Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Một góc nhìn về học thuyết “Nghiệp”

Một góc nhìn về học thuyết “Nghiệp”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Hữu Đạt
Chùa Bửu Sơn, 24 Xóm Vôi, Phường 14, Quận 5, Tp.HCM

1. Nghiệp và hệ thống giai cấp

Như chũng ta đã biết, Ấn Độ là quốc gia rất sùng kính thần linh, tôn trọng những nghi thức cúng tế. Lúc đầu, họ đặt ra người gia trưởng hoặc tộc trưởng để giữ việc tế lễ, gọi là chức “Tế ty”. Lần lần, chức “Tế ty” nầy trở thành việc chuyên môn, nên được thay thế bằng các tu sĩ Bà La Môn giáo (S. Brahmanism, H. 婆罗门教).[1] Mặt khác, vì theo đà tiến triển của xã hội, lại phát sinh ra bốn chức nghiệp: Sĩ, Nông, Công, Thương. Các nghề nghiệp nầy lần lần trở thành giai cấp hóa. Giai cấp tu sĩ chủ về việc tế tự, chiếm địa vị tối cao. Giai cấp Vua chúa nắm giữ chính quyền, ở vào địa vị thứ hai. Nhân dân phổ thông như hạng nông, công, thương, thuộc về địa vị thứ ba. Còn hạng người thổ dân của Ấn Độ, chuyên theo nghề nghiệp thấp kém như ở đợ, làm mướn, là giai cấp tiện dân, ở vào địa vị thứ tư. Lối phân chia giai cấp đó, mỗi ngày thêm chặt chẽ, ban đầu sự phân biệt chỉ ở trong quan niệm của dân chúng mà thôi nhưng khi các tu sĩ nắm được thật quyền trong xã hội họ liền tổ chức thành bốn giai cấp rõ rệt: tu sĩ thuộc giai cấp Bà La Môn (S. Brahman, H. 婆罗门), vua chúa thuộc giai cấp Sát-đế-lợi (S. Ksatriya, H. 剎帝利), bình dân thuộc giai cấp Phệ-xá (S. Vaisya, H. 吠舍), Tiện dân thuộc giai cấp Thủ-đà-la (S. Sùdra, H. 首陀罗). Hai hạng trước là giai cấp thống trị, hai hạng sau là giai cấp bị trị. Bốn giai cấp nầy theo chế độ thế tập, cha truyền con nối, nên giai cấp nô lệ cứ phải đời đời làm nô lệ, gây ra một tổ chức xã hội bất công.

Trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ đại ấy, sự phân chia giai cấp và quyền lợi được xem như là sự an bài của vận mệnh.

Nếu như các tôn giáo và các truyền thống tư tưởng khác sử dụng điều này với mục đích phục vụ và mang lại lợi ích cho các giai cấp thống trị của mình thì Phật giáo lại xây dựng hệ thống giáo lý của mình trên cái nền tảng bình đẳng giữa người và người. Phật giáo mong muốn xã hội được tạo nên bởi những con người khác nhau về rất nhiều mặt, từ giai cấp, địa vị, giàu nghèo… Tuy nhiên, đối với giáo lý đạo Phật, con người sống không dựa trên giai cấp hay địa vị, bởi lẽ con người không phải do sinh ra mà người ta trở thành người quý tộc hay kẻ bần hàn, mà chính do nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) (hay hành động) của mình mà trở thành là bậc cao quý hay kẻ hạ tiện,[2] và mọi người đều có quyền sống, tự do, và tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Phật giáo luôn nhấn mạnh vào viêc tu dưỡng đạo đức, việc tu dưỡng tâm, và trí tuệ hiểu biết, sự nỗ lực tu tập làm thước đo cho lộ trình giác ngộ, giải thoát, chứ không dựa vào sự xuất thân của địa vị hay dòng tộc. “Sự sang, hèn của một người chứ không phải do dòng họ mà có; đối với việc tu đạo dòng dõi không có ý nghĩa nào cả mà chỉ khác nhau ở chỗ hăng hái hay không trong việc tiến tu mà thôi; đó là chủ trương cốt tủy của đức Phật và các đệ tử.”[3] Phật giáo còn mở rộng sự bình đẳng giữa Phật, người và chúng sinh nói chung, có lẽ chỉ có Phật giáo là tôn giáo cho chúng sinh tu để bằng Phật, tức là ngang hàng với Phật.

Đức Phật là người đầu tiên cố hủy bỏ chế độ nô lệ và kịch liệt phản đối hệ thống giai cấp trên mảnh đất quê hương của người. Theo giáo lý Phật giáo, người trở thành kẻ hạ tiện hay cao quý không phải do giòng dõi mà do hành vi hay nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) của mình.

Như đã được phân tích và tìm hiểu về học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong luận Câu-xá (S. Abhidharmakośa-śāstra, H. 阿毗達磨俱舍論)  bên trên có thể thấy nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) như là một quy luật tất yếu của vũ trụ. Dù đối với bất kỳ ai, dù có ở giai cấp gì, giàu sang hay nghèo khổ trong xã hội tất cả mọi người đều bình đẳng trước nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) cũng đều bình đẳng nhận lấy quả báo tương ứng như nhau, cho dù loại nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) đó là thiện hay bất thiện chỉ trừ chư Phật và các vị Thánh đã chứng đắc được Thánh đạo. Từ cõi Dục giới, Sắc giới hay Vô sắc giới tất cả mọi chúng sinh trong ba cõi này đều chịu sự chi phối và dẫn dắt bởi nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業). Vậy nên, khi đứng trước nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) chúng ta đều bình đẳng như nhau.

Nếu tạo nghiệp thiện, con người sẽ được hưởng hạnh phúc về sau và ngược lại: “Người ta gieo nhân nào thì hưởng quả ấy; làm lành được quả tốt, làm ác chịu quả xấu, người trồng thì người hưởng”.[4] Nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) mang tính chất công bằng tuyệt đối vì nó không chừa một ai, không phân biệt kẻ phàm phu hay thánh nhân. Bởi vì, theo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (S. Sarvāstivādin, H. 說一切有部) nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) có tính chất an ổn đó là thiện, nó cho quả báo dị thục khả ái, an lạc và đưa đến chứng đắc Niết-bàn. Còn nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) mà mang lại sự bất an, không an ổn đó là bất thiện, bởi tính chất đối nghịch với an ổn, nó mang lại quả báo không khả ái, không an lạc, hạnh phúc. Vì thế, sự an lạc và bất an đều do chính con người chúng ta lựa chọn.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Mot Goc Nhin Khac Ve Nghiep 1

Lại nữa, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là bao gồm tư và nghiệp sau khi tư, sau khi tư tức chỉ cho hành động từ thân thông qua những hành vi của thân mà biết được tâm ý của con người gây ra. Khi nghiệp thành rồi nó thúc đẩy, dẫn dắt con người đến chỗ chịu quả báo tương xứng. Chính nó là động cơ chủ yếu tạo nên vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sinh. Nói đến nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là nói đến sự toàn quyền quyết định nơi mọi người chúng ta. Không ai tạo nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) thế cho chúng ta, cũng không ai có thể thay thế nghiệp của chúng ta. Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, cũng là chủ nhân thọ báo. Trọng trách của mọi sự khổ vui hiện tại và mai sau đều do chúng ta quyết định. Chủ trương nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là chủ trương giành lại toàn quyền cho con người, tất cả mọi người đều bình đẳng trước nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業). Không phải một đấng Thượng đế hay một đấng sáng tạo nào khác tạo thành một cuộc sống an vui hay đau khổ cho chúng ta. Mà chính do thân, miệng, ý của chúng ta trong quá khứ cũng như trong hiện tại gây nên. Khi thừa nhận nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) do mình tạo ra, chúng ta có thể tự lựa chọn, thân phận, địa vị và giai cấp của mình, không ai mình được sinh ra trong một giai cấp thấp hèn trong xã hội để phải chịu nhiều, đắng cay, bất công và cũng không ai mong muốn phải cam chịu một đời sống lam lũ khó nhọc mà không có cơ hội để thay đổi và phát triển.

Bằng thuyết nhân quả, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) đức Phật đã mở ra một lối thoát cho con người, phục hồi quyền làm chủ của con người, chỉ cho họ thấy Thượng Đế tối cao quyết định họa phúc của mỗi người chính là bản thân nghiệp nhân của họ. Con người nếu gieo nhân lành sẽ được quả lành, gieo nhân ác sẽ được quả ác. Chính vì vậy, nó góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân khi sống trong môi trường xã hội. Thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo đã chỉ cho con người thấy rằng: Con người chịu trách nhiệm về hành động của mình kể cả sau khi chết, vì chết chưa phải là hết sự kết thúc của một sinh mạng này là sự kế tiếp một sinh mạng khác. Như vậy, sẽ hạn chế được lối sống buông thả, ích kỷ, đề cao cái tôi, dẫn đến tham lam, tàn bạo, bất chấp công bằng đạo lý và lẽ phải để thỏa mãn dục vọng cá nhân.

Mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều chịu sự tác động của luật nhân quả, không có gì có thể tồn tại độc lập với sự vật khác. Vì vậy, thuyết nhân quả được nhắc đến như là mối liên hệ mật thiết của mọi sự vật. Luật nhân quả là một chân lý mà Đức Phật đã giác ngộ được và dạy cho chúng sinh: Muốn biết cái nhân đời trước của mình thế nào thì xem xét kết quả của cuộc đời ngày hôm nay, muốn biết ngày mai của mình thế nào thì phải xem việc làm của mình ngày hôm nay. Với thuyết nhân quả, Phật giáo khẳng định rằng: Không có vị thánh nào phán xét, ban thưởng hay trừng phạt các hành động tốt xấu của con người, mà chính con người quyết định lấy số phận của mình.

Như vây, với việc tìm hiểu về quy luật nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) Phật giáo đã đặt vấn đề lý giải hành động con người trên cơ sở hợp lý. Con người tự quyết định lấy chính cuộc sống của mình. Số phận con người do chính con người định đoạt thông qua việc tự mình cố gắng trau dồi những tư tưởng, lời nói và hành động tốt đẹp. Có nhiều bất bình đẳng về số phận con người trên thế giới. Tại sao lại có những sự không đồng đều như vậy hiện hữu trên thế giới? Có phải đây là kết quả sáng tạo của một vị thần tối thượng? Đức Phật cho rằng nếu theo sự sang tạo của một vị trời tối thượng, con người sẽ trở thành kẻ giết người, trộm cắp, dâm ô, nói dối, kẻ vu khống, lạm dụng, kẻ bép xép, tham lam, hiểm độc và ngoan cố. Như vậy những người rơi vào sự sáng tạo của một Thượng đế là lý do tất yếu, chẳng cần ham muốn làm gì và cũng chẳng cần thiết làm hành vi này hay tránh hành vi kia.

Như vậy, khác với nhiều tôn giáo, Phật giáo xác định rõ quyền tự do của mỗi người và cũng yêu cầu con người phải tự suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi hành động, tự quyết định tương lai và vận mệnh của mình. Từ lẽ công bằng và bình đẳng rộng lớn, Phật giáo xây dựng tấm lòng khoan dung rộng lớn, mà cơ sở trực tiếp của nó ở tinh thần vô ngã, vô chấp, vị tha và Tứ Vô Lượng tâm. Với Phật giáo, lẽ công bằng và sự bình đẳng được mở bung giữa Phật và chúng sinh trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) nói chung. Từ đó, thực chất lý tưởng của đạo đức Phật giáo là xây dựng một nền đạo đức phi giai cấp.

Chính tinh thần bình đẳng, vô ngã vị tha này đã tạo nên tính nhân bản trong Phật giáo. Những người đệ tử Phật không thờ ơ trước nỗi đau của người dân và luôn tìm cách mang lại hạnh phúc cho họ bằng sức mạnh thông điệp yêu thương, hòa bình. Đây cũng là nguồn sức mạnh để gạt đi những sự áp bức bất công trong cuộc sống, san bằng mọi chướng ngại trên con đường tìm cầu an lạc cho mình và người.

