Trang chủ Chuyên đề Mô hình thi xã Phật giáo trên báo chí trong phong trào chấn hưng đầu thế kỷ XX

Mô hình thi xã Phật giáo trên báo chí trong phong trào chấn hưng đầu thế kỷ XX

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

ThS. Lê Tùng Lâm
Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt
Báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX ở Việt Nam đã hoạt động khá sôi nổi và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bài viết đặt mục tiêu khảo sát mục Văn uyển trên Từ bi âm, Pháp uyển trên Duy tâm Phật học, và Thi lâm trên Viên âm với tư cách là những thi xã có độ mở khá lớn. Chúng có tác dụng cố kết cộng đồng Phật tử gồm những trí thức còn chịu nhiều ảnh hưởng của cái học chữ Hán. Những áng văn thơ mang hình thức cổ điển đã thể hiện sự đóng góp tích cực của họ trong quá trình hoằng dương Phật pháp. Đây là một kinh nghiệm quý báu, cần được tiếp tục học hỏi, phát huy trong quá trình phát triển và hội nhập cùng đất nước của Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: thi xã, báo chí Phật giáo, phong trào chấn hưng, trí thức.

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX được khởi đầu tại Nam kỳ, và dần dần lan tỏa trong phạm vi toàn quốc. Các tạp chí Phật giáo lần lượt ra đời, đóng góp tích cực cho công cuộc hoằng pháp. Nhiều chuyên mục riêng biệt đã được thiết kế nhằm phục vụ các đối tượng độc giả vô cùng đa dạng và phức tạp. Ví dụ mục Cuộc xổ số Đông Pháp xuất hiện lần đầu trên tạp chí Từ bi âm số 103 (1-4-1936) là để đáp ứng nhu cầu của những độc giả sống ở vùng thôn quê nhưng không biết số nào trúng thưởng để đi lĩnh tiền. Tuy nhiên, chuyên mục này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản bác khiến Tòa soạn phải lên tiếng khẳng định đây là “một sự giúp ích phần đông người, chớ không có chi là trái với mục đích lợi tha của Phật”1. Tham luận của chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu thi xã trên tạp chí Phật giáo (qua trường hợp mục Văn uyển trên Từ bi âm, Pháp uyển trên Duy tâm Phật học, Thi lâm trên Viên âm2) với tư cách là sân chơi dành riêng cho giới trí thức cựu học.

I. THI XÃ TRÊN TẠP CHÍ PHẬT GIÁO: SÂN CHƠI DÙNG THI CA ĐỂ HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP

Trong truyền thống văn hóa Đông Á, thơ có một giá trị đặc biệt. Khổng tử dạy: 不學詩,無以言;不學禮,無以立 “Bất học Thi vô dĩ ngôn, bất học Lễ vô dĩ lập” (Không học Kinh Thi thì không biết nói gì, không học Kinh Lễ thì không biết phải lập thân như thế nào). Ngoài việc di dưỡng tính tình, thơ còn có nhiều công dụng khác: “dùng ở triều đình, dâng ở Giao miếu, đặt việc bang giao, hình dung phong tục, mô tả núi sông”3. Theo Hán ngữ đại từ điển, “thi xã là hội nhóm do các nhà thơ định kỳ tụ tập làm thơ ngâm vịnh mà thành”. Thi xã đã xuất hiện không ít trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam: thi xã Bích Động do Trần Quang Triều tổ chức, hội Tao Đàn nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông, Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tứ làm Tao đàn nguyên soái, Mạc Vân thi xã hay còn gọi Tùng Vân thi xã do Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh và Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm nhà Nguyễn sáng lập, v.v… Đây là nơi để các bậc văn nhân tài tử rèn luyện kỹ xảo văn chương, bộc lộ nỗi lòng, kết bạn bốn phương.

Trên ba tạp chí Từ bi âm, Duy tâm Phật học, Viên âm, thơ văn không chỉ xuất hiện trong các chuyên mục Văn uyển, Pháp uyển, Thi lâm, nhưng điều đó lại càng xác nhận dụng ý của Tòa soạn nhằm tạo ra một sân chơi chuyên biệt dành cho giới trí thức cựu học. Các bài thơ xuất hiện ở đây đều thuộc thể thơ truyền thống: chiếm vị thế áp đảo là thể thất ngôn bát cú, sau đó là thất ngôn tứ tuyệt, lục bát và cuối cùng là song thất lục bát. Lúc bấy giờ, thơ mới đã chiếm vị thế áp đảo trên văn đàn nhưng thơ cũ “không hề cởi giáp lai hàng. Nó lui về các thi xã, ẩn mình trong những thi tập chỉ trao tay trong năm bảy anh em mà lưu truyền về sau cho con cháu”4.

Tên gọi của thi xã trên ba tạp chí này tuy khác nhau, song đều có hàm ý dùng thơ ca để truyền bá giáo pháp: “Về mục thi lâm bất luận thể thức thi, ca, từ, điệu thế nào, hễ hiệp với Phật lý mà có đạo vị thời Viên âm xin đăng cả”5. Trên Từ bi âm, mục Văn uyển xuất hiện 80 lần, lần đầu xuất hiện là số 2 (15-1-1932), lần cuối cùng là số 172 (tháng 4/1940)6. Mục Pháp uyển xuất hiện trên Duy tâm Phật học 7 lần, lần đầu là số 1 (tháng 10/1935) và lần cuối cùng là số 20 (1-5-1937). Trong Viên âm, Thi lâm xuất hiện 26 lần. Lần đầu tiên là số 1 (1-12-1933) và lần cuối cùng là số 55 – 56 (tháng 12/1942 – tháng 1/1943). Sau đó, Thi lâm được thay thế bằng mục Thơ trên số 79 (8/4/ Phật lịch 2512) với một phong cách thơ hoàn toàn khác.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mo hinh thi xa Phat giao 2

Thi xã xuất hiện trên báo chí nên có độ mở nhất định, đã phần nào vượt qua những hạn chế về không – thời gian của một thi xã truyền thống để tạo nên tiếng vang khá lớn. Thi đàn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới trí thức Phật giáo, bao gồm cả hai giới tại gia và xuất gia: giới xuất gia có các tác giả Bích Liên, Liên Tôn, Lê Phước Chí, Thích Phúc Hậu, Thích Mật Thể, v.v… giới tại gia có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Ưng Bình Thúc Giạ thị, Nguyễn Khoa Tân, Bình Tháp, Giản Trai, Minh Tịnh, Tự Giác, v.v… Giới nữ lưu cũng tham gia tích cực: Diệu Không nữ sĩ, nữ cư sĩ Đạm Phương, Nguyệt Nhàn, Thích Nữ Diệu Tịnh, Thích Nữ Diệu Hoa, tín nữ Diệu Quang, Tâm Cảnh, Tâm Đăng,… Hoạt động xướng họa diễn ra rất thường xuyên. Người được họa thơ nhiều nhất chính là nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ thị. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 – 1961), xuất thân trong hoàng tộc nhà Nguyễn, đã từng làm quan trong triều đình, là một danh sĩ đương thời. Bài Khuyên học Phật của ông đăng trên Viên âm số 5 được 5 tác giả Bình Nam, Châu Khuê, Nguyễn Hiệt, Lệ Khanh, Cổ Mai họa lại trên Viên âm số 6; đến số 9 lại được C.Q.T và Mộng Nhi tiếp tục họa lại. Trên Viên âm số 17, bài Đọc báo Viên âm của Ưng Bình Thúc Giạ thị lại được 11 tác giả: Bình Nam, Quật Đình, Nại Viễn, Châu Khuê, Lệ Khanh, Hồ Triệu Khanh, Hòe Đình, Hoài Sơn thị Phụng, Đậu Khanh, Khuỳnh Hiên, Tâm Minh Lê Đình Thám họa lại; trên số báo 21 tiếp tục được Diệu Không họa lại 4 bài. Ngoài ra, Lê Mai Đính còn viết bài thơ họa lại 1 tác phẩm không rõ tên của cụ Ưng Bình trên Viên âm số 34.

II. NỘI DUNG CỦA THI XÃ PHẬT GIÁO

2.1. Khuyên nhau tu hành

Đối với người Phật tử, Phật Thích Ca là đấng Từ phụ của chúng sinh. Người đã rời bỏ hết thảy mọi phúc lạc của thế gian để chỉ đường cho chúng ta thoát khỏi trần lao. Vậy nên đã là Phật tử thì phải nhớ ơn người:

“Dám nhờ ơn Phật phá vô minh,
Ba cõi từ đây khỏi buộc mình”7.

“Nghĩ ơn Phật sánh hơn trời bể;
Vì thương đời khôn kể giàu sang,
Con xinh vợ đẹp đâu màng,
Vào rừng khổ hạnh trăm đàng khó khăn”8.

Nhớ ơn người thì càng phải quyết tâm tu hành theo giáo pháp của Như Lai. Tu hành là gì? Tu là sửa: “Nghĩa chữ tu là sửa soạn, trau đồi cho hơn khi trước. Vậy bất luận việc gì, giống gì, hể có sửa doạn trau dồi cho tốt hơn khi trước thì đều gọi là tu cả”9. Tu hành là một quá trình sửa đổi thân tâm, hàng phục các kết sử, diệt trừ phiền não để trở lại với bản tâm thanh tịnh của mình. Cái bản tâm ấy ai ai cũng có, chỉ do lăn trôi trong vòng sinh tử nên mới bị khổ đau che lấp. Vậy nên người người đều có thể thành Phật. Trên tạp chí Viên âm số 25, bốn thi sĩ K, Th, Ng, H đã cùng nhau xướng họa về chủ đề Trăng. Trăng là hình ảnh ẩn dụ của bản tâm sáng trong, thường hằng, tịch tịnh. Ánh trăng dịu mát soi sáng vằng vặc khắp mọi nơi chẳng hề phân biệt tây đông, tùy duyên mà hiển hiện:

“Trăng sáng soi cùng cõi thái không,
Soi mà vẫn lặng, thể dung thông.
Tánh linh vốn sẵn tùy duyên chiếu,
Đâu có riêng gì tây với đông”10.

Đức Phật và chúng sinh vốn hoàn toàn không sai biệt, điều khác biệt là vọng niệm có dấy động hay không. Nhưng bất kể thế nào, vầng trăng vẫn còn đó, không hề tổn hại mảy may:

“Nước giữa giòng sâu, trăng giữa không,
Nước ngâm trong vắt bóng trăng lồng.
Nước dù như động trăng không động,
Nước lặng thời trăng mới khá trông”11.

Việc tu hành trong đạo Phật có rất nhiều pháp môn song trước tiên là phải thọ trì Tam quy, Ngũ giới. Tam quy là đem tất thảy thân mệnh nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng, nguyện trọn đời tinh cần làm theo lời Phật dạy. Ngũ giới có tác dụng “phòng phi chỉ ác”, ngăn ngừa không gây ra những nghiệp bất thiện, là bước khởi đầu trên hành trình giải thoát:

“Học đạo Phật phải theo lời Phật,
Người tu hành giới, luật khá ghi.
Lòng ta cốt có chủ trì,
Ngoài ra trăm việc, việc gì chả nên.
Kìa giới cấm khá bền lòng giữ,
Phật chế ra phòng ngự vọng, tà”12.

Với thể thơ song thất lục bát, cây bút Cổ Mai đã giảng giải khá tường minh về Ngũ giới. Đứng đầu là giới sát, biết trân trọng sự sống của tất cả chúng sinh, trước tiên là không được xâm hại tới mạng sống của người khác. Tuy vậy, giết người là tội nặng, trên thực tế không mấy người phạm phải. Trong cuộc sống hàng ngày, người Phật tử nên dẹp bỏ tà kiến chấp ngã, coi mình và chúng sinh không có gì sai biệt. Đó chính là tinh thần bình đẳng của Phật giáo:

“Giới thứ nhất sát sanh phải tránh,
Vật cùng người tánh mệnh như nhau;
Há tham ngon béo tốt màu,
Hại càn súc vật dễ hầu chẳng thương.
Nghe lời Phật trăm đường nhân đức,
Phải tuân theo mới dứt oan gia;
Hại người, người trở hại ta,
Trả vay, vay trả lại qua hoài hoài”13.

Người Phật tử nên ăn chay, thực hành phóng sinh để tăng trưởng từ tâm, gửi tình thương cho tất cả chúng sinh. Cổ nhân có dạy:

千百年來碗裡羹,
怨深似海恨難平,
欲知世上刀兵劫,
試聽屠門夜半聲。
“Thiên bách niên lai oản lý canh,
Oán thâm tự hải hận nan bình.
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thí thính đồ môn dạ bán thanh.”
(Trong bát canh từ trăm nghìn năm nay,
Oán hận sâu như biển khó có thể tiêu tan.
Nếu muốn biết kiếp nạn đao bình trên thế gian,
Thử lắng nghe tiếng động trong lò mổ ở giữa đêm).

Chúng ta là chủ nhân của nghiệp và cũng chính là kẻ thừa tự của nghiệp. Việc làm lành lánh dữ sẽ đem lại phúc lạc cho bản thân và tất cả thế gian:

“Mình trước đã theo lời giới sát,
Dạy người đều bắt chước theo mình;
Trong đời đều chẳng sát sanh,
Rồi ra thấy tượng thái bình có khi”.14

Lần lượt bốn giới cấm sau cũng đều được giảng giải kỹ càng. Nhìn chung giữ được năm giới này thì về mặt tôn giáo là người Phật tử thuần thành, về mặt xã hội là công dân gương mẫu; là tấm gương để người khác noi theo. Muốn hóa độ quần sinh, trước tiên phải bắt đầu từ những người thân thiết nhất. Chúng ta thử đọc bài hát xẩm Vợ khuyên chồng đi tu trên Viên âm số 19: “Chàng đi nghe thiếp lời này, muốn ăn quả phước phải trồng cây Bồ đề. Cây Bồ đề có không không có, chàng thử xem gốc nó từ đâu. Thiếp xem kinh Phật bấy lâu, phải chăng là gốc phép mầu của đức Thích Ca”.15 Tuy vậy việc tu hành thật sự không dễ dàng. Thân người là khó được, nếu đã được biết đến chánh pháp thì phải dốc lòng tu trì, không nên chậm trễ dù chỉ một phút một giây, kẻo ngày sau hối hận:

“Lầm theo nết dại khi xanh tóc,
Vạch thấy đường khôn lúc bạc đầu;
Hờn chút nhân duyên sao muộn thế,
Năm mươi hai tuổi mới là tu”16.

Nhìn chung đã là người Phật tử chân chính thì họ luôn coi nhau như anh em ruột thịt. Khi hay tin Ni Huệ Tâm tự trầm mình dưới biển mà không rõ lý do, trên Duy tâm Phật học và Từ bi âm đã có nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn:

“Nghĩ kiếp phù sanh chẳng mấy hồi!
Xót thương thân bạn dạ ngậm ngùi!
Chín năm tâm sự vừng trăng tỏ,
Một khắc thời gian ngọn nước xui”.17

Thơ là tiếng lòng của thi nhân. Là nơi sinh hoạt của giới trí thức chịu ảnh hưởng cựu học thuộc đủ mọi thành phần xã hội, nên sắc thái trên ba thi xã Phật giáo này cũng rất đa dạng: có vui, có buồn, có cảm thán quan hoài,… nhưng nhìn chung đều hướng về mục tiêu tu hành tự giác giác tha. Nội dung Phật học được lồng ghép khá khéo léo trong nhiều thể loại như thơ tự thuật, thơ vịnh cảnh, thơ chúc tụng, thơ tống biệt. Đầu xuân Đinh Sửu (1937), nếu Từ bi âm đăng bài thơ Xuân hoài với niềm vui phơi phới hòa chung với nhịp sống của đất trời:

“Cửa trời vừa hé màu Xuân,
Oanh ca loan múa vang rần bên tai;


Gió Xuân vừa thổi lài rài,
Lòng Xuân sớm gợi một vài điệu ngâm;
Khuyên ai hảy khá phát tâm,
Kíp đem thiện quả mà giâm phước điền;
Cùng nhau kết mối nhơn duyên”18.

Thì Tỳ-kheo Huệ Pháp trên Duy tâm Phật học lại mượn hình ảnh chú trâu để ca ngợi cuộc sống an lạc thong dong đầy đạo vị:

“Năm nay năm Sửu: tuổi con trâu,
Bỏ luống không cày, khoảnh ruộng dâu;
Đói sẵn cỏ non vườn Xá Vệ,
Khát dùng nước mát suối Tào Hầu;
Nắng nương dưới bóng Đa La thọ,
Mưa tạm ngoài hiên Quảng Bác lầu.
Khỏi nhọc công phu người chận đón;
Tháng ngày thong thả chẳng lo âu”.19

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mo hinh thi xa Phat giao 3

2.2. Truyền bá pháp môn Tịnh độ

Để phù hợp với căn cơ của chúng sinh, pháp môn tu hành trong Phật giáo khá phong phú, tuy nhiên cả ba thi xã Phật giáo này đều nhất trí tập trung xiển dương pháp môn Tịnh độ. Hòa thượng Liên Tôn khen ngợi hết lời: “Nếu biết lo sự sanh tử mà đi tu, thì phải tìm lấy pháp môn mà nhập đạo, nhưng trong pháp môn nhập đạo rất dễ dàng, rất thẳng tắp, tu trong một đời người mà vào nơi bất thối, niệm chỉ mười tiếng Phật mà chứng bậc vô sanh, thì tưởng không có pháp môn nào cho bằng pháp môn Tịnh độ”.20 Đây là một phép tu sự lý viên dung, bao gồm cả tự lực và tha lực. Tự lực là sự thành tín của hành giả, tha lực là sự hộ trì của chư Phật, Bồ-tát; giúp việc tu hành trở nên thuận lợi. Người hành giả phải chuyên tâm niệm danh hiệu Phật Di Đà để cầu sinh về nơi Tịnh độ.

Việc truyền bá giáo pháp bằng thơ ca như vậy cũng có thể coi là một biện pháp đối trị với những lời phàn nàn rằng bài vở trên các tạp chí quá cao siêu khó hiểu.21 Thể thơ lục bát và song thất lục bát với đặc trưng không bị hạn chế về dung lượng, dễ nhớ dễ thuộc đã được sử dụng rất thành công để mô tả thật chi tiết, giới thiệu phép tu Tịnh độ với đông đảo độc giả. Người đời thường mải mê theo đuổi lạc thú trần gian mà quên mất thân mình là bất tịnh nên phải rơi vào vòng sinh tử luân hồi:

“Cả tâm can phế thận tì,
Tóc lông răng móng vật gì chẳng dơ,
Mũi ghèn cứt đái nhớp chưa,
Gẫm ra cho kỹ đã thừa xấu xa”22.

Nếu muốn thoát khỏi nỗi khổ này thì phải chuyên tu Tịnh độ, pháp môn này diệu dụng khôn lường:

“Sự đời chớ đắm đừng say,
Một câu niệm Phật việc gì cũng an.
Niệm Phật tội nghiệp tiêu tan,
Muôn tai ngàn họa khỏi mang vào mình,
Niệm Phật mở trí thông minh,
Bao nhiêu hôn chướng chẳng sinh vào lòng,
Niệm Phật cứu đặng tổ tông,
Khỏi nơi biển khổ, thoát dòng sông mê…”.23

Vậy nghi thức tu trì như thế nào? Hòa thượng Huệ Đăng hướng dẫn rất tỉ mỉ:

“Trong nhà thiết lập một bàn,
Đến thời tu niệm sửa sang chỉnh tề.
Mặc áo tràng, uy nghi không thiếu,
Thắp nhang rồi, xưng hiệu lạy ngay.
Lạy rồi quỳ gối chắp tay,
Tự trần tên họ sám bài nguyện ra”.24

Nếu tu tập tinh cần thì hành giả sẽ được chư Phật, Bồ-tát tiếp dẫn về Tây phương cực lạc:

“Phật như thể mẹ tìm con,
Con mà gặp mẹ lại còn lo chi;
Nghinh ngang đài tọa thiếu gì,
Ăn thì cơm ngọc mặc thì áo châu;
Không ơn, không oán, không sầu,
Không già, không chết, có đâu luân hồi”.25

Hoạt động hoằng pháp này đã đem lại lợi ích không nhỏ cho các độc giả; Võ Văn Biểu làm ba bài thơ Cảm tạ ơn Hòa thượng Bích Liên khai thị pháp môn Tịnh độ trên Từ bi âm số 103:

“Mấy năm tu niệm lờ mờ
Gặp người chỉ điểm một giờ hiểu thông”26.

2.3. Cố gắng bám sát những hoạt động trong phong trào chấn hưng Phật giáo

Do được tổ chức trên báo nên thi xã Phật giáo cũng bước đầu có được 1 đặc tính cơ bản của báo chí: tính thời sự. Ba thi xã này về cơ bản đã cố gắng bám sát các hoạt động trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Phong trào này đã tạo ra rất nhiều ảnh hưởng tích cực. Nhiều tổ chức Phật giáo được lập ra để quy tụ, cố kết cộng đồng Phật tử; tập trung được nguồn lực để tiến hành nhiều hoạt động bổ ích như: mở hội nghiên cứu, dịch kinh sách, xuất bản kinh điển và báo chí, tổ chức thuyết giảng, thiết lập các chi hội địa phương, Gia đình Phật tử Việt Nam, Đoàn Thanh niên Phật học đức dục, ban Đồng ấu, v.v… nhằm chấn chỉnh đường lối tu tập và thực hành tôn giáo tín ngưỡng, lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp trong phạm vi toàn xã hội:

“Phiền não xé banh màn hắc chướng,
Quang minh soi bể cuộc hồng trần;
Bụi lòng rửa sạch năm ba lớp,
Gương tánh tròn thêm sáu bảy phần”.27

“Trời Nam vận mới nay vừa mở,
Đất Việt đường ngay đã dãi dầu.
Đạo lớn mở mang cùng pháp giới,
Tiếng vang nương dựa trước văn lâu”.28

Có rất nhiều bài thơ chúc tụng xuất hiện trong thi xã, tuy nhiên chúng ta không nên vội vã quy giản hóa chúng thành những lời khuôn sáo chỉ mang tính xã giao. Công bằng mà nói, sự tồn tại của các tạp chí Phật giáo không hề dễ dàng vì nhiều nguyên nhân. Một trong những vấn đề khó giải quyết nhất là sự eo hẹp về tài chính. Những lời chúc tụng này có giá trị rất tích cực khi đóng vai trò là điểm tựa tinh thần cho cả Tòa soạn và độc giả vượt qua những khó khăn muôn vẻ trong cuộc sống hàng ngày. Các tạp chí ra đời cũng thúc đẩy mạnh việc giao lưu giữa các sơn môn, các hội Phật học và việc giao lưu giữa Phật giáo Việt Nam và thế giới. Hoàng Mai cư sĩ Nguyễn Thượng Cần mạnh dạn đề xuất Phật giáo nước ta phải tham khảo rộng khắp, cử du học sinh đi các nước, học đủ 5 tạng kinh điển rồi đem về truyền bá trong phạm vi toàn quốc: “Gần nay Âu Á thông đồng, văn minh tinh tiến, vô luận học thuật của thế gian, thẩy phải dung hòa cùng vạn quốc, ngay chính một môn giác học của Phật đà ta này, không thể riêng chịu ảnh hưởng của Tàu mà đã lưu thông cùng Hoàn hải được”.29 Trước khi du học Trung Quốc, Hòa thượng Thích Mật Thể đã bày tỏ quyết tâm đầy khí phách:

“Muốn cho rạng vẻ giống Hồng Bàng,
Tham học quê người nhẹ bước sang.
Phật lý xét cùng nơi Bắc Quốc,
Ma quân trấn dẹp chốn Nam hoàng.
Giữa đời ngũ trược tung linh kiếm,
Trong đám quần mê dựng pháp tràng.
Học đạo quyết thề cho được đạo,
Nhơn gian cứu thoát khổ cơ hàn”.30

Trong những bài thơ tống biệt này có một hiện tượng mà chúng tôi không thể không nhắc đến. Khi thầy Chánh Thống đưa thầy Chánh Tín ra Bắc kỳ có 2 bài thơ xướng họa chỉ có phiên âm Hán Việt trên Viên âm số 25, đến Viên âm số 26 hai bài này đã tái xuất Thi lâm với đầy đủ chữ Hán và bản dịch thơ. Điều đó chứng tỏ Tòa soạn đã rất chú ý đến tầm đón nhận của độc giả, vừa để chiều lòng giới trí thức cựu học vừa tạo điều kiện để đông đảo độc giả tiếp cận với nội dung của chuyên mục.

Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, nữ giới là một lực lượng xã hội đầy tiềm năng còn chưa được khai phá. Cuộc thảo luận về vấn đề nữ quyền diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Hòa cùng không khí chung đó, nhiều nhà thơ cũng lên tiếng khẳng định tín tâm cầu đạo và vai trò xã hội của phái nữ, nhằm xóa bỏ định kiến “ở vãi chỉ lo mần công quả và làm dâu chỉ lo giữ gia đình”31. Một trong những gương mặt nổi bật nhất là cây bút Thích Nữ Diệu Tịnh. Những đóng góp của bà trong phong trào chấn hưng đã khiến nhiều người thán phục, truyền cảm hứng tích cực trong cộng đồng Phật tử:

“Hành vi ngôn luận hẳn siêu quần
Vì cớ sao mà hiện nữ thân;
Trăm kiếp rèn nên gươm trí huệ,
Một tay tháo sổ cũi phong trần”.32

Tuy vậy, bên cạnh những dấu hiệu tích cực như trên không phải không có những gam màu tiêu cực. Những biến động dữ dội trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã thúc đẩy Phật giáo tiến hành chấn hưng, và một hệ quả không thể tránh khỏi là nó cũng gây ra những rạn nứt ngay trong nội bộ Phật giáo, khiến Tỳ-kheo-ni Diệu Tịnh phải cất lời than thở:

“Thân sao bạc phước ở nhầm đời!
Trông thấy càng thêm giọt lệ rơi!
Cuộc thế đua tranh đà dậy đất,
Làng tu kình cãi cũng vang trời”33.

Do đó, trên thi đàn cũng xuất hiện nhiều lời kêu gọi nội bộ giáo đoàn nên dẹp bỏ mọi mâu thuẫn nhằm lập ra một tổ chức thống nhất, để tiến hành công cuộc hoằng dương chánh pháp, điều phục thế gian:

“Lời quê xin bạch với Chư sơn,
Liên lạc cùng nhau chớ giận hờn;
Chung mở cửa Thiền ơn cứu giúp,
Quản gì cuộc thế sự thua hơn”34.

2.4. Hoạt động dịch thuật trong mục Văn uyển – Từ bi âm

Nếu như thi xã trên Viên âm ngoài thơ còn có những bài ca điệu hát mang nội dung Phật giáo thì điểm đặc sắc của thi xã trên Từ bi âm là hoạt động dịch thuật Hán văn với sự tham gia nhiệt tình của Hòa thượng Bích Liên. Hòa thượng Bích Liên (1876 – 1950), tên thật là Nguyễn Trọng Khải, là một vị danh tăng đất Bình Định. Ngài là một trí thức cựu học hoàn toàn không biết chữ quốc ngữ nên tất cả các bài viết của ngài trên Từ bi âm đều do học trò là Hòa thượng Liên Tôn chế bản lại từ chữ Nôm35.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Mo hinh thi xa Phat giao 1

Nhìn chung, các tác phẩm trên đều có nội dung ca ngợi đạo Phật, khuyến khích, hướng dẫn tu hành. Khang Hy là vị minh quân triều Thanh nhưng ông vẫn tự nhận mình là người trong cõi Phật, chỉ vì một niệm sai lầm mà lưu lạc vào nhà đế vương; tỏ lòng ngưỡng mộ sự an lạc chốn thiền môn:

“Trẫm là ngôi chúa giữa giang san,
Lo nước lo dân sự bộn bàn.
Trăm năm ba vạn sáu ngàn bữa.
Không kịp thầy tu nữa bữa nhàn”36.

Ngoài pháp môn Tịnh độ, phép tu Thiền tông cũng được giới thiệu qua bản dịch bài Chứng đạo ca của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác. Theo thống kê của cư sĩ Đào Nguyên thì mới có 2 dịch giả Trúc Thiên và Lý Việt Dũng Việt dịch tác phẩm này. Vậy phải chăng Hòa thượng Bích Liên chính là người đầu tiên dịch Chứng đạo ca ở Việt Nam? Tác phẩm được theo thể lục bát, gồm 268 câu, được đăng trên 6 kỳ Văn uyển của Từ bi âm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua ni gioi trong qua trinh phat trien tap chi Tu Bi Am 3 1

Có thể nói, các dịch giả đã mở thêm một cánh cửa để độc giả tiếp cận với những tác phẩm được viết bằng Hán văn cổ. Tuy việc dịch bằng thơ khó có thể đảm bảo việc trung thành với nguyên tác về cả hai phương diện nội dung và hình thức; song bản dịch lại có ưu điểm là dễ đi vào lòng người.

III. KẾT LUẬN

Kinh Dịch có câu: 出其言善則千里之外應 “Xuất kỳ ngôn thiện tắc thiên lý chi ngoại ứng chi” (Mở miệng nói lời thiện thì dẫu ở xa ngoài nghìn dặm cũng có người hưởng ứng). Với tấm lòng nhiệt thành, các thi xã Phật giáo đã tạo nên tiếng vang khá lớn, thu hút được sự thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều thành phần trong xã hội. Đây là sân chơi được thiết kế riêng cho giới trí thức cựu học, cũng có thể coi là một kênh truyền bá Phật pháp khá hữu hiệu. Thi xã có độ mở khá lớn, tuy mang nhiều sắc thái khác nhau song âm hưởng chung vẫn là nhằm mục đích hoằng pháp lợi sinh. Văn chương có phong cách hồn hậu, giản phác chứ không theo đuổi kỹ xảo cầu kỳ, ngôn từ diễm lệ. Các thi sĩ bày tỏ nỗi lòng, kết bạn, động viên nhau cùng tiến bước trên hành trình tự giác giác tha.

Trên đây, chúng tôi đã phác họa vài nét cơ bản về ba thi xã Phật giáo trên tạp chí Từ bi âm, Duy tâm Phật học và Viên âm. Chúng ta có thể thấy dụng tâm của các tạp chí Phật giáo đầu thế kỷ XX trong việc quy tụ, cố kết nhân tâm để tất cả mọi người con Phật đều có thể đóng góp một phần sức lực vào công cuộc chấn hưng. Đây là một kinh nghiệm quý báu, cần được tiếp tục học hỏi, phát huy trong quá trình phát triển và hội nhập cùng đất nước của Phật giáo Việt Nam.

ThS. Lê Tùng Lâm
Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Phổ cáo (1-2-1937), Từ bi âm số 123, tr. 18.
2 Bản Từ bi âm, Duy tâm Phật học, Viên âm chúng tôi sử dụng là bản do Thư viện Huệ Quang sưu tập và ấn hành. Trong quá trình trích dẫn sẽ có nhiều trường hợp không phù hợp với tiêu chuẩn chính tả hiện đại nhưng do tuân thủ nguyên tắc văn bản học nên chúng tôi vẫn giữ nguyên văn.
3 Nguyễn Thanh Tùng (2016), Tuyển tập thi luận Việt Nam thời trung đại (thế kỷ X – XIX), Nxb Đại học Sư phạm, tr. 42.
4 Hoài Thanh, Hoài Chân (2000), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, tr. 27.
5 Viên âm số 1 (1-12-1933), tr. 56.
6 Từ bi âm số 25 tuy có Văn uyển trong Mục lục nhưng nội dung báo thì không có, nên chúng tôi không xếp vào đây.
7 B.P (08/1937), Bài thi đưa thầy Tố Liên về Bắc, Viên âm số 27, tr. 51.
8 P.M (10/1935), Nhớ ơn Phật, Duy tâm Phật học số 1, tr. 52
9 Diệu Không nữ sĩ (11, 12/1935), Tu để làm gì, Viên âm số 18, tr. 16.
10 Th (1,6/1937), Họa, Viên âm số 25, tr. 59.
11 Ng (1,6/1937), Họa, Viên âm số 25, tr.59.
12 Cổ Mai (1-9-1934), Ngũ giới ca, Viên âm số 10, tr.55.
13 Cổ Mai (1-9-1934), Ngũ giới ca, Viên âm số 10, tr.55.
14 Cổ Mai (1-9-1934), Ngũ giới ca, Viên âm số 10, tr.55.
15 Mai Văn Đính (1,2-1936), Vợ khuyên chồng đi tu, Viên âm số 19, tr.53.
16 Cư sĩ Minh Tịnh (1-10-1933), Biết tu đã già, Từ bi âm số 43, tr.48.
17 Thích Nữ Diệu Tịnh (1-12-1935), Khóc bạn Huệ Tâm, Từ bi âm số 96, tr.48.
18 Hùng Vân (1-2-1937), Xuân hoài, Từ bi âm số 123, tr. 51.
19 Huệ Pháp (1-3-1937), Con trâu năm Sửu, Duy tâm Phật học số 18, tr. 353.
20 Liên Tôn (1-9-1932), Tịnh độ tông, Từ bi âm số 17, tr. 4.
21 Viên âm (7-1937), Kính cáo cùng qui vị độc giả Viên âm, Viên âm số 26, tr. 65.
22 Bích Liên (15-1-1933), Bài ca khuyên người tỉnh tâm niệm Phật, Từ bi âm số 26, tr. 51.
23 Bích Liên (15-5-1933), Bài ca khuyên người tỉnh tâm niệm Phật, Từ bi âm số 34, tr. 50.
24 Huệ Đăng (1-5-1934), Khuyên tu Tịnh độ, Viên âm số 5, tr. 43.
25 Bích Liên (15-12-1933), Bài ca đưa người mạng chung trong khi tống táng, Từ bi âm số 48, tr. 48.
26 Võ Văn Biểu (1-4-1936), Cảm tạ ơn Hòa thượng Bích Liên khai thị pháp môn Tịnh độ, Từ bi âm số 103, tr. 48.
27 Từ bi âm (1-1-1935), Đầu năm Tây chúc mừng độc giả, Từ bi âm số 73, tr. 45.
28 Hiệp tá Bình Nam Nguyễn Khoa tướng công (1-2-1934), Mừng Viên âm, Viên âm số 3, tr. 35.
29 Nguyễn Thượng Cần (15-6-1938), Khảo về lược sử Phật hóa nước Anh, Đuốc tuệ số 87, tr. 27.
30 Thích Mật Thể (8-1937), Bài thơ của thầy Mật Thể trước khi qua Tàu, Viên âm số 27, tr. 55.
31 Võ Thị Khánh (1,15-5-1938), Cái quan niệm với chị em ni nữ trong Phật giáo đồ, Từ bi âm số 149, tr. 26.
32 Từ bi âm (1-1-1935), Tặng Diệu Tịnh ni cô, Từ bi âm số 73, tr. 45.
33 Diệu Tịnh (1-10-1937), Cảm tác, Từ bi âm số 139, tr. 44.
34 Bình Tháp cư sĩ (1-3-1936), Khuyên chư sơn liên lạc, Từ bi âm số 102, tr. 44.
35 Thích Đồng Thành (2018), Hòa thượng Liên Tôn và tư tưởng Tịnh độ nhân gian, Phật giáo và văn học Bình Định tập 1, Nxb Khoa học xã hội, tr. 386.
36 Bích Liên (1-4-1932), Diễn bảy bài kệ của vua Khương Hy đời nhà Thanh đề tại chùa Kim Sơn, Từ bi âm số 7, tr. 51.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 – 1938), Nxb Tôn giáo.
Đuốc tuệ (2018), Thư viện Huệ Quang ấn hành.
Duy tâm Phật học (2020), Thư viện Huệ Quang ấn hành.
https://giacngo.vn/ve-tac-pham-chung-dao-ca-cua-thien-su- huyen-giac-post31046.html
Lê Tùng Lâm. Vấn đề nữ quyền trên tạp chí Từ bi âm (1932 – 1945).
Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam số 5 (191), 2020.
Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo Sử luận (toàn tập), Nxb Công ty sách Thời đại & Nxb Văn học.
Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932 – 1951). Đà Nẵng.
Nguyễn Thị Thảo (2014), Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, LATS Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đào Nguyên (02-08-2015), Về tác phẩm Chứng đạo ca của Thiền sư Huyền Giác. (Truy cập ngày 12-8-2021).
Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ – trường hợp Hội Phật giáo (1934 – 1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Huyền Giác thiền sư (1987), Chứng đạo ca (Trúc Thiên giới thiệu), Phật học viện quốc tế xuất bản.
Hoài Thanh, Hoài Chân (2000), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học.
Thích Đồng Thành (2018), Hòa thượng Liên Tôn và tư tưởng Tịnh độ nhân gian, Phật giáo và văn học Bình Định tập 1, Nxb Khoa học xã hội, tr. 386.
Nguyễn Thanh Tùng (2016), Tuyển tập thi luận Việt Nam thời trung đại (thế kỷ X – XIX), Nxb Đại học Sư phạm.
Viên âm (2019), Thư viện Huệ Quang ấn hành.
罗竹风 (1986),汉语大词典,上海辞书出版社。

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường