Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Kính thưa Đại hội!
Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”. Để mục tiêu thống nhất này trở thành hiện thực, việc duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức Giáo hội là yêu cầu tất yếu.
Kỷ cương là những phép tắc, những quy định được đặt ra nhằm tạo ổn định và thăng tiến Giáo hội; kỷ cương vừa là quy định vừa là biện pháp để thực hiện quy định đó. Trong tổ chức Phật giáo có giới luật, hành chánh, quy chế, nội quy, thông tư, thông báo... Tạo dựng và giữ kỷ cương, kỷ luật bắt đầu từ nhận thức “Đoàn kết hòa hợp - Trưởng dưỡng Đạo tâm - Trang nghiêm Giáo hội” để “Phụng vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Từ đó vững kỷ cương, nghiêm kỷ luật là yêu cầu sống còn của tổ chức được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp đầy trách nhiệm của cả tập thể. Khi kỷ cương không được giữ vững, lãnh đạo sẽ rối loạn, sức chiến đấu của tổ chức cũng giảm sút, chủ nghĩa cá nhân sẽ trở thành người chỉ huy nhận thức và hành động. Kỷ cương là cái gốc của giáo dục, kỷ cương hành chánh của Giáo hội không ngoài mục đích đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ Phật giáo trong thực thi nhiệm vụ Phật sự.
Đức Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hay hành động, thì nói những lời xấu, hành động tội lỗi; ngược lại, nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp thiện thì kết quả an vui sẽ theo nghiệp như bóng theo hình”. Nghiệp lành nghiệp dữ khởi điểm từ tâm. Muốn hoàn thiện bản thân trên lộ trình giác ngộ, giải thoát của một hành giả hay mỗi cán bộ Phật giáo cần nêu cao tinh thần kỷ cương, kỷ luật để làm nền tảng cho sự ổn định và phát triển Giáo hội, phải có cái tâm theo tinh thần kinh Di Giáo “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”.
Trong cuộc sống, không kẻ thù nào đáng sợ bằng lòng tham, sự tật đố, sân hận của chính bản thân chúng ta; đáng sợ nhất là những tư tưởng bất chính, thói hư tật xấu tiềm ẩn chính trong con người. Những thứ này làm cho người ta không còn làm chủ được chính mình. Người có niềm tin vững chắc, nội tâm vững chãi, có năng lượng tu hành đủ mạnh để làm chủ tâm mình trong mọi hoàn cảnh và thừa đương Phật sự lợi đạo ích đời thì biết chuyển hóa tật xấu thành những hạt giống thương yêu, sự hiểu biết; biết tự điều chỉnh bản thân sao cho thích hợp môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, phong tục, tập quán của từng vùng miền, quốc độ; ứng dụng phương pháp tùy duyên bất biến một cách linh hoạt để làm lợi ích chúng sanh, đưa Phật giáo vào xã hội để Phật giáo hóa xã hội vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người.
Tính chất của con người khó hiểu được, như lùm cây không biết lối vào. Khi tâm con người bị dục vọng điều khiển nên không thể nào an ổn; chấp trước những thứ sở hữu và nỗi lo càng chồng chất. Người tu hành phải lấy giới làm căn bản, nhiếp tâm theo công hạnh, xem nhẹ thân thể, quý trọng chân lý, duy trì mạng sống để tu tập thiền định, phát triển tuệ giác là con đường cao quý vô song.
Chúng ta đi vào đời vì mục đích Phật hóa xã hội mà lại bị thế tục hóa bản thân, thế tục hóa Phật giáo thì thật vô cùng nguy hiểm biết bao! Kết quả này xuất phát từ thiểu số kém đạo lực, thiếu sự tu tập của nội tâm, nặng danh lợi thế gian, dẫn đến lời nói, hành động thiếu chính niệm, thiếu chất liệu xây dựng, thiếu tình yêu thương và sự hiểu biết nên đã không chỉ gây ra phiền não cho chính bản thân mà còn làm nô lệ cho “ma quân”. Khi con người ai ai cũng có ý thức, có trách nhiệm đối với những việc làm của mình thì người đó không bao giờ gây đau khổ cho người khác, mà ngược lại, họ luôn luôn tìm cách làm cho người khác được hạnh phúc. Mọi người sẽ ý thức được việc làm của mình và trách nhiệm đối với việc làm đó thì trong tâm thức luôn nêu cao kỷ cương, kỷ luật cho chính bản thân mình và đối với tổ chức Giáo hội, đối với Tổ quốc, Dân tộc. Thiền giúp chúng ta sự an tịnh nội tại và giúp chúng ta những tư duy đúng, những nhận xét đúng bản chất mọi sự vật, hiện tượng. Thực hành thiền là làm chủ được tâm của mình trong mọi hoàn cảnh, ý thức được ta đang làm gì, nói gì, nghĩ gì trong giây phút hiện tại, thấy được những chuyển biến trong cuộc sống, bản chất vô thường, vô ngã của vạn pháp; là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của tất cả mọi người trên cuộc đời này. Mất chính niệm là thiếu chất liệu của thiền thì khó xây dựng cuộc sống an lạc hạnh phúc cho mọi người. “Vong thất Bồ đề tâm thị danh ma nghiệp!”. Làm việc đạo với cái tâm đời, tức là tâm danh lợi, thì việc đạo biến thành việc đời. Còn làm việc đời với cái tâm đạo, tức là cái tâm vì lợi ích của đạo và của chúng sinh, thì việc đời cũng biến thành việc đạo. Là đệ tử Phật phải xa lìa tham dục, dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân để được 5 món tự tại như kinh Thập Thiện: (1) Ba nghiệp tự tại các căn cụ túc; (2) Của cải tự tại, oán tặc không cướp hại; (3) Phước đức tự tại, toại lòng yêu muốn vật dụng đầy đủ; (4) Vương vị tự tại, đồ vật quý lạ đều được phụng hiến; (5) Những vật được thù thắng gấp trăm lòng mong cầu, vì không bỏn xẻn ganh ghét. Nếu hồi hướng Vô thượng bồ đề, sau thành Phật, tam giới đặc biệt tôn trọng, thảy đều kính nhường.
Truyền thống “đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam vốn xuyên suốt và thể hiện hầu hết mọi lãnh vực, nhưng cái quý báu nhất là sự thể hiện trong sự nghiệp giữ nước, bởi mất nước là mất tất cả. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, khẳng định: “Phật giáo Việt Nam chỉ bền vững và có ý nghĩa khi đã biết gắn mình vào với dân tộc Việt Nam, hòa mình vào cộng đồng dân tộc Việt Nam, không thể khép kín hoặc tách rời ra khỏi cộng đồng đó. Đứng trước họa xâm lăng đương đe dọa Tổ quốc, Phật tử không thể ngồi yên gõ mõ tụng kinh cầu nguyện, mặc cho kẻ thù đem súng tàn sát những người ruột thịt của mình. Có ý thức như vậy và hành động đúng như vậy, Tăng Ni, Phật tử mới thể hiện đúng tinh thần Vô ngã, Vị tha của Đức Phật, nghĩa là Phật tử luôn quên mình để cứu độ chúng sinh”.
Đất nước chúng ta vui sống thanh bình trên đà phát triển, hội nhập toàn cầu đang là cơ hội tốt nhất để Phật giáo Việt Nam nỗ lực phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Vì vậy, Giáo hội Phật giáo các cấp đang tích cực chung sức vì cộng đồng; chủ động tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng ý thức kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, triển khai thực hiện, hưởng ứng chương trình giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tăng cường hợp tác giữa các Giáo hội Phật giáo trong khối Asian và thế giới; không ngừng vận động ngày càng nhiều Tăng Ni, Phật tử, các nhà hảo tâm, người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần vào các phong trào xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hướng về cội nguồn. Là người con Phật, mỗi thành viên trong Giáo hội đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của dân tộc và nhân loại thể hiện qua việc trùng tu kiến tạo tự viện, sinh hoạt lễ hội văn hóa tâm linh để tô bồi nền văn hóa đạo đức dân tộc, xây dựng cơ sở y tế, giáo dục và cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện công tác đối ngoại nhân dân nhằm giới thiệu đất nước, con người Việt Nam thân thiện toàn cầu, gìn giữ bảo vệ hòa bình thế giới, hạnh phúc nhân loại trên hành tinh này; kêu gọi, động viên, hướng dẫn Phật giáo đồ trong cả nước thực thi nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162 của Chính phủ; cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ thanh danh Việt Nam của các phần tử cực đoan; ngăn chặn sự chống đối nhà nước, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đoàn kết là nguồn cội tạo nên sức mạnh, là yếu tố đầu tiên để thành công và phát triển bền vững. Tự thân Giáo hội, mỗi thành viên Tăng Ni, Phật tử luôn ý thức giữ giới trong sạch, không làm ô uế đạo tâm, thường tu nhân nghĩa, niệm tưởng báo ân, cúng dường cha mẹ như cúng dường Phật không khác, phụng sự sư trưởng như đối chư Phật, kính trọng quốc chủ như thường trú pháp thân, đối với mọi người như mình không khác. Trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội; đối với Thầy Tổ, chùa chiền; đối với Giáo hội, Đạo pháp, Dân tộc luôn là gánh nặng nhưng nó giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình phát triển. Người sống có trách nhiệm sẽ được mọi người tôn trọng và dễ dàng đạt được thành công. Phải hoàn thiện bản thân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết để phát triển Giáo hội theo đà tiến của đất nước và văn minh của nhân loại trên khắp thế giới.
Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đức Đệ Nhất Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã huấn thị: “Phật giáo Việt Nam có tồn tại và duy trì hay không là tùy thuộc ở yếu tố con người, tùy thuộc ở chúng ta. Chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Tăng Ni Phật tử phải ý thức về trách nhiệm lớn của mình đối với Đạo pháp và Dân tộc, làm sao cho pháp âm của Đức Phật mãi mãi vang lên vì hạnh phúc và an lạc của mọi loài”.
Tâm trong sạch là nguồn gốc của giải thoát, ý thanh khiết là nền tảng của tiến hóa. Môi trường Giáo hội Phật giáo Việt Nam là môi trường trong và thanh như bài kệ trong kinh Pháp Cú: “Như hồ nước rất sâu, Trong lặng, sáng một màu, Người trí tuệ nghe đạo, Tâm thanh tịnh hết sầu”.
Xin chân thành tri ân, kính chúc Đại hội thành công viên mãn!
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Bình luận (0)