát lại niệm chú 48 biến. Mưa gió tạnh dần, một chốc vén mây thấy rõ trời xanh […]. Vương mừng rỡ tạ lễ, ý muốn học phù chú ấy (Thích Đại Sán 2015: 151 – 152).

Trong một số tác phẩm khảo cứu về phong tục của người Việt, các tác giả Phan Kế Bính, Toan Ánh cho rằng lễ Vu Lan của người Việt được tiếp thu từ tư tưởng Phật giáo. Lễ này được tổ chức vào dịp rằm tháng Bảy với quan niệm là ngày xá tội vong nhân, các tội nhân dưới âm phủ được tha tội, nên ở dương thế mọi gia đình làm cỗ và đốt mã cúng gia tiên, hoặc cúng cháo cho các linh hồn lang thang…

Như vậy, nghi lễ đốt vàng mã từ lâu đã trở thành hình thức thực hành phổ biến trong truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Tục đốt vàng mã cùng một số nghi lễ thờ lửa được người Việt tiếp thu trong quá trình giao thoa văn hóa với Trung Hoa, do đó nó mang nhiều điểm tương đồng với Phật giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những quan niệm của người Việt cổ về một thế giới sau cái chết và tục chôn đồ tùy táng theo người chết có từ thời tiền sử những cơ sở quan trọng để người Việt tiếp thu tục đốt vàng mã từ của người Trung Quốc. Không chỉ dừng ở đó, sự phát triển và ngày càng phổ biến của nó trong nhiều giai đoạn lịch sử, cho đến nay tục đốt vàng mã vẫn giữ vai trò quan trọng trong tâm thức cũng như trong thực hành nghi tín ngưỡng, lễ tôn giáo của người Việt hiện nay.

4. Nghi lễ đốt vàng mã ở nước ta hiện nay

4.1. Nhu cầu thực hành của người dân

Trong khoảng mấy thập niên gần đây, xu hướng phục hồi truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ở nước ta hết sức mạnh mẽ trong đó có các hoạt động thực hành Phật giáo.

Thứ nhất, Phật giáo từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam. Ngôi chùa là một trong ba thành tố cấu thành nên cấu trúc tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt, gồm: Đình – Chùa – Từ đường.

Thứ hai, việc khôi phục các truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong những năm gần đây là một nhu cầu tất yếu sau một thời gian dài dồn nén vì lý do chiến tranh, giải phóng dân tộc và các mục tiêu chính trị – xã hội khác… Được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, sau Đổi mới (1986) khoảng từ sau những năm 1990 trở đi các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở khắp nơi trong cả nước từng bước được phục hồi và có nhiều khởi sắc.

Thứ ba, việc xóa bỏ cơ chế kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường là nhân tố thúc đẩy người dân đến với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh tinh thần trước những biến động của đời sống chính trị – kinh tế – xã hội. Thứ tư, những thành tựu đạt được của công cuộc Đổi mới trong lĩnh vực kinh tế – xã hội đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Tâm lý phú quý sinh lễ nghĩa là một trong những lý do người dân dành một phần thu nhập cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có việc đốt mã. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy các hành vi thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo của người dân có xu hướng gia tăng thể hiện qua các chỉ báo diễn ra thường xuyên hơn, quy mô lớn hơn, chi phí tốn kém hơn (Hình 3).

Picture3

Hình 3: Một buổi cúng mã Hình nhân thế mạng trong Lễ Cầu an đầu năm tại một ngôi chùa ở khu vực Hà Nội (Ảnh do tác giả thực hiện)

Theo tác giả Lê Tâm Đắc cung cấp, năm 2006: Mỗi năm cả nước ta tiêu tốn khoảng 50.000 tấn giấy, tương đương với 200 tỷ đồng trong chi phí sản xuất ra vàng mã, việc đốt vàng mã tiêu tốn khoảng 1000 tỷ đồng – số nguồn lực tài chính trong dân chúng. (Lê Tâm Đắc 2006: 39-43)

Tuy nhiên con số này không dừng lại, khảo sát năm 2016 cho biết, sau 10 năm số tiền người dân cả nước tiêu tốn cho việc đốt vàng mã đã tăng gấp nhiều lần, con số 1000 tỷ đồng đã tăng lên 16.000 tỷ đồng[5].

Thứ năm, hoạt động đốt vàng mã ngoài tác dụng mang lại cho người dân cảm giác an tâm, trong nhận thức của một bộ phận không ít người dân có sự nhầm lẫn coi nghi lễ đốt mã là một hình thức thực hành của Phật giáo – vốn là một tôn giáo lớn có được chỗ đứng vững chắc trong tâm thức tôn giáo của đa số người dân Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng đốt vàng mã liên tục gia tăng trong những năm gần đây.

4.2. Quan điểm, ứng xử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trong những năm gần đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh Phật giáo, trong đó tiêu biểu là nghi lễ đốt vàng mã. Trong một cuộc trao đổi gần đây, đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục kiên trì với quan điểm của phong trào Chấn hưng Phật giáo (1935-1954) trong đó khẳng định đốt vàng mã không có trong giáo lý Phật giáo, cụ thể như sau:

“Đốt vàng mã thực chất chỉ là tín ngưỡng xa xưa, hoàn toàn không có trong Giáo lý Phật giáo. Trong các kinh sách Phật giáo đều không đề cập đến việc đốt vàng mã. Tất cả hệ phái Phật giáo Nguyên thủy tại Ấn độ, Thái Lan, Srilanka, Tích Lan đều không có tục đốt vàng mã”[6].

Trên tinh thần tiếp thu chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đang tích cực triển khai một số các biện pháp nhằm thúc đẩy ngăn ngừa việc đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo của Phật giáo.

Trước hết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm tại các nơi thờ tự, các dịp lễ hội của Phật giáo. Đồng thời ban hành riêng một công văn số 31/CV-HĐTS đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Trên cơ sở đó, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản khuyến nghị các chùa, tự viện trên địa bàn thực hiện nghiêm hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, tăng cường các biện pháp giải thích, giáo dục đối với tín đồ và nước người dân về vấn đề đốt vàng mã và những tác hại tiêu cực của nó gây ra. Đặc biệt, tại các chùa, tự viện cho gắn các biển hiệu thông báo không cho mang vàng mã vào chùa, không đốt vàng mã tại chùa, tuyên truyền rộng rãi cho bà con trong thực hành cúng giỗ tổ tiên tại gia đình v.v…[7]

Có thể nhận thấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có các biện pháp tích cực và kịp thời, bên cạnh việc ban hành chủ trương là các hướng dẫn thực hiện trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của cơ sở tôn giáo, tăng sư trong thực thi. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu vẫn là giáo dục tuyên truyền đối với người dân.

4.3. Hệ thống chính sách, luật pháp của Nhà nước

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, vấn đề loại bỏ vàng mã đã được nhiều lần được đặt ra. Đầu tiên là trong Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc do Giáo hội Phật giáo Bắc kỳ khởi xướng diễn ra từ năm 1935 – 1954. Trong đó, Giáo hội Phật giáo nhận được sự hậu thuẫn của các quan lại phong kiến sử dụng chủ yếu biện pháp là giáo dục, tuyên truyền, ở thời điểm đó nó đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho đời sống Phật giáo ở miền Bắc (Lê Tâm Đắc 2006: 39-43).

Vấn đề này trở lại khi nước ta bước vào giai đoạn thống nhất (năm 1975). Cùng với chủ trương, chính sách tôn trọng quyền tự do tôn giáo của nhân dân, nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo trên tinh thần đề cao nhằm đảm bảo gìn giữ các truyền thống thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Năm 1975, Chính phủ ban hành Quyết định 56-CP ngày 18-3-1975 của Hội đồng chính phủ “Về việc ban hành thể lệ về tổ chức việc cưới, vịêc tang, ngày giỗ, ngày hội”. Trong đó các quy định về liên quan đến tang ma nêu rõ: “Xóa bỏ tục đốt vàng mã, tục treo đặt các đồ tang phục như khăn tang, mũ nùn rơm trên bàn thờ, tục yểm bùa” (Những văn bản về việc cưới, việc hỏi, ngày giỗ, ngày hội 1979: 29).

Đặc biệt, sau Đổi mới, cùng với những thành tựu phát triển về kinh tế – xã hội, đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu thực hành nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo trong đó thực hành đốt vàng mã bùng phát trở lại. Trước tình hình đó, Nhà nước ban hành một loạt các văn bản, gồm:

– Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 12- 1-1998 của Bộ chính trị, Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

– Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới , việc tang, lễ hội”.

– Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X), Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội (Trích theo Phùng Thực Viên 2019: 255-259)

– Đặc biệt, năm 2016 Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, trong đó vấn đề quản lý, kiểm soát các hành vi thực hành nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo chủ yếu dựa trên một số nguyên tắc chung:

“1. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.”[8]

Trong đó, việc kết hợp giữa văn bản luật pháp và một số quy định hành chính của Nhà nước như Nghị định 158/2013/NĐ-CP thế cho Nghị định 75/2010/ NĐ -CP[9] nhằm xử phạt hành chính đối với hành vi đốt vàng mã chưa cho thấy tính hiệu quả. Thứ nhất, Nghị định quy định mức phạt đối với các hành vi đốt vàng mã sai quy định (tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa, nơi công cộng khác) là hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng, mức phạt hiện nay giảm xuống còn 200.000 – 500.000[10]. Thứ hai, Nghị định chưa có quy định về cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung như đền, chùa, đình, miếu, phủ… trong khi việc đốt vàng mã diễn ra thường xuyên và chủ yếu ở các không gian tôn giáo này.

Những dẫn chứng trên cho thấy trong vấn đề đốt vàng mã, để hạn chế, kiểm soát đối với hình thức thực hành này cần có thêm những biện pháp bổ sung để nâng cao hiệu quả các các văn bản luật pháp của Nhà nước.

5. Một vài suy nghĩ từ góc độ truyền thống văn hóa – tôn giáo

Từ Chi trên cơ sở khảo cứu về cõi sống và cõi chết trong thế giới quan của người Mường, tác giả cho rằng: trên hết tang lễ luôn là nghi lễ lớn của các dân tộc, trong đó lễ tiết thể hiện quan niệm nhân sinh quan quen thuộc của dân tộc. Dù không thiếu chỗ lệch lạc song những quan niệm ấy đã bắt rễ lâu đời vào tâm khảm của người dân, là chất liệu góp phần xây dựng nên mối cộng cảm của một dân tộc. Do đó, không thể sớm muộn giải quyết, xóa bỏ nó trong ngày một ngày hai được, nhất là bằng các biện pháp hành chính (Nguyễn Từ Chi 2003: 10).

Trong một nghiên cứu gần đây về vấn đề vàng mã, TS. Trần Đình Hằng chỉ ra các chiều kích về truyền thống luân lý và chức năng tìm kiếm an toàn hiện sinh đem lại sự an tâm cho người dân, nó khiến cho các biện pháp của Nhà nước nhằm điều chỉnh hay loại bỏ nghi lễ đốt vàng mã trong đời sống xã hội là một thách thức hết sức khó khăn (Trần Đình Hằng 2015: 93-101). Khi bàn về vấn đề này TS. Lê Tâm Đắc cũng cho rằng để ứng xử với vấn đề vàng mã, giáo dục, tuyên tuyền là biện pháp phù hợp và đem lại hiệu quả (Lê Tâm Đắc 2006: 39-43).

Trước xu hướng phục hồi truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra mạnh mẽ ở nước ta hiện nay, đốt vàng mã đang trở thành một trong những lựa chọn thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của số đông người dân. Đặc biệt, sự phát triển đột biến của nó thể hiện qua các số liệu về nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất vàng mã, chi phí của người dân cho việc đốt vàng mã không ngừng tăng theo cấp số nhân đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt. Đó là chưa kể đến sự lệch lạc trong nhận thức, hiểu biết về nghi lễ đốt vàng mã trong một bộ phận người dân. Đốt vàng mã vốn là một tập tục, truyền thống văn hóa – tôn giáo lâu đời của người dân Việt Nam.

Đặc biệt nghi lễ này có mối liên hệ chặt chẽ và là một phần quan trọng trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Do đó, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, việc áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đốt mã phù hợp với các giá trị cốt lõi và thuần phong mỹ tục của dân tộc là một việc làm cần thiết.

Để thực hiện điều này, trước hết Nhà nước cần có các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa pháp luật Nhà nước với truyền thống luân lý từ đó mới mong có được sự đồng thuận của người dân trước các chính sách, luật pháp của nhà nước. Chúng ta cần có thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen, tập tục đốt vàng mã của người dân. Trong đó, giáo dục, tuyên truyền luôn là biện pháp quan trọng, lâu dài trong mọi tiến trình thực hiện triển khai chính sách, luật pháp của nhà nước nói chung, đặc biệt là trong vấn đề thực hành nghi lễ đốt vàng mã nói riêng.

Chú thích:

(*) Bài viết trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung và số liệu trong bài tham luận  “Nghi lễ thờ lửa cúng trong Phật giáo và tục đốt mã của người Việt và một số kiến nghị” Hội thảo khoa học Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay: Đời sống Phật giáo do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tháng 12 năm 2020 tại Hà Nội.

[1] Để đảm bảo tính đại diện của đối nghiên cứu, tác giả khảo cứu huyền thoại của các tộc người ở nhiều khu vực, châu lục trên thế giới, gồm: châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, châu Âu. Xem thêm J. G. Frazer (2000), Các huyền toại về nguồn gốc của lửa, Ngô Bằng Lâm dịch từ tiếng Pháp, Nxb. VHDT, H.

[2] Theo tư tưởng đạo Hiếu của Nho giáo, cha mẹ trao cho mình thân xác nên mỗi người phải trân trọng giữ gìn.

[3] Ở điểm này A. Rhodes nhầm từ tháng 7 âm lịch thành tháng 6 âm lịch. Vấn đề này đã được trình bày và phân tích trong bài viết “Khảo cứu tư tưởng thờ cúng tổ tiên qua một số tác phẩm của Alexande De Rhodes”. Xem thêm “Étude du culte ancetres les Vietnamiens a trvers certaines (Euvres d’ Alexandre de Rhodes)” trong sách Hanoi – Paris Un nouvel espace des sciences humanines, Nxb. KIME Editions, Paris, 2020

[4] Như đã nêu trong chú thích 4 ở trên.

[5] Phan Anh, “Đốt hàng nghìn tỉ vào vàng mã mỗi năm, Cục Văn hóa ra chỉ đạo”, Lao Động Online, LĐO | 28/01/2019. Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa/dot-hang-nghin-ti-vao-vang-ma-moi-nam-cuc-van-hoa-ra-chi-dao-

[6] Phát biểu của Hòa thượng Thích Gia Quang về vấn đề này đăng trên Website Sở Nội vụ Nam Định. Nguồn

http://sonoivu.namdinh.gov.vn/qlnn-ve-ton-giao/khong-dot-vang-ma-tai-cac-co-so-phat-giao-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-1127

[7] Theo phát biểu của Hòa thượng Thích Gia Quang, tlđd.,

[8]  Website: Thư viện luật pháp, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo (2016), (Luật số: 02/2016/QH14).

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx

[9] Website: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch, Nghị định 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo,

https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/docs/584

[10] Website: Luật Việt nam, Cấm đốt vàng mã – Luật có nhưng chưa đủ!

https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/cam-dot-vang-ma-luat-co-nhung-chua-du-230-15797-article.html

Tài liệu tham khảo:

1. Akira Sadakata (2017), Vũ trụ quan Phật giáo, triết học và nguồn gốc, Hajime Nakamura giới thiệu, Trần Văn Duy dịch và chú giải, Nxb. Tri thức, H.
2. Alexande De Rhodes (1994), Hành trình và truyền giáo, UBĐK Công giáo, Nxb. TP HCM.
3. Alexande De Rhodes (1994), Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, UBĐK Công giáo, Nxb, TP HCM.
4. Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam thờ cúng tổ tiên, Nxb. KHXH, H.
5. Huỳnh Thanh Bình (2018), Biểu tượng thần thoại về Chư thiên và Linh vật Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. HCM
6. Phan Kế Bính (2006), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn Học, H.
7. Nguyễn Đức Dũng, Võ Thành Hùng “Tang lễ của người Khmer theo đạo Phật Nam tông ở Sóc Trăng hiện nay”, TC Nghiên cứu Tôn giáo, Số 3 (129), 2014, tr. 83-82
8. Lê Tâm Đắc, “Hội Phật giáo Bắc kỳ và vấn đề vàng mã”, Nghiên cứu tôn giáo, 02/2006, 39-43
9. Nguyễn Tất Đạt (2011), Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. CTQG, H.
10. Trần Đình Hằng, “Các yếu tố cội nguồn của vàng mã”, Nghiên cứu Tôn giáo, Sô 2/2015, 85-99
11. Thích Thanh Kiểm (2014), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Tôn giáo.
12. J. G. Frazer (2000), Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa, Nxb. VHDT, H
13. Thích Thánh Nghiêm (2011), Phật giáo chính tín, NXB. VHTT
14. Thánh Nghiêm (2010), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Thích Tâm Trí (dịch), Nxb. Phương Đông, TP. HCM.
15. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học. H.
16. Huyền Thanh (Biên dịch) (2017), Nghi lễ thờ cúng lửa trong Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, H.
17. Thích Tâm Thiện (2000), Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, Nxb. TP. HCM.
18. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb. KHXH, H.
19. Nguyễn Thanh Xuân (2005), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H.
20. Website: Thư viện luật pháp, “Luật Tín ngưỡng Tôn giáo” (2016), (Luật số: 02/2016/QH14). https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx
21. Website: Sở Nội vụ Nam Định, “Không đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo – Từ nhận thức đến hành động”, 3/9/2020. Nguồn: http://sonoivu.namdinh.gov.vn/qlnn-ve-ton-giao/khong-dot-vang-ma-tai-cac-co-so-phat-giao-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-1127
22. Website: Báo Điện tử Đảng Cộng sản, “Đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo”, 22/02/2018. Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/de-nghi-bo-tuc-dot-vang-ma-tai-cac-co-so-tho-tu-phat-giao-474195.html
23. “Đốt hàng nghìn tỉ vào vàng mã mỗi năm, Cục Văn hóa ra chỉ đạo”, Lao Động Online, LĐO | 28/01/2019, Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa/dot-hang-nghin-ti-vao-vang-ma-moi-nam-cuc-van-hoa-ra-chi-dao

[Nguồn: Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam, Số 5 (197) 2021, ISSN 0866-7184]

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường