3. Những điều kiện hình thành sự sống
Như đã phân tích trên, “có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình”(1).
Khi phân tích sâu hơn ta sẽ thấy được một chuỗi nhân duyên, điều kiện để hình thành sự sống. Theo tác giả Minh Giác: “Thai sản là do cha mẹ giao hợp phát sinh, nhưng thật ra cũng do nơi ba nghiệp đồng nhau mới đặng hấp dẫn đem vào thai, như thể đá nam châm hút sắt”(2).
Mỗi cá thể do tác ý khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những cá thể hoặc nhóm cá thể sở dĩ có những liên hệ với nhau, tác động đến nhau do nghiệp của chúng giống nhau. Kinh Tương ưng (Samyutta nikāya) đã dạy rõ: “Tùy thuộc theo giới thời quá khứ, giới thời vị lai, giới thời hiện tại, các chúng sinh cùng hòa hợp, cùng đi với nhau. Chúng sinh liệt ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sinh liệt ý chí”(3). Do vậy, chính nghiệp tương ưng này mà sự sống của thai bào mới được hình thành và phát triển.
Trong kinh Đại bửu tích, đức Phật diễn tả qua hình ảnh ví dụ: “Như hột giống mới chẳng bị gió nắng làm tổn hư, chắc thiệt không lỗ cất chứa đúng cách, đem gieo vào ruộng tốt nhuần ướt. Do nhơn duyên hòa hiệp như vậy mà rễ mầm cọng nhánh lá bông trái thứ đệ sinh trưởng. Hột giống ấy chẳng phải rời lìa các duyên hòa hiệp mà mầm cây v.v... được sinh. Do đó mà biết rằng chẳng phải chỉ có cha mẹ, chẳng phải chỉ có nghiệp và các duyên khác mà thai được sinh, cần phải do tinh huyết của cha mẹ, nghiệp và các duyên hòa hiệp mới có thai vậy”(4).
Trong Kinh Tăng chi (Khudhaka nikāya), đức Phật dạy: “Nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sinh, sinh khởi”(5). Sinh mạng tương tục của con người tuôn chảy mãi mãi trong sáu nẻo luân hồi bằng sự bồi đắp không ngừng của vô minh và ái dục, “bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này chỗ kia, như vậy, sự tái sinh trong tương lai được xảy ra”(6).
Kinh Đại bửu tích lý giải tường tận quá trình thụ thai cũng như những điều kiện không thể thụ thai: “Ngũ ấm ấy lúc muốn thọ thai trước phát khởi hai quan niệm điên đảo. Lúc cha mẹ hòa hiệp, nếu trung ấm nam thì đối với mẹ sinh lòng yêu, với cha sinh lòng giận, lúc cha chảy tinh thì cho là của mình. Nếu trung ấm nữ thì đối với mẹ sinh lòng giận, với cha sinh lòng yêu, lúc mẹ chảy nhớt thì cho là của mình. Nếu trung ấm không khởi lòng yêu giận ấy thì không thể thọ thai. Thế nào được thọ thai ?. Đó là cha mẹ khởi lòng ái nhiễm, nguyệt kỳ đều thuận, trung ấm hiện tiền, không có những bịnh những lỗi như trên, nghiệp duyên đầy đủ, như vậy thì thọ thai” (7).
Giá trị tư tưởng đức Phật không thể lý giải thích trên quan điểm đức tin và khoa học mà còn vượt xa hơn nữa. Bởi không phải mọi sinh hoạt giao phối nào cũng sản sinh ra một bào thai mới- điều này rất thực tế trong xã hội. Đối với đức tin, khi nhìn thấy một linh hồn được thổi vào chất liệu của sự sống mới, mọi sự đã diễn ra theo ý muốn của Chúa. Còn theo quan điểm của khoa học thì sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng hẳn phải đảm bảo sự thụ thai, bởi vì ở đây cả hai đều đã sẵn sàng cho sự sống mới, bản thân chúng đã mang những yếu tố của sự sống này, nhưng thực tế sự thụ thai không xảy ra(8). Chỉ có tư tưởng Đức Phật mới giải thích vì sao sự thụ thai không thể xảy ra: “Cha mẹ tôn qúy mà trung ấm ti tiện, hoặc trung ấm tôn qúy mà cha mẹ ti tiện cũng chẳng thành thai. Nếu cha mẹ và trung ấm đều tôn qúy mà nghiệp chẳng hòa hiệp cũng chẳng thành thai. Nếu ở nơi cảnh trước mà trung ấm không có nam nữ hai thứ ái niệm cũng chẳng thọ thai” (9).
Có thể thấy trong rất nhiều bộ kinh, đức Phật nhấn mạnh chính ái này làm nhân, làm duyên cho thứ can trú, sinh trưởng: “Này các Tỷ-kheo, cái gì chúng ta tư niệm, cái gì chúng ta tư lường, cái gì chúng ta có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên có mặt nên thức an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có thiên về, hướng về. Do có thiên về, hướng về nên có sự đi đến tái sinh. Do có sự đi đến tái sinh nên có từ bỏ và sinh khởi. Do có từ bỏ và sinh khởi nên trong tương lai sinh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sinh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này” (10).
4. Các hình thức thọ sinh
Trong kinh “Sư Tử Hống”(Mahāsīhanāda sutta)(11) nói đến bốn hình thức thọ sinh đó là thai sinh(12), noãn sinh(13), thấp sinh(14), hóa sinh(15).
Con người là chủng loại điển hình cho hình thức thai sinh. Chính vì sự biến hóa của bốn loại sinh trên là nguyên nhân làm chúng sinh trôi lăn theo mức độ cảm ứng nghiệp của mình: “Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh, tùy nghiệp đồng và thích ứng của mỗi loài mà cảm ứng. Thai nhơn tình mà có, noãn do tưởng mà sinh. Thấp bởi hợp mà cảm. Hóa vì ly mà ứng. Tình, tưởng, hợp, ly luôn luôn vận động đổi thay theo nghiệp sở hành mà cảm thọ (vedanā): khi đi lên, lúc đi xuống, xoay vần trong sáu nẻo. Đó là nguồn gốc làm cho chúng sinh tương tục không ngừng”(16).
Trong thực tế đời sống, vì nhiều lý do khác nhau, nghiệp lực khác nhau nên có những dạng chúng sinh thọ thai theo những con đường khác nhau, đức Phật dạy trong kinh Phúng Tụng (Sangīti sutta)(17): “Ở đây, có loài không tỉnh giác nhập mẫu thai, không tỉnh giác trú mẫu thai, không tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ nhất(18). Có loại tỉnh giác nhập mẫu thai, không tỉnh giác trú mẫu thai, không tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ hai(19). Có loại tỉnh giác nhập mẫu thai, tỉnh giác trú mẫu thai, không tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ ba(20). Có loại tỉnh giác nhập mẫu thai, tỉnh giác trú mẫu thai, tỉnh giác xuất mẫu thai. Ðó là loại nhập thai thứ tư”(21).
Cách nhập thai thứ tư tượng trưng cho tâm hạnh và nguyện lực trở lại cõi ta bà để hóa độ chúng sinh: “Nguyện lực là đối với những bậc chứng đắc, tự tại trong sinh tử, nguyện tái sinh trở lại cõi ta bà để giáo hóa chúng sinh như vô lượng kiếp trước của đức Thích Ca Mâu Ni (Sākyamuni) có tên là Santusita: “Lúc ta hạ sinh vào bụng mẹ sau khi đã mạng chung từ cõi Trời Đâu Suất (Tusita), khi ấy mười ngàn thế giới và quả đất rúng động. Khi ta rời khỏi bụng mẹ với sự giác tỉnh, mười ngàn thế giới đã rúng động. Không gì sánh bằng việc nhập thai của ta. Từ việc sinh ra, trong việc ra đi cao cả, trong việc tự mình giác ngộ và trong việc vận chuyển bánh xe chính pháp, ta là vị đứng đầu”(22).
Trong rất nhiều trường hợp sự thọ sinh của các bậc Trưỡng lão không nhất thiết phải có sự giao hợp của cha mẹ như “trường hợp thọ sinh của ngài Ca Diếp đồng tử (Kumāra kassapa), tinh trùng dính trên y, trường hợp vị đạo sĩ sờ vào bụng Bà la môn (Brāhmana) mà thụ thai...”(23).
Trong “Luận câu xá phẩm phân biệt thế gian” có nói đến những trường hợp sinh từ trứng như năm trăm người con của vua Ban-già-la (Pañcālarāja), sinh từ ung nhọ như Mạn-đà-đa (Mānhātra)... (24). Tích truyện hiếu tử Sāma, Tôn giả Dukūlaka lấy tay sờ rốn Pārikā, ngay lúc ấy, Bồ tát nhập vào bụng bà và bà mang thai từ đó(25).
Ngày nay, khoa học chứng minh đôi khi không cần sự tiếp xúc trực tiếp giữa cha mẹ nhưng vẫn có thể thọ thai, chẳng hạn phương pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chung quy vẫn có sự hiện hữu của thức tái sinh(26).
Với Phật giáo, sự sống như thể một dòng sông tương tục, không điểm dừng, không thể hiểu được quy trình nếu chỉ căn cứ vào một điểm duy nhất của dòng sông. Về cơ bản, bào thai phần lớn được hình thành từ ba yếu tố, tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù, bào thai được hình từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ những thông tin ghi nhận về các hình thức thọ sinh trong kinh, đã cho thấy rằng các hình thức thọ thai trong đời sống xã hội ngày nay đã được đề cập từ hàng ngàn năm trước trong kinh tạng Phật giáo. Nghiên cứu sự thọ thai của thai nhi giúp cho các bậc cha mẹ tự hoàn chỉnh bản thân, để có thể tìm thấy một đứa con như mong muốn của chính mình.
5. Quyền bình đẳng sự sống của thai nhi
Bất hại (ahimsā) là một trong những nguyên tắc căn bản của Phật giáo. Ahimsā mặc dù mang nghĩa đen là bất hại nhưng nó còn bao hàm ý nghĩa rộng hơn là ‘tôn trọng sự sống’ hay ‘sự sống thiêng liêng’. Nguyên tắc tôn trọng sự sống được hiểu trong đạo đức là cố ý làm hại hay gây thương tổn tới các sinh vật luôn là điều sai trái về mặt đạo đức(27). Phá thai là một hành động đi ngược lại với tôn chỉ không giết hại (ahimsā) của đạo Phật cũng là giới đầu tiên trong năm giới(28).
Theo quan điểm đạo Phật, “việc sinh đẻ con cái là một quá trình kỳ diệu của nghiệp lực. Đó không hề là một chuyện tầm thường càng không phải là một điều tình cờ, kết quả vô ý thức của hoạt động tính dục. Thai nhi không phải do cha mẹ sinh ra mà thông qua cha mẹ để đến với thế giới con người”(29).
Trong bài giảng về “So sánh sự tương đồng giữa thai nhi và ung thư”, giáo sư Y khoa người Mỹ trường Đại học California ở San Diego đã gọi “bào thai là ký sinh trùng hợp pháp xâm chiếm cơ thể, thao túng khả năng miễn dịch của cơ thể người mẹ”(30). Ông gọi bào thai là ký sinh trùng và điều này gây ra tranh cãi rất nhiều, bởi đây là từ ngữ mà những người ủng hộ phá thai thường sử dụng để biện giải bào thai không phải người. Từ đó gây ra rất nhiều hệ lụy, tin tức thời sự: “Liên quan đến vụ việc hơn ba trăm thi thể thai nhi được phát hiện trong bảy năm qua tại nhà máy xử lý rác Tp.Cà Mau”(31) là một điển hình. Nguyên nhân có thể lý giải thực trạng đó do hầu hết không ai nghĩ bào thai là một con người thật sự, mà chỉ cho đó là mầm tế bào vật chất.
Nguy hiểm hơn, theo tài liệu nghiên cứu “Dùng bào thai để trị bệnh” trong tác phẩm: “Con người- một khoa học sống”, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm trên bào thai chết và thậm chí thí nghiệm trên phôi con người nhằm tạo ra loại thuốc chữa trị một số bệnh như liệt tứ chi và những bệnh nguy hiểm. Chính điều này tạo ra tình trạng phôi con người có nguy cơ bị làm thương tổn hoặc chết. Các nhà khoa học còn công bố họ đã có một quả cầu rỗng chứa một trăm bốn mươi tế bào do các cơ sở thụ tinh nhân tạo sản xuất và làm đông lạnh. Các cơ sở này chuyên phối tinh trùng cho nhiều trứng hơn so với trứng mà người phụ nữ có thể mang, như vậy họ sẽ có một kho dự trữ rất lớn. Đa phần người ta xem đây là “vụ mùa phôi” và “một lò ấp trứng” khi các nhà khoa học đã trích các tế bào từ não của các bào thai và nuôi chúng trong phòng thí nghiệm. Khoảng 80% các cuộc nghiên cứu như thế này đều được giữ bí mật. Đây là vấn đề phi đạo đức, phi nhân tính, hủy hoại sự sống của loài hữu tình và được bao biện bởi phụ vụ cho mục đích y học...Họ không nhận thức được rằng một mầm tế bào tuy chưa hình thành cơ thể nhưng đã có yếu tố của thức: “Tâm hay thức phát hiện ngay từ lúc được thọ thai, cùng một lúc với phần vật chất. Như vậy, thức vẫn hiện hữu trong bào thai”(33).
Như vậy, khi vừa thụ thai tức là bắt đầu sự sống mới trong thai bào. Trong kinh Tương ưng: “Không dễ tái sinh làm người cũng giống như đất dính trên đầu ngón tay so với quả đất, còn rất nhiều chúng sinh phải tái sinh ra ngoài loài người”(34).
Trong Trung bộ (Majjhima nikāya) diễn tả cũng ví giống như một khúc gỗ có một cái lỗ trên biển, bị gió thổi tứ phương và một con rùa mù ngàn năm mới trồi lên một lần. Con rùa ấy khó có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây, nếu có thì chỉ một lần trong thời gian rất lâu và trở lại thân người còn khó hơn việc ấy nữa một khi người ngu rơi vào đọa xứ(35). Quan niệm về thân thể của tôi là kết quả của vô minh. Kinh Pháp cú (S. dharmapada, P. dhammapada) có dạy:
“Con tôi, tài sản tôi Người ngu sinh ưu não Tự ta, ta không có, Con đâu, tài sản đâu”(36).
Chính bản thân tôi còn không thuộc về tôi thì làm sao có thể nói rằng một bào thai thuộc về tôi trong khi cha mẹ chỉ cung cấp cho bào thai trên nền tảng vật chất. Đạo Phật là đạo từ bi (mettā-karunā), trí tuệ (jnana-prajna) cho nên hành động phá hủy bào thai đáng lên án.
Nhìn từ góc độ y học, việc phá bỏ bào thai có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý của người phụ nữ, tạo nhân xấu cho cả mẹ lẫn con. Từ đó hình thành nên vết sẹo trong tâm hồn người mẹ, trượt dài trong tội lỗi khi đã phá thai lần một, lần hai. Bên cạnh đó còn tổn hại lòng từ bi và giá trị đạo đức, chịu luật nhân quả luân hồi. Kinh Trung bộ nêu rõ: “Có người đàn bà hay đàn ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đã thương, tâm không từ bi với các loài chúng sinh. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, nếu không sinh vào cõi dữ mà đi đến loài người, thời chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy phải đoản mạng”(37).
Trong kinh “Trường thọ diệt tội” cũng dẫn chứng về một Ưu bà di tên Điên Đảo đã mang thai tám tháng, vì gia qui nghiêm ngặt nên uống thuốc phá thai. Ngài Phổ Quảng Chính Kiến Như Lai dạy Ưu bà di Điên Đảo rằng: “Ở đời năm việc, khi đã làm xong, sám hối khó dứt tội: một là giết cha, hai là giết mẹ, ba là giết thai nhi, bốn là làm thân Phật chảy máu, năm là phá hòa hiệp Tăng. Các nghiệp xấu ác như vậy, dù có sám hối cũng khó hết sạch”(38). Quả dữ của nghiệp sát sinh là mạng yểu, bệnh hoạn, buồn rầu. Đau khổ vì nạn chia ly và lo sợ” (39).
Hiện nay, các nước trên thế giới có những quan điểm khác nhau về luật phá thai. Một số nước thì cấm hoàn toàn, một số ít nước không cấm và nhiều nước quy định về độ tuổi thai được hủy như tài liệu: “Dẫn luận về đạo đức Phật giáo”(40) của Damien Keown. Dù biện minh bằng cách nào đi nữa, theo Phật giáo, phá thai dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ tự mình chịu lấy nghiệp báo.
Pa-auk Tawya Sayadaw cho rằng hành động sát sinh ấy dù biện minh như thế nào đi nữa (do không thích, muốn tự do, bị hãm hiếp, bị dị tật...tất cả xuất phát từ tâm sân (dosa) và tham (lobha), và trong mọi trường hợp đều có si (moha). Và nếu nghĩ sát sinh không có gì sai, là chính đáng, thời nghiệp đó sẽ phối hợp với tà kiến - trong trường hợp này là hợp với một quan niệm sai lầm về những vận hành của nghiệp.(41)
NHẬN XÉT
Sự hiện hữu của một thai bào là tổng hòa của nhiều điều kiện mà trong đó phải kể đến ba điều kiện chính, đó là tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Trong ba yếu tố này thì yếu tố thần thức với những tên gọi khác nhau nhưng có một chức năng quan trọng, đó là giữ gìn và phát khởi những tư liệu từ đời sống quá khứ cho kiếp sống kế tiếp. Giáo lý nghiệp là cốt lõi của Phật giáo.
Từ những nghiên cứu trên cho ta thấy quan điểm Phật giáo luôn lấy tinh thần từ bi làm gốc, tôn quý sự sống ngay từ thời điểm hình thành. Chúng sinh dù đã có hình sắc hay mới tượng hình sắc, dù một mầm sống cũng cần phải bảo vệ, ngăn chặn hành động sát sinh và bảo vệ sự sống của các loài hữu tình. Từ quan điểm trên đã khẳng định tính nhân văn cao cả của Phật giáo. Phá thai dù không vi phạm pháp luật, nhưng vi phạm các nguyên tắc đạo đức căn bản theo quan điểm Phật giáo. Việc chủ tâm chấm dứt thai kỳ được xem là một trong những trọng tội, và cha mẹ nên có trách nhiệm với sinh linh nhỏ bé do chính mình tạo ra.
(Tiếp theo Tạp chí NCPH số 167 và hết) Thích nữ Nguyên Tuệ Tạp chí Nghiên cứu Phật học http://tapchinghiencuuphathoc.vn/mam-song-thai-nhi-theo-quan-diem-phat-giao.html -----------------------CHÚ THÍCH: (1) Kinh Trung bộ (2012), tập I, tr.328 (2) Minh Giác (2005), tr.166,167 (3) Kinh Tương ưng (2014), tập I, tr.509 (4) Kinh Đại bửu tích (2014), tập IV, tr.49 (5) Kinh Tăng chi(2015), tập I, tr.259 (6) Kinh Trung bộ (2012), tập I, tr.362 (7) Kinh Đại bửu tích (2014), tập IV, tr.49 (8) Paul Dahlke Ph.D (2009), tr.232 (9) Kinh Đại bửu tích (2014), tập IV, tr.49 (10) Kinh Tương ưng (2014), tập I, tr.41 (11) Kinh Trung bộ (2012), tập I, tr.106 (12) Những loại chúng sinh nào phá màn da mỏng che chỗ kín mà sinh, gọi là thai sinh. (13) Những loại chúng sinh nào phá vỏ trứng, mà sinh, gọi là noãn sinh. (14) Những loại chúng sinh nào sinh ra từ cá thúi, từ xác chết thúi, từ cháo cơm thúi, hay trong hồ nước dơ hay trong ao nước nhớp, gọi là thấp sinh. (15) Chư Thiên, các chúng sinh ở địa ngục, một số thuộc loài người và một số thuộc đọa xứ, gọi là hóa sinh. (16) Thích Từ Thông (2008), tr.149 (17) Kinh Trường bộ (2016), tr.659 (18) Vasubandhu (2013), tập II, tr.240, chỉ cho các loài thai sinh, noãn sinh, do phước trí đều kém. (19) Chỉ cho Chuyển luân vương, do phước nghiệp thù thắng. (20) Chỉ bậc Độc giác, do đa văn và tư trạch thâm sâu tu tập nhiều đời. (21) Chỉ đấng Vô thượng giác, do phước và trí thù thắng tu tập từ vô lượng. (22) Phật sử và hạnh tạng (2006), tr.63,64 (23) Thitasila Mahathera (2015), tr.234 (24) Acarya Vasubandhu (2013), tập II, tr.194 (25) Kinh Tiểu bộ (2015), tập VI, tr.254 (26) Thích Chúc Phú, Nghiên cứu về vấn đề thọ sinh của thai nhi theo quan điểm Phật giáo, https://thuvienhoasen.org/a30530/nghien-cuu-ve-van-de-tho-sinh-cua-thai-nhi-theo-quan-diemphat-giao, 17/10/2018. (27) Damien Keown (2013), tr.32 (28) Trịnh Nguyên Phước (2011), tr.65 (29) Nguyễn Tường Bách, tr.31 (30) Hà Linh, https://news.zing.vn/giao-su-bi-chi-trich-gaygat-vi-goi-bao-thai-la-ky-sinh-trung-post941201.html, 30/ 4/2019 (31) Song Anh- Vân Du- Công Tuấn (2019), https://nld.com.vn/thoi-su/vu-hon-300-thi-the-thai-nhi-tai-nha-may-rac-da-cobao-cao-nhieu-nam-truoc-20190424210533367.htm (32) Nhiều tác giả (1999), tr.769 (33) Narada Maha Thera (2013), tr.661 (34) Kinh Tương ưng (2014), tập I, tr.607 (35) Kinh Trung bộ (2012), tập II, tr.500 (36) Kinh Pháp cú (2014), tr.19 (37) Kinh Trung bộ (2012), tập II, tr.450 (38) Phật thuyết kinh diệt tội trường thọ và thần chú bảo hộ thai nhi (2006), tr.5 (39) Narada Maha Thera (2013), tr.362 (40) Damien Keown (2013), tr.139 (41) Pa-auk Tawya Sayadaw (2011), tr.236
Bình luận (0)