Xuất gia gieo duyên” là cơ hội giúp cho mọi người, nhất là các bạn trẻ muốn trở thành người tu nhưng không đoan chắc rằng mình có thể đi trọn vẹn sự chọn lựa đó, hiểu thấu được ý nghĩa, giá trị, lợi ích của người xuất gia, từ đó, dễ dàng quyết định mục đích sống và lý tưởng dấn thân.

I. Ý NGHĨA XUẤT GIA VÀ XUẤT GIA GIEO DUYÊN

1.1. Xuất gia gieo duyên là gì?

Xuất gia” có nghĩa đen là “rời khỏi gia đình”, tức là từ bỏ đời sống thế tục, giã từ gia đình, vào chùa đi tu, cạo sạch râu tóc, thân mặc pháp phục, tu luyện Phật pháp để thành chân sư, cứu đời giúp người vượt qua khổ đau, trải nghiệm an vui, hạnh phúc trong đời.

Gieo duyên” là gieo trồng nhân duyên hay hạt giống xuất gia chính thức về sau, tốt nhất là ở kiếp này, hoặc ở các kiếp sau. “Xuất gia gieo duyên” còn gọi là “xuất gia thời gian ngắn” (đoản kỳ xuất gia) mà về bản chất là tập sự trở thành người xuất gia đích thực, trải nghiệm đời sống xuất gia trong thời gian được ấn định, mà tại Việt Nam thường 7-10 ngày. “Xuất gia gieo duyên” là cơ hội giúp cho mọi người, nhất là các bạn trẻ muốn trở thành người tu nhưng không đoan chắc rằng mình có thể đi trọn vẹn sự chọn lựa đó, hiểu thấu được ý nghĩa, giá trị, lợi ích của người xuất gia, từ đó, dễ dàng quyết định mục đích sống và lý tưởng dấn thân.

Tại các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, tất cả Phật tử nam, dù là vua, thái tử, hoàng tử, thương gia, công chức, đều phải trải qua ít nhất một lần xuất gia trong đời, trung bình 3 tháng như một truyền thống văn hóa lâu đời.
Theo quy định, trong suốt thời gian xuất gia gieo duyên, người xuất gia ngắn hạn phải tu học như người xuất gia thực sự gồm mặc áo cà-sa, đắp y, giữ gìn 10 điều đạo đức của người xuất gia (Sa-di và Sa-di-ni), tham dự đầy đủ khóa kinh khuya, kinh tối, lạy Phật; thực tập thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn cơm, thiền làm vườn, thiền trà, nghe pháp thoại, tham dự pháp đàm và các sinh hoạt quan trọng khác.

Khi kết thúc khóa tu, người xuất gia gieo duyên được làm lễ xả giới (giữ lại 5 điều đạo đức tại gia), xả y (trả lại chùa áo nhật bình và y), trở về đời sống cư sĩ như trước đây. Xuất gia gieo duyên đánh dấu sự thay đổi quan trọng và tích cực về quan niệm sống, lối sống, lý tưởng sống của người tại gia, thể hiện tinh thần vô ngã, vị tha, phụng sự nhân sinh. Thấy được những giá trị cao quý của người xuất gia, các Phật tử thuần thành hãy phát tâm bỏ đi mái tóc xinh, bộ râu đẹp, không màng đến ngoại hình thanh lịch của mình, làm người xuất gia trong thời gian ngắn để trải nghiệm đời sống Tăng sĩ giản đơn nhưng thanh cao, thực tập đạo đức, thiền định và trí tuệ, góp phần phụng sự cho Phật giáo và nhân sinh.

Là Phật tử thuần thành, ít nhất trong đời một lần, hãy thực tập “xuất gia đoản kỳ” một lần để trải nghiệm những giá trị tinh thần cao quý trong cuộc sống. Người xuất gia gieo duyên phải nỗ lực đi ngược dòng đời, bằng cách từ bỏ đời sống gia đình, xa lìa ái tình trong thời gian ngắn, nương theo các chân sư để học hạnh của người thoát tục; lấy giới đức và chính pháp làm bạn đời, quyết tâm hướng đến con đường giác ngộ và giải thoát cho bản thân và góp phần xây dựng an lạc và hạnh phúc cho tha nhân.

Cuốn sách
Cuốn sách " Xuất gia gieo duyên". Ảnh: st

1.2. Xuất gia ngắn hạn

Tại các nước Phật giáo Nguyên thủy, cụ thể như Thái Lan, Lào, Campuchia, xuất gia ngắn hạn còn được gọi là “xuất gia báo hiếu”, vốn được xem tương đương với truyền thống “xuất gia gieo duyên” tại Việt Nam. Theo đó, người xuất gia ngắn hạn, chủ yếu là người nam, đi tu như một trách nhiệm đạo đức với gia đình, sau thời gian hoặc vài tuần, vài tháng, vài năm, hoàn tục để trở thành công dân gương mẫu; người con, người chồng, người cha, lý tưởng trong gia đình.

Trong thời gian xuất gia ngắn hạn, các giới tử sẽ được cạo tóc, mặc pháp phục, tiếp nhận 10 điều đạo đức dành cho Sa-di (đối với nam) và Sa-di-ni (đối với nữ) để tập sự hạnh “Sa-môn” chân chính. Sau khi mãn hạn xuất gia gieo duyên, các Phật tử nào thấy lý tưởng, lối sống và nết hạnh của mình phù hợp với người xuất gia nên trở thành người xuất gia chân chính trọn đời, có lý tưởng phụng sự nhân sinh, tốt đời, đẹp đạo.

Ảnh minh hoạ. Sưu tầm
Ảnh minh hoạ (st)

1.3. Ba cấp độ xuất gia

Xuất gia có ba loại chính yếu phản ánh 3 cấp độ đi tu khác nhau gồm xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam thế gia.

(1) Xuất thế tục gia: Ra khỏi nhà thế tục là thuật ngữ mô tả việc một người từ bỏ đời sống gia đình, vào chùa đi tu, xuống tóc, mặc pháp phục làm Tăng sĩ, tu luyện nghiêm túc về trí tuệ, đạo đức và thiền định, có lý tưởng giác ngộ và phụng sự nhân sinh.

(2) Xuất phiền não gia: Ra khỏi nhà phiền não là thuật ngữ mô tả nỗ lực của người xuất gia trong việc chấm dứt tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, đạt được sự giác ngộ, giải thoát trong đời này, lần lượt trở thành chân nhân, tiệm cận thánh nhân và người thánh thiện.

(3) Xuất tam giới gia: Ra khỏi nhà ba cõi là thuật ngữ mô tả sự tu tập trọn vẹn đạo đức, thiền định và trí tuệ để thoát khỏi sanh tử luân hồi trong ba cõi gồm cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Để giúp các Phật tử tại gia thích hạnh xuất gia nhưng không đủ điều kiện, hoặc bận rộn gia duyên, không thể trở thành Tăng sĩ, truyền thống giới luật Phật giáo cho phép “xuất gia ngắn hạn” (đoản kỳ xuất gia), còn gọi là “xuất gia gieo duyên”.

Trong thời đức Phật, xuất gia ngắn hạn diễn ra trong ngày tu 8 giới (Bát quan trai giới). Về sau, tại các nước Phật giáo Đại thừa như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam – Bắc Hàn, xuất gia ngắn hạn trở thành truyền thống hoặc 1 tuần, hoặc 10 ngày, hoặc 2 tuần, hoặc 3 tháng, giúp người tại gia trải nghiệm đời sống tâm linh của Tăng sĩ, nếu thấy thích hợp thì làm người xuất gia trọn đời, phụng sự Phật pháp và nhân sinh.

Nguồn: daophatngaynay.com