Phong tục đi chùa đầu năm, gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, với mong muốn những ngày đầu tiên của năm mới được an lành và được thành kính hướng về đức Phật, được ngắm nhìn sắc mặt tuyệt vời của đức Phật Thích Ca, nụ cười từ ái bao dung lợi tha và độ lượng của đức Phật Di Lặc. Từ đó, tâm của chúng ta hoàn toàn thoải mái, gạt bỏ những muộn phiền, lo âu của năm cũ.
1. Sống đúng tinh thần đạo Phật
Mùa xuân là mùa đẹp nhất của đất trời, trăm hoa đua nở, vạn vật bừng lên sức sống tốt tươi. Với Phật giáo, xuân còn là tâm an lạc và giải thoát. Đối với tăng ni, phật tử, mùa xuân được coi là thời khắc quan trọng, mở đầu mỗi mùa xuân chính là ngày Đản sinh của đức Phật Di Lặc, biểu trưng cho sự an lạc, hạnh phúc, ấm no, hòa bình và phát triển. Vì vậy, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc vì sự nghiệp dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Sống đúng tinh thần đạo Phật là sống có ích cho bản thân, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Những thành quả vô cùng tốt đẹp này chính là mùa Xuân của Phật giáo Việt Nam hiện hữu trong mùa Xuân dân tộc.
Phật giáo Việt Nam đã đưa đến cho người dân tư tưởng sống trong chính pháp, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh tiến bộ. Bằng triết lý duyên sinh, đạo Phật đã thể nhập vào triết lý sống của người Việt trong các mối quan hệ, ứng xử với thiên nhiên, với xã hội, với bản thân. Bởi vì giáo lý của Phật giáo là từ bi và trí tuệ, mục đích của đạo Phật là vì sự an lạc của chư thiên và loài người, đem lại an vui hạnh phúc cho chúng sinh.
Trong các kinh điển Nguyên thuỷ, đức Phật đã nhiều lần dạy về việc giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển sự sống bằng cách khuyến khích việc trồng cây xanh để có thêm bóng mát. Trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Sutra NiKaya), đức Phật dạy rằng: “Trồng cây xanh để có thêm bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho bản thân ta”. Trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa khuyên dạy rằng: “người phật tử không được phóng lửa đốt phá núi rừng.” Và trong quá khứ, chính vị vua Phật tử Asoka đã đưa điều này vào trong chính sách cai trị của mình, ngăn cấm việc đốt phá rừng một cách bừa bãi. Vì việc đốt phá rừng bị xem là hành vi gây hại cho nhiều loài sinh vật, dẫn đến làm tổn phước cho bản thân và cộng đồng.
2. Con người phải dựa vào thiên nhiên mà sống
Trong những năm gần đây, quy mô của sự phá hoại thiên nhiên đã tăng đến mức độ chưa từng có từ trước đến nay. Hậu quả của sự tàn phá môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của nhân loại. Những vấn đề môi trường hiện nay mà nhân loại đang phải đối mặt đều xuất phát từ hành động của con người. Đó là ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái, do sự phát triển công nghiệp bằng mọi cách của các quốc gia. Con người đã khai thác thiên nhiên quá mức, thải ra môi trường những hóa chất độc hại do quá trình phát triển công nghiệp. Hậu quả chính là con người không ngoài ai khác, đang phải gánh chịu những tác động do sự ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, không khí, còn tình trạng sông ngòi hôi thối, rác thải chất thành núi... thì diễn ra khắp nơi. Rác ngập từ thành thị tới nông thôn, từ cống rãnh, sông ngòi ra biển... gây lụt lội ở đô thị, kẹt xe, tắc đường. Chưa bao giờ, người dân quan tâm đến ô nhiễm như hiện nay.
Theo quan niệm Phật giáo, con người không phải là chủ thể trung tâm của thế giới nên con người không thể có được đặc quyền muốn cải tạo và biến đổi môi trường theo ý mình. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên phải là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Cần phải biết quý trọng, bảo vệ, giữ gìn, vun đắp cho môi trường sống thì con người mới có thể tồn tại lâu dài được. Vì vậy chúng ta cần phải tôn trọng sự sống là một điều rất được đề cao trong Phật giáo. Hạn chế và cấm sát sinh, làm hại thú vật là một trong những giới luật căn bản dành cho mọi phật tử. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi và nghiệp báo, mà còn vì ý thức rằng mọi loài sinh vật đều có quyền sống bình đẳng và môi trường sống là dành cho tất cả mọi loài trên trái đất này chứ không phải dành riêng cho con người (David J. Kalupahana, 2008, tr.137-142).
Trong kinh Từ Bi, để hiểu thêm quan điểm đạo đức của Phật giáo đối với mọi loài sinh vật, “Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài” (Kinh Từ Bi, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh). Vậy đạo đức tính đến thế hệ tương lai, tức là để tránh tình trạng khai thác tài nguyên một cách vô tội vạ, dẫn đến sự cạn kiệt và thế hệ tương lai không còn gì để “khai thác”, và cũng để giảm tối thiểu những tác hại mà hậu thế phải gánh chịu. Đạo đức của con người phải tính đến cả sự sống của muông thú, cây cối, để cân bằng hệ sinh thái và tôn trọng quyền sống của mọi loài.
3. Không làm ô nhiễm môi trường
Biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, làm giảm đi sức ép đối với môi trường, tránh sự lãng phí khi sử dụng các nguồn năng lượng được lấy từ thiên nhiên, hoặc dựa vào thiên nhiên mà có. Ý thức được điều này, con người sẽ không khai thác tự nhiên quá mức, không làm ô nhiễm môi trường, sống hài hòa với thiên nhiên. Đó là cách sống có trách nhiệm với chính mình, với tương lai của các thế hệ mai sau.
Tín đồ Phật giáo có thể không hiểu giáo lý Phật giáo sâu sắc nhưng không thể không biết đến Nghiệp và Nhân quả. Họ luôn ý thức rằng, phải tạo nghiệp thiện, không gây nghiệp ác. Họ biết rằng, gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Những hành động ở kiếp này của họ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận ngay trong hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, họ phải luôn thận trọng từ trong suy nghĩ tới hành động để tránh nghiệp ác. Tín đồ Phật giáo để tu nghiệp trước hết phải có tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) và phải giữ giới (ngũ giới) và làm việc thiện (thập thiện). Cho nên tinh thần giới luật của đạo Phật là những nguyên tắc sống lành mạnh của nếp sống cộng đồng, trong đó bao gồm những quy định về đạo đức văn hóa và xã hội.
Phật giáo đề cao ý nghĩa nhân đạo với môi trường khi cho rằng, mọi chúng sinh là bình đẳng, mạng sống luân hồi: “Loài vô tình có tính giác”. Phật giáo đã tôn trọng sinh mệnh không chỉ của con người mà của những sinh vật khác nữa. Điều này rất có ý nghĩa với bảo vệ môi trường hiện nay. Trong kinh Từ Bi có đoạn viết: “...Đem an vui đến cho muôn loài; Cầu chúng sinh thảy đều an lạc; Không bỏ sót một hữu tình nào; kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh; Giống lớn to hoặc loại dài cao; Thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô; Có hình tướng hay không hình tướng; Ở gần ta hoặc ở nơi xa; Đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra; Cầu cho tất cả đều an lạc...”. Vì mạng sống của con người và sinh vật đều quý như nhau nên con người phải biết yêu thương và xót thương cho những sinh vật khác. Vì mọi loài sinh ra đều mang trong mình sự sống nên phải được tôn trọng và bảo vệ bình đẳng như nhau.
Trong Ngũ giới và Thập thiện có đề cập đến nội dung không sát sinh. Ngoài ý nghĩa về tôn trọng sinh mệnh muôn loài thì ở đây còn giúp giải quyết vấn đề môi trường. Việc sát sinh không chỉ thiếu tôn trọng sự sống của muôn loài mà nếu sát sinh quá nhiều còn làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người. Không sát sinh cũng có nghĩa là bớt đi những can thiệp không cần thiết vào thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham. Đó là phương pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường. Đây là điều cần thiết và có ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn, khi toàn thế giới đang đề cao và xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Lối sống ấy phải được xây dựng từ trong ý nghĩ và thể hiện ra bằng hành động cụ thể của từng cá nhân. Mỗi người phải biết xây dựng cho mình có một suy nghĩ hết sức đúng đắn về thiên nhiên, về môi trường sống. Con người không được có ý nghĩ làm tổn hại đến môi trường sống, để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân mình, bất chấp hậu quả. Theo tư tưởng Phật giáo, con người sẽ phải gánh “quả” do chính mình tạo ra trước đó. Vì vậy chúng ta có một ý nghĩ đúng đắn khi hành động cũng sẽ thận trọng cân nhắc xem những việc mình đang làm có ảnh hưởng gì đến môi trường sống không.? Phật giáo hướng đến xây dựng con người sống có ý thức, trách nhiệm với môi trường từ trong suy nghĩ cho đến hành động cụ thể, phù hợp với nhận thức hiện tại về mối quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên. Vì vậy chúng ta phải nhận ra ý này để xây dựng cuộc sống cho bản thân, cho gia đình lúc nào cũng có mùa Xuân thì không khí Xuân sẽ luôn tràn ngập cho bạn đạo, đem lại niềm vui cho cả đạo tràng.
TT.Thích Thiện Hạnh - Phó Viện Trưởng PVNCPHVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021
Bình luận (0)