2. Nghiệp và trách nhiệm cá nhân

Chắc chắn một điều rằng ai trong chúng ta cũng sẽ mong muốn mình được bình an và hạnh phúc, luôn xa rời những viễn cảnh trắc trở khó khăn, nhưng liệu rằng cuộc sống có cho ta được yên bình và thuận lợi như ta hằng ao ước. Khi hiểu rõ về nguyên lý nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) thay vì thái độ ngồi yên một chỗ chờ đợi một cách thụ động để cho cuộc đời và dòng định nghiệp tùy ý sắp đặt, thì khi đối diện với những khó khăn hay những nghịch cảnh không thuận lợi trong cuộc sống, chúng ta sẽ có cái nhìn tuệ giác khiến cho vấn đề trở nên tích cực hơn và cũng có nhiều hướng giải quyết phù hợp hơn khi gặp phải. Đức Phật đã từng dạy mỗi chúng ta “Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác.”[5]

Hiểu rõ về sự vận hành của nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) chúng ta sẽ không còn thái độ trách móc hay than vãn đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện mà thay vào đó chúng ta thấu hiểu được và sẽ có ý thức tự nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân hơn, bởi vì:

“Tự mình, làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình không làm ác,

Tự mình mình làm thanh tịnh;

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai.”[6]

Học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) giúp cho chúng ta có cái nhìn thẳng thắng hơn về cuộc đời của chính mình, hạnh phúc hay khổ đau do chính bản thân chúng ta tự lựa chọn và quyết định, cũng không ai chịu khổ hay hạnh phúc thay cho chính mình, chỉ có bản thân chúng ta can đảm đối diện với chính nghiệp lực (S. Karma, P. Kamma, H. 業) của mình. Hiểu về học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) còn giúp cho chúng ta biết tự sửa đổi và hoàn thiện bản thân hơn để trở thành một người có ích cho cộng đồng, cho xã hội, bởi một xã hội tốt cần có những cá nhân tốt.

Chúng ta có thể hỏi rằng tại sao có người lại sống một đời với những chuỗi dài đầy khổ cực và đau buồn, trong khi có những người khác lại sinh ra và sống trong sung sướng và hạnh phúc. Tại sao có người lại chết yểu khi chưa đầy một tuổi, có người lại chết bất ngờ khi tuổi còn xuân xanh, nhưng có người lại sống được tuổi thọ rất cao. Tại sao có người sinh ra đẹp đẽ, lành lặn, khỏe mạnh, trong nhà giàu có, nhưng lại có người sinh ra xấu xí, tật nguyền, bệnh hoạn, què chân, đui mù, trong gia đình nghèo khó. …

Trong kinh đức Phật nói: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu.”[7] Có thể thấy, sự khác biệt hoàn cảnh có thấp, có cao, có sang, có hèn giữa người với người với nhau đều có nguyên nhân của nó. Giáo thuyết về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong luận Câu-xá (S. Abhidharmakośa-śāstra, H. 阿毗達磨俱舍論) giúp cho chúng ta sáng tỏ hơn về những nguyên dẫn đến những quả khổ, kém may mắn không mong muốn này, các nhà Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (S. Sarvāstivādin, H. 說一切有部) xác định rõ trong tam độc (tham, sân, si) dẫn dắt đưa chúng hữu tình đến quả khổ thì chính yếu tố tham là quan trọng nhất, vì nó khó trừ “Nghiệp thân ngữ bởi tham. Tà mạng, vì khó trừ”[8] Hiểu rõ về vấn đề này mỗi người trong chúng ta tự ý thức trách nhiệm bản thân đối với cộng đồng xã hội, biết thấu hiểu, lắng nghe và bao dung hơn đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn và thiếu hiểu biết trong cuộc sống.

Dẫu biết rằng: “Tất cả chúng sinh đều được sinh ra bởi nghiệp, nghiệp là của mình, phải thọ quả của nghiệp; nghiệp là tạo tác, là chủ tể muôn loài, nghiệp là giống dòng tông chủng, nghiệp tìm đến nhau, nghiệp dẫn dắt nhau đi.”[9] Bản thân giáo lý Phật giáo tuy không có khái niệm “trách nhiệm xã hội” song những triết lý và quan điểm nhân sinh của Phật giáo luôn thấm đẫm tinh thần phụng sự nhân sinh, xem nỗi khổ của chúng sinh cũng chính là nỗi khổ của chính mình. Mục đích tối hậu của Phật giáo là giải thoát những trói buộc của phiền não khổ đau, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả “vì con người và cho con người”, tin tưởng vào con người, chia sẻ, cảm thông những nỗi khổ của con người và tìm con đường hiệu quả để giúp con người thoát khổ, “Giống như đại dương hùng dũng chỉ có một vị, đó là vị mặn của muối, trong học thuyết của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.[10]

Qua nghiên cứu học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong luận Câu-xá (S. Abhidharmakośa-śāstra, H. 阿毗達磨俱舍論) chúng ta còn thấy rõ được tư tưởng phụng sự nhân sinh của Phật giáo còn thể hiện qua việc khuyên làm điều thiện, tránh điều ác, bởi vì: “Thiện là tốt, thuận theo đạo lý, có ích cho mình và cho người”[11] và “Thiện còn mang lại cho quả báo dị thục khả ái, an lạc và đưa đến quả vị Niết Bàn”.  Bản tính của con người vốn có cả thiện lẫn ác và vô ký, vì vậy, chúng ta phải thường xuyên “chính niệm tỉnh giác” trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, dù đó là nhỏ nhất cũng phải thiện lành. Luôn tránh xa những hành động xấu ác được bắt nguồn từ tam độc: tham, sân, si. Giáo lí Phật giáo khuyên con người nên gấp rút làm việc thiện nhằm chế ngự điều ác “hãy gấp làm điều lành, ngăn tâm làm điều ác”[12], bởi vì: “Hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ ưu, hành động như vậy là bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có  hại cho người, không có hại cho  ai,  được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực hiện, sẽ đem lại tâm lạc, tâm hỷ. Hành động như vậy là thiện và chúng ta phải thực hành”.[13] Có thể thấy khi nhận thức được rõ ràng về yếu tố thiện, ác trong hành vi và lời nói của mình, điều đó không chỉ giúp cho bản thân trau dồi và cải thiện về mặt nhân cách, mà còn mang lại rất nhiều nghĩa cử tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội.

Khi trách nhiệm được thực hiện bởi một cách ý thức tự giác trong những việc làm thiện lành, thì mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng sẽ được nâng lên. Nikkyo Niwano một nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới đã từng nói: “Chúng ta càng làm cho người khác thì càng có thể nâng cao mình lên, và chúng ta càng nâng cao mình lên thì càng có thể phục vụ xã hội, cộng đồng và nhân loại”,[14] hoặc nhìn theo cách khác: “Không làm việc ác cũng có nghĩa chống ác. Làm việc lành cũng có nghĩa liên minh với chân chính, với thiện mỹ, với chính nghĩa của nhân dân”.[15]

Cũng bởi vậy, Phật giáo khẳng định trách nhiệm đối với nhân phẩm của bản thân là quan trọng hơn cả, vì từ đó mới có trách nhiệm đối với người khác, với xã hội. Đức Phật từng khẳng định trách nhiệm đối với bản thân là điều khó nhất: “Chiến thắng cả triệu người tại chiến trường vẫn không bằng chiến thắng bản thân. Chiến thắng bản thân mới là chiến công hơn hết… Chiến thắng bản thân thì vẻ vang hơn chiến thắng người khác. Thế nên người khéo thuần hóa mình thì thường xuyên sống với sự tự chế.”[16]  Phật giáo luôn nhấn mạnh, một khi không có trách nhiệm với bản thân thì cũng không thể có trách nhiệm với người khác, với xã hội tốt được: “Hãy tự làm cho mình những gì mình đem dạy người! Phải tự chế ngự mới chế ngự được người! Thế nên khó thay, cái việc tự chế ngự lấy mình”.[17]

Như vậy, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) xem trách nhiệm cá nhân đối với trách nhiệm xã hội như là một trong những phương pháp thực hành đạo đức Phật giáo, và là phương tiện, con đường để con người luôn hướng thượng, nhằm đạt đến những giá trị hạnh phúc cao đẹp đó là Niết Bàn. Bên cạnh đó, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) cũng góp phần tạo nên những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức giúp điều chỉnh hành vi trong các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân và cộng đồng.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2021 Dac tinh nhan qua 3

3. Nghiệp và giá trị đạo đức

Có thể thấy học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  của đức Phật là một giáo lý về một trách nhiệm đạo đức và tâm linh của chính mình đối với những người khác. Càng hiểu về quy luật của nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業), chúng ta càng phải nên cẩn thận và chú tâm đối với những hành động, suy nghĩ và lời nói của mình nếu như chúng ta mong muốn tích lũy được nhiều nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) lành. Vì một khi những hành động, ý nghĩ, lời nói được nói ra thường xuyên, thì chắc chắn về sau sẽ tiếp tục lặp đi, lặp lại và càng tích lũy thêm về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業). Nếu như những hành động thiện lành, tốt được lặp lại thì sẽ càng tăng thêm nghiệp lành, và ngược lại đối với những hành động bất thiện, xấu, ác sẽ thường xuyên tăng theo hướng thêm nghiệp ác nếu như được lặp lại nhiều lần. Trong kinh nói rằng:

“Chớ chê khinh điều ác,

 Cho rằng chưa đến mình ,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người ngu chứa đầy ác

Do chất chứa dần dần.”[18]

Đức Phật đã từng nhắc nhở các hàng đệ tử “Có bốn thứ tuy trẻ, nhưng không thể xem thường. Những gì là bốn? Vương tử Sát-lợi, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Rồng con, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Đóm lửa tuy nhỏ, nhưng chớ xem thường. Tỳ-kheo tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường.”[19] Một hành động xấu ác dù là nhỏ nhất, chắc chắn sẽ không nói lên được điều gì, nếu như hành động ấy không được nuôi dưỡng và lặp đi lặp lại nhiều lần, đến mức khiến cho phải gây tổn hại về người và vật. Chính vì thế, đức Phật đã chỉ dạy cho hàng đệ tử phải luôn luôn chính niệm tỉnh giác, ý thức và làm chủ được mọi suy nghĩ, hành vi và lời nói của mình, tránh gây tổn hại cho mình và cho mọi người xung quanh, dù đó chỉ là những suy nghĩ thoáng qua về một ý niệm xấu ác. Cũng tương tự như thế, nhưng ngược lại đối với những suy nghĩ và hành động thiện lành thì nên cố gắng, nỗ lực làm. Với mong muốn không chịu những quả báo bất thiện, xấu ác và luôn luôn nhận lại những trái ngọt thanh thoát, nhẹ nhàng thì cần nên:

“Không làm mọi điều ác.

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.”[20]

Bên cạnh đó, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) còn giúp cho chúng ta có nhiều góc nhìn khác nhau về nhiều khía cạnh trong đạo đức Phật giáo. Dưới góc độ nhận thức, những nội dung, nguyên tắc của học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) ngoài việc làm chuẩn mực đạo đức phải được hiểu với ý nghĩa sâu xa hơn là phải “vào được lòng người, cảm ứng với người là đức”. Có nghĩa là ở góc độ nhận thức, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) phải là một giá trị, một bộ phận của nhân cách con người. Còn ở khía cạnh thực hành là việc thực hiện các nội dung, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức một cách tự nguyện có quyết tâm với nghị lực và ý chí phấn đấu, luôn luôn tinh tấn với tinh thần quyết tâm: “Ngăn không để sinh khởi các ác pháp chưa sinh, đoạn tận các ác pháp đã sinh, tinh cần làm phát khởi các thiện pháp chưa sinh, và làm tăng trưởng các thiện pháp đã sinh.”[21] đó là nghị lực, ý chí vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hướng về con đường giác ngộ rộng lớn, tự mình tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người, mà “không hề biết mệt, không chút vụ lợi, ẩn ý, không trông mong một đặc ân nào”.[22] Về phương diện điều chỉnh hành vi học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) còn là nền tảng để con người giữ mình ngăn chặn những suy nghĩ, hành vi bất thiện, sửa chữa, điều chỉnh hành vi chưa thiện như đức Phật nói: “Chỉ có ta làm điều tội lỗi; chỉ ta làm ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm người khác trong sạch”.[23] Lối sống và nhân cách đẹp của cá nhân chính là những biểu hiện cho giá trị đạo đức cao đẹp, cho tình thương mà Phật giáo muốn truyền trao đối với nhân sinh. Giá trị của tôn giáo không chỉ giúp cải thiện đời sống tinh thân cho những tín đồ của tôn giáo ấy, mà còn chứa đựng tinh thần trách nhiệm, đạo đức với cộng đồng và xã hội.

Giá trị đạo đức của một tôn giáo không chỉ đánh thức lòng yêu thương con người, trên cơ sở nền tảng của tinh thần trách nhiệm xã hội ở cá nhân, những giá trị nhân bản trong đạo đức tôn giáo còn đánh thức lòng yêu thương con người và thường được xuất hiện để trở thành lối sống, nhân cách tốt đẹp cho cá nhân và cộng đồng. Khi những giá trị đạo đức dần trở thành hạt nhân để kết nối mọi người lại với nhau, thì cũng là lúc con người được sống trong môi trường đạo đức và tình thương chan hòa, rộng khắp.

Giáo dục đạo đức theo giáo lý nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) là đem lại ánh sáng trí tuệ cần thiết cho mọi người, là một phương thức thực nghiệm sống động để giải quyết những vấn đề hiện tại. Trong đời sống thực tiễn chúng ta cần phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để xây dựng và phát huy những giá trị đạo đức ở mọi tầng lớp, mọi lĩnh vực hoạt động, mọi nghề nghiệp. Điển hình như việc giáo dục đạo đức có thể đưa vào luật như: xử phạt việc xả chất thải bừa bãi, quy định xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng; xử phạt người lấn chiếm lề đường; xử phạt người gây tiếng ồn quá mức v.v… Một số trách nhiệm được giáo dục và tạo dư luận xã hội phê phán: thói ích kỷ, thói vô cảm, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác. Đối với trách nhiệm cá nhân, ngoài những quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ, bổn phận người công dân; cần giáo dục đạo đức, trong đó có đạo đức tôn giáo, nhằm xây dựng, hình thành lòng yêu thương con người, trách nhiệm xã hội trở thành lối sống, trở thành một bộ phận trong nhân cách của mỗi cá nhân.

Giáo thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) của Phật giáo cho chúng ta có cái nhìn thiết thực hơn về sự tự chế ngự những suy nghĩ tham, sân, si, hay ích kỷ của bản thân để đạt tới vô ngã khi làm điều thiện, hay thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Giáo dục đạo đức của Phật giáo mục đích là chỉ ra tham, sân, si chính là những rào cản đầu tiên đối với trách nhiệm phụng sự nhân sinh. Khi đã thấu hiểu được nguyên lí nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  thì cá nhân có thể tự thể hiện điều cần thiết và phù hợp với xã hội mang lại sự chuyển hóa vô bờ bến: “Đem tình thương mà thắng giận dữ. Đem đạo đức mà thắng bất lương. Đem tặng dữ (bố thí hào phóng) mà thắng keo lẫn. Đem chân thành mà thắng xảo trá.”[24] Và ngược lại, nếu để cho tham, sân, si lấn át lí trí bản thân thì nhân cách cao quý cũng không còn: “Ai sống trên đời này mà sát hại, chiếm đoạt, gian dâm, dối trá, say sưa; sống đam mê như vậy thì ngay trong đời sống hiện tại, người ấy đã tự đào bới cái gốc rễ nhân cách của mình”.[25] Học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) luôn nhắc nhở cho chúng ta phải có trách nhiệm tự giác ở mỗi cá nhân đối với cuộc sống, luôn nhìn nhận lại những suy nghĩ và hành động của bản thân, điều nào nên và không nên làm, điều nào phù hợp và chưa phù hợp, nhằm giúp cho xã hội ngày một tốt hơn.

Cuộc sống con người ngày nay đang bị cuốn hút bởi những dòng thác vật chất, bởi sự bùng nổ của những khám phá và phát minh trong nhiều ngành khoa học hiện  đại, vấn đề luân lý đạo đức trong xã hội cũng đang là thực trạng mà mỗi chúng ta cần nhìn nhận. Đạo đức con người hiện nay bị tha hóa trước những lợi danh, vật chất. Trong một số gia đình truyền thống, gia phong, lễ giáo xưa nay là niềm tự hào của dân tộc nay đang dần bị đảo lộn. Thật đáng đau lòng khi hằng ngày chúng ta phải chứng kiến những cảnh nghịch ý trái lòng, xem thường nhân cách, đạo đức như: học sinh đánh thầy giáo, con giết cha mẹ… rồi những tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, trộm cắp… đang là ung nhọt đau nhức, nó làm băng hoại giá trị đạo đức con người và xã hội. Tất cả những hiện tượng trên là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của giá trị luân lý, đạo đức con người. Hệ quả ấy phải chăng do một bàn tay nào đó đang chi phối và làm thay đổi trật tự xã hội. Không nói ra có lẽ ai cũng biết hệ quả ấy không ai khác chính tự thân con người tạo tác.

Ở phương diện vật chất, chúng ta không phủ nhận những thành tựu khoa học đạt được đã mang lại cho con người một đời sống đầy đủ và tiện ích hơn. Nhưng trên phương diện luân, lý đạo đức của xã hội, giáo lý nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) vẫn mãi mãi là một quy tắc, chuẩn mực mà con người không thể chốn chạy hay bỏ qua. Dù con người thành công đến đâu chăng nữa thì vẫn không sao tránh khỏi những tác động âm thầm từ tính chất nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業). Bởi lẽ, chúng ta đều hiểu rằng, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) không phải là một sản phẩm do Đạo Phật tạo ra, mà nó là một quy luật tất yếu trong vũ trụ. Đức Phật chỉ là người khám phá và chỉ ra cho con người nhận biết, cũng như khả năng giác ngộ của mỗi con người ai cũng có, nhưng do vô minh, vọng tưởng mà con người không nhận ra điều đó.

Nội dung sâu xa bên trong của giáo lý nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  không chỉ là những bài học mang tính giáo dục đạo đức đối với xã hội, mà còn là những bài học giáo dục đạo đức làm người. Với nền văn hóa phương Đông, đạo đức con người được xem là một chuẩn mực tất yếu không thể thiếu trong đời sống thường nhật.

Từ những phân tích trên, có thể thấy học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) mang nhiều ý nghĩa đạo đức hơn là yếu tố siêu hình, khi hiểu rõ về những nguyên lí nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) sẽ giúp cho chúng ta phân biệt rõ giữa thiện và ác, giữa công đức và tội lỗi, hành động tốt sẽ đưa đến kết quả hạnh phúc và hành động xấu đưa đến kết quả khổ đau, đó là một trong những yếu tố hình thành nên nền tảng đạo đức.

4. Nghiệp và thuyết định mệnh

Số mệnh hay số phận là thân phận, địa vị, những điều may rủi, họa phúc, khổ vui, sang hèn, vinh nhục… đã được định sẵn cho cuộc đời của mỗi người. Tin rằng con người sinh ra với thân phận gì, ở nơi đâu, vào lúc nào, sống trong cảnh giàu sang hay bần cùng, sung sướng hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau, thời gian nào, bao nhiêu tuổi thì trở nên như thế nào, gặp phải những sự việc gì, tất cả đều đã được định trước, đó là niềm tin vào số mệnh. Từ ngàn xưa đã có nhiều quan niệm về số mệnh cho rằng mỗi người có một số mệnh do quá khứ an bài đã định sẵn, khẳng định tuyệt đối con người bất khả kháng số mệnh, mọi nỗ lực thay đổi số mệnh của con người đều vô ích. Phần lớn đều phủ nhận vai trò tự thân của con người, phủ nhận vai trò của con người đối với cuộc đời và thế giới mình đang sống.

Ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ X trước Công nguyên, người ta tin rằng việc tế thần được cho là một hình thức của nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業), điều này đã được ghi chép trong Lê-câu-vệ-đà (S. ṛgveda, A. Rig Veda, H. 梨俱吠陀). Thứ đến là thời kỳ của“Phạm thư” (S. Brāhmaṇa, H. 梵書) thì nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  được xem như là một hình thức tế tự, một quy luật tất yếu, kết quả tốt đẹp hay xấu ác tùy thuộc vào việc làm lễ tế thần đúng hay sai theo các bước đã quy định sẵn và không ai hay bất cứ điều gì có thể ngăn cản được. Trong giai đoạn Áo-nghĩa thư (S. Upaniṣad, H. 奧義書), khi mà việc cúng tế đã không còn được ưa chuộng, thì ở giai đoạn này tinh thần khảo sát triết học lại được đề cao, chính vì thế học thuyết về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  được xác định đó là cuả Ngã (S. Ātman, H. 我) là người tạo nghiệp và cũng chính là người thụ hưởng kết quả của nghiệp, nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trở thành một cái Ngã (S. Ātman, H. 我)  vĩnh hằng trong con người. Khác với giai đoạn trước, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) trong Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教)  được miêu tả mang ý nghĩa luân lý, đạo đức cũng như được hiểu có sự kết nối với linh hồn (Jīva). Nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) ở giai đoạn này được ví như những loại bụi cực tiểu hay dạng nguyên tử có khả năng hấp dẫn linh hồn, khi hành động, suy nghĩ hay nói năng sẽ thu hút những bụi nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) cực tiểu này.

Quan điểm nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  của Phật giáo nói chung hay Luận Câu-xá (S. Abhidharmakośa-śāstra, H. 阿毗達磨俱舍論) nói riêng bác bỏ quan điểm về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  của các tôn giáo trên, khi mặt định con người không thể tránh khỏi nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  hay định mệnh của mình, và tin rằng nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  có mặt khắp mọi nơi. Luận đã khẳng định như sau:

“Thế biệt do Nghiệp sinh.

Tư và tư sở tác.

Tư tức Nghiệp thuộc ý.

Sở tác là thân ngữ.”[26]

Như đã được phân tích, những hoạt động tư duy của tâm thức, tức là suy nghĩ ý định hướng đến một vấn đề, mà vấn đề này có bị thúc đẩy do sự ham muốn, thù ghét hay lòng từ bi của tâm, thì nó chỉ thuần túy thuộc về tâm (hay ý nghiệp). Hay nói cách khác chính do sự cố ý là nhân tố quyết định quan trọng cho hành vi đó có được gọi là nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) hay không. Vì thế, để hành động phát sinh ra nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  quả, phải có sự cố ý. Do đó, giẫm đạp kiến một cách vô tình lúc đi đứng không tạo ra nghiệp quả như quan điểm của Kỳ-na giáo (S. Jaṇnism, H. 耆那教).[27]

Quan điểm về nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) nhấn mạnh chính hành động của con người có tầm rất quan trọng đối với kết quả của nó, tác nhân phải chịu trách nhiệm về hành động mà mình đã tạo ra và con người có quyền tự do chọn lựa. Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho tất cả những gì xảy ra ngay trong hiện tại hoàn toàn đều do nhân từ quá khứ tạo ra, đức Phật gọi đó là: “Bỏ việc thực tế ở thế gian mà nói theo sự nhận thấy hư vọng của chính mình.”[28]

Ở một khía cạnh khác, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業)  đối với vấn đề có hay không về sự tồn tại liên tục của Ngã (S. Ātman, H. 我) trải qua nhiều kiếp sống, đã lôi cuốn nhiều sự chú ý đến từ triết học đương đại. Trong kinh Tạp A-hàm, có ghi lại câu chuyện thắc mắc của vị đệ tử: “Nếu sắc là vô ngã, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, thì ai là người sẽ nhận quả báo?”[29] Sau đó, đức Phật đã trả lời: “Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, ở trong nhau không? Đáp: Bạch Thế Tôn, không.”[30] Sự thắc mắc của vị đệ tử cũng chính là sự hoài nghi về thực tại của các triết gia đương đại khi đặt vấn đề: Nếu không có ngã, thì cái gì là tồn tại trong tôi từ lúc trẻ đến trưởng thành. Cái gì nhận biết các nhận thức, hay cái gì trải qua các kinh nghiệm, hay cái gì làm các hành động. Và quan trọng nhất, cái gì di chuyển từ một thân xác này sang thân xác khác, và cái gì nhận lấy nghiệp quả của những hành động tốt và xấu, nếu đó không phải là ngã. Dĩ nhiên Phật giáo không thừa nhận sự tồn tại hữu ngã cá biệt trường tồn, không có linh hồn hay không có đấng sáng tạo, không có nguyên lý căn để của vũ trụ, bởi vì “sinh tử lâu dài không có biên giới, không thể biết được căn nguyên của nó.”[31] Bên cạnh đó, đức Phật cũng nói là không có kẻ tác nghiệp, không có ai thọ nghiệp, không có linh hồn, không có cái ta hay tự ngã để đi từ sát na nầy sang sát na kia, từ thân mạng này sang thân mạng khác, làm người kiếp này, sa vào địa ngục, hay lên cõi trờ sau khi chết, hay đi đầu thai vào thân mạng khác vào kiếp sau. Nếu chúng ta cho rằng phải có một hữu thể nào đó đảm đương tất cả trách nhiệm này, thì ngài Thế Thân (S. Vasubandhu, H. 世親) xem đây “như là nỗ lực nhầm lẫn để có chiếc bánh của người nào đó và ăn nó.”[32] Chúng ta luôn luôn tạo tác và luôn luôn biến đổi, đó giống như là dòng luân hồi (S. Saṃsāra, H. 輪迴) sinh tử biến chuyển không ngừng nghỉ, tự chúng ta tạo tác, tự chúng ta thay đổi cứ tiến hành mãi dòng sống này, vì thế nên tìm một yếu tố tồn tại bất biến trong một tổng thể biến chuyển là điều không thể. Đức Phật đã luôn nhắc nhở về sự nguy hại từ những kiến chấp về hữu ngã này và hoàn toàn không chấp nhận: “Này Vaccha, nghĩ rằng thế giới là vô thường… thế giới là thường… thế giới vô biên… thế giới là hữu biên… sinh mạng và thân thể là một… sinh mạng và thân thể là khác… Như lai có tồn tại sau khi chết… Như lai không tồn tại sau khi chết… Này Vaccha, nghĩ rằng Như Lai không có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, như vậy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đổi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết- bàn. Này Vaccha, Ta thấy có sự nguy hại này mà ta không chấp nhận hoàn toàn những tri kiến như vậy?”[33]

Theo quan điểm Phật giáo, con người được coi là hiện thân của một sự thể gồm năm uẩn (S. Pañca-skandha, P. Pañca-khandha, H. 五蘊) có: sắc (S. Rūpa, H. 色), thọ (S. Vedanā, H. 受), tưởng (S. Saṃjñā, H. 想), hành (S. Saṃskāra, H. 行) và thức (S. Vijñāna, H. 識), cùng với những tạo tác nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) mà tạo thành hiện hữu cá biệt của con người. Một con người là một thực thể tạm thời, và chỉ sống trong tương tục tính của sát-na.[34] Nhận thức được điều này, thấy được sự mong manh và giả tạm của kiếp sống con người, chúng ta cần thay đổi nhân cách của mình cho tốt đẹp hơn, sự trau dồi về kiến thức và trí tuệ là cần thiết; với mong muốn đạt được nhân cách viên mãn của sự giác ngộ, giải thoát.

Như vậy, học thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) không phải là thuyết định mệnh, khi hiểu rõ về tính chất nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) chúng ta có thể thay đổi thân phận hoàn cảnh sống của mình. Thuyết nghiệp (S. Karma, P. Kamma, H. 業) nhấn mạnh đến trách nhiệm trong hành vi đạo đức của mỗi người đối với việc làm của mình, mỗi người sẽ nhận lấy hậu quả từ hành động của bản thân. Hay nói cách khác chúng ta cần phải có trách nhiệm với hành động của chính mình và được hưởng những quả tốt đẹp do mình tạo ra, mỗi cá nhân là một kiến trúc sư cho vận mệnh đời mình.

Tác giả: Thích Hữu Đạt
Chùa Bửu Sơn, 24 Xóm Vôi, Phường 14, Quận 5, Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (S. Abhidharmakośa-śāstra, H. 阿毘達磨俱舍論, luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá), 30 quyển, T29n1558. Bản Hán: Huyền Trang (H. 玄奘) dịch. Bản Việt: Thích Tuệ Sĩ dịch. CEBETA: https://tripitaka.cbeta.org/T29n1558.
Kinh Tiểu Bộ, Thích Minh Châu dịch (2015), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội,.
Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch (2012), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
Kinh Tương Ưng, Thích Minh Châu dịch (1991), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM.
Kinh Trung A-Hàm, Tuệ Sỹ dịch (2008), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
Kinh Trường A Hàm, Thích Đức Trí dịch (2003), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, Tuệ Sĩ dịch và chú (2019), NXB. Hồng Đức, Hà Nội.
Hirakawa Akira (2020), Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, NXB. Văn hóa- Văn nghệ, TP. HCM.
Nguyễn Duy Cần (1962), Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn.
Thích Đỗng Minh, Thích Nguyên Chứng (2011), Yết – Ma Yếu Chỉ, Tác pháp phân vật, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Nguyễn Thị Điệp (2010), Quan niệm về Nghiệp của Phật giáo và ý nghĩa của nó trong việc giáo dục đạo đức con người Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thích Giới Nghiêm (2015) dịch, Thích Giới Đức hiệu đính, Mi Tiên vấn đáp, NXB.  Phương Đông, TP. HCM.
Nhiều tác giả (2012), Đạo pháp – dân tộc, xã hội chủ nghĩa & hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP.HCM.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 4 – Bộ A-Hàm, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 5 – Bộ A-Hàm V, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 6 – Bộ A-Hàm VI, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 7 – Bộ A-Hàm VII, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 94 – Bộ Tỳ Đàm VI, A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa luận – Quyển 1; 75; 111; 112; 113; 114; 116; 117; 118; 119; 121, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 99 – Bộ Tỳ Đàm XI,  Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá – Quyển 12; 13; 14; 15; 16; 17; 18, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 100 – Bộ Tỳ Đàm XII, Luận A Tỳ Đạt Ma Thuận Chánh Lý – Quyển 41, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 148 – Bộ Luận Sớ III, Câu Xá Luận Ký – Quyển 17, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan.
Đặng Thi Lan (2006), Đạo đức Phật giáo và đạo đức con người Việt Nam, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Thích Đỗng Minh dịch (2013), Luật Tứ Phần, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Nikkyo Niwano (1997), Đạo Phật ngày nay: Một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, Huỳnh Tấn Mẫn dịch, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. HCM.
Thánh Nghiêm (2013), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Trí Quang biên tập (2011), Diễm Pháp cú Nam tông, Phẩm 103;104, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP.HCM.
Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Tuệ Sĩ (2022), Tổng quan về Nghiệp, NXB. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Thích Thiện Siêu (2006), Đại cương Luận Câu Xá, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
Kimura Taiken (2007), Nguyên Thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
Junjiro Takakusu (2007), Tinh hoa triết học Phật giáo, Tuệ Sĩ  dịch, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Lê Mạnh Thát (2005), Triết học Thế Thân, NXB. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, TP. HCM.
Thích Chơn Thiện (2009), Phật Học Khái Luận, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Thích Viên Trí (2014), Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Lữ Trừng (2011), Ấn Độ Phật học nguyên lưu giảng lược, Thích Phước Sơn dịch, NXB. Phương Đông, TP. HCM.
Gold, Jonathan C. (2015). “Vasubandhu”. In Zalta, Edward N. (ed.). The Stanford Encyclopedia of Philosophy. Dẫn theo:  https://plato.stanford.edu/entries/vasubandhu/ (Ngày truy cập: 04/01/2023).

Chú thích:

[1] Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2013, tr. 27-28.
[2] Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 2, 170. Kinh Anh Vũ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 185.
[3] Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch, Nguyên Thủy Phật giáo tư tưởng luận, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 231.
[4] Đặng Thi Lan, Đạo đức Phật giáo và đạo đức con người Việt Nam, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.135.
[5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 3 Thiên Uẩn, Chương I Tương Ưng Uẩn A. Năm Mươi Kinh Căn Bản V. Phẩm Tự Mình Làm Hòn Đảo, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM, 1991, tr. 83.
[6] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập I, Pháp Cú, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 65.
[7] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, 135. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 539- 540.
[8] A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận,  《阿毘達磨俱舍論》卷17:「貪生身語業, 邪命難除故,執命資貪生, 違經故非理。」(CBETA 2022.Q4, T29, no. 1558, p. 91a4-5).;   A-tỳ-đạt-ma Câu-xá thích luận, 《阿毘達磨俱舍釋論》卷13:「貪生身口業,別立為邪命 難治 資貪生若執 非經故。」(CBETA 2022.Q4, T29, no. 1559, p. 245c16-27).
[9] Giới Nghiêm, Mi Tiên Vấn Đáp, 42. Bất bình đẳng sai khác của chúng sanh là do nghiệp, NXB. Văn Học, Hà Nội, 2010, tr. 184.
[10] Thích Trí Quảng, Phật giáo nhập thế và phát triển, tập 2, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 120.
[11] Nguyễn Duy Cần, Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1962, tr. 57.
[12] Sđd, tr. 60
[13] Nguyễn Duy Cần, Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1962, tr. 65.
[14] Nikkyo Niwano, Huỳnh Tấn Mẫn dịch, Đạo Phật ngày nay. Một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1997,tr. 104.
[15] Nhiều tác giả, Đạo pháp – dân tộc, xã hội chủ nghĩa & hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2012, tr. 265.
[16] Trí Quang biên tập, Diễm Pháp cú Nam tông, Phẩm 103;104, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2011, tr 38-39.
[17] Sđd, tr. 49.
[18] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập I, Pháp Cú, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 59.
[19] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 7 – Bộ A-Hàm VII – Kinh Tạp A-Hàm Số 3, Tạp A- Hàm Quyển 46, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 49.
[20] Sđd, tr. 68.
[21] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Tiết XIII: Tự Chánh Cần, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, tr. 375.
[22] Nguyễn Duy Cần, Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1962, tr. 64.
[23] Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, 1966, tr. 916
[24] Sđd, tr. 66.
[25] Sđd, tr.72.
[26] A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận,《阿毘達磨俱舍論》卷13〈4 分別業品〉:「世別由業生,  思及思所作,思即是意業,  所作謂身語。」(CBETA 2022.Q4, T29, no. 1558, p. 67b9-11).
[27] Harvey, Peter (2000). An Introduction to Buddhist Ethics. New York: Cambridge University Press, tr. 17. (Nguyên văn: Actions, then must be intentional if they are to generate karmic fruits: accidentally treading on an insect does not have such an effect, as the Jains believed.).
[28] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 6 – Bộ A-Hàm VI – Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Tạp A- Hàm Quyển 35, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 707.
[29] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 5 – Bộ A-Hàm V – Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp  A-Hàm Số 1, Tạp A – Hàm Quyển 2 – Kinh 33: Phi Ngã, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 599.
[30] Sđd, tr. 600.
[31] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 7 – Bộ A-Hàm VII – Kinh Tạp A-Hàm Số 3, Biệt Dịch Kinh Tạp A- hàm- Quyển XVI, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 746.
[32] Gold, Jonathan C. (2015). “Vasubandhu”. In Zalta, Edward N. (ed.). The Stanford Encyclopedia of Philosophy. Dẫn theo:  https://plato.stanford.edu/entries/vasubandhu/ (Nguyên văn: Vasubandhu considers this a muddled attempt to have one’s cake and eat it too.).
[33] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 72. Kinh Aggivacchagotta, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 591-592.
[34] Junjiro Takakusu, Tuệ Sĩ dịch, Tinh hoa triết học Phật giáo, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2007, tr. 107.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường