Tác giả: Pháp Vương Tử
1. CON ĐƯỜNG TÂM LINH
Xin mượn một câu trong bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của Huy Cận (1919 - 2005), một trong những nhà thơ tiên phong của phòng trào Thơ Mới, do nhà thơ Trầm Dần (1926 - 1997) khởi xướng từ đầu những năm 30 của thế kỷ 20 để đặt đầu đề cho bài viết này
Các vị La Hán chùa Tây Phương, Tôi đến thăm về lòng vấn vương. Huy Cận
Hẳn thi sỹ vấn vương về một câu hỏi lớn không lời đáp, mà đến tận bây giờ 18 vị La Hán vẫn còn đứng đó "chau mày..." hỏi trời sâu với một câu hỏi lớn. Vâng, một câu hỏi lớn là gì vậy? Chúng ta hãy thử lần tìm... may ra!
Như chúng ta đã biết, từ xưa lắm các triết gia và sử gia phương Tây từng đưa ra những định nghĩa về con người, như triết gia người Pháp là Pascal (1623 - 1662) nói: "Con người là cây sậy biết tư duy", rồi "Người là con vật hỏi". Trước đó, triết gia cổ đại Hy Lạp được cho là cha đẻ của triết học phương Tây là Sokrates (? - 399 TCN) có một câu nói nổi tiếng: "Cuộc đời không thắc mắc thì không đáng sống!", học trò của ông là Platon (348 - ? TCN) tin rằng: "Nguồn gốc của triết học là thắc mắc và khám phá"
Đúng vậy, đã là con người chúng ta đều đang đối diện với nhiều câu hỏi sâu xa, không chỉ về cuộc đời này, cuộc sống này mà còn có những câu hỏi nhằm vào khoa, đánh thức sự tìm tòi khám phá của con người về nguồn gốc của vũ trụ vật chất; về bản chất của không gian và thời gian... Những đó chưa hẳn là một câu hỏi lớn - mà câu hỏi lớn có lẽ lại xuất phát từ khi có xã hội loài người khi còn "ăn hang ở lỗ" gọi là thuở hồng hoang, bởi lẽ đã là con người thì ai cũng muốn biết cội nguồn của mình và luôn cảm thấy bối rối trước những bí ẩn của sự sống và cái chết. Mối sầu vạn cổ mà người xưa hay nói tới chính là mối sầu muôn đời của con người trước cái chết mà thôi!
Quả là vậy! Trong cái DI SẢN ĐỘC ĐÁO LÀM NGƯỜI của chúng ta, giờ vẫn còn đó "một câu hỏi lớn" từ thuở Hồng Hoang về cội nguồn của chính mình. Và trong suốt chiều dài của lịch sử của loài người đã có nhiều lắm những lời GIẢI ĐÁP được đưa ra với nhiều hướng khác nhau theo niềm tin - để rồi, qua thời gian, niềm tin ấy trở thành một TÍN NGƯỠNG. Những tín ngưỡng thuở ban đầu, phần lớn đều cho rằng: "Có một VỊ THẦN SÁNG TẠO sinh ra loài người cùng với muôn loài, và toàn quyền định đoạt số phận của muôn loài, trong đó có con người trên trái đất"
Đó chính là khởi đầu sự suy nghĩ của NHÂN LOẠI về con đường tâm linh!
2. NHỮNG CUỘC TÌM KIẾM
Tín ngưỡng Nhất - Thần xuất hiện đầu tiên, và kế thừa truyền thống này là Do Thái giáo, Ky tô giáo, Chính thống giáo, Hồi giáo. Khuynh hướng nhất thần đã thờ Đấng sáng tạo với những tôn danh khác nhau như Thượng Đế, Chúa, Thánh Ala... Những rồi theo thời gian, cũng chính con nguời chứ không phải ai khác đã phát hiện ra những "niềm tin" ấy có gì đó... Không ổn? Là bởi: thay vì Thượng đế (hay Đấng sáng tạo) sinh ra con người - thì lại chính con người đã TẠO RA THƯỢNG ĐẾ để sùng kính, tôn thờ. Nhà vật lý học người Đức gốc Do Thái là Albert Einstein (1879 - 1955) cũng từng bày tỏ: "Tôi muốn biết Thượng đế đã tạo nên thế gian này như thế nào?"
Đây là một phạm trù triết học mà các Nhà đạo học xưa, hay các Nhà tôn giáo học ngày nay đều quan tâm. Nói đúng hơn, các Nhà tôn giáo học ra đời phần lớn là để lý giải, trả lời cho câu hỏi đó. Nhà triết học, tâm lý học người Đức là Karl Jaspers (1883 - 1969) cho rằng: "Câu hỏi then chốt hay vẫn nạn triết học chính là làm người có nghĩa là gì? Và mỗi người có thể trở thành cái gì?". Đại lão Hòa thượng, đệ tam Pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài Thích phổ Tuệ (1917 - 2021) Khi ở tuổi 90 đã trả lời báo Giác Ngộ rằng: "Tuổi thọ không phải thước đo giá trị đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo". Vẫn biết "sinh tử đại sự”, sống chết là một việc lớn, việc trọng đại của đời người; nhưng cái chết không phải là điều mát mát lớn nhất, mà sự mất mát lớn nhất là chúng ta để tâm hồn của mình tàn lụi ngay khi ĐANG SỐNG!"
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) từng chia sẻ: "Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Từ đâu mà tôi có sự suy nghĩ đó, là do tôi quá yêu cuộc sống này, sợ mất nó...". Hơi buồn, nhưng cảm giác đó thật quý, vì nó khiến chúng ta sống trang nghiêm hơn, buộc ta phải sắp đặt sao cho có thể sống một cách hợp lý hơn bởi biết được giới hạn cuộc đời mình. Sống sao "như một chữ TÌNH để duy trì thế giới. Một chữ TÀI để tô điểm càn khôn". Và chính công cuộc tìm kiếm để giải đáp "những bí ẩn đời người" đã khiến chúng ta sống một cách sâu sắc hơn, bởi những câu hỏi giàu tính TRUY VẤN kia thực sự là CÚ HÍCH đánh thức tiềm năng học hỏi cho những ai có tham cầu hiểu biết đi xa hơn trên con đường khám phá để sống một cuộc đời có ý nghĩa chứ không nhằm thỏa mãn... các giác quan! Ấy cũng là "Phật tính", là phẩm chất Tôn giáo hằng có nơi mỗi con người. Bởi gốc nghĩa của từ "tôn giáo" tiếng La tinh là Religio, nghĩa là "mối liên hệ" hay "sự kết hợp". Nhà triết học, kinh tế, nhà tư tưởng vĩ đại là Các - Mác (1818 - 1883), người phát hiện ra những quy luật của sự phát triển xã hội từng đưa ra định nghĩa "CON NGƯỜI là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội!" và đó chính là TÂM LINH vì tâm linh, nói đúng nghĩa không phải là một khái niệm mang tính tri thức mà biến tri thức thành những giá trị cao quý để SỐNG VỚI. Và trạng thái tâm linh chính là ĐẠO, là chân lý. Tuệ Trung Thượng Sỹ nói: "Đạo bất khả vấn, vấn bất khả đạo" là thế. Tâm linh là linh hồn của tôn giáo. Nếu tôn giáo mà không có tâm linh (hay không còn tâm linh) thì tôn giáo ấy chỉ là cái xác không hồn.
Nhưng tâm linh, với khái niệm chung nhất của các tôn giáo là "sự phát triẻn năng lực bên trong". Nhưng trong thực tế, đối tượng của các tôn giáo với các "mối liên hệ" hay "sự kết hợp" lại có nhiều hàm ý hướng sự quy ngưỡng đến một Đấng tối cao nào đó. Một thượng đế thiêng liêng chẳng hạn!
Và hết thay sự tôn thờ ấy phải có quan điểm "hữu thần", nhất thần hoặc đa thần thì mới thật sự là... TÔN GIÁO!
Cũng vậy, di sản phương Đông về những khát vọng tâm linh muôn thuở cũng hình thành tư tưởng đầy mình triết từ nghìn năm trước Công Nguyên tại Trung Hoa, Nhật Bản... mà nổi bật hơn cả là ẤN ĐỘ - một trong những quốc gia có nền văn minh cổ đại lớn nhất nhân loại, một đất nước nước đa tôn giáo, là "cái nôi" của các tôn giáo, tín ngưỡng với 93 thứ ngoại đạo và 62 dị kiến tà giáo cùng tồn tại với nhiều luồng tư tưởng, tín ngưỡng khác nhau với các Thánh triết có đạo học thâm hậu. Đó là THỜI VỆ ĐÀ cách đây hơn 6.500 năm. Khi ấy VỆ ĐÀ cũng đưa ra nhiều giải pháp... nhưng tựu trung những lý giải ấy cũng na ná giống nhau như lấy Phạm Thiên (Brahma) làm chủ vạn vật, nắm quyền sinh sát muôn loài. Rồi những trời Đế - thích, thần Visnu, thần Siva... Sau khi Bà la môn giáo được người ARYAN (thượng đẳng) trao truyền Kinh Vệ Đà mà họ mang tới từ Tây Bắc Ấn Độ trong cuộc xâm lăng của họ tới vùng đất mới này - Bà la môn đã sử dụng Vệ đà như một công cụ để thống trị về mặt tinh thần đối với dân chúng. Chế độ 4 giai cấp ở Ấn đã có từ trước đó nhưng dưới ảnh hưởng của tư tưởng Vệ Đà lại trở nên nghiêm ngặt hơn nhiều. Bà la môn mê muội dân chúng, bảo rằng: "Kinh Vệ Đà là do thần linh "Mặc Khải" (tiết lộ) cho Bà la môn" rồi bảo rằng: "Hạnh phúc hay khổ đau của con người tùy thuộc vào ý muốn của các vị thàn, và chỉ có các giáo sĩ Bà la môn mới "cầu xin các thần" thông qua các kỹ thuật, các phương pháp nghi lễ, những câu thần chú bí hiểm để "đánh động tới các vị thần". Vì thế trong 4 bộ Vệ Đà thì phần căn bản được nói tới đó là các kỹ thuật "đọc tụng, ca vịnh, tế tự..." các Thần. rồi khi nói tới quyền năng của của đấng Phạm Thiên (Brahma), Vệ Đà giải thích - Đó là chúa tể của vũ trụ, là đấng tạo ra thế giới, là Đại ngã - mà linh hôn mỗi con người là Tiến ngã do bị tách rời từ Đại Ngã để đi luân hồi vì thế phải phụ thuộc vào Đại Ngã (tức đấng Phạm Thiên!). Vì vậy việc sắp đặt trật tự cho 4 giai cấp đã có từ trước đó dễ được TUÂN PHỤC hơn, trong đó giai cấp Bà la môn (Tức các giáo sỹ của đạo này) là giai cấp cao quý bởi được sinh ra từ miệng Phạm Thiên. Giai cấp thứ hai là Sát-đế-lỵ, do được sinh ra từ ngực Phạm Thiện nên là giai cấp võ tướng, cầm quyền, cai trị đất nước về mặt chính trị (làm vua). Giai cấp thứ ba là Phệ Đà sinh ra từ hai cánh tay Phạm Thiên, nên là giai cấp Thương gia, buôn bán. Giai cấp thứ tư là Thủ - đà - là, do được sinh ra từ gót chân Phạm Thiên, nơi thấp nhất và hạ tiện nhất nên họ chỉ là Nô Lệ. Và người nào dược sinh ra từ giai cấp nào thì mãi mãi là giai cấp đó...
Thực ra Kinh Vệ Đà không phải là sản phẩm trí tuệ của Bà la môn giáo (như đã trình bày ở phần trên). Vệ Đà là sản phẩm trí tuệ của riêng chủng tộc ARyan (thượng đẳng) và cũng không phải của một nhân vật nào... sáng tác. Theo từ nguyên VEDA bắt nguồn từ căn ngữ "VID" nghĩa là HIỂU BIẾT, và cũng được giải thích là: Minh luận, Trị luận, Sự hiểu biết, rồi cũng gọi là TRI THỨC TÔN GIÁO nữa. Sở dĩ người Aryan trao truyền Kinh Vệ Đà cho Bà la môn giáo như một "mặc định" là bởi khi đó giai cấp này đang có vị thế cao trong xã hội Ấn. Quả đúng như vậy! Bà la môn giáo đã tạo dựng một nền VĂN HÓA VỆ ĐÀ y cứ vào Kinh Vệ Đà; cho tới nhiều thế kỷ sau đó người ta vẫn gọi đó là "Thời kỳ Vệ Đà" bởi nó từng là một hệ tư tưởng SỐNG của người dân Ấn; kể cả nhiều thế kỷ sau này, ảnh hưởng của Vệ Đà là không thể phủ nhận.
Sau Vệ Đà là sự xuất hiện của TRIẾT THƯ ẤN ĐỘ, có tên là Áo Nghĩa Thư (Upanishads). Theo thiền sư Thích nhất Hạnh (1926 - 2022): Áo nghĩa thư xuất hiện vào khoảng 1000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh và 100 - 150 năm trước khi Phật Thích ca ra đời.
Áo Nghĩa Thư, tuy xuất hiện sau Kinh Vệ Đà nhưng cùng thời mà nội dung nòng cốt lại là Kinh Vệ Đà nên cũng được gọi là LIỄU KẾT VỆ ĐÀ hay VIÊN THÀNH VỆ ĐÀ bởi nó rút tỉa từ tinh hóa của Vệ Đà và Áo nghĩa thư đều cho rằng: Sự sống và cái chết của muôn loài trong vũ trụ đều do thần linh định đoạt và thần linh là... BẤT TỬ. Và có rất nhiều thần linh... tới 33 vị, như thần sấm, thần chớp, thần lửa... Trong đó có 3 vị thần linh quan trọng nhất, đó là Phạm Thiên (Brahma) tức đấng chúa tể sáng tạo ra vũ trụ. Thứ hai là thần Visnu duy trì vũ trụ. Thứ ba là thần Siva là vị thần tiêu hoại vũ trụ. Vì vậy, chú thuật và cầu nguyện trong các nghi lễ đóng một vai trò quyết định.
Nhưng điều đáng nói trong Áo nghĩa thư là sự xuất hiện quan niệm về NGHIỆP. Nghiệp, theo nghĩa thông thường là "ai làm nấy chịu". Vì thế "nghiệp" được coi là khởi điểm của cuộc cách mạng trong Bà la môn giáo. Đức tin của con người nơi thần linh đã không còn như trước. Người ta không còn tin rằng sự cầu nguyện sẽ đem lại điều tốt lành cùng với sự bất tử trong tương lai nữa; họ tìm đến sự tu tập khác nhằm thanh tịnh hóa thân và tâm, bởi theo họ, chỉ có tuệ giác và sự tịnh hóa mới giúp họ giải thoát. Vì thế khi Phật Thích - ca xuất hiện thì hết thảy những Sa-môn (người tu hành) là Bà la môn giáo, Kỳ na giáo... hay bất cứ ở tôn giáo hay tín ngưỡng nào một khi đã nhập vào Tăng đoàn của đức Phật đều được gọi là Khất-sỹ, đều được sống trong bình đẳng, thực hiện sáu điều hòa hợp, gọi là "Lục hòa cộng trụ" trong đoàn thể, như tôn giả Ca Diếp từng là giáo chủ thờ Thần Lửa, Vô não Ănggulimalo là tên sát nhân, Ưu ba ly là người hót phân, Ambapaly vốn là một kỹ nữ danh tiếng, Cấp cô độc là một tỷ phú, Kỳ Bá là lương y tài danh...”. Qua kinh Phật, tức giáo pháp ta thấy mỗi cá nhân có thể đạt được an lại giải thoát ngay ở cuộc đời này bằng chính năng lực tu tập của mình. Đến với đức Phật không phải chịu một sự gò bó nào của hệ thống giáo điều hay cam chịu số phận do một vị THẦN nào ban phát. Ngay trong Tăng đoàn của đức Phật, người ta cũng không hề cảm thấy "bị giáo hóa". Vì đức Phật chưa bao giờ xem minh là lãnh đạo tăng đoàn: "Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng Ta dẫn đầu chúng Tỳ Kheo, hay Chúng Tỳ Kheo chịu sự giáo huấn của Ta" (Kinh trường bộ 16 và Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trang 267). Chủ trương không giai cấp và bình đẳng do đức Phật đề ra, chúng ta phải thấy "đúng như thật", luôn hiện hữu trên chân lý đó là bình đẳng theo Nghiệp của mỗi con người, chứ không phải bình đẳng là... sự "cào bằng". Đừng hiểu lầm thực tế cuộc sống này không có những sai biết mới... tốt đâu? Cho dù theo đức Phật: "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn" và "Nhân phẩm con người không nằm trong sắc tộc, màu dạ, tư tưởng, mà nó nằm trong nhân cách đạo đức và lối sống thiện lành".
Cũng vì những trăn trở và thôi thúc khôn nguôi ấy mà đức Phật của chúng ta - Khi còn là một Thái tử đầy quyền uy đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc với tình ái thê nhi để xuất gia tầm đạo. Ngài cũng muốn biết rõ ràng, chính xác về nguồn gốc khổ đau con người; muốn biết rõ ràng, chính xác cả về những vị Trời, những vị Thần... là như thế nào? Mối liên hệ với loài người ra sao mà con ngời cứ mãi phải chịu khuất phục như thế? Rồi sau đêm thành đạo, đức Phật của chúng ra đã có đượ lời giải cho MỘT CÂU HỎI LỚN đó.
Đêm thành đạo của đức Phật là một mốc son chói lọi trong lịch sử TƯ TƯỞNG NHÂN LOẠI, bởi từ đó thế gian thấy được con đường đáng lựa chọn nhất của chính mình.
3. ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ
Như đã trình bày ở phần trên: Sự xuất hiện Triết thư Ấn Độ là Áo Nghĩa Thư có đề cập tới Nghiệp, được coi là khởi điểm của cuộc cách mạng trong Bà la môn giáo. Nghiệp, được xác lập như một học thuyết liên hệ đến tái sinh và giải thoát. Tuy nhiên nó chỉ là manh nha ý tưởng về một đấng Phạm Thiên "hữu ngã" chưa có ý niệm gì về luân hồi, về Nghiệp và Nghiệp quả một cách sâu sắc, chân thật. Đến giai đoạn Kỳ na giáo và Phật giáo, học thuyết về Nghiệp mới hình thành rõ rệt hơn, với một hệ thống triết lý không những khẳng định giá trị đạo đức của Nghiệp mà còn vạch ra con đường giải thoát cho Nghiệp bằng Thiền định - Niềm tin và Sự nhận thức. Phật giáo đã chọn cho mình một hướng đi khác với Kỳ na giáo đó là sự CHỨNG NGHIỆM những tư tưởng về Nghiệp bằng THỰC NGHIỆM. Vậy thế nào là sự Chứng nghiệm về Thực Nghiệm. Trong Kinh Kalama, đức Phật đã chỉ ra hướng đi của Thực nghiệm. Đây là bản Kinh rất hay Phật nói cho những người trẻ tuổi thuộc bộ tộc Kalama khi họ hỏi Phật: “Thỉnh thoảng có một vị đạo sư đi qua đã dừng lại nói giao lý của họ cho chúng con nghe, và vị nào cũng nói giáo lý của họ là hay nhất, đúng nhất và giáo lý của các đạo sư khác là sai. Vì vậy, chúng con nên biết tin ai? Đức Phật bèn nói: "Này các thanh niên Kalama, đừng vội tin một điều gì dù điều đó được chép trong Kinh điển. Đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó do một bậc thầy nổi tiếng nói ra. Điều gì ta nghe thì ta hãy quản chiến kỹ (nhìn sâu) xem nó có hợp lý hay không. Ta dùng trí tuệ của mình để thẩm định xem có hợp lý hay không. Ta dùng trí tuệ của mình để thẩm định xem có đúng hay không, và ta phải đem ra áp dụng nếu điều đó đem tới sự an lạc, giải thoát, hạnh phúc thì ta hãy tin..." Người phương Tây gọi Kinh Kalama là "The charter of free enquiry" tức là "Nguyên tắc của tư tưởng tự do". Đối với đức Phật, cũng như đạo Phật thì Niềm tin cần có nhưng chưa đủ mà phải THỰC HÀNH - Dù tu bất cứ pháp môn nào thì việc thực hành là điều quan trọng và CỐT LÕI NHẤT. Câu chuyện, một BÀ la môn hỏi Phật: Làm thế nào để chứng đạt chân lý. Đức Phật trả lời: "Nhờ tu tập, hành tập, luyện tập nhiều lần thì chân lý mới được chứng ngộ" (Kinh Tương ưng. Bộ - Tương ưng chư thiên III. Phẩm Kiếm, trang 18), bằng thuần túy Kinh nghiệm ở nội tâm mình thay vì suy luận. Phật giáo và Kỳ na giáo còn gặp nhau ở quan điểm rằng: Không có một đấng Thượng đế hay Thần linh nào sáng tạo và chi phối toàn bộ thế giới cả. Đây là sự phủ nhận tính chất thần thánh của Vệ Đà, nguồn gốc của ý niệm đạo lý. Thế nhưng, tín đồ Kỳ na giáo sau khi "mời Thượng đế ra khỏi thiên đường" họ lại đưa các vị thánh trong sử sách huyền thoại của họ để tổ chức "tế lễ và dốc lòng thờ phụng"…
Có thể nói, sự phủ nhận thượng đế hay Đấng sáng tạo của Kỳ na giáo và Phật giáo là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển tư tưởng triết học, tôn giáo của Ấn Độ. Tuy nhiên lịch sử là một tiến trình; vạn vật vô thường, thế nên văn hóa luôn là một dòng chảy chứ không phải một bến đỗ, vì thế sự xuất hiện tư tưởng Vệ Đà - Áo Nghĩa Thư rồi sau đó tiếp thu các nền tảng triết lý này là sự xuất hiện của Kỳ na giáo, Phật giáo.
Thời Phật tại thế, tư tưởng mới của Ngài nổi lên cũng thừa kế của văn minh Vệ Đà. Nhưng theo kiến giải của Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) thì đức Phật đã thừa kế có chọn lọc và hẳn nhiên có cả "thừa kế đối lập" nữa. Thế nào là kế thừa đối lập? Nghĩa là Phật loại bỏ điều không còn thích hợp nữa, chỉ sử dụng những gì còn thích hợp. Cũng bởi khi ấy đạo Bà la môn đã rơi vào tình trạng suy vi, đến mức xã hội không chấp nhận. Trở lại với chủ trưởng của đức Phật về "Không có giai cấp" là bởi: Chỉ đức Phật mới đủ tư các nói lên chân lý này vì Ngài xuất thân từ giai cấp Sát đế lỵ - giai cấp cầm quyền và Ngài là một Thái tử (con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da). Tăng đoàn của đức Phật lúc ban đầu chỉ có 5 anh em ông Kiều Trần Như những không lâu sau đã tăng lên đáng kể vì quần chúng Ấn Độ ngày càng tin vì đức Phật đã nói lên được nguyện vọng của họ… bênh vực quyền lợi cho họ. Uy tín của Phật ngày một mạnh, đạo lực Phật siêu việt nên Vua chúa cũng buộc theo này. Phật dung hóa được 4 giai cấp vốn không thể nhìn nhau nay có thể ngồi với nhau trong Tăng đoàn, bởi vì "Giáo pháp của ta là thiết thực, hiện tại, đến để mà thấy một giáo pháp, không thời gian, có khả năng hướng thiện được người trí tự mình giác hiểu". Đó là ánh sáng của trí tuệ soi đường.
4. CUỘC CÁCH MẠNG TÂM LINH
Cuộc cách mạng tâm linh là cuộc cách mạng đã tìm được câu trả lời từng được các Thánh triết Ấn Độ trước sau nối tiếp nhau khám phá đó là câu hỏi: Con người, người là ai? Từ đâu đến, xuất hiện giữa vũ trụ huy hoàng này để làm gì, tương quan với vạn hữu ra sao?
Đức Phật, khi còn là một Thái tử đầy quyền uy nhưng Ngài cũng là một Bà la môn giáo cũng luôn trăn trở trước mỗi trầm thống của kiếp người trước các hiện tượng siêu nhiên, những động lực huyền bí đang tồn tại khách quan như một thách đố. Thân phận con người nhỏ bé phải đối đầu với sức mạnh thiên nhiên, những sấm chớp cuồng phong vây bủa, sinh mệnh con người như con ốc sên bị trùng dương nuốt chửng và cả muôn trùng khổ lụy bởi áp bức bất công của chính con người tạo ra, đó là những đẳng cấp, những Thượng đế! Phạm Thiên, những trời Đế Thích và các vị Thần... Để phá tan màn "vô minh tăm tối" ấy, vị Thái tử Tất Đại Đa ấy đã từ bỏ cung vàng điện ngọc tự dấn thân vào muôn nẻo đường gió bụi để đi tìm LỜI GIẢI ĐÍCH THỰC cho câu hỏi đã có từ muôn kiếp kia. Ngài đã trải thân thực nghiệm phương pháp Du-già (Yoga), khi ấy vốn đang là phương pháp tu hành của các tín đồ tôn giáo ở Ấn Độ. Đó là điều hòa hơi thở để "nhiếp tâm" đạt được trạng thái tương ứng với chân lý.
Ta thấy, trong tôn giáo và triệt học xa xưa tại Ấn Độ thì việc tu tập là nhằm kết hợp với Phạm Thiên (Brahma) hoặc "cộng trú" với Phạm Thiên gọi là yoga - Đây là một thuật "luyện khí" để... "Liên kết con người với Đấng tối cao"... Đức Phật đã tìm đến các bạc thầy nổi tiếng khi ấy là Karama và Ramatra theo học. Nhưng không lâu sau, Ngài đã bỏ các vị Thày ấy để tự mình tìm ra CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO cho riêng mình, bỏ hai lối tu cực đoan là ép xác khổ hạnh và tham dục lạc. Con đường Trung Đạo là phát triển trực giác, nghĩa là nhìn thẳng vào sự vật, giải thoát mọi ràng buộc để đạt CHÂN LÝ TỐI HẬU. Trong khi Vệ Đà nhìn lên trời cao để khám phá vũ trụ hướng ngoài, mang khát vọng giải thích bản thể và quy luật thế giới bên ngoài thì đức Phật nhìn vào CÕI CON NGƯỜI để có triết lý về nhân sinh mà bốn chân lý: Khổ - Tập - Diệt - Đạo trong Tứ diệu đế, một giáo lý tích cực, có mục tiêu hướng thượng tâm linh, đạt giải thoát cụ thể vì thế người học Phật, tu Phật cần thấu triệt nội dung uyên bác này - dẫu đây là bài kinh thuộc hệ thống Tiểu thừa nhưng nó bao hàm những học thuyết, những hệ phái, dù theo Pháp học hay Pháp hành nào khì triển khai, áp dụng chân lý này sẽ tự thấy được sự thật của con người, cuộc đời và giá trị của hạnh phúc chân thật được tìm thấy trong NỘI TÂM chứ không phải là các giá trị tài sản, con cái, vinh quang hoặc sự xâm lấn chiếm đoạt mà có được.
Mục đích tín ngưỡng của đạo Phật không gì khác hơn là để dạt tới Vô thương Chính đẳng giác - mà suy ra thì đó cũng là sự phát triển trí tuệ đến một địa vị cao siêu tuyệt vời, là bước đi tất yếu của nhân loại tiến bộ. Và dẫu giáo lý của Phật có uyên áo những không đặt sự sợ hãi về cái... Không được biết, mà hơn thế, đạo Phật còn chấp nhận sự HOÀI NGHI giáo pháp như là một tất yếu vì hiểu rằng: Nền tảng của các sự kiện sẽ được xác minh bằng chính kinh nghiệm của người có THAM CẦU HIỂU BIẾT bởi từ "đại nghi" sẽ dẫn đến "đại ngộ" như chính việc TÌM ĐẠO và THẤY ĐẠO của đức Giáo chủ, Phật thích ca-Mâu ni! Sự tham cầu hiểu biết của đức Phật khi Ngài còn là Thái tử là một sức mạnh tâm linh được bắt đầu từ cái "MUỐN" gọi là "Dục" (Chanda) - Dục thần túc là sức mạnh của ý muốn. Và cũng từ sức mạnh này đã thôi thúc vị Thái tử này xuất gia tìm đạo trong bối cảnh hết sức phức tạp của xã hội Ấn Độ đương thời với rất nhiều luồng tư tưởng, tín ngưỡng khác nhau... Và chỉ sau khi thành đạo, đạt quả vị Toàn giác Vô thượng Bồ đề, đức Phật mới thấy được muôn pháp (muôn sự muôn vật) đúng như thật mà đạo Phật thường dùng cụm từ "muôn sự muôn vật đúng như nó là". Cái thấy đầu tiên của Phật là cái thấy Vô thường và Vô ngã. Vô thường là không thường xuyên (Anitia), không lâu dài. Và không biết bây giờ còn ai bối rối như Héraclite (khoảng 535 - 475 TCN) Triết gia cổ đại Hy Lạp từng "buông" một câu nói đã đi vào sử xanh: "Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông!" không, bởi nước sông không ngừng chảy, bởi chúng ta cũng là một dòng sông đang "chảy"... Chúng ta đang có hiện tại của mình, nhưng chúng ta cũng thấy nó đang đồng thời hóa thành quá khứ và thành tương lai. Nền văn học Pháp thế kỷ XX đã cống hiến cho nhân loại một kiệt tác đồ sộ với hơn 3000 trang tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của Văn hào Pháp là Marchel Proust (1871-1922). Tác phẩm của ông đã đem tới một cuộc cách mạng về tiểu thuyết và vai trò của tác giả được ví như Copemic, Einstein trong lĩnh vực khoa học. Tác phẩm "lớn nhất mọi thời đại" này là kết tinh của cuộc sống nội tâm với những trăn trở về quá khứ, về thời gian đã mất trong khi quan sát dòng xoáy ngoài đời, tác giả đã tìm lại và thiết tha biến kết quả quan sát thành chất liệu của tác phẩm văn học, và tác giả coi những gì ông đã làm - ngoài sáng tác văn học, đều là... "Thời gian đã mất" (vô thường)... Sau khi Phật nói giáo lý vô thường Ngài khai thị tuệ giác Vô ngã, bác bỏ hoàn toàn tín ngưỡng về một cái Ngã thường tại, bất biến của Vệ Đà, Áo nghĩa thư (Upanishads) của cả Kỳ na giáo (Jainism) và Ấn Độ giáo (Hindu)...
Vô ngã, có thể được định nghĩa một cách tổng quát và đơn giản là: Không có một thực thể bất biến và đồng nhất nào nằm trong lòng con người hoặc sự vật. Vạn vật, trong đó có con gnười luôn chuyển biến, và vì vậy không vật nào có tính thường hằng hay chứa đựng một cái gì thường hằng.
Và nếu như có một CÁI NGÃ tồn tại mãi mãi thì em bé sẽ mãi là... em bé, không thể lớn lên được. Vì thế, NGÃ là TỰ TÍNH; em bé không có "tự tính" (tức vô ngã) nên mới trở thành người lớn. Cũng vậy, hạt mầm sẽ lớn thành cây bởi hạt mầm không có tự tính, tức hạt mầm vô ngã tính. Như vật, nhờ vô thường vô ngã mà sự sống luôn có mặt, mà vô thường cũng chính là vô ngã, bởi:
1. Từ góc độ thời gian ta thấy vạn vật vô thường 2. Từ góc độ không gian ta thấy vạn vật vô ngã
Vì thế vô ngã là TINH HOA CỦA ĐẠO PHẬT, là một trong những đặc điểm riêng có của đạo Phật, đồng thời nó cũng là nền tảng triết học Phật giáo. Đạo Phật tiếp thu tư tưởng Vệ Đà, Kỳ na giáo, Ấn Độ giáo, thậm chí cả những tín ngưỡng bản địa đương thời, rồi làm MỚI nó dưới ánh sáng của TUỆ GIÁC VÔ NGÃ. Nếu các nhà Tôn giáo học tôn vinh giáo lý Phật giáo đã làm nên CUỘC CÁCH MẠNG TÂM LINH (Spiritual) thì tuệ giác vô ngã là một điểm sáng chói trong cuộc cách mạng này.
Vô ngã, là một giáo lý trừu tượng, khó hiểu, vì thế nên khi tiếp nhận đòi hỏi ta một sự thông minh và cả sự... khéo léo nữa. Nếu không, chính giáo lý vô ngã sẽ là nguyên do làm cho ta lo lắng, hoang mang, bởi con người luôn có khuynh hướng bám víu vào một cái "Tôi tư duy tức là tôi tồn tại" (Pense done Je suis) - Câu nói này rất nổi tiếng của một nhà khoa học, toán học, một triết gia người Pháp, là ông Descartes (1956 - 1650) - Ông được cho là cha đẻ của triết học hiện đại. Câu nói đủ để chứng minh cho nhu yếu muôn thuở ấy của con người luôn có khuynh hướng bám víu vào một cái NGÃ, và cái "ngã" ấy phải đồng nhất với một cái gì, hoặc là thân thể, hoặc là tri giác... "Ta" còn mãi với thời gian. Ấy là một hình thức bám vứu vào NGÃ. Theo đạo Phật thì tất cả đều vô thường vô ngã. Xin dẫn một thí dụ nữa để thấy giáo lý vô ngã là rất khó hiểu, trừu tượng, việc khai mở Tuệ giác này cũng phải "tùy duyên" mới được. Dó là thời Phật còn tại thế, có một đạo sỹ Kỳ na giáo tới hỏi Phật là "có ngã hay không có ngã". Đức Phật đã im lặng.
Khi vị đạo sỹ ấy đi rồi, các đệ tử Phật mới hỏi Ngài tại sao Thế Tôn im lặng. Đức Phật nói rằng, nếu Ta nói có Ngã thì trái với giáo lý ta dạy lâu nay. Nếu ta nói không có Ngã, tuy là đúng với Giáo Pháp. Nhưng lâu nay ông ta tưởng là có Ngã, bây giờ nghe ta nói không có Ngã thì ông ta sẽ sống làm sao đây? Vì thế ta im lặng. Cái im lặng ấy của Phật là một thứ im lặng mà trong Kinh Duy ma Cật gọi là thứ "im lặng sấm sét", một thứ im lặng hùng hồn và vang dội, không khác với tiếng gầm của sư tử: "Pháp mà còn phải buông bỏ huống hồ những gì không phải pháp". Ấy là tinh thần phá chấp của đạo Phật: "Không được phụng thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hoặc một lý thuyết nào dù đó là chủ nghĩa hay lý thuyết Phật giáo". Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không phải là những chân lý tuyệt đối để bảo vệ và phụng thờ. Giáo lý mà được nhận thức thành chủ thuyết thì không còn là giáo lý nữa"
Thực ra, giáo lý vô thường vô ngã của đạo Phật đã... đi trước khoa học rất xa, là bởi bây giờ qua những khám phá của khoa học đã đi tới kết luận vô thường vô ngã "là một sự thật". Bởi xét cho cùng, tiến trình phân rã của muôn sự muôn vật đã bắt đầu ngay vào thời điểm sự vật ấy được tạo thành từ nguyên nhân của nó. Đây là ý nghĩa tinh tế của giáo lý vô thường vô ngã rằng: Bất kỳ điều gì được tạo ra bởi các nguyên nhân đều là "y tha khởi", trong ý nghĩa là nó phụ thuộc các nhân duyên và do đó phải chịu sự thay đổi và phân rã. Ấy cũng là sự giải thích của các nhà vật lý học về tự nhiên, về tính chất ngắn ngủi không trường tồn của mọi hiện tượng.
Thế nên cốt tủy của đạo Phật là sự chấm dứt bản ngã - nguyên nhân của mọi khổ đau, phiền não, chứ không phải là các trải nghiệm tâm linh, các cảm xúc tôn giáo, càng không phải là kiến thức kinh điển - những thứ chỉ củng cố thêm sự vững chắc của cái NGÃ mà thôi.
5. PHẬT PHÁP BẤT LY THẾ GIAN
Đức Phật Thích ca Mâu ni là một đức Phật lịch sử, được cha mẹ sinh ra như bất cứ một con người nào nơi thế gian. Ngài đã lớn lên như một Thái tử, kết hôn và có một con trai. Rồi sau khi quan sát những khổ đau của kiếp người đã chán lìa đời sống thế tục, xuất gia tìm đạo. Và với nỗ lực phi thường, Ngài đã nhập Đại thiền định rồi đạt giác ngộ viên mãn.
Các "thấy" của đức Phật sau thành đạo là cái thấy của TUỆ GIÁC chứ không còn là cái thấy của phàm nhân nữa. Ngài thấy muôn pháp vô thường, vô ngã, thấy mỗi chúng sinh đều có Phật tính như Ngài. Con đường tâm linh của đạo Phật được bắt nguồn từ cái "thấy" tuệ giác ấy. Và cuộc cáh mạng tâm linh của đạo Phật được soi sáng từ giáo lý VÔ NGÃ. Nó không có thần thánh, không có một khái niệm nào về một vị Thánh bên ngoài. Vì thế chữ "Thánh" trong Phật giáo không mang tính siêu hình hay siêu thế nhưng vẫn được tôn sùng, kính ngưỡng vì đạo Phật là đạo trí tuệ luôn đề cáo sự nỗ lực và ý chí của con người gọi là TINH TẤN - Một trong những thiện Pháp quyết định thành tựu đạo của Bồ đề. Thế nên cuộc cách mạng tâm linh của đạo Phật gắn liền với sự TỈNH THỨC nơi mỗi con người, chứ không liên quan tới một thứ gì bên ngoài. Các tư tưởng tín tưởng, các truyền thống và các tôn giáo trước đó luôn bảo thủ đề cao cái NGÃ là nhằm trói buộc tư tưởng con người, đe dọa bằngg lửa địa ngục và lừa dối hứa hẹn một thiên đường hư ảo nhằm duy trì sự bóc lột và cai trị của họ mà thôi.
Và cũng từ nội hàm của giáo lý vô thường, vô ngã, nghiệp, nhân quả, luân hồi... tuệ giác Như Lai đã hình thành tuệ giác Duyên Khởi, cũng gọi là GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI hay "giáo lý về 12 nhân duyên". Dưới ánh sáng của chân lý Duyên Khởi hay cũng gọi là sự thật duyên khởi của đức Phật chính là gươm bán TRÍ TUỆ chém đứt giặc VÔ MINH. Bởi từ giáo lý Duyên Khởi, con người chúng ta đã tìm ra câu trả lời cho "MỘT CÂU HỎI LỚN" đã có từ muôn kiếp: Con người, ngươi là ai... Lời Phật dạy theo Duyên Khởi, thì sự hiện hữu của con người xuất phát từ "vô minh". Vô minh sinh ra vọng động (hành) và vọng tâm đối cảnh sinh ra vọng thức. Vong tâm và vọng thức cả hai đều thuộc về Nghiệp:
SỰ VẬN HÀNH CỦA GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI
1. do vô minh sinh có hành sinh 2. do duyên hành nên thức sinh 3. do duyên thức sinh nên danh sắc sinh 4. do duyên danh sắc nên lục nhập sinh 5. do duyên lục nhập nên xúc sinh 6. do duyên xúc sinh nên thọ sinh 7. do duyên thọ sinh nên ái sinh 8. do duyên ái sinh nên thủ sinh 9. do duyên thủ sinh nên hữu sinh 10. do duyên hữu sinh nên sinh sinh 11. do duyên sinh sinh nên lão tử sinh 12. do duyên lão tử sinh nên sầu, bi, khổ sinh
Như vậy là sự sinh khởi của toàn bộ khổ uẩn này gọi là Duyên Khởi. Cái này có thì cái kia có. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt... là chỉ cho quan hệ hỗ tương đồng thời.
Tuệ giác Duyên Khởi được hình thành như là sự "đồng hiện" về thời gian với các giáo lý căn bản khác, là "bất khả tư nghị". Đây là một giáo lý quan trọng bậc nhất mà cả hai bộ phái Đại thừa và Tiểu thừa đều y cứ tu tập, bởi Duyên Khởi là sự thật mở ra đạo Phật, là suối nguồn của các giáo lý Phật giáo. Nói rộng hơn: Duyên Khởi - nhân quả, ngũ uẩn, tứ đế thực chất chỉ là một bởi nó dược trình bày theo VẬN HÀNH NHÂN QUẢ. "Nó là 12 nhân duyên của đời người” nên cũng gọi là “Toàn bộ khổ uẩn sinh" (Tương ứng bộ. Kinh II trong 1 và 2) Và cũng từ góc độ Duyên Khởi, đức Phật đã xem xét thế giới một cách khách quan như thật: Một mặt đề cao con người là “tối thắng” (trên hết), một mặt phủ nhận sự tồn tại của một đấng Chúa tể tối cao của vũ trụ có quyền sinh sát và... tồn tại vĩnh hằng (Thần ngã) nhưng lại thừa nhận sự hiện hữu của các quỷ thần ở "Bên ngoài cõi Người" và cho rằng: Quỷ thần cũng là dạng chúng sinh như con người, cũng là loài hữu tình (có tình thức) và quỷ thần cũng không hề có quyền uy lấn át đến sự sống con người, cũng phải trôi lặn trong "lục đạo luân hồi" như con người. Hơn thế, chúng sinh ở trên cõi trời cũng vậy: "Trên trời tận số, thì xuống nhân gian" (Kinh dược sư). Tuệ giác vô ngã cho ta thấy điều này: Muôn pháp là vô ngã... Rồi nhiều vấn đề được Phật. "khai thị" được ghi trong các bộ kinh, đến nay chúng ta không sao lý giải hết được, như việc đức Phật nói tới các cõi trời, với các cương vực (ranh giới) rõ ràng như trời Tứ thiên vương, trời Đạo Lợi. Rồi Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh đức Phật giảng cho chúng sinh loài trời và còn nhiều các loại Kinh VÔ TỰ cũng gọi là KINH CHÂN THẬT Phật chỉ dành cho loài Trời, vì với loài người, do căn cơ "chậm lụt" (kém thông minh) nên Ngài "Khai pháp phương tiện" vì Pháp này con người mới tiếp thu được và thực tập được. Như vật, đạo Phật có hai loại Kinh: Kinh vô tự chân thật và Kinh phương tiện.
Thế nên ngoài ý nghĩa Tôn giáo, Duyên Khởi còn có một ý nghĩa triết học vì nó khẳng định lại thế giới này về phương diện thời gian, nó được dệt bằng vô số quan hệ hỗ tương, về bất kì một hiện tượng gì xuất hiện trong thế giới này đều có nguyên nhân của nó. Sự có mặt của mỗi hiện tượng đều nói lên sự chằng chịt của các điều kiện (Phật giáo gọi là Duyên). Có những mối quan hệ có thể nhận thức được bằng giác quan bình thường, có những quan hệ phải suy luận logic mới biết... Nhưng cũng có mối quan hệ rất vi tế rất khó nhận ra, nhưng tác động của nó lại không hề nhỏ mà các nhà khoa học đã đặt tên cho nó là NGUYÊN TỬ. Đức Phật đã "thấy" nó từ hơn 25 thế kỷ trước: "... tụ hay tán đều phụ thuộc vào nhân duyên". Sẽ không có một vật chất nào tồn tại độc lập mà không kết hợp với điều kiện khác, bởi "vật chất" từ thực tế chẳng khác làn sóng điện trong không gian, mà bản chất các làn sóng ấy cũng không có thực thể riêng biệt mà là sự kết thành của muôn hạt tử, rồi bản thân mỗi hạt tử cũng phụ thuộc vào cái nhân duyên khác, gọi là các quan hệ hỗ tương nhân quả dị thời và nó cũng “không phải Thượng đế sinh ra, vì “hữu tình này không phải tự tạo, cũng chẳng do ai tạo mà do nhân duyên sinh”, và rốt cuộc thì không thể tìm được một hiện hữu nào để gọi là "sự sống đầu tiên hay cái chết cuối cùng", nó là trùng trùng duyên khởi như một vòng tròn, không biết đâu là đầu, đâu là cuối. Sự tương quan tương duyên ấy, Phật giáo gọi là "vô thủy vô chung". Qua đó để thấy không có một truyền thống triết lý nào hay tôn giáo nào lại nhấn mạnh đến sự tương quan, tương duyên giữa mọi sự vật như đạo Phật.
Khái niệm này xét cho cùng là một nền tảng sinh thái học thật sự. Không những thế, giáo lý Duyên Khởi đã có cái nhìn luôn mới mẻ về nhiều mặt, như: Lịch sử, văn bản, ngôn ngữ, tư tưởng... Từ đó, ý nghĩa Phật giáo - con đường nghiên cứu Phật học ngày nay phát triển rất mạnh trên thế giới, Phật giáo được nghiên cứu như là một KHOA HỌC PHẬT HỌC.
Phật pháp là một học lý cao siêu mầu nhiệm nhưng luôn thực tiễn. Các nhà Tôn giáo học đánh giá đạo Phật là Tôn giáo hoàn toàn. Rồi khi nhân loại có những bước tiến vượt trội về khoa học thì người ta lại nhận ra, đạo Phật sao mà khoa học thế... Chả vậy mà trong 10 danh hiệu Phật được tôn xưng, gọi là Thập hiệu Như Lai, ngoài danh hiệu là thầy của trời và người (Thiên nhân sư) còn có một danh hiệu "Thế gian giải" nghĩa là Ngài hiểu biết thế gian hơn ai hết. Thế nên, ngay từ thuở sơ khai, khi đức Phật "lập giáo, khai tông" cho tới bây giờ, qua 2610 năm (Phật lịch tính từ Phật niết bàn, năm 2022 - Phật lịch: 2565 + 45 = 2610 năm thuyết pháp) đạo Phật luôn là "đạo lý sống". Và cũng do tinh thần dân chủ và bình đẳng mà đạo Phật chủ trương nên mọi hoạt động "Phật sự" không cho phép có một tổ chức chặt chẽ - Kể cả trong tăng đoàn thời Phật tại thế. Điều này khác hẳn với các tôn giáo khác, bởi đạo Phật cho rằng: Hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững; còn tổ chức của Giáo Hội có chặt chẽ hay lỏng lẽo cũng không thành vấn đề.
Với chiều dài lịch sử 2610 năm Phật Pháp được hoằng truyền nơi thế gian đã thể hiện một giáo pháp "bất ly thế gian" cho dù đạo Phật không chủ trương "cứu rỗi” ai cả mà chân thật nói rõ giáo lý Duyên Khởi, những định luật mang tính tất yếu được đánh giá là Cuộc cách mạng tâm linh. Cũng từ Duyên Khởi, con người thấy rõ được CỘI NGUỒN của mình và trách nhiệm của mình đang có mặt nơi thế gian huy hoàng này.
Đức Phật của chúng ta đã vào niết bàn tính đến năm nay 2022 là 2565 năm rồi, nhưng Kim ngôn của Ngài đã giải đáp cho chúng ta "Một câu hỏi lớn" và Ngài cũng cặn kẽ dạy rằng: "Các người hãy làm việc của các người. Như Lai chỉ dạy con đường", nghĩa là đức Phật không “can thiệp” vào nghiệp quả của mỗi chúng sinh được. Chân thật biết bao.
Các vị La Hán chùa Tây Phương Tôi đến thăm về lòng vấn vương -Huy Cận-
Thi sỹ còn vấn vương điều gì vậy? Dạ hẳn nhiên rồi. Các vị La Hán chùa Tây Phương sao “Cho tới bây giờ mặt vẫn chau”. Các Ngài vẫn còn "mặt cúi mặt nghiêm mặt ngoảnh sau" với những gương mặt "mày nhíu sệch" "trán như nổi sóng biển luân hồi/Môi cong chua chát tâm hồn héo/Gân vặn bàn tay mạch máu sôi".
Phải chăng các vị La Hán đang thấy cuộc sống của chúng ta "Như nó đang là" để rồi đặt ra MỘT CÂU HỎI MỚI cho nhân loại hôm nay rằng: Vì sao những nỗi khổ đau của con người vẫn đang còn là ẩn số?
Tác giả: Pháp Vương Tử
Bình luận (0)