Trang chủ Mẫu hình người vợ lý tưởng theo quan niệm Phật giáo

Mẫu hình người vợ lý tưởng theo quan niệm Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Liên Vũ
Học viên lớp Thạc sĩ khóa II tại Học viện PGVN tại Huế

Trải qua hơn 2500 năm kể từ khi Phật giáo xuất hiện ở thế gian, biết bao chúng sinh đã nhận thức được mê lầm, thoát khỏi khổ đau nhờ thực hành theo những lời Phật dạy. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thiện duyên tiếp xúc và học tập theo giáo lý Phật đà cho nên đã đưa những sở quan điểm đạo Phật là một tôn giáo xa vời, chỉ hướng tới tư tưởng giải thoát mà xa rời cuộc sống nhân sinh.

Đó chính là quan điểm sai lầm của những người chưa tìm hiểu và nghiên cứu về Phật giáo. Đối với đức Phật, ngoài giảng dạy những giáo lý, phương pháp tu tập để diệt trừ tham ái, lậu hoặc hướng tới an lạc, giải thoát thì đức Phật cũng rất quan tâm đến cuộc sống của con người. Điều đó được thể hiện trong những lời dạy của đức Phật về chính trị, xã hội hay đời sống gia đình. Ngay đến đạo vợ chồng cũng được đức Phật đưa ra những lời dạy rõ ràng về thái độ, phép tắc, cách cư xử để giữ gìn mối quan hệ bền vững, hạnh phúc.

“Hôn nhân là một sự chung hợp trong đó hai người khác giới bình đẳng đồng ý cùng nhau chung sống. Một hôn nhân hạnh phúc lâu dài đòi hỏi sự làm việc tích cực, cam kết để tình yêu được duy trì, cùng nhau chia sẻ lúc vui cũng như lúc buồn” [8, tr. 34]. Quan hệ vợ chồng là kết quả tốt đẹp của một tình yêu lứa đôi, mong muốn được ở bên nhau cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Trong mối quan hệ đó, người ta thường nghĩ ngay đến vai trò của một người vợ, bởi lẽ người vợ là người sắp đặt, chu toàn mọi công việc trong gia đình, lễ phép đối đãi hai bên dòng họ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp chồng phát triển công danh sự nghiệp. Một gia đình hạnh phúc hay xào xáo cũng do sự ảnh hưởng không nhỏ từ người vợ.

Thấy được điều đó, trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, đức Phật đã đưa ra những bổn phận, trách nhiệm rõ ràng dành cho một người vợ đó là a/ thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, b/ khéo tiếp đón bà con, c/ trung thành với chồng, d/ khéo gìn giữ tài sản của chồng, e/ khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. [2, tr. 543]

a. Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình

Được mệnh danh là người giữ lửa trong gia đình, người phụ nữ mang hai sứ mệnh cao cả là làm mẹ và làm vợ. Đối với vai trò là một người mẹ, ngoài việc nuôi dưỡng, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con, người mẹ còn dạy dỗ, giáo dục nhân phẩm đạo đức để định hướng cho con trở thành một người con ngoan, một công dân tốt của xã hội. Bên cạnh vai trò của một người mẹ, người phụ nữ trong gia đình còn giữ vai trò là một người vợ, ngoài việc hoàn thành công việc ngoài xã hội người vợ cũng nên hoàn thành bổn phận của một người vợ trong gia đình, dọn dẹp nhà cửa, nấu những bữa ăn để gia đình cùng nhau quay quần, sắp xếp ổn thỏa mọi công việc, có như vậy, người chồng sẽ thấy được nhà là nơi để về sau một ngày làm việc vất vả. Hãy làm tròn những bổn phận của mình tự nhiên người chồng sẽ tôn trọng và yêu thương mình mà thôi.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Nguoi Vo Theo Quan Niem Phat Giao

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

b. Khéo tiếp đón bà con

Chồng là trụ cột, là bộ mặt của gia đình việc giữ thể diện cho chồng là một việc rất quan trọng. Mỗi khi bà con bên chồng đến phải khéo tiếp đón chu đáo để tạo tiếng thơm cho chồng. Dân gian đã nói “sang nhờ vợ”, việc khéo tiếp đón bà con vừa thể hiện sự tôn trọng đối với chồng và quyến thuộc bên chồng vừa thể hiện tính cách khéo léo, đảm đang của người vợ. Mặt khác, sau khi về nhà chồng, quan hệ với bố mẹ chồng, anh em chồng là một thử thách đối với người vợ. Việc khéo léo cư xử, đón tiếp sẽ làm cho mối quan hệ thân thiết, qua đó cũng không gây khó xử cho chồng, không đưa chồng vào tình huống đứng giữa gia đình và vợ. Hiểu được tâm lý này, đức Phật đã dạy bổn phận của người vợ là tiếp đón bà con, việc này vừa tạo nên quan hệ tốt đẹp với chồng, vừa duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên của gia đình chồng.

c. Trung thành với chồng

Ngoài việc làm tốt bổn phận của mình, người vợ cũng nên trung thành với chồng. Bất kể lý do nào đi nữa, việc phản bội chồng đều không đúng về mặt luân lý đạo đức cho đến quy định của pháp luật. Nếu trong trường hợp người chồng bài bạc, rượu chè, bỏ bê không quan tâm, không thấu hiểu thì người vợ nên tìm cách giải quyết rõ ràng, không nên vì một lý do nào đó mà phản bội chồng vì điều đó sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, sau này có hối hận hay muốn níu kéo thì cũng không còn kịp. Đối với một người chồng chăm lo gia đình, thương yêu vợ con mà người vợ không trung thành thì việc đó càng bị đáng lên án. Khi lập gia đình, vợ hoặc chồng đều không muốn bị phản bội, khi bị phản bội mình sẽ cảm thấy khó chịu như thế nào thì người khác cũng cảm thấy khó chịu như vậy nếu rơi vào tình trạng đó. Vì vậy, việc trung thành với chồng là một bổn phận đòi hỏi người vợ nên thực hiện để đảm bảo hạnh phúc gia đình.

d. Khéo gìn giữ tài sản của chồng

Là một người vợ đảm đang ngoài giúp chồng chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái, người vợ còn phải khéo giữ gìn tài sản của chồng. Là một người chồng tốt, họ luôn mong muốn gia đình, vợ con có một cuộc sống đầy đủ, sung túc, vì vậy họ tích cực làm việc, đôi khi còn nhận thêm các công việc để đem về nhà làm, với một mục đích duy nhất là có đủ kinh tế để chăm lo cho gia đình. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật có dạy: “Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Như vậy, là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được.” [4, tr. 646]

Để không phụ lại tấm lòng đó, người vợ nên khéo léo trong việc chi tiêu trong gia đình. Trong việc mua sắm cũng vậy, phụ nữ là kiểu người đam mê mua sắm, đôi khi hơi quá đà nên tốn rất nhiều chi phí, là một người vợ thông minh, họ luôn lập ra những hoạch định rõ ràng trong tiêu dùng vừa đảm bảo cuộc sống gia đình vừa hạn chế sự lãng phí vào những thứ không cần thiết.

Người chồng đã tin tưởng, giao quyền quản lý tài chính trong gia đình cho người vợ rồi nên người vợ hãy biết tính toán chi tiêu để người chồng không phải bận tâm hay phiền lòng khi trở về sau một ngày làm việc vất vả.

e. Khéo léo, nhanh nhẹn làm mọi công việc

Việc khéo léo giữ gìn tài sản của chồng đòi hỏi sự giỏi giang của người vợ về mặt quản lý tài chính. Còn nhiệm vụ thứ năm này, nó lại cho thấy sự khéo léo của người vợ trong tất cả các công việc trong gia đình. Là một hậu phương vững chắc của chồng, điều đó yêu cầu người vợ cần có những kiến thức, sự nhạy bén và tính học hỏi để người chồng có thể yên tâm ra ngoài làm việc. Chẳng hạn đối với việc nuôi dạy, giáo dục con cái, người vợ phải tìm hiểu các cách nuôi dạy con, những thức ăn nào là tốt cho con nhỏ trong từng giai đoạn phát triển, có nhiều kiến thức để dạy và học cùng con, có như thế con cái mới đủ sức khỏe và trí tuệ trong quá trình phát triển và học tập. Ngoài việc nuôi dạy con cái, người vợ cần phải nhanh nhẹn trong các công việc của gia đình như nấu ăn, chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, khi có một việc gì xảy ra cũng biết cách xử lý dù không có chồng bên cạnh. Khi có bạn bè, đồng nghiệp của chồng thăm nhà, người vợ khéo tiếp đón, tổ chức, sắp xếp, nấu những món ăn ngon để tiếp đãi. Điều đó, không chỉ làm cho bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao người vợ mà còn làm cho ông chồng nở mày nở mặt với bạn bè vì có một người vợ hết sức đảm đang, giỏi giang.

Tất cả trách nhiệm, bổn phận của một người vợ đã đức Phật đưa vào trong năm lời dạy, tuy rất ngắn gọn nhưng ý nghĩa của nó thì vô cùng to lớn. Mặc khác, theo đức Phật, nếu một người vợ có thể hoàn thành được những bổn phận của mình thì sẽ sinh vào coi lành trong đời vị lai “Sau khi thân hoại mạng chung các vị này sẽ sinh thiện thú thiên giới” [1, tr. 542]. Trong Kinh Tăng Chi đức Phật cũng nhấn mạnh rằng một người phụ nữ thực hiện tốt đẹp đạo làm vợ thì: “Sau khi thân hoại mạng chung được sinh lên thiện thú” [6, tr. 643]. Như thế, chính ngay nơi đạo vợ -chồng là đạo tu tiên, làm tiên chứ đâu cần phải tìm ở đâu xa, đức Phật dạy rằng:

“Hãy thường yêu thương chồng,
Luôn nỗ lực, cố gắng,
Người đem lại lạc thú.
Chớ khinh thường người chồng,
Chớ làm chồng không vui,
Chớ làm chồng tức tối,
Với những lời ganh tỵ.
Chồng cung kính những ai,
Hãy đảnh lễ tất cả,
Vì người này có trí,
Hoạt động thật nhanh nhẹn
Giữa các người làm việc
Xử sự thật khả ái
Biết giữ tài sản chồng
Người vợ xử như vậy
Làm thỏa mãn ước vọng
Ưa thích của người chồng
Sẽ được sinh tại chỗ
Các chư Thiên khả ái.” [6, tr. 643]

Ngoài ra, đức Phật có dạy người nữ nên học tập như sau: “Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình” [3, tr. 361]. Chỉ khi có sự quan sát tỉ mỉ, chi tiết và tình thương vô bờ bến dành cho những người mình thương yêu mới có thể làm được những điều này. Mỗi người mỗi đức tính, với những quan niệm khác nhau về bổn phận làm vợ của mình. Không phải ai cũng yêu thương, chăm sóc gia đình, lo lắng chồng con cho nên đức Phật đã đưa ra 7 hạng người vợ như sau: “Này Sujàta có 7 loại vợ này cho một người đàn ông. Thế nào là 7? Vợ như người sát nhân (vadhakasàmà), vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân (ayyasamà), người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujata có 7 loại vợ này cho người đàn ông. Và ngươi thuộc loại vợ nào?” [7, tr. 345]

Thứ nhất, người tâm bị uế nhiễm, chỉ thích thú những người khác mà khinh rẻ chồng mình, dễ bị mua chuộc bằng tiền và dễ giết người đó được gọi là vợ như sát nhân.

Đối với người chỉ biết tiêu xài tài sản của chồng, từ sản xuất nông, công, thương nghiệp đem lại, rồi có ý trộm cắp những tài sản đó, hạng này được gọi là vợ ăn trộm.

Thứ ba, vợ như chủ nhân, nghĩa là không ưa thích làm việc, giãi đãi, biếng nhác, lại thêm nói lời thô ác, đối với mọi sự cố gắng của chồng thì đàn áp hay chỉ huy.

Hạng vợ được gọi như mẹ khi người đó luôn có lòng từ mẫn, chăm sóc, giúp đỡ cho chồng như người mẹ chăm con, biết giữ gìn và bảo vệ tài sản của chồng.

Còn người vợ nào đối xử với chồng mình như người em đối xử với chị lớn, luôn có tâm cung kính, tàm quý và tùy thuận phục vụ chồng, được gọi là vợ như chị.

Sinh tâm hoan hỷ, vui vẻ khi thấy chồng của mình, như một người bạn tốt đi xa về, luôn trung thành với chồng đó gọi là vợ như bạn.

Người nào không sân giận, không sợ hình phạt, luôn nhẫn nhục, không phẫn nộ và nghe lời chồng, đó được gọi là vợ như nô tỳ.

Có lẽ, không có một tôn giáo nào mà bổn phận của người vợ lại được cụ thể hóa một cách rõ ràng như vậy. Dù cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ và cho đến hiện nay, một thế giới văn minh và tiến bộ nhưng những lời dạy đó vẫn mang giá trị và lợi ích thiết thực cho đời sống vợ chồng.

Có thể nói rằng, để đời sống gia đình được hạnh phúc thì cả vợ và chồng đều phải thực hiện nghiêm túc những bổn phận và trách nhiệm của mình. Chồng đảm nhận vai trò là trụ cột của gia đình, biết thương yêu, thấu hiểu nỗi lòng người vợ thì bên cạnh đó, người vợ cũng có bổn phận không kém phần quan trọng. Là người giữ lửa hạnh phúc gia đình, chăm lo chồng con, khéo léo quản lý công việc gia đình. Đây là những lời dạy mang tư tưởng bình đẳng và tiến bộ. Không phải gây áp đặt, gánh nặng lên vai người phụ nữ mà đức Phật đã trao quyền quyết định vào tay người phụ nữ và nếu thực hành theo những lời đức Phật đã dạy thì đó là mẫu người vợ lý tưởng mà bao người chồng mong ước. Vì những lời dạy đó chính là những phép ứng xử văn minh, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, gia đình. Nếu gia đình nào cũng biết và thực hành theo những lời dạy này thiết nghĩ gia đình đó sẽ hòa thuận, hạnh phúc biết bao.

Tác giả: Liên Vũ
Học viên lớp Thạc sĩ khóa II tại Học viện PGVN tại Huế

***

Tài liệu tham khảo
1. Trường Bộ Kinh tập II, Thích Minh Châu dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr. 542.
2. Sđd, tr. 543.
3. Tăng Chi Bộ Kinh tập II, Thích Minh Châu dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr. 361.
4. Tăng Chi Bộ Kinh tập III, Thích Minh Châu dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr. 646.
5. Sđd, tr. 409.
6. Sđd, tr. 643.
7. Sđd, tr. 345.
8. Ajahn Chan, Đời Sống Con Người và Xã Hội Hôm Nay, Yến Ngọc-Bình An biên dịch, Cà Mau: Nxb. Phương Đông, 2010, tr. 34.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường