TS.Chu Xuân Giao Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
1. Lời mở
Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên của Trúc Lâm thời Trần nói riêng và truyền thống Phật giáo Bắc truyền của Việt Nam nói chung, nằm trong bức tranh lớn là tư tưởng tam giáo nhất thể hay tam giáo hợp nhất ở Trung Hoa (bắt đầu từ thời Ngụy Tấn - Nam Bắc triều, tức cuối thể kỉ II - cuối thế kỉ VI) và toàn vùng Đông Á, thì đã được luận bàn từ lâu trong học giới[1] Chúng tôi đang đi sâu tìm hiểu một khía cạnh của tư tưởng này tại Việt Nam, là hệ thống Tam Phủ - Tứ Phủ hoặc gọi chung thành hệ thống Tam Tứ Phủ, được nhận diện trong tư liệu văn bản và trong thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người miền núi phía Bắc[2]. Sở dĩ hệ thống Tam Tứ Phủ là một khía cạnh của tư tưởng tam giáo đồng nguyên, là vì trong kết cấu nội bộ của các Phủ đều có các vị Thần, Phật, Thánh. Chúng tôi gọi các Phủ là Thần Phật Thánh hợp nhất, hay gọn hơn là Thần Phật hợp nhất.
Bộ phận tư liệu Hán Nôm chiếm vị trị quan trọng hàng đầu trong mảng tư liệu văn bản để nhận diện hệ thống Tam Tứ Phủ tại Việt Nam. Do phải xác thực niên đại chính xác của các tư liệu sử dụng, nên trước đây chúng tôi mới dừng ở điểm khởi đầu vào khoảng năm 1600 (cụ thể là tấm bia Đế Thích điện kí khắc năm 1605 đã được biết đến rộng rãi trong học giới xưa nay), mà chưa có điều kiện truy ngược lên nữa. Gần đây, khi nghiên cứu mở rộng bộ sách Thủy lục chư khoa (bản khắc in năm 1797 thời Tây Sơn và các bản in thời Nguyễn), chúng tôi đã chú ý đặc biệt đến nhóm sách tương truyền là do các sư tổ Pháp Loa và Huyền Quang của Trúc Lâm thời Trần san định, mà trọng tâm là Bảo đỉnh hành trì và Chư phẩm kinh. Chúng tôi phát hiện ra rằng, thực sự là chúng ta đang có một cuốn Bảo đỉnh hành trì do Huyền Quang (1254-1334) định bản đã được truyền thừa lâu dài và tương đối nguyên vẹn từ thời Trần đến đầu thế kỉ XX. Cuốn này được đời sau khắc in ở nhiều địa phương bởi nhiều chùa và nhiều nhóm nhân lực khác nhau, trong đó có một chùa thuộc Liên Tông, nhưng nội dung được giữ nguyên vẹn với đúng nghĩa là "hành trì" một "bảo đỉnh" của Trúc Lâm.
Quan trọng hơn cả, qua nghiên cứu Bảo đỉnh hành trì, chúng tôi nhận ra rằng, hệ thống Tam Phủ (Thiên Phủ - Địa Phủ - Thủy Phủ) đã được định hình một cách sáng tạo vào thời Trần (thế kỉ XIII-XIV) với vai trò cá nhân của Huyền Quang. Hệ thống Tam Phủ này được Huyền Quang - vốn đã thi đậu khoa Tam giáo năm 19 tuổi[3] - sáng tạo từ nhãn quan vừa là Phật tử vừa là Đạo sĩ, nhưng có phần thiên về Đạo sĩ hơn. Bộ ba Thiên Phủ - Địa Phủ - Thủy Phủ trong Bảo đỉnh hành trì được giữ nguyên vẹn qua nhiều thế kỉ truyền thừa, chưa từng thu nạp thêm Phủ thứ 4. Phủ thứ 4 thường là Nhạc Phủ hay Dương Gian Phủ/Nhân Phủ, và theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì mới xuất hiện chính thức từ thế kỉ XIX - mà manh nha của Nhạc Phủ là Sơn Phủ và Ngũ Nhạc xuất hiện từ thế kỉ XVIII [Chu Xuân Giao - Onishi 2020]. Tất cả Thần và Phật ở trong các Phủ trong Bảo đỉnh hành trì được chính sách này gọi chung là Tam phủ thánh hiền (các thánh hiền của Tam Phủ), viết thành công thức cho dễ hiểu thì là "Thần = Phật = Thánh". Đặc biệt, bộ ba sứ giả của Tam Phủ gồm Đoàn Tử Du (sứ giả của Thiên Phủ) - Triệu Công Minh (sứ giả của Địa Phủ) - Liễu Nghị (sứ giả của Thủy Phủ) thì chỉ có trong Bảo đỉnh hành trì và được lưu giữ qua nhiều thế kỉ truyền thừa. Bộ ba sứ giả Đoàn Tử Du - Triệu Công Minh - Liễu Nghị không xuất hiện ở bộ Tam Phủ trong Chư phẩm kinh và trong tất cả các sách khoa nghi của Phật giáo Việt Nam đời sau. Bộ ba sứ giả này cũng không thấy ở kinh sách của Phật giáo và Đạo giáo Trung Quốc. Đến bản khắc in Bảo đỉnh hành trì bởi chùa Hàm Long núi Lãm, vào thời Tây Sơn hoặc đầu thời Nguyễn, có thể xem là thuộc Liên Tông, thì vẫn bảo lưu nguyên dạng bộ Tam Phủ độc đáo này. Nhìn từ Liên Tông gắn với sư tổ Như Trừng Lân Giác (1696-1733) và các đệ tử truyền thừa như Tính Dược (trụ trì chùa Liên Tông) và Tính Ngạn (trụ trì chùa Hàm Long), thì thấy Liên Tông đã tiếp nhận và truyền thừa tư tưởng tam giáo đồng nguyên của Trúc Lâm thời Trần qua bộ Tam Phủ độc đáo trong Bảo đỉnh hành trì.
2. Nhóm Bảo đỉnh hành trì gắn với Sư tổ Huyền Quang thời Trần
Bảo đỉnh hành trì 寶鼎行持là gọi tắt, mà đầy đủ là Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương寶鼎行持秘㫖全章. Cũng có loại bản in của sách này ghi tên ở bìa là Thích thị Bảo đình hành trì bí chỉ toàn chương釋氏寶鼎行持秘旨全章 (nội dung bên trong vẫn là Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương). Gần đây, giới thiệu về sách này, nhóm tác giả Trịnh Khắc Mạnh viết: "Bảo đỉnh hành trì là tác phẩm do Thiền sư Huyền Quang thu thập, sửa chữa và biên tập (định bản). Tác phẩm sử dụng chữ Hán và có chữ Nôm, ghi chép các nghi lễ trong đạo Phật, các bài văn cúng, các đạo bùa dùng trong lúc làm đàn chay, giải oan, phá ngục, v.v... Bảo đỉnh hành trì được lưu hành rộng rãi trong các chùa Phật ở Việt Nam, thư viện tư gia, thư viện địa phương, thư viện trung ương và các thầy cúng. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ 6 dị văn bản của tác phẩm này, trong đó có 4 bản in và 2 bản viết tay"[4]. Trong 4 bản khắc in, theo tổng thuật của nhóm tác giả, có bản ghi rõ năm in là Khải Định 3 (1918), cũng có bản không ghi rõ năm in. Quan tâm của nhóm tác giả Trịnh Khắc Mạnh là ở phương diện văn tự học (chữ dị thể) của Bảo đình hành trì.
Sở dĩ nói Bảo đỉnh hành trì là tác phẩm do Huyền Quang định bản (với nghĩa thu thập, sửa chữa, biên tập để ra một định bản) là bởi các bản khắc in thường ghi ở trang đầu (sau trang bìa) của sách rằng: Trúc Lâm đệ tam tổ tự Huyền Quang tôn giả định bản竹林第三祖嗣玄光尊者定本.
Về các tác phẩm của Huyền Quang, vào cuối thập niên 1980, nhóm biên soạn bộ Văn thơ Lý - Trần đưa nhận định như sau: "Sách vở cũ cho biết ông còn có các tác phẩm Chư phẩm kinh, Công văn tập, thư từ tiếp sứ và tập thơ Ngọc tiên tập nhưng nay đều đã thất lạc" và "Hiện nay trong thư viện KHXH còn có quyển Thích thị bảo đỉnh hành trì quốc ngữ văn bìa ghi rõ do Huyền Quang soạn, nhưng đọc vào, chúng tôi thấy không phải"[5]. Với kết quả sưu tầm và nghiên cứu gần đây, rõ ràng nhận định ở cuối thập niên 1980 của nhóm Nguyễn Huệ Chi đã không còn phù hợp. Tên sách Thích thị bảo đỉnh hành trì quốc ngữ văn mà nhóm Nguyễn Huệ Chi nêu ra là không đúng, vì không có tên sách nào như vậy cả, mà chỉ có Thích thị bảo đình hành trì bí chỉ toàn chương hoặc Bảo đình hành trì bí chỉ toàn chương mà thôi. Còn các sách Chư phẩm kinh thì gần đây cũng đã tìm thấy một bản in quí giá[6]. Nhóm Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu về Chư phẩm kinh bản in mới phát hiện gần đây như sau: "Chư phẩm kinh 16 là cuốn sách tập hợp các phần (phẩm)17 có giá trị của kinh Phật, đó là các khoa nghi sử dụng trong các trai đàn của Phật giáo. Theo bài Tựa ghi trong sách, sách này do Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) thu thập, sửa chữa và biên tập (định bản) và Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334) chỉnh lý và lưu truyền cho hậu thế. Sách hiện lưu trữ tại chùa Già Lam quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Sách in mộc bản, hiện trong tình trạng hư hỏng nặng”[7].
Về cuốn Chư phẩm kinh, dù mới chỉ làm việc qua ảnh chụp của cuốn này, nhưng nhóm Trịnh Khắc Mạnh đã đoán định về 3 lần khắc in (thời Trần, thời Mạc, thời Lê Mạt) như sau: "tác phẩm Chư phẩm kinh được cho khắc in vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIII theo như ghi chép trong Tam tổ thực lục. Đến cuối thế kỷ XVI, năm Đoan Thái thứ 1 (1586) được khắc lại và đến năm Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) tiếp tục khắc lại (như mô tả ở trên). Lần khắc lại năm Vĩnh Thịnh đã nhắc lại lần khắc năm Đoan Thái là có lưu ý về lịch sử truyền bản"[8] Như vậy, Chư phẩm kinh bản in khắc gỗ hiện thấy ở chùa Già Lam được xem là in năm 1713, mà nhiều khả năng là in lại theo bản in năm 1586 - còn bản này thì có gốc từ bản in thời Trần. So với Bảo đỉnh hành trì (hiện còn) thì Chư phẩm kinh (hiện còn) được in sớm hơn rất nhiều (thập niên 1710 so với thập niên 1910 hoặc thập niên 1790). Với căn cứ niên đại khắc in như vậy, nghiên cứu của Phạm Văn Tuấn và của nhóm Trịnh Khắc Mạnh đều tựa như xem Chư phẩm kinh bảo lưu được định bản thời Trần hơn. Có nghĩa là, xu hướng chung thì các học giả hiện nay tựa như cho Chư phẩm kinh (hiện còn) cổ hơn so với Bảo đỉnh hành trì.
Chúng tôi xếp Bảo đỉnh hành trì (gồm cả Thích thị Bảo đỉnh hành trì và Bảo đỉnh hành trì) và Chư phẩm kinh vào một nhóm, và gọi tắt là "nhóm Bảo đỉnh hành trì gắn với sư tổ Huyền Quang của Trúc Lâm thời Trần". Ở một dịp khác, chúng tôi sẽ trình bày việc đối sánh chi tiết nội dung của hai cuốn này, cũng như tình hình văn bản học của từng bản Bảo đỉnh hành trì hiện còn (cũng như kì vọng tìm được thêm những bản Chư phẩm kinh khác). Ở đây, do bị giới hạn về dung lượng, nên chỉ đưa nhận định tổng quát như sau.
Đó là, căn cứ vào cấu trúc của các bộ Tam Phủ trong hai cuốn sách, chúng tôi cho rằng, chính Bảo đỉnh hành trì mới bảo lưu được định bản thời Trần gắn với Huyền Quang hơn. Bảo đỉnh hành trì đã lưu giữ bộ Tam Phủ độc đáo suốt từ thời Huyền Quang đến đầu thế kỉ XX. Ngược lại, Chư phẩm kinh đã có sự chỉnh lí của đời sau vào bộ Tam Phủ. Với cảm quan chung như vậy, chúng ta thử đến với một bản Bảo đình hành trì có gắn với Liên Tông.
3. Bảo đỉnh hành trì với Liên Tông
Trong các bản in Bảo đỉnh hành trì hiện còn có 2 bản, theo chúng tôi, có gắn với Liên Tông, đều thông qua chùa Hàm Long. Cùng liên quan đến Hàm Long nhưng giữa 2 bản có một số khác biệt. Cụ thể như dưới đây.
Bản thứ nhất có các đặc điểm như sau: 1. Bìa ghi Thích thị Bảo đình hành trì bí chỉ toàn chương釋氏寶鼎行持秘旨全章, và phía trên cùng (ở trên dòng tiêu đề sách) thì ghi Thư Phái đường書派堂 (xem Ảnh 1a); 2. Dòng đầu tiên của trang 1 cũng ghi rõ: Trúc Lâm đệ tam tổ tự Huyền Quang tôn giả định bản竹林第三祖嗣玄光尊者定本. Sau dòng này không ghi gì nữa mà vào luôn nội dung sách (xem Ảnh 1b); 3. Ở gần cuối sách có trang ghi: Lãm sơn Hàm Long tự kế đăng Tuệ Hải Thích viết Bình Bình đốc san 覧山含龍寺継燈慧海釈曰平平督刊 (Thích Bình Bình - Tuệ Hải - là kế đăng của chùa Hàm Long núi Lãm trông coi việc khắc in). Sau dòng này thì còn ghi thêm tên của các cá nhân và gia đình đã góp kinh phí khắc in (xem Ảnh 1c). Đây là sách sưu tầm trong dân gian.
[caption id="attachment_15842" align="aligncenter" width="800"] Ảnh 1: Bản Thích thị Bảo đỉnh hành trì của Thư Phái đường[9][/caption]Bản thứ hai có các đặc điểm như sau: 1). Bìa ghi Bảo đình hành trì bí chỉ toàn chương寶鼎行持秘旨全章, và phía trên cùng (ở trên dòng tiêu đề sách) thì ghi Viên Minh tự 圓明寺 (xem Ảnh 2a); 2). Dòng đầu tiên của trang 1 cũng ghi rõ: Trúc Lâm đệ tam tổ tự Huyền Quang tôn giả định bản竹林第三祖嗣玄光尊者定本. Sau dòng này thì có thêm Thanh Hà Hoằng Man Tây Hương Tục Đế Vũ Đức Mậu tự Huệ Minh tân đính san清河弘蛮西鄕俗諦武德懋字惠明新訂刊. Sau dòng này mới đến nội dung của sách (xem Ảnh 2b); 3). Ở gần cuối sách có trang ghi: Lãm sơn Hàm Long tự kế đăng Tuệ Hải Thích viết Bình Bình đốc san 覧山含龍寺継燈慧海釈曰平平督刊 (Thích Bình Bình - Tuệ Hải - là kế đăng của chùa Hàm Long núi Lãm trông coi việc khắc in). Sau dòng này thì bỏ trống hoàn toàn (xem Ảnh 2c). Đây là bản sách hiện lưu tại chùa Phổ Nhân普仁禪寺[10].
Như vậy, có mấy điểm khác nhau. Ngay tên sách thì một bên là Thích thị Bảo đỉnh hành trì, một bên là Bảo đỉnh hành trì. Một bên là Thư Phái đường, một bên là Viên Minh tự. Ngay ở chỗ ghi chú về chùa Hàm Long, thì một bên ghi rõ tên người đóng góp kinh phí in ấn, một bên thì không ghi gì về những người đó. Để lí giải được những điểm khác này, có liên quan đến quá trình truyền bản của Bảo đỉnh hành trì trong phạm vi của Liên Tông, thì cần những khảo cứu sâu và rộng hơn trong tương lai. Một số phần của Bảo đình hành trì với hai bản in này (bản Thư Phái đường và bản Viên Minh tự) có thể tìm thấy những bản khắc in tương tự vào thập niên 1710 hoặc sớm hơn nữa. Ở các nghiên cứu tới đây, chúng tôi cũng sẽ khảo cứu sâu hơn về điểm này. Nhưng điểm đáng chú ý là: phần nội dung của Bảo đình hành trì ở hai bản thì giống hệt nhau (không có điểm khác). Tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào nội dung cụ thể của bộ Tam Phủ trong Bảo đỉnh hành trì.
4. Bộ Tam Phủ độc đáo trong nhóm Bảo đỉnh hành trì
Chúng tôi sử dụng hai bản sách Bảo đình hành trì đã giới thiệu ở trên để liệt kê các vị thánh hiền trong bộ Tam Phủ, tức là Tam Phủ thánh hiền như đúng cách gọi của sách. Cụ thể từng Phủ như sau.
Đầu tiên, là “Thiên Phủ”, Bảo đỉnh hành trì gắn Thiên Phủ với nước Tấn晋国ở Trung Hoa (thế kỉ XI TCN - năm 376). Sách sử dụng cách gọi "Tấn dương quốc晋陽国", có nghĩa là nước Tấn ở dương gian. Thiên Phủ được miêu tả là có ngưới sứ giả Đoàn Tử Du段子遊, mà vị này thì có đặc điểm là tay cầm giản sắt - mặc áo màu đen - đầu đội khăn màu hồng. Môn hạ của Thiên Phủ là nhóm Tứ Thiên, tức Tứ Đại Thiên Vương. Cụ thể về Thiên Phủ, thì như sau (xem Ảnh 3):
Thiên Phủ tại Tấn dương quốc tính Lý Văn Minh, danh Đoàn Tử Du, Thiên Phủ môn hạ hiệu Tứ Thiên,
Tính Đoàn Tử Du hữu thông truyền, tòng tốn phương lai li thế tả, hữu trì thiết giản trước y huyền, đầu triền hồng thái đăng vân kị.
Tiếp theo, đến Địa Phủ, Bảo đỉnh hành trì gắn Địa Phủ với nước Hán ở Trung Hoa (206 TCN -220). Sách sử dụng cách gọi là "Hán dương quốc汉阳国", có nghĩa là nước Hán ở dương gian. Địa Phủ được miêu tả là có người sử giả là Triệu Công Minh赵公萌, mà vị này có đặc điểm là mặc áo màu vàng, cưỡi ngựa vàng, hai tay cầm nhiều chông sắt. Cụ thể về Thiên Phủ, thì như sau (xem Ảnh 4):
Địa Phủ Hán dương quốc tính tự Linh Lanh, danh Triệu Công Minh.
Địa Phủ Diêm Ma sứ giả cai, húy Triệu Công Mính xuất khôn lai, thân trước hoàng y du khoảnh khắc, hình thừa hoàng mã giáng bồi hồi, thiết tì khảm văn trì tả hữu.
Cuối cùng, về Thủy Phủ, Bảo đình hành trì gắn Thủy Phủ với nước Đường ở Trung Hoa (618-907). Sách sử dụng cách gọi "Đường dương quốc唐阳国", có nghĩa là nước Đường ở dương thế. Thủy Phủ được miêu tả là có người sứ giả là Liễu Nghị柳毅, mà vị này có đặc điểm là mặc y phục trắng, cưỡi ngựa trắng. Cụ thể về Thủy Phủ, thì như sau (xem Ảnh 5):
- Thủy Phủ Đường dương quốc tính tự Dị Trương danh Liễu Nghị, thân phục bạch giáp long y,
- Thủy Phủ không hành sứ giả ty, pháp danh Liễu Nghị tại khảm ly, từng thử khảm cung nhi chiêu chí, hình thừa bạch mã trước bạch y.
Khi gọi chung cả ba Phủ thì Bảo đỉnh hành trì dùng Tam Phủ thánh hiền ("nhất thiêt Bồ Tát, Tam Phủ thánh hiền" hoặc "thập phương tam bảo, Tam Phủ thánh hiền") hoặc Tam Phủ vạn linh. ("Tam Phủ vạn linh giáng uy quan")
5. Lời kết
Như đã trình bày ở trên, bộ Tam Phủ độc đáo của Bảo đỉnh hành trì chính là ở bộ ba vị sứ giả gồm Đoàn Tử Du (Thiên Phủ) - Triệu Công Minh (Địa Phủ) - Liễu Nghị (Thủy Phủ). Bộ ba Tam Phủ này đã được bảo lưu trong Bảo đình hành trì suốt một quá trình truyền thừa lâu dài từ Trúc Lâm thời Trần đến đầu thế kỉ XX, có sự tham gia của nhân lực thuộc Liên Tông trong quá trình đó (in ấn Bảo đỉnh hành trì, thực hành nghi lễ theo Bảo đình hành trì). Về các nhân vật sứ giả ở ba Phủ thì Liễu Nghị (Thủy Phủ) và Trần Công Minh (Địa Thủy) thì tương đối dễ hiểu, ví dụ Liễu Nghị là nhân vật nổi tiếng trong truyền ki đời Đường và liên quan đến câu chuyện của Thủy Phủ, còn Triệu Công Minh thì sau đã trở thành thần tài trong Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, nhân vật Đoàn Tử Du thì hiện nay chúng tôi chưa biết rõ, cũng chưa biết vì sao vị này gắn với Thiên Phủ, xin dành cho các nghiên cứu tiếp theo./.
TS.Chu Xuân Giao Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ***Chú thích: [1] Nguyễn Tài Thư 1999, Onishi 2009, Nguyễn Tuấn Cường 2022 [2] Chu Xuân Giao 2016, 2017a, 2017b, 2018, 2019a, 2019b; Chu Xuân Giao - Onishi Kazuhiko 2020 [3] Về việc Huyền Quang đi thi và đỗ Trạng Nguyên thì các sách Đăng khoa lục có ghi chép, nhưng Lê Quý Đôn thì cho rằng không có căn cứ, xem Trần Văn Giáp 1990: 60 [4] Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Thanh 2022 : 69 [5] Nguyễn Huệ Chi chủ biên 1988 : 680, 682 [6] xem Phạm Văn Tuấn 2019, Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Thanh 2022 [7] Bản chụp ảnh của Chư phẩm kinh được sử dụng trong bài của nhóm Trịnh Khắc Mạnh và bài của Phạm Văn Tuấn (xem Phạm Văn Tuấn 2019) đều chỉ dẫn về người cung cấp bộ ảnh là Sa môn Thích Đồng Dưỡng. Chúng tôi đang xác nhận về bản sách gốc với chùa Già Lam. [8] Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Thanh 2022 : 71 [9] Sách này được thầy Thích Tâm Hiệp sưu tầm trong dân gian. Ảnh chụp toàn bộ sách này do thầy Thích Tâm Hiệp cung cấp. [10] Chúng tôi sử dụng bản chụp ảnh công khai trên website của Quỹ Nôm Na, ở địa chỉ sau: https://lib.nomfoundation.org/collection/3/volume/1432/
Tài liệu tham khảo: 1. Chu Quang Trứ, 2001, "Tấm bia chùa Giầu với niên đại thời Trần và chân dung vùa Trần Nhân Tông", In trong Thông báo Hán Nôm năm 2001, trang 654-664. 2. Chu Xuân Giao, 2016, “Hệ thống Tứ Phủ trong tín ngưỡng của người Dao”, Tạp chí Văn hóa Dân gian số 1 (163) : 18-33. 3. Chu Xuân Giao, 2017a, “Tổng quan về hệ thống Tứ Phủ trong thực hành tín ngưỡng của người Dao”, Tạp chí Dân tộc học số 1 (199) : 58-64. 4. Chu Xuân Giao, 2017b, “Nội dung của bộ Tam Phủ trong tư liệu phương Tây và tư liệu quốc ngữ thời kì sớm”, Tạp chí Văn hóa Dân gian số 4 (172): 14-22. 5. Chu Xuân Giao, 2018, “Vũ trụ quan Phật giáo phản ánh trong nhóm sắc phong sớm nhất cho Liễu Hạnh công chúa vào nửa cuối thế kỉ XVII”, Tạp chí Văn hóa Dân gian số 5 (179) : 25-37. 6. Chu Xuân Giao (Chủ nhiệm), 2019a, Hệ thống Tam Phủ - Tứ Phủ trong thực hành tín ngưỡng của người Việt (Kinh) và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc - Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ năm 2017-2018 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bản lưu tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ mang kí hiệu 16316/KQNC (Số đăng kí: 2019-62-756/KQNC). 7. Chu Xuân Giao (Chủ biên), 2019b, Hệ thống Tam Phủ - Tứ Phủ trong tư liệu văn bản và thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc - Công trình đạt giải Nhì A (không có giải Nhất) năm 2019 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (Bằng chứng nhận số 02/VNDG-2019). 8. Chu Xuân Giao, 2020, “Đạo giáo thời Bắc thuộc : Tổng quan, con đường du nhập và giáo phái chính yếu”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 7 (199), trang 78-95. 9. Chu Xuân Giao, 2022, "Phật giáo vùng Giao Chỉ trước và sau thời Hai Bà Trưng - Bối cảnh chung để nhận diện về sư bà Phương Dung", In trong sách Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc (Thích Thọ Lạc - Chu Văn Tuấn đồng chủ biên, Hà Nội : Nxb Khoa học Xã hội, 2022), trang 115-130. 10. Chu Xuân Giao - Onishi Kazuhiko, 2020, "Tổng quan về diễn tiến của hệ thống Tam Tứ Phủ qua tư liệu Hán Nôm của người Kinh", In trong Nghiên cứu Hán Nôm năm 2020 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội : Nxb Thế giới), trang 409-428. 11. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), 2006, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 (Tái bản có bổ sung chỉnh lí), Hà Nội : Nxb Văn học. 12. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), 1988, Thơ văn Lý - Trần (tập II, quyển thượng), Hà Nội : Nxb Khoa học Xã hội. 13. Nguyễn Quang Khải, 2011, Chùa Hàm Long, Hà Nội : Nxb Văn hóa - Thông tin. 14. Nguyễn Tài Thư (1999), “Tam giáo đồng nguyên - hiện tượng tư tưởng chung của các nước Đông Á”,Tạp chí Hán Nôm, số 3. 15. Nguyễn Tuấn Cường, 2022, "Nhìn lại lịch sử nghiên cứu về hội nhập Tam giáo Nho, Phật, Đạo, ở Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại", Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam sô 8, trang 3-11. 16. Phạm Văn Tuấn 2019 「越南陳朝(1225-1400)華嚴思想論述」『2019 華嚴專宗國際學術研討會論文集』 17. Onishi Kazuhiko大西和彦 1988 「北属期ベトナムの産物と道教」日本道教学会『東方宗教』第71号:44-69. 18. Onishi Kazuhiko 1994 「会真編」野口鉄郎 [ほか]編『道教事典』平川出版社, pp.54-55. 19. Onishi Kazukiho, 2000, “Bàn về tên của một số đạo quán ở triều Lý”, Việt Nam học : Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất (Đại học Quốc gia Hà Nội – Trung tâm Khoa học và Nhân văn Quốc gia. Nxb Thế giới), pp.327-332. 20. Onishi Kazuhiko 2001「ベトナムの道観・道士と唐宋道教」遊佐昇・野崎充彦・増尾伸一郎編集『講座道教 第6巻 アジア諸地域と道教』雄山閣 pp.110-127. 21. Onishi Kazuhiko 2003「ベトナム道教研究史小論」ベトナム社会文化研究会編『ベトナムの社会と文化』第4号:3-33. 22. Onishi Kazuhiko 2006 「ベトナムの雷神信仰と道教」塚田誠之編『中国・東南アジア大陸部の国境地域における諸民族文化の動態』国立民族学博物館調査報告 No.63 : 85-107. 23. Onishi Kazuhiko, 2009, "Phải chăng lần xuất gia thứ nhất của Trần Nhân Tông là để trở thành đạo sĩ ?", In trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Đông phương học Việt Nam lần thứ 4 (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, Hà Nội : Nxb Thế giới), trang 165-175. 24. Onishi Kazuhiko, 2010 “Bàn về sự truyền bá của giáo phái Chính Nhất Đạo giáo sang Việt Nam”, In trong Việt Nam học : Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ III (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội) – Tập II, pp.395-415. 25. Onishi Kazuhiko 2013 「交州福地安山とベトナムの安子山」日本道教学会『東方宗教』No121:65-87. 26. Thích Gia Quang - Nguyễn Tá Nhí (đồng chủ biên), 2009, Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà Thành, Hà Nội : Nxb Tôn giáo. 27. Thích Thanh Từ, 1995, Thiền sư Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh : Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh. 28. Trần Văn Giáp, 1990, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Tập II, Hà Nội : Nxb Khoa học Xã hội. 29. Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Thanh, 2022, "Bàn về quốc tế dị thể và quốc biệt dị thể đối với chữ Hán dị thể ở Việt Nam", Tạp chí Hán Nôm số 3 (172), trang 67-76.
Bình luận (0)