Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, với quá trình hình thành và phát triển lưu giữ được tinh hoa văn hóa của người Việt ở Nam bộ. Bài viết khảo cứu Bộ tượng Di Đà Tam Tôn để tìm hiểu giá trị mỹ thuật, lịch sử và văn hóa của ngôi chùa.
Bộ tượng xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX tôn tạo cho ngôi già lam và mang giá trị lịch sử to lớn cho quá trình hình thành và phát triển của ngôi cổ tự. Bộ tượng bao gồm ba tượng Di Đà (cao 98 cm) - Quan Âm (cao 93 cm) - Thế Chí (cao 93 cm) đươc làm bằng đồng tuy nhiên trải qua bao phong sương tuế nguyệt tượng Quan Âm đã bị thất lạc được thế vào tượng Quan Âm bằng gỗ do HT.Chánh Hậu trùng tu lại. Tuy nhiên, không vì thế mà làm mất đi đường nét cổ kính và đầy giá trị mang âm hưởng tâm linh trong ngôi già lam cổ tự này. Đây được xem là sự tiếp nối góp phần trùng hưng ngôi Tam bảo ngày một hoàn thiện hơn.
Theo tự điển Phật học (阿彌陀三尊) cũng gọi Tây phương Tam Thánh. Chỉ đức Phật A Di Đà và hai vị đại Bồ át đứng hầu hai bên Ngài. Đức Phật A Di Đà đứng giữa, bên trái là Bồ tát Quan Thế Âm, bên phải là Bồ tát Đại Thế Chí. Kiểu tượng Di Đà tam tôn bắt nguồn ở Ấn Độ. Bức tranh vẽ trên vách của hang thứ 9 trong những hang đá ở A Chiên Đa là di phẩm của tượng Tam tôn được giữ gìn. Tượng A Di Đà tam tôn sớm nhất tại Trung Quốc là tượng Tam tôn được khắc vào niên hiệu Nguyên Tượng năm đầu (538) đời Đông Ngụy. Ở Nhật Bản thì bức tranh vẽ trên vách trong Kim đường chùa Pháp Long và Quất phu nhân niệm trì Phật là nổi tiếng hơn cả. Hình tướng phổ thông này đều làm theo phép quán thứ tám trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Kinh nói, quán tưởng hai bên Phật A Di Đà có hoa sen lớn, Bồ tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen bên trái; Bồ tát Đại Thế Chí ngồi trên tòa sen bên phải. Kinh Bất Không Quyên Sách Thần Biến Chân Ngôn quyển 5 cũng nói như thế.
Tiền Giang là mảnh đất của lịch sử – văn hóa Nam bộ trong đó chùa Vĩnh Tràng là một ngôi chùa tiêu biểu cho bản sắc khu vực nơi đây. Ngôi chùa tồn tại xuyên suốt hai thế kỷ này luôn được nhắc đến như một điểm tâm linh vững chắc cho tín đồ ở vùng Nam Bộ, chính vì lẽ đó tôn tượng mang đến các giá trị tinh thần tâm linh vững chắc do đó bộ tượng này được tôn trí trong vị trí cao nhất và trọng tâm của ngôi già lam cổ kính. “Quan Thế Âm” gọi tắt là “Quan Âm” đây chính là vị Bồ tát một hình ảnh đầy lòng từ bi và trí tuệ “tiêu biểu cho đức tính từ bi, ngài quan sát nghe thấy âm thanh của người đời gọi tên mà rủ lòng cứu giúp, cũng quan sát thế giới mà tự tại cứu khổ cho sướng. Ngài có 32 phép ứng hiện để thực thi 14 phép công đức, vì thế là Bồ tát…” [3, tr.154]. Điều này thể hiện rất rõ nét trong “Phẩm Phổ Môn” thứ 25 đã diễn đạt “Nếu dùng ngữ ngôn làm sao nói được con người siêu việt xuất hiện trên đời, làm việc tùy thời, tùy tâm niệm chúng, thị hiện tương ứng để cứu hộ người, sử dụng thuyền từ ở trong biển khổ, hóa độ tùy duyên”. [1, tr.32].
Trong quá trình đi mở mang vùng đất mới, cư dân đã xây dựng cho mình ngôi nhà tâm linh vững chắc nên đã dựng chùa và tạc tượng, đây chính là hướng về tha lực cần sự cứu độ và niềm an ủi về tinh thần một cách tốt nhất. Sự mong ước trước cảnh tha phương cầu thực có được sự an lành vượt qua bệnh khổ, khi chết được tái sinh về cảnh giới an lành. Chính vì thế hình tượng của “A Di Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát biểu tượng của lòng từ bi và tha lực, trở thành hình ảnh chủ yếu mà người dân Nam bộ cần đến” [4, tr.17]. Nhưng điều quan trọng hơn con người trong hoàn cảnh khốn khổ vì sự mưu sinh và hướng đến một đời sống mới luôn cần xây dựng cho mình một ý chí kiên cường, mãnh liệt và được định hướng bới ngọn đèn soi sáng của trí tuệ. Vì thế “Đại Thế Chí là vị Bồ Tát tiêu biểu cho trí tuệ, Ngài có uy thần rộng lớn cùng cực, dùng trí tuệ sáng suốt soi khắp mười phương khiến chúng sinh nhờ Ngài mà thoát khỏi khổ đau. Hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí luôn tạo thành cặp đôi đi theo Phật Di Đà tiếp dẫn” [3, tr.154-155]
Bộ Di Đà Tam Tôn của chùa Vĩnh Tràng được làm bằng đồng và được sơn son thép vàng rất tinh xảo, cả ba vị được ngồi trong tư thế kiết già, toát lên nét thanh thoát từ bi và trí tuệ có thể nói đạo Phật trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã kế thừa phát triển tông Tịnh Độ vì thế có sự chi phối trong cuộc sống người dân trong mọi tầng lớp xã hội, có thể thấy được vào thế kỷ XVIII, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã khẳng định điều này (Tịnh Độ) ngài đã nhận định A Di Đà là bản tâm của mỗi người, với pháp thân bao trùm khắp chốn:
“Di Ðà vốn thực pháp thân ta Nam Bắc Ðông Tây khắp chói lòa Trăng Thu ngự giữa trời cao rộng Ðêm lặng trùng dương rạng chiếu xa” (Tâm nội Di Ðà tử mạ khu Ðông Tây Nam Bắc pháp thân chu Trường không chỉ kiến cố luân nguyệt Sát hải trùng trùng dạ mạn thu). [5, tr.318]Tuy nhiên, sự khác biệt giữa bộ tượng này với một số tượng ở chùa khác, tư thế tay cả ba vị đều cùng tư thế, không bắt ấn khác nhau và có ngồi trên tòa sen như chùa Thầy ở Hà Tây. Tượng Phật Di Đà ngồi ở giữa tay kết ấn tam muội để ngửa hai bàn tay trong lòng sao cho hai đầu ngón tay cái chạm nhau, đây chính là điểm đặc trưng của các chùa còn được gọi là “Liên Hoa Tọa” [6, tr.174], và tượng này không có nhục kế hiện lên trên đỉnh đầu tuy nhiên tóc có hình xoắn ốc “vân xoắn này được coi là một dạng nghệ thuật hóa của chớp, mang tư cách biểu tượng” [6, tr.183] trong đó có một xoắn tóc từ dưới trán lên ở khoảng giữa từ hàng thứ ba thay bằng mún bẹt nhú gợi ra bạch hào. Nhìn tướng hảo đức Phật toát lên vẻ thanh thoát với gương mặt trái xoan đầy đặn, tạo nên vẻ đôn hậu song đó hình tai đức Phật thon, dài với dái tai lớn tượng trưng cho biểu tượng của trí tuệ của Ngài. Có thể nói “Trong nhận thức Thiền vừa là phép tu nhằm giải quyết vận mạng cụ thể và các vấn đề sinh tử trọng đại, vừa là cách chữa cho những tâm hồn đau khổ để giải thoát con người, nghệ sĩ đã tạc pho tượng Phật ở thế kiết già và thiền định tập trung tư tưởng đến mức có thể trừ những vọng tâm thấp hèn, nhường chỗ cho chân tâm từ bi và trí tuệ” [2, tr.359].
Bên cạnh là hai tượng Quan Âm – Thế Chí có kích thước nhỏ hơn tôn tượng Di Đà và có cùng kích thước 93 cm, được đặt hai bên cũng với tư thế ngồi kiết già tay bắt ấn hai tượng đều được trang trí bởi áo dài có ống tay rộng, có các nếp gấp đơn giản với mấy đường hằn. Đức Quan Âm được đặt bên trái đức Phật Di Đà từ ngoài nhìn vào tóc được búi lên cao, tượng giữ được dải tóc mai vắt qua tai xuống vai rồi chia ra ba lọn ngắn xuôi xuống bả vai. Bên còn lại là Đại Thế Chí tóc dài chảy mượt và được búi lên đỉnh đầu rồi đội mũ. Có thể thấy rằng từ cách tạo tác qua hình tượng của đức Phật đã cho thấy rõ nét những tư tưởng do ảnh hưởng Trung Hoa qua phong cách tạo tượng giai đoạn giữa thế kỷ XIX của chùa Vĩnh Tràng nhạt dần, đặt biệt chú trọng đến các tướng tốt của đức Phật được chú trọng. Thể hiện qua “Nét mặt tròn, đầy đặn, mình to, khỏe, ngực nở nang. Cùng với cấu tạo nhân chủng mang màu sắc của người Việt, bộ tượng đặt biệt chú ý đến các quý tướng của Phật” [7, tr.111]
Với những giá trị lịch sử tâm linh to lớn đó chùa đã được vua Bảo Đại ban danh hiệu là sắc tứ vào năm 1941. Đây là ngôi cổ tự đã có bề dày lịch sử gần hai thế kỷ và đặc biệt, đây là một ngôi chùa có quy mô lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ, được “Liệt Hạng Di Tích Thắng Cảnh của Quốc Gia” [11, tr.8]. Đồng thời được xếp hạng “Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Cấp Quốc Gia ngày 30 tháng 08 năm 1984. Đến năm 2007, kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là Ngôi Chùa Đầu Tiên Ở Việt Nam Có Phong Cách Kiến Trúc Kết Hợp Giữa Phương Đông Và Phương Tây. Sau đó năm 2013, Liên Hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam công nhận chùa Vĩnh Tràng là Điểm Du Lịch Văn Hóa Tâm Linh trong Chương Trình Việt Nam - Những Điểm Đến Ấn Tượng” [12, tr.5].
Thích Nữ Chơn Ngọc - Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM. Chùa Dược Sư, 464 Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM
----------------------------------THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Thích Trí Quảng (2008), Bổn Môn Pháp Hoa Kinh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 2. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý-Trần mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội. 3. Chu Quang Trứ (2016), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội. 4. Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. 5. Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, Nxb Văn Học - Hà Nội. 6. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb văn hóa – thông tin. 7. Trần Hồng Liên (2000), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử -văn hóa, Nxb Khoa Học Xã Hội, Tái bản lần 1, Hà Nội. 8. Thích Huệ Thông (2002), Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb Thành Phố, HCM. 9. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long viết, Hồ Hải Thy dịch ra tiếng Anh (1993), Chùa Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, TP.HCM. 10. Nguyễn Quảng Tuân (1990), Những ngôi chùa danh tiếng, Nxb Trẻ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh. 11. Nguyễn Hoàng Cẩm, Nội San Đất Phật Định Tường, tr.18. 12. Thích Huệ Phát (2017), Chùa Vĩnh Tràng một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
Bình luận (0)