Trang chủ Lịch sử - Triết học Lê Quý Đôn với Phật giáo

Lê Quý Đôn với Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lê Quý Đôn là một Nho sĩ, nhưng ông vẫn có cái nhìn thiện cảm với Phật giáo. Lê Quý Đôn cho rằng, lời dạy của Phật giáo đều hướng tới sự thanh tĩnh, hư vô, siêu việt, tịch diệt mà không hệ lụy vào sự vật… Đó là những lời dạy có ý nghĩa giúp con người tu thân, giáo dục con người hướng đến điều tốt đẹp.

Tác giả: Tống Thị Tâm
Trường THPT Yên Khánh B, Ninh Bình

1. Đặt vấn đề

Từ thế kỉ XV, Nho giáo được coi là hệ tư tưởng chính thống của nhà nước phong kiến Đại Việt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của Đại Việt, càng về sau thì Nho giáo càng bộc lộ nhiều nhược điểm. Phật giáo tuy không giữ vai trò là quốc giáo như thời Lý, thời Trần nhưng vẫn được nhiều tầng lớp trong xã hội, kể cả hoàng tộc, quan lại, trí thức… kính ngưỡng.

Đến thế kỉ XVIII, ở Đàng Ngoài, dưới thời Lê – Trịnh, Phật giáo được chính quyền vua Lê, chúa Trịnh ưu ái. Nhiều trí thức Nho giáo mặc dù xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng lại tin kính Phật giáo, tạo thành xu hướng “dĩ Nho mộ Thích”, “Nho – Phật nhất trí”.

Trạng nguyên Lê Quý Đôn là một trong những trí thức Nho giáo mộ Thích như vậy. Hơn nữa, từ trước đến nay, chúng ta chỉ biết đến Lê Quý Đôn mộ Phật qua Thiên Dật trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục của ông. Gần đây, năm 2019, tác giả Phạm Minh Đức Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu bài viết về văn chuông ở chùa Phúc Khánh do Lê Quý Đôn soạn (Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 2 năm 2019), link: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bang-nhan-le-quy-don-doi-voi-phat-giao-qua-bai-van-chuong-o-chua-phuc-khanh.html

Có thể sẽ còn những tác phẩm khác của Lê Quý Đôn viết về Phật giáo, viết cho các văn bia ở các chùa… chưa được phát hiện, công bố. Tại chùa Thanh Phong (còn gọi là chùa Cự Trữ, thôn Cự Trữ xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) hiện còn chiếc khánh đồng có bài minh do Lê Quý Đôn soạn với những lời lẽ thâm sâu, tốt đẹp dành cho Phật giáo.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Le Quy Don Va Phat Giao 1

Nhà bác học Lê Quí Đôn (1726-1784)

2. Nội dung

2.1. Về nhân vật Lê Quý Đôn

Lê Quý Đôn tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh năm Bính Ngọ (1726) ở xã Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), là con của Lê Trọng Thứ (1694-1783), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến Thượng thư Bộ Hình, được tặng hàm Thái Bảo, tước Hà Quận công[1]. Thân mẫu của Lê Quý Đôn là Trương Thị Ích (bà Ích là con của Tiến sĩ Trương Minh Lượng (1636-1712), làm quan đến chức Tự Khanh).

Từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là bậc kỳ tài. Năm 1739 , Lê Quý Đôn theo cha lên kinh đô Thăng Long học và đầu năm 1743, ông đỗ đầu khoa thi Hương, năm đó mới 18 tuổi. Khoa thi Nhâm Thìn (1752), Lê Quý Đôn đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn), năm đó không lấy Trạng Nguyên. Như vậy, ở cả kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu. Sau khi đỗ cao, ông được triều đình Lê – Trịnh bổ nhiệm các chức vụ quan trọng: Hàn lâm viện Thị thư (1752), Hàn lâm viện Thừa chỉ, sung Toản tu Quốc sử quán (1754), Thanh tra Sơn Nam, Tri binh phiên phủ chúa (1756), Hàn Lâm viện thị giảng (1757), Phó sứ đoàn sứ bộ đi sứ Yên Kinh (1760-1762), Bí thư các Học sĩ (1762), Đốc đồng trấn Kinh Bắc (1764), Hàn lâm viện Thị thư, kiêm Tu nghiệp Quốc tử giám (1767-1769), Thị lang bộ Công, Quyền đô Ngự sử (1770-1772), Nhập thị Bồi tụng (1773), được giao quyền giữ Thăng Long cùng 5 người khác (1774), Tả thị lang bộ Hộ, Quốc sử quán Tổng tài, Hành đô Ngự sử (1775), Hiệp trấn Tham tán quân cơ Thuận Quảng (1776), Hứu hiệu điểm quyền phủ sự (1778), Quốc sử quán Tổng tài (1781), Hiệp trấn Nghệ An (1783), Thượng thư bộ Công (1784).

Lê Quý Đôn mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà. Thương tiếc, chúa Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) đã đề nghị với vua Lê Hiển Tông cho bãi triều ba ngày, cử Bùi Huy Bích làm chủ lễ tang, đồng thời cho truy tặng Lê Quý Đôn hàm Công bộ Thượng thư. Đến khi vua Lê Chiêu Thống nắm quyền chính, ông được gia tặng tước Dĩnh quận công.

Trong đời làm quan ông nhiều lần dâng sớ điều trần việc yên dân, khai hoang, tổ chức binh lính, từng khuyên chúa Trịnh đặt ống đồng để thỉnh cầu dân ý. Năm 1778, quê ông bị nạn đói, ông đã lấy tiền riêng cấp cho dân suốt 2 tháng liền. Tiếp nối con đường của ông, người con Lê Quý Đôn cũng trở thành rường cột của triều đình, một danh nhân có nhiều đóng góp cho đất nước trong lịch sử Việt Nam.

Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn của dân tộc ở thế kỷ XVIII. Ông đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời cộng với sự giáo dưỡng của người cha làm quan ngự sử khắt khe, ân tình, do vậy mà kiến thức của Lê Quý Đôn trở nên phong phú. Di sản mà Lê Quý Đôn để lại rất đồ sộ. Theo thống kê thấy có trên 40 tác phẩm với đủ các thể loại: văn, thơ, ký, luận, triết học, sử học, địa lý, ngôn ngữ, chú giải kinh điển… và sự phong phú trong đề tài thể hiện, có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu của ông như sau: Về thơ văn, Lê Quý Đôn có các sáng tác như Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập, Quế Đường di tập. Ngoài việc sáng tác, ông còn có công lao trong việc sưu tầm, biên soạn và hoàn thành hai tác phẩm Toàn việt thi lục và Hoàng Việt văn hải được đánh giá cao. Về Sử học, ông có tác phẩm: Đại việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Bắc sứ thông lục, Kiến văn tiểu lục. Về Triết học gồm có Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Âm chất văn chú, Vân đài loại ngữ. Ngoài ra ông còn soạn văn bia, văn chuông ở các di tích: văn miếu, đền, chùa…tại các địa phương. Trong số các tác phẩm đó, Vân đài loại ngữ là một tác phẩm rất độc đáo. Tác phẩm tập hợp nhiều kiến thức khác nhau từ triết học, sử học, văn học, địa lý cho đến những phong tục tập quán, sản vật tự nhiên, xã hội, v.v.. Vân đài loại ngữ là tác phẩm được xem như một loại “bách khoa thư” đồ sộ nhất thời Trung đại Việt Nam.

Nhận xét về thân thế và sự nghiệp văn chương của Lê Quý Đôn, nhà sử học Phan Huy Chú viết: Lê Quý Đôn là một “nhà bác học ham đọc, ham biết và ham viết”. “Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người mà (vẫn) giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh (ông) làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời”[2]. “Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia” [3].

Học trò của Lê Quý Đôn là Tiến sĩ Bùi Huy Bích nhận xét về thầy mình: “Thông minh nhất đời, học rộng các sách, soạn ra văn chương đủ dạy đời và lưu truyền về sau, nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thầy”[4].

Tiến sĩ Trần Danh Lâm đã nhận xét về Lê Quý Đôn như sau: “Lê Quế Đường, người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết”[5].

2.2. Lê Quý Đôn với Phật giáo

2.2.1. Có thiện cảm với Phật giáo, để tâm nghiên cứu về Phật giáo, kinh Phật

Lê Quý Đôn là một Nho sĩ, nhưng ông vẫn có cái nhìn thiện cảm với Phật giáo. Lê Quý Đôn cho rằng, lời dạy của Phật giáo đều hướng tới sự thanh tĩnh, hư vô, siêu việt, tịch diệt mà không hệ lụy vào sự vật… Đó là những lời dạy có ý nghĩa giúp con người tu thân, giáo dục con người hướng đến điều tốt đẹp.

Lê Quý Đôn còn phê bình sự câu nệ hình thức nên hay bắt bẻ của các Nho sĩ, nhất là, thái độ phỉ báng Phật của họ. “Đạo giáo của họ Phật, họ Lão, thanh tĩnh hư vô, cao siêu tịch diệt, không hệ lụy đến sự vật, đấy cũng là đạo giáo của bậc cao minh dùng để tu dưỡng bản thân; đến những lời bàn luận sâu rộng về đạo đức, về hình thần, không điều gì là không có ý nghĩa mầu nhiệm. Nhà nho chúng ta, cứ giữ thành kiến kia khác, thường thường bác bẻ, như thế có nên không?” [6].

Ông cho rằng, thiên hạ rộng lớn, phong tục, tập quán, tư tưởng… của các nước đều khác nhau. Do đó các Nho sĩ không nên đem cái hiểu biết hạn hẹp của bản thân mình để soi chiếu văn hóa, tư tưởng ở nước khác. “Ở trong chín châu, còn mỗi nơi một khác, huống hồ trên không gian bao la mờ mịt, giữa đại địa rộng lớn xoay vần, … người ta chỉ là tấm thân bé nhỏ, dầu có tài hoa biện luận, dọc ngang tám cõi, thu hút chín châu, nhưng kiến văn cũng vẫn chưa được rộng khắp, thế mà hễ thấy sách cổ chép về sự quỷ thần linh ứng, động vật, thực vật biến hóa ly kỳ, cùng là hình trạng phương xa, cảnh tượng quái lạ, đều nhất thiết không tin, thậm chí chế bại cả tiên Phật, sao mà hẹp hòi thế!” [7].

Mặc dù là nhà Nho, nhà Nho điển hình nhưng Lê Quý Đôn hâm mộ, để tâm nghiên cứu Phật giáo, kinh Phật.

Tác giả Nguyễn Lang cho rằng Lê Quý Đôn đã viết sách Kim Cương chú giải nhưng rất tiếc hiện nay chưa tìm được cuốn sách này[8].

Trong các bài viết, minh văn chuông, bia do Lê Quý Đôn viết về Phật giáo đã thể hiện ông am hiểu sâu sắc về, sử dụng nhuần nhuyễn những điển tích của Phật giáo. Trong minh văn chuông chùa Phúc Khánh ông viết: “Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: “Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam ma đề, ắt phải bằng con đường nghe thấy”. Ta chợt giác ngộ mà than rằng: Chí lý thay! Nghe được lời huyền diệu đầy ở trong tai. Tuy ở trong lục trần mà muốn giác ngộ pháp môn, tất phải qua đôi tai làm sáng tỏ Tam muội, tâm tự tại thì mới đạt được thành tựu Bồ đề, phàm là nhất động, nhất tĩnh, nhất thanh, nhất âm đều có thể dấy lên, có được cơ duyên mà trở thành cảnh trí bình thường. Vậy nên đức Phật ta mở mang đại pháp, tuyên giảng từ bi, dậy bảo tiên âm, khiến cho người ta nghe theo mà nhập đạo. Từ khi đắc đạo ở Song Lâm, thì ý nghĩa sâu xa của đạo pháp được ghi lại trong kinh sách, do vậy mà tiếng sóng Phạm âm không phải kẻ tầm thường có thể nghe được. Điều nghe thấy được thể hiện ra ắt phải nhờ vào pháp khí, tức quả chuông này vậy. Nay xem quả chuông lớn thể tròn, hình cứng khi đánh lên thì thông suốt trần gian, cảm động tới cả cõi người, cõi trời, giúp người ta dứt bỏ ý nghĩ sai lầm và mở rộng tầm mắt cho con người. Tai nghe được tiếng này há chẳng sợ hãi mà nghĩ đến điều thiện, bỗng nhiên thấy bản tính dần ngộ được Tam đức viên thông ư ? Ôi! Chân lý có sẵn thế mà người hiểu được, ít lắm. Quả chuông treo lên, chầy kình gõ vào, lúc yên lúc gõ mà không biết ai có thể giác ngộ, được tất cả âm thanh, tức là Như Lai tạng tính mà ngay lập tức giác ngộ qua đôi tai. Những người muốn chứng được ở chí đạo chính là dựa vào chỗ này đây”[9]. Chỉ trong một đoạn ngắn, Lê Quý Đôn đã sử dụng nhiều điển tích của Phật giáo như Tam ma đề, Lục trần, Pháp môn, Tam muội, Bồ đề, Song Lâm, Phạm âm… Và trong bài minh trên khánh đồng ở chùa Cự Trữ, Lê Quý Đôn cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình về Phật giáo: “Lòng của người ta. Thay đổi không thường. Định là gốc tuệ. Giác ngộ cơ vi” [10].

Từ Thiền Dật cho thấy, Lê Quý Đôn từng nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Lăng Già, Kim Cương… Ông am hiểu về Phật giáo, có kiến thức Phật giáo sâu rộng. Chính ông đã nói ông thường xuyên đọc Kinh phật, nghiên cứu đạo Phật. Trong minh văn chuông chùa Phúc Khánh, Lê Quý Đôn viết: “Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: “Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam ma đề, ắt phải bằng con đường nghe thấy”[11].

Lê Quý Đôn nghiên cứu về Phật giáo, về tiểu sử các danh tăng ở nước ta. Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm mà Lê Quý Đôn dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam. Qua Thiền dật ta thấy, Lê Quý Đôn khảo cứu chi tiết về nhiều vị danh tăng của nước ta mà ông đánh giá là: “Bậc cao tăng nước ta không phải là ít”[12]. “Trong những người mặc áo cà sa, nhiều tiếng câu thơ của sư Thuận làm cho sứ thần nhà Tống phải kinh phục, văn từ của Chân Lưu vang tiếng trong một thời; Vạn Hạnh biết được lời sấm thay đổi ngôi vua; hai vị sư Bàn Tính và Minh Tâm thiêu mình đều thành thất bảo; sự Đạo Hạnh biết phép tu luyện, trút lốt ở núi Phật Tích, sư Minh Không có đạo thuật chữa được ác tật của Lý Thần Tông, sư Pháp Loa và Huyền Quang tinh thông luật giới, không hổ Then là đồ đệ pháp môn. Những dị nhân nghe rộng thấy xa như thế, thì trên từ vua chúa dưới đến dân gian, làm gì mà không tín ngưỡng một cách sâu sắc?” [13].

Thiền dật đã cung cấp những tư liệu quý giá về thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh, Vạn Hạnh, Minh Không, Huyền Quang, Pháp Loa, Thiền sư Hương Hải, … Những bài thờ của bốn vị danh sĩ đời Đường nói về bốn vị Thiền sư An Nam cũng được Lê Quý Đôn tìm hiểu, ghi chép lại đầy đủ. (Thẩm Thuyên Kỳ và bài thơ Thăm ngài Vô Ngại Thượng nhân, chùa Tịnh Cư, núi Cửu Chân, Dương Cự Nguyên với bài thơ Tống Phụng Đình pháp sư quy An Nam (Tiễn pháp sư Phụng Đình trở lại An Nam), Trương Tịch và bài thơ Sơn trung tặng Nhật Nam tăng (Trong núi, tặng vị sư huyện Nhật Nam), Giả Đảo và bài thơ Tống An Nam Duy Giám pháp sư (Tiễn Duy Giám Pháp sư nước An Nam).

Trong Thiền dật cũng thể hiện khá nhiều về chính sách với Phật giáo của các vương triều ở Trung Quốc, Việt Nam. “Cao tổ nhà Hậu Chu nung chảy tượng Phật, đốt kinh Phật, chưa đầy một năm, khí độc nung nấu trong bụng, mụn loét phát sinh ngoài thân thể, được 7 ngày thì mất, vận nước dời về tay người khác, … Thế Tông nhà Hậu Chu huỷ tượng đồng trong nước để đúc tiền, …. Sau đó, đi đánh phương Bắc, sai người dùng súng bắn phá, trúng” [14]. “Đinh Tiên Hoàng lúc mới bình định được cả nước, liền xếp đặt phẩm cấp tăng và đạo, Ngô Chân Lưu và Trương Ma Ni làm Tổng thống. Tăng lục. Đặng Huyền Quang làm Uy nghi. Sau đó, Lê Đại Hành kế tiếp, cũng rất tôn trọng tăng đạo. Lúc Lý Thái Tổ mới lên làm vua, liền ban y phục cho tăng đạo, hai lần hạ lệnh độ dân làm thầy chùa. Sau khi đã dời kinh đô đến Thăng Long, bên ta dựng cung Thái Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, suốt đời nhà Lý, tăng đạo đẩy dân gian, chùa quán khắp trong nước, tôn sùng Phật giáo, hơn cả các triều trước. … đến đời nhà Trần, lấy địa vị vua chúa mà làm đại sĩ, hoàng hậu mà làm tì khưu, khanh tướng mà làm thầy chùa” [15].

Lê Quý Đôn đã chú trọng đến việc giải thích (hoặc sao chép lại sách Phật giáo từ Trung Quốc) các Pháp số của Phật giáo, có cả phần phiên âm tiếng Phạn, hay giải thích các từ phiên âm tiếng Phạn sang tiếng Việt như: Thích ca mâu ni, Ca diếp, Thích ca, Cù đàmTì bà thi, Đầu đà, lục diệu… Tuy rằng, số lượng từ mà ông giải thích chưa nhiều nhưng cũng là đóng góp lớn của ông cho việc nghiên cứu Phật học.

2.2.2. Tin vào thuyết luân hồi, nhân quả

Qua những nội dung trong thiên Thiền Dật đã thể hiện Lê Quý Đôn tin vào thuyết nhân quả báo ứng. Lê Quý Đôn viết: “Kinh điển Tây Trúc nói về đời quá khứ, đời vị lai” [16]. “Muốn biết nguyên nhân kiếp trước, kinh nghiệm ngay vào sự hưởng thụ hiện tại. Muốn biết nguyên nhân kiếp sau, kinh nghiệm ngay vào hành vi hiện tại” [17]. Và “người làm việc thiện sẽ được trăm điều lành, người làm bất thiện sẽ phải trăm tai họa” [18]. Tất nhiên, sự giải thích của Lê Quý Đôn về thuyết nhân quả của Phật giáo nhưng dẫu sao với một nhà Nho thì đó cũng là sự hiểu biết đáng trân trọng.

Lê Quý Đôn cũng nghiên cứu, dẫn chứng nhiều đoạn kinh “Lăng già” nói về 10 giới, và xem kinh này có giá trị lớn, có tác dụng giáo dục, thức tỉnh người đời. Lê Quý Đôn viết về việc ông đọc “Thái bình quảng ký” chép những chuyện linh ứng khi đọc kinh “Kim cương”, kinh “Quan âm”, kinh “Cứu khổ”. Đó là những người tin tưởng kinh Phật giáo, đọc tụng nên được cảm ứng. Ông cũng tin tưởng chuyện vua Chu Cao tổ nung chảy tượng Phật, đốt cháy kinh Phật nên bị quả báo là lở lói, 7 ngày rồi qua đời, sau đó vận nước cũng đổi thay. Và chuyện Chu Thế tông bắn trúng vú của tượng Phật nên sau đó cũng bị ung thư vú mà chết, như Vương Củng đã chép trong “Tạp lục”. Đây là một điểm nữa, mà Lê Quý Đôn nhận thấy rất tương đồng với thuyết báo ứng mà trong “Kinh Thư và Kinh Dịch” đã chép.

Bài minh trên Khánh đồng ở chùa Cự Trữ (Phương Định, Trực Ninh, Nam Định) do Lê Quý Đôn soạn cũng thể hiện rõ niềm tin ấy. “Nhân quả không hoa. Chớ bảo qua loa”. Và ông khuyên mọi người: “Tôi bảo mọi người. Hãy làm việc thiện”[19].

Lê Quý Đôn tin vào yếu tố Mật tông, bằng cớ là dẫn sách “Thái bình quảng ký” nói về phương pháp thoát nạn: “nếu gặp người hung ác, thì cầm sừng tê giác hoặc con dao, rồi ngấm ngầm dùng ngón tay cái bên trái bấm vào chỗ vằn ngang ở đốt thứ ba ngón tay giữa về bên trái, miệng lẩm nhẩm tụng một lượt câu thần chú sẽ có thể tránh khỏi tai họa. Câu thần chú rằng: “Cát trung cát, ca tuất luật đề trung hữu luật đà ha bà ca ha””[20].

Lê Quý Đôn còn đặc biệt xưng tán Kinh Lăng nghiêm “là tôn chỉ bí mật thứ nhất trong thiền gia, không những ý nghĩa sâu rộng, ngay đến văn pháp cũng cao siêu mầu nhiệm, những lời thí dụ biện luận, phân tích rất tinh tế tỉ mỉ, từ ngữ khí thế, có thể đổ núi, nghiêng sông”[21].

Ông cũng cho rằng, Phật giáo đã được truyền vào Trung Quốc từ lâu, có những triều đại, vua chúa, quan lại muốn tiêu diệt Phật giáo nhưng đâu loại trừ được. “Ngựa trắng sang Đông thổ[22], có lẽ hơn ngàn năm nay rồi, giáo hóa huyền vi, pháp thuật nhiệm màu, thật là cùng trời đất bất hủ, cho nên các vua chúa anh minh, khanh tướng danh vọng, không biết bao nhiêu lần bài tiễn trừ, chung quy lại vẫn không hủy bỏ đi được, thế thì sao chúng ta lại dày lời chê bai để rước lấy vạ miệng?” [23].

Đối với việc xây dựng, trùng tu chùa chiền, đúc chuông, đúc khánh, Lê Quý Đôn đánh giá là việc nên làm, “quả thực là việc thiện vậy” [24].

2.2.3. Đánh giá tính tích cực của Phật giáo, Nho – Phật nhất trí

Từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, Nho sĩ dần dần chiếm vị trí quan trọng trên chính trường, Nho giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, đất nước ta trong tình trạng các thế lực phong kiến xâu xé lẫn nhau, nội chiến giữa các thế lực của nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại các thế lực phong kiến, đã làm cho nhân dân khổ cực.

Trong bối cảnh đó, Phật giáo vốn có nền tàng sâu bền trong đời sống nhân dân lại được nhiều Nho sĩ quan tâm.

Trong tư tưởng của họ có sự dung hợp giữa Nho và Phật. Từ đó hình thành một trào lưu “cư Nho mộ Phật”, “Nho – Phật nhất trí”. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trịnh Tuệ.. là những danh Nho như vậy. Và Lê Quý Đôn cũng không nằm ngoài xu thế đó. Ông là nhà Nho, nhà khoa bảng lớn của triều Lê – Trịnh nhưng ông vẫn đánh giá cao những mặt tích cực của Phật giáo. Và ở mặt nào đó với Lê Quý Đôn thì Nho – Phật nhất trí.

Lê Quý Đôn đã nghiên cứu kĩ, chọn những đoạn dạy về đạo trị nước, được ghi chép trong sách “Thái bình quảng ký” và “Pháp uyển châu lâm” để chứng minh cho người đọc thấy rằng Phật giáo cũng dạy về đạo trị nước. Cụ thể, sách “Thái bình quảng ký” dẫn lời của Thiền sư Na-bạt-ma đáp câu hỏi của Tống Văn đế: “Về việc tu hành, vua chúa và thường dân cũng khác nhau… Vua chúa coi bốn bể như một nhà, muôn dân như con cái, nói ra một điều thiện thì dân chúng đều vui mừng…Được như thế thì trì trai cũng to lắm rồi”[25]. Còn “Pháp uyển châu lâm” thì dẫn lời Phật kể chuyện chim Anh vũ khuyên vua nước Ca – Xi: “Nhà vua làm 7 việc phi pháp, có thể hại đến bản thân như đam sắc dục, hay uống rượu, cờ bạc, săn bắn, nói điều hung ác, thuế khóa nặng nề và cướp bóc của dân”. Lại nói: “Nhà vua có 3 việc có thể tan nát quốc gia; như thân cận với kẻ gian tà nịnh hót, không thu nạp lời nói phải và thích đánh dẹp nước khác. Này người làm vua một nước, cả nước đều mong đợi ngóng trông, nhà vua nên như cái cầu tế độ cho muôn dân, nhà vua nên như cái cản, dầu thân dầu sơ đều cần nhắc cho đúng, nhà vua nên như mặt trời soi khắp thế gian, nhà vua nên như mặt trăng, chiếu ánh sáng cho loài vật được trong mát, nhà vua như cha mẹ, nuôi dưỡng thương yêu nhân dân, nhà vua như trời che phủ tất cả, nhà vua như đất bồi dưỡng mọi loài”[26].

Lê Quý Đôn còn dẫn Kinh Lăng nghiêm nói về trách nhiệm của việc trị nước: “Kinh Lăng nghiêm nói: “Nếu chúng sinh biết yêu quý sửa sang đất nước, phán đoán công việc làng xóm, thì ở trước mặt những người ấy, ta sẽ hiện ra thân phận một quan tể, vì họ thuyết pháp, để nguyện vọng của họ được thành tựu; về phần nữ giới, nếu có người nào muốn làm việc nội chính, để sửa sang nhà và nước, thì ở trước mặt những người ấy, ta sẽ hiện ra thân phận nữ chúa, quốc phu nhân, mệnh phụ hoặc đại gia, vì họ thuyết pháp, để nguyện vọng của họ được thành tựu””. Để rồi Lê Quý Đôn khẳng định: Phật giáo có ý nghĩa lớn trong tề gia, trị quốc: “Đấy chả phải ý nghĩa tề gia, trị quốc là gì?” [27]. Và Lê Quý Đôn đã kết luận rằng Phật hay Nho đều nói về đường lối trị nước. Thậm chí “Phật nói đường lối cốt yếu về việc trị nước, rất là đầy đủ” [28].

Về việc trừng trị những kẻ phạm tội, Lê Quý Đôn dẫn câu chuyện nhà sư Nhất Hành ra và cho rằng nhân từ của Phật giáo cũng không hẳn là sai. “Từ bi, hàng phục được mọi điều ám ảnh” và “có một lần, Thiên Vương thấy sư Hồng Phỏng xin tha tội cho quỷ Dạ Xoa. Người bảo: “Nhân từ nhỏ làm hại nhân từ lớn, lời nói của quỷ dữ không có bảo đảm gì”. Rồi Lê Quý Đôn kết luận rằng: “Tôi trộm nghĩ, phép quan cũng thế, chỉ có thể nhân từ với người lương thiện, người ngu si hoặc lầm lỡ, mà không thể nhân từ với kẻ gian tham, nhũng lạm hoặc cố ý làm xằng được” [29].

Lê Quý Đôn chủ trương mọi người, nhất là quan chức cần rèn luyện đạo đức theo chuẩn mực đạo đức của Phật giáo để tích phúc cho bản thân: “Người làm quan, nên biết suy diễn lời nói này, lúc làm việc công, nếu giữ lòng từ bi thương xót, mở bụng cứu tế mọi người, làm tỏ rõ việc oan uổng, cứu vớt người bẩn cùng, khoan dung cho phạm tù, giảm bớt việc sai phái, ơn huệ thấm đến nhân dân, thì tự nhiên phúc trạch được dư dụ” [30]. “Chỗ bất cập của người khác, ta nên lượng tình mà tha thứ; chỗ thiếu sót của ta, ta cần dùng lý lẽ mà nghiêm trách” [31].

Về đạo hiếu, nếu như một số người cho rằng đi theo Phật là bỏ cha mẹ, không tròn chữ hiếu thì Lê Quý Đôn cho rằng Phật giáo chú trọng đến đạo hiếu. Lê Quý Đôn dẫn đoạn “Ta trước kia giàu lòng hiếu thảo nên nay được thành Phật” [32]. Ở đoạn khác Lê Quý Đôn dẫn Kim cương luận: “Ai hay kính thuận cha mẹ, thì gọi là người con trai hay con gái hiếu thuận”. Và Lê Quý Đôn kết luận rằng, Phật giáo như thế “chả phải là bày tỏ đạo hiếu thảo đấy ư?” [33].

Như vậy, đối với Lê Quý Đôn, Nho hay Phật giáo đều thống nhất ở việc giáo dục con người về hiếu đạo nhưng Phật giáo thì nói được cụ thể và thâm thiết hơn rất nhiều.

Về “nhân” “nghĩa” là những mặt mà Nho giáo rất coi trọng, là rường cột trong tư tưởng Nho giáo, có tác dụng rất lớn trong giáo dục đạo đức con người. Lê Quý Đôn cho rằng Phật giáo cũng có những nội dung tương tự. Phật giáo cũng dạy như thế, đó là sự làm lợi cho người, lợi mình. Lê Quý Đôn cho rằng: “Tôi thiết nghĩ: tôn chỉ pháp môn, chủ yếu là cho mọi việc ở thế gian, đều là hư vọng, cho nên tu thành bậc chân giác, để vượt ra ngoài lục trần”, khi đã thành diệu đạo tuyệt đối, thì yêu thương chúng sinh, bố thí mọi phương tiện, có người nào muốn tu thành chính giác (xuất gia) thì giúp cho họ được viên thông, người nào muốn làm trọn nhân đạo (tại gia) cũng giúp cho họ được thành tựu. Không phải muốn người ta bỏ hết cương thường luân lý đâu. Gọi là “cứu đời hết thảy được an ninh, xuất gia thì pháp thân được thường trụ”, vừa lợi người, vừa lợi mình, tóm lại đều là một lòng nhân từ cả”[34].

Như vậy, với Lê Quý Đôn, Phật giáo không bác bỏ luân thường đạo lý, “nhân”, “nghĩa” mà Phật còn dạy con người tu, giữ giới để làm tròn bổn phận của bản thân mình.

Về mặt Nhân sinh quan, Lê Quý Đôn cho rằng chủ trương thân con người được tạo nên từ 4 yếu tố (Tứ đại, hay còn gọi là Tứ hành) là đất – nước – lửa – gió của Phật giáo, được dẫn trong kinh Viên giác, là hoàn toàn tương đồng với thuyết Ngũ hành của Nho giáo[35].

Kết luận

Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu về Lê Quý Đôn, nhất là qua thiên Thiền Dật và những văn bia, minh chuông, minh khánh mà ông để lại cho thấy ông là một Nho sĩ có thiện cảm với Phật giáo. Ông đọc nghiên cứu kinh điển Phật giáo, lịch sử Phật giáo. Ông đã có nhiều nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam, về nhiều danh tăng của Phật giáo Việt Nam. Qua tác phẩm của Lê Quý Đôn chúng ta thêm hiểu về tình hình Phật giáo đương thời. Đó là những cống hiến lớn cho Phật giáo nước nhà.

Các nhà sử học Việt Nam đều thống nhất nhận định: Lê Quý Đôn là nhà bác học có kiến thức uyên bác bậc nhất Việt Nam dưới thời phong kiến. Lê Quý Đôn là nhà Nho, trí thức Nho học điển hình ở thế kỉ XVIII, từng nắm quyền cao chức trọng ở triều đình Lê – Trịnh. Lê Quý Đôn đã vượt lên trên thiên kiến như một số Nho sĩ khác. Ông nhận thấy được những ưu điểm của Phật giáo trên nhiều phương diện, giữa Nho và Phật có nhiều điểm tương đồng cả về giáo dục đạo đức, đạo hiếu, về tu thân, tề gia, trị quốc… Tư tưởng Phật – Nho nhất trí đó của Lê Quý Đôn là sự kế thừa, ảnh hưởng từ nhiều học giả trước đó từ Thiền sư, Đạo sĩ, Nho sĩ cho đến vua, quan như: Thiền sư Viên Chiếu, vua Lý Nhân Tông, vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, Thiền sư Hương Hải. Đồng thời tư tưởng Nho – Phật nhất trí đó của Lê Quý Đôn lại tiếp tục được kế thừa, phát triển ở trong những thế kỉ sau. Nguyên nhân khiến Lê Quý Đôn có sự vượt trội hơn các Nho sĩ khác về nhiều mặt, nhất là đã nhận thấy ưu điểm của Phật giáo có nhiều, do chính sự ưu trội của Phật giáo, do sự thông minh tài năng của ông… Song như Gs.Trần Quốc Vượng đã lý giả rằng, do Lê Quý Đôn đã “tắm nhân dân, phá được cái khuôn sáo Nho gia đã đúc khuôn ông” hay “cái dung dịch văn hóa của ông đã tràn bờ ra ngoài cái khuôn hình mà gia đình và xã hội đã đúc nên ông”[36].

Tác giả: Tống Thị Tâm
Trường THPT Yên Khánh B, Ninh Bình

***

Tài liệu tham khảo
1. Bài minh khánh chùa Cự Trữ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) do Lê Quý Đôn soạn năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765).
2. Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Phạm Minh Đức (2019), Bảng nhãn Lê Quý Đôn đối với Phật giáo qua bài văn chuông ở chùa Phúc Khánh, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2 (155).
5. Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb. VHTT, Hà Nội.
6. Lê Quý Đôn (2006), Vân đài loại ngữ, tập 1, Trần Văn Giáp dịch, Nxb. VHTT, Hà Nội.
7. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
8. Nhiều tác giả (1988), Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỉ XVIII, 2 tập, Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình, Thái Bình.
9. Trần Lê Sáng (2004), Ngữ văn Hán Nôm, tập 4. Nxb. KHXH, Hà Nội.
10. Ngô Đức Thọ (chủ biên) (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.

Chú thích:
[1] Ngô Đức Thọ (Chủ biên) (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang 680-681.
[2] Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 391.
[3] Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 136.
[4] Trần Lê Sáng (2004), Ngữ văn Hán Nôm, tập 4. Nxb. KHXH, Hà Nội, trang 499-504.
[5] Lê Quý Đôn (2006), Vân đài loại ngữ, Tập 1, Trần Văn Giáp dịch, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 43.
[6] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 425.
[7] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 426.
[8] Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang 650.
[9] Phạm Minh Đức (2019), Bảng nhãn Lê Quý Đôn đối với Phật giáo qua bài văn chuông ở chùa Phúc Khánh, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2 (155).
[10] Bài minh khánh chùa Cự Trữ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) do Lê Quý Đôn soạn năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765).
[11] Phạm Minh Đức (2019), Bảng nhãn Lê Quý Đôn đối với Phật giáo qua bài văn chuông ở chùa Phúc Khánh, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2 (155).
[12] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 449.
[13] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 454.
[14] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 432.
[15] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 453-454.
[16] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 431.
[17] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 14.
[18] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 430.
[19] Bài minh khánh chùa Cự Trữ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) do Lê Quý Đôn soạn năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765).
[20] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 433.
[21] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 433.
[22] “Ngựa trắng qua Đông thổ”: Ý nói sự du nhập của Phật giáo. Ý này bắt nguồn từ tích thời Hán Minh đế (58-74), nhà sư Tây Trúc là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dùng ngựa trắng chở kinh Phật đến kinh đô Lạc Dương.
[23] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 426.
[24] Phạm Minh Đức (2019), Bảng nhãn Lê Quý Đôn đối với Phật giáo qua bài văn chuông ở chùa Phúc Khánh, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2 (155).
[25] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 428.
[26] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 428.
[27] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 429.
[28] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 429.
[29] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 430.
[30] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 428.
[31] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 16.
[32] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 429.
[33] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 429.
[34] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 430.
[35] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb VHTT, Hà Nội, trang 433.
[36] Nhiều tác giả (1988), Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỉ XVIII, 2 tập, Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình, Thái Bình.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường