Trang chủ Lịch sử - Triết học Luận về triết lý Acàla theo kinh Lăng Già

Luận về triết lý Acàla theo kinh Lăng Già

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Thiện Nhựt (Nguyễn Đệ)
Viện Chuyên Tu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Dẫn nhập

Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng” nghĩa là các pháp từ xưa đến nay vốn rất thanh, rất tịnh nhưng vì chúng ta chấp ngã, chấp pháp nên mới có đẹp xấu, hay dỡ mà thôi. Cũng vì cái chấp mà chúng ta trôi lăng trong vòng sinh tử luân hồi. Sự thật, các pháp ở thế gian, mỗi lá cây ngọn cỏ đều dạy cho ta về vô thường, vô ngã và tính không của vạn pháp.

Chúng ta không chỉ đến chùa mới nghe được phật pháp vi diệu mà từng chiếc lá cành hoa v.v…, đều giảng nói phật pháp nếu chúng ta biết ngắm nhìn và biết lắng nghe. Thật vậy, nhìn một cành hoa ta thấy rõ trùng trùng duyên, khởi.

Trong kinh Lăng Già, Bồ-tát Mahāmati (Đại Huệ) nhấn mạnh, đức Phật có trí tuệ siêu việt (Bát-nhã – Prajñā, paññā, 般 若) và có lòng đại từ bi (Mahakarunā). Với trí tuệ, Ngài thể chứng rằng cái thế giới của những đặc thù này không có thực tính (śūnyatā), không có một ngã thể (anātman). Vượt lên khỏi cái phạm trù hữu và phi hữu (vô) và nó được gọi là Thanh tịnh (Visuddhi), Tuyệt đối (tịch tịnh pháp –Vivikta) và thoát khỏi các điều kiện (animitta, vô tướng). Lăng Già chính là hành trang cần thiết để chúng ta đi vào cõi “Tự chứng Thánh trí” hay nói rộng ra là kho tàng pháp bảo của kinh điển Đại thừa và tất cả cũng được thể hiện trong triết lý hành động Acàla. Là một hành giả tu theo Đại thừa trước tiên phải phát Bồ đề tâm, thực hành Bồ tát đạo không thể không biết triết lý hành động Đại thừa và triết lý Acàla thể hiện trong kinh Lăng Già. Đó cũng là lý do người viết chọn đề tài: “Luận về triết lý Acalā theo kinh Lăng Già” để trình bày.

Triết lý hành động Đại thừa trong kinh Lăng Già thì có nhiều đề tài đã nghiên cứu, tuy “Triết lý Acalā theo Kinh Lăng Già” chúng con vẫn chưa tìm thấy đề tài nghiên cứu trước đó. Triết lý hành động Acàla dù không xa lạ với những tinh hoa tư tưởng đại thừa nhưng cũng rất mới mẽ và cũng là triết lý hành động Đại thừa chúng ta nên tìm hiểu, nghiêm cứu.

Kinh Lăng Già cho chúng ta thấy Bồ Tát trước khi hành đạo có một quá trình tu tập rèn luyện để chứng ngộ tâm linh (Tự chứng Thánh trí). Thánh Trí là Bát Nhã Trí, thấy tất cả đều là không, là vô ngã, tất cả đều Duy Tâm (Trí Bất đắc hữu vô). Từ đó mới vận hành cái bi nguyện cứu độ chúng sinh (Nhi hưng đại bi tâm). Mục đích người viết tìm hiểu đề tài “Luận về triết lý Acalā theo Kinh Lăng Già” để trình bày trong bài tiểu luận này. Cũng là để có thể hiểu thêm, thâm nhập và phát huy tinh thần Bồ tát đạo mà Kinh Lăng Già thể hiện, để cống hiến và làm lợi lạc quần sinh.

Trong bài này chủ yếu sử dụng nguồn tài liệu chính là cuốn Nghiên cứu kinh Lăng già và Lăng Già Đại Thừa Kinh của D.T. Suzuki do Thích Chơn Thiện và GS. Trần Tuấn Mẫn dịch. Ngoài ra còn tham khảo thêm những tác phẩm kinh điển Đại Thừa khác. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp trích dẫn, chứng minh, so sánh, đối chiếu…mong là sáng tỏ vấn đề.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2023 Nhu Lai Va Nhung Du Ngon Song Hang Trong Kinh Lang Gia 2

NỘI DUNG

CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT KINH LĂNG GIÀ.

1. Giải thích tựa kinh

Tựa Kinh Lăng Già, tiếng phạn là Laṅkavatāra-sūtra, dịch là Nhập Lăng-già Kinh (入楞伽經). Laṅkā là tên hòn đảo tại Ceylon (Srilaṅkā là nước Tích Lan hiện nay). Vatāra là đi vào, thể nhập. Laṅkāvatāra: nhập Lăng-già (入楞伽). Kinh Nhập Lăng-già được Phật giảng tại Tích Lan do Vua Rāvaṇa, vua của Rākṣasas, mời. Đối thoại giữa Phật và Bồ-tát Đại Huệ (Mahāmati Bodhisattva). Tên đầy đủ là “Laṅkāvatāra Mahāyāna Sūtra”. Tựa Hán Việt: “Kinh Đại thừa thánh giáo nhập Lăng-già” hay Kinh Đại thừa nhập Lăng-già.

2. Thời gian và địa điểm thuyết kinh.

Thời gian thuyết kinh Lăng già: Theo ngài Suzuki, kinh này được biên soạn trước năm 443 (Tống), gồm bốn quyển, khi mà bản dịch Hoa ngữ đầu tiên được hoàn tất[1,60]. Bản 553 (Ngụy), gồm 10 quyển. Bản kinh thứ 3, khoảng năm 700 (Đường), gồm 7 quyển. Kinh này không phải được thuyết một lần mà trải qua thời gian được bổ sung thêm. Do đó trong phần dẫn nhập của kinh Lăng Già Đại Thừa kinh, ngài Suzuki có nói: “Lăng Già là một là một bản giác thư, nó là tổng hợp toàn bộ giáo lý quan trọng của giáo lý Đại Thừa thời đó”. Và nó không theo một lịch trình logic mà được sắp xếp một cách lộn xộn, do nhiều lần biên khảo làm cho Lăng Già thiếu trật tự như bản kinh khác. Kinh ra đời khoảng thế kỷ thứ I-III STL (sau Tây lịch).

Kinh Lăng Già là một trong những kinh đại thừa, chiếm vị trí quan trọng trong Phật giáo đại thừa và chứa đựng những học thuyết về duy tâm, Như Lai Tạng và A-lại-da thức và đặc biệt trong Thiền học. Tư tưởng, ngữ nghĩa đạt đến đỉnh cao của lý luận, hàm chứa hoa trái của Nguyên Thủy, học giáo lý đại thừa, soi sáng nguyên thủy.

Địa điểm thuyết kinh: Chữ Lankà (Lăng Già) là tên một hòn đảo ở phía Nam Ấn có tên là Celon (Tích Lan), biểu tượng đó là núi Lăng Già ở vùng phía nam chỗ của loài La sát (Rakshasa) chúa của loài này thỉnh Phật lên đỉnh núi để thuyết pháp nên lấy địa danh này đặt tên kinh. Lăng Già là một ngọn núi rất xa xôi, đường đến đó rất khó khăn chỉ có đức Phật và những vị Thánh đệ tử Phật mới vào được đó. Tựa đề đầy đủ của kinh bằng tiếng Sanrkrit là “Àrya Saddharma Lànkàvatàra nàma Mahàyana Sutram” nghĩa là Thành Thiện Pháp Nhập Lăng Già Kinh.

Thính chúng tham dự là những vị Bồ-tát đã an trú thanh tịnh tâm được nghe đức Phật giảng về giáo lý Như Lai Tạng (chủng tử nghiệp thức), biểu thị cho gió ngoại cảnh đã ngưng thổi, sóng nghiệp thức ngừng lao xao, biển cả tâm linh lắng đọng, trăng tuệ giác vô thường rực chiếu, mọi hiện hữu được nhìn thấy toàn chân, ngay nơi này Thức lập tức biến thành trí.

3. Giới thiệu tóm tắt kinh Lăng Già.

Nội dung Lăng Già bàn đến các vấn đề Phật Giáo Đại Thừa, Giáo lý chủ yếu của kinh là: năm pháp, tám thức và hai vô ngã, bao gồm cả giáo lý Đại thừa và Thiền học Phật giáo nói chung. Riêng kinh Lăng Già chú trọng đến vấn đề Duy thức, Vô ngã và lý thuyết nổi bậc nhất là Duy tâm. Mục đích tối hậu của Lăng già là đưa con người đến giác ngộ giải thoát thành Phật, tức là chuyển con người từ mê đến giác, từ vọng đến chơn, hay nói đúng hơn là chuyển chúng sinh tính thành Phật tính, mà đúng theo Duy thức là chuyển Thức thành Trí. Cũng như sự tự chứng tự nội, làm sao để đến với trí Viên thành thật, tức là phải quay vào tâm thức của mình, nhập vào Như lai tạng, tự chứng cái chân lý Duy tâm trong tự nội thâm sâu nhất của mình. Do đó muốn đạt được trạng thái tự chứng tự nội cần phải bàn về hệ thống Duy thức, hệ thống Duy tâm và vấn đề tự chứng tự nội để đạt đến thánh trí.

Tầm quan trọng của kinh Lăng già: Chủ yếu của kinh Lăng già là bàn về chân lý Tự chứng tự nội hay Tự chứng thánh trí mà được Như lai thể chứng, mang tư tưởng nhất quán là tư tưởng “Như lai tàng và A-lại-da thức” mà A-lại-da một mặt đồng nhất với Như lai tàng. Tuy nhiên, trong sự đồng nhất ở đây cũng có tính dị biệt, cho nên tất cả pháp đều từ A-lại-da mà lưu xuất.

Đây là bộ kinh lớn, bao quát rất nhiều vấn đề học thuyết chủ yếu trong Phật Giáo Đại Thừa. Từ thời sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma với bộ Lăng Già bốn quyển, dòng mạch thiền được tiếp nối với nhiều thiền sư chứng ngộ. Không khí thiền hưng thịnh mang sắc thái mới đặc trưng của Trung Hoa. Bộ Lăng Già được xem như bộ kinh gối đầu, bộ tâm ấn của Thiền gia. Tư tưởng của Lăng Già chú trọng đến giáo lý “Không”, “Vô ngã”, những ảo tưởng của phân biệt, kịch liệt phê phán những văn tự ngôn ngữ vọng chấp, phân biệt và nhấn mạnh đề cao đến sự tự chứng, tự nội, kinh nghiệm tự chứng cho được cái thánh trí ở bên trong của mình. Đó cũng là tông chỉ của Thiền tông.

4. Tư tưởng cốt lõi chính của kinh.

Nội dung kinh Lăng Già vô cùng phong phú, hầu như bao quát mọi vấn đề của Phật giáo đại thừa như Pháp thân, Phật tính, Chân như…tuy nhiên sự hiểu biết suông là chưa đủ cho một hành giả Thích tử, mà cần có sự thực tập, thể nghiệm chân lý. Chính Lăng Già là giáo lý, đưa chúng ta đến thể chứng chân lý ấy bằng thực chứng.

Sự đột biến trong tâm thức.

Mục đích Lăng già không phải tìm một hệ thống tư tưởng mà phải hướng đến mục đích tự chứng nội tâm, chứng đạt Phật tính hay còn gọi là tự chứng Thánh trí cảnh giới. Cảnh tự chứng thì không thể diễn tả cho người khác nhưng tạm mượn ngôn ngữ để diễn bày từ đó khiến người tu nhận thức được chân lý. Cho dù chúng ta có nghiên cứu vấn đề gì đi nữa vẫn phải theo tinh thần này của kinh Lăng già.

Chúng ta đau khổ chỉ vì sự phân biệt chấp trước nhị nguyên, khiến A-lại-da bị vấy nhiễm, gây ra cảnh khổ luân hồi, nay cần quay về bên trong, nhận ra vạn pháp duy tâm biến hiện, không chấp vào ngoài tâm mà có, đây gọi là sự đột biến trong tâm thức. Cho nên sự đột biến cũng là vấn đề quan trọng trong Lăng già, tập khí được huân tập vào A-lại-da và từ đó hiện hành ra cả thế giới, chỉ cần lìa bỏ sự phân biệt, chấp trước có sự thay đổi trong nhận thức, trở về tâm thanh tịnh, chứng đạt Thánh trí đây là mục tiêu thực hành của Lăng già, đó cũng là tư tưởng cốt lõi của Kinh.

“…Khi nhận thức rằng ba cõi là cái tập khí phân biệt sai lầm và cái lý luận hư ngụy vốn đã tiến hành từ vô thỉ và cũng suy nghĩ về trạng thái Phật tính, vốn là vô tử, vô sinh, vị Bồ tát sẽ trở nên thành thạo với cái chân lý cao thượng là sự tự chứng, sẽ trở thành một người chủ toàn hảo của chính cái tâm mình…Do đó này Mahàmati, vị Bồ tát Mahàmati nên tu tập kỹ càng trong sự tự chứng”[1].

Duy tâm

Hết thảy thế giới đối tượng cả bên ngoài lẫn bên trong ta khi được thấy, được nghe, được suy tưởng, được cảm nhận, được phân biệt, được diễn tả bằng ngôn từ đều là không thực, đều thuộc nhị biên, như ảo ảnh, như giấc mộng…Tất cả đều do tâm biến hiện ra nên gọi là duy tâm. Sự phân biệt gây ra đau khổ, sinh tử luân hồi, đều là một, bất nhị, bình đẳng, vô sinh, vô ngã, không. Muốn rời xa đau khổ thì phải trừ bỏ phân biệt, cần nhập vào trạng thái vô tưởng của cái tâm tỉnh giác. Cứ tu tập cho đến thuần thục vị Bồ tát sẽ chứng nghiệm cái chân lý tự nội. Tức tự chứng cái tâm chân thật của mình.

Điểm cốt lõi của Kinh Lăng Già là khai thị chơn tâm, ứng dụng chơn tâm qua 108 câu hỏi của Bồ tát Đại Huệ hỏi Phật, giải thích việc ứng dụng chân tâm như thế nào để chuyển thức thành trí, để đạt được tự chứng thánh trí, để vĩnh viễn thoát khỏi phiền não đem lại an lạc nơi cuộc sống của chính mình.

Lý thuyết Duy tâm mà Lăng Già nói tổng tưởng của vạn pháp hay của chính tâm mình. Điểm cần lưu ý ở đây là sự sinh khởi của A lại da là do chúng ta tưởng những biểu hiện của tâm là một thế giới của thực tế khách quan. Như vậy, học thuyết Duy tâm là tất cả những gì được nhìn thấy, được nhận biết phân biệt đều không thực, do tự tâm biến hiện ra. Cho nên những sự ưa muốn yêu ghét… đều là những tác dụng tâm lý phát khởi từ tâm. Nó không phải là chân thật mà chỉ là vọng tưởng, cái bóng dáng còn vướng sót của cảnh giới tiền trần, của ngũ câu ý thức. Sự tu tập chính là sự cải tạo, sửa đổi cái tâm, hóa giải những vọng tưởng mê lầm phân biệt. Thể chứng Duy tâm là mục đích của Lăng Già và điều này được thực hiện khi phân biệt bị loại trừ tức là khi đạt được trạng thái vô phân biệt trong đời sống tâm linh.

Thai tạng

Theo Suzuki, Lăng Già có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với Đại thừa Khởi Tín luận. “Khởi Tín là một nỗ lực hệ thống hóa Lăng Già, vì tất cả những giáo lý chủ yếu của Lăng Già được phát triển trong bộ khảo luận này theo một thứ tự thích đáng” [1,56-57]. Thai tạng là thật tính tối hậu, nó chính là bản chất bên trong của tất cả chúng sinh, dù đó là chúng sinh ô nhiễm, A-lại-da vẫn là một kho chứa, bất động. Khi phiền não nhiễm ô được làm cho sạch thì ai cũng đều có thể thành Phật. Chư Phật xuất hiện nơi đời cũng từ cái thai tạng này mà ra, chứ không từ đâu khác.

Thai tạng gồm cả phần nhiễm và tịnh, tốt và xấu. Một bậc tu hành cần thanh lọc cái ô nhiễm, thể nghiệm được cái tốt. A-lại-da khi nó kết hợp bảy thức trước, được sự hỗ trợ của gió phân biệt mà khởi sóng thức, nhưng khi nó không khởi động bởi phân biệt thì nó trở về tính thanh tịnh vốn có của nó chính là Phật tính, Như Lai Tạng. Kinh Nhập Lăng Già còn thuyết minh tư tưởng Chân Như, Duyên khởi Tính Không (Sunyata) và xoay quanh vấn đề Ngũ Pháp, Tam Tính, Bát Thức, nhị vô ngã v.v…

5. Triết lý hành động của Đại thừa.

Thứ nhất, triết lý hành động của đại thừa là làm sáng tỏa “Duyên khởi tính không”. Nếu như Mã Minh Bồ Tát là người khởi sướng ra tư tưởng Đại thừa thì Long Thọ đã có công hệ thống, chú thích, luận giải và hệ thống những kinh điển đã có sẵn trên tinh thần Đại thừa. Đặc biệt là bộ Kinh tạng Bát Nhã – một bộ kinh của Phật giáo Đại thừa, mà Long Thọ đã chú thích, luận giải tư tưởng “không” trong đó một cách hệ thống trên tinh thần mới mẻ của Đại thừa, và cũng như sau này ông sáng tác thành công Trung Quán Luận bất hủ.

Duy Ma Kinh cũng chủ trương tư tưởng “không”. Điểm chung trong kinh điển là tư tưởng về bản thể Không, mà Long Thọ đã nắm bắt, thể hiện trong Trung Quán Luận.

Nội dung Trung luận là làm sáng tỏ pháp Quán trung đạo cho nên còn gọi là Trung quán luận. Trung có nghĩa là rời khỏi sự điên đảo hí luận khỏi hai cực đoan là không (vô) và có (hữu). Pháp Quán trung đạo này lấy trí tuệ tính không làm thể, lấy sự quán chiếu nhân duyên, trung đạo, bất nhị, xa lìa vọng chấp hữu-vô làm dụng. Nguồn gốc phép quán này chính là khái niệm Chính kiến mang nghĩa trung đạo xa lìa chấp có, chấp không mà Đức Phật đã thuyết trong Tạp A Hàm, kinh số 301 Tán-đà Ca-chiên-diên (Kaccayanagotta). Chính tức là trung, còn kiến tức là quán, chính kiến tức là trung quán.

Thứ hai, Đại thừa nội dung chủ đạo là Bi và Trí. Nếu như Phật giáo nguyên thủy chú trọng đến giải thoát cá nhân. Thì Đại thừa hướng sự giải thoát đến đại đồng quần chúng và những thực thể có tri giác.

Thứ ba, Bồ đề tâm. Đại thừa phổ quát “lấy lợi tha làm tự lợi”, ý tưởng này ngày nay có sức nặng mạnh mẽ và vô cùng uy tín, từ đó sinh ra khái niệm Từ Bi và con đường của Bồ Tát, “Phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo” điều chưa từng xuất hiện ở giai đoạn đầu của Đức Phật giảng đạo.

Thứ tư, Khái niệm mới sinh nữa là Trí Huệ. Trí Huệ là hành trình của Giác ngộ, và hành trình Trí Huệ được hiểu một cách rất minh triết, không còn giản đơn như ban đầu nữa. Trí Huệ quan tâm đến sự phát triển, muốn làm gì thì làm, học gì thì học phải có hiệu quả, phải làm sao đưa tới trạng thái “thêm” được kiến thức, thêm được hiểu biết và cứ thế dần dần tới cuối cùng là trạng thái Giác ngộ hoàn toàn. Người ta gọi đó là Minh triết hoàn hảo.

Rất biện chứng và tiến bộ. Phật giáo Đại thừa đã làm mới và hoàn thiện hơn cho những giản đơn của Phật giáo nguyên thủy mà Tiểu thừa còn đang theo đuổi.

Thứ năm, Phật giáo Đại thừa đã đặt ra lòng Bi là một nét hơi khác so với Tiểu thừa. Phật giáo nguyên thủy công bằng đến mức tuyệt đối chỉ đặt người ta vào Nhân-Quả và “của ai người đó lãnh chịu”, nhưng Đại Thừa lại để cho các Bồ Tát đem lòng Bi của mình ra gánh vác giúp bớt cho chúng sinh, và đôi khi chúng sinh vẫn kêu cầu Bồ Tát là vì lẽ đó. Bồ Tát cứu độ chúng sinh là vì Bồ Tát phải thế, giống như việc “nhất định phải thế”, cứu vớt bình đẳng chứ không phải vì Bồ Tát có trái tim nóng hổi biết yêu, ghét và quí những ai “nịnh” ngài tốt hơn.

Tổng quát Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh và nhằm phát triển một số đặc điểm sau:

Tính phổ biến: Tin tưởng mọi chúng sinh đều có Phật tính và chắc chắn đều sẽ thành Phật nếu nỗ lực tu tập;

Tâm Bồ-đề: Mọi nỗ lực đều nhằm phát triển trí tuệ vốn có của mọi người cho đến khi viên mãn;

Từ bi: Phát triển tình thương rộng lớn đối với hết thảy chúng sinh, đây được xem là lý tưởng Bồ-tát;

Tính thường trụ siêu việt: Chư Phật, Bồ-tát thường trụ ở khắp nơi, ở mọi lúc để cứu độ chúng sinh.

6. Triết lý hành động theo Lăng Già.

Thứ nhất, Duy Tâm. Triết lý Kinh Lăng Già là một bộ triết lý đại thừa viên đốn, có ý nghĩa thâm sâu. Triết lý này là nòng cốt của Phật giáo, thiền tông dùng triết lý lăng già làm yếu chỉ thực hành. Triết lý Lăng già là tài sản chung cao nhất của triết lý đại thừa. Ngày xưa khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma sau khi ấn chứng cho ngài Huệ khả cũng trao cho Ngài triết lý Lăng già và dạy rằng: Huệ Khả triết lý này dùng để ấn tâm. Triết lý Phật giáo đại thừa xuất phát từ tâm, các pháp cũng từ tâm lưu xuất, nên chúng ta cần thấu hiểu chơn tâm đã từ vô thỉ ở ngay nơi chính mình để làm phương pháp thực hành.

Cơ sở hành động triết lý của Đại thừa: bằng tuệ giác và tình yêu, thế giới này được nhận thức như là hoa đốm giữa hư không, vượt ra ngoài tính chất khởi sinh, băng hoại và hủy diệt, vượt ra ngoài quan niệm về hiện hữu và về sự không hiện hữu. Đó cũng là tư tưởng chủ đạo của Kinh Lăng-già: “Utpādabhaṅgarahito lokaḥ khapuṣpasaṃnibhaḥ/ sadasannopalabdhas te prajñayā kṛpayā ca te.”; Nhờ hiểu rõ pháp duyên sinh của con người và thế giới, và cũng thấy được vô ngã từ đó phát tâm đại bi thực hành hạnh Bồ tát:

“Thế gian ly sinh diệt

Do như hư không hoa

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng đại bi tâm”.

Thứ hai, Tâm bi. Nếu chúng ta phát triển tâm bi, những kinh nghiệm tâm linh khác sẽ tự nhiên khởi lên trong ta. Tâm bi là gốc của tất cả đức hạnh. Nó giúp ta thoát khỏi sự chấp ngã. Vì Phật tính luôn hiện diện trong ta, tất cả chúng ta đều có khả năng khai mở tâm bi to lớn, hào phóng và rộng lượng. Tâm bi mở rộng tâm thức khép kín và đông cứng của ta. Nó làm an bình tâm thái hoang dã và chuyển hóa tính khí lạnh lẽo, mục nát và tiêu cực của ta. Nó đem chúng ta ra khỏi tối tăm, những tù ngục ngăn che được tạo tác bởi tính ích kỷ và sự chán nản để trở thành ánh sáng ban ngày. Thay vì lôi cuốn người khác phục vụ cho bản ngã hoang dã của mình, ta có thể tìm ra trung tâm thật sự của mình nhờ lòng bi mẫn đối với những người khác. Tâm bi là bản tính chữa lành của tâm ta, qua đó ta có thể tìm thấy an bình.

Thứ ba, Lý tưởng bồ tát.

Có thể nói rằng một trong những học thuyết nổi bật của Phật giáo Đại thừa là học thuyết Bồ-tát, mặc dù khái niệm Bồ-tát đã xuất hiện trước đó trong Phật giáo Theravāda. Với việc xây dựng hình tượng Bồ-tát lý tưởng đi cùng với những nguyên tắc tu tập và thệ nguyện cứu độ chúng sinh, Phật giáo Đại thừa thể hiện là một tôn giáo đề cao tinh thần nhập thế tích cực.

Theo kinh Lăng-già, Bồ-tát vì muốn độ tất cả chúng sinh đạt đến Niết-bàn nên phát nguyện ở lại thế giới nhiều khổ đau này để làm lợi ích cho chúng sinh.

Kinh điển Đại thừa như vậy cho thấy phạm vi hành hoạt của Bồ-tát vô cùng đa dạng. Trong thời hiện đại, nhiệm vụ của Bồ-tát càng trở nên đa dạng hơn trong một xã hội với nhiều khía cạnh đan xen chất chồng. Sự nghiệp hành hoạt của một vị Bồ-tát, do đó, không chỉ giới hạn sự quan tâm của mình vào những người đã yên vị trong những thiền đường mát mẻ hay thảnh thơi niệm Phật trong những tòa chính điện cao rộng, trong khi bên ngoài còn vô số con người đang chịu những đau khổ bởi những nguyên nhân khác nhau.

Acalā có nghĩa là bất động (immovable).

Trong Lăng Già, Bất động có nghĩa là không còn bị dao động bởi hữu và phi hữu (vô), nên gọi là bất động (Dvayasamjnāvicalanād acalā ca nirucyate). Ý nghĩa này được Bồ tát Đại Huệ tán thán đức Thế Tôn qua bài kệ mở đầu Lăng Già:

“Thế giới vượt khỏi cái nhị biên của sinh và tử, nó giống như hoa giữa hư không; người trí thì thoát khỏi những ý niệm về hữu và phi hũu (vô), tuy thế, một trái tim đại từ bi vẫn khởi dậy trong họ”.

“世 間 離 生 滅, 猶 如 虛 空 花, 智 不 得 有 無, 而 興 大 悲 心”. DịchÂm:

“Thế gian ly sinh diệt,

Do như hư không hoa,

Trí bất đắc hữu vô,

Nhi hưng đại bi tâm”.

Bài kệ trên cho thấy triết lý hành động của Đại thừa là: Tuệ giác và Tình yêu. Tuệ giác vượt thoát hữu vô, tâm vô phân biệt, bất động vì chứng nghiệm cái thế giới như hoa đốm giữa hư không, như thật tuệ tri “một do tất cả thành, tất cả đều do một”; và từ đó Tình yêu hưng khởi, vô ngại tự tại.

Câu cuối của bài kệ: “Tuy thế một trái tim đại từ bi vẫn khỏi dậy trong họ – 而 興 大悲 心 (Nhi hưng đại bi tâm)” được lặp lại trong bốn bài kệ đâu tiên. Đây là nội dung quan trọng nhất không những trong triết học Lăng-già mà cả trong toàn bộ giáo lý Phật giáo Đại thừa.

Vậy, triết lý hành động của Đại thừa là triết lý bất động (Acalā). Bất động là vượt thoát hữu vô, thực hành bi nguyện, lợi ích vô biên thế giới.

Trong câu mở đầu của bài tựa Lăng Nghiêm: Diệu trạm tổng trì bất động tôn (妙 湛 總 持 不 動 尊) cho thấy: Diệu trạm là Báo thân Phật; tổng trì là Ứng thân hay cũng gọi là Hóa thân Phật; Bất động là Pháp thân Phật. Câu này để tán thán Phật, là tán thán chung ba thân của đức Phật. Một là báo thân, tịnh trí viên hiển gọi là diệu trạm. Hai là hóa thân, tùy duyên phổ ứng gọi là tổng trì. Ba là Pháp thân, bổn thể thường tịch gọi là bất động, mà ba thân đều là diệu trạm, ba tức là một vậy. Ba thân đều là tổng trì, một tức là ba vậy, ba thân đều bất động, không phải một, không phải ba, là ba là một vậy. Cho nên đặc biệt dùng chữ diệu để quán suốt bao gồm tất cả. Chỉ có đức Phật là đấng tôn quý cao thượng nhất trong tất cả thế gian chín pháp giới, nên xưng là tôn vậy. Bất động trong bất động địa (不 動 地, acalā bhūmi) là địa thứ tám của thập địa: trong giai đoạn này, không còn bất kì cảnh ngộ gì làm Bồ Tát dao động. Công phu tu tập được thực hiện một cách vô ngại. Theo kinh Giải thâm mật thì những phiền não vi tế nhất cũng bị diệt trừ ở đây.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Kinh Lang Gia 1

CHƯƠNG II: PHÂN TÍCH TRIẾT LÝ ACALA

1. Acàla là bất động (Triết lý hành động đại thừa)

Thứ nhất, Acalā có nghĩa là không bị dao động bởi các hiện tướng hữu vô nên gọi là Bất động, bất động trong trường hợp này gọi là thanh tịnh (Visagdhi).

Trong Kinh Lăng già nói:

“Vạn pháp đều như huyễn,

Xa lìa tâm và thức,

Trí không chấp có,

không Hưng khởi tâm đại bi”.

Lục Tổ Huệ Năng nói: Bản lai vô nhất vật nghĩa là xưa nay vốn chẳng có vật gì. Khi quán tưởng muôn vật bằng trí và bằng bi thì thấy như ảo giác (chiêm bao, ảo thuật gia, vòng lửa, bóng chớp…), vạn pháp đều như huyễn, ngoài sức lãnh hội của tâm thức cũng không thể nói “có” hay là “không”. Có nhưng đó là trò huyễn hóa, chỉ là sự phơi bày giả, không thật. Lập trường trong kinh Lăng Già giống duy thức: Nhất thiết duy tâm tạo, mọi vật đều do tâm thức tạo ra. Ví như gương sáng hiện các sắc tướng, tất cả đều do tâm quyết định. Như trong kinh Nikaya, bản chất các pháp hữu vi là duyên sinh, giả hợp, vô thường, khổ, vô ngã, thì đây trong kinh Lăng Già xưa nay vốn chẳng có vật gì, từ thức mà hiện ra, cũng như hoa đốm hư không, sinh diệt biến chuyển không dừng. Một hành giả tu tập hay một vị Bồ tát nhờ thấy rõ các pháp sinh diệt như vậy nên xa lìa chấp có, không. Khởi tâm đại bi thương xót chúng sinh đang còn trầm luân trong biển khổ, tham đắm, chấp trước và từ đó có thể làm vô lượng công hạnh khó làm, dùng vô số phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh, đưa chúng sinh đến bờ giải thoát. Từ đó thêm lớn vô lượng trí huệ công đức, chứng nhập trí tuệ quảng đại của chư Phật, được trăm ngàn đại tam muội, Bồ-tát trở thành Như Lai đầy đủ “Nhất thiết trí”. Đại thừa vắng bóng đối tượng, đối tác, chỉ có từ bi tâm, trí năng và thực nghiệm là cốt lõi của sự tu.

Hai là không bị dính mắc, trói buộc vào các pháp (vô trú) nên gọi là bất động.

Đại thừa, Kinh Lăng Già lý giải các pháp qua nguyên lý tính không (Sùnyatà), “không” ở đây không phải là không có, mà các pháp đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, thực tướng của chúng là “không”. Đủ duyên hợp lại tạm gọi là sinh, hết duyên hoại gọi là diệt, sinh diệt trong từng sát na. Trong Trung Quán Luận có bài kệ:

Âm: “Chúng nhân duyên sinh pháp,

Ngã thuyết tức thị không,

Diệc như thị giả danh,

Diệc thị trung đạo ngã”.

Nghĩa: Pháp do các duyên sinh, ta nói đó là không, cũng chính là giả danh, cũng nghĩa là trung đạo”[2,10]. Phương pháp Trung đạo, Duyên khởi cũng chỉ là một trong “chân như diệu hữu”. Hay nói cách khác.

“Các pháp nâng đỡ nhau, Để biểu hiện trong đời. Biểu hiện nhưng không thường, Mất đi nhưng không đoạn, Hiện ẩn chỉ là tạm, Cũng gọi là Giả danh, Hay cũng là Trung đạo”.

Hòa Thượng Thiện Siêu nói “Thật tướng của các pháp vốn là duyên khởi vô tính, luôn luôn vắng lặng bình đẳng, siêu việt hết thảy tướng, không vướng vào nhị biên có, không, sinh, diệt v.v…, nên gọi là trung đạo”[3.5].

Phật giáo nhìn mọi sự vật hiện tượng dưới cái nhìn duyên sinh. Các pháp ở thế gian vận hành theo nguyên lý duyên sinh, đủ duyên họp lại tạm gọi là sinh, hết duyên tan rã, tạm gọi là diệt, không có một pháp nào là riêng biệt, độc lập, bản thân nó vô ngã. Nhờ thấy rõ bản chất duyên sinh của các pháp, nên một vị Bồ tát không dính mắc, trói buộc vào các pháp và khởi tâm đại bi đến các chúng sinh.

Bài kệ đầu tiên của kinh Lăng-già là của Bồ- tát Đại Huệ tán thán Đức Phật.

“Biết nhân pháp vô ngã Phiền não và sở tri

Thường thanh tịnh vô tướng Mà hưng tâm đại bi”.

Nhờ biết nó vô thường, duyên sinh, vô ngã nên Bồ tát sống với tinh thần vô ngã vị tha, quên mình vì người, với tâm từ bi rộng lớn, thanh tịnh, không dính mắc nương chấp trước vào cái gì, đó cũng là con đường Phật đi và Phật dạy trong Kinh Đại niệm xứ (Kinh Trung bộ số 10).

“Tỳ kheo sống chính niệm Để gột rửa tham ưu

Không nương tựa chấp trước Bất cứ gì trên đời”[4,99].

Vô công dụng hạnh

Kinh Lăng Già nói:

“Thế gian lìa sinh diệt Giống như hoa trong không

Trí chẳng đắc có không Mà hưng tâm đại bi.

Tình yêu của đức Phật dành cho chúng sinh là tình yêu vô ngã, vị tha. Nó sinh khởi từ một tâm vô phân biệt, nó thể hiện trong thái độ vô mục đích (Vô công dụng hạnh – Anàbhogacaryà). Đó là lòng đại từ bi của đức Như Lai thương xót chúng sinh không bao giờ ngưng dứt cho đến khi hết thảy chúng sinh không bao giờ ngưng dứt cho đến khi hết thảy chúng sinh được dẫn đến trú xứ Niết-bàn tối hậu một cách hạnh phúc. Như kinh Kim Cương nói: “Độ tất cả chúng sinh mà thật không có chúng sinh nào được độ”, “hành nhi vô hành” vậy. Tình yêu thương và lòng từ bi bao la của mình của Phật và Bồ tát xem tất cả chúng sinh như đứa con độc nhất của mình. Tất cả mọi tư tưởng của Ngài đều hướng đến những chúng sinh đau khổ và Ngài muốn hy sinh niềm hỷ lạc của chân tính tuyệt đối và tự định (Samàdhi-Sukhabhùtaktyù Vinivàrya).

Các phương tiện thiện xảo

Bản chất của tình yêu là mưu định, sáng tạo, thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi khác nhau, tình yêu của đức Phật không ngoài những điều ấy. Ngài vận dụng các phương tiện thiện xảo (Upàyakau’salya) của lòng từ bi và trí tuệ đưa chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi. Cũng từ đó tính nhất thể từ tâm giác ngộ của Phật trở thành đa tính của các hiện hữu đặc thù. Đức Phật đối với chúng sinh như một thầy thuốc uyên thâm chữa trị các thứ bệnh khiến cho chúng sinh thoát khổ, đó là nhờ vào các phương tiện thiện xảo vậy!

Trong đại thừa Phật giáo không chỉ có đức Phật lo lắng cứu giúp chúng sinh, mà còn các vị Bồ tát (như những người con ruột) đi theo con đường của Ngài nguyện gần gũi và chia sẻ những khổ đau của chúng sinh với “vô tận nguyện” (Da’sanishthàpáda) như “Mười nguyện Phổ Hiền” đây cũng gọi là vị đề hồ chửa lành các căn bệnh cho chúng sinh bằng gia trì lực (Adhisthàva) của chư Phật để đưa toàn bộ ba cõi đến chứng ngộ.

“Là Phật tử quyết đi bỉ ngạn,

Vai ném xong gánh nặng hồng trần,

Dù cho vạn khổ thiên tân.

Bước chân hành giả không ngừng lại đâu”.

2. Tinh thần của Bồ tát đại thừa.

Bồ Tát theo Đại thừa, là những vị mang hạnh nguyện cao cả, tình nguyện dấn thân vào hồng trần để cứu độ chúng sinh, để bổ túc cho pháp tu và công hạnh của mình. Lấy chúng sinh hữu tình làm bạn lữ, trợ duyên cho Bồ Tát hoàn thành Phật quả. Và trong quá trình tu tập và nhập thế độ sinh, Bồ Tát thường thực hành nhiều đại hạnh. Trước tiên là Lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tất cả những thứ ấy nhằm bổ túc Ba-la-mật cho mình, vừa để độ sinh; vừa hoàn thiện sự tu tập và vừa giúp chúng sinh ra ngoài vòng đau khổ, lên bỉ ngạn an vui. Với lòng từ rộng lớn, không nỡ để chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử, nên Bồ Tát đi vào cuộc đời để hóa độ và tu hành.

Bồ Tát với Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), phát nguyện đi vào cuộc đời để độ chúng sinh, dù gian lao khổ nhọc chẳng quản, miễn sao độ được người. Ngoài ra, Bồ Tát cần có Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), làm lợi ích cho chúng sinh và giáo hóa họ. Dùng tài vật, lời nói, việc làm để cảm hóa họ và đưa họ về chính đạo, hoặc cùng làm việc với họ và hóa độ họ. Vì công việc độ sinh mà Bồ Tát không từ lao nhọc. Bồ Tát sống với thế gian mà không bị nhiễm ô bởi thế gian, như hoa sen sống trong bùn. Bồ Tát tự độ, độ tha, đi vào cuộc sống nhưng không bị đắm nhiễm bởi ngũ dục lục trần. Hòa mà không tan, tùy duyên mà bất biến, bất biến nhưng tùy duyên. Bồ tát có thể dùng nhiều phương tiện đi vào cuộc sống, vừa tu tập và giúp bao chúng hữu tình quay về bờ giác. Vì chúng sinh khổ nên Bồ Tát tình nguyện dấn thân hóa độ, tận tụy, hy sinh lợi ích cá nhân để đem lại lợi ích tha nhân.

CHƯƠNG III: ỨNG DỤNG TU TẬP TRIẾT LÝ ACALA VÀ PHỤNG SỰ.

1. Ứng dụng tu tập cá nhân

Triết lý của Lăng Già là nhấn mạnh vào phần thể chứng của chân lý tự nội, trong ý nghĩa chân thật bằng trí tuệ thăm sâu, trong mối quan hệ biến chuyển sinh và bất sinh của sự vật, vượt ra ngoài nhị biên, thoát khỏi cập phàm trù đối đãi hữu và phi hữu, sinh và diệt, và cũng không bị chi phối bởi luật nhân duyên, nhân quả.

Không thuộc bốn mệnh đề của tứ cú: Sinh –bất sinh – chẳng sinh chẳng bất sinh, cũng sinh cũng bất sinh – Chân lý vô sinh cần được nhận thức bằng thực chứng kinh nghiệm, trong sự tuyệt đối thường hằng về cái nhìn như thực của các pháp, trong mối quan hệ uẩn xứ và giới, thân tâm có sự hỗ trợ hòa hợp và tương đồng.

“Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh, hữu tướng vô tâm thì tướng tùng tâm diệt” khi tâm chúng ta có được niềm an vui, Phật giáo gọi là có sự hỷ lạc thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng ánh mắt cử chỉ hành động rất là thân thiện dễ gần, ngược lại khi tâm chúng ta đầy rẫy sự sân hận tính toán so đo thì chúng ta biểu hiện ra bên ngoài sự bực dọc khó chịu, ngược lại khi thân của chúng ta được sống trong môi trường dễ thương thì đó là tạo điều kiện cho tâm của chúng ta phát triển được những cái tâm thiện. khi thân chúng ta sống trong môi trường nóng bức lạnh lẽo thì làm cho tâm chúng ta khô cằn và nghèo nàn như vậy thôi, nhưng đây chỉ là những sáng tạo hay xây dưng bởi tâm chúng ta, nhưng nếu chúng ta bị trói buộc do những vọng tưởng ta sẽ vẫn còn rơi vào sinh tử, không đạt được tột cùng của giải thoát là “Vô sinh pháp nhẫn”.

Trong kinh Lăng già Đức Phật dạy về trừ ngã chấp và pháp chấp: khuyên tu quán pháp vô ngã, Đức Phật nói nhiều về duyên sinh, giả hợp. Các pháp là giả, huyễn. Cảnh bên ngoài cũng do tâm bày ra. Chỉ trừ một vài pháp vô vi, còn lại hầu hết các pháp hữu vi cũng do vọng tâm mà thành, nên cũng chẳng quan trọng gì để trừ pháp chấp. Sum la vạn tượng này là duyên sinh, giả hợp, do vọng tâm biến hiện, có đó rồi một thời gian cũng sẽ mất đó.

Thế gian này có chấp hữu, chấp vô trong đó có hữu ngã, vô ngã, có pháp, không pháp. Có câu “Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không”. Nhưng đôi khi chấp không cũng có tai hại. Gây chán nản thụ động, tiêu cực. Bằng cấp, chức vụ, cái gì cũng không quan trọng nên không làm gì hết.

Trong ứng xử đôi khi có lỗi, cái gì cũng không nên không có ai to, ai nhỏ, Hòa thượng hay chú tiểu cũng vậy thôi, tu sĩ hay cư sĩ cũng như nhau, chủ yếu tu là giác ngộ, không giới hạn, không phân biệt, không có cao thấp trước sau. Vì vậy việc chấp không đó sẽ gây ra sự lộn xộn trong đoàn thể.

Hiển nhiên chấp có là gây trở ngại, có tích lũy, khổ đau, sinh tử, luân hồi. Bản thân chúng ta là duyên sinh giả hợp, các pháp bên ngoài cũng vậy. chúng ta cần phải liên tục tu tập để thấy được và trừ chấp ngã, chấp pháp. Thành thật nhìn lại mình tu bao nhiêu năm đến nay chấp ngã, chấp pháp, phiền não, tự tại giải thoát lớn hay nhỏ hơn lúc xưa, đó là những điều quan trọng. Không có gì cũng được nhưng phải trừ ngã chấp, pháp chấp, phải thanh thản, tự tại giải thoát, tùy duyên tu tập và hành đạo.

Thế gian thường bị tám ngọn gió làm lay động làm cho cuộc sống con người bị xáo trộn còn gọi là bát phong. Tám ngọn gió này gồm: lợi – suy, hủy – dự, xưng – cơ, khổ – lạc. Triết lý Acalā dạy cho chúng ta tinh thần bất động, hay nói dễ hiểu hơn là giữ được bình tĩnh khi đối duyên xúc cảnh. Kinh Pháp cú số 13 Phật dạy:

“Như tảng đá kiên cố Gió thổi không lay động

Người trí tâm an định Bất động trước khen chê”.

Thiền sư Yantra Amaro dạy!

“Khi một tiếp xúc xảy ra,

Hãy để tâm con không thiên lệch.

Không chán ghét hay ham ưa,

Cũng không bị cảm xúc cuốn đi,

Chỉ nhẹ nhàng chính niệm,

Giữ sự nhận biết rõ ràng, sáng suốt bên trong.

Tâm con có chính niệm, tỉnh giác đồng hành,

Sẽ vượt thoát mọi phiền não, khổ đau!”[5.115].

Thiền sư Yantra Amaro thì dạy, khi sáu căn tiếp căn tiếp xúc sáu trần, đừng để tâm thiên lệnh. Triết lý Acàla –bất động dạy cho chúng ta không thiên lệch, cũng có nghĩa là trung đạo. Gặp cảnh vừa ý cũng không tham, trái ý cũng không sân, chính niệm, làm chủ cảm xúc, thì sẽ thoát khỏi khổ đau. Vì tất các pháp đều do duyên sinh, nó sinh diệt trong từng sát na, nên ngay cả ý niệm, tâm tham, sân nó cũng không thật, không tồn lâu dài. Sở dĩ chúng ta khổ đau là chúng ta chấp vào nó là thật, là của mình, một lòng chìu theo những tham muốn dục vọng của mình nên mới đau khổ. Khi hiểu rõ các pháp là duyên sinh nên nó vô thường, vô ngã. Hay hiểu rõ đau khổ và con đường thoát khỏi đau khổ, từ đó nhìn chúng sinh đang đau khổ, chúng ta thương xót, một cách tự nhiên mà mong muốn giúp chúng sinh thoát khổ “Nhi hưng đại bi tâm”.

Bồ-tát ngay từ đầu đã tu tâm bi, trong Bồ-đề tâm thì “nguyện giác ngộ” là trí huệ; và “để độ tất cả chúng sinh” là đại bi. Chính nhờ đại bi mà Bồ-tát vượt khỏi sự giải thoát của bậc Thanh văn:

“Thanh văn thừa rõ biết cảnh giới các chân lý Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, lìa dục, tịch diệt, tâm trụ một cảnh. Đã trụ một cảnh thì được đạo quả thiền định, tam muội giải thoát mà được xuất ly, trụ cảnh giới lạc của tự chứng thánh trí, nhưng chưa hết được tập khí và biến dịch sinh tử không thể nghĩ bàn. Đó là tướng cảnh giới tự chứng thánh trí của Thanh văn thừa. Đại Bồ-tát tuy cũng đắc cảnh giới thánh trí này, nhưng vì thương xót chúng sinh và vì giữ gìn bổn nguyện nên chẳng chứng môn tịch diệt và tam-muội lạc. Các Đại Bồ- tát chẳng nên tu học để vào cái lạc của tự chứng thánh trí ấy”.

Tại sao lòng bi cần có trí huệ? Lòng bi bình thường chỉ là một tình cảm mang tính cảm tính của cá nhân, phát khởi cho một đối tượng nhất định và hạn hẹp, do đó tình cảm ấy nhỏ hẹp và thường thiên lệch. Lòng bi của Bồ-tát phải khách quan, nghĩa là phải cần trí huệ để không bị giới hạn trong chủ thể và đối tượng (“Biết nhân pháp vô ngã”), không bị ngăn che bởi phiền não chướng và sở tri chướng (“Phiền não và sở tri”). Chính vì không bị giới hạn trong tâm thức bình thường bị phân mảnh bởi các tướng mà lòng bi trở thành đại bi. Trí huệ tính Không phá vỡ sự ngưng đọng vào các tướng che chướng ngăn ngại trong tâm khiến cho tâm mỗi lúc một rộng lớn để trở thành “vô ngại đại bi tâm”. Như thế, như huyễn và đại bi là một.

Ở phần mở đầu kinh Lăng-già, Đức Phật đã cười hai lần vì thấy tất cả đều duy tâm như huyễn: “Khiến họ biết những cái được thấy đều là tự tâm, đoạn dứt tất cả kiến chấp ta và cái của ta, lìa các ác nhân duyên năng tác sở tác, rõ biết duy tâm, chuyển ý thành lạc, khéo rõ các địa, vào cảnh giới Phật, xả bỏ các kiến phân biệt về năm pháp, ba tự tính”.

Phiền não tức bồ đề: Hòa thượng Viên Minh dạy:

“Cuộc đời là vị thầy

Dạy biết bao chân lý

Chính nước mắt rơi đầy

Là những lời khai thị”[6].

Hòa thượng dạy, các pháp ở thế gian, diễn tiến đúng như lý, như pháp vốn rất hoàn hảo. Sai lầm của con là muốn nó hoàn hảo theo ý mình nên mới có khổ đau. Hòa thượng dạy thêm, cho dù cuộc sống có một ngàn lần hạnh phúc cũng không bằng một lần đau khổ, vì chính lần đau khổ đó mang đến cho ta bài học chân lý quý báu, thế nào là vô thường của cuộc sống, còn hạnh phúc khi chúng ta muốn gì được nấy thì chỉ làm cho chúng ta thêm tham đắm, chấp trước mà thôi.

“Pháp vốn tự hoàn hảo,

Trong chính sự bất toàn

Ai thấy pháp như thị,

Mới thoát khỏi vô minh”.

Vì thế chỉ cần ta thay đổi thái độ sống và cách nhìn, nhìn mọi vật như nó đang là, không khởi tâm tham luyến khi gặp chuyện vừa ý, cũng không khởi tâm sân giận khi gặp chuyện trái ý nghịch lòng, thì tâm vẫn an thì, thì phiền não chính là Bồ đề vậy.

2. Phụng sự.

Phật giáo đại thừa với tinh thần nhập thế, triết lý Acalā – bất động rất nhân bản: Giáo dục nhân bản của đức Phật nhấn mạnh đời sống thực tại với bản chất con người “phương châm hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình, là phương châm sống động và thiết thực nhất để cải tạo xã hội, bằng phương pháp chính niệm tỉnh thức, chứng nghiệm thực tại, biện pháp này siêu vượt, chỉ thẳng cốt lõi vào các tâm bệnh của con người. Thế gian cũng dạy con người đạo đức, nhưng thiếu thực hành, vì vậy còn nhiều tật xấu trong con người dẫn đến đấu tranh, xung đột, đầu tư, tích trữ, tham lam, ích kỷ v.v…, tạo ra vô số điều xấu cho nhân loại. Phật giáo, dạy con người đạo đức thực hành, chứng nghiệm, thâu nhiếp bên trong, làm chủ chính mình, thoát khỏi khổ đau. Khi làm chủ chính mình thì làm bất cứ việc gì cũng mang lại lợi ích cho xã hội. Vì chỉ một chút không làm chủ được chính mình nhân sân hận hay tham lam, không làm chủ bản tâm thì dẫn đến hành động tiêu cực và dẫn đến hệ thống chính trị trở nên tiêu cực và làm lụng bại xã hội.

Sự chuyển hóa của mỗi cá nhân dẫn đến sự chuyển hóa xã hội, làm tăng trưởng những mặt tích cực của con người hướng đến những giá trị đạo đức tốt đẹp, trí tuệ để sống tốt đời đẹp đạo. Đồng thời chuyển hóa những mặt tiêu cực, bất thiện của con người ở mọi lĩnh vực giúp con người sống ngày một có đạo đức, văn hóa và xã hội ngày một ổn định hơn.

Phật giáo lấy con người làm đối tượng cho sự phục vụ. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, con người là đối tượng nhận thức xã hội, là trung tâm điểm của Phật giáo. Kinh Lăng Già được xem là lò luyện Bồ tát với tâm đại bi vì chúng sinh khổ mà phát Bồ đề tâm thực hành Bồ tát với tinh thần vô ngã, vị tha.

Đạo Phật xuất hiện trên thế gian vì phúc lợi, an lạc, hạnh phúc của mọi loài, dạy con người vượt thoát khổ đau, đưa con người đến chỗ Thánh thiện, cái thiện của Bậc thánh với tinh thần vô ngã vị tha. Ngài dạy chư tỳ kheo: Hãy du hành vì lợi ích số đông, vì lợi ích của chư thiên và loài người, kinh Lăng Già “Nhi hưng đại bi tâm” thể hiện tinh thần nhập thế cao đẹp của đức Phật. Làm mà không thấy mình làm, vì người quên mình, luôn luôn sống và làm những việc lợi ích đem lại hạnh phúc cho người. Chính tinh thần vô ngã vị tha này, nó là một trong những điểm quan trọng khiến Phật giáo phát huy và tồn tại khi đi đến bất kì quốc gia nào.

KẾT LUẬN

Điều rốt ráo cùng tột của người tu hành không phải là quảng học đa văn, mà chính thành tựu được an lạc giải thoát ở nội tâm, Lăng Già gọi là sự Tự chứng thánh trí, thiền tông gọi là kiến tính. Sự Tự chứng tự nội là kết quả rốt ráo của quá trình tu tập mà Lăng Già luôn hướng hành giả tu tập phải đạt đến. Sự chứng ngộ của Đức Phật và chúng sinh là sự chuyển mê khai ngộ, chuyển nhiễm thành tịnh, chuyển chúng sinh tính thành Phật tính.

Sự chuyển hóa mỗi cá nhân trên tinh thần Acàla, giúp bản thân chứng đạt thánh trí (bát nhã trí), thể chứng tự nội, vừa là phương tiện hưng khởi từ bi. Acàla, chính là con đường trung đạo, là vô phân biệt trí, là vô sở trú, vô sở đắc, là không nắm cũng không buông, vượt thoát nhị biên đối đãi phân biệt ta – người, có – không, thường – đoạn. Sự nghiệp của Bồ tát hay mục đích của đại thừa được cô động thành một chữ Acàla. Triết lý Acala là chìa khóa tâm linh (holy key) mở ra thông lộ cho mọi ngỏ bí trong tu tập và phụng sự, là phương tiện thiện xảo thực hành Bồ tát đạo. Acala, lập trình lại cái hiểu, cái thấy, cái tư duy và cái hành giúp hành giả đạt được sự giải thoát.

Hành động triết lý đại thừa Acàla trong kinh Lăng Già là nguồn sinh lực duy nhất để xây xựng thế giới văn hóa tâm linh, an bình…, xã hội được xây đựng trên nền tảng đạo đức, tình thương và lòng từ bi, hóa giải những xung đột nội tại cá nhân, dẫn đến xã hội ổn định, phát triển, công bằng dân chủ, văn minh. Con người thật sự có cuộc sống an lạc và hạnh phúc và hoàn thiện hơn. Đó cũng là những giá trị thiết thực mà triết lý hành động đại thừa Acàla đem lại.

Tác giả: Thích Thiện Nhựt (Nguyễn Đệ)
Viện Chuyên Tu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. SÁCH
1. Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn (dịch), Lăng Già Đại thừa kinh. Nxb.
Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
2. Thích Hạnh Bình, Lược giảng Luận Trung Quán, NXB Phương Đông, TPHCM,
2014.
3. Thích Thiện Siêu dịch và tóm tắt, Trung Luận, Nxb. TPHCM, 2001.
4. HT Thích Minh Châu dịch, Ni sư Trí Hải tóm tắt và chú giải. Toát yếu kinh Trung Bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2013.
5. Thiền sư Yantra Amaro, Phan Việt chấp bút, “Trái tim không”. Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội.
II. WEBSITES
6. http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ThienPhatGiao/index.htm Hòa Thượng Viên Minh (ngày 20/07/2022).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Thích Nguyên Sĩ 31/10/2023 - 09:32

Duy tâm, phạn ngữ cittamatra đây là dạng viết tắc của hợp từ bahuvri, gọi đủ duy tâm là duy tự tâm sở kiến (svqcittadrsyamatra); trong đây svacitta chỉ cho hệ thống nhận thức gồm hiện thức và phân biệt sự thức; và hoạt động nhận thức qua 3 dạng: chuyển tướng, nghiệp tướng và chân tướng. Không nên tiểu thuyết hóa học thuyết Duy tâm của Lăng Già thành absolute.

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường