Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Khảo cứu vấn đề chú nguyện và hồi hướng công đức trong Kinh tạng Pali

Khảo cứu vấn đề chú nguyện và hồi hướng công đức trong Kinh tạng Pali

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Liên Duyên
Tịnh xá Ngọc Chơn, Bình Thạnh, Tp.HCM

Đạo Phật xuất hiện với ý nghĩa thiết yếu là “biện chứng giải thoát” hay là con đường giải thoát. Giải thoát khỏi mọi khổ đau mà con người đang trôi lăn trong biển khổ của luân hồi sinh tử. Cho nên đức Phật đã đưa ra rất nhiều phương tiện khác nhau, để chúng sinh theo đó lựa chọn mà hành trì, thường được tiêu biểu bằng con số 84 nghìn pháp môn, để hướng dẫn mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát. Cầu nguyện tụng kinh và hồi hướng, tuy không phải là cứu cánh, nhưng cũng là một trong 84 nghìn pháp môn, giúp con người giảm tải những khổ đau, làm cho chúng ta cảm thấy có động lực hơn khi gặp những bất trắc trong cuộc sống, nhờ có lời cầu nguyện mà lòng nhẹ nhàng hơn để vượt qua những khó khăn. Với mục đích làm rõ hơn vấn đề cầu nguyện và hồi hướng trong cuộc sống dưới góc nhìn chính tín, góp phần giúp cho mọi người có cái nhìn đúng đắn, tích cực về việc cầu nguyện, hồi hướng.

1. Định nghĩa cầu nguyện và hồi hướng

1.1. Định nghĩa cầu nguyện

Cầu nguyện là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng. Trong Phật giáo, các từ ngữ cầu nguyện, cầu xin hay ước nguyện được hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ “prārthanā” (Sanskrit) hay “patthanā” (Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc “pra + arth” có nghĩa là ước nguyện, ước muốn, mong cầu, cầu xin. Cầu nguyện là nhu cầu tinh thần của con người, đây là một nhu cầu chính đáng và thiết thực. Trước hết, đây là sự kiện để giải tỏa các ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm, những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội. [1].

Cầu nguyện là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng, dù sao cầu nguyện vẫn là một biểu hiện của thiện tâm, nghĩa là khi một người chấp tay, cúi đầu trước bàn thờ Phật, Thánh, lòng họ trở nên khiêm hạ, cái ta của mình sẽ trở nên nhỏ bé, lương tâm trỗi dậy và tâm hồn họ được an lành, bình hòa. Sự cầu nguyện trong đạo Phật còn là một pháp môn tu tập của hành giả, nhờ cầu nguyện mà nguyện lực của họ mạnh mẽ, niềm tin tăng trưởng, thiện nghiệp được phát huy, ác nghiệp được tiêu trừ, tâm xu hướng hướng về lộ trình giải thoát.

Sự cầu nguyện ban đầu như là biểu hiện của sự lo lắng vị kỷ, nhưng dần dần do bản chất của sự cầu nguyện sẽ nâng cao tinh thần vị tha. Những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng, trong đạo Phật đều mang tính hai mặt cho mình và cho chúng sinh. Nghĩa của sự cầu nguyện là nâng cao đời sống tinh thần và củng cố niềm tin cho chính mình.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Van De Chu Nguyen Va Hoi Huong Cong Duc Trong Kinh Tang Pali 1

1.2. Định nghĩa hồi hướng

Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, nhận về và trao đến.“Hồi hướng là đem các công đức niệm Phật, tụng kinh, trì chú, trợ niệm,… do chính mình đã tu (nếu không hồi hướng, thì nhờ vào những công đức ấy, sẽ chỉ được hưởng các thứ phước báo trời người) xoay cái nhân được hưởng phước báo trời người do công đức đã làm ấy gom về sự vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm cái quả siêu phàm nhập thánh, liễu sinh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật.

Hồi hướng chẳng phải chỉ nhằm hưởng phước trời, người mà thôi.”

Từ điển Phật học Huệ Quang: “Hồi hướng là dùng thiện căn công đức tu hành của mình để hướng về mục đích hoặc tự làm lợi ích cho chính mình hoặc làm lợi ích cho chúng sinh khác. Dùng một chữ Hồi nhằm thể hiện ý quyết định, chẳng thuận theo thói tình thế gian. Dùng một chữ Hướng nhằm thể hiện ý “quyết định mong mỏi phương cách xuất thế. Đó gọi là “hồi nhân hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tự hướng tha” [2.]

Công đức đã làm là cái nhân kết thành quả báo trong cõi trời hay người, xoay cái nhân ấy lại để hướng về quả Niết bàn. Công đức đã làm là chuyện sinh diệt; xoay nó lại để hướng đến diệu lý Thật tướng bất sinh bất diệt. Công đức đã làm vốn thuộc tự hành, xoay nó lại để hướng về hết thảy chúng sinh trong pháp giới. Đấy chính là danh từ nhằm thể hiện ý nghĩa phát nguyện lập thệ, quyết định mục đích hướng đến của mỗi cá nhân.

2. Ý nghĩa cầu nguyện và hồi hướng trong kinh tạng Pāḷi

2.1. Ý nghĩa cầu nguyện

Như chúng ta đã biết, với cuộc sống bộn bề lo toan của mỗi con người thì bản chất đạo đức của sự cầu nguyện sẽ được phân định tùy theo ý tưởng hay chủ tâm mong ước của mỗi người cầu nguyện. “Nếu đối tượng và mục tiêu của mong ước được phân ra tốt và xấu thì cầu nguyện hay ước nguyện cũng theo đó mà phân chia thành hai loại như sau: Là cầu nguyện mang hạnh phúc cho mình và người, cầu nguyện với mục đích làm cho người đau khổ. Hay còn được gọi là cầu nguyện tự lợi và lợi tha”.

Trong Kinh, đức Phật có dạy hàng đệ tử như sau: “Đức Phật dạy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các ước muốn hay cầu nguyện kém cỏi và cao thượng. Đức Phật đưa ra mười nguyên nhân sâu xa dẫn đến cầu nguyện kém cỏi. Mười nguyên nhân đó là: “(1) quan niệm sai lầm, (2) tư duy sai lầm, (3) lời nói sai lầm, (4) hành vi sai lầm, (5) lập nghiệp phi pháp, (6) nỗ lực sai lầm, (7) chú tâm sai lầm, (8) thiền định sai lầm, (9) kiến thức sai lầm, (10) tự do sai lầm” [3]. “Mười nguyên nhân này, thực chất là những quan niệm sai lầm do lòng tham của tự thân. Chính những quan điểm lệch lạc này là nguyên nhân của nhận thức và hành động. Một khi chúng ta có những nhận thức lệch lạc thì hành động trở nên vô cùng nguy hại cho mình và người. Do đó, để chặn đứng các điều cầu nguyện hay ước muốn xấu xa thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn để nhận diện ra bản chất của sự việc. Khi có cái nhìn đúng đắn chúng ta sẽ đem lại lợi ích cho bản thân và tha nhân.”

Qua đây, đức Phật cũng trình bày 10 nguyên nhân của ước muốn hay sự cầu nguyện cao thượng, đó là: “(1) Quan niệm chân chính, (2) tư duy chân chính, (3) lời nói chân chính, (4) hành vi chân chính, (5) lập nghiệp chân chính, (6) nỗ lực chân chính, (7) chú tâm chân chính, (8) thiền định chân chính, (9) kiến thức chân chính, (10) tự do chân chính” [4]. Như vậy, khi chúng ta có cái nhìn đúng đắn thì sẽ làm chủ bản thân mình, không than trời trách đất về những đau khổ khách quan, vì nhận thức rõ rằng nguyên nhân của nó là những hành vi tham lam, sân hận, si mê và tham ái trong hiện đời hay trong quá khứ. Khi đã nhận diện được điều ấy thì cũng đã nhìn thấy được những phương diện khác của cuộc đời là trạng thái hạnh phúc và an lạc do vắng bóng hoàn toàn các khổ đau tâm sinh lý. Ðể đạt được an lạc này, không thể cầu xin một đấng thần linh ban giáng phước lành hay đánh đổi vật chất trái lại chỉ có thực hành lời Phật dạy mới giúp cho chúng ta có được an lạc và hạnh phúc thật sự và bền lâu.

Đức Phật nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Nếu ai làm 10 nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sinh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Làm 10 nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Sự thể như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo 10 nghiệp ác thì phải rơi vào đọa xứ” [5].

Ở đây, cho chúng ta thấy rằng lời của Phật nhằm xác quyết rằng hành vi ác và bất thiện là nguyên nhân gây ra các hậu quả khổ đau, mà người đã tạo ra nó phải gánh chịu trong đời của mình, dù hiện tại hay về sau. Không có sức gia trì và cầu nguyện nào được lợi ích hay sự mong đợi trong trường hợp này cả.

Có những hình thức cầu nguyện như sau:

Cầu siêu: “Cầu siêu là cầu nguyện Tam bảo phù hộ cho linh hồn đã mất được nhẹ nhàng siêu thoát ở thế giới bên kia cầu được sinh về cõi cực lạc của đức Phật A Di Đà. Cầu siêu là cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân quyến đã qua đời được siêu thoát, được an lành thế giới bên kia. Như vậy cầu siêu là biểu lộ sự quan tâm, lo lắng, sự thương yêu giúp đỡ cho người thân của mình. Sự quan tâm đối với người đã chết không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện. được dụ dẫn qua câu chuyện sau: “Thời đức Phật tại thế, có chàng trai trẻ đến xin Phật làm lễ cầu siêu cho người cha vừa quá vãng. Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ trong lúc này, nên đức Phật đã phải dùng phương tiện bằng hình ảnh cụ thể với những đặc tính đối lập, một hòn đá và một lon dầu, cả hai được ném xuống hồ, đá nặng chìm xuống và dầu nhẹ nổi lên. Đức Phật trả lời, như một hòn đá nặng được thả chìm xuống đáy hồ, cho dù với sức cầu nguyện của số đông, hòn đá vẫn không thể nổi lên mặt nước. Qua đó, đức Phật đã khẳng định nếu con người tạo nghiệp xấu thì chịu quả báo xấu và tạo nghiệp tốt thì được hưởng quả báo tốt, cầu nguyện không thể làm thay đổi được nghiệp lực, nhất là khi nghiệp đã chín muồi. Rõ ràng, vấn đề cầu nguyện để mong giải tội, xóa sạch ác nghiệp đã tạo là không thật, việc này phó thác hoàn toàn vào tha lực như các Bà la môn hằng tin tưởng là một việc làm vô ích” [6].

Cầu an: Là cầu nguyện cho những người thân của mình hoặc chính bản thân mình được an lành, vượt qua các tai ương hoạn nạn. “Cầu nguyện cho người khác được bình an thể hiện tính tích cực của từ bi, vị tha, do đó tạo nên đức độ. Tâm ta càng xu hướng về vô ngã vị tha thì mối tương tác (cảm ứng) giữa tâm ta và tâm Phật, Bồ tát (tha lực) sẽ chặt chẽ, do đó tác động mạnh đến người hay hoàn cảnh mình cần nguyện.”

Cầu sám hối: “Là cầu nguyện cho những lỗi lầm vụng dại của mình đã làm không còn tái diễn nữa, bày tỏ sự hối hận ăn năn, mong sự chứng giám và tha thứ của các đấng thiêng liêng hay cả của những người mà mình đã gây khổ cho họ. Có khi người ta cũng cầu sám hối giúp cho người thân của mình. Cầu sám hối nói lên tiếng nói của lương tâm, của đạo đức và của trí tuệ.”

2.2. Ý nghĩa hồi hướng

Trong quyển Chú Giải Bộ Pháp Tụ có ghi lại đoạn giải thích về vấn đề bố thí, hồi hướng công đức, như sau: “Việc chia sẻ (hồi hướng) công đức của một người trên cơ sở của hành động phước đức nên được coi như là trường hợp của một người tặng một món quà hay quà tặng nước dầu thơm, v.v, hay tặng phần công đức này cho một người (nào) đó, hay xin tặng nó (phần công đức) cho tất cả chúng sinh” [7]. Việc chia sẻ, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh bắt đầu sự thỉnh cầu của vua trời Đế Thích (Sakka). Sau khi đức Phật đã thuyết giảng cho vị vua thiên thần này tại sao: “Món quà về giáo Pháp vượt qua tất cả những món quà khác” [8], vua trời Đế Thích đã đến đảnh lễ đức Phật và thỉnh cầu cho những công đức của bài thuyết giảng được ban bố cho tất cả những thiên thần (devas) đang có mặt ở đó.“Kể từ đó, đức Phật đã có chỉ dụ cho các tỳ kheo nên ban bố, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh ngay sau khi các thầy thuyết giảng giáo pháp tại pháp hội. Công đức ở đây có nghĩa là công đức của các thầy tạo ra nhờ việc bố thí pháp hay giảng dạy giáo pháp cho mọi người.”

Sau khi thực hiện hành động hồi hướng này hay bất kỳ hành động tốt đẹp nào, một người nên chia sẻ, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh, mong đều được an lành. Tâm nguyện chia sẻ công đức cho những người khác phải nên đi kèm với lòng từ ái và bi mẫn, sẽ làm tăng tiềm năng mạnh mẽ cho hành động công đức đó.

Trong Kinh Tiểu Bộ, đức Phật cũng từng nhắc tới việc hồi hướng công đức và chia sẻ phần công đức ấy cho người đã mất như sau:

“Như lòng sông tràn đầy,
Đưa nước đổ xuống biển,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
Người ấy đã cho ta,
Đã làm việc vì ta,
Người ấy là quyến thuộc,
Người ấy chính thân bằng.
Hãy bố thí ngạ quỷ,
Nhớ việc xưa chúng làm”. [9]

Đây là bài thuyết giảng đầu tiên của đức Phật về đề tài chuyển nhượng công đức cho những người đã khuất. Kinh này tạo thành tiền lệ cho việc tôn kính và mang lại lợi ích cho những người thân quyến đã chết và bị tái sinh thành ngạ quỷ hay quỷ đói, mà chúng ta hay gọi là hồn ma hay cô hồn chưa được đầu thai ở cõi khác.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Van De Chu Nguyen Va Hoi Huong Cong Duc Trong Kinh Tang Pali 2

Ngoài ra, đức Phật còn dụ dẫn cho hàng đệ tử những câu chuyện hồi hướng của ngài Aṅgulimāla như sau: Aṅgulimāla vốn là một tên cướp, đi vào đường mê, nghe theo lời dạy của thầy tà; giết rất nhiều người với mong muốn được thành Tiên, Thánh. “Gặp đức Phật được Phật hóa độ và trở thành một vị đệ tử. Một buổi sáng như mọi khi, trong lúc đang trên đường đi khất thực ở thành Sāvaṭṭhi, tôn giả Aṅgulimāla nghe tiếng ai đó đang kêu khóc đau đớn. Khi Tôn giả biết đó là một thai phụ đang đau bụng vì chuyển dạ và gặp khó khăn lúc sinh con. Tôn giả suy nghĩ tất cả chúng sinh trên thế gian này đều phải chịu đau khổ. Động lòng từ, nên Tôn giả kể lại với đức Phật về nỗi khổ đau của người phụ nữ sắp sinh đáng thương kia đang bị cơn đau dày vò. Ngài đã khuyên Tôn giả nói lên những lời thề chân thật, lời đó về sau này có tên là Aṅggulimāla Paritta (thần chú hộ mệnh Aṅgulimāla). Đi đến trước mặt người sản phụ đang chịu đau đớn kia, Tôn giả ngồi xuống cách bà ấy một tấm màn che và phát nguyện những lời sau: “Này chị, từ ngày tôi đắc quả A la hán, tôi chưa từng cố ý sát hại mạng sống của sinh linh nào. Nhờ sự thật này, cầu cho chị được an lành và đứa bé sắp sinh của chị cũng được an lành” [10]. Ngay lập tức người sản phụ liền sinh con một cách dễ dàng. Cả mẹ lẫn con đều được khẻo mạnh. Cho đến nay nhiều người vẫn dùng đến thần chú hộ mệnh này. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc hồi hướng công đức rất là quan trọng, vì nhờ việc hồi hướng này mà có thể làm cho người ta an lòng, hạnh phúc và vững vàng hơn trong cuộc sống.

3. Ứng dụng cầu nguyện và hồi hướng công đức trong cuộc sống

Nói tóm lại, cầu nguyện, và hồi hướng công đức, là việc làm thiết thực mang tích cách nhân bản, nhằm giúp người con Phật vững niềm tin hơn trên con đường tu tập của mình. “Cho nên, cầu nguyện là vấn đề hỗ trợ, nó chỉ là phụ, việc dứt ác, làm lành, giúp đỡ, an ủi, sẻ chia vì người khác, và hồi hướng công đức là chính. Cầu nguyện chỉ là tha lực còn việc hành trì tu tập để góp phần giúp lời cầu nguyện có sự hỗ tương mới là vấn đề cần thiết. Như vậy, tinh thần cầu nguyện cũng là một phương pháp tu trì của hành giả bước đầu vào đạo.”Trong Phật giáo phát triển để hòa nhập vào cộng đồng xã hội tốt đạo đẹp đời, tinh thần cầu nguyện nhằm giúp cho mọi người vững thêm niềm tin và nghị lực, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, các nỗi lo âu, sợ hãi mà sống an vui, hạnh phúc, vì thế nhờ có tinh thần ấy mà chúng ta sẽ có động lực hơn để vượt qua. Nhưng dù chúng ta, có ra sức cầu nguyện đi chăng nữa mà không bỏ việc ác thì lời cầu nguyện cũng không có tác dụng gì cả như trong kinh đức Phật dạy:““Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu” [11]. Tất cả đều chịu sự chi phối của nghiệp lực, tinh thần cầu nguyện nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu cho số đông quần chúng phật tử, dần chuyển hóa được những tập tục mê tín, dị đoan. Chính vì lẽ đó, Phật giáo cũng có những nghi thức, nghi lễ cầu nguyện với tinh thần vị tha, để truyền bá chính pháp vào mọi tầng lớp nhân gian, mà chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc đúng theo tinh thần nhân quả. Bởi con người tạo nghiệp bất đồng, nên không ai giống ai. Do đó, trình độ căn cơ cũng sai khác, nên Phật giáo đặt ra những nghi thức như cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, không còn chiến tranh, binh đao, tàn sát, giết hại và con người biết sống bằng trái tim hiểu biết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.”

KẾT LUẬN

Ngày nay, vấn đề đạo đức của con người có những dấu hiệu của suy đồi do tâm tham chi phối và điều động nên không chịu sống thuận theo các nguyên tắc vận hành của luật nhân quả, mà hằng tìm chạy theo những phù phiếm bên ngoài, nên gây ra những điều trái với nhân quả. Do đó, vì nội tâm không có chút tư lương nào nên con người càng cảm thấy bất an và có khuynh hướng tìm đến một đấng thiêng liêng nào đó để cầu nguyện và được gia trì để có sự an lạc, vấn đề đó ngày nay càng nhiều hơn. Phương pháp cầu nguyện và hồi hướng tích cực, thì như vậy là đúng với pháp nhằm đánh thức khả năng thánh thiện trong con người của mình. Như vậy, trong đạo Phật không có cầu nguyện van xin, mà chỉ có hành trì đó chính là cầu nguyện cho bản thân và hồi hướng đem công đức cầu nguyện cho tha nhân. Muốn toại nguyện trong cuộc sống hiện tại thì chúng ta cần đi đúng hướng đó chính là con đường mà chắc chắc từ ngàn xưa cho đến ngàn sau mọi người đều đi theo là chính niệm tu tập trau sửa thân, khẩu và ý hướng về con đường thiện lành. Đó là lộ trình cầu nguyện và hồi hướng đúng pháp là thực hành Bát chính đạo, đây là tám phương diện bao hàm tất cả hoạt động của con người, là kim chỉ nam trên lộ trình tu tập mà Ngài khuyên đi nhắc lại nhiều lần trong hầu hết các bài kinh, thậm chí nhiều lần trong cùng một bài kinh, để mang lại an vui và hạnh phúc cho nhân loại cũng là thềm thang trên bước đường giải thoát.

Tác giả: Thích Nữ Liên Duyên
Tịnh xá Ngọc Chơn, Bình Thạnh, Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
1. Thích Minh Cảnh chủ biên (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM, tr.235.
2. Thích Minh Cảnh chủ biên (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM, tr.456.
3. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tăng Chi Bộ II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.213.
4. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tăng Chi Bộ II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.215.
5. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng Bộ IV, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, tr.313.
6. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng Bộ IV, Thiên Sáu Xứ, Chương VII.Tương Ưng Thôn Trưởng, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, tr.536.
7. Buddhaghosa, Tỳ kheo Siêu Minh dịch (2012), Chú giải Bộ Pháp Tụ, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM, tr.67.
8. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tiểu Bộ I, Kinh Pháp Cú, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, tr.101.
9. Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ I, Tiểu Tụng, Kinh Bên Ngoài Bức Tường, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, tr.23.
10. Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ II, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.130.
11. Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ II, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.543.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ I, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991.
2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ II, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2012.
3. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ IV, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, 1991.
4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ II, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, 1991.
5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ I, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, 1991.
6. Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM, 2016.
7. Buddhaghosa, Tỳ kheo Siêu Minh dịch, Chú giải Bộ Pháp Tụ, Nxb. Tổng hợp, Tp.HCM, 2012.
8. Thích Chơn Thiện, Tìm vào thực tại, Nxb.Viện nghiên cứ Phật học Việt Nam, Tp. HCM, 1997.
9. Thích nữ Trí Hải, Từ nguồn Diệu Pháp, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2004.
10. Thích nữ Trí Hải, Nguồn Mạch Tâm Linh, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2003.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường