Trưởng lão giảng về Tứ Niệm XứKinh Tứ Niệm Xứ hay những pháp hành liên quan kinh Tứ Niệm Xứ xuất hiện ở nước ta, được chư vị tổ sư, các bậc cao tăng, các nhà dịch thuật đã tu tập, giảng dạy và ghi chép theo dòng chảy lịch sử cho thấy sự quan tâm của chư vị tiền bối về pháp hành tứ niệm xứ này.
SC.Thích Nữ Trung Hiếu & TT.TS Thích Hạnh Tuệ
1. Dẫn nhập
Thế kỷ XXI của chúng ta ngày nay đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, văn minh nhân loại. Những công nghệ hiện đại ra đời nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu và sự tiện ích của con người, các trang mạng điện tử, rô bốt, công nghê AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo)... đáng lẽ ra với sự phát triển công nghệ có đầy đủ những tiện nghi ấy sẽ làm cho con người ngày càng hạnh phúc hơn.
Nhưng trên thực tế như chúng ta thấy, những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng khắp mọi nơi trên thế giới, đạo đức, hạnh phúc con người ngày càng đi ngược với sự văn minh của nhân loại. Những nỗi khổ niềm đau của con người hầu như không giảm mà nó càng gia tăng và vi tế hơn. Nhất là sau cơn đại dịch covid 19 và sau đó là sự biến động kinh tế kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến mỗi quốc gia, xã hội, đến từng gia đình và mỗi người. Con người sống trong xã hội ngày nay xuất hiện những bệnh về tâm lý, stret, tự kỷ... và xu hướng tự tử do áp lực nhiều mặt ngày càng gia tặng. Vậy thì, phải chăng sự thỏa mãn nhu cầu vật chất có vẻ như không đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần cho con người mà còn đi ngược lại?
Cách đây hơn 2500 năm về trước, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy cho chúng sinh một con đường có thể chuyển hóa tất cả những đau khổ trên cuộc đời và hướng con người đến đời sống an vui. “…Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ [1]. Hòa thượng Thích Trí Quảng từng nói, “Sử dụng pháp quán Tứ niệm xứ để chúng ta vượt được phiền não, nghiệp chướng trần lao” [2]. Thiền Tứ niệm xứ là con đường, là phương pháp tu tập do chính Đức Thế Tôn tìm ra, ngoài giáo pháp của Như Lai không có pháp hành Tứ niệm xứ. Đây là hơi thở, là trái tim của Phật giáo dù Phật giáo Nam truyền, Phật giáo Bắc truyền, hay bất kỳ một tông phái, xu hướng hay phương pháp tu tập thuộc Phật giáo nào. Phật giáo Việt Nam với nhiều pháp môn tu tập nhưng cũng không ra ngoài pháp hành Tứ niệm xứ.
Kinh Tứ niệm xứ hay những pháp hành liên quan kinh Tứ niệm xứ xuất hiện ở nước ta, được chư vị tổ sư, các bậc cao tăng, các nhà dịch thuật đã tu tập, giảng dạy và ghi chép theo dòng chảy lịch sử cho thấy sự quan tâm của chư vị tiền bối về pháp hành tứ niệm xứ này.
Phương pháp thiền qua kinh Tứ niệm xứ được đức Thế Tôn dạy như sau:
Tứ niệm xứ hán ngữ là 四念處 ; S: smṛtyupasṭhāna; P: satipaṭṭhāna, còn được gọi là Tứ niệm chỉ, Tứ niệm trú, Tứ ý chỉ, là bốn pháp đầu tiên trong 37 phẩm trợ đạo. “Tứ niệm xứ là nền tảng của thiền định có ý nghĩa rất quan trọng trong sự tu tập giải thoát. Người Phật tử không thể không tu tập tứ niệm xứ” [3]. Tứ niệm xứ được đức Phật khẳng định rằng đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sinh. Nội dung của Tứ niệm xứ chính là bốn nơi mà người tu thiền phải để tâm nhớ nghĩ. Bốn nơi quán niệm đó là: Thân; Thọ; Tâm và Pháp.
Thân niệm xứ - Quán thân trên thân: Hành giả quán sát và ghi nhận tất cả những gì liên hệ xảy ra nơi thân thể. “Lĩnh vực thứ nhất của quán niệm là lĩnh vực thân thể, gồm có hơi thở, tư thế của thân thể, động tác của thân thể, những bộ phận của thân thể, những yếu tố tạo nên thân thể và cuối cùng là sự tàn hoại của thân thể” [4].
Thọ niệm xứ-Quán thọ trên các cảm thọ: tức là quán sát các cảm thọ thuộc thọ uẩn (một trong năm uẩn): biết rõ những cảm xúc dấy khởi lên trong thân và tâm. “Cảm thọ có ba loại: lạc thọ, tức là những cảm giác dễ chịu, khổ thọ, những cảm giác khó chịu và xả thọ, những cảm giác không dễ chịu cũng không khó chịu. Phương pháp của bài tập này là nhận diện và tiếp xúc với những cảm thọ ấy khi chúng phát sinh, trở thành và hoại diệt”[5].
Tâm niệm xứ - Quán tâm trên tâm: nội dung của pháp quán này là những hiện tượng tâm lý được gọi là tâm hành, hay tâm sở. Như: tâm ý, tri giác, tâm tư, nhận thức.vv ...đều thuộc phạm trù của tâm niệm xứ.
Pháp niệm xứ - Quán pháp trên pháp: Quán pháp trên pháp là hiểu rõ mọi pháp đều liên quan đến nhau, đều là vô ngã, biết rõ năm triền cái, hiểu rõ con người do ngũ uẩn tạo thành, hiểu rõ lý Tứ đế. Từ đây hành giả luôn sống trong tỉnh giác, chính niệm.
Nhìn chung bốn pháp quán của niệm xứ này đều hướng hành giả đến nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm. Mục đích mà Tứ niệm xứ hướng đến để “vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chính Trí, chứng nhập Niết Bàn”[6]. Trong tác phẩm Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāli của tác giả Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi, chương 8 – Tu tập tâm: Trong chương này có đoạn như sau: “Kinh Niệm Xứ không đề nghị một đối tượng thiền tập duy nhất cũng như một phương pháp thiền tập duy nhất, mà mục đích của kinh là giải thích làm thế nào để thiết lập kiểu thiền tập cần thiết (tùy đối tượng) để đi đến chứng đắc Niết-bàn. Tứ niệm xứ là công thức tiêu chuẩn đi kèm theo mỗi bài thực hành, một niệm xứ (satipatthāna) là một kiểu an trú tâm (viharati). Kiểu an trú tâm này liên hệ đến việc quan sát các đối tượng bằng khuôn mẫu tâm thức đúng đắn. Khuôn mẫu tâm thức gồm có ba phẩm chất tích cực, nhiệt tâm, chính niệm, và tỉnh giác” [7]. Như vậy, Tứ niệm xứ là một công thức tiêu chuẩn mà tùy theo những nhu cầu, thái độ và khả năng của từng cá nhân khác nhau mà có sự ứng dụng tu tập khác nhau.
2. Quá trình tiếp nhận kinh Tứ Niệm Xứ ở Việt Nam
Tứ niệm xứ là pháp hành rất quan trọng của Phật giáo, nên nếu Phật giáo du nhập đến quốc gia nào thì kinh Tứ niệm xứ hoặc những kinh nói về Tứ niệm xứ sẽ xuất hiện rất sớm ở quốc gia ấy. Ở Ấn Độ kinh Tứ niệm xứ xuất hiện từ khi đức Phật Thích Ca tuyên thuyết bài kinh ấy, nhưng đến lần kết tập kinh điển thứ ba (khoảng năm 323 TTL) mới được ghi chép lại bằng lá bối. Sau này, Phật giáo được truyền vào nhiều quốc gia như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cabuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc,... trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam ta, những kinh điển liên hệ Tứ niệm xứ cũng xuất hiện từ rất sớm. Theo Phật giáo Nam tông ở Việt Nam, có thể Phật giáo Nam tông được truyền vào nước ta từ những đoàn truyền giáo của vua A Dục từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Hiện tìm thấy những khảo cổ như tượng Phật, bảo tháp... ở Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp...có niên đại khoảng 500 năm trước Tây lịch. Từ thời vương quốc Phù Nam (TK I SCN đến TK VI TCN) nhất là dưới triều vua Kaundinya Jayavaraman, sau đó là Chân Lạp (từ TK VI đến năm 1759 nhượng cho Triều Nguyễn) Phật giáo Nam tông rất thịnh hành. Hiện nay là Phật giáo Nam tông Khmer. Riêng Phật giáo Nam Tông Kinh du nhập vào Việt Nam từ năm 1939 từ Campuchia, do phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông. Nhìn chung hệ thống Phật giáo Nam tông dù đi đến quốc gia nào cũng cố gắng giữ gìn truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nên việc tu tập, giữ gìn và truyền dạy pháp hành tứ niệm xứ là điều tất yếu.
Theo các sách lịch sử Phật giáo như: Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát... Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch, do sự viếng thăm các Tăng sĩ Ấn Độ bằng đường biển theo các thuyền buôn đến Việt Nam.
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (ở Giáo Châu nay thuộc Thuận Thành-Bắc Ninh) hình thành và phát tiển vào khoảng đầu thế kỷ thứ II và đến cuối thế kỷ thứ II trung tâm này đã trở nên hưng thịnh với nhiều nhà sự lỗi lạc, các tăng sĩ và học giả cũng rất đông. Điển hình là trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử (thế kỷ thứ II tây lịch), trong tác phẩm có câu hỏi rằng: chân lý thường ít và quý giá như châu ngọc, chỉ ngói vụng mới nhiều. Nay kinh Phật rất nhiều tới hàng ngàn, sức người không thể đọc hết. Từ đây ta có thể hình dung được bấy giờ ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã có rất nhiều kinh điển được mang đến từ Ấn Độ và đã dần được các vị cao tăng dịch thuật và lưu hành, trong đó có các kinh liên hệ thiền Tứ niệm xứ như: kinh An ban thủ ý, Tứ đế kinh, Bát chánh đạo kinh, Đại an ban kinh, Thiền hành pháp tưởng kinh....
Đến thế kỷ thứ III Thiền sư Khương Tăng Hội (200-280) sinh trưởng, học Phật Pháp và dịch kinh từ Phạn văn ra Hán văn ở Giao Châu. Một số kinh sách tiêu biểu của Thiền sư Khương Tăng Hội như: kinh An ban thủ ý do Thiền sư chú giải và ghi lời tựa, kinh pháp cảnh, Lục độ tập kinh.v.v... Ngài Thiền sư Khương Tăng Hội tu tập và dạy thiền Đại thừa trên cơ sở những kinh Nguyên thủy như kinh An ban thủ ý (thực tập hơi thở có ý thức), kinh Niệm xứ.
Như vậy, Tứ niệm xứ là bài kinh xuất hiện rất sớm ở Việt Nam vì đây là pháp hành không thể thiếu của mỗi hành giả dù theo tông phái Phật giáo nào. Do vậy, bài kinh này và các pháp liên quan luôn được chư vị Thiền sư, thiền sinh, chư tăng lỗi lạc, các nhà dịch thuật... nối tiếp nhau soạn dịch, chú sớ, giảng giải... Hiện này, các đầu sách thuộc phạm trù Tứ niệm xứ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của thế hệ sau từ giới tu sĩ đến cư sĩ, từ hàng tri thức đến bình dân, từ nhà nghiên cứu chuyên sâu cho đến người mới tìm hiểu Phật pháp. Một số đầu sách tiêu biểu được dịch thuật và giảng giải về Tứ niệm xứ đáng chú ý và có sức ảnh hưởng hiện nay ở nước ta như sau:
Năm 1956-1957 Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông hoàn thành tác phẩm Đường đi đến Niết bàn, với hai phần chính là người nào biết rõ và đường đi đến Niết bàn. Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông dùng đoạn dịch trong kinh để khẳng định rằng: “này các Tỳ khưu! Tứ niệm xứ này mà người đã tiến triển đều đủ rồi, tự nhiên làm cho sinh sự chán ngán hao mòn tình dục, yên lặng thông hiểu phi thường và sự giác ngộ Niết bàn. Đây chính là con đường đi đến Niết bàn[8].
Năm 1957, Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông soạn và cho in tác phẩm Thân quán niệm xứ. Trong tác phẩm này, tác giả chỉ giảng giải về thân niệm xứ- một trong bốn niệm xứ thuộc kinh Đại niệm xứ. Trong tác phẩm Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông dịch một đoạn trong kinh Tứ niệm xứ như sau: “Người thấy sự kinh sợ trong các nẻo luân hồi, đường này là đạo dẫn dắt chúng sinh đạt đến trực giác, quả trực giác và Niết bàn. Chỉ có một đường thôi, cho chúng sinh được sự trong sạch chân chính, thanh cao ngõ hầu thoát khỏi thống khổ phiền não, dập tắt tất cả điều khó chịu bất bình, thấy rõ Niết bàn, đường đó chính là Tứ niệm xứ vậy[9].
Tác phẩm Bát thánh đạo được in lần hai năm 1961 với tác giả là Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông. Tứ niệm xứ được dùng để giải trình pháp tu trong phần chính niệm “chính niệm là phải nhớ, nhớ trong pháp Tứ niệm xứ. Trí nhớ là khí cụ để phân biệt, quán tưởng thân-thọ-tâm-pháp”.[10] Ngoài ra Ngài Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông còn có một số tác phẩm về thiền khác như: Phép chánh định sưu tập pháp-xuất bản năm 1961; Nền tảng Phật giáo (nói về giới-định-tuệ)-xuất bản năm 1955; Đường đi đến Niết bàn (trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời về thiền)-xuất bản năm 1957...và nhiều tác phẩm về thiền Tứ niệm xứ khác.
Năm 1966,Tổng hội cư sĩ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam dịch và cho ấn hành tác phẩm Kinh thiền định. Tác phẩm này được hội cư sĩ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam dịch từ tác phẩm của tác giả Walpola Rahula. Giáo lý của đức Phật về môn thiền định nhầm mục đích xây dựng một tinh thần hoàn hảo, khỏe mạnh, thản nhiên và yên lặng. “Cách niệm tưởng được chỉ dạy trong bài pháp này không bắt buộc hành giả bỏ phế việc đời, xa lánh trần tục. Trái lại phải thực nghiệm giữa lúc sinh hoạt hằng ngày với cảnh vui buồi, với lời nói và tư tưởng, với mọi việc liên quan đến đạo đức và trí tuệ. Bài pháp trên được gọi là pháp Tứ niệm xứ. Đây là lời mà tác giả Walpola Rahula đã nói trong tác phẩm”.[11]
Năm 1975, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho in lần đầu tác phẩm mang tựa đề Ý thức em mặt trời tỏ rạng, đến năm sau (năm 1976) cho tái bài lần hai và đổi tên thành Phép lạ của sự tỉnh thức. Tác phẩm Phép lạ của sự tỉnh thức dựa trên thiền Tứ niệm xứ chỉ dạy những phương pháp thiền cụ thể đơn giảng giúp hành giả dễ điều tâm, tỉnh ý. Tác giả hoàn toàn không nói đến quán thân là nhứ thế nào, quán thọ là như thế nào... nhưng trong nội dung tác phẩn lại chính là thiền Tứ niệm xứ. Như trong tác phẩm có phần: phép lạ đi trên mặt đất, nắm lấy hơi thở nắm lấy chính niệm, đếm hơi thở và theo hơi thở, quán niệm ngũ uẩn, quán niệm duyên khởi. Ngoài ra, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn rất nhiều tác phẩm về thiền Tứ niệm xứ khác như: Chỉ nam thiền tập (dành cho người trẻ), An lạc từng bước chân (1990), Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu, Thiền hành yếu chỉ (1983), An trú trong hiện tại (1986) ... và một số tác phẩm khác.
Năm 1979 Hòa thượng Giới Nghiêm hoàn thành tác phẩm về thiền tứ niệm xứ đến năm 1980 ấn tống đầu tiên. Nhận thấy giá trị to lớn mà tác phẩm đem lại kết hợp nhu cầu học hỏi thiền Tứ niệm xứ khá lớn của thiện hữu tri thức nên chư Tăng và Phật tử chùa Tam Bảo (Đà Nẵng) xin tái bản tác phẩm này vào năm 2009, tác phẩm mang tựa đề Thiền tứ niệm xứ minh sát tuệ. Trong tác phẩm có đoạn: “Đại ý chính trong quyển này là thiền Tứ niệm xứ minh sát tuệ. Tứ niệm xứ do Đức Thế Tôn dạy, đã bao gồm hai ý nghĩa chỉ tịnh và quán minh rồi. Các pháp này khi hành giả niệm hoặc quán thì chính nhờ khả năng niệm hoặc quán ấy, làm minh triết chi li, tỉ mỉ và rõ rệt, khiến cho người không còn mải mê chấp trước. Vì chúng sinh ưa chấp trước mọi thứ đại khái như có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn... Khi tỏ ngộ cái chân lý trên, mới mong dứt sạch được tham sân si, vô minh, ái dục hầu mong thoát khỏi sinh tử luân hồi, được an vui tuyệt đối là Niết bàn”.[12]
Mùa An Cư 1982 - PL.2526, tác phẩm Mi Tiên vấn đáp được Hòa thượng Giới Nghiêm dịch. Trong Mi Tiên vấn đáp có rất nhiều đoạn nói về Tứ niệm xứ như: “là hành giả tu tập về minh sát, cần phải giăng cái lưới Tứ niệm xứ ra (như nhện giăng lưới), đóng cả sáu cửa lại, thấy phiền não nào dính ở đấy thì bắt giết hết” [13]; hay có đoạn “Tỳ kheo có đức tin trong sạch, vắng lặng, ở nơi yên tĩnh thì hạt giống Tứ niệm xứ sẽ dễ dàng phát triển tốt, đơm hoa kết quả Thánh đạo”[14]; và nhiều phần đoạn khác.
Mùa an cư năm 1984, tác phẩm Tư tưởng kinh Kim cương được Hòa thượng Thích Chơn Thiện hoàn thành. Trong tác phẩm có đoạn khẳng định của Hòa thượng ở phần kết thúc như sau: Nhìn sự vật với cái nhìn duyên sinh, đó là nội dung của thiền quán giáo lý Tứ Niệm Xứ của Phật giáo. Do đó, con đường để đoạn trừ ái và thủ để vào trí Bát-nhã, theo Kim Cương - vẫn là con đường thiền định.[15]
Năm Đinh mão (1987), Hòa thượng Thích Trí Siêu hoàn thành tác phẩm Thiền tứ niệm xứ. Quyển sách này được viết ra nhằm mục đích giúp đọc giả đang đi tìm con đường giải thoát và nhất là thích tu thiền có thể tiếp xúc được với thiền Tứ niệm xứ một cách dễ hiểu nhất. Nội dung tác phẩm gồm: so sánh kinh Niệm xứ với Bát nhã tâm kinh, thiền Niệm xứ hay Minh sát với Tổ Sư thiền, và sau đó sẽ nói về phương thức tu tập thiền Tứ niệm xứ.
Năm 1987 xuất bản lần đầu tác phẩm Kinh quán niệm hơi thở. Tác phẩm này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch từ tạng Pali, tên kinh là Anapanasatisutta, là bài kinh số 118 Trung bộ (kinh nhập tức xuất tức niệm). Trong bản dịch có đoạn: “Quý vị khất sĩ! Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm; bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát”[16].
Mùa hạ năm Canh ngọ 1990, hoàn tành tác phẩm Tìm vào thực tại với tác giả là Hòa thượng Thích Chơn Thiện. Quyển sách này là kết quả của việc tìm hiểu và thực hành thiền định Tứ niệm xứ của tác giả từ năm 1961 đến năm 1990. Ðây là phương pháp thiền định của chính đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni, được ghi chép rõ ràng qua các kinh Nikàya. Ở chương hai- những bước thực hành tứ niệm xứ hay niệm hơi thở vào ra có đoạn: “con đường thực tập thiền định rất hiện tại và cũng rất thiết thực. Tất cả những gì chúng ta trong chờ và vận dụng đều tập trung vào hai đối tượng là tự thân chúng ta và pháp tứ niệm xứ do kinh nghiệm Thế Tôn để lại. chúng ta không nên chờ đợi một ân điển, phép lạ nào. May mắn chính là nỗ lực của tự thân dưới sự soi sáng của giáo lý thiền định[17].
Năm 1991, hoàn thành bản dịch Thanh Tịnh Đạo Luận của tác giả là Luận Sư Buddhaghosa (Ngài Phật Âm) và được Ni Sư Trí Hải dịch. Thanh Tịnh Đạo Luận là bộ sách tóm tắt giáo lý nguyên thủy thuộc tạng Pali dưới những đề mục bảy thanh tịnh và ba vô lậu học. Trong phần tri kiến thanh tịnh (thuộc quyển 1) có đoạn nói về bốn niệm xứ là “gồm có bốn loại là vì nó xảy ra liên hệ đến thân thể, cảm thọ, tâm và pháp, xem chúng là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã và nó cũng thuộc bốn loại vì nó hoàn tất nhiệm vụ từ bỏ tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh”[18].
Năm 1991 xuất bản lần đầu tiên Đại tạng kinh Việt Nam do Hòa thượng Thích Minh Châu làm chủ tịch. Đến năm 2016 Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam hoàn thành việc bổ sung chỉnh sửa hoàn chỉnh bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam. Trong tác phẩm này có rất nhiều kinh do đức Phật Giảng dạy về Tứ niệm xứ.
Năm 1991 Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho xuất bản lần đâu tác phẩm được dịch giảng giải mang tự đề Con đường chuyển hóa (Bốn lĩnh vực quán niệm). Đến năm 2021 đã được tái bản lần 9 bởi NXB Thế Giới. Trong tác phẩm này Thiền sư Thích Nhất Hạnh trình bày phương pháp hành trì Tứ niệm xứ và Việt dịch ba tụng bản Tứ niệm xứ là: tụng bản một dịch từ Satipatthana thuộc hệ phái Theravada được ghi bằng tiếng pali (Nam Phạn); tụng bản hai từ kinh Niệm xứ thuộc hệ phái Thiết nhất thiếu hữu bộ (Sarvastivada) tiếng Bắc Phạn, được dịch ra Hán ngữ vào thời Đông Tấn (317-420); Tụng bản ba từ kinh Nhất nhập đạo thuộc hệ phái Đại chúng bộ (Mahasanghika). Mỗi tụng bản đều được tác giả Thiền sư dịch một cách dễ hiểu, rõ ràng, gần giũ, đượm màu sắc ngôn ngữ dân tộc.
Năm 1991, Hòa thượng Thích Trí Quảng hoàn thành tác phẩm Lược giải Kinh Pháp Hoa, trong phẩm thí dụ thứ 3 có đoạn: “Trong ba mươi bảy Trợ đạo phẩm, khởi đầu hành giả tu Tứ Niệm xứ để lìa tham dục, vì biết rõ tham dục là nhân của sinh tử luân hồi. Tứ Niệm xứ hay bốn pháp quán, hành giả phải để tâm đừng cho lệch ra ngoài”.[19]
Năm 1991, Pháp Sư Thích Từ Thông hoàn thành tác phẩm Duy Ma Cật Sở thuyết trực chỉ đề cương. Trong tác phẩm ở chương thứ nhất- Cõi nước Phật có đoạn: “Bồ Tát xây dựng cõi Phật bằng 37 Phẩm Trợ Đạo; vì vậy khi thành Phật, pháp Tứ niệm xứ, Tứ Chính cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Giác chi và Bát chính đạo đầy đủ.[20]
Năm 1997, Luận đại trí độ, Thích Thiện Siêu dịch, chương 43-giải thích 18 không có nói: “Tam muội tương ưng tứ niệm xứ nội quán gọi nội quán không, tam muội tương ứng tứ niệm xứ ngoại quán gọi ngoại quán không.[21]
Năm 1999, Ấn bản tại Thiền viện Như Lai (Hoa Kỳ), Tỳ kheo Khánh Hỷ (Aggasami Trần Minh Tài) Việt dịch tác phẩm mang tựa đề Đại niệm xứ của tác giả là thiền sư U Silananda và được Thiền sư Kim Triệu hiệu đính. Dịch phẩm này được thiền sư U Silananda giảng giải và chỉ dẫn thêm những phần lầm lẫn và thiếu sót. Trong lời giới thiệu có đoạn “kinh Đại niệm xứ là bài kinh tối cần và gần gũi nhất. Tối cần như cốt tủy và gần gũi như máu chảy khấp châu thân. Những lời kinh như những lời thiên thu gọi hãy dũng mãnh lên đường hướng về bờ giác cho chính mình”[22].
Năm 2000, Thích Thông Huệ hoàn thành tác phẩm Thiền kinh niệm xứ tại thiền thất Viên giác. Tác giả dựa vào bản dịch kinh Tứ niệm xứ trong Trung bộ I do Hoà thượng Thích Minh Châu dịch để lược giải. Nội dung tác phẩm có những phần như: Phần một là quán thân trên thân có những phần nhỏ như quán hơi thở, oai nghi, các hành tướng của thân, các thành phần của thân, tứ đại giả hợp, thi thể trong nghĩa địa; Phần hai là quán thọ; Phần ba quán tâm; phần bốn quán pháp với các pháp quán năm triền cái, 5 thủ uẩn, nội ngoại xứ, thất giác chi, bốn thánh đế; phần cuối là áp dụng vào công phu.
Năm 2002, xuất bản tác phẩm mang tựa đề Hành thiền với tác giả là Hòa thượng Thích Minh Châu. Tác phẩm này với bốn nội dung chính là: kinh nghiệm hành thiền của đức Phật, định nghĩa thiền của Buddhaghosa, Pháp môn Anapanati, và lợi ích của thiền định. Tác phẩm Hành thiền chỉ với 139 trang nhưng lại bao hàm những nội dung trọng yếu của việc hành thiền, hiện nay đây là một trong những tác phẩm có giá trị về mặc nghiên cứu và về phương diện tu tập.
Năm 2003 Tỳ kheo Thiện Minh hoàn thành bản Việt dịch Giáo trình Thiền Minh sát tuệ của tác giả Thiền sư Achaan Naeb. Sự tu tập thiền minh sát tuệ sử dụng thiền Tứ niệm xứ như được giới thiệu trong kinh Đại niệm xứ. Chính niệm tu tập Tứ niệm xứ là chính niệm vào danh pháp và sắc pháp trong khoảnh khắc hiện tại. Tác phẩm có trên 100 trang chứa đựng bốn phần với cách giảng dạy vô cùng sống động, dễ hành, dễ hiểu.
Năm 2005, Hòa thượng Thích Thiện Siêu hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Đại cương Luận Câu Xá. Phẩm phân biệt Hiền Thánh “theo Câu-xá này phân biệt khi mà quán Tứ niệm xứ không phải nói quán cách chung chung, mà có 2 lối quán. Một lối quán biệt tướng và một lối quán tổng tướng. Biệt tướng là tự tánh khác nhau của bốn cảnh, chẳng hạn như tự tánh của thân là sắc, mà sắc là do bốn đại tạo nên; Còn cộng tướng là tự tánh chung của các pháp, tức là các pháp đều có bốn đặc tính là vô thường, khổ, không, vô ngã”. [23]
Năm 2005, tác phẩm Tìm hiểu pháp môn niệm thọ được Tỳ kheo Pháp Thông Việt dịch từ tác giả Thiền sư Goenka- Ngài rất uy tín trong lĩnh vực niệm thọ này. Niệm thọ (một trong Tứ niệm xứ) có mục đích khám phá, phát hiện bộ mặt trung thực của chính mình, từ đó thoát khỏi sự khống chế lâu dài và mạnh mẽ của những ảo giác, ảo tưởng đầy tai hại.
Mùa an cư năm 2550 (2006) Tỳ kheo Pháp Thông hoàn thành bản Việt dịch mang tựa đề Tứ niệm xứ giảng giải của tác giả thiền sư Goenka. Nội dung tác phẩm có những phần đáng chú ý như: nói về pháp học, tứ niệm xứ, quán hơi thở, quán oai nghi, quán chất đáng nhờm gớm, quán tứ đại, chín pháp quán tử thi, quán cảm thọ, quán tâm, quán pháp, các triền cái, các uẩn, các căn xứ, các ghi phân giác ngộ và nói về tứ thanh đế.
Năm 2007 dịch giả Diệu Liên-Lý Thu Linh hoàn thành bản dịch Bát chính đạo con đường đến hạnh phúc của tác giả Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana. Trong tác phẩm Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc được tác giả Thiền sư giải thích rất cặm kẽ chi tiết thấu đáo với nhiều ví dụ mà lại rất đơn giản gần gũi, ở phần chính niệm tác giả dùng gần 30 trang giải thích rất rõ về Tứ niệm xứ.
Năm 2008 xuất bản tác phẩm Pháp hành thiền tuệ - một trong mười quyển Nền tảng Phật giáo của Tỳ kheo Hộ Pháp. Quyển Pháp hành thiền tuệ này có 10 chương trong đó chương 9 là nêu lên pháp hành thiền tuệ- pháp hành thiền tuệ là pháp hành Tứ niệm xứ “Pháp hành thiền tuệ chỉ có trong Phật giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo”.[24]
Mùa Phật đản Phật lịch 2552 – 2008, xuất bản tác phẩm Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển. Tác phẩm này là kết quả kết tập những bài giảng từ năm 2005 đến năm 2007 của Hòa thượng Thích Trí Quảng. Trong tác phẩm Hòa thượng nhấn mạnh về Tứ niệm xứ như sau: “an trụ trong tĩnh giác của Tứ Niệm xứ quán mới chứng được pháp Không, giải thoát, Niết bàn. Đó là quá trình tu mà Đức Phật đã thể nghiệm”.[25]
Năm 2009 xuất bản tác phẩm Chánh niệm thực tập thiền quán với dịch giả là Nguyễn Duy Nhiên. Nguyễn Duy Nhiên dịch từ tác phẩm của tác giả Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana. Tác phẩm trình bày về phương pháp thiền quán vipassana, tuy tác phẩm không trình bày và nêu rõ về bốn xứ lĩnh vực quán niệm nhưng trong nội dung khi đọc vào ta lại thấy tác giả nói về thiền Tứ niệm xứ. Trong tác phẩm có đoạn “thiền vipassana là một pháp môn thiền tập xa xưa nhất của đạo Phật, phương pháp này bắt nguồn từ kinh Tứ niệm xứ do chính đức Phật dạy. Thiền vipassana là một phương pháp trực tiếp và từ tốn, nó nuôi dưỡng và giúp phát triển chính niệm và tuệ giác”.[26]
Năm 2009 dịch giả Nguyên Nhật Trần Như Mai hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Từ chánh niệm đến giác ngộ. Nguyên Nhật Trần Như Mai đã Việt dịch tác phẩm này từ tác giả Thiền sư Ajahn Brahm, tác phẩm trình bày phương pháp thực hành con đường thiền định mà đức Phật đã hành trì để đắc quả giải thoát giác ngộ. Thiền sư Ajahn Brahm hướng dẫn từng bước thực tập thiền từ thấp đến cao, rõ ràng, mạch lạc, khoa học dựa trên nền tảng kinh quán niệm hơi thở và kinh Niệm xứ. Tác giả Thiền sư Ajahn Brahm giới thiệu về những khám phá mới lạ về cuộc hành trình tâm linh tiến vào thiền qua kinh nghiệm tu chứng của mình mà từ trước đến nay ít có sách thiền nào đề câp.
Xuất bản năm 2009 với tác phẩm Satipaṭṭhàña trái tim của thiền định Phật giáo, dịch giả Thích Chơn Thiện dịch từ tác phẩm của tác giả Nyanaponica Thera. Trong tác phẩm có đoạn: “đối tượng quán niệm (tứ niệm xứ) bao gồm nguyên cả con người và toàn bộ phạm vi kinh nghiệm của con người. Các đối tượng ấy trải rộng từ thân thể và chức năng của thân thể cho đến các cảm thọ cũng như quá trình và nội dung của nhận thức suy tư” [27].
Năm 2010 dịch giả Tỳ kheo Pháp Thông hoàn thành tác phẩm Đại niệm xứ tường giải của tác giả Thiền sư Pa –Auk Tawya Sayadaw. Tác phẩm có hai tập: tập một có 325 trang nói về Đại niện xứ tường giải và phần quán thân; tập hai có 447 trang hoàn thành quán thọ, quán tâm, quán pháp và một số phần khác. Trong tác phẩm có đoạn giải thích về “con đường độc nhất” chính là: bản chất của nó không phải là con đường đôi hay còn gọi là con đường đơn độc vì hành giả phải đi một mình không có bạn đồng hành. Hay còn có nghĩa là con đường của một con người hoàn hảo nhất [28].
Xuất bản năm 2011 Luật Ma Ha Tăng Kỳ do Thích Phước Sơn dịch, Trong phần khơi lại sự tranh cãi có đoạn: “Phật liền nói với A-nan: "Ðúng như các Tỳ-kheo-ni đã nói chân thật không khác. Tại vì sao? Là vì, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, ai có khả năng tu tập Tứ Niệm Xứ một cách tinh cần, thì tất cả đều thành tựu, chứng quả, như trong kinh Tứ Niệm Xứ đã nói rõ"[29].
Năm 2012 xuất bản tập Trí Tịnh toàn tập, phần Kinh Bát Nhã Ba La Mật, đề cập Tứ niệm xứ ở nhiều phẩm khác như: Phẩm Vãng Sinh thứ 4, Phẩm Ảo Học thứ 11, Phẩm Đẳng Không thứ 13, Phẩm chúc lụy thứ 16, Phẩm trang nghiêm thứ 17, phẩm xuất đáo thứ 21, phẩm diệt tránh thứ 31, Phẩm Mộng Trung Bất Chứng thứ 61,... và nhiều phẩm khác.
Năm 2012 xuất bản quyển sách Giảng giải Luận Đại Thừa Khởi Tín do Hạnh Bình và Quán Như dịch. Trong tác phẩm có đoạn đề cập đến tứ niệm xứ như sau: Tự tánh nhiếp lấy ngũ căn (tín, tấn, niệm, định và Tuệ) để hàm nhiếp các pháp khác như: tín căn hàm nhiếp tứ bất hoại tín, tấn căn hàm nhiếp tứ chính đoạn, niệm căn hàm nhiếp tứ niệm xứ, định căn hàm nhiếp tứ thiền, Tuệ căn hàm nhiếp tứ đế.[30]
Năm 2013 in và lưu chiểu tác phẩm Tứ niệm xứ giảng nghĩa. Tác phẩm có 434 trang đầy đủ cả bốn phần là quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp với nội dung dễ hiểu gần gũi trong đời sống tu tập hằng ngày. Tác phẩm Tứ niệm xứ giảng nghĩa này là những lời thuyết giảng của Tỳ kheo ni Hải Triều Âm – Ni trưởng chuyên hành niệm Phật. Ni chúng chùa Dược Sư y cứ vào băng giảng sao chép thành sách thông qua sự kiểm duyệt của tác giả. Trong tác phẩm có đoạn nói về tứ niệm xứ là “loại trừ hết mọi so đo tính toán của ý thức, chỉ nhắm thẳng vào hiện tại. Đi đứng thì chú trọng vào oai nghi, ngồi nằm thì để tâm vào hơi thở. Lâu dần thô tưởng tiêu mòn, ngoại trần hết vướng, thấy rõ vô tướng vô ngã, đời sống chỉ xây dựng trên hai là hơi thở ra vào mong manh [31].
Năm 2013, Thích Hạnh Tuệ - Thích Thanh Quế cho xuất bản tác phẩm kinh Tứ niệm xứ thực giải được xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn Giáo. Tác phẩm này được trình bày với lời văn giản dị mà cô đọng, thiết thực, nghĩa lý rõ ràng có thể giúp người đọc dễ tiếp xúc và thực hành theo. Cùng với tác phẩm Tứ niệm xứ thực giải, loạt sách thực giải các kinh quan trọng khác ở Việt Nam hiện nay như: kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng già, Hoa Nghiêm, Di Đà, Địa Tạng, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác, Phổ môn, Pháp hoa, Di giáo, Duy thức tam thập tụng... cũng được cho xuất bản với cùng tác giả.
Năm 2016 tại chùa Bửu Quang, Tỳ kheo Bửu Nam hoàn thành bản dịch Đại niệm xứ con đường đưa đến Níp-Bàn. Tác giả của tác phẩm này là Ngài Trưởng lão Lobhanama (Mahasi Sayadaw) tác phẩm có 420 trang với những chương mục chi tiết cụ thể như: phương pháp thực hành trong sự nhìn sự ngó, phương pháp thực hành trong sự ăn, sự đi, sự co duỗi... Phần quán tâm trong tác phẩm có đoạn: “tâm có tánh trong sạch tự nhiên như nước tinh khiết. Nếu chỉ là tánh thấy nghe, biết mùi, biết vị, xúc, và suy nghĩ thì sẽ không có chế ngự hay đáp ứng liên hệ cái thấy ở tâm. Chỉ khi tâm phối hợp với tâm sở là tánh chế ngự tâm. Từ đây sinh ra sầu não, tham, sâm, si”.[32]
Năm 2018 Thương tọa Thích Nhật Từ hoàn thành tác phẩm Thiền Vipassanā - bốn nền tảng chánh niệm. Tác phẩm này là tuyển tập 7 bài pháp thoại của tác giả trong khóa thiền Vipassanā ở chùa Giác Ngộ và một số nơi khác. Trong lời nói đầu tác giả nhận định: “Giá trị của thiền quán là mang lại trí tuệ cho người thực tập thiền. Minh sát (vipassanā) là nhìn thẩm thấu bằng tâm, nhìn mọi sự vật một cách sâu sắc “như chúng đang là”, hạn chế tối đa sự can thiệp ý thức chủ quan vào sự vật được quan sát, khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng trần cảnh...Cốt lõi của thiền quán là chính niệm trực tiếp (satimā) và tỉnh giác trực tiếp (sampajāno) với đối tượng “thân, thọ, tâm, pháp”, đồng thời, phải tinh tấn tỉnh giác (ātāpī) liên tục”[33].
Năm 2021 hai tác giả Thích Tâm Minh và Thích Tâm Chơn soạn tập và cho in tác phẩm mang tựa đề Pháp tập (Dhammasangaha). Pháp tập là tuyển tập những bài viết, nghiên cứu những lời Phật dạy trong kinh tạng Pali. Trong tác phẩm có phần về kinh Tứ niệm xứ - quan niệm Phật giáo về thực tại và sống với thực tại. Trong phần này tác giả khẳng định, “kinh Tứ niệm xứ cốt yếu giới thiệu chúng ta cách sống thực tại thông qua các phương pháp điều tâm hay kỹ thuật ứng dụng phép quán niệm và thức tỉnh. Sống thực tại là sống với những gì đang là, sống với lòng nhiệt thành, tích cực, siêng năng, chính niệm tỉnh giác [34].
Năm 2022 xuất bản tác phẩm Giáo trình trung cấp Phật học Thiền tứ niệm xứ của Ban giáo dục trung ương và được xuất bản bởi Nhà xuất bản Hồng Đức. Trong bộ giáo trình này còn có Phật học căn bản, kinh Trung bộ và một số sách quan trọng khác. Giáo trình trung cấp Phật học này được xem là bộ giáo trình căn bản cho phần lớn các trường Trung cấp Phật học dùng để giảng dạy.
Thượng tọa Thích Chân Quang nhận thấy phương pháp tu tập vô cùng quan trọng và thiết thực trong công phu tu tập thiền định chính là Tứ niệm xứ, nên từ năm 2021-2022 TT. TS Thích Chân Quang đã giảng giải về pháp tu này. Tác phẩm Điều kì diệu của tứ niệm xứ tập hợp các bài giảng về Tứ niệm xứ của tác giả. Tác phẩm hé lộ những bí mật cực kỳ thâm sâu, tinh tế khi thực hành công phu thiền định như các chướng ngại, những ngõ cụt vô ích và nguy hiểm, các căn cơ tu thiền và yếu chỉ tu tập tương ứng với từng giai đoạn… để từ đó ai cũng biết cách ứng dụng giáo lý Tứ niệm xứ, xây dựng nền tảng căn bản giúp ta bước lên trên con đường thiền định vô tận cao siêu này.
Trong Bộ Linh sơn đại tạng có các kinh đề cập đến Tứ niệm xứ như: đại tập 169, Bộ chư Tông 9, số 1918 nói về tứ niệm xứ có quyển 2,3,4; Tứ Giáo Nghĩa, Quyển 7,8; Duy - Ma Kinh Lược Sớ Thùy Dụ Ký - Quyển 1; Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Huyền Nghĩa, Quyển 4 (Hạ); Tông Cảnh Lục - Quyển 39; Kinh Đại Bảo Tích - Quyển 95- Pháp Hội 27: Bồ-Tát Thiện Thuận; Duy - Ma Kinh Lược Sớ - Quyển 4; Số 1702 - Kim Cang Kinh Toản Yếu San Định Ký - Quyển 2; Kinh Tối Thắng Bồ - Tát Thập Trụ Trừ Cấu Đoạn Kết - Quyển 3; Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm, Quyển 8; Kinh Đại Bảo Tích - Quyển 68 - Pháp Hội 16: Bồ-Tát Thấy Thật (Phần 8) - Phẩm 20: Trời Quang Âm Được Thọ Ký; Kinh Đại Bi - Quyển III - Phẩm 8: Lễ Bái; Tạp A- Hàm Quyển 7 - Kinh 139. Ưu Não Sanh Khởi; Pháp Hoa Văn Cú Ký, Quyển 7, Phần Trung; Số 1709 - Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Sớ - Quyển Thượng - Phần 1; Số 97: Phật Nói Kinh Quảng Nghĩa Pháp Môn; Văn Cú Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển 6 (Phần Hạ); Số 1923- Quán Tâm Luận, Quyển Hạ: Phẩm Thân Niệm Xứ Quán Như Âm; Số 85: Phật Nói Kinh Nhân Duyên Chấm Dứt Sự Tranh Luận; Kinh Đại Bảo Tích - Quyển 42 - Pháp Hội 12: Bồ-Tát Tạng (Phần 8) - Phẩm 7: Thi-La Ba-La-Mật-Đa (Phần 1); Số 1762 - Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao - Quyển 33; Số 157: Kinh Bi Hoa - Quyển I; Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm - Quyển V; v.v... và còn rất nhiều kinh khác có đề cập đếm giáo lý Tứ niệm xứ.
Từ những tác phẩm trên cho thấy, ở Việt Nam ta ngay từ thời của Thiền sư Khương Tăng Hội trải dài qua nhiều thế hệ, đến những năm 80 trở đi pháp học và pháp hành Tứ niệm xứ vẫn luôn được chư vị tổ sư, thiền sư, các nhà lãnh đạo Phật giáo cho đến những hành giả tu tập từ xuất gia đến tại gia đều luôn lấy đó làm kim chỉ nam trên nền tảng pháp hành quan trọng. Hơn thế nữa, rất nhiều tác phẩm khác của chư vị tiền bối thể hiện rõ sự quan trọng của pháp hành thiền này như sau: Trong sách Tư tưởng kinh A Di Đà (năm 1985) tác giả khẳng định rằng: điều kiện vãng sinh Cực Lạc này giống hệt với kết quả tu tập Tứ niệm xứ hay Đại niệm xứ của Nikàya và A-hàm. Công phu trì niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà hẳn là công phu tu tập thiền định[35]; Hòa thượng Thích Thiện Siêu trong tác phẩm Giới Thiệu kinh Thủ lăng nghiêm (năm 2001). Ở phần sự phán giáo trong kinh Lăng nghiêm có đoạn: “Giáo lý đức Phật chỉ rõ cho chúng sinh thấy cái thật tướng của sự vật : vô thường, khổ, bất tịnh và vô ngã. Quán tứ niệm xứ cũng vậy, nên quán tứ niệm xứ thì được đắc đạo”[36]; Trong tác phẩm Thiền tứ niệm xứ của Hòa thượng Thích Trí Siêu, tác giả có sự so sánh giữa hai kinh là Tứ niệm xứ (một Kinh quan trọng của Nam Tông) và Bát nhã tâm kinh (một Kinh thông dụng bên Bắc Tông) như sau: Kinh Tứ niệm xứ nói về 4 lãnh vực quán niệm - nói về cách thức tu tập; Bát nhã tâm kinh nói về quán chiếu 5 uẩn là không - nói về triết lý cao siêu. Kinh Tứ niệm xứ chỉ dạy cách thức tu tập, dẫn đến kết quả là thấu đạt được ngũ uẩn là Không (vô ngã), thuộc về Đạo đế. Còn Bát nhã tâm kinh nói về lý thuyết từ ngũ uẩn là không (nói về tính không), thuộc về Diệt đế. Người hành giả một khi thành tựu được phép quán Tứ niệm xứ thì sẽ sống độc lập và không bám víu vào bất cứ sự vật gì trong thế gian, câu này có khác gì “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Vì thế, muốn thực chứng Bát nhã, hãy nên thực hành Tứ niệm xứ [37]; Kinh Bát Nhã Ba La Mật thuộc tâp 5 trong tác phẩm Trí Tịnh toàn tập, tác giả nhấn mạnh: “Tu Tứ niệm xứ chẳng khác Ðại thừa, Ðại thừa chẳng khác Tứ niệm xứ, Tứ niệm xứ cùng Đại thừa không hai, không khác”[38]. Sư bà Hải Triều Âm cũng nhận định rằng: “Kinh nào cũng xây dựng từ giáo lý nền tảng Tứ niệm xứ này mà nên. Nếu không có trí tuệ Tứ niệm xứ thì đọc kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Niết Bàn... cũng không nắm được cốt lõi của kinh văn. Cho nên Phật gọi đây là con đường độc nhất thanh tịnh chúng sinh” [39]; Tứ niệm xứ còn được nhấn mạnh trong luật Ma ha tăng kỳ, các kinh luận thuộc Đại thừa như như Bát nhã, Duy ma, Pháp hoa,.. luận Đại thừa khởi tín, luận Đại trí độ, luận Câu xá.v.v...Từ đây chúng ta thấy, sự phát triển của Phật giáo chính yếu là để chuyển mình thích nghi với xã hội hiện tại, nhưng nội dung cốt yếu và giáo lý căn bản nền tảng như Tứ Đế, Duyên khởi hay Tứ niệm xứ...dù có bao cuộc chuyển di về thời gian và hoàn cảnh thì những lời dạy ấy của Thế Tôn cũng không thể nào thay đổi.
3. Lời kết
Như vậy, dòng thiền Vipassana lấy Tứ niệm xứ làm căn bản, đối với Phật giáo Nam tông Khmer tuy biết có dấu tích phát tiển từ những thế kỷ 2,1 trước Tây lịch nhưng dấu tích về thiền Vipassana thì không thể xác minh bằng văn tự. Còn Phật giáo Nam tông Kinh từ thời Ngài Hộ Tông, thì dòng thiền này dần được khởi sắc và phát triển, nhưng qua thời Ngài thì thiền Vipassana không mấy phát triển. Mãi đến những thập niêm gần đây dòng thiền này mới phát triển lại do sự truyền dạy của các sư Nam Tông trong và ngoài nước, cùng sự phát triển công nghệ thông tin, sau này các tự viện thuộc Bắc truyền cũng dần mở những lớp dạy thiền vipassana.
Từ đây, dòng thiền Vipassana lấy Tứ niệm xứ làm căn bản dần có dấu hiệu phát tiển nhưng cũng không nhanh. Tiêu biểu như khóa thiền Vipassana của Hòa thượng Viên Minh, khóa thiền Vipassana tại thiền viện Phước Sơn của sư Bửu Chánh, khóa thiền Vipassana tại chùa Giác Ngộ, khóa thiền Vipassana của sư Liễu Pháp, sư Diệu Hiếu... và rất nhiều khóa thiền Vipassana khác.
Đối với Phật giáo Bắc truyền, khi nói về thiền Tứ niệm xứ ở Việt Nam như lời của Thiền sư Nhất Hạnh từng nhận định rằng: “giờ đây con cháu của Thầy Tăng Hội sống vào thế kỷ XX, XXI cũng đã và đang dạy thiền giống như sơ tổ của thiền tông Việt Nam. Sử dụng thiền từ những kinh căn bản của Nguyên thủy và giảng dạy với cái nhìn phóng khoáng của Đại thừa. Đó là sự tiếp nối một cách rất tự nhiên. Nó có nghĩa là dòng máu, dòng sinh lực của Thầy Tăng Hội vẫn tiếp tục trao truyền đến chúng ta tuy đã trải qua gần 18 thế kỷ”[40]. Dù là dòng chảy tư tưởng Phật giáo nào thì pháp Tứ niệm xứ vẫn luôn là trong tâm trong pháp hành của mỗi mỗi hành giả.
Trên phương diện tồn vong của đạo pháp, đức Phật từng khẳng định rằng: “Do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài”[41]. Vì bốn niệm xứ là trái tim của Phật giáo, không một ai sống mà không cần trái tim cũng vậy Phật giáo không thể tồn tại nếu hành giả-những người đệ tử Phật không hành Tứ niệm xứ. Vì hành giả không thể rời chính niệm, chính định mà tu tập hạnh giải thoát được.
Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ, nên từ những thế kỷ đầu tây lịch, pháp thiền Phật giáo du nhập vào nước ta. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước băng qua những thăng trầm của lịch sử hơn 2000 năm. Trong suốt chiều dài của lịch sử đó thiền học Việt Nam có nguồn gốc từ thiền niệm xứ vẫn được xem là công thức nền tảng để từ đó phát triển thành những pháp tu thiền khác nhau. Cũng như dù cho người Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ có khác nhau về màu da, trang phục... nhưng trái tim và dòng máu con người vẫn không thay đổi. Phật giáo tuy chia ra Nam truyền, Bắc truyền... nhằm để thích ứng xã hội và căn cơ chúng sinh những vẫn xem thiền niệm xứ là nền tảng căn bản. Chính những tác phẩm thiền vô giá kết tinh từ sự thực nghiệm tự thân của chư vị Thiền sư, tổ sư, cao tăng lỗi lạc, các nhà dịch thuật lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam đã bảo lưu, giữ gìn phát huy được những giá trị cốt lõi của Phật giáo miên viễn với thời gian.
SC.Thích Nữ Trung Hiếu & TT.TS Thích Hạnh Tuệ ***
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ĐTKVN, (2017), Kinh Trung Bộ I, kinh Niệm xứ, NXB Tôn giáo. 2. ĐTKVN, (2017), Tương Ưng tập 5, Chướng 11, Tương Ưng dự lưu, NXB Tôn giáo 3. Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương, Linh sơn Pháp bảo Đại tạng, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 4. Hòa thượng Hộ Tông soạn, (1956-1957), Thân quán niệm xứ, Phật giáo Nguyên thủy. 5. Hòa thượng Hộ Tông soạn, (1957), Thân quán niệm xứ, Phật giáo Nguyên thủy. 6. Hòa thượng Hộ Tông soạn, (1961), Bát thánh đạo, Phật giáo Nguyên thủy. 7. Walpola Rahula, Tổng hội cư sĩ Phật giáo Nguyên Thủy VN (dịch), (1966), Kinh thiền định, Ấn quán Nam Trung Ấn, Sài Gòn. 8. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (2021), Phép lạ của sự tỉnh thức, NXB Thế Giới. 9. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (1987), Kinh quán niệm hơi thở, NXB Lá Bối. 10. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (2021), Con đường chuyển hóa, NXB Thế Giới. 11. Hòa thượng Thích Chơn Thiện, (2000), Tìm Vào Thực Tại, NXB: TP. Hồ Chí Minh. 12. Hòa thượng Thích Chơn Thiện, (2009), Phật học khái luận, NXB Phương Đông. 13. Nyanaponica Thera, Hòa thượng Thích Chơn Thiện (dịch), (2009), Satipaṭṭhàña trái tim của thiền định Phật giáo, NXB Phương Đông. 14. Hòa thượng Thích Chơn Thiện, (1999), Tư Tưởng Kinh Kim Cương, NXB Tôn Giáo. 15. Hòa thượng Thích Minh Châu, (2002), Hành thiền, NXB Tôn Giáo. 16. Hòa thượng Thích Chơn Thiện, (2010), Tư Tưởng Kinh A - Di –Đà, NXB Phương Đông. 17. Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (2004), Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, NXB Tôn Giáo. 18. Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (1997), Luận Đại trí độ, NXB Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. 19. Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (2006), Đại cương Luận Câu Xá, NXB Tôn Giáo. 20. Hòa thượng Thích Trí Quảng, (1999), Lược giải kinh Pháp Hoa, NXB Tôn Giáo. 21. Hòa thượng Thích Trí Quảng, (2008), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển, NXB Tôn Giáo. 22. Thượng tọa Thích Trí Siêu (1987), Thiền tứ niệm xứ. NXB Phương Đông. 23. Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận, (2004), Phật học khái lược, NXB Tôn Giáo. 24. Lâm Như Tạng, (2021), Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Việt Nam, NXB Hồng Đức. 25. Hòa thượng Thiền sư Giới Nghiêm, (2009), Thiền tứ niệm xứ minh sát tuệ, NXB Tôn Giáo. 26. Pitakaculabhaya, Hòa thượng Giới Nghiêm dịch (2010), Mi Tiên vấn đáp. NXB Văn Học. 27. Luận Sư Buddhaghosa (Ngài Phật Âm), Ni Sư Trí Hải (dịch), (2020), Thanh tịnh đạo luận, NXB Tôn Giáo. 28. Pháp Sư Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở thuyết trực chỉ đề cương, NXB Tôn Giáo. 29. Thiền sư U Silananda, Tỳ kheo Khánh Hỷ (Aggasami Trần Minh Tài-dịch), (1999), Đại niệm xứ, Ấn bản Như Lai Thiền viện. 30. Thích Thông Huệ, (2005), Thiền kinh niệm xứ, NXB Tôn Giáo. 31. Thiền sư Achaan Naeb, Tỳ kheo Thiện Minh, (2003), Giáo trình Thiền Minh sát tuệ, NXB Tôn Giáo. 32. Thiền sư Goenka, Tỳ kheo Pháp Thông dịch, (2005), Tìm hiểu pháp môn niệm thọ, NXB Hồng Đức. 33. Thiền sư Goenka, Tỳ kheo Pháp Thông, (2006), Tứ niệm xứ giảng giải, NXB Văn Hóa Sài Gòn. 34. Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana, Diệu Liên-Lý Thu Linh (dịch), Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc, (2007), NXB Phương Đông. 35. Tỳ Kheo Hộ Pháp, (2018), Nền tảng Phật giáo Quyển 10, Pháp Hành Thiền Tuệ, NXB Tôn Giáo. 36. Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana, Nguyễn Duy Nhiên (dịch), (2009), Chánh niệm thực tập thiền quán, NXB Thanh Hóa. 37. Thiền sư Ajahn Brahm, Nguyên Nhật Trần Như Mai (dịch), (2009), Từ chánh niệm đến giác ngộ, NXB Tôn Giáo. 38. Thiền sư Pa –Auk Tawya Sayadaw, Tỳ kheo Pháp Thông (dịch), (2010), Đại niệm xứ tường giải, NXB Tôn Giáo. 39. Phật Đà Bạt Đà La - Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch), (2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ- Tập 2, NXB Tôn Giáo. 40. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, (2012), Trí Tịnh Toàn Tập, NXB Thời Đại. 41. Hòa thượng Ấn Thuận, Hạnh Bình & Quán Như, (2012), Giảng giải luận Đại thừa khởi tín, NXB Phương Đông. 42. Tỳ kheo Ni Hải Triều Âm, (2012), Tứ niệm xứ giảng nghĩa, NXB Tôn Giáo. 43. Trưởng lão Lobhanama (Mahasi Sayadaw), Tỳ kheo Bửu Nam (2016), Đại niệm xứ con đường đưa đến Níp-Bàn, NXB Hồng Đức. 44. Thương tọa Thích Nhật Từ, (2018), Thiền Vipassanā - bốn nền tảng chánh niệm, NXB Hồng Đức. 45. Thích Tâm Minh và Thích Tâm Chơn, (2021), Pháp tập (Dhammasangaha), NXB Hồng Đức. 46. Thượng tọa Thích Chân Quang, (chưa rõ năm xuất bản), Điều kì diệu của tứ niệm xứ, NXB Tôn Giáo. 47. Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi, Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch, (hoàn thành bản dịch, (2016), Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāli, NXB Hồng Đức. 48. Ban Giáo dục Trung ưng (2022), Giáo trình trung cấp Phật học Thiền tứ niệm xứ, NXB Hồng Đức. 49. Thích Hạnh Tuệ - Thích Thanh Quế (2013), kinh Tứ niệm xứ thực giải, NXB Tôn Giáo.
CHÚ THÍCH: [1] ĐTKVN, (2017), Kinh Trung Bộ I, kinh Niệm xứ, NXB Tôn giáo, tr 85. [2] Hòa thượng Thích Trí Quảng, (2008), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển, NXB Tôn Giáo, tr 250 . [3] Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận, (2004), Phật học khái lược, NXB Tôn Giáo, tr 217. [4] Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (2021), Con đường chuyển hóa, NXB Thế Giới, tr 28. [5] Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (2021), Con đường chuyển hóa, NXB Thế Giới, tr 50. [6] H.T Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ 1”, Xb 2012, Tr.85. [7] Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi, Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch, (2016), Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāli, NXB Hồng Đức, tr 324. [8] Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông soạn, (1956-1957), Thân quán niệm xứ, Phật giáo Nguyên thủy, tr 6. [9] Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông soạn, (1957), Thân quán niệm xứ, Phật giáo Nguyên thủy, tr 5. [10] Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông soạn, (1961), Bát thánh đạo, Phật giáo Nguyên thủy, tr 13. [11] Walpola Rahula, Tổng hội cư sĩ Phật giáo Nguyên Thủy VN (dịch), (1966), Kinh thiền định, Ấn quán Nam Trung Ấn, Sài Gòn, tr 3. [12] Hòa thượng Thiền sư Giới Nghiêm, (2009), Thiền tứ niệm xứ minh sát tuệ, NXB Tôn Giáo, tr 6. [13] Pitakaculabhaya, Hòa Thượng Giới Nghiêm dịch (2010), Mi Tiên vấn đáp. NXB Văn Học, tr 898. [14] Pitakaculabhaya, Hòa Thượng Giới Nghiêm dịch (2010), Mi Tiên vấn đáp. NXB Văn Học, tr 836. [15] Thích Chơn Thiện, (1999), Tư Tưởng Kinh Kim Cương, NXB Tôn Giáo, tr 29. [16] Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (1987), Kinh quán niệm hơi thở, NXB Lá Bối, tr 4. [17] Hòa thượng Thích Chơn Thiện, (2000), Tìm Vào Thực Tại, NXB TP Hồ Chí Minh, tr 36. [18] Luận Sư Buddhaghosa (Ngài Phật Âm), Ni Sư Trí Hải dịch, (2020), Thanh tịnh đạo luận (quyển 1), NXB Tôn Giáo, tr 574. [19] Hòa thượng Thích Trí Quảng, (1999), Lược giải kinh Pháp Hoa, NXB Tôn Giáo, tr 163. [20] Pháp Sư Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở thuyết trực chỉ đề cương, NXB Tôn Giáo, tr 21. [21] Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (1997), Luận Đại Trí Độ, NXB Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, tr 388. [22] Thiền sư U Silananda, Tỳ kheo Khánh Hỷ (Aggasami Trần Minh Tài), (1999), Đại niệm xứ, Ấn bản Như Lai Thiền viện , tr 12. [23] Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (2006), Đại cương Luận Câu Xá, NXB Tôn Giáo, tr 480. [24] Tỳ Kheo Hộ Pháp, (2018), Nền tảng Phật giáo Quyển 10, Pháp Hành Thiền Tuệ, NXB Tôn Giáo, tr 1. [25] Hòa thượng Thích Trí Quảng, (2008), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển, NXB Tôn Giáo, tr 165. [26] Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana, Nguyễn Duy Nhiên dịch, (2009), Chánh niệm thực tập thiền quán, NXB Thanh Hóa, tr 105-106. [27] Nyanaponica Thera, Hòa thượng Thích Chơn Thiện dịch, (2009), Satipaṭṭhàña trái tim của thiền định Phật giáo, NXB Phương Đông, tr 97. [28] Thiền sư Pa –Auk Tawya Sayadaw, Tỳ kheo Pháp Thông (dịch), (2010), Đại niệm xứ tường giải (quyển 2), NXB Tôn Giáo, tr 11. [29] Phật Đà Bạt Đà La - Sa Môn Pháp Hiển (Hán dịch), Thích Phước Sơn (Việt dịch), (2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ- Tập 2, NXB Tôn Giáo, tr 130. [30] Hòa thượng Ấn Thuận, Hạnh Bình & Quán Như, (2012), Giảng giải luận Đại thừa khởi tín, NXB Phương Đông, tr 64. [31] Tỳ kheo Ni Hải Triều Âm, (2012), Tứ niệm xứ giảng nghĩa, NXB Tôn Giáo, tr 39-40. [32] Trưởng lão Lobhanama (Mahasi Sayadaw), Tỳ kheo Bửu Nam dịch, (2016), Đại niệm xứ con đường đưa đến Níp-Bàn, NXB Hồng Đức, tr 265. [33] Thương tọa Thích Nhật Từ, (2018), Thiền Vipassanā - bốn nền tảng chánh niệm, NXB Hồng Đức, tr 1. [34] Thích Tâm Minh và Thích Tâm Chơn, (2021), Pháp tập (Dhammasangaha), NXB Hồng Đức, tr 223. [35] Hòa thượng Thích Chơn Thiện, (2010), Tư Tưởng Kinh A - Di –Đà, NXB Phương Đông, tr 29. [36] Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (2004), Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, NXB Tôn Giáo, tr 24. [37] Thượng tọa Thích Trí Siêu (1987), Thiền tứ niệm xứ. NXB Phương Đông, tr 49-50. [38] Hòa thượng Thích Trí Tịnh, (2012), Trí Tịnh Toàn Tập - Tập 5 - Kinh Bát Nhã Ba La Mật, NXB Thời Đại, tr 317. [39] Tỳ kheo Ni Hải Triều Âm, (2012), Tứ niệm xứ giảng nghĩa, NXB Tôn Giáo, tr 427. [40] Lâm Như Tạng, (2021), Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Việt Nam, NXB Hồng Đức, tr 47. [41] ĐTKVN, (2017), Tương Ưng tập 5, Chướng 3, Tương Ưng Niệm xứ, NXB Tôn giáo, tr 584.
Bình luận (0)