Trang chủ Chuyên đề Khoa cúng Tổ Chân Nguyên do đệ tử Như Như tuyển thuật

Khoa cúng Tổ Chân Nguyên do đệ tử Như Như tuyển thuật

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thượng tọa Thích Thanh Phương
Trụ trì chùa Báo Ân, huyện Gia Lâm, Hà Nội

1. Dẫn nhập

Khoa cúng tổ là một trong những tư liệu quan trọng, đặc thù khi nghiên cứu về hành trạng và đức hạnh của lịch đại chư tang tại các chùa. Đặc biệt, mỗi khoa cúng tổ đều được biên soạn sau khi tổ đã viên tịch hoặc sắp viên tịch. Nội dung của khoa cúng bao gồm những lời tán dương công đức, và các đường thỉnh để cúng tổ. Về tác giả của khoa cúng có thể do đệ tử, người thân hoặc các bậc túc nho hay chữ trong vùng,… Tuy nhiên, dù tác giả là ai thì cũng phải hiểu rõ được công đức của tổ đối với sơn môn. Đây cũng là một tư liệu quan trọng để nghiên cứu về công tác giáo dục lịch sử truyền thừa của tông phái. Ngoài ra, khoa cúng tổ còn nói lên được tư tưởng thoát trần, siêu việt, hơn nữa còn  ghi chép hành trạng nhân thân, quá trình tu chứng đã đạt tới cảnh giới. Lời văn trong khoa cúng tổ mang đậm ngôn từ văn chương tán tụng, và ca ngợi công hạnh của các tổ sư.

Thiền sư Tuệ Đăng Chân Nguyên, họ Nguyễn tên húy là Nghiêm, tên chữ là Đình Lân. Người xã Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sinh thời, Ngài có nhiều học trò xuất sắc như Thiền Sư Như Hiện và Thiền sư Như Trừng. Thiền sư Như Hiện kế thừa y bát của phái Trúc Lâm và Thiền sư Như Trừng dựng thiền phái lấy tên là Liên Tông, sau này hai phái là một, góp phần tích cực vào việc khôi phục những tác phẩm đời Trần.

Hiện nay khoa cúng tổ chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động, chùa Đống Cao do chính Tổ Như Trừng Lân Giác soạn để cúng thầy là Hòa thượng Tuệ Đăng Chân Nguyên.

2. Vài nét về chùa Liên Phái và Hòa thượng Như Trừng Lân Giác

Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1697-1733), thế danh Trịnh Thập, em của chúa Trịnh Cương. Khi chưa xuất gia, ông có dinh tư tại phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương. Khu đất này có diện tích rộng tới 6 mẫu. Sau vườn lại có gò đất cao 7,8 thước. Một hôm ông sai người đào gò đất để làm ao thả cá, bỗng phát hiện ra một ngó sen lớn. Ông cho rằng đây là điềm lành, báo cho cần phải xuất gia, bèn viết sớ dâng lên, xin xả tục. Ý nguyện của ông được nhà vua chấp nhận. Thế là dinh tư sửa thành chùa, đặt tên là Liên Tông. Thiền sư cho xây thêm một tòa tịnh thất để niệm Phật hàng ngày, gọi là viện Ly trần. Đến thời Nguyễn, do kiêng húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông, nên chùa đổi ra thành Liên Phái.

Theo ghi chép của văn bia Gia phổ bi ký còn tại chùa Liên Phái: “Chùa Liên Phái ở Hà Đông, xưa có hiệu là chùa Liên Tông, sáng lập từ đời vua Lê Dụ Tông, vị khai sơn đệ nhất là Cứu Sinh Thượng Sĩ họ Trịnh tên Thập, vốn là con của Trịnh Tấn Quang Vương truyền xuống đời thứ hai là Tính Tuyền hòa thượng, truyền xuống đời thứ ba là Bảo Sơn Tính Dược hoà thượng, truyền xuống đời thứ tư là Từ Phong Hải Quýnh tổ sư, truyền xuống đời thứ năm là Chân Tịch, truyền xuống đời thứ sáu là Mật Nhân Phúc Điền hoà thượng, truyền xuống đời sau là Đầu Đà Giám Viện, thực ra là đời thứ bảy. Xuống đến đời thứ tám chính là tôn sư của ta hiệu Bích Đàm Sơ tổ, là người tỉnh Thái Bình, huyện Thư Trì, xã Đức Hiệp, họ Bùi. Gia thế theo dòng thi thư, vốn là nhà trâm anh quyền quý, hằng có lòng giữ thanh mười giới, sớm biết thế sự vốn vô thường, muốn theo mây nổi bỏ hết thế sự sắc không. Đến tuổi đội mũ xuất gia nơi Thiền sư Xuân Dục, cắt tóc tham thiền vừa một năm, lại theo thầy Giới Châu Tế Mỹ ở chùa Linh Quang, so trong pháp phái Linh Quang thì là chỗ sư huynh đệ của Trưởng toà Thông Toàn, đều là đời thứ tư của phái Linh Quang. Sư nhận trách nhiệm coi chùa Liên Phái, từ đó quản lãnh đồ chúng, dưới hội tăng ni vô số. Lại bèn: phạt cỏ gai cho đạo (đường) lớn được bằng phẳng, quét mây mù cho lối mê được mở rộng. Phạn vũ huy hoàng, đài sen xán lạn, tổ đạo trùng hưng, đèn thiền lại chiếu, các bậc danh gia tới đề thơ, thực là một chỗ thắng địa, quả là phái Liên Tông trung hưng rồi vậy,…

Sơ tổ (Bích Đàm) của ta từ mười tám năm trước vào tháng “lựu dư” ngày “sái đà” một chiếc giày tây quy (tịch diệt), có dặn dò lại cho Trưởng toà là Thanh Duyên thiền sư, giám tự là Thanh Thụ thiền sư kế tục là đời thứ hai, đối chiếu trong bản phái thì là đời thứ chín. Trưởng toà sau đó từ thoái, giám tự đứng ra đảm đương, tổ đạo thêm huy hoàng, cảnh trí được phong quang hơn xưa nhiều không biết mấy nhiêu. Chùa Liên Phái thành nơi cực lạc thế giới, hoa tạng trang nghiêm, xứng đáng gọi là một danh lam, đáng để người ta thắng lãm vậy.

Theo văn bia Cung lục Cứu Sinh Trịnh Thánh tổ sự tích (恭錄救生鄭聖祖事蹟) hiện vẫn còn bảo quản ở chùa Hàm Long cho biết: “Trịnh Hòa thượng tên húy là Như Như, Thích Trừng Trừng, hiệu là Lân Giác, người Sóc Sơn Vĩnh Phúc, họ Trịnh tên Thập, là con thứ 11 của Tham tể Tiến Quang Vương[1] triều Lê. 鄭和尚諱如如,釋澂澂,號麟角,永福槊山人,姓鄭名拾,黎朝參宰進光王第十一子.

Vào năm Bính Ngọ ngài dự định xin xuất gia, lên núi Yên Tử chùa Long Động đảnh lễ Hòa thượng Chánh Giác Chân Nguyên, pháp danh Tuệ Đăng của phái Trúc Lâm, ngài tha thiết thỉnh cầu để được tế độ, hai vị Hòa thượng cùng chuyện trò với nhau [Hòa thượng Chân Nguyên] cho rằng ngài đã đốn ngộ và lòng đã hiểu rõ về bảo khí, bèn chọn ngày 11 tháng 5, giờ Canh Tí ngài được truyền tâm ấn, đặt tên là Như Như.

“丙午年定啟出家,登安子山龍洞寺,頂禮竹林慧燈正覺和尚真源和尚,哀求濟度,二和尚與語以為頓悟心經,深器之,遂卜於五月十一日,庚子辰授記,命名如如”

Theo ghi chép của Thánh đăng lục và Kế đăng lục thì lúc Trịnh Thánh tổ đến xin đảnh lễ thì Hòa thượng Chân Nguyên lúc này đã 80 tuổi: […] Ngay ngày hôm ấy Sư thẳng đến chùa Long Động ở núi Yên Tử – Đông Triều, đảnh lễ Hòa thượng Chính Giác- Chân Nguyên. Lúc này Hòa thượng Chính Giác- Chân Nguyên đã 80 tuổi bảo với Sư rằng:

Chính Giác bảo: Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến muộn vậy ?

Sư thưa: Thầy trò hội hiệp thời đến thì mới đi.

Chính Giác bảo: Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở mình ngươi.

Từ đây, Sư ngày đêm nghiên cứu Tam tạng mọi chỗ đều thông suốt.

Một hôm, Sư đầy đủ uy nghi lên xin ngài Chánh Giác thọ giới cụ túc.

Khi Hòa thượng Chân Nguyên thị tịch môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động.

Như vậy, qua các tư liệu Hán Nôm hiện còn ghi chép về hành trạng của Thái tử Trịnh Thập có thể khẳng định, Hòa thượng Chân Nguyên là người đã truyền tâm ấn cho.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Sach Thanh Dang Luc 1

Sách Thánh đăng lục ghi chép về hành trạng của tổ Như Trừng

3. Nội dung khoa cúng tổ Hòa thượng Chân Nguyên

Khoa cúng tổ sư Hòa thượng Chân Nguyên do đệ tử Như Như soạn để tri ân công đức của thầy, tương truyền rằng khi viết khoa cúng khi Hòa thượng Chân Nguyên vẫn còn tại thế. Khoa cúng còn được đọc chùa thầy nghe xong rồi mới cho đi khắc in.

Trong khoa cúng tổ chùa Quỳnh Lâm có ghi rõ: Thiệu pháp Sa di Như Như soạn thuật.

紹法沙彌如如撰述:

Bài香讚hương tán viết:

心香乍爇, 徧界蒙薰, 明師法性悉如聞. 禪座靄祥雲. 誠意方殷, 靈覺現金身.南無香雲蓋菩薩摩訶薩 (三遍)

夫以:

香花絢彩, 燈燭聯輝.

紗相端嚴, 還應讚禮.

讚曰:

志心讚禮, 安子靈上龍山洞寶坊宗教長, 受記得真源正覺和尚, 德顯揚, 年耆耋, 世欽仰, 僧籙作斗山. 法門彌龍象, 發開十願弘宣暢, 誓度諸眾生, 期離一切相, 願眾等, 三慧明,三達朗, 當來世, 詣蓮臺, 俱逕往.

Tâm hương sạ nhiệt, biến giới mông huân, minh sư pháp tính tất như văn. Thiền toà ái tường vân. Thành ý phương ân, linh giác hiện kim thân.

Nam Mô Hương Vân Cái Bồ tát ma ha tát

Phù dĩ :

Hương hoa huyến thái, đăng chúc liên huy. Sa tướng đoan nghiêm, hoàn ưng tán lễ.

Tán viết:

Chí tâm tán lễ, Yên Tử linh thượng Long Sơn động bảo phường tôn giáo trường, thụ kí đắc Chân Nguyên Chính Giác Hoà thượng, đức hiển dương, niên kì điệt, thế khâm ngưỡng, tăng lục tác đẩu sơn. Pháp môn di long tượng, phát khai thập nguyện hoàng tuyên sướng, thệ độ chư chúng sinh, kì li nhất thiết tương, nguyện chúng đẳng, tam tuệ minh, tam đạt lãng, đương lai thế, nghệ liên đài, câu kính vãng.

Bài kệ tán dương công đức của thầy, rằng:

尊師湛寂伸, 乃至無老死

本無所從來, 亦無有所去.

圓淨如虛空, 故我今讚禮.

舉讚:

尊師曩昔住禪林, 生死無關這箇心

真性空閒雲一片, 法身靜寂水千尋

啟原繫問慈風浩, 親造神宮道化深

此日志誠伸奉請, 不違十願應群諶

Tôn sư trạm tịch thân, nãi chí vô lão tử

Bản vô sở tòng lai, diệc vô hữu sở khứ.

Viên tịnh như hư không, cố ngã kim tán lễ.

Cử tán :

Tôn sư nãng tích trụ thiền lâm, sinh tử vô quan giá cá tâm

Chân tính không nhàn vân nhất phiến, pháp thân tĩnh tịch thuỷ thiên tầm

Khải nguyên hệ vấn từ phong hạo, thân tạo thần cung đạo hoá thâm

Thử nhật chí thành thân phụng thỉnh, bất vi thập nguyện ứng quần kham

– Đường thỉnh thứ nhất:

恭請: 菩提樹種, 般若燈燃, 苾蒭彌蔓於人間.優鉢含香於世界.

Cung thỉnh: Bồ đề thụ chủng, Bát nhã đăng nhiên, Bật sô di mạn ư nhân gian, ưu bát hàm hương ư thế giới.

– Đường thỉnh thứ hai:

恭請:南無安子山竹林僧統正覺和尚, 摩訶比丘真源慧燈禪師化身菩薩.

Cung thỉnh: Nam mô Yên Tử sơn Trúc Lâm Tăng thống Chính Giác hòa thượng, Ma ha Tỉ khiêu Chân Nguyên Tuệ Đăng thiền sư hóa thân Bồ Tát.

Trong khoa cúng tổ bản lưu tại chùa Đống Cao, Hải Dương có đoạn:

恭惟安子竹林僧統正覺和尚摩訶比丘真源慧燈禪師化身菩薩禪座下. 惟願顎六通之神驥承五衍之靈車. 降赴法筵受斯供養.

Cung duy: Yên Tử Trúc Lâm Tăng thống Chính giác hòa thượng ma ha Tỉ khiêu Chân Nguyên Tuệ Đăng thiền sư hóa thân Bồ tát thiền tọa hạ. Duy nguyện ngạc lục thông chi thần kí, thừa ngũ diễn chi linh xã. Giáng phó pháp diên thụ tư cúng dàng.

4. Kết luận

Khoa cúng tổ sư Hòa thượng Chân Nguyên do đệ tử Như Như (Như Trừng Lân Giác) soạn để tri ân Tổ sư đóng góp thêm tư liệu để làm sáng tỏ công đức của Ngài. Mặc dù tại thế chỉ 37 năm, nhưng những đóng góp trong việc san khắc kinh sách và tư tưởng của ngài vẫn còn được lưu truyền mãi. Hiện nay tại chùa Liên Phái vẫn còn bảo quản được nhiều bộ ván khắc kinh và những bộ kinh xếp như kinh Dược sư,…

PHỤ LỤC HÌNH ẢNH KHOA CÚNG TỔ TẠI CHÙA ĐỐNG CAO

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khoa Cung To Chan Nguyen Do De Tu Nhu Nhu Tuyen Thuat 1 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khoa Cung To Chan Nguyen Do De Tu Nhu Nhu Tuyen Thuat 2

Thượng tọa Thích Thanh Phương
Trụ trì chùa Báo Ân, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Tài liệu tham khảo:
1. Văn bia Cung lục Cứu Sinh Trịnh Thánh tổ sự tích恭錄救生鄭聖祖事蹟, tại chùa Hàm Long, Bắc Ninh.
2. Văn bia Gia phổ bi ký chùa Liên Phái.
3. Thánh đăng lục bản chữ Hán
4. Kế đăng lục bản chữ Hán
5. Cứu Sinh Trịnh Thánh Tổ sự tích / 救生鄭聖祖事跡 kí hiệu A. 2103, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
6. Khoa cúng tổ, bản chữ Hán tại chùa Đống Cao, Hải Dương.
7. Khoa cúng tổ, bản chữ Hán tại chùa Quỳnh Lâm.

Chú thích:

[1] Có thể do khắc nhầm, đúng ra phải là Tấn Quang Vương.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường