Mở đầu: Ngày nay Phật giáo trên toàn thế giới đã phổ biến và phát triển rộng khắp, ở nước ta với sự đa dạng sắc tộc; văn hóa; tôn giáo – tín ngưỡng là một miền đất hứa đầy tiềm năng làm cho Phật giáo ngày càng thịnh hành. Tuy nhiên, quá trình này dẫn đến những bất cập của sự thái quá, có vẻ như Phật giáo lại đi xuống trên phương diện nào đó về giáo pháp, giáo lý và nhất là đạo đức của con người. Hiện nay, xuất hiện sự phân hóa; lạm dụng Phật giáo thành sự mê tín dị đoan ngày càng nhiều. Một thực tế khác khi nhiều trường phái lạm dụng hình thức Phật giáo để mưu đồ và hòng xóa nhòa gốc rễ để hòa nhập với một số tín ngưỡng – tôn giáo khác. Những vấn đề đó, bằng phương pháp khái quát hóa, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể nhất chỉ rõ sự phân hóa cũng như nêu ra một số vấn đề “nhập thể” của Phật giáo nước ta hiện nay.

Từ khóa: Phật giáo Việt Nam; vấn đề Phật giáo; Phật giáo hiện nay

1. Vấn đề “nhập thể” Phật giáo Việt Nam trong đời sống

Đặc tính dễ thâm nhập của Phật giáo Việt Nam trong đời sống hiện nay

Với đặc điểm của một tôn giáo – tâm linh nên Phật giáo hiện nay được phổ biến rộng khắp tất cả mọi miền đất nước, là tính chất chung của bất kỳ tôn giáo nào một khi đã xuất hiện với đầy đủ giáo lý, giáo pháp và giáo chủ. Ngày nay đa số người Việt Nam đều có khuynh hướng tìm đến tôn giáo – nhất là Phật giáo – vì giáo lý, giáo pháp dễ đi sâu vào đời sống, với mục đích là hướng con người đi đến cái “thuần thiện” và “làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”. Sự thật là con người hiện đại tâm lý trở nên căng thẳng, rối loạn tâm lý nên các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loại nhân cách,…[2] lại trở nên phức tạp hơn, sự sợ hãi của con người trước các hiện tượng thiên nhiên và tâm linh của người Việt Nam.

Vì vậy, mà người ta tìm đến, nương nhờ vào tôn giáo – Phật giáo để tìm lại sự thiếu hụt, bù đắp tinh thần.

Tóm lại, sự dễ thâm nhập của Phật giáo Việt Nam vào đời sống xã hội hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, truyền thống Phật giáo Việt Nam đã có từ thời Đinh – Tiền Lê, Lý – Trần, cùng với trung tâm Luy Lâu trở thành một tôn giáo dân tộc khá lâu đời[3]. Những giáo lý được kết hợp chính trị, văn hóa, tín ngưỡng – tâm linh đã giải tỏa, giải đáp được những sự thiếu thốn của người dân thời kỳ đó và ngày nay.

Thứ hai, do phong tục, tập quán lúa nước lâu đời của người Việt khi quan sát hiện tượng thiên nhiên làm xuất hiện các vị thần như: thần Mưa, Sấm, Sét,… Họ đã vẽ, tạc lại tượng các vị đó và thờ trong dân gian và trong các chùa chiền ở nước ta.

Một mặt, họ tôn thờ các vị này, vì tâm lý người Việt nam là thích cái “linh thiêng” đồng thời sợ luôn cả “linh thiêng” này. Các tượng, hình vẽ các vị thần như Quan Công, Thần Sấm, Sét,… được người dân sùng bái, nhưng một số các vị này thể hiện bằng những hình tượng các Bồ Tát, Phật của Phật giáo được thời chung ở trong các chùa chiền.

Thứ ba, muốn giải tỏa các trở ngại tinh thần nên họ tìm đến tâm linh và người Việt muốn nghe được những điều họ muốn nghe đúng với cái tâm lý – tâm linh cấp thiết trong hoàn cảnh cấp bách của thực tại nào đó. Đây cũng là một lý do tại sao mặt tâm linh Phật giáo được đông đảo quần chúng tìm đến và tin theo, cũng như thực hành theo đúng những gì họ đã được nghe, được dạy; tâm lý học hỏi người đi trước, hay bắt chước cách làm của người dân nên sự dễ xâm nhập càng ngày càng sâu.

Thứ tư, là một tôn giáo có những giáo lý giúp cuộc sống xã hội nên tốt đẹp và giúp mỗi người trở thành một CON NGƯỜI theo đúng nghĩa của nó. Vì những điều tốt đẹp được những người am hiểu Phật pháp chỉ dạy, người tìm đến là những người con có hiếu với bố mẹ, có tình yêu quê hương đất nước.

Thứ năm, do tính chất nhiệm màu cúa Phật pháp, thông qua thực tiễn của việc áp dụng tu tập đã làm cho đại quần chúng giải quyết được nhu cầu về bệnh tật, tai nạn, tâm lý trong tình hình tệ nạn xã hội và nhất là tội phạm ngày càng nhiều do con người bị suy thoái đạo đức, hay những chuyện gia đình … họ cảm thấy cuộc sống được thoải mái, êm ấm hơn, và nhất là đã minh chứng được “tai qua nạn khỏi” trong dân gian.

Vì những lý do trên có thể khẳng định Phật giáo là một tôn giáo rất dễ ”nhập thế” tức là dễ dàng áp dụng trong cuộc sống con người hiện nay.

Tuy nhiên, nó cũng có cái khó khi áp dụng bởi những lý do cơ bản sau đây:

Đặc tính khó thâm nhập của Phật giáo Việt Nam trong đời sống hiện nay

Thứ nhất, trong cuộc sống hiện đại nhiều niềm vui, nhiều cái để học hơn, nhất là sự chạy đua của thời đại làm cho con người phải chạy đua theo sức mạnh của đồng tiền, họ không có đủ thời gian để tìm hiểu Phật giáo, nhất là việc tu tập. Việc cân bằng giữa đạo và đời hiện nay là một việc rất khó, bởi họ còn nhiều lo toan cuộc sống và vì “họ còn rất nhiều việc phải làm”.

Thứ hai, hiện nay xuất hiện nhiều tư tưởng, triết lý mới có tính cuốn hút và đánh đúng tâm lý của giới trẻ, dường như họ không có còn quan tâm nhiều đến tôn giáo nữa, coi đó chỉ là một hình thức tín ngưỡng đã cổ hủ, Phật giáo dường như bị tầm thường hóa do sự lạm dụng trên các phương tiện thông tin hiện đại nhất là mạng internet khiến nhiều người ngán ngẩm cho đó là “những vị Phật online” mà thôi.

Thứ ba, sự phân chia thành các trường phái mới mang hình thức Phật giáo đã tạo nên một làn sóng tôn giáo mạnh mẽ, lạm dụng tôn giáo để trục lợi cho cá nhân, tổ chức nào đó. Đặc biệt, việc áp dụng tôn giáo để làm kinh tế hiện nay đã làm cho người dân mất niềm tin vào Phật giáo, để từ đó Phật giáo mang một màu áo mê tín dị đoan giữa cung và cầu hiện nay.

Thứ tư, vì có quá nhiều trường phái mới, nên giáo lý bị chế biến, xào trộn lại cho phù hợp với mục đích nào đó nên làm cho người tiếp cận bị tung hỏa mù hoặc bị đánh lận con đen trên con đường tìm hiểu, họ thắc mắc nghi ngờ. Bởi theo họ: “tôi đọc kinh nói thế này, mà sao phái này lại nói thế kia”[4] –tạo nên các cuộc tranh cãi vô ích vê Phật giáo. Hoặc là “mạnh ai người đó làm” theo kiểu “học mù, tu mù” Phật giáo – vì sự mất định hướng trong việc lựa chọn phương pháp tu hành.

Thứ năm, vì tu hành Phật giáo là một việc cần rất nhiều thời gian để xong, mà hiện nay thời gian không cho phép bởi thời gian cua họ là tiền bạc, là cuộc sống sung túc. Việc tu tập trong cuộc sống hiện nay chỉ có được khi mà còn “cơm lành canh ngọt” tức cuộc sống đã đầy đủ đó thì may ra họ mới tập trung vào việc tu tập. Phần lớn người dân tìm đến những pháp môn mang tính nhanh chóng như là bùa, ngải, thần quyền,…tức các hình thức tha lực – bị nhập, mang màu áo Phật pháp để mà tu hành. Đây cũng là một trong những lý do tạo ra một số vấn đề Phật giáo hiện nay sẽ được trình bày ở dưới đây.

2. Một số vấn đề cơ bản của Phật giáo hiện nay

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có quá trình phát triển mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước, góp phần tạo nên nền văn hóa hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc[5]. Tuy nhiên, trong sự biến đổi của nó, Phật giáo đã một phần nào đó đánh mất bản thân mình, khi mà xuất hiện nhiều dạng biến tướng, các trường phái tự phát hình thành. Có vẻ như mang trong mình tinh hoa của Phật giáo nhưng thực chất là một dạng biến tướng của sự phân hóa Phật giáo. Bởi vì:

Sự xuất hiện nhiều trường phái, ngoài ba tông phái chính của Phật giáo ở Việt Nam là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông thì còn những dạng Phật – Thần quyền, Bùa, Ngải,…

Sự lạm dụng tôn giáo – Phật giáo hiện nay là tiêu cực hóa của tôn giáo, khi mà nó đã phát triển cực thịnh và trở nên phổ biến trên khắp mọi phương diện từ giáo pháp, giáo lý đã dễ dàng và mạnh mẽ đưa vào đời sống văn hóa xã hội.

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng Internet thực trạng sử dụng Phật giáo để truyền bá càng trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Trước hết, chúng ta không thể không công nhận những lợi ích to lớn mà nó mang đến: giúp việc hoẳng dương Phật pháp càng trở nên dễ dàng; việc học tập, tìm hiểu hoặc tu tập được rút ngắn lại trong việc tìm kiếm phương pháp.

Tuy nhiên có những điểm cần xem xét trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, các tài liệu, giáo lý – pháp được truyền tải mà người tiếp cận khó kiểm chứng được sự đúng – sai; kinh nghiệm trong việc chọn lọc cái phù hợp với bản thân rất ít, hơn nữa các giáo lý còn bị xuyên tạc theo mục đích của các trường phái; tổ chức; cá nhân nào đó hoặc để tạo nên một biệt phái lôi kéo những người có lòng tin vào Đức Phật, chính người tham gia đó họ bị tình trạng “tung hỏa mù” và bị “đánh lận con đen”. Về mặt tâm lý, ta thấy được một nhu cầu tinh thần về Phật giáo rất lớn để giải quyết các vấn đề, nhu cầu nương tựa hoặc hướng đến những cái tốt đẹp, trong cái vô vàn đó đã bị sự lợi dụng theo mô hình cung – cầu của hàng hóa. Tóm lại, việc các tài liệu, thông tin, giáo lý hay những sách về Phật giáo hiện nay bị lạm dụng trên phương diện truyền bá tư tưởng, khi mà sự xuất hiện nhiều lý luận khác nhau với sự ra đời nhiều trường phái của sự áp dụng một cách vô tội vạ giáo lý để tạo ra trường phái giải thoát mới.

Thứ hai, có những “bậc thầy” Phật giáo có thể giải quyết được các vấn đề này nọ của con người – hiện trạng phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. Các hiện tượng lớn lối, muốn làm thầy thiên hạ của một số người mang danh Phật giáo có mặt khắp nơi. Có thể nói, một mặt đó là điểm tích cực mặt khác là sự “thuyết pháp không đúng thời điểm” dẫn đến tình trạng bị tầm thường hóa. Bởi khi thuyết pháp không đúng người, đúng lúc thì hậu quả còn tệ hại hơn là không thuyết pháp.

Thực tế không phải là ai cũng muốn nghe pháp, hay họ có sự lựa chọn người giảng bài đó theo tâm lý là phải là người đức độ, có uy tín lớn được mọi người tin theo, v.v…

Thứ ba, Phật giáo hiện nay bị xem như hàng hóa trong sự đan xen giữa tôn giáo với tín ngưỡng, văn hóa bản địa Việt Nam nói chung và vùng miền nói riêng, tạo nên những màu sắc khác nhau, nổi bật là sự mê tín – dị đoan đã có từ trước đến nay. Phân tích: một mặt hiện tượng này xuất hiện lâu đời của phong tục, tập quán cùng tín ngưỡng bản địa. Tuy nhiên. thời đại hàng hóa, tôn giáo cũng trở thành một loại hàng hóa – tức sự buôn thần bán thánh của Phật giáo Việt Nam hiện nay đã bị lạm dụng. Diễn tiến quá trình này xuất phát: trước hết, Việt Nam là một nước truyền thống nông nghiệp lúa nước truyền thống, thông qua quan sát hiện tượng thiên nhiên – mưa nắng, sấm sét để làm nông nghiệp. Việc quan sát của người nông dân đã tạo nên hệ thống các vị thần trong dân gian, và những kinh nghiệm thể hiện sâu sắc trong các câu vè, ca dao, tục ngữ của người Việt Nam. Do tính thật thà, chất phác nên hệ thống các vị thần xuất hiện theo đúng những gì họ quan sát, nên đã tạo nên những bức tượng, hình điêu khắc, vẽ lại các hình ảnh đó hoặc những người giỏi, có công với đất nước đều thành Thánh thần – khác với Thánh của Phật giáo là người đã “ngộ đạo” và có chữ “vạn”. Đồng thời, việc có các vị thần đó tạo nên một tín ngưỡng tôn thờ thần thánh, tôn thờ bởi vì đó là sự linh thiêng đồng thời họ cũng lại sợ chính sự linh thiêng đó.

Ngày nay, sự thờ cúng các vị thần cũng được thờ chung với các tượng Phật trong các chùa chiền, một số vị thần được tô tạc, vẽ lại giống như các vị Phật, Bồ Tát. Sau cùng vì sự tiếp xúc văn hóa với Trung Quốc trong quá trình đô hộ và tiếp xúc nên Phật giáo có sự giao thoa các yếu tố, một số loại tâm linh được đưa vào đời sống – tâm linh Phật giáo như lễ Vu Lan báo hiếu là cái phổ biến nhất.

Tóm lại, những yếu tố nội – ngoại đã tạo nên Phật giáo Việt Nam với nhiều màu sắc.

Mặt tâm linh là một nhu cầu rất cần thiết của người Việt, mỗi dịp lễ; nhất là Tết thì dường như có sự xóa nhòa ranh giới của tôn giáo với tín ngưỡng, trong đó Phật giáo khó nhận diện khi mà bị biến hóa thành các hình thức mê tín – dị đoan. Điển hình là việc cúng – đốt vàng mã cho người chết ở dưới địa ngục để năm mới họ có quần áo mới, đồ dùng mới. Thái độ của Phật giáo trong nước đã phủ nhận triệt để tư tưởng này thông qua xác nhận việc đốt vàng mã không phải của Phật giáo[6]. Trên phương diện tâm linh Phật giáo việc những hình ảnh người chết mặc quần áo rách rưới phản ánh trạng thái tâm linh yếu kém của người chết, bằng việc hồi hướng công đức tu hành cho họ thì họ sẽ được mặc đồ mới. Ngoài ra, một số hình thức “đàn pháp” của Phật giáo cũng bị lạm dụng như: Đàn pháp Địa Tạng, cầu siêu và giải oan,… hay đúng hơn là chỉ được tổ chức để thỏa mãn tâm lý của người sống hơn là những người chết, vì không phải ai cũng “đủ sức” – trình độ tâm linh thực hiện; gây tốn kém tiền bạc và thời gian. Vì vậy, có thể khẳng định việc mê tín,lạm dụng Phật giáo hiện nay là một thực trạng phổ biến.

Mê tín - dị đoan trong sự lạm dụng Phật giáo là một chuyện nhức nhối, mà người dân không biết được rằng, tất cả mọi việc đều là do Nhân – quả; hoặc phước báu của họ đã bị giảm sút; không coi trọng sự thay đổi của bản thân về tính cách, về việc làm thiện,… mà lại tìm đến bám víu, đổ lỗi – đổ thừa cho tâm linh, cho tôn giáo. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó, thì một số tổ chức Phật giáo đã đánh lừa những ‘con chiên” để phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, sự xuất hiện nhiều trường phái khoác màu áo Phật giáo ra đời trong bối cảnh nở rộ mạnh mẽ văn hóa, tôn giáo hiện nay. Sự phân nhánh này được khái quát theo những hướng sau đây:

Khuynh hướng thần – thánh hóa: Nhiều trường phái mang tính cách Phật giáo đã có từ lâu như Thần Quyền, Võ Bùa, Bùa, Ngải, Phù Thủy,... Các phái này có sử dụng dấu hiệu Phật giáo để mà phát triển như là hình ảnh ngài A – Di – Đà Phật hoặc chữ Vạn,.... Có thể nói rằng, những pháp môn này có tính chất tức thời, nhanh chóng nên được nhiều người tu theo, tùy vào mỗi người tu tập và mục đích sử dụng họ phân chia thành Tốt và Xấu – không phải là Chánh và Tà – khái niệm Phật giáo bị hiểu lầm từ trước đến nay; Theo Phật giáo Chánh là tu hành hướng về Niết Bàn, còn Tà là là Nghiêng, những người đang tu để hướng về cái Niết Bàn. Các pháp môn này phát triển cực kỳ nhanh, họ coi đó là một phần của Phật giáo và được mọi người tin theo.

Khuynh hướng phân chia nội bộ: Phật giáo được chia thành ba tông phái chính là: Tịnh Độ, Thiền và Mật, đó là sự phân chia theo phương pháp tu hành; hoặc phân chia Tiểu Thừa và Đại Thừa theo tính phổ quát về khả năng truyền tải giáo lý, giáo pháp; về mặt kinh sách thì Đại thừa luôn chê và phê phán Tiểu Thừa và sự phân biệt này bị hiểu sai: thứ nhất, do mục đích thương mại – bán kinh sách; thứ hai do họ hiểu sai quan niệm; thực chất sự phân chia Đại hay Tiểu thừa là dựa trên khả năng mà người tu hành sau khi đã xong (tu xong) họ có thể truyền (chỉ) cho được bao nhiêu đông đảo quần chúng (Đại thừa), hoặc là họ không chỉ được ai hết hoặc chỉ vài người (Tiểu thừa). Sự phân chia này tạo nên làn sóng phân biệt của những cuộc bàn cãi, tranh luận, đổ thừa trên tất cả phương diện Phật giáo từ trước đến nay.

Trên phương diện thống nhất quan điểm Phật giáo mà nói, dù đi trên con nào thì đều sẽ đi đến được Niết Bàn nếu tu hành thật sự, và sự phân biệt này chỉ được nhận xét tùy vào mục đích tu tập cho cá nhân hoặc cho mọi người.

Khuynh hướng biến tấu Phật giáo: sự “chế biến” giáo pháp theo hướng mới ngày càng được nhân rộng khắp nơi, tuy nhiều cái đạt được các thành tựu lớn trong việc áp dụng giáo pháp cho phù hợp với đặc trưng vùng miền, tôn giáo – tín ngưỡng bản địa đã được công nhận. Nhưng nay mỗi người đi một nẻo mỗi phái đi một đường, phái thì kết hợp giáo lý của Phật giáo hòa chung với Tam giáo, hoặc với tín ngưỡng để tạo thành hệ thống mới, tuy có cái hay là gom góp được tinh túy mỗi tôn giáo nhưng Phật giáo bị gom trong nồi “thập cẩm” tôn giáo, Ở đây, phải xét thêm trường hợp những người có trình độ tâm linh Phật giáo rất cao có thể viết kinh, tạo ra kinh sách mới. Nhưng chủ yếu vẫn là sự phân tích lý luận, nghiên cứu lý thuyết – tri thức rút ra từ tri thức để tạo thành tri thức mới.

Không những vậy, mà sự phát triển khoa học Phật giáo với những đối tượng nghiên cứu riêng của nó đã được phân tích bằng khoa học hiện đại ngày nay. Các hiện tượng Phật giáo được hầu hết các học giả - người viết sách lý luận trên sự phân tích khoa học dựa với những hiện tượng vật lý – hóa học, vũ trụ học.

Vậy nên mỗi người tìm hiểu Phật pháp cần phải xem xét lại tính đúng sai, tính thực tiễn không vì những nhu cầu cấp bách mà đi đến sự mù quáng trong việc tìm hiểu phương pháp tu tập để tránh bị “đánh lận con đen” trong công cuộc tìm về “Đường nơi Xứ Phật”.

Thay cho lời kết

Đạo đức con người hiện nay đang rơi vào suy thoái trầm trọng với nhiều loại tệ nạn xã hội thì việc tìm hiểu, tu tập Phật giáo là một sự cần thiết để giáo dục, uốn nắn lại nhân cách, đồng thời giáo lý, giáo pháp là những lời răn đe, cảnh tỉnh tấn công trực tiếp vào “Phật tính” có trong mỗi con người. Hiện nay, ở nước ta Phật giáo phát triển mạnh mẽ và rộng khắp các vùng miền, nhu cầu thị hiếu của người dân ngày càng nâng cao, đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng. Với những đặc điểm dễ và khó về sự “nhập thế” Phật giáo Việt Nam hiện nay ta thấy được rằng, bất kỳ một tôn giáo; tín ngưỡng hoặc một tư tưởng nào đó nó đều có những thuận lợi và khó khăn riêng trong việc truyền bá, bởi lẽ nó chỉ được tìm đến khi người ta bị thiếu, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu tinh thần đó. Các hiện tượng Phật giáo cũng là một cảnh báo, bởi theo quy luật phát triển cực thịnh nó sẽ tạo nên những mặt trái được tạo ra ở trong xã hội hiện đại. Chúng ta cần phải lưu ý trong quá trình tìm hiểu cũng như tu tập Phật giáo để tránh khỏi các thái cực trên. Và hơn hết cần phải thống nhất lại giáo pháp một cách có quy củ, hệ thống chặt chẽ hơn nữa, đồng thời cần phải có tính phê phán những tiêu cực Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Th.s Hoàng Văn Thuận[1]

-------------------

CHÚ THÍCH:

[1] Nhà nghiên cứu Phật giáo [2] Tài liệu thực tế [3] Mật Thể (1942), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb.Minh Đức, Đầ Nẵng. [4] Tài liệu thực tế. [5] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-208817.html. [6] https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dot-vang-ma-co-gui-toi-nguoi-da-khuat-474397.html.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Mật thể (1942), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng. Website: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-208817.html. Website: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dot-vang-ma-co-gui-toi-nguoi-da-khuat-474397.html. Website: https://vuonhoaphatgiao.com/van-hoc/truyen/nam-la-trong-tay-cua-the-ton/. Website: https://www.chuabuuchau.com.vn/luan-van-hoi-thao/anh-huong-phat-giao-trong-doi-song-nguoi-viet_1060.html. Tài liệu thực tế.