Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Khảo cứu khái niệm, ý nghĩa “thiện tri thức” trong kinh điển Đại thừa

Khảo cứu khái niệm, ý nghĩa “thiện tri thức” trong kinh điển Đại thừa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Bảo Giác
Học viện Ths Khóa IV Học viện PGVN tại TP.HCM

Cuộc sống hiện đại, con người không còn khép mình trong phạm vi một nhà, một nước, mà đó là sự tương tác với xã hội, với nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực. Văn hóa con người ngày càng giao thoa, phong phú và đa dạng. Khi chúng ta trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc với các tầng lớp trong xã hội, người tốt – kẻ xấu, sẽ cho phản ứng khác nhau. Như một bộ phim, bao giờ cũng có nhân vật phản diện đối nghịch và làm nổi bật những đức tính tốt của nhân vật chính. Cuộc sống cũng vậy, ý nghĩa từ hai chiều hướng tích cực và tiêu cực đã hình thành nên biểu tượng về “thiện tri thức” trong cuộc sống.

Bạn xấu cho chúng ta những trải nghiệm để làm bài học và rèn giũa lại lương tri của bản thân. Khảo nghiệm chúng ta bằng những thử thách, nghịch cảnh để trưởng thành, bản lĩnh thay vì thuận theo bản năng. Còn bạn tốt bên cạnh, xem thử khả năng tiếp thu và hoàn thiện bản thân của chúng ta đến đâu. Cả hai thứ bạn đó đều gọi chung là “thiện tri thức”.

Ý nghĩa tốt hay xấu là do tâm thức nhìn nhận, đánh giá, khả năng ứng xử, tu dưỡng của bản thân chớ không vì ngoại cảnh mà thay lòng đổi dạ. Từ đây, định nghĩa sự tu tập chính yếu ở quá trình sửa đổi, điều chỉnh nhận thức, quan kiến.

Cùng là tảng đá, một dùng là tượng Phật cho người sùng bái, một làm bậc thang mặc người dẫm đạp. Nguyên do bởi làm bục bước chỉ cần vài ba lần cưa xẻo, còn để cho ra bức tượng Phật là cả quá trình chịu cả trăm nghìn lưỡi dao, máy cắt. Qua câu chuyện đó, có thể thấy, mỗi con người đang hiện hữu bên trong tảng đá, nếu không trải qua những đau đớn, chướng ngại, thử thách từng ngày, bỏ đi những cái nhân ngã, sao có thể giải phóng và trực nhận ra vị trí, sứ mệnh, giá trị bản thân nơi thế gian. Không chỉ là sự giản đơn, đánh đổi mà còn có đầy đủ yếu tố của nhẫn nhục, từ bỏ cái xấu ác, đối diện với bất thiện nơi tâm khảm chính mình và có lẽ, “thiện tri thức” cũng mang vai trò như bức thông điệp khai tỉnh “Phú-lâu-na! Đại Bồ-tát do công hạnh đầy đủ nên có thể đầy đủ căn lành phước đức… Bồ-tát gần gũi Thiện tri thức, tu hành phương tiện Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ” [1].

Trước tiên cần biết “Phương tiện” (upāya) là một thuật ngữ quen thuộc với Phật giáo phát triển có thể vì tính rộng rãi khi giúp cho các hành giả tùy tâm cơ đều tìm được con đường cho riêng mình trước khi dẫn đến giải thoát. Chúng sinh có bao nhiêu phiền não, căn tính mê mờ thì giáo pháp có bấy nhiêu những phương tiện đưa người qua bờ giác. Nguyện thân, Ứng thân đều lấy Pháp thân làm thể, mười phương chư Phật đều nói đạo Nhất thừa, nhưng chúng sinh say đắm năm dục, đầy đủ sáu hai kiến nên dùng sức phương tiện, mở bày pháp Ba thừa. Phương là pháp, Tiện là dụng. Phương tiện quyền lược đều là giả dẫn, vì chân thật mà làm môn, để chân thật được hiển bày. Từ năng hiển mà được tên, cho nên dùng môn mà giải thích phương tiện. Khai phương tiện môn, chỉ bày tướng chân thật, “Phương” là bí mật, “Tiện” là diệu. Diệu đạt nơi phương, tức là chân thật bí mật cho nên nói phẩm Phương Tiện. Cuộc đời đức Phật, kể từ khi giáng sinh nơi cõi Diêm Phù với bản tuyên ngôn “Thiên thượng thiện hạ, duy ngã độc tôn. Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính” hay câu nói khẳng định trong Trung bộ III, số 123, kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp và Kinh Trường bộ I (số 14, kinh Ðại bổn) “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sinh ở đời này nữa” (aggohamasmi lokassa, jeṭṭhohamasmi lokassa, seṭṭhohamasmi lokassa, ayamantimā jāti, natthidāni punabbhavo’ti) cho đến khi nhập Niết Bàn nơi rừng cây Sala đều mang nghĩa phương tiện.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khai Niem Y Nghia Thien Tri Thuc Trong Kinh Dien Dai Thua 1

Chính bởi giáo pháp quá thậm thâm vi diệu nên sự ngộ nhập cũng cần nhiều cửa để vào. Điều này, chứng minh lòng từ bi (mettā) và trí tuệ (paññā) của Bậc giác ngộ khó có thể nghĩ bàn, cũng nhân đây nên có tam tạng giáo điển, dẫn người về bằng nhiều nẻo. Chia rẽ, chụp mũ, gây hấn, chủ nghĩa cá nhân quá lớn là nhân tố đưa đến bất hòa, như bức tường ranh giới chia xa. Đứng trước vô vàn thực tế đau khổ đó, thì mong ước an lạc, bình yên luôn là điểm đến. Nhưng để đạt được điều đó thì sự chấp nhận yếu kém, tiêu cực, ích kỷ, cần yếu. Nội tại Phật giáo gốc rễ là hoàn mỹ nhưng trải qua thời gian dài xa, giáo lý mai một, khó tránh khỏi biến tướng. Lại không phải là đồng lõa, thỏa thuận, hay bỏ cuộc, cũng không phải gồng người chịu đựng, che đậy, bưng bít. Nếu cứ mải làm tổn thương nội thân thì sự giả dối sẽ có cơ hội càn quét, lấp phủ khó tìm thấy ánh sáng của Đạo.

Người hoằng truyền giáo pháp nếu biết chấp nhận những lầm lạc của bản thân đến việc thống nhất tư tưởng giải thoát trong ý niệm sẽ không có cơ hội cho trùng độc quấy phá làm hại. Bậc thầy mô phạm cho người kính ngưỡng là người thường biết lỗi mình, không phải được xác quyết ở bằng cấp, tài năng, diễn thuyết…Còn bị chi phối bởi quyền lợi thế gian là dẫn về ba độc, luân hồi, vay trả. Không thấy lỗi chính mình khi đối diện với người cũng là còn chấp lấy ngã nhân. Đưa con mắt phàm tình nhìn cảnh giới chỉ khiến có cái thấy hạn hẹp, kìm kẹp. Luôn tâm niệm ghi nhận, thấy biết vi tế lầm lạc của bản thân nên đối với chúng sinh thêm phần cảm thông, thương hiểu, không trách móc, vướng mắc “Nếu có người thiện nam, tín nữ nào trồng căn lành thì đời đời gặp được “thiện tri thức” hay làm phật sự, chỉ dạy làm cho lợi ích, hoan hỷ, khiến đi đến Vô thượng Chính đẳng Chính giác….Thiện tri thức là nhân duyên lớn dìu dắt làm cho thấy Phật, phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác” [2]. Thấy lỗi mình là khởi điểm của sự tu hành, soi tỏ tâm ý chính nhân đưa đến mọi điều kỳ diệu, cốt yếu của Thánh hạnh, trên con đường hiền triết, giải thoát.

Phật giáo là con đường độc nhất, trong lịch sử nhân loại mang tư tưởng vô ngã (Anatta) đẩy lùi mọi suy niệm về tư hữu sai lầm, đã vấp phải không ít những cản trở, phản ứng mạnh từ các đạo cùng thời, đặc biệt là 62 kiến giải ngoại đạo. Đức Thiện Thệ (Sugato) quả thực là nhà cách mạng văn hóa tư tưởng vĩ đại, quy hướng đó đều là cực đoan: thường – đoạn. Nguồn cội khổ đau từ chấp ngã đã đưa đến có ta người, phân biệt, nên cuộc sống còn vòng xoay không nghỉ. Đến bậc Bồ tát, cần đoạn kiến đại, xả thân vào đời để nhìn ra ngã tế vi nhiệm mới mong mài vụn bản ngã “Thế nào là Đại Bồ-tát cúng dường các đức Phật, đầy đủ căn lành, được chân thiện tri thức, được Nhất thiết chủng trí”? [3]. Tôn giáo cao nhất chính là cuộc sống, nên chân lý có mặt khắp nơi. Thường nhật, luôn cho ta những câu trả lời đúng lúc, xua tan đi tối tăm, ngu muội, mở ra cánh cửa an lạc. Tuy nhiên, tâm thức mỗi người nên nhớ nghĩ để Thiện tri thức dù xuất hiện ở hình thái nào cũng cho ta nhận thấy. Nhờ Thiện tri thức khơi nguồn trí tuệ mà mọi tư tưởng tiêu cực, yếm thế mới suy giảm chuyển hóa thành pháp lành “Những người đó hoặc gặp hàng Thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là đội giùm hết cả, vì hàng Thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh chân lên” [4]. Cả cuộc đời đức Phật, không phải đạt được mà là mất đi. Ngài xa lìa sân hận, âu lo, sợ hãi, chiến thắng sinh tử. Bài học cho thế nhân cũng không khác: “Đối với Thiện tri thức sinh tâm đầy đủ tất cả biển phước trí, vì khiến mình chứa nhóm những pháp lành… khiến mình tăng trưởng Nhất thiết trí…đầy đủ tất cả thiện căn, …. viên mãn chí nguyện…khiến mình tự tại an trụ tất cả pháp Bồ-tát, được thành đạo Nhất thiết trí, được thành tựu tất cả Phật pháp” [5]. Pháp tu sơ khởi được bắt đầu bằng quy y và phát Bồ đề tâm. Quy y đưa tâm thức con người tìm đến lộ trình đúng đắn với tri kiến xa rời bất thiện, sai lầm, như cách tháo gỡ vỏ kén vốn bao bọc quanh ta. Cuộc sống luôn đưa đến những con người, sự việc để thử thách và mở đường cho chúng ta. Nhận thức được điều đó và nghĩ tưởng như bài học, hay bậc thầy đến khảo cứu, ở mọi hình thức sẽ rèn giũa tâm chúng ta mạnh mẽ, sản sinh nội lực vô cùng. Chỉ vì căn cơ chúng sinh bình phàm, nên với lòng bi mẫn lớn lao, Bậc đại giác với phương tiện mở ra vô vàn cánh cửa, duy một mục đích dẫn về quả chứng Phật đà “Đủ bốn nhân duyên, có thể chứng đạo Niết-bàn: Một là, thân gần bạn lành, hai là, lắng nghe chính pháp, ba là, như lý mà tư duy, bốn là, như thuyết mà tu hành…Nhân nghe chính pháp thì có thể tư duy tin vào chính niệm tu hành. Có pháp lợi như vậy, nên phải ân trọng sinh ý tưởng khó gặp, bẻ tâm ngã mạn. Cho đến gặp quyển kinh được nghe hoặc nhân người học chỉ bày, như có nơi ngộ vào đều là bậc thầy của ta….Thiện tri thức là như mẹ hiền sinh ra giống Phật vậy. Như cha lành, lợi ích lớn lao vậy, như vú nuôi, gìn giữ chẳng khiến tạo ác vậy. Như thầy dạy chỉ bày điều học của Bồ-tát vậy. Như người khéo dẫn đường năng bày đạo Ba-la-mật vậy. Như lương y năng trị các bệnh phiền não vậy…” [6].

Mối quan hệ Thầy – trò trong Phật giáo vượt khỏi xiềng xích gia đình, trên tinh thần lạc tha mang tầm quan trọng khó có thể tả bày. Quan kiến thanh tịnh và tín tâm đối với vị Thầy cần song hành với nhau. Không xen tạp cảm xúc mới đưa về tri kiến thanh tịnh, bền lâu. Mang màu sắc tà kiến đối với bậc Thầy, chính là tự đoạn đi hạt giống Bồ đề nơi bản thân. Nếu một đệ tử có khả năng làm theo lời dạy của Thầy, tinh tấn, miên mật, thì có thể chứng ngộ thực tại nền tảng. Đây là đích đến tối hậu trên lộ trình giải thoát cũng là ân phúc nhận được do lòng thành kính, quy phục vị thầy: “Thiện tri thức là Như Lai… là tất cả mây pháp… là tạng công đức… là rất khó gặp… là nhân báu của mười Lực… là đuốc trí vô tận… là mầm của gốc phước đức….là cửa trí Nhất thiết… là Đạo sư của biển trí…là công cụ trợ đạo để đạt đến trí Nhất thiết” [7]. Bản nguyên của đạo vốn vi diệu cao tột như Hoa nghiêm hay bông hoa trên tay Phật lấy gì hiểu được nên phương tiện đặt bày mọi pháp môn cho hợp sự hiển chân. Theo dòng thời gian, dưới cái nhìn tổng quát, những định nghĩa này là viên gạch đầu tiên, bởi mọi ngôi nhà cao đều bắt nguồn từ căn bản, nền móng, lại giống việc chinh phục đỉnh cao ngọn núi cần đặt chân thay vì đưa mắt nhìn lên mà mơ ước, cảm khái.
Trong các bản kinh thời kỳ đầu, “thiện tri thức” vẫn chỉ tồn tại ở khái niệm, liệt kê, chia chẻ có thiện và ác. San định nhân quả nhằm đưa chúng nhân biết bỏ tà theo chính, bỏ mê theo ngộ ứng hợp với căn cơ chúng sinh phân biệt, thích hơn kém. Tuy nhiên đó là bản tính chúng sinh, thuận theo ý đời là cách mà Phật giáo khéo chuyển mình cho phù hợp nhân thế. Bắt nguồn từ lý tưởng, mục đích, các mối quan hệ thế gian cũng không ngoài nghĩa đó. Về phương diện so sánh, có thể thấy, dù không nằm trong cùng một bộ kinh, cũng không phải được Phật nói ngay trong một vấn đề mà tùy nhân duyên Phật chỉ dạy thính chúng. Nhiệm vụ của người học và tu theo Phật là chọn lựa, đúng đắn, được soi tỏ trong Giới Định Tuệ (Tisso Sikkhā), đủ Tứ Diệu Đế (Cattāra-ariya-sacca), có khả năng hướng thượng để minh định giá trị thật của giáo pháp. Sau khi kết tập kinh điển Nguyên thủy, thì ý nghĩa tính chất “phương tiện” vì khổ của chúng sinh mà khai diễn nhiều cách, có khác gì qua sông, có thể chọn thuyền, ghè, thúng, gỗ, thân chuối, phao…cứ đến bờ là an toàn. Đồng thời, cho thấy, giáo nghĩa giai đoạn đầu, Phật chủ yếu vì an toàn cho chúng Tỳ kheo mà chỉ dạy pháp A la hán để dừng lại sự phiền lụy khổ đau, tái sinh luân hồi. Phương pháp giáo hóa này, tạm thời có hạn lượng để trui rèn nên một thế hệ thực sự đủ sức kham lãnh được tinh hoa Phật pháp, mới mong nghĩ tưởng tới chúng sinh bốn loài. Hàm nghĩa trong cuộc đời của đức Thích Ca (Siddhartha Gautama), đã một phần gợi ý về sự giáo hóa truyền thừa về sau của hàng đệ tử, Thánh chúng khi nghiệm xét về sự nghiệp nuôi dưỡng kế thừa giáo Pháp của người xuất gia, để hai chữ “phương tiện” được sử dụng đúng nghĩa.

Tầng bậc, cấp độ tu hành đến một giai đoạn khiến con người trực nhận sự hòa quyện, chân nguyên, bất biến. Phật giáo thời kỳ sau chuyển giao cũng vậy, vượt qua nhị nguyên phân biệt, nhưng vẫn nắm giữ sự thường hằng, chân thật của gốc rễ khởi đầu như Kinh Xà Dụ (Alagaddùpama sutta) có trích “Xưa cũng như nay, Ta chỉ nói về sự Khổ và sự Diệt khổ”. Sự phát triển trong tư tưởng, đúng hơn là cái vượt khỏi lồng vàng, xích ngọc khi cứ cho là đủ. Như câu chuyện tranh công của các bộ phận trên thân, chẳng phải lấy tiếu lâm, trò cười nhằm cởi gỡ những lạc chấp mê lầm của một góc. Cuộc đời đức Thích Ca, trải qua bốn của thành sinh, lão, bệnh, tử cũng chính là sự hiển hóa của Thiện tri thức cho Ngài bừng tỉnh, khai ngộ. Lộ trình tu học tìm đạo của Thái tử sau khi phát tâm xuất gia, gặp lão sư Uất Đầu Lam Phất (Udraka-Rmaputra), khởi đầu cho những tầng bậc chứng đắc thiền định sau này. Kinh Hoa nghiêm, Thiện tài đồng tử trải qua những lời dạy của các bậc thầy mà thành tựu từ Bồ tát, Tỳ khiêu đến những con người nơi chợ đời, thói xấu. Giữa cõi uế trược, trần tục vẫn có những phẩm chất cao đẹp được tôn vinh, giữa những lăn lộn chốn danh lợi vẫn có những tâm hồn thanh cao không nhiễm lụy. Dù trải qua những thời kỳ Phật giáo khác nhau, những nền tảng giáo lý vẫn đều hướng đến giác ngộ tự tâm. Nắm giữu về bốn chân lý cao cả Tứ diệu đế (cattāra-ariya-sacca) cùng nội dung kinh nghiệm của đức Thích Ca, được thuyết trong kinh Chuyển Pháp Luân. Thực chất, căn bản nền tảng chân lý này là phương pháp đã gồm thâu tri – hành. Lấy bỉ ngạn làm mục đích thì tất thảy cầu, trạm, xe cộ đưa tới đều là phương tiện, nhưng vẫn đòi hỏi sự hành trì tu tập chuyên cần, tinh tiến. Cốt lỗi thuần túy của Đạo Phật bao gồm Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Rộng ra có Bát chính đạo (Ariya aṭṭhaṅgika magga) như con đường độc nhất thuộc Đạo đế bao hàm bảy giác chi, tứ niệm xứ…được vận dụng để trở về giải thoát toàn vẹn.

Phật giáo qua giai đoạn phát triển, chưa từng rời bỏ gốc nguyên khởi về Tứ đế chân thật, thực tại. Trên tinh thần kế thừa và phát huy lý tính qua mỗi quốc độ, con người mà có phần phân chia phù hợp. Trích lời nói đầu – Majjahima Nikaya, Hòa thượng Minh Châu, đau đáu một niềm xin được trả lại sự trong sạch cho ý nghĩa kinh điển Phật giáo. Nối truyền ngọn đèn tục diệm qua nhiều đời, nhiều chi hệ, ngành, phái, hàng hậu nhân dù ở ba miền xa xôi, cách trở đều uống chung dòng suối Từ bi. Phát tâm thịnh dòng Thánh, rạng danh ngôi Hiền đều lấy Trí tuệ là sự nghiệp. Vậy có nên tự hỏi, sao có phân biệt sắc tướng pháp môn, như bó nghẹt dòng sông bằng nút thắt, sao chảy ra biển? Giữa đôi dòng sinh tử, thuyền, bè, nứa, tre hay khúc gỗ, cứ bám được là an tâm phần nào, sao vội chê bai, bài xích. Mỗi mỗi, tất cả cuộc đời của Như Lai cũng đã là phương tiện, từng câu nói, hành động, tâm ý, đều thương tưởng đến chúng sinh mà tuyên thuyết chỉ dạy. Về phương diện giải thoát không thể tìm được nền giáo lý hoàn thiện nào ngoài Phật giáo. Cũng bởi giá trị thiết thực hướng thượng mà có muôn ngàn con đường đi tới, được đức Thế Tôn (Bhagavāti) dùng vô số phương tiện diễn giảng sự sâu xa nhiệm màu, nghĩa thú giải thoát.

Từ thuở sơ khai, giáo lý giải thoát đó đã lấy nhân sinh là chính để mọi mơ hồ đều được sáng tỏ ngay nơi cuộc sống thường nhật. Trong cảnh dục lạc cám dỗ, khó khăn, chướng nạn mới khẳng định được tâm kiên cố Bồ đề. Hạnh ngộ người tài, người tốt để lòng thiện lương càng thêm lớn, sự biết ơn được tăng trưởng. Gặp kẻ xấu ác mới hay xã hội ô trược không gì không có mà tâm từ khai phát, đạo tâm dần thêm. Đạo Phật không phải của riêng ai, của giai cấp nào, là của nhân sinh, con người đồng đẳng ở dòng máu đỏ và nước mắt mặn. Luôn trong trạng thái cầu học, sẵn sàng khiêm hạ phát Bồ đề tâm, hành hạnh Bồ tát, người tu cần mở rộng tâm lượng đón nhận nhiều hệ tư tưởng khác nhau. Chọn cách dung nạp những tinh hoa ngoại điển, thế học để nhìn nhận thấy ý vị của Phật pháp chưa từng cách xa. Sự dị biệt của Phật giáo về khai tánh, giải thoát không vì thế mà rời xa thế nhân, là vọng tưởng, là mơ ước hay lý tưởng trên văn chương, sách vở. Tất cả đều được trải nghiệm tự thân như uống nước nóng lạnh tự biết. Đạo Phật cũng tôn trọng nhân quả mà không hệ thuộc số phận, tự chuyển hóa chính mình, tôn trọng Pháp, như lý tác ý, không thêm vị chủ quan, thiên lệch. Nên đạo Phật là hiện hữu, đến để thấy, là chân thật, hướng thượng.

Dù trải qua những biến động lịch sử, phân chia các tông phái thì vẫn không thể nào bỏ qua tính giải thoát như sự xuôi dòng của các con sông đều hướng ra đại dương. Từ ý nghĩa và giá trị quan trọng của phương tiện, đã và đang thực sự hữu dụng được chư Bồ Tát và Phật dùng vì lợi ích chúng sinh khắp chốn. Điều này, có phải khiến cho giáo Pháp bị hạn cuộc trong xã hội ngày nay không? Chắc chắn là không, bởi vì đến như các bác sĩ, y tá trên các tuyến đầu, khi dịch bệnh Covid bùng phát nguy hiểm hơn trong thời điểm hiện tại thì những hành động quên mình vì người của họ cũng được ví như hạnh “Bồ Tát giữa đời thường”. Những anh hùng thầm lặng của đất nước, không phải chỉ cầm gươm, đao, giáo, mác mà là sự hi sinh thời gian bên gia đình, hi sinh cả tính mệnh để thực hiện đúng trách nhiệm cứu người như nghĩa vụ bản thân tự nguyện là điều không dễ làm được. Cũng qua thực tế, đã cho người viết nhận định về bài học phương tiện, có thể noi theo hạnh của chư Phật, Bồ Tát, không phải chỉ nằm gọn nơi lý thuyết. Đó không còn là lý tưởng cao vời, diệu vợi vượt ngoài tầm tay, mà đều có thể thực hành như một cách tu hành, không phân biệt hình thức tụng niệm, ngồi thiền… chỉ cần phát tâm dõng mãnh, Bồ đề, bất thoái. Sự kiên trì tu tập, hành trì qua thời gian cũng là một trong những điều kiện cần yếu hun đúc lên một vị Phật tương lai.

Từ định nghĩa đến tầm quan trọng của hai từ “phương tiện” đã nêu bật mục đích cứu cánh của nền giáo dục vĩ đại Phật Đà bao trùm lên ý nghĩa, vai trò Thiện tri thức. Tăng Ni sinh nhận thức những bài học rút ra để sử dụng, phương tiện như mục tiêu hướng tới mục đích tạm thời, có hạn lượng, mà vẫn đảm bảo được tính giải thoát, lợi lạc quần sinh. Giáo lý uyên thâm của Phật được xây dựng trên thuyết vô ngã. Ngã là cấu hợp của danh (nāma – tinh thần) và sắc (rūpa – vật chất) luôn biến đổi như dòng suối chảy không ngừng, không có thực thể nào tồn tại lâu dài. Bám víu vào vật ưa thích liền có tham. Bất mãn không ưa đã ngậm chứa sân. Thất bại liền tuyệt vọng. Lâm nạn liền sợ hãi. Được khen ngợi, thổi phồng liền sinh kiêu mạn. Bị chèn ép ắt có oán hờn. Chỉ khi trí tuệ vượt khỏi ranh giới cái Ta, thì mới mong an ổn. Cho nên, mọi phương thức đưa về an lạc đều tạm quyền khai. Đến một mức độ tương đối thì phương tiện đó lại được bỏ đi, để đến mục đích cao hơn dưới dạng hình thức khác mà không mất đi tính rốt ráo là thành Phật. Đây mới thực sự là ý nghĩa, giá trị thực, đồng thời cũng là bài học cứu vãn tình hình nhập thế đến độ biến tướng và mất đi mục đích của đạo Phật trong xã hội hiện đại.

Lược khái Thiện tri thức thời kỳ phát triển được gộp chung, bao hàm thiện, khéo, giúp, tương trợ. Không còn rõ ràng về hai chữ thiện – ác, ngọn cây Phật giáo xòe tán nở rộ, lấy bóng che phủ toàn bộ rễ cây. Phật giáo đại thừa thâu chung trong nghĩa Thiện tri thức nhưng ở góc độ nhìn khác biệt mà không đánh mất định luật nhân quả chi phối muôn loài. Như cây càng xây tươi vươn cao đều nhờ rễ ăn sâu vào đất. Cũng vậy, Phật giáo phát triển ví như tán rộng cũng vẫn không thể thiếu bộ rễ Nguyên thuỷ khởi đầu bền chắc. Tinh thần phá chấp trong phẩm Nhập pháp giới, Hoa nghiêm mang tính ẩn dụ khi mở đầu khai trí tuệ là đức Văn thù và điểm kết kinh là hạnh nguyện Bồ tát Phổ hiền. Nhân vật chính trong cuộc hành trình tìm cầu chính là Thiện tài đồng tử, dưới chỉ dẫn của đức trí tuệ Văn thù mà học hỏi 53 vị Thiện tri thức đủ thành phần xã hội. Từ sắc pháp, tâm pháp đến vững tiến tâm Bồ đề hạnh bằng phương cách tu học thù thắng. Lội vào chốn chợ đời mà nếm hương vị đạo, lạc giữa cảnh hồng trần mới tỉnh mộng thức cơn mơ. Cũng từ đây, khẳng định sự thành tựu viên mãn của chư Phật đều ở cõi Ta bà, không phải nơi thiên cung, thiền định vô sắc, tưởng mà chứng ngộ. Đời người, cảnh trái ý nghịch lòng khó tránh khỏi. Nhưng trong chính cảnh vô thường mới tiến bộ nhanh. Còn cảnh hợp lòng thuận ý lại dễ khiến lòng người ỷ lại, quỵ ngã “nghịch cảnh là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người hiểu biết, là vực thẳm cho kẻ yếu đuối” [8]. Khổ vui, thiện ác, sống chết không đến do bất cứ nguyên lý ngoại lai nào. Tất cả đều là hậu quả của tư tưởng lời nói và hành động. Guồng máy phức tạp của tâm thức là nòng cốt an bài kiếp nhân sinh. Nên hiểu biết tri kiến là yếu tố vô cùng cần thiết cho sự phát triển tâm thức.

Có lẽ, sự xuất hiện của Thiện tri thức trong tam tạng giáo điển chính là phương hạnh của chư Phật, tùy tập thế tục mà dẫn dắt. Qua một số trích dẫn kinh điển Đại thừa, cho thấy, Thiện tri thức sang thời kỳ này dẫn tới sự hoàn thiện, và hiển bày hết thảy những bí áo của Phật nhằm đưa chúng sinh đến quả vị Phật. Suy cho cùng, nếu hết thảy những gì Phật chỉ dạy đều là phương tiện, tạm gọi hóa thành thì Bảo sở chính thành Phật. Duy chỉ bởi muốn cho chúng sinh thành Phật mà có vô số phương tiện khác nhau ra đời, cũng từ đó mà giáo lý Phật đà thêm một lần được chứng minh là nền giáo dục vĩ đại, kiện toàn nhất, dành cho muôn loài chúng sinh không phân biệt. Dòng tư tưởng mang tính bình đẳng, giải thoát cần được dựng đứng thay vì mải buộc mình trong ngôn ngữ, nguyên tắc hay thiên kiến chấp thủ vào một khoảng thời gian mà cho là tất cả, sẽ thật sai lầm. Điều này, gợi nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn của những người mù sờ voi. Đại thừa (Mahàyana) và thượng toạ bộ (Theravàda) cũng nhân đây mà biền biệt ý nghĩa thay vì phân chia, tranh đấu kém hơn. Đắm chìm trong sự tranh cãi phân chia bộ phái chính là tự ôm đá trầm mình. Bất cứ sự dính mắc vào dòng phái, lời dạy riêng, không chịu tiếp nhận, hòa hợp là thái độ tai hại, hẹp hòi, không thể đạt được nội quán sâu sắc. Giống chén nước đặt ở trên cao, đã đầy tràn sao có thể nhận được dòng nước mới từ ấm đổ xuống. Sự hiện diện tinh thần quan trọng hơn nhiều so với khoảng cách địa lý hay thân xác. Giữa tâm cùng tâm chưa từng có mốc ranh giới phân lìa. Tâm chính niệm hướng tới vị Thầy hướng đạo thì cảm ứng giữa hai con người riêng biệt dường như không còn chia cách. Hoài nghi, bất thiện cũng nhân đây vắng mặt, rút ngắn mọi khoảng cách vật lý. Bản thân con đường đạo được đặt bày, thiết kế để điều phục cái ngã nhưng cuộc chiến bên trong thường có quá nhiều những cám dỗ, ảo tưởng đáng sợ, cảm xúc đó chi phối, uy hiếp rồi vô tình chết ngụp trong đó, khó tìm lối thoát. Sâu sắc nhìn nhận đánh giá, qua bộ kinh, cũng phần nào khiến cho hậu nhân dòng họ Thích nên tự mình giữ tinh thần của đạo là hòa bình, đồng đẳng. Còn ngậm chứa những giáo mác trong tâm để phát ra thân khẩu chê bai, chia rẽ Đạo, như ví dụ về trùng sư tử hẳn đáng sợ hơn là bị ngoại đạo công phá. Đây cũng là bài học giữa muôn nghìn bài học mà các hậu côn cần hiểu rõ giữa tục đế và chân đế. Nguồn suối phát sinh của đạo Phật là một sự thấu biết sự thật cuộc đời, vì vậy đạo Phật có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Vượt lên ở đây là kết quả tất nhiên của Giác ngộ, vì đưa đến sự thức tỉnh và giải thoát.

Gọi Phật giáo là nền giáo dục vĩ đại vì mục tiêu đào tạo con người theo lý tưởng giải thoát. Trải qua quá trình luyện rèn, huân ướp những trang kinh, bài kệ ngay từ ngày đầu làm tiểu tiến đến tầng mức tu học cao hơn. Cứ thế, những con người được huân ướp trong giới định tuệ, lọc dần tham sân, dừng bớt tâm si, sẽ thêm được phần từ bi, khoan hậu. Sự hiện diện của đạo đức là một dòng suối an lạc và nhiệm màu luôn luôn chảy vào tâm khảm con người và sự sống. Dòng suối ấy được khơi nguồn do công trình thực nghiệm tâm linh của hành giả trên con đường tu chứng và dấn thân vào đời. Tam tạng giáo điển của Phật không vội tin ngay mà cần những kinh nghiệm thực chứng và là phương pháp hướng dẫn ngay trên cuộc sống hiện tại này, vấn đề tu chứng ở đây không có nghĩa là một sự nhận thức bằng suy luận mà là một sự tiếp xúc thẳng với bản thân thực tại, một sự thể nhập thực tại, không cần đến khí cụ tri thức suy luận. Truy lưu về những lý do trên để nhận định vị trí, vai trò của Thiện tri thức, bạn hữu là vô cùng thiết yếu nhằm chỉ ra tự tánh viên minh lại gồm thâu Không – Có. Có nơi tánh chân như, Bảo sở, Không bởi tạm vì duyên mà tồn tại, phá tan bám chấp làm thực thể hiện hữu. Quy nạp những trích lược khái niệm giữa kinh điển Nguyên thủy và Phát triển, Thiện tri thức về ý nghĩa chân lý như thêm hòa quyện, bổ sung, gắn bó với nhau trong mối liên hệ “ngón tay chỉ trăng”.

Tác giả: Thích nữ Bảo Giác
Học viện Ths Khóa IV Học viện PGVN tại TP.HCM

***

[1]. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 43 – Bộ Bảo Tích II – Số 310 (Quyển 41 – 90), Kinh Đại Bảo Tích – Quyển 78 – Pháp Hội 17: Phú-Lâu-Na (Phần 2) – Phẩm 4: Căn Lành Tròn Đủ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, tr 813.
[2]. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 34 – Bộ Pháp Hoa I – Số 262-264, Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa – Quyển 7 – Phẩm 23: Bồ-Tát Diệu Âm, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, tr 969.
[3]. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 31 – Bộ Bát-Nhã XIV – Số 223 – 224, Kinh Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật – Quyển 22 – Phẩm 71: Cây Chánh Đạo, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 551.
[4]. Thích Trí Tịnh dịch (2011), Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất – Phẩm Thứ Bảy, Tôn Giáo, Hà Nội, tr 102.
[5]. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 39 – Bộ Hoa Nghiêm IV – Số 279 (Q.46- 80) & Số 280- 285, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (tt) Quyển 73, Phẩm 39: Nhập Pháp Giới (Phần 14), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr 620.
[6]. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 177, Bộ Chư Tông XVII, Số 2016 (Quyển 21- 70), Tông Cảnh Lục – Quyển 41, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr 397.
[7]. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 39 – Bộ Hoa Nghiêm IV – Số 279 (Q.46- 80) & Số 280- 285, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (tt) Quyển 68, Phẩm 39: Nhập Pháp Giới (Phần 9), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr 499.
[8]. Nguyên Châu (2007), Phật học đức dục, Tỉnh hội Pg Hà Tây, tr 39.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ấn Thuận, Thích Phước Sơn và Thích Hạnh Bình dịch (2015), Lịch sử biên tập thánh điển Phật giáo nguyên thủy, Nxb Phương Đông.
2. Nalinaksha. Dutt, Thích Minh Châu dịch (2015), Đại thừa và sự liên hệ tiểu thừa, Nxb Tôn Giáo.
3. Thích Nguyên Chứng (biên soạn), Pháp Diệt Tránh, III. Đề Bà Đạt Đa.
4. Donald s. Lopez, Jr, Trần Văn Duy dịch (2019), Đời sống của các giáo điển vĩ đại, NXB Hồng Đức.
5. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2012), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Tôn Giáo.
6. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2012), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Tôn Giáo.
7. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Tôn Giáo.
8. Thích Huệ Mẫn, Việt dịch: Thích Vạn Lợi, Giáo dục Phật giáo tại Đài Loan, An lành và điều trị cho người cao tuổi, Cộng đồng Tịnh độ (năm 1998, 44 tuổi), trang 460.
9. Abe Masao, Nguyễn Thành Sang dịch (2016), Nhập môn Phật giáo, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
10. Thích Thiện Siêu (1999), Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại thừa, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
11. Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ 5, Giải thích thẩm ba Tuệ thứ 70.
12. Thích Trí Tịnh dịch, giảng (2007), Pháp Hoa Kinh thông nghĩa, Nxb Tôn Giáo.
13. Chơn Thiện (2013), Tư tưởng kinh Pháp Hoa, Nxb Phương Đông.
14. Mật Thể (1971), Phật học khái luận, Tổng Phát Hành Minh Đức.
15. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, NXB Tôn Giáo.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường