Trang chủ Quốc tế Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phần 11

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phần 11

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Năm 1997, sách trắng của chính phủ Trung Quốc công bố tín đồ Phật giáo và Đạo giáo ở khoảng hơn 700.000 người, trong đó tuyệt đại đa số là Phật giáo.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Năm 1997, sách trắng của chính phủ Trung Quốc công bố tín đồ Phật giáo và Đạo giáo ở khoảng hơn 700.000 người, trong đó tuyệt đại đa số là Phật giáo.

Chương XIV
PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC SAU 1949

1. Tổng quan

Năm 1983, pháp sư Thích Mính Sơn(43) công bố bài viết “Phật giáo Trung Quốc 30 năm: Biến cách, khó khăn, phục hưng(44)” bằng sự trải nghiệm tự thân mình, pháp sư đã chỉ ra Phật giáo ở Trung Quốc đại lục trong khoảng từ 1949-1980 trải qua ba thời kỳ:

1. Từ năm 1949-1966: Thời kỳ Phật giáo biến đổi, biến cách dưới hoàn cảnh xã hội mới.

2. Từ năm 1966-1976: Thời kỳ trải qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa trên quy mô toàn Trung Quốc. Là thời kỳ cực kỳ khó khăn chưa từng có trong lịch sử Phật giáo

3. Bắt đầu từ năm 1978, Phật giáo Trung quốc bước vào giai đoạn khôi phục.

Quan điểm trên của pháp sư được đa số giới Phật giáo và giới nghiên cứu công nhận và trích dẫn nhiều trong các công trình nghiên cứu Phật giáo đương đại tại Trung Quốc đại lục.

2. Thời kỳ biến cách và khó khăn 1949-1980

Năm 1949, nước CHND Trung Hoa thành lập với sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và Phật giáo cũng hòa chung trong dòng chảy lịch sử thời bấy giờ.

Theo quan điểm nước CHND Trung Hoa lúc đó thì Phật giáo là “tàn dư phong kiến”, nên theo lý luận đó phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, và cải tạo tăng đoàn là một bộ phận trong cải tạo cả xã hội. Nhưng đồng thời chính quyền cũng giữ lại số ít chùa và tăng nhân để tiện việc ngoại giao Phật giáo tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của xã hội và quốc tế.

Năm 1949, nước CHND Trung Hoa được thành lập, kiến lập một chính quyền mới do ĐCS lãnh đạo, Chính phủ nhân dân và Quốc gia xã hội chủ nghĩa – “tam vị nhất thể”, và tuyên cáo chấm dứt 2.000 năm xã hội phong kiến. Trung Quốc bước vào thời kỳ cải tạo tân dân chủ chủ nghĩa và kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Do đó, sự nghiệp phản đối đế quốc tư bản, chống chủ nghĩa phong kiến quan liêu cũ trở thành mục tiêu và đại sự duy nhất của toàn thể nhân dân.

Thời kỳ này tiến hành hàng loạt các cuộc cải tạo về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế; thông qua những cuộc vận động trên, xã hội và nhân dân được cải tạo triệt để, nước Trung Quốc mới tân xã hội chủ nghĩa mới được kiến lập và củng cố.

Một mặt, Phật giáo bị cải tạo và được xếp là tàn dư phong kiến. Mặt khác, cũng năm 1949 cho chế định (“Trung Quốc Nhân dân Chính trị Hiệp thương Hội nghị cộng đồng võng lĩnh”) quy định nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Chính phủ cho Phật giáo đồ tự do nhưng nhấn mạnh phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Do đó, dù có khiên cưỡng, nghi ngờ, lo lắng và bất an nhưng đa số giới Phật giáo đồ và tăng ni đều tiếp nhận sự giáo dục trở thành một bộ phận của nước Trung Quốc mới xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự tác động của thời cuộc cũng mang đến cơ hội cho Phật giáo đồ mong muốn thay đổi diện mạo Phật giáo. Tiêu biểu là đại sư Thái Hư (1890-1947) với cuộc vận động “Cách Mạng Phật giáo” đề xướng Phật giáo nhân gian. Tinh thần và tư tưởng của ngài làm chấn động giới Phật giáo đồ và thu hút được một lực lượng tăng nhân trẻ tuổi và nhân sĩ trí thức trong xã hội.

Dưới sự khơi nguồn từ cuộc vận động của đại sư Thái Hư, Phật giáo Trung Quốc bắt đầu vào con đường tự thân thay đổi, nhưng vì thế lực phe bảo thủ trong nội bộ Phật giáo đương thời còn mạnh nên công trình đó của pháp sư Thái Hư không được chính quyền ủng hộ, lại thêm chiến sự liên miên, pháp sư Thái Hư viên tịch, nên phong trào bị lắng xuống.

Công cuộc cải tạo được tiếp tục sau đó, một mặt đồng tình, ủng hộ chính quyền trong việc cải cách xã hội tiến bộ, mặt khác họ tổ chức các cuộc vận động bài trừ những yếu tố tích lũy hàng trăm năm tồn đọng trong Phật giáo không còn phù hợp với thời cuộc mới. Do đó, dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ Phật giáo và phần tử trí thức, được sự khuyến khích của chính quyền Trung Quốc, tăng ni Phật giáo Trung Quốc bước vào con đường làm thay đổi diện mạo khiến Phật giáo Trung Quốc có bước chuyển biến mang tính lịch sử.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa làm thay đổi sâu sắc Phật giáo Trung Quốc, đặc biệt là tư tưởng và cả thực tiễn của tăng đoàn. Nhưng những nghiên cứu về giai đoạn này hiện nay còn là lỗ hổng lớn; một mặt do vì các học giả phương Tây thiếu hụt các tư liệu nghiên cứu, không đủ cảm nhận chân thực về mạch động thời đại và vận mệnh Phật giáo thời bấy giờ; hai là đối với các học giả Trung Quốc đại lục đó còn là một vấn đề nhạy cảm chưa dám tiến sâu.

Nhưng cũng có một số nghiên cứu của một số học giả phương Tây trực tiếp phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, ghi chép lại những tư liệu quý báu như điển hình là nghiên cứu của Homes Welch về “Phật giáo dưới thời kỳ Mao Trạch Đông” (Buddhism under Mao) của NXB Đại học Harvard năm 1972. Trọng điểm trong đó là phân tích tỉ mỉ tình hình sinh tồn của Phật giáo Trung Quốc sau 1949 cũng bao gồm cả các chính sách tôn giáo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với Phật giáo, vấn đề học tập chính trị của giới Phật giáo, lịch sử của cuộc cải tạo tư tưởng và lao động sản xuất…

Homes Welch cho rằng: Cho đến Cách Mạng Văn Hóa thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn sử dụng chính sách khống chế và phi bức hại đối với Phật giáo: Không cho Phật giáo phát triển ra ngoài phạm vi chùa chiền, nghiêm ngặt cấm các hành vi hoạt động tôn giáo ở nơi công cộng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 1

Phật giáo đồ Trung Quốc cử hành pháp hội ủng hộ Phật giáo đồ miền Nam Việt Nam và nhân dân kháng chiến chống Mỹ – Diệm. Nguồn ảnh: Tạp chí Pháp Âm của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Cuốn sách đó của Homes Welch chủ yếu trên cơ sở Phật học hiện đại phỏng vấn những vị tăng lữ từ đại lục chạy ra hải ngoại vào thập niên 50. Có lẽ do tinh thần phê phán tự do theo quan niệm chính trị của học giả phương Tây, mà tất cả các tư liệu, thư tịch mà Homes Welch xuất bản thời kỳ này như những chính sách tôn giáo và tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc hay những cuộc cải tạo Phật giáo, học tập chính trị, lao động sản xuất… đều được bản thân tác giả đánh giá là làm phá hoại và tiêu vong Phật giáo. Quan điểm của học giả này cho rằng Phật giáo Trung Quốc, đặc biệt là tăng đoàn thời kỳ này gần như không hoạt động, mà nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là nhân tố chính trị.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 2

29/9/1956 Lễ khai giảng một Phật học viện ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: Tạp chí Pháp Âm của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Trong bài nghiên cứu “Tính đa diện của tôn giáo tại Trung Quốc” tại hội thảo Asian Survey (quan sát Châu Á) năm 1970, Homes Welch cũng nhận định những gì nhìn thấy trên mặt biểu hiện của Phật giáo Trung Quốc cũng giống như các hiện tượng xã hội khác đều không phải là thật tướng của nó. Bài nghiên cứu cho rằng: Truyền thống và hiện thực, nội dung và hình thức của Phật giáo Trung Quốc, cho đến ngôn hành của Phật giáo đồ biểu hiện nhiều chỗ bất nhất, thậm chí là không liên quan đến nhau. Những hiện tượng trên trong Phật giáo Trung Quốc càng được thấy rõ hơn sau năm 1949. Các hoạt động Phật giáo thay hình đổi mặt, lại mang nhiều yếu tố chính trị và xã hội, không đơn thuần là hoạt động tôn giáo mà xen tạp vào là các nội dung của thời đại đó như tuần hành thế giới hòa bình, kháng nghị xâm lược, quyên góp ái quốc…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 3

Ngày 1/5/1957, tăng lữ Bắc Kinh tham gia tuần hành Ngũ nhất, đi qua trước cửa Thiên An Môn. Nguồn ảnh: Tạp chí Pháp Âm của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Nhìn trên phương diện lịch sử thì tăng nhân Trung Quốc từ xưa có nhiều vị sẵn sàng phục vụ quốc gia, nhưng đó là phương tiện nhằm đổi lại tự do để thực hành tôn giáo cá nhân và hoằng đạo. Nhưng đến thời kỳ này thì kiểu “đổi lấy” đó cũng bị từ chối vì chính quyền cương quyết yêu cầu họ phải dùng thời gian tu hành và học tập tôn giáo phục vụ cho các hoạt động học tập chính trị, lao động sản xuất và tham gia các phong trào quần chúng.

Các nghi thức tôn giáo được trùm bộ mặt chính trị là một điểm đặc sắc lớn trong các hoạt động Phật giáo đương thời. Chính phủ cấm chỉ các hoạt động tôn giáo ở nơi công cộng ngoài phạm vi chùa, mà lý do để hạn chế là phá hoại sản xuất, thậm chí còn nguy hại đến an ninh xã hội. Nhưng vẫn có bộ phận Phật giáo đồ mượn danh nghĩa yêu nước, hòa bình, yêu nhân dân để tiến hành các hoạt động tôn giáo. Học giả cũng cho rằng, Phật giáo Trung Quốc có tính chất uyển chuyển, cầu toàn, viên dung và phương tiện càng phát huy rõ nét trong bối cảnh xã hội đương thời giúp Phật giáo Trung Quốc vượt qua trùng trùng cửa pháp nạn sinh tử.

3. Ba mươi năm khôi phục 1980-2010

Trong phần tiếp theo sẽ dùng một số số liệu cụ thể để khái quát sơ qua tình hình Phật giáo 30 năm gần đây, đặc biệt là một số phương diện cơ bản về tình hình diễn biến, phát triển của Phật giáo Hán truyền. Ba mươi năm khôi phục, cũng chính là 60 năm Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiến lập nền chính trị Phật giáo, những khúc triết bên trong ai cũng có thể hiểu nhưng những tư liệu để có thể căn cứ viết thành bài nghiên cứu hoặc sử sách đương đại thì rất thiếu hụt. Đặc biệt là trong giai đoạn mười năm Cách Mạng Văn Hóa, gần như chưa có một tài liệu thống kê nào tương đối toàn diện và cụ thể; đến thời kỳ 10 năm, 20 năm đầu khôi phục cũng chỉ dựa nhiều vào hồi ức của các nhân chứng mà có rất ít những điều tra khoa học về thời kỳ biến động Phật giáo trải qua thử thách lớn nhất trong khoảng 2.000 năm tồn tại và phát triển ở Trung Quốc. Giai đoạn lịch sử này diễn ra trước mắt vô cùng rực rỡ, sinh động rồi biến mất như chưa từng xảy ra bởi không có nhiều ghi chép lưu lại.

Mấy năm gần đây, giới Phật giáo ở Trung Quốc bắt đầu coi trọng đối với vấn đề sưu tập tư liệu về thời kỳ trước, thông qua phỏng vấn, sưu tập tư liệu để công bố một số số liệu và sử thực trong các hội thảo và san định thành các bài nghiên cứu về Phật giáo đương đại. Thông qua tạp chí và Internet để công bố với hy vọng cung cấp những số liệu cơ bản nhất về Phật giáo Trung Quốc đương đại và thúc đẩy càng nhiều nhân sĩ cùng tham dự, đính chính và bổ sung để nghiên cứu về sử Phật giáo Trung Quốc trong giai đoạn này.

3.1 Quy mô của tín chúng tại gia

Số liệu về tín đồ tại gia của một tôn giáo thường được coi số liệu hàng đầu trong đánh giá để phản ánh trình độ phát triển của một tôn giáo. Loại bỏ nhân tố không công khai số liệu thì nguyên nhân hàng đầu khó xác định được số lượng tín đồ tại gia của Phật giáo tại Trung Quốc là do phương thức định danh thân phận Phật giáo đồ tại Trung Quốc chưa được chế độ hóa rõ ràng và thống nhất nên những nghiên cứu định lượng gần như không thực hiện được.

Vấn đề đầu tiên là tiêu chuẩn đánh giá một người là tín đồ Phật giáo: Đối với tăng ni thì dễ bởi phải trải qua một chế độ công nhận mới được xuất gia và có danh mục quản lý; nhưng đối với thân phận “cư sỹ” về vấn đề quy y và danh mục còn chưa thống nhất. Ví dụ như Phật giáo tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) năm 2008 đưa ra số liệu phát chứng thư quy y cho khoảng 200.000, nhưng lại cho rằng tín đồ Phật giáo trong tỉnh ít nhất cũng ở số 500.000 người.

Thứ hai là, vấn đề tín bái nhiều tôn giáo trong đó có Phật giáo có được tính là tín đồ Phật giáo hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người quan sát.

Thứ ba là, đối với Phật giáo Hán truyền tuy nói quy y là dựa vào toàn thể tăng đoàn, nhưng thực tế lại phụ thuộc vào từng cá nhân trong quan hệ với tông phái, pháp sư, chùa… Do đó, chuyện quy y nhiều người với nhiều pháp danh khác nhau không hiếm gặp nên việc thống kê chính xác là công tác chưa thể làm được.

Nhưng theo con số “thống kê chưa chính thức” của chính phủ Trung Quốc công bố trong sách trắng năm 1997 thì tín đồ các tôn giáo vào khoảng 100.000.000 người, trong đó: Đạo Tin Lành: 10 triệu, đạo Công giáo: 400.000, Hồi giáo (Islam): 18 triệu, Phật giáo và Đạo giáo khoảng 70 triệu, Phật giáo chiếm tuyệt đại đa số. Đó là con số duy nhất từ phía chính phủ Trung Quốc công bố.

Theo như điều tra điền dã của nhóm nghiên cứu Cấp Triết (汲喆) thì nhân sĩ Phật giáo tính cả hai chúng xuất gia và tại gia vào khoảng 200-300 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số Trung Quốc.

3.2 Thống kê số lượng tăng ni

Con số thống kê về số lượng tăng ni từ phía chính phủ duy nhất đến nay vẫn trong sách trắng công bố năm 1997: Trung Quốc có hơn 13.000 ngôi chùa, hơn 200.000 tăng ni; trong đó Lạt-ma và ni sư của hệ Tạng ngữ khoảng 120.000 người, Phật sống hơn 1.700 người, hơn 3.000 ngôi chùa; tức số tăng ni của Phật giáo Hán tạng chiếm khoảng 70.000 người.

Năm 2006, trong bài nghiên cứu của Giang Tấn Tuyển công bố trên tạp chí “Á Châu châu san” của Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất cho rằng số lượng chùa và tăng ni của Phật giáo Hán truyền tại Trung Quốc khoảng 15.000 ngôi và 100.000 vị nhưng không chú nguồn dẫn. Theo điều tra điền dã của nhóm nghiên cứu Cấp Triết thì số lượng tăng ni khoảng 100.000 người.

Những vấn đề về số liệu gặp khó khăn nhất là vào giai đoạn từ 1994 về trước chỉ có được số liệu ở phạm vi địa phương cục bộ mà không có được trên phạm vi cả nước. Trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa tuy vẫn có tăng nhân kiên trì độc thân, ăn chay và lén tụng kinh, tu tập; nhưng có thể nói là đó thời kỳ tăng đoàn và tăng nhân gần như không tồn tại, các hoạt động tôn giáo bao gồm cả việc khóa tụng hằng ngày đều bị cấm chỉ.

Căn cứ vào báo cáo của  La  Trúc Phong –  chuyên viên nghiên cứu và quản lý tôn giáo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ ra vào năm 1949, Trung Quốc (Phật giáo Hán truyền)  có khoảng 500.000 tăng ni (cũng không rõ trích nguồn), nhưng theo căn cứ điều tra năm 1930, tăng ni theo truyền thống Hán truyền ở Trung Quốc đã là 740.000 người thì con số năm 1949 có lẽ phù hợp. Qua số liệu trên cũng có thể thấy tình hình biến động số lượng tăng ni tại Trung Quốc.

Qua số liệu trên cũng cho thấy một điều, tuy trải qua 30 năm khôi phục và không ngừng tăng trưởng nhưng quy mô của tăng đoàn còn thấp xa so với 60 năm trước. Nếu như xét thêm yếu tố trong 60 năm qua dân số Trung Quốc đã tăng gấp đôi mà số lượng tăng ni không bằng 1/5 ngày trước mới thấy được sự chênh lệch tương đối sâu sắc.

3.3 Tình hình thọ giới của tăng ni

Tình hình thọ giới của tăng ni chính là xét về số lượng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Từ 1990 đến nay, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và phân hội các tỉnh về cơ bản là nắm quyền truyền giới của Phật giáo Hán truyền. Căn cứ vào thông tư “Biện pháp quản lý tự viện Phật giáo Hán truyền trên toàn quốc” thông qua vào tháng 10/1993 quy định, thì quy trình vô cùng phức tạp và phải trải nhiều cấp phê duyệt. Quy định Tam đàn pháp giới chỉ được truyền ở 5 nơi, mỗi nơi không quá 250 người. Tức khống chế số người thọ giới trong một năm không quá 1.000 người.

Đến năm 2000, thì quy định về việc truyền Tam đàn pháp giới được nới rộng, nâng giới hạn số lượng người thọ giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni lên 2.400 vị/năm.

Nhưng thực tế thì số người thọ giới vượt quá số hạn định. Tháng 9/2003, pháp sư Thánh Huy – phó hội trưởng Hiệp hội PGTQ phát biểu, trong khoảng 10 năm từ 1993-2003, Hiệp hội PGTQ phê chuẩn cho gần 29.000 vị trong 70 đợt giới đàn thọ giới. Riêng năm 2007 đã lập 12 giới đàn truyền giới cho 5.919 vị. Mỗi giới đàn trung bình có 600 vị thọ giới.

Căn cứ vào bảng trên có thể ước lượng số các vị thọ giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni vào khoảng 50.000 người, chiếm một nửa trong số 100.000 người xuất gia tại Trung Quốc.

3.4 Tỷ lệ tăng ni

Theo thống kê của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cung cấp số liệu tăng ni cụ thể trong giai đoan từ 1993-2003 số Tỳ kheo là 19.000 vị, Tỳ kheo ni là 9.800 vị; năm 2007 thì số Tỳ kheo đắc giới là 3899 vị, Tỳ kheo ni là 2020 vị. Như vậy, có thể nói tỷ lệ Tỳ kheo và Tỳ kheo ni ở Trung Quốc là 2/1; khác xa so với tỷ lệ tăng ni trong tăng đoàn tại Đài Loan là 1/3 hoặc 1/4.

Tỷ lệ 2/1 ở Trung Quốc cũng gần tương đương với số liệu điều tra năm 1930 do Hội Phật giáo Trung Quốc tiến hành tại đại lục về tỷ lệ nữ chúng trong tăng đoàn chiếm 30.5%, nam chúng là 69.5% (tức 225.200 người và 557800 người).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 4

Số người thọ giới của Phật giáo Hán truyền 1993-2007 (đơn vị: người/năm). Nguồn: Theo thống kê của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 5

Tỷ lệ tăng ni của Phật giáo Hán truyền(1993-2003,2007). Nguồn: Theo thống kê của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

3.5 Số lượng chùa và phân bố

Trong bài nói chuyện của Tiêu Hiền Pháp – cục trưởng Cục sự vụ tôn giáo Quốc vụ viện Trung Quốc năm 1980 có nói: “Tính đến tháng 9/1980 thì các chùa trên toàn Trung Quốc có hoạt động tôn giáo đã được hơn 100 ngôi”. Hơn 100 ngôi chùa trên cả Trung Quốc chắc chắn có tính cả các chùa viện thuộc các hệ khác chứ không riêng Phật giáo Hán truyền. Qua đó có thể thấy đại thể tình hình hoạt động của chùa viện từ 1949 đến khoảng thời gian đó.

Năm 2006, Nhà xuất bản Phật giáo Trung Hoa ở Hồng Kông lấy danh nghĩa của Hiệp hội Phật giáo tỉnh Giang Tô và ủy viên biên soạn danh mục chùa Phật giáo Trung Quốc đã biên soạn, xuất bản cuốn “Trung Quốc Phật giáo tự viện danh lục” bản năm 2006. Trong đó có nói rõ số liệu chùa Phật giáo ở Trung Quốc vào khoảng 15.000 ngôi Hán truyền, 2000 ngôi là hệ khác, 1000 ngôi ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan.

Tuy số liệu cung cấp có lẽ thấp hơn thực tế ở nhiều vùng nhưng cuốn sách cung cấp được thông tin vô cùng quý giá về đại khái tình hình phân bố chùa tự ở Trung Quốc. Kết hợp với số liệu dân số các tỉnh trong “Trung Quốc thống kê niên giám” bản năm 2006, chúng ta có thể biết được tình hình phân bố chùa viện trong tương quan với dân số từng vùng.

Kết quả thống kê cho thấy trừ hai vùng là Tây Tạng và Thanh Hải là hai nơi mật tập chùa Phật nhiều nhất, thì Phật giáo Hán truyền hưng thịnh nhất là ở 3 tỉnh vùng Đông Nam duyên hải là Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây, điều đó cũng phù hợp với điều tra điền dã thực địa của nhóm nghiên cứu.

Đương nhiên số lượng chùa không đại diện cho toàn bộ nguồn lực Phật giáo, có chùa lớn có tăng chúng hàng trăm, nhưng cũng có chùa cũng chỉ có một đến hai người thường trụ. Nhưng điều đáng tiếc là đến thời điểm bài nghiên cứu về tình hình tại Trung Quốc đại lục này ra đời (2009) thì Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và bộ phận quản lý tôn giáo của Quốc vụ viện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một chế độ định kỳ công bố số liệu chính thức, các bộ phận khác cũng chỉ công bố một vài số liệu lẻ từng khu nhỏ hoặc mang tính thống kê ước lượng nên rất khó để phán định được tình hình trên phạm vi toàn Trung Quốc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 6

Mật độ phân bố chùa Phật giáo của các tỉnh tại Trung Quốc năm 2006 (Mỗi 1.000.000 cư dân có số chùa Phật. Các vùng phân bố chùa mật  độ cao gồm Tây Tạng, Thanh Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây)

Căn cứ vào số liệu phân bố tăng ni các vùng năm 1930 nhà xã hội học người Mỹ Homes Welch sử dụng, và số liệu tình hình phân bố tăng sĩ Phật – Đạo thời nhà Thanh thế kỷ XVIII của nhà nghiên cứu Sử học người Pháp Vincent Goossaert, cùng với số liệu năm 2006, chúng ta có thể so sánh đại khái các vùng chịu ảnh hưởng của Phật giáo theo thứ tự như bảng dưới. Tuy không thể trực tiếp phản ánh sự ảnh hưởng của Phật giáo của từng vùng nhưng chắc chắn có thể khẳng định trong vòng 300 năm gần đây thì vùng

Phật giáo hưng thịnh nhất là các tỉnh thuộc lưu vực sông Trường Giang và duyên hải Đông Nam Bộ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 7

3.6 Phật học viện và tập san Phật giáo

Tình hình Phật học viện và xuất bản tập san Phật giáo liên quan đến cơ chế truyền bá và truyền thừa của Phật giáo. Theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu Cấp Triết thì trong vòng 30 năm khôi phục đã có 46 Phật học viện của Phật giáo Hán truyền được thành lập ở Trung Quốc đại lục. Đặc biệt là thời kỳ khôi phục vào thập niên 80, công tác xây dựng các Phật học viện được tập trung.

Nhiều Phật học viện trước khi thành lập đã tồn tại dưới hình thức “Lớp bồi dưỡng tăng già” hoặc thời điểm thành lập và thời gian chính thức hoạt động trên danh nghĩa Phật học viện sau phê chuẩn của Cục Tôn giáo, hoặc có một số Phật học viện hợp nhất, chuyển đổi… Do đó nên tiêu chuẩn nhóm nghiên cứu áp dụng để tính là lấy thời điểm ban đầu thành lập và thời gian chiêu sinh làm chuẩn thống nhất.

Tuy vậy nhưng theo nghiên cứu của Homes Welch thống kê thì trong khoảng 37 năm ngắn ngủi từ năm 1912 Trung Hoa Dân Quốc thành lập đến năm 1949, tuy chiến loạn binh lửa liên miên nhưng giới Phật giáo đồ Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng 71 Phật học viện, bồi dưỡng hơn 7.500 học viên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Lich su Phat giao Trung Quoc phan 11 8

Số lượng Phật học viện Phật giáo Hán truyền (xây mới hoặc khôi phục lại) tại Trung Quốc đại lục (1980 – 2004): tổng số 46

Trước mắt, các Phật học viện ở Trung Quốc không chiêu sinh Phật giáo đồ tại gia, cũng chưa chú trọng mảng giáo dục Phật giáo ngoài xã hội; quan hệ giữa tăng đoàn và xã hội dừng lại ở hình thức hoạt động tôn giáo cơ bản ở chùa, cư sỹ lâm hoặc niệm Phật đường.

Đài phát thanh và truyền hình vẫn dưới quyền kiểm soát của các cơ quan chức năng nên quá trình trao đổi Phật sự giữa tăng đoàn và xã hội chủ yếu là ở trên báo chí và Internet.

Những năm gần đây đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của các loại hình tạp chí, tập san, văn hóa phẩm Phật giáo tại Trung Quốc đại lục. Theo dữ liệu thu thập được của nhóm nghiên cứu Cấp Triết thì từ năm 1980 đến năm 2009 đã có 137 loại tạp chí được lưu hành tại Trung Quốc. Tất nhiên có tạp chí ngừng hoạt động, nhưng số tạp chí xuất bản thường xuyên vẫn ở khoảng 100 loại.

Trong đó bao gồm các hoạt động chính thức của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, nghiên cứu tình hình hoạt động giao lưu nội bộ định kỳ, công tác tổng kết, các ấn phẩm xuất bản định kỳ của Câu lạc bộ Cư sỹ học Phật, nhưng nhiều nhất là loại hình về các hoạt động hoằng pháp quy mô lớn của các chùa tự.

Năm 1981 cho khôi phục xuất bản “Hiện đại Phật học” rồi “Pháp Âm” là những tạp chí được khôi phục sớm nhất sau thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Đến nay đã có những tạp chí do từng học hội, câu lạc bộ trong trường Đại học, hoặc Hiệp hội Phật giáo một chùa cùng tham gia xuất bản.

Nhưng so sánh thì vẫn không bằng thời kỳ Dân Quốc, Homes Welch chỉ ra rằng từ năm 1912 đến 1950 ở Trung Quốc đã có hơn 70 loại tạp chí; gần đây trong cuốn “Dân Quốc Phật giáo kỳ san văn hiến tập thành” thu thập tư liệu về 152 loại tạp chí, ấn phẩm. Huống hồ ấn phẩm Phật giáo tại Trung Quốc hiện nay còn chia làm “nội bộ” và “công khai” nên một số tạp chí rất khó được tiếp xúc. Tuy vậy, với sự phát triển của Internet thì hình thức truyền bá cũng tiện lợi nhiều và hơn hẳn xưa kia về phương diện tiếp nhận thông tin.

4. Tóm lược

Nghiên cứu trên đây đứng từ góc độ phân tích định lượng về tổng kết những bộ phận cấu thành cơ bản và xu hướng diễn biến của Phật giáo đương đại Trung Quốc. Cũng coi như một so sánh đơn giản với thời kỳ trước năm 1949. Nhưng do vì sự thiếu hụt trong thu thập tư liệu và lỗ hổng lớn trong nghiên cứu về Phật giáo thời kỳ 1949-1980 nên chắc chắn chưa có được cái nhìn tương đối hoàn chỉnh. Chỉ có một quan niệm rằng nhất định phải có cái nhìn khách quan về những ghi chép của lịch sử. Cũng giống như một dân tộc, một tôn giáo không rõ về quá khứ của nó thì cũng không có một tiền đồ, bởi không “tự giác phản tư” để hiểu được những yếu tố cấu thành của tự thân. Hi vọng các Hiệp hội và đoàn thể Phật giáo nỗ lực nghiên cứu và công bố những tài liệu sử thực về tình hình Phật giáo 60 năm qua ở Trung Quốc đại lục trải qua các cuộc vận động như: Vận động trấn áp phản cách mạng, vận động phản hữu, cải cách ruộng đất, đại nhảy vọt, cách mạng văn hóa, cải cách mở cửa…

Đó không chỉ có giá trị riêng đối với Phật giáo mà còn có ý nghĩa với cả nguồn mạch văn hóa của Trung Quốc.

Cũng cần thêm nhiều bài nghiên cứu định tính để chỉ ra trình độ phát triển và phương hướng thay đổi của Phật giáo Trung Quốc hơn 60 năm qua. Lặp lại các câu hỏi nghi ngờ của nhà nghiên cứu Homes Welch cho rằng “sự phục hưng của Phật giáo thời kỳ cuối Thanh đầu Dân Quốc có thật là phục hưng không”, trừ sự gia tăng của số lượng kiến trúc Phật giáo và tăng đoàn tác giả còn đưa ra một số vấn đề trong lịch sử để so sánh như: “sự hưng khởi của các cuộc nghị luận giáo nghĩa Phật giáo thời Đường, sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền, sự tham dự nhiệt tâm của dân chúng, nhưng lại không thấy trong thời kỳ phục hưng đó”. “Những sáng tạo Phật giáo trên phương diện nghệ thuật có tái xuất hiện không? Sự tịnh hóa của cuộc sống trong tự viện Phật giáo ra sao? Đạo đức và quản lý có hồi phục được bằng với thời Đường, Tống được hay không?” Đề xuất ra những câu hỏi như vậy mới có thể định vị rõ hơn kết quả của công cuộc phục hưng Phật giáo sau hơn 30 năm và đưa ra kết luận.

Số lượng Phật giáo đồ tại Trung Quốc đại lục

Năm 1997, sách trắng của chính phủ Trung Quốc công bố tín đồ Phật và Đạo giáo ở khoảng hơn 700.000 người, trong đó tuyệt đại đa số là Phật giáo.

Căn cứ vào điều tra điền dã của nhóm nghiên cứu thì nhân sĩ tăng tục Phật giáo giới Trung Quốc khoảng 200-300 triệu người, tương đương với 1/5 dân số Trung Quốc.

b. Số lượng tăng ni

+ Số lượng tăng ni Phật giáo Hán truyền: Năm 1930: 740 nghìn người

Năm 1940: 500 nghìn người

Năm 1960-1976: gần bằng 0

Năm 1994: 40 nghìn người

Năm 1997: 70 nghìn người

Năm 2006: 100 nghìn người. Trong đó số lượng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni chiếm 50% tổng số người xuất gia.

+ Số lượng tăng ni Phật giáo Tạng truyền: Năm 1997: 120 nghìn người

+ Số lượng Tỳ kheo Phật giáo Thượng Tọa bộ:

Năm 1997: 10 nghìn người

c. Số lượng chùa Phật giáo:

+ Phật giáo Hán truyền Năm 1949: 40 nghìn ngôi

Từ 1966-1976: gần như bằng 0

Năm 1980: 100 ngôi

Năm 1994: 5.000 ngôi

Năm 1997: 8.000 ngôi

Năm 2006: 15.000 ngôi

+ Phật giáo Tạng truyền: Năm 1997: 3000 ngôi

+Phật giáo Thượng tọa bộ không thấy số liệu thống kê

d. Số lượng Phật học viện và tạp chí Phật giáo:

+ Số lượng Phật học viện

Từ 1912-1949: Thành lập tổng cộng 71 Phật học viện.

Từ 1980 đến nay: Thành lập hoặc khôi phục 46 Phật học viện Hán truyền.

+ Số lượng tạp chí, tập san Phật giáo Từ 1912-1949: Có 152 loại ấn phẩm.

Từ 1980 đến nay: Tổng các loại là 137, nhưng thường xuyên xuất bản ở khoảng 100 loại.

Còn tiếp…
Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch
Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc

***

Chú thích:
43. 釋茗山(1914-2001).
44. 變革.厄難.復興:中國佛教三十年。

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường