Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Khảo cứu bia Tháp Thánh Tổ chùa Đại Bi ở Nam Định

Khảo cứu bia Tháp Thánh Tổ chùa Đại Bi ở Nam Định

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023

Tiếp theo số Tháng 1-2023 (178)

Về khả năng có sự lẫn lộn giữa Không Lộ và Từ Đạo Hạnh, chúng tôi xin dẫn một số chứng cứ cho thấy sách vở nhiều nơi có thể đã ghi chép lẫn lộn chuyện hai nhân vật này, bên cạnh sự lẫn lộn đến mức đồng nhất Không Lộ với Quốc sư Minh Không – Nguyễn Chí Thành:

– Trước hết xét về tên gọi, tên cúng cơm của Từ Đạo Hạnh là Từ Lộ, tức tên có chữ Lộ, và cũng liên quan tên Không Lộ vì từng tu ở chùa Không Lộ theo sách Nghiên cứu về TUTA của GS Thiền sư Lê Mạnh Thát: Lĩnh nam trích quái tờ 31-33 chép một tiểu sử của Minh Không hoàn toàn đồng nhất với bản đây. Nhưng sau đó, nó lại ghi thêm một tiểu sử hoàn toàn khác và nói là lấy từ Minh Không biệt truyện. Truyện như sau: “Làng Giao thủy có chùa Không lộ, xưa có nhà sư tên… trong khoảng Trị Bình (1064-1067) xuất gia trụ trì chùa đó, nổi tiếng là đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi vào, nhà sư cùng phòng, tức Đạo Hạnh núp trong cửa nhảy ra, giả tiếng cọp để nhát Minh Không. Minh Không cười nói: “Người tu hành mà muốn làm cọp sao? Ta sẽ cứu ngươi”. Cho đến nay vẫn phổ biến việc gọi sư trụ trì một chùa bằng cách lấy chữ “thầy” gắn với tên chùa đó như bản Nôm TTBH nói “thầy Đại Bi” thì hầu như ai cũng hiểu là nói về vị sư đang trú trì chùa Đại Bi vậy. Tuy nhiên cũng có tác giả cho Không Lộ là tên một dòng pháp, nhiều vị sư có thể được gọi bằng cùng một đạo hiệu Không Lộ theo tên dòng pháp, gây ra sự lẫn lộn cho người đời sau chẳng hạn lẫn Không Lộ – Dương Minh Nghiêm với Không Lộ – Nguyễn Minh Không, hay Không Lộ – Từ Đạo Hạnh (TUTA và ĐVSKTT nói Nguyễn Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh, tức cùng một dòng tu Không Lộ theo giả thuyết này).

– Các bản sự tích Không Lộ – Minh Không cho biết Không Lộ tịch diệt ngày mồng Ba tháng Sáu, ví dụ bản Thánh Tổ Thực Lục Diễn Âm cho Bùi Tử Căn đứng in và tàng bản ở chùa Viên Quang Nam Định ghi:

“Bảy mươi chín tuổi thọ trường. Mồng ba tháng sáu rộng đường quy tây”

Nhiều tài liệu khác “Hoa Đàm thiền sư sự tích truyện”, “Thiền Chân Thực Lục” .v.v mà chúng tôi có cũng đều ghi là mất mồng 3 tháng 6.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Khao Cuu Bia Thap Thanh To Chua Dai Bi Nam Dinh 1

Trong khi đó thì Đại Việt Sử Lược (viết tắt ĐVSL) chép Từ Đạo Hạnh mất vào tháng sáu: “Năm Bính Thân (1116- ND) là năm Hội Tường Đại Khánh thứ 7…Tháng sáu, sư Đạo Hạnh hóa” , đó cũng là lúc Lý Thần Tông sinh ra. Còn ĐVSKTT tuy không ghi tháng nhưng có ghi mùa hè tức gồm cả tháng sáu: “Bính Thân, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 7 [1116], (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác).”. Tuy hai cuốn sử không ghi rõ ngày mất nhưng mất vào tháng sáu thì giống như Không Lộ, ĐVSKTT thậm chí còn khẳng định ngày giỗ 7 tháng 3 tức ngày hội dân gian lâu nay ở chùa Láng và chùa Thầy là ngoa truyền (đã trích dẫn ở đoạn trên), tức ĐVSKTT nhất quyết cho Từ Đạo Hạnh mất vào mùa hè mới đúng.

– TUTA viết về thiền sư Không Lộ: “Chùa Nghiêm quang, Hải thanh, họ Dương. Dòng dõi làm nghề chài, sau bỏ nghề chài, hướng lòng theo Phật, thường trì tụng Đà la ni môn”. Hãy chú ý Đà la ni là kinh chính yếu của Mật Giáo mà Từ Đạo Hạnh đã tu trì. Sự tích kể truyện Từ Đạo Hạnh trì tụng kinh này mỗi biến làm rụng một lá thông(1) ngoài cửa am, khi rụng hết lá hai cây thông trước am thì có Tứ Trấn Thiên Vương tự nhiên đến chầu hầu để chờ sai khiến … Việc Không Lộ chuyên trì pháp môn Đà la ni là khá đặc biệt vì TUTA xếp Không Lộ vào dòng Vô Ngôn Thông, chứ không phải dòng Tì ni đa lưu chi như Từ Đạo Hạnh (Tì ni đa lưu chi là dòng Mật Tông chuyên trì Kinh Đà la ni). Đến đoạn cuối sách TUTA lại đặt Không Lộ vào dòng Thảo Đường cùng với Giác Hải, cũng là một sự bất nhất khác nữa. Chú ý tên chùa Đại Bi có thể là lấy từ tên đầy đủ của kinh Đà La Ni là “Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh”.

– Không chỉ có tháng mất giống nhau, mà năm mất của Không Lộ theo TUTA là 1119 cũng không xa năm mất của Từ Đạo Hạnh là 1116 (thep TUTA, ĐVSKTT, ĐVSL), như vậy có thể nói hai vị sư này là người đồng thời.

– Bây giờ thử so sánh hai bài thơ của Từ Đạo Hạnh và Không Lộ:

Bài của TĐH:

“Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ tác kim sư”

Bài của KL:

“Tuyển đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”

Người viết cảm nhận giọng điệu khí phách của hai người khá giống nhau, đó là khí phách của bậc đạt đạo coi “nhân gian” hay “thái hư” cũng chỉ ngang một điệu cười “lãnh tiếu”, hay một tiếng kêu “trường khiếu”, thảy đều nằm dưới tầm mắt của mình cả. Ngoài ra ở vùng các chùa Viên Quang, Thần Quang (chùa Keo) Nam Định nơi Không Lộ dựng chùa tu là đồng bằng không hề có núi, trong khi “cô phong đỉnh” rất phù hợp chỉ đỉnh núi Sài Sơn nơi Từ Đạo Hạnh tu luyện.

Với nhiều đặc điểm giống nhau về tháng mất, năm mất, thời đại sinh sống, từng tu ở cùng một chùa, một địa phương là Giao Thủy, cùng tu trì pháp môn Đà la ni của Mật Tông, thậm trí cá tính thể hiện qua thơ cũng có những điểm tương đồng như thế vậy mà đến nay chưa thấy có nhà nghiên cứu nào nêu giả thuyết Không Lộ trong TUTA có thể là Từ Đạo Hạnh ? Tuy nhiên chúng tôi chỉ gợi ý thế chứ chưa khẳng định gì cả, vì còn rất nhiều thông tin đan xen và mâu thuẫn về nhân vật gọi là “Không Lộ” mà đến hiện tại giới nghiên cứu vẫn đang thảo luận.

2- So sánh ngày sinh, ngày hóa của các vị Thánh Tổ trên các văn bản đã sưu tầm

Do bảo tháp là để thờ cúng vị Thánh Tổ thiền sư, nên việc khảo sát mở rộng về ngày sinh, ngày hóa tức ngày cúng kỵ của các thiền sư Từ Đạo Hạnh, Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Giác Hải … là rất cần thiết bởi sự lẫn lộn đan chéo giữa các vị này thể hiện qua ngày sinh, ngày hóa ở các tài liệu mà nhóm chúng tôi sưu tầm được khá phức tạp.

Ở trên đã thảo luận nhiều về ngày hóa của Không Lộ và Từ Đạo Hạnh, nhân dịp này chúng tôi công bố luôn các thống kê ngày sinh, ngày hóa của các vị Thánh Tổ khác trên các văn bản mà chúng tôi đã sưu tầm được để người đọc cùng tìm hiểu và thảo luận, so sánh:

(Các chữ viết tắt tra ở phần tài liệu tham khảo). Dữ liệu thống kê như sau:
Không Lộ (KL):

– Theo TCTL (sách này cho Không Lộ là Nguyễn Chí Thành) sinh 15/10 năm Giáp Tý là 1084 hay 1024. Là trùng với ngày sinh GH theo HCDT.

– Ngày mất theo TCTL (sách này cho KL=Nguyễn Chí Thành=MK): 3/6 năm Giáp Tuất [niên hiệu không rõ] thứ 15 (1094 hay 1154). Đến ngày mùng 1 tháng 8 năm Ất Hợi, sư Giác Hải cùng các môn nhân dựng tháp mộ, đắp tượng để phụng thờ.

– Viên Quang Nam Định: Giỗ Phù Vân 1/8 tức trùng ngày dựng tháp mộ theo TCTL ở trên

– Theo HCDT: “Không Lộ đản sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn, đến ngày mùng 3 tháng 6 năm Giáp Tuất tịch diệt. Đến ngày mùng 1 tháng 8 năm Ất Hợi, Giác Hải cùng môn nhân dựng tháp mộ ở chùa Thần Quang trang Hành Cung” (sai-tháp ở Viên Quang mới đúng, hay là ban đầu ở Thần Quang, sau dời tháp về Viên Quang ?).

– Theo HCDT: Đến ngày mùng 1 tháng 8 mùa Thu năm Quý Dậu Phù Vân quốc sư tịch diệt. Các môn nhân dựng tháp mộ tại hai chùa Viên Quang và Thông Ứng và đắp tượng để cúng giỗ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Khao Cuu Bia Thap Thanh To Chua Dai Bi Nam Dinh 3

Nguyễn Minh Không (MK) Ngày sinh:

– Theo ngọc phả ở đền Thánh Nguyễn thì sinh 15/10 năm 1058, khớp ngày nhưng sai năm so với TCTL

– Theo bản Nôm TTTLDA và nhiều bản Nôm khác thì sinh 14/9 niên hiệu Thái Ninh 5, tính ra là 1076 nhưng đó là do lẫn với Không Lộ.

Ngày mất:

– Theo ĐVSKTT: “Mùa thu, tháng 8, quốc sư Minh Không chết”, không ghi rõ ngày.

– Theo TCTL : KL-Nguyễn Chí Thành mất 15/10 năm Giáp Tý là 1084 hay 1144.

-Theo ngọc phả mất ngày 12 tháng 6 năm 1134. Nhưng vẫn có cúng ngày 10/8 như nhiều vùng khác giỗ MK.

– Theo bản “Ký ngữ” thì Phù Vân Quốc Sư là Minh Không không ghi ngày sinh nhưng có ngày hóa 10/8

Giác Hải (GH):

– Chùa Viên Quang Nam Định và chùa An Vệ Ninh Bình giỗ GH ngày 4/1

– Ngày giỗ trên trùng với TCTL là 4/1 năm Mậu Dần thứ 19 (1158)

– Theo HCDT: “Giác Hải đản sinh ngày 15 tháng 10 năm Giáp Tý (1084?), đến ngày mùng 4 tháng Giêng năm Mậu Dần (1158? =thọ 75 tuổi ta) tịch diệt, dựng tháp mộ ở chùa Viên Quang xã Giao Thủy”.

– GH được thờ Địch Lộng Ninh Bình, Hang Chùa Thượng Hòa Bình và Đền Ngãi giỗ ngày 1 tháng 8. Gần đó có Đền Nguyễn lại lễ lớn 10 tháng 8, tính là giỗ MK.

Từ Đạo Hạnh (TĐH):

Ở chùa Thầy và chùa Láng chúng tôi chưa khảo kỹ tài liệu, nhưng hình như không có tài liệu nào ghi rõ ngày, tháng, năm sinh cả. Chỉ có bản Sài Sơn sự tích cho biết đại khái là sinh vào thời Lý Nhân Tông, tức năm 1072 về sau. Riêng ở chùa Đại Bi có bản Khoa Cúng Thánh Tổ ghi ngày tế lễ là 20-24 tháng Giêng, đó cũng là ngày lễ hội chính ở chùa Đại Bi, có thể 24 là ngày sinh (tuy khoa cúng không viết cụ thể ra).

Về ngày mất:

– Theo Ký ngữ TĐH tịch diệt năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1116) ngày 7/3 giờ ngọ, còn giờ mùi thì Thần tông sinh. Khớp với ngày lễ hội chính ở chùa Láng và chùa Thầy và bản Nôm Sự tích Từ Đạo Hạnh và bản khai của làng Láng (Yên Lãng).

– Theo ĐVSL thì TĐH mất tháng 6, cũng là lúc LTT sinh, khớp về tháng mất với KL ghi trong nhiều tài liệu khác. Còn ĐVSKTT không ghi ngày tháng mất nhưng cho biết là mùa hè, tức đại để phù hợp với ĐVSL.

Lý Thần Tông (LTT):

– Theo HCDT: Lý Thần tông đản sinh ngày mùng 6 tháng 3 năm Bính Tuất (1106? sai, sớm 10 năm ), đến ngày 26 tháng 9 năm Đinh Dậu (1117? cũng sai) tịch diệt, dựng tháp mộ ở chùa Giao Thủy và đắp tượng thờ cúng. Có điểm lạ ngày 6/3 là đảo ngược ngày mất 3/6 của KL cũng theo Huyền cơ diệu tập.

– Theo Nam Việt Phật Tổ Không Lộ Di Tích: Thần Tông hoàng đế đến tháng 9 năm Bính Ngọ (1126, vô lý ?) thì truyền vị cho Anh tông hoàng đế trị vì, thiên hạ thái bình. Thần Tông đến năm 22 tuổi về Giao Thủy ngự ở chùa Diên Phúc đắc đạo với Phù Vân Quốc Sư. Thần Tông đến năm 23 tuổi (1138) đến chùa Long Khánh hương Cổ Pháp đạo Kinh Bắc. Đến ngày 26 tháng 9, Thần Tông băng. Đến năm Nhâm Tuất (1142) vua Anh Tông và các quần thần dựng bảo tháp và đắp tượng để cúng giỗ.

Các vấn đề nhận thấy qua ngày sinh, ngày hóa:

1- Nhìn chung thông tin ngày sinh, ngày hóa khá lộn xộn, có lẫn lộn giữa các vị Thánh Tổ.

2- Ngày sinh GH trong HCDT chính là ngày mất của KL-Nguyễn Chí Thành trong TCTL và ngày sinh của MK trong Ngọc phả MK ở đền Nguyễn..

3- Ngày mất GH trong HCDT 4/1 khớp ngày giỗ ở chùa Viên Quang Nam Định và An Vệ Ninh Bình, và cả hai chùa Keo Thái Bình và Nam Định cũng có tế lễ vào ngày đó, tức có sự thống nhất cao về ngày mất của GH.

4- Theo lôgic bình thường thì ngày sinh ghi chép ở nơi sinh và ngày mất ghi chép ở nơi mất đáng tin cậy hơn các vùng khác. Vậy xét trường hợp Quốc sư Minh Không, ngày sinh nên theo Ngọc phả ở Đền Nguyễn là 15 tháng 10, vì ở Đền Nguyễn nay vẫn còn di tích “Gò Rau” tức nơi chôn rau của Thánh Minh Không. Còn ngày mất của Thánh Minh Không thì nên lấy theo nơi mất là chùa Viên Quang Nam Định, nơi đây vẫn còn bảo tháp của cả KL, MK, GH, LTT, mà nơi đây có ngày kỵ MK là 1 tháng 8, còn tháng năm mất thì quốc sử tức ĐVSKTT đã ghi chép được là 8/1141 (không ghi ngày), là đáng tin cậy.

5- Ngày giỗ MK ở chùa VQ là 1/8 nhưng bản ký ngữ lại ghi 10/8 có lẽ do chép nhầm thêm một nét sổ khiến chữ nhất 一 thành chữ thập 十 ? Nên theo như ở chùa VQ là ngày 1 còn bản Ký ngữ ghi ngày 10 thì đã lưu lạc sang tận Đền Nguyễn Ninh Bình, và qua nhiều lần sao chép nên có thể chép sai. Còn tháng 8 thì không có nghi vấn gì vì quốc sử ĐVSKTT ghi tháng 8.

6- Tháng hóa 6 của KL và TĐH giống nhau, năm cũng gần nhau, đã phân tích ở mục trước.

3. Tạm kết:

Thông tin quan trọng nhất là ở chùa Đại Bi tỉnh Nam Định có một ngôi bảo tháp của một vị được tôn xưng vào hàng Thánh Tổ, thường là hàng các vị tổ sư khai sáng dòng phái trở lên, trong đó khả năng cao là Từ Đạo Hạnh hay Không Lộ.

Ngoài ra bài viết đã xác minh được ngày sinh của Từ Đạo Hạnh, khảo chú mở rộng về ngày sinh, ngày hóa của các vị Thánh Tổ, từ đó gợi ý về giả thiết có sự nhầm lẫn giữa Từ Đạo Hạnh và Không Lộ?

Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023

***

CHÚ THÍCH:
(1) Có sách lại ghi là cây long nhãn tức cây nhãn, không phải cây thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh. Lê Mạnh Thát. NXB Phương Đông. 2006.
2. Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội. 1993
3. Đại Việt Sử Lược. Nguyễn Gia Tường dịch. NXB Thành phố HCM. 1993.
4. Bản rập văn bia Thánh Tổ Bảo Tháp chùa Đại Bi Nam Định, tài liệu sưu tập của nhóm tác giả.
5. QUỐC SƯ MINH KHÔNG QUA TƯ LIỆU ĐỀN THÁNH NGUYỄN. Thích Tâm Hiệp chủ biên. NXB Hồng Đức. 2021.
6. Thánh Tổ Bản Hạnh. Viết tắt TTBH. Bản chữ Nôm. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
7. Nam Việt Phật Tổ Tam Thánh Sự Tích Thiền Uyển Ngữ Lục Kí Tập. Viết tắt NLKT. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
8. Nam Việt Phật Tổ Không Lộ Di Tích Thiền Lâm Cổ Sự Huyền Cơ Diệu Tập. Viết tắt HCDT. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
9. Thiền Chân Thực Lục, viết tắt TCTL. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
10. Thánh Tổ Thực Lục Diễn Âm. Viết tắt TTTLDA. Tàng bản chùa Viên Quang Nanh Định. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.
11. Phù Vân Quốc Sư Ký Ngữ. Viết tắt là Ký ngữ. Tài liệu sưu tầm của nhóm tác giả.

Khảo cứu bia Tháp Thánh Tổ chùa Đại Bi ở Nam Định

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường