Trang chủ Bài viết nổi bật Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phần cuối

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phần cuối

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm là hóa thân của thực tiễn Phật giáo Đại Thừa. Đa số các chùa tại Ma Cao đều có nơi thờ ngài Quán Âm, cũng không ít chùa chủ yếu thờ cúng tượng Quán Âm. Như Quán Âm nham miếu và Quán Âm đường dựng năm 1871, 1902 tại đảo Đãng Tử.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm là hóa thân của thực tiễn Phật giáo Đại Thừa. Đa số các chùa tại Ma Cao đều có nơi thờ ngài Quán Âm, cũng không ít chùa chủ yếu thờ cúng tượng Quán Âm. Như Quán Âm nham miếu và Quán Âm đường dựng năm 1871, 1902 tại đảo Đãng Tử.

Chương XVIII
PHẬT GIÁO TẠI MA CAO

1. Mạch nguồn Phật giáo tại Ma Cao là Phật giáo Lĩnh Nam

Ma Cao là vùng đất nằm ở duyên hải bờ Đông Trung Quốc, bờ Tây của cửa Châu Giang, giáp với thành phố Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía Bắc, cách Hồng Kông 61km về phía Đông. Từ xưa vốn thuộc chủ quyền Trung Quốc, từ năm 1553 Bồ Đào Nha cai trị và quay trở về với Trung Quốc vào năm 1999. Dân số vào khoảng 600.000 người, trong đó hơn 96% là người Hoa.

Lịch sử Phật giáo tại Ma Cao tương đối lâu đời và có mối quan hệ đặc biệt gắn liền với lịch sử Phật giáo Lĩnh Nam. Nói cách khác gốc nguồn Phật giáo tại Ma Cao là trong vùng ảnh hưởng và là mạch truyền từ Phật giáo Lĩnh Nam.

1.1 Nằm trên con đường quan trọng truyền bá Phật giáo thời sơ kỳ

Căn cứ các tư liệu khảo cổ, từ cuối thời đại đồ đá thì các dân tộc Bách Việt ở vùng Lĩnh Nam đã có qua lại với các nơi ở Đông Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Đến các thời Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, dần hình thành con đường tơ lụa trên biển, Quảng Châu trở thành khởi điểm của con đường đó.

Thời đó, có rất nhiều các vị tăng dịch kinh người Ấn Độ theo đường biển đến Trung Quốc, Quảng Châu trở thành nơi các vị tăng lữ đến truyền đạo. Do đó, con đường tơ lụa trên biển cũng trở thành con đường quan trọng để truyền bá Phật giáo.

1.2 Lược thuật lịch sử Phật giáo huyện Hương Sơn

Quá trình truyền nhập và phát triển Phật giáo tại Ma Cao nên khảo xét trong chỉnh thể cùng với Phật giáo huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông. Sử chép về Phật giáo huyện Hương Sơn truy đến những năm đầu niên đại Hàm Thông thời Đường (860-872), có pháp sư Chân Giáo (Thiền sư Pháp Quả) đến truyền giáo. Niên đại Khai Bảo thời Bắc Tống (968-975), có Thiền sư Viên Minh đến, thị tịch năm đầu Thuần Hóa thời Tống (990), dân xây am Tây Lâm để thờ.

Thời Tống, tại thôn Tây huyện Hương Sơn có Thiền sư Huệ Từ Phổ Tế, sau nhân dân dựng am Long Quy để thờ. Niên hiệu Càn Đạo thời Nam Tống (1165-1173), huyện lệnh huyện Hương Sơn là Phạm Văn Lâm xây chùa Vô Lượng, chùa Bảo Khánh; năm niên hiệu Đoan Bình (1234-1236) lại xây am Độc Giác.

Năm Hàm Thuần thứ ba (1267), thôn nhân là Ngô Thành Tử xây am Tây Sơn; năm Hàm Thuần thứ năm, thôn nhân là Châu Nhân xây am Phổ Đà. Quan dân đều hưng khởi xây chùa đắp tượng, chứng minh Phật giáo thời Tống tại vùng này rất hưng thịnh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc Phan cuoi 2 1

Tượng Phật Bà Quan Âm trên chùa Kun Lam, Ma Cao. Nguồn: St

Khoảng niên hiệu Đại Đức thời Nguyên (1297-1307), Phật giáo lại được phát triển thêm một bước, chùa Nguyên Hưng nổi danh được xây cất, am Thúy Trúc và các chùa khác cũng liên tục được dựng. Đầu niên hiệu Chí Chính thời Nguyên (1341-1368), lại dựng chùa Tây Trúc. Đến cuối thời Nguyên thì đa số chùa đều bị hủy vì binh loạn, một số chùa may mắn sót lại đến năm Gia Tĩnh thứ hai thời Minh (1523) bị Phó sứ đề học huyện Hương Sơn quy tội là “dâm từ” đều cho hủy hoại.

Đến cuối thời Minh Phật giáo lại được trùng hưng. Khoảng niên hiệu Sùng Trinh thời Minh (1628-1644), pháp sư Huệ Dung dựng am Hương Lâm và am Bạch Y. Niên hiệu Thuận Trị thời Thanh (1644- 1661), tri huyện Hương Sơn Hồ Đái Nhân xuất tiền xây am Chúng Mẫu, thỉnh pháp sư Huệ Tín trụ trì. Các chùa Phật xây cất từ đầu thời Thanh còn có các Quán Âm, Phượng Sơn cổ tự, chùa Bảo Liên, chùa Phổ Giác, chùa Khai Nguyên, đa phần đều thuộc Thiền tông.

Về lịch sử Phật giáo vùng đất Ma Cao hiện nay thì đang thiếu sót tư liệu nghiên cứu, nhưng vẫn có thể tìm hiểu khái quát tình hình thông qua các ghi chép của các chùa.

2. Đặc điểm Phật giáo ở Ma Cao

Đặc điểm tín ngưỡng Phật giáo ở Ma Cao có thể quy thành một số phương diện như sau:

Một là, kết hợp Thiền Tịnh. Phật giáo Ma Cao đa phần thuộc hệ thống Tào Động Nam Thiền nơi Lục tổ Huệ Năng, đồng thời cũng tín phụng Tịnh Độ tông. Thiền Tịnh kết hợp là dòng chủ lưu của Phật giáo Trung Quốc từ thời Minh Thanh đến nay và là điểm nổi bật của Phật giáo đại chúng hóa. Ma Cao chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo từ lục địa Trung Quốc, lẽ tự nhiên cũng nhập vào dòng chảy diễn biến của lịch sử Phật giáo Trung Quốc.

Đặc điểm tư tưởng tông Tào Động là “tức sự nhi chân”, cho rằng chỉ cần thực tiễn một cách thật chân thành không lười biếng thì bất cứ một sự việc nào cũng có thể hiển hiện chân lý cần truy cầu, tất thảy sự vật đều uẩn tàng bản thể chân như viên dung vô ngại. Điều đó cũng phù hợp với tông chỉ phương tiện lợi đời, tinh thần “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” ngài Huệ Năng đề xướng.

Hai là, tín ngưỡng Quán Âm rất phổ biến. Tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm là hóa thân của thực tiễn Phật giáo Đại Thừa. Đa số các chùa tại Ma Cao đều có nơi thờ ngài Quán Âm, cũng không ít chùa chủ yếu thờ cúng tượng Quán Âm. Như Quán Âm nham miếu và Quán Âm đường dựng năm 1871, 1902 tại đảo Đãng Tử. Đảo Lộ Hoàn có Quán Âm cổ miếu, Quán Âm miếu lập năm 1839, 1881. Quán Âm cổ miếu trên núi Vượng Hạ vào khoảng niên hiệu Đạo Quang thời Thanh.

Ba là đặc điểm phương tiện bao dung. Nho, Phật, Đạo tam giáo dung thông, ăn sâu vào tín ngưỡng của dân cư như một nét truyền thống văn hóa tôn giáo của người Hoa. Có một điểm cần chú ý là một số chùa ở Ma Cao, đặc biệt thuộc hệ thống Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian thì thường không có người xuất gia thường trụ mà do tín đồ tại gia hoặc hội tự quản khu phố quản lý.

3. Tình hình Phật giáo tại Ma Cao

Phật giáo tại Ma Cao thế kỷ XX tương đối phát triển, theo ghi chép trong “Cơ Đốc giáo bách khoa toàn thư” xuất bản năm 1982 thì tỷ lệ nhân sĩ theo Phật giáo vào năm 1900 là 10%, 1970 là 15.3%, năm 1975 là 15.4%, năm 1978 là 15.5% (khoảng 59.100 người); tính đến năm 1996 thì số lượng đăng ký chính thức là hơn 60.000 người. Nhưng cư dân tại Ma Cao phần nhiều cũng kiêm tín cả tôn giáo truyền thống dân gian Trung Quốc, cũng đi chùa thắp nhang lễ Phật, rồi tự nhận mình là Phật giáo đồ.

Do đó, nếu tính cả số đó thì Phật giáo đồ tại Ma Cao chiếm đến hơn 80% tổng dân số. Theo nguồn thống kê khác(98) năm 1970 thì Phật giáo đồ chiếm 76.7% dân số, tính cả số người theo tam giáo Nho, Phật, Đạo và tín ngưỡng dân gian. Cũng có báo chí thống kê(99) ít nhất có hơn 90% gia đình có thiết bàn Phật, mỗi ngày đều thắp nhang bái Phật, đến lễ tết thì tới chùa.

Hiện tại, các tổ chức Phật giáo tại Ma Cao có: Hội liên hợp Nho Thích Đạo Ma Cao thành lập năm 1974, Hội liên hợp Phật giáo thành lập năm 1988, Trung tâm thanh niên Phật giáo thành lập năm 1991, Ma Cao Phật học xã, Vĩnh Thiện Liên uyển, Hội Phổ Môn Phật giáo, Quốc tế liên Mật Phật giáo Từ Hàng hội. Nhưng cơ cấu tổ chức khá lỏng lẻo, đa phần mang tính chất giao lưu đối ngoại.

Hiện tại, số lượng chùa và cơ sở Phật giáo đăng ký hoạt động có khoảng 40 nơi. Ngoài hai chùa nổi tiếng nhất là thiền viện Phổ Tế(100) – chùa cổ và lớn nhất tại Ma Cao (xây dựng năm 1623) và thiền viện Bồ Đề – đạo tràng Tịnh Độ duy nhất tại Ma Cao (xây dựng khoảng niên hiệu Quang Tự thời Thanh 1875-1908).

Ngoài ra, còn có thiền viện Dược Vương (1933), thiền viện Trúc Lâm, Chính Giác thiền lâm, Vĩnh Thiện Liên uyển, Hương Lan thiền, Tử Trúc viên, Tĩnh Ẩn đường, Bảo Lâm am, trung tâm Thiền Tịnh Áo Môn. Đạo tràng cư sỹ có Áo Môn Phật học xã, trung tâm thanh niên Phật giáo Ma Cao, Điện Địa Tạng Phật giáo Ma Cao, trung tâm Bạch Ngọc Pháp Luân Ma Cao, hội Chính pháp Minh Pháp Luân Ma Cao.

Chùa ở Ma Cao thường chia làm hai hệ thống tùy theo do Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni cư trú. Trong đó, chùa thuộc hệ thống Tỳ kheo chủ yếu có Thiền viện Phổ Tế, miếu Liên Phong, miếu Ma Các, thiền viện Bồ Đề, thiền viện Dược Vương, thiền viện Trúc Lâm, và trung tâm Thiền Tịnh Ma Cao; chùa thuộc hệ thống Tỳ kheo ni như Vô Lượng Thọ Công Đức lâm, Tử Trúc viên, Hương Lan thiền, Vĩnh Thiện Liên uyển, Bồ Đề đường.

Về số lượng tăng ni cũng chưa có số lượng cụ thể, có tài liệu nói vào khoảng 60 người(101), có tài liệu nói chỉ khoảng 20 người. Hiện tại, các vị xuất gia đến từ ba nguồn như sau: Một là các vị Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni là người Ma Cao bản địa, số này cực ít, không quá 20 vị. Hai là đến từ Trung Quốc đại lục, gần đây có một số vị chủ yếu từ Quảng Đông, Phúc Kiến đến Ma Cao, trợ giúp các Phật sự.

Vì tính lưu động cao nên số lượng các vị này cụ thể khó định, thường rơi vào khoảng mấy chục người. Thứ ba là các vị đến từ Hồng Kông hoặc Đài Loan đến Ma Cao định cư hoằng pháp và thường thì qua lại giữa Hồng Kông và Ma Cao nên cả hai nơi đều có chùa và hoạt động, số lượng không quá 10 người. Do đó, trừ mục thứ hai tính lưu động cao và số lượng bất định ra thì số lượng tăng ni thường trụ ở Ma Cao chỉ khoảng 30 người.

Chùa ở Ma Cao chủ yếu là đạo tràng thuộc Thiền tông và Tịnh Độ tông, Thiền tông thì chủ yếu là thuộc Tào Động Nam Thiền. Không rõ lý do gì mà trong các trước thuật ngày trước không giới thiệu đến tông Lâm Tế tại Ma Cao, nhưng trong khi khảo sát thì biết được tại Ma Cao có hai ngôi tự viện theo truyền thống Lâm Tế là chùa Trúc Lâm và chùa Dược Sơn. Hai chùa này lịch sử chưa lâu nhưng đều có gốc nguồn với chùa Hoa Lâm thuộc tông Lâm Tế ở Quảng Châu.

Những năm gần đây, Mật tông cũng bắt đầu truyền bá tại Ma Cao, xuất hiện các tổ chức như Kim Cang Thừa Phật Học Xã, Áo Môn Phật giáo Chính pháp Minh Luân Hội. Trong đó, tổ chức thứ nhất thuộc phái Ninh Mã áo đỏ của Mật tông Tây Tạng, tổ chức thứ hai chủ trương hiển mật song tu.

4. Một số vấn đề trong tương lai

Ma Cao dưới phương châm “một nước hai chế độ”, ngày 31/3/1993 thông qua điều 128, chương sáu bộ Luật cơ bản tại Ma Cao(102), quy định “Các nguyên tắc tự do tôn giáo tín ngưỡng”, trong đó có quy định: “Các tổ chức tôn giáo có thể căn cứ theo luật để tổ chức các cơ sở đào tạo tôn giáo và các trường học khác, xây lập các bệnh viện và hệ thống phúc lợi phục vụ xã hội.”

Từ khi ra đời, luật pháp cung cấp cơ sở đảm bảo giúp cho sự phát triển của Phật giáo tại Ma Cao càng thêm thiết thực. Trong tương lai, Phật giáo Ma Cao sẽ cần càng nỗ lực hơn nữa để đối diện với một số vấn đề về các phương diện như sau:

Một là, Phật giáo sẽ phải phát huy càng sâu rộng hơn trong công tác phục vụ xã hội. So với Thiên Chúa giáo và Cơ Đốc giáo ở Ma Cao, thì giới Phật giáo thiếu thốn hệ thống kiến thiết về phương diện văn hóa giáo dục xã hội và phúc lợi phục vụ xã hội, cho dù có tổ chức một số các công tác từ thiện nhưng vẫn còn mang tính chất rời rạc, chưa trở thành một cơ chế hoạt động. Giới Phật giáo cũng đã tiếp tục các công việc xây dựng các cơ sở giáo dục như đã có tiểu học Liên Phong, trung học Phổ Tế.

Cùng với sự hộ pháp của giới trí thức và các doanh nghiệp, lại thêm sự tham dự cùng của Phật giáo giới Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, Phật giáo giới Ma Cao tiếp tục học hỏi chỗ hay của tinh thần tôn giáo chú trọng phụng sự xã hội, học tập ưu điểm quản lý tổ chức của tôn giáo phương Tây, kết hợp với tư tưởng Đại Thừa Phật giáo, mưu lợi quần sinh.

Hai là, theo cùng với sự mở cửa tự do của xã hội, tín ngưỡng Phật giáo cũng ngày càng được đa nguyên hóa. Hiện tại, ở Ma Cao cũng đã có các truyền thống Phật giáo Nam truyền, Mật tông Tạng truyền, và tôn giáo mới hưng khởi từ Nhật Bản được truyền bá tương đối nhanh.

Như năm 1992, Trần Quả Tế thành lập “Quốc tế liên Mật Từ Hàng hội” tại Hồng Kông, cũng đã lập tinh xá Mai Hoa ở Ma Cao. Nhật Liên Tông Nhật Bản cũng bắt đầu truyền nhập từ thập niên 1960. Nhưng cũng cùng với đó, là các tà giáo như “Thanh Hải vô thượng sư”, “Quán Âm pháp môn” gần đây hưng khởi cũng ảnh hưởng không ít Phật giáo đồ.

Ba là, công việc kiến thiết chùa viện sẽ ngày càng được chính quy, tố chất tín đồ sẽ càng được chú trọng nâng cao, và duy trì mối quan hệ mật thiết với Phật giáo đại lục.

Trước đây, hàng xuất gia trong chùa ít, tính lưu động lại lớn, nên khó có tổ chức tăng đoàn hoàn chỉnh, theo với số lượng chúng xuất gia tăng lên, cũng cần thiết phải kiện toàn chế độ quy phạm. Ma Cao là một thành phố thương nghiệp mà hai cột trụ của kinh tế là du lịch và kinh doanh đánh cược, lại đậm sắc thái văn hóa thực dân, theo cùng với sự nâng cao tố chất văn hóa cũng đặt ra vấn đề với việc nâng cao tố chất Phật giáo đồ trong tương lai.

Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch
Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc Phan cuoi 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường