Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Luận bàn về “phương tiện” trong Phật giáo

Luận bàn về “phương tiện” trong Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: ĐĐ.Thích Chúc Duyên
Học viên Cao học K.4 Học viện PGVN tại Tp.HCM

I. Dẫn nhập

“Phật pháp bất ly thế gian giác”, tức thế gian nương vào đạo để hoàn thiện đạo đức con người; phật pháp không lìa xa thế gian với mục đích hóa độ chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Hai yếu tố này luôn luôn gắn kết, làm phương tiện lẫn nhau nhằm đem lại một cuộc sống hiền thiện, hướng thượng. Trong văn học Pali, đó được gọi là “phương tiện thiện xảo”. Về sau, Đại thừa Phật giáo gọi tắt là “phương tiện”.

Phương tiện không đơn thuần là một lời nói, cũng có thể là một hành động, đức Phật đã sử dụng phương tiện trong suốt bốn mươi chín năm, kể từ khi thành Đạo cho đến lúc Ngài nhập Niết-bàn. Trong chuyến hành trình đó, Ngài đem đạo vào đời, lan truyền phật pháp khắp xứ Ấn Độ, làm lợi lạc cho chư Thiên và mọi người. Cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của Ngài thể hiện rõ nét tinh thần nhập thế của Phật giáo.

Phương tiện chính là con đường tạm thời để chuyển hóa, hướng dẫn chúng sinh đạt đến mục đích cao hơn, tốt đẹp hơn, nhưng hành giả cũng không nên chấp thủ mà phải biết buông bỏ khi cần thiết. Ví như một chiếc bè đưa chúng ta qua sông, khi qua sông rồi, chúng ta không nên mang vác chiếc bè theo làm khổ nhọc thân tâm mà hãy bỏ lại bên bờ.

Phương tiện giúp hành giả nhận rõ đâu là mê, đâu là giác, đâu là chính pháp, đâu là phi pháp, từ một kẻ tâm tính bất chính trở thành một con người chân chính, hiền thiện rồi thì hành giả không cần chấp chặt vào các phương tiện ấy. Có thể nói, thước đo chân lý của phương tiện là giá trị phụng sự và bất kỳ ai sử dụng phương tiện mà không đạt được mục đích cao quý, tất cả cũng chỉ là ngụy biện.

Trên thực tế, danh từ “phương tiện” bị lạm dụng quá nhiều. Chẳng hạn, nghi thức quá đường phải theo trình cúng dường Phật, thọ trai rồi mới kiết trai. Tuy nhiên, một số chư tăng lại dùng thuật ngữ “phương tiện trong phương tiện” để đảo trật tự nghi thức, kiết trai trước, thọ trai sau. Cứ như thế, thuật ngữ đó được phổ biến ở các cơ sở, tự viện, vì tiện cho việc “chạy sô” chứng trai và có thể vừa ngồi thọ trai vừa tán gẫu, nói chuyện huyên thuyên với nhau. Thử hỏi, việc sử dụng phương tiện trong trường hợp này có phù hợp chăng?

Lại có thực trạng, danh từ “phật sự” cũng bị sử dụng sai ý nghĩa. Ở đây, “phật sự” (việc của Phật) tức là việc giáo hóa chúng sinh, chuyển hóa tâm thức con người từ mê khai ngộ, hướng con người đến đời sống an lạc, thánh thiện và giải thoát. Hành trình hoằng pháp độ sinh của Ngài không ngoài mục đích đó. Giờ đây, danh từ “phật sự” lại bị phương tiện hóa cho những việc thế sự riêng của bản thân, ngay cả việc làm công tác từ thiện cũng thế, vì đa phần hành giả chỉ giúp được hoàn cảnh của một cá nhân nào đó, chứ tâm họ chưa thoát khổ nên chúng ta không thể gọi là công tác “phật sự” được. Có người cho rằng, những công tác từ thiện, xem bói toán, coi ngày giờ, cúng sao giải hạn,… là phương tiện dẫn dắt con người vào đạo. Thực chất, lợi nhuận cá nhân rất nhiều nhưng việc hướng dẫn người vào đạo rất ít.

Những hiện trạng vừa nêu trên đang là vấn nạn của Phật giáo Việt Nam. Phương tiện thiện xảo đang dần mất đi ý nghĩa cao quý vốn có, bởi hàng tăng sĩ mượn thuật ngữ đó để cung cấp cho lợi ích cá nhân, “mượn đạo tạo đời”. Từ đó, phật tử dần dần giảm tín tâm đối với Tam bảo. Như vậy, hành giả xuất gia vô tình đưa Phật giáo đến chỗ diệt vong. Tất cả đều do lòng tham lam chứa đầy trong tâm thức của hành giả. Chính vì lẽ đó, hành giả cần phải hiểu rõ tường tận ý nghĩa của phương tiện mà thực hành một cách đúng đắn, nhất là phương tiện trong Phật giáo Đại thừa.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Chung Tay Vi Moi Truong 1

II. Nội dung

Phương tiện thiện xảo có nguồn gốc từ tiếng Phạn Upāyakosalla (Pali). Theo từ điển Pali-Anh của Pali Text Society, Upāya[1] là phương pháp, cách tiếp cận (approach); Kosalla[2] là sự thông thạo, thành thạo (proficiency), sự khéo léo (dexterity). Vậy, Upāyakosalla có nghĩa là thành thạo trong cách tiếp cận hay sử dụng phương pháp một cách khéo léo. Theo Phật Quang Đại Từ điển[3], phương tiện là pháp môn tạm thời để dẫn dắt chúng sinh vào đạo, bằng cách sử dụng khéo léo các phương pháp và tùy theo căn cơ, trình độ, nhận thức của mọi người, giúp họ chứng đạt chân lý. Trước khi tìm hiểu về phương tiện trong Phật giáo Đại thừa, chúng ta cần liên hệ đến kinh tạng Nikaya, vì giáo lý của Đại thừa vốn lấy kinh Nikaya làm căn bản.

Trong Trường Bộ kinh, thuật ngữ phương tiện xuất hiện qua pháp thoại của ngài Xá-lợi-phất giảng cho dân chúng Mallā ở xứ Pāvā dưới sự chứng minh của đức Thế Tôn. Bài pháp đó của Tôn giả đã được đức Phật chấp nhận. Nội dung chính của bài pháp là trình bày về các pháp có khả năng dẫn dắt, hướng mọi người đến chỗ an lạc và thanh tịnh. Trong đó, nhóm ba pháp thiện xảo được nói đến như sau: “Ba pháp thiện xảo: Tăng ích thiện xảo, tổn ích thiện xảo, phương tiện thiện xảo”[4]. Ở đây, tuy không giải thích rõ ràng về phương tiện thiện xảo nhưng cung cấp cho chúng ta thông tin phương tiện thiện xảo đã được đức Phật chỉ dạy trong Nikaya.

Ở bộ kinh khác, chúng ta cũng tìm thấy thuật ngữ đó như sau: “Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo thiện xảo khi đi vào, thiện xảo khi đi ra, thiện xảo khi đi đến gần, khởi lên ý muốn đạt được những thiện pháp chưa đạt được, phòng hộ các thiện pháp đã được chứng đắc, có cố gắng để kiên trì tiếp tục”[5]. Khi đối chiếu với ba pháp thiện xảo trên, thiện xảo khi đi đến gần chính là phương tiện thiện xảo. Như vậy, phương tiện còn được hiểu là “đi đến gần” (tiếp cận). Việc đi đến gần không phải chỉ có một cách mà có nhiều cách khác nhau: “Này các Tỷ kheo Hiền hữu, tài trí của đấng Thập lực thật dồi dào phương tiện thiện xảo biết bao! Ngài đã chỉ cho vương tử Nanda (em trai của Ngài) thấy cả bầy thiên nữ xong khiến vị ấy đắc Thánh quả; Ngài lại trao chiếc y cho chàng tiểu thị giả của Ngài và giáo hóa cho chàng chứng quả Thánh quả bốn Thiền chứng. Ngài chỉ đóa hoa sen cho người thợ rèn nọ khiến người ấy đạt Thánh quả. Thật Ngài đang hóa độ chúng sinh với muôn vàn phương tiện khác nhau.”[6]. Chung quy, tất cả đều đem lại an lạc, giải thoát cho mọi người.

Phương tiện nhập thai, thành đạo và nhập Niết-bàn:

Bồ-tát Hộ Minh đản sinh làm người, từ bỏ thế tục, xuất gia tu hành, thành tựu đạo quả, chuyển Pháp luân, rồi nhập Niết-bàn; tất cả không ngoài mục đích thương tất cả chúng sinh như con đỏ, không để chúng sinh cứ mãi nặng kiếp luân hồi. Nói cách khác, Bồ-tát dùng phương tiện thị hiện thân người để dứt mối nghi ngờ của chúng sinh về giáo pháp của Ngài. Một nguyên lý để giải thích thêm điều đó rằng, Ngài không phải sinh trong cung điện cao quý mà Ngài chọn sinh ở dưới gốc cây vắng vẻ để cho chư thiên, mọi người hay mọi loài vật dễ cúng dường. Đây cũng là phương tiện của Bồ tát.

“Này Ca Diếp! Như Lai từ lâu đã trụ nơi đại Niết bàn, thị hiện vô lượng thần thông biến hóa, ở trong cõi đại thiên trăm ức mặt trời mặt trăng, trăm ức Diêm Phù Ðề nầy, thị hiện vô lượng thần thông biến hóa, như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đã có nói nhiều. Hoặc ở Diêm Phù Ðề thị hiện nhập niết bàn, mà chẳng rốt ráo nhập niết bàn. Hoặc ở Diêm Phù Ðề thị hiện vào thai mẹ, làm cho cha mẹ tưởng là con trai của mình sinh đẻ, mà thân của Như Lai đây trọn hẳn chẳng từ nơi ái dục hòa hiệp mà sinh. Như Lai đã lìa ái dục từ nơi vô lượng kiếp rồi. Thân của Như Lai đây chính là pháp thân, vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ”.[7]

Phương tiện tu tập các pháp môn:

Ngày nay, trình độ dân trí tại Việt Nam nói riêng và toàn nhân loại nói chung càng ngày càng được nâng cao do sự phát minh của nền khoa học hiện đại. Người theo học phật pháp không cần phải lo lắng khi không có thời gian đến chùa học giáo lý; chúng ta vẫn có thể tìm hiểu, học hỏi phật pháp qua các phương tiện thông tin, truyền thông. Tuy nhiên, những lời dạy mang tính phương tiện đó cần phải được nhận diện, vượt lên trên hình thức. Như vậy, chúng ta mới có thể đi sâu vào biển phật pháp, thực hành pháp đúng đắn, mang lợi lạc thiết thực ngay trong kiếp sống hiện tại này cho bản thân mình và cho mọi người.

Chẳng hạn, hiện tại, hai pháp môn phương tiện niệm Phật và trì chú của trường phái Tịnh độ tông và Mật tông. Truy tìm về bản gốc của hai trường phái này, chúng ta thấy rằng tịnh độ tông hay mật tông, hai tông phái này hình thành và phát triển Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ năm sau tây lịch, tức vào khoảng mười thế kỷ sáu sau khi đức Phật nhập diệt. Để giúp cho giới bình dân và người già hay người ốm đau có cơ hội tu theo đạo Phật, lời dẫn dụ “Niệm Phật thành Phật” và “Trì chú thành Phật” trở thành phương tiện hấp dẫn, dễ thực hành, thu hút cho rất nhiều người chủ trương. Như vậy, chúng ta thấy được con đường đi theo và thành Phật quả đơn giản và quá hấp dẫn hoặc giả nếu tính kinh tế thì đây là việc đầu tư quá ít mà thành quả thì đạt được quá cao suy ra nhiều người đã đam mê và đã chọn con đường tịnh độ tông hay mật tông để hành trì.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Phuong thuc niem Phat cua Phat giao Nam tong va Bac tong 3

Trên thực tế nghiên cứu, việc niệm Phật cũng giống như niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Đạo đức hay niệm Bố thí và niệm thành quả Vãng sinh về thế giới an lành sau khi chết. Đó là những phương pháp giữ cho tâm của chúng ta luôn ở trạng thái chính niệm trong khi đi, đứng, nằm và ngồi hay nói chuyện, hoặc khi đi ngủ, để chúng ta không trở thành kẻ nô lệ của thói quen mang tính bản năng.

Với chủ trương từ bi và trí tuệ, Phật giáo có rất nhiều pháp môn phương tiện, tùy vào căn cơ của mọi người; đặc biệt, Đại thừa Phật giáo với tám muôn bốn ngàn pháp môn. Cho nên, việc chọn lựa cho bản thân một pháp môn tu tập rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chấp thủ vào pháp môn đó, cho là cứu cánh, vượt lên trên tất cả các pháp môn khác. Sự tình này vẫn đang diễn ra chưa có hồi kết. Bởi thế, đức Thế Tôn đã từng dạy: “Ở đây, chư Tỳ kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: “Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn.” Chư Tỳ kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy.”[8] Người đã vượt qua bờ bên kia tức là những vị đã chứng ngộ thật tướng của các pháp, luôn sống với Chính pháp nhưng lại chấp thủ trong sự thấy biết của mình, cho rằng quả vị A-la-hán là rốt ráo, chẳng cầu Vô thượng Bồ-đề. “Chúng con từ xưa đến nay thực là phật tử mà chỉ ưa nơi pháp Tiểu thừa, nếu chúng con có tâm ham Đại thừa, thời Phật vì chúng con mà nói pháp Đại thừa. Ở trong Kinh này chỉ nói pháp Nhất thừa. Lúc xưa đức Phật ở trước Bồ-tát chê trách Thanh-văn ham pháp Tiểu thừa. Nhưng đức Phật thiệt dùng Đại thừa để giáo hóa…”[9]. Đây là lời của Trưởng lão Xá-lợi-phất bạch với Phật, khi Ngài được Thế Tôn thọ ký sẽ thành Phật. Ở đây, pháp Tiểu thừa là pháp phương tiện đưa đến quả vị A-la-hán. Hàng Thanh văn đắc quả vị đó rồi, lại không chịu hành Bồ-tát đạo, cầu Phật quả mà chỉ biết tự độ và nhập Niết-bàn. Tất cả lời dạy của Phật đều là phương tiện, hướng dẫn chúng sinh đến sự giác ngộ, giải thoát cao tột, chứ không dừng lại ở Tam thừa, Tứ quả. Chỉ khi nào hành giả chứng đắc Phật quả, khi ấy hành giả mới thôi dùng đến pháp môn phương tiện. Ngay cả các bậc A-la-hán còn bị Phật quở trách, huống gì chúng ta.

Phần lớn, tâm chúng ta còn dẫy đầy tham, sân, si nên chẳng thể nào tận dụng được các pháp phương tiện; ngược lại, chúng ta còn chấp thủ vào chúng, tự mình ràng buộc chính mình. Do vậy, Thế Tôn đưa ra lời như sau: “Này các Tỳ kheo, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào, phàm có những chấp thủ phương tiện, tâm thủ trước, thiên chấp tùy miên nào đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành… đối với thức, hãy đoạn trừ chúng.”[10]. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới có thể dự phần Thánh quả, tiến bước đến Phật quả. Nếu không, chúng ta sẽ mãi là phàm phu, luân hồi sinh tử trong ba cõi, sáu đường.

Phương tiện trong kinh Pháp hoa:

Đức Phật xuất hiện ở cõi Ta-bà này để “khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài đã dùng vô số phương tiện chỉ bày, mở ra nhiều con đường cho chúng sinh nhưng đích đến chỉ có một mà thôi, đó là sự thấy biết của bậc Đại A-la-hán Chính đẳng giác.

“Xá-lợi-phất! Các đức Phật đó chỉ giáo hóa Bồ-tát, vì muốn đem Tri kiến Phật mà chỉ cho chúng sinh, vì muốn đem Tri kiến Phật cho chúng sinh tỏ ngộ, vì muốn làm cho chúng sinh chứng vào Tri kiến Phật vậy.

Xá-lợi-phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sinh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bổn tính kia dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp. Xá-lợi-phất! Như thế đều vì để chứng được một Phật thừa “Nhất thiết chủng trí”[11].

Như vậy, sự cứu cánh của phương tiện thiện xảo chính là thành tựu được Phật trí. Trong kinh Pháp Hoa, phương cũng có nghĩa là giáo lý chân chính, tiện là ngôn ngữ. Giáo lý của đức Phật rất thậm thâm vi diệu, nếu không dùng ngôn ngữ để diễn đạt thì chúng sinh cũng không hiểu được và ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ xảo diệu (thiện xảo); từ giáo lý vô ngôn trở thành giáo lý đa ngôn. Vì thế, đức Phật phải sử dụng bằng nhiều phương thức khác nhau để chúng sinh liễu ngộ giáo lý ấy và tự chứng tri các pháp. Nhiệm vụ của bậc Đạo sư là khai tâm thức của chúng sinh bằng phương tiện mà thôi. Phương tiện đó bao gồm cách thức dùng ngôn ngữ, sắc tướng để diễn đạt thông điệp giác ngộ cho chúng sinh. Hãy xâu kết lại các sự kiện của đức Phật từ đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết-bàn, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Ngoài việc sử dụng phương tiện để tự độ, chúng ta còn có thể dùng phương tiện để độ tha. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hết sức thận trọng, bởi tam độc con ẩn tàng trong tâm thức của hành giả; khi hội đủ các yếu tố, chúng có thể dễ dàng điều khiển chúng ta bất cứ lúc nào. Lúc ấy, phương tiện không còn thiện xảo nữa mà trở thành “xảo quyệt”. Bởi thế, ngay từ đầu, khi ngài Xá-lợi-phất thỉnh Phật nói bày Chính pháp của Thế Tôn cho hội chúng; đức Phật đã từ chối. Vì Thế Tôn lo ngại hội chúng sẽ không hiểu những lời Ngài nói, rồi sinh ra khinh chê, hủy báng. Thực chất, Thế Tôn lại dùng phương tiện gợi ý cho ngài Xá-lợi-phất để thỉnh Phật ba lần mà vì đó mà thuyết giảng giáo pháp.

“Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ Chính định an lành mà dậy, bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Trí huệ của các Đức Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh văn cùng Bích-Chi-Phật đều không biết được. Vì sao? Phật đã từng gần gũi trăm nghìn muôn ức, vô số các Đức Phật, trọn tu vô lượng đạo pháp của các Đức Phật, dõng mãnh tinh tấn, danh tốt đồn khắp, trọn nên pháp rất sâu chưa từng có, theo thời nghi mà nói pháp ý thú khó hiểu.

Xá Lợi Phất! Từ ta thành Phật đến nay, các món nhơn duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sinh, làm cho xa lìa lòng chấp. Vì sao? Ðức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, tri kiến và Ba-la-mật.”[12].

Phương tiện trong giáo lý Tam thân (trikāya):

Trong sớ điệp công văn, chúng ta hay tuyên đọc:

“Huỳnh kim mãn nguyệt tướng,

Tam giới độc xưng tôn,

Hàng phục chúng ma quân,

Giai đương vi cung thủ”.

Ở đây, chúng ta thấy rằng gương mặt của đức Phật đẹp như ánh trăng Rằm. Từ người lao công đến người quan chức, từ giai cấp thấp đến giai cấp cao, khi ngắm nhìn mặt trăng đều hoan hỷ và nhẹ nhàng. Cũng vậy, ai ngắm nhìn diện mạo của đức Phật cũng đều sinh tâm hoan hỷ. Do đó, tướng hảo cũng là phương tiện để độ sinh.

Trong triết học Du-già tông, giáo lý tam thân gồm Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân; trong đó, thân chân thật của đức Phật được gọi là Pháp thân (Dharmakāya). Pháp thân là một bản thể hay là một lý tính sáng ngời chân như tuyệt đối, không dính mắc một mảy may bụi trần. Pháp thân này không có phiền não, không có nhiễm ô, không có khổ đau và thuần tịnh một màu trong sáng. Pháp thân Phật là biểu hiện ở khắp mọi nơi, khắp mười phương thế giới, ở đâu cũng có đức Phật. Pháp thân cũng đồng nghĩa với những quy tắc về đạo đức trong xã hội.

Báo thân (Saṁbhogakāya) là cái thân phước báu tích tụ từ vô lượng công đức. Thông thường, chư Phật, chư Bồ-tát thị hiện ở cõi tịnh độ, báo thân là thân tướng đẹp đẽ và ở nơi một cảnh giới trang nghiêm. Ví như đức Phật A-di-đà ở cõi Tây phương Tịnh độ hay đức Phật Dược Sư ở cảnh giới Tịnh Lưu ly.

Hóa thân (Nirmāṇakāya) gọi là thân biến hóa hay thân giả định phương tiện hóa than, tùy theo nguyện vọng và căn cơ của chúng sinh mà thị hiện. Ví như Bồ-tát Quán Âm thị hiện thân nữ để nhằm mục đích nâng cao sự giá trị của người nữ, hoặc ngài Địa Tạng Bồ-tát cũng hóa thân tùy theo sự nhìn nhận của chúng sinh, nhưng tất cả không ngoài mục đích để chuyển hóa chúng sinh, biến khổ đau thành an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc sống thức tại.

Đức Phật hiện thân ra nơi đời với hình hài một con người. Từ người bình thường mà Ngài giác ngộ thành Phật; thân này được gọi đó là ứng thân, tức là thân ứng hiện như một người bình thường, hay tùy thuận phương tiện để cứu độ chúng sinh. Bồ-tát Hộ Minh đã thành đạo từ vô lượng kiếp nhưng vì thấy chúng sinh đau khổ trong luân hồi ngũ trược nên Bồ-tát phương tiện ứng thân đản sinh ở cõi Ta-bà, xuất gia, thành đạo và chuyển pháp luân, giáo hóa chúng sinh thoát khỏi con đường đau khổ. Cuối cùng, phương tiện nhập Niết-bàn. Vì vậy, trong trường hợp này, kinh Pháp Hoa cho là ứng hóa thân.

Như vậy, dù Tiểu thừa hay Đại thừa, thân Phật là thường trụ biến pháp giới; hay nói khác hơn, đó là thể tính của các pháp, pháp thân sinh ra báo thân và cho đến sự diệu dụng đó là ứng thân. Cho nên, tuy nói ba nhưng chỉ có một thể; tất cả sự diệu dụng của phương tiện vốn dĩ để thích hợp căn cơ cho sự hóa đạo mà thôi.

Phương tiện dung hòa giữa đạo và đời:

Đạo Phật luôn luôn gắn liền với đạo pháp và dân tộc, đất nước ta luôn luôn bị kẻ xấu dòm ngó. Vì thế, những cuộc chiến tranh không ngừng xảy ra nhưng không phải trên chiến trường như trước 30/04/1975 mà diễn ra ngầm trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa,… Trên tinh thần phương tiện độ sinh, đạo Phật cũng góp phần rất không nhỏ trong công cuộc giải phóng đất nước, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến nay.

Ngày nay, Phật giáo vẫn luôn đồng hành với dân tộc. Cụ thể, trong trận đại dịch Covid-19 này, các cơ sở tự viện, ban ngành của Phật giáo đóng góp tài chính để hỗ trợ cho nhà nước trong công tác phòng chống đại dịch. Hơn thế nữa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn hỗ trợ kinh phí, vật tư cho các nước gặp khó khăn như Ấn Độ, Lào,… Bên cạnh đó, đồng bào phật tử cũng san sẻ tình yêu thương, tặng khẩu trang, quà, suất cơm đến các khu cách ly nói riêng và người dân nói chung. Tất cả đều thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật.

Phương tiện có công dụng đưa nhiều người qua sông:

Phương tiện được ví dụ như con thuyền đưa nhiều người sang sông mà người lái thuyền được ca ngợi một cách tôn quý nhất, đã biết vận dụng khéo léo các vật dụng để uyển chuyển lèo lái, đưa số người qua sông một cách an toàn. Cũng thế, giáo Pháp của chư Phật thậm thâm khó hiểu, tùy căn cơ mà lĩnh ngộ nên người thầy hướng dẫn rất quan trọng. Vị ấy biết được đệ tử của mình như thế nào, rồi tùy cơ duyên ngộ đạo mà giáo huấn. Đức Phật đã từng khen người đưa đò rằng:

“Như người được leo lên,

Chiếc thuyền mạnh vững chắc,

Ðược trang bị đầy đủ,

Mái chèo và tay lái;

Người như vậy ở đây,

Giúp nhiều người ngược dòng,

Rõ biết những phương tiện,

Thiện xảo và sáng suốt.”[13]

Áp dụng phương tiện trong đời sống tu tập:

Nếu hàng tăng sĩ sử dụng phương tiện thiện xảo đúng ý nghĩa thì sự tu hành của chúng ta ngày càng tiến xa hơn và người người nhà nhà đều được an lạc, hạnh phúc trong chính pháp. Ngược lại, nếu chúng ta dùng phương tiện với tâm bất chính thì chẳng khác nào chúng ta đem đời vào đạo, tăng tục lẫn lộn, khiến cho đạo pháp suy giảm.

Hiện nay, Phật giáo cũng đang vận dụng mặt tích cực của công nghệ 4.0 cho những buổi thuyết giảng livestream hay vấn đạo trực tuyến, đăng tải những thông tin về phật pháp trên các trang mạng xã hội để giáo lý của Như Lai được lan truyền rộng rãi khắp năm châu, bốn biển. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại cũng có mặt tiêu cực của nó. Nếu tâm chúng ta mất kiểm soát thì nó sẽ điều khiển chúng ta lao vào những thú vui tiêu khiển của người đời như lướt web, lướt facebook, zalo, xem phim, chơi game, tán dóc, bán hàng trực tuyến,… mất đi cung cách của một vị tu sĩ. Có những vị tăng sĩ trẻ, tâm còn buông lung nên dễ bị vướng vào tình trạng đó.

Hành giả phải luôn luôn quán sát tâm mình để biết tâm bị bệnh gì, rồi theo đơn thuốc của đức Phật đã cho sẵn mà hốt thuốc uống. Có như thế, tâm của chúng ta mới được phục hồi. Nếu như bệnh một đằng mà thuốc một nẻo thì làm sao khỏi bệnh cho được. Chẳng hạn, chúng ta có tính tham lam nhưng không chịu bố thí, cúng dường, làm sao chúng ta ngăn chặn được tâm tham của mình. Khi nào chúng ta biết rõ thuốc gì trị bệnh gì, uyển chuyển không cố thủ vào một phương thuốc nhất định; khi ấy, tâm chúng ta mới được tự tại, an lạc và có thể chỉ dẫn cho người khác trị được bệnh của họ. Như trong kinh Trung Bộ, đức Phật có dạy: “Này chư Hiền, sau khi biết sắc này là vô lực, biến hoại, không an ổn; đối với những sắc là những chấp thủ phương tiện (upāyupādānā), là những tâm cố chấp, thiên chấp, tùy miên; đối với những sắc ấy, với sự đoạn tận, đoạn ly, đoạn diệt, đoạn trừ, đoạn xả, tôi tuệ tri tâm tôi được giải thoát”[14]. Đối với thọ, tưởng, hành và thức cũng lại như thế.

Chúng ta không nên đỗ lỗi cho phương tiện vật chất đã khiến cho vị tu sĩ bị tha hóa, mà chính chúng ta tự tha hóa, vì tâm thức chứa quá nhiều hạt giống bất thiện nên khi nhân duyên hội đủ, tự khắc nó sinh sôi nảy nở thôi. Cũng thế, giáo pháp của Phật luôn giúp cho hành giả tăng thêm đạo hạnh, chứ không bao giờ làm giảm sút. Cho nên, hành giả đừng bao giờ nói rằng sao tôi thường xuyên thực hành giáo pháp của Phật mà không thấy có tiến bộ, cứ dặm chân tại chỗ, có khi bị thụt lùi. Đó là do hành giả không khéo léo trong việc sử dụng phương tiện, lại bám víu vào thân năm uẩn này. Do đó, khổ lại càng thêm khổ.

Lại có trường hợp, một số tăng sĩ lại có tư tưởng sai lệch, cho rằng, việc nhậu nhẹt, giao lưu với những người có quyền thế là phương tiện để hành đạo dễ dàng hơn. Thiết nghĩ, hành động đó không thể nào chấp nhận được, mất đi tư cách của một vị thầy, dựa vào đâu mà nói dùng phương tiện giáo hóa người khác. Nếu nói học theo ngài Tế Công, suy nghĩ đó lại càng sai lầm. Hãy xét lại, Tế Công là bậc A-la-hán, còn chúng ta chỉ là phàm phu đang trên đường tìm cầu chân lý giải thoát mà lại dùng phương tiện đó, chắc chắn không phù hợp với căn cơ của hành giả rồi. Chỉ khi nào hành giả chứng ngộ được pháp, khi ấy hành giả có thể dùng phương tiện đem pháp mà mình đã thực chứng chỉ dạy lại cho người khác. Như vậy, chúng ta mới thật sự sử dụng phương tiện thiện xảo; ngoài ra, tất cả đều là những lời hư dối cả.

III. Kết luận

Trong cuộc sống, con người luôn cần dùng đến cơ sở vật chất: nhà cửa, xe cộ, tiền bạc,… để làm phương tiện phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao đời sống dân trí. Cũng vậy, giáo pháp của Phật là phương tiện để giúp cho chúng sinh giải thoát khỏi nỗi khổ đau sinh tử, luân hồi. Giáo pháp ấy không nằm ngoài quy luật của tự nhiên, không nằm ngoài các pháp thế gian. Đức Như Lai đã chứng ngộ các pháp, thấy rõ bản chất của chúng nên Ngài còn được tôn xưng là bậc Thế gian giải.

Do đó, trí tuệ của Phật không thể suy lường được và những lời dạy của Ngài nói ra cũng uyển chuyển có cao thấp, tùy duyên hóa độ, tùy căn cơ lãnh thọ, không ai giống ai. Ví như một trận mưa từ trên trời rơi xuống, tùy theo giống loại cây cỏ mà hấp thụ khác nhau nhưng tất cả đều được mát mẻ, sinh trưởng tươi tốt. Tuy nhiên, chúng sinh không hiểu hết ý nghĩa của giáo pháp, chỉ nhìn nhận một cách phiến diện. Cho rằng, kinh điển Đại thừa cao siêu, vi diệu mới là lời của Phật nói, còn kinh tạng Nikaya là Tiểu thừa không đáng học hỏi. Vì vậy, kinh tạng Nikaya bị lãng quên trong một thời gian dài. Thậm chí, bây giờ, tăng ni và phật tử ở các vùng thuộc các tỉnh miền quê, còn chưa biết đến kinh tạng Nikaya, không biết Hòa thượng Thích Minh Châu – người dịch các bộ kinh Nikaya là ai. Bởi vì, từ trước tới nay, quý vị đó luôn tiếp xúc với các kinh điển Đại thừa như kinh Pháp Hoa, Đại Tạng, Dược Sư, kinh A-di-đà,… nên trong tâm thức họ chỉ có kinh điển Đại thừa. Thật đáng buồn thay!

Sau đây, chúng ta cùng đọc lại những lời tâm sự của Hòa thượng Thích Minh Châu, khi Ngài dịch kinh Trung Bộ:

“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà-la-môn đã dùng danh từ Tiểu thừa để gắn vào những lời dạy của đức Phật và khiến cho các phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy.

Càng dịch càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà-la-môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che giấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành.

Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của ma vương, các cuộc đọ tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tễnh đi vào con đường Triết lý, tất cả chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch”. (Lời giới thiệu kinh Trung Bộ).

Qua những lời của Hòa thượng chia sẻ, chúng ta cảm nhận được tâm tư của Ngài đặt trọn vào kinh tạng Nikaya, vào sự tồn vong của Phật giáo, tương lai của thế hệ tăng, ni trẻ. Vì lẽ đó, hành giả phải biết dung hòa giữa hệ tư tưởng Nam truyền và Bắc truyền, phổ biến rộng rãi hai truyền thống đó. Chúng ta không nên phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa, vì tư tưởng của Phật giáo Phát triển dựa trên nền tảng Phật giáo Nguyên thủy, trong đó có giáo lý phương tiện thiện xảo như đã trình bày. Nên biết, phương tiện không phải là cứu cánh, nhưng không có phương tiện, chúng ta không thể nào đạt đến chỗ cứu cánh của đạo quả giải thoát.

Tác giả: ĐĐ.Thích Chúc Duyên
Học viên Cao học K.4 Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH:
[1] T. W. Rhys Davids and William Stede, Pali-English Dictionary, part 2, The Pali Text Society, London, England, 1921, pp. 150.
[2] Sđd, part 3, pp. 58.
[3] Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Đại Từ điển, tập 4, Nxb. Phương Đông, 2014, tr. 4946.
[4] Kinh Trường Bộ, 33. Kinh Phúng tụng, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 652.
[5] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 244.
[6] Kinh Tiểu Bộ, tập 8, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2003, tr. 54.
[7] Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 1, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 138.
[8] Kinh Trung Bộ, tập 1, 22. Kinh Ví dụ con rắn, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 178-179.
[9] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Tín giải thứ tư, HT Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 165.
[10] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 3, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1991, tr. 288.
[11] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, HT Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 68.
[12] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, HT Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 53.
[13] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Tập, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1999, tr. 567.
[14] Kinh Trung Bộ, tập 2, 112. Kinh Sáu Thanh tịnh, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 358.

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
2. Kinh Trung Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
3. Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1991.
4. Kinh Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
5. Kinh Tiểu Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 2003.
6. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
7. Kinh Đại Bát Niết Bàn, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
8. T. W. Rhys Davids and William Stede, Pali-English Dictionary, The Pali Text Society, London, England, 1921.
Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Đại Từ điển, Nxb. Phương Đông, 2014.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường