Trang chủ Bài viết nổi bật Khảo chú văn bản Quốc âm ngũ giới

Khảo chú văn bản Quốc âm ngũ giới

Quốc âm ngũ giới - Bản chính dùng để đối chiếu dị bản là bản Nôm in trong bộ sách Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi, sau sẽ ký hiệu là bản B. Như tên của tập sách đã chỉ rõ, sách gồm nhiều văn bản kinh sách đủ loại, cả Hán lẫn Nôm, phần chữ Nôm ngoài Ngũ giới quốc âm còn có Thập giới quốc âm cũng của Tổ Như Trừng Lân Giác và bản Sa di ni uy nghi diễn âm...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Quốc âm ngũ giới – Bản chính dùng để đối chiếu dị bản là bản Nôm in trong bộ sách Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi, sau sẽ ký hiệu là bản B. Như tên của tập sách đã chỉ rõ, sách gồm nhiều văn bản kinh sách đủ loại, cả Hán lẫn Nôm, phần chữ Nôm ngoài Ngũ giới quốc âm còn có Thập giới quốc âm cũng của Tổ Như Trừng Lân Giác và bản Sa di ni uy nghi diễn âm…

NNC Phan Anh Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

1. Về Thiền sư Như Trừng Lân Giác và các tác phẩm

Theo bài viết của TT Thích Tiến Đạt, căn cứ vào Cứu Sinh Trịnh Thánh Tổ Sư Tích và Kế Đăng Lục … cho biết: Sư họ Trịnh tên Thập (còn có tên là Linh), quê ở Sóc Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá. Sinh giờ Dậu ngày 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hoà thứ 17 (1696), là con trai thứ 11 của Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670 – 1703), mẹ là Thị nội cung tần thượng văn Nguyễn quý thị, hiệu Diệu Bính.

Do thân phụ Ngài mộng thấy một cụ già mặc áo xanh đưa cho một đứa trẻ, liền vui mừng nhận lấy liền đặt tên là Trịnh Thập (Thập là nhặt được). Khi sinh ra trên trán nhô lên như cái sừng mà có hiệu là Lân Giác (Sừng con tê giác). Khi vừa lên 7 tuổi thân phụ qua đời, thì được anh trai trưởng là Trịnh Cương (1686 – 1729) nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2024 Khao chu van ban Quoc am ngu gioi 1 1

Trang đầu bản Nôm A (Tư liệu của thầy Thích Đồng Dưỡng)

Là người có khí độ rộng lớn, tinh thông kinh thi, kinh dịch, và đặc biệt ưa thích giảng đọc Hiếu kinh. Được Vua Lê Hy Tông (1663 – 1716) gả công chúa thứ tư cho làm vợ. Tuy ở nơi vinh hoa phú quý, lại được vua Lê chúa Trịnh đặc biệt ân sủng phong làm Thân Quận Công, giữ chức Phó tướng, nhưng Ngài chán ghét tục tình, thường than thở rằng: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán, nửa kiếp công danh muôn kiếp lầm”.

Nhận thức cuộc đời giả tạm vô thường: “Kiếp phúc sinh được bao nhiêu năm, nghĩ đến vinh hoa phú quý khác gì lao ngục. Xem vàng ngọc như gạch ngói, nhìn lại thế gian thật giống như việc trong giấc mộng.” Do vậy mà Ngài ăn chay, mặc áo thô, quyết chí xuất gia. Bấy giờ có Hoà thượng tên là Hương nghe phong nhã của Ngài rất lấy làm coi trọng, liền tặng Ngài một cuốn Hiếu sinh lục, Ngài liền đọc duyệt có chỗ giác ngộ.

Chính cuốn sách này đã ảnh hưởng đến tư tưởng Bồ tát đạo của Ngài, là tiền đề soạn Cứu sinh thập nguyện sau này. Ngài cũng dùng sách này dâng cho chúa Trịnh Cương, vì muốn nhà Chúa y theo sách này mà phù vua trị quốc an dân. Cho nên trong thời gian chúa Trịnh Cương nhiếp chính được coi là thời kỳ thái bình thịnh trị của Bắc Hà.

Trong nhà tuy đầy đủ cao lương mỹ vị, mà trong bếp không giết hại loài vật, trong ao thì trồng sen. Trước khi xuất gia, Ngài có cho xây dựng chùa Hộ Quốc ở phường Yên Xá. Cho đúc tượng Quốc sư Minh Không thờ tại chùa Chúc Thánh Phả Lại (Đức Long – Quế Võ – Bắc Ninh).

Năm Bính Ngọ (1726), Ngài quyết định xuất gia, lên chùa Long Động, núi Yên Tử, đảnh lễ Hoà thượng Chân Nguyên (1647 – 1726) cầu xin tế độ. Bấy giờ, Ngài Chân Nguyên đã 80 tuổi, vừa thấy Ngài liền nói: “Duyên xưa gặp lại, sao đến muộn vậy?” Ngài đáp: “Thầy trò gặp gỡ, đến thời mới gặp”. Tổ nói: “Trung hưng Phật Pháp sau này, phải dựa vào một mình ngươi”.

Đến giờ Tý, ngày 11 tháng 5 năm Bính Ngọ được Tổ truyền tâm ấn đặt pháp danh là Như Như, “Chỗ sở đắc của ta là Như vậy, chỗ sở đắc của ông là Như vậy, nên đặt tên là Như Như”. Lại đem tám chữ tông chỉ của thiền Lâm Tế mà khai mở và trao cho một đóa hoa sen.

Sau khi đắc pháp, Ngài trở về kinh đô Thăng Long dâng biểu nói rõ căn nguyên của việc xuất gia nhưng chúa Trịnh Cương không cho phép. Vì căn cứ theo luật Phật, người trong hàng quan chức triều đình không được phép tự ý xuất gia. Nếu xuất gia phải được triều đình cho phép.

Để tỏ rõ quyết tâm, Ngài tự bẻ đai ngọc, treo mũ từ quan, tự cạo đầu mặc áo nâu. Khiến chúa Trịnh nổi cơn thịnh nộ. Sau được bà Quốc Tể phu nhân (Bà nội) xin giúp cho mới được Chúa cho phép. Ngài lại dâng tấu xin phép xây chùa tại bản doanh. Nhân thấy một bông sen hoá sinh ứng với điềm tâm tông của Phật tổ, liền đặt tên chùa là Liên Tông, viện là Ly Trần.

Ban đầu, Ngài diễn âm mười giới của người xuất gia, kế đến diễn âm năm giới của người tại gia, nghiên cứu tinh thông Tam tạng. Cho khắc ván Chư kinh nhật tụng và Tỳ ni nhật dụng lục làm nền tảng căn bản cho người xuất gia.

Mùa Hạ an cư năm Mậu Thân (1728), Ngài chích máu viết Cứu sinh vương thập nguyện để làm phương châm tu hành Bồ tát đạo. Ngài còn đến hoằng đạo ở núi Phật Tích, chùa Vạn Phúc, nhận được cà sa của Tổ sư, liền dựng am Huy Khiêm ở dưới mạch núi bên chùa làm chỗ tu hành (vì lúc này chùa Phật Tích do chư Ni trụ trì).

Nhân đến núi Lãm Sơn, tìm thấy dấu tích cũ của tổ Minh Không, Ngài đã cho phục dựng đặt tên là Hàm Long. Ngày Rằm tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Long Đức năm Đầu (1732), Ngài từ chùa Phật Tích trở về Hàm Long, ngồi ngay ngắn, xoay mặt về phía Tây nói kệ, niệm Phật mà hoá, thọ 37 tuổi. Đệ tử xây tháp Cứu Sinh ở chùa Liên Tông và Hàm Long để phụng thờ xá lợi.

Sinh thời Ngài độ được các đệ tử là Tỷ khiêu Tính Ngạn (trụ trì chùa Hàm Long), Tỷ khiêu Tính Tuyền (khai sơn chùa Tam Huyền), Tỷ khiêu Tính Uyên, Tỷ khiêu Tính Hoạt, Tỷ khiêu Tính Khích, Tỷ khiêu Tính Ngu, Tỷ khiêu Tính Kiêu, Tỷ khiêu Tính Lục, Tỷ khiêu Tính Dược (Viên Dung Hoà thượng, khai sơn chùa Hội Xá), Tỷ khiêu Tính Nhai, Tỷ khiêu Tính Hoằng, Tỷ khiêu Tính Chúc…

2. Điểm qua về các văn bản Ngũ giới quốc âm:

Bản trục chúng tôi sử dụng, ký hiệu là A vốn là bản in do thầy Thích Đồng Dưỡng sưu tầm và chia sẻ, nên việc giới thiệu cụ thể văn bản sẽ có bài riêng của thầy Thích Đồng Dưỡng, tên chữ Hán đầy đủ ở đầu bản này là Tại thế tục gia quốc âm ngũ giới, có ghi niên đại Cảnh Thịnh 5 (1797).

Bản này có ghi rõ là “trùng san” tức là san khắc lại từ một bản in cổ hơn, có thể chính là bản mà tổ Như Trừng Lân Giác cho in vào năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Thái thứ 7, tức năm 1726, tiếc là hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích của bản in đầu tiên đó.

Bản chính dùng để đối chiếu dị bản là bản Nôm in trong bộ sách Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi, sau sẽ ký hiệu là bản B. Như tên của tập sách đã chỉ rõ, sách gồm nhiều văn bản kinh sách đủ loại, cả Hán lẫn Nôm, phần chữ Nôm ngoài Ngũ giới quốc âm còn có Thập giới quốc âm cũng của Tổ Như Trừng Lân Giác và bản Sa di ni uy nghi diễn âm v.v.

Về chữ quốc ngữ thì có bản phiên âm do thầy Thích Thái Hòa sao lục đăng trên báo Đuốc Tuệ số 35 ra ngày 11/8/1936 (sau sẽ ký hiệu là bản TTH), không có bản nôm in kèm nhưng qua đối chiếu thì bản này có lẽ đã phiên âm từ một bản Nôm đã bị đời sau sửa chữa nhiều(1), nửa sau bài văn gần như là diễn nôm lại, nhiều câu chữ bị thay đổi hẳn, đặc biệt các câu có từ cổ thì bị sửa chữa triệt để, nên chúng tôi chỉ khảo chú dị bản nửa đầu bản TTH.

Nguyên văn bản gốc viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát dân gian, gồm chẵn 200 câu, do tổ Như Trừng Lân Giác viết theo ý chỉ của tổ Chân Nguyên.

Bản này viết cùng một lúc với bản Sa di Thập giới quốc âm, mà bản Thập giới quốc âm thì đã được nhiều tác giả giới thiệu như bài của Thích Minh Tâm đăng trong Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.435-439, và bài trong sách “Chùa Liên Phái, danh lam nổi tiếng Hà Thành” của Thượng Tọa(2) Thích Gia Quang và Giáo sư Nguyễn Tá Nhí, NXB Tôn Giáo 2009, và bài của Phan Anh Dũng trong Hội thảo về tổ Như Trừng Lân Giác (chùa Liên Phái, 2023) .v.v. trong khi đó thì bản “Ngũ giới” còn ít được đề cập nên chúng tôi xin được giới thiệu riêng trong bài viết này.

Về nội dung thì như tiêu đề tác phẩm đã phản ánh, đây là bản diễn giải Nôm năm khoản giới luật cho những người tu tại gia chưa xuất gia, nam gọi gọi là Ưu Bà Tắc, nữ gọi là Ưu Bà Di. Khi giới thiệu bản Thập giới quốc âm các ngài Thích Gia Quang và Nguyễn Tá Nhí đã từng nhận xét: “Tổ Như Trừng được giáo dục rất nghiêm cẩn, nên vốn chữ nghĩa hiểu biết rất rộng.

Sau khi xuất gia ngài được Tổ Chân Nguyên trao truyền giáo pháp, nên rất tâm đến kinh sách…”, ngài Thích Minh Tâm thì nhận định : “Toàn văn viết theo thể lục bát, lời văn súc tích, song cũng rất gần với lời ăn tiếng nói của dân…”, chúng tôi xin bổ sung một nhận xét nữa là lối văn súc tích, giản dị, bình dân đôi khi tưởng như vụng về đó có phong cách giống với lối văn của Tổ Chân Nguyên, người đã truyền tâm ấn cho Tổ Như Trừng.

Cái hay trong bài văn này có lẽ là ở chỗ các câu thành ngữ, tục ngữ dân dã được đưa vào và vận dụng khá nhuần nhuyễn, có thể tìm được rất nhiều ví dụ:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2024 Khao chu van ban Quoc am ngu gioi 1 2

Trang cuối bản Nôm A, có dòng ghi niên đại Cảnh Thịnh 5

… Lại cùng xẻ thịt róc xương

Đua nhau gỏi chả nhiều phương dái dùng.

… Lẫn loài dò lưới bủa lờ

Thịt hàng cá ngã cháo cơm ngày dài

… Của mình mình tiếc mình đau

Của người sao được lá rau cũng mừng

… Lẫn điều kém thước vơi thăng

… Chớ hề vật mắt gian manh

… Cóc hay thời khó mà vui cầu gì

… Chớ lay lẽ chính mà lung sự tà

… Ốc ngờ kim cải tương phùng Nào hay trái chủ sánh cùng oan gia.

… Sắc thanh thể chẳng phong ba

Trượng phu mấy sức buồm qua khỏi gành

… Vì xuân nào quản tổn tiêu

Ôm đồm ba bảy rập dìu bướm ong

… Nào hay đao giấu trong cười

… Lưỡi mềm uốn phải làm chăng

Thấy rằng chẳng thấy hay rằng chẳng hay

… Mượn hồn ma quỷ múa may dối thời

… Đá mài lận ngọc, đồng xuy luận vàng

… Đồ mưu thợ kiện, giáo toa thầy dùi

… Lời khong tiếng phỉnh ngọt bùi

… Ở đây nói đó đăm chiêu thất thường

… Khen lao trước mặt rón bì sau lưng

… Phun người chẳng cóc lại nhơ miệng mình

… Chửi mưa chửi gió gièm pha thánh hiền.

… Sảy chèo khôn lẽ bá tay Đến khi đã lỗi mới hay là lầm

… Ăn càn ở rỡ thế nhân xem hèn

… Say sưa quáng nắng ngỡ đèn

… Hỗn hào ngọc đá thau vàng

… Một đôi chân thấp chân cao

Thấy cha chú cũng mày tao chẳng nhường

… Nước cơm bã cháo cầm cho khỏi ngày

… Nóc nhà trông ngỡ ai quay

Ruột gan nồng nã chân tay rụng rời.v.v.

3. Khảo về từ cổ và chữ húy trong văn bản:

Mặc dù bản A có thể được in lại vào đời Nguyễn còn bản B thì đã ghi rõ là in lại đời Nguyễn nhưng cả hai bản đều không húy chữ chủng 種, là chữ trọng húy của nhà Nguyễn (tên húy vua Gia Long), ví dụ câu 45 “Xưa nay còn một giống tham”, giống ghi bằng chữ chủng種Hán. Các chữ húy đời Nguyễn khác cũng vậy, chẳng hạn chữ thì (thời) 時 gặp ở nhiều câu, có thể thấy là đối với các sách kinh Phật cổ thì không khắt khe lắm trong việc kiêng húy.

Về từ cổ thì bản Ngũ giới quốc âm cũng như Thập giới quốc âm của tổ Như Trừng Lân Giác đều có khá nhiều, đây là hai tài liệu có giá trị để khảo cứu về từ cổ khoảng đầu thế kỷ 18, hay thậm chí sớm hơn, khoảng thế kỷ 17.

Sau đây xin liệt kê cụ thể một số từ cổ ở bản Ngũ giới quốc âm để làm tư liệu cho các nhà nghiên cứu về từ cổ và ngữ âm lịch sử. Ngoài trường hợp các từ đơn là từ cổ, chúng tôi còn thu thập cả những từ kép hay ngữ mà nếu xét từng từ đơn thì không cổ nhưng khi kết hợp lại tạo thành một kết cấu cổ ít gặp, tạm gọi là “ngữ cổ”:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2024 Khao chu van ban Quoc am ngu gioi 1 3

Trang đầu bản Nôm B

– Dái: e sợ. Dái dùng: e dùng

– Thể: vì, nhân vì. Thể lòng: vì lòng, có lòng (ngữ cổ)

– Nghỉ: hắn, nó (đại từ nhân ngôi thứ 3)

– Cứ: có căn cứ. Cứ chưa: chắc chưa (ngữ cổ).

– Cựa: cựa quậy. Hay bay hay cựa (ngữ cổ)

– Tua: nên

– Xá: từ cổ có nhiều nghĩa.

– Tua xá: hãy nên.

– Bui: duy, vậy.

– Đành bui: đành vậy, đành thế.

– Lánh: tránh, ẩn.

– Phô: phô ra.

– Lánh phô: tránh ra, tránh phô ra.

– Miễn: một biến âm cổ của lẫn, âm chính xác hơn là mlẫn.

– Mựa: chớ.

– Da: có thể là một dạng cổ âm của xa.

– Thửa: sở (Hán ngữ, có thể dịch là vốn ấy, vốn là)

– Thịt hàng cá ngã: thịt bán ở hàng bán, cá bán ở ngã (ngữ cổ).

– Nào lọ: nào kể, nào quản (ngữ cổ).

– Nhẫn từ: kể từ (ngữ cổ).

– Kém thước vơi thăng (ngữ cổ).

– Hơn lòng: mang lòng, có lòng muốn (trong văn cảnh câu 66)

– Phen: so, bì.

– Khá phen: bì được với… (ngữ cổ)

– Vật mắt: đảo mắt

– Cóc: biết.

– Cóc hay: hay biết (ngữ cổ)

– Lay lẽ chính, lung sự tà (ngữ cổ)

– Ghen ghét: có thể có 1 nghĩa hơi khác ngày nay.

– Làm nêu: bêu ra.

– Ốc ngờ: ngỡ rằng

– Bên mình chắt chiu (ngữ cổ).

– Vòng con ngươi: tròng con ngươi.

– Chỉn: chỉ.

– Chỉn ghê: thật ghê (ngữ cổ).

– Cợm già hay kiệm già: (tới già ?)

– Mựa nỡ: chớ nỡ.

– Nói vẻ vang: nói phô phang.

– Ton ngót: nịnh nọt

– Chê bôi: chê bai, đọc theo âm cổ.

– Vực bênh: bênh vực (đảo chữ, ngày nay hầu như không còn dùng).

– Đồ mưu thợ kiện, giáo toa thầy dùi (ngữ cổ).

– Khong: khen.

– Lếu vay: láo lếu thay.

– Đăm chiêu: phải trái

– Nống gièm: nói gièm pha

– Muông: chó.

– Khen lao trước mặt rón bì sau lưng (khen lao và rón bì là cách nói cổ)

– Chẳng cóc: chẳng sao (trong câu “Phun người chẳng cóc lại nhơ miệng mình”)

– Sảy chèo khôn lẽ bá tay (ngữ cổ)

– Ăn càn ở rỡ (hay giỗ?): ngữ cổ.

– Dụng màng: màng tới.

– Thốt thăng: nói nhăng.

– Chẳng quản nhuốc nha (ngữ cổ)

– Nồng nã: cũng đọc nong nả, là nóng sốt, có lòng tập trung vào việc gì đó.

– Sấn so: đắn đo.

– Bui khi: có khi.

– Mỗ (có nhiều nghĩa): một, mấy, vài, kẻ ấy, thứ ấy

– Mỗ phân: vài phân.

– Loàn đan: láo, bậy, vô lễ.

– Đất hơn: (?)

– Lớn một cơn: lớn nhanh trong khoảnh khắc (ngữ cổ)

– No: đầy

– Nở ra: đẻ ra, sinh ra (theo văn cảnh câu 199- 200).

Đánh giá về “mức cổ” của các từ cổ trong cả hai bản “Ngũ giới” và “Thập giới” chúng tôi cho rằng chúng có vẻ cổ hơn mức đầu thế kỷ 18 tức là trong đời của tổ Như Trừng Lân Giác (1696-1732), phải đẩy sớm lên đến thế kỷ 17, lý do là vì trong chùa các sư tăng thường lưu giữ được nhiều sách cổ và lời ăn tiếng nói cũng cổ hơn ngoài xã hội đương thời

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2024 Khao chu van ban Quoc am ngu gioi 1 4

Bản Quốc ngữ trên báo Đuốc Tuệ 1936

***
PHẦN PHIÊN ÂM:

Tại thế tục gia quốc âm ngũ giới
Lân Giác Sa di Như Như Trừng Trừng soạn.
Như Như vâng giáo Chân Nguyên
Diễn dương luật tạng lưu truyền lâu xa
Lành thay hai chúng(3) tại gia
Nam xưng Bà tắc nữ là Bà di(4).

5.
Sơ trao năm giới ba quy
Lấy làm công cứ để ghi(5) công trình
Thứ nhất là giới sát sinh
Thể lòng nhân thứ lấy mình mà suy
Rằng loài súc vật ngu si

10.
Song đều úy tử khác chi tính người
Số là sinh hóa đổi dời
Vảy lông sừng mỏ khác nơi thân hình
Cùng ta lụy(6) kiếp đa sinh
Ai hay ấy chẳng phụ huynh cô dì

15.
Bây giờ nhục nhãn nan tri
Nỡ làm tàn hại quên nghì chẳng thương
Lại cùng xẻ thịt róc xương
Đua nhau gỏi chả nhiều phương dái dùng
Khiến cho thù đối tương phùng

20.
Hại người người hại chẳng cùng nghiệp oan
Luân hồi sáu đạo tuần hoàn
Nghỉ làm nghỉ chịu hầu toan nhẽ gì
Vậy nên đức Phật từ bi
Khuyên cho sám hối một khi mà trừ

25.
Nói không(7) biết đã cứ chưa
Phải trao giới luật để ngừa quá phi(8)
Hễ loài hay nhảy hay đi
Hay bay hay cựa(9) cũng thì súc sinh
Khôn thiêng cũng một tính tình

30.
Tay mình chớ giết miệng mình chớ xui(10)
Thấy thời tua xá ngậm ngùi(11)
Dầu ngăn chẳng đã(12) đành bui(13) dựa chiều
Lánh phô sự thế hiểm nghèo
Buôn gà bán lợn nuôi mèo ươm tơ

35.
Miễn loài dò lưới bủa(14) lờ
Mựa dung người thế để nhờ trong da(15)
Thửa ngày húy kỵ ông cha
Dầu chưa trừ khỏi nghiệp nhà thói quê
Phải dùng phương tiện chẳng nề

40.
Thời mua của sẵn như lề tế đơm
Vẹn mình danh sạch dấu thơm
Thịt hàng cá ngã(16) cháo cơm ngày dài
Thâu đạo là giới thứ hai
Hễ là phi nghĩa hoạnh tài chớ ham

45.
Xưa nay còn một giống tham
Hay dời quân tử ra làm tiểu nhân
Sang hèn(17) dẫu đã khác luân
Thửa điều háo lợi sao gần sánh nhau(18)
Của mình mình tiếc mình đau

50.
Của người sao được(19) lá rau cũng mừng
Thí ra ỷ(20) có ngại ngừng(21)
Thu vào sao chẳng biết chừng khi no
Chúng nhân hãy xét đấy cho
Sao lòng mọn ấy chẳng so hại tày(23)

55.
Vậy nên Phật chế giới này
Dặn rằng lấy đấy làm thầy trị tâm
Lưu truyền lịch đại cổ câm (kim),
Để cho Thích tử thiền lâm thọ trì
Chẳng cho chẳng lấy làm kỳ(24)

60.
Của người nào lọ vật gì trọng khinh
Nhẫn từ ngọn lá đầu cành
Chẳng xin chẳng được tư tình hái nhăng
Lẫn điều kém thước vơi thăng
Cùng nương quyền thế nằng nằng lấy không(25)

65.
Láng giềng nhà, láng giềng đồng
Cõi bờ chẳng được hơn lòng lấn sang
Vườn chung bừa cỏ thấy vàng
Hiền thay ngươi Quản chẳng màng khá phen
Danh lành thanh sử để khen(26)

70.
Long hương thảo nễ(27) còn đen tới rày
Chúng đà quy hướng đạo nay
Thiên vàn ấy nhẽ ăn ngay ở lành
Chớ hề vật mắt(28) gian manh
Khó giàu phận ở trời dành số xui

75.
Đạo màu nếu đã thấu mùi
Cóc hay(29) thời khó mà vui cầu gì
Thênh thênh đường cả mà(30) đi
Màng bao tới sự phi vi ấy là
Tà dâm là giới thứ ba

80.
Phu thê nghĩa(31) cả tại gia nghiệp lề
Trai thời tâm chính gia tề
Chớ say liễu lục đừng mê đào hồng
Gái thời vẹn tiết thờ chồng
Chớ lay(32) lẽ chính mà lung(33) sự tà

85.
Xưa nay vì nỗi nguyệt hoa
Nghiệm xem lầm cát biết là bao nhiêu
Gái thời ghen ghét(34) gợi trêu
Trai thời tơi tả làm tiêu(35) thế cười
Mượn màu son phấn tốt tươi

90.
Một thuyền quyên biết mấy mươi anh hùng
Ốc ngờ(36) kim cải tương phùng
Nào hay trái chủ sánh cùng oan gia.
Sắc thanh thể chẳng phong ba
Trượng phu mấy sức buồm qua khỏi gành (ghềnh)

95.
Đã rằng nghiêng nước nghiêng thành
Sao còn khứng để bên mình chắt chiu
Vì xuân nào quản tổn tiêu
Ôm đồm ba bảy dập dìu bướm ong
Bao nài phí của nặng lòng

100.
Miễn là ích lợi hai vòng con ngươi
Nào hay đao giấu trong cười
Dương thành hạ sái hoặc người chỉn ghê
Bằng nay phép Phật độ mê
Phó trao giới luật làm lề trấn tâm

105.
Tại gia nhẽ chửa dứt dâm
Hễ ngoài kinh bố cảo châm thời đừng
Trọng chi của đã trao nhăng
Sao tày hễ sự bất ưng chẳng màng
Trai thời bền nghĩa tao khang

110.
Cợm(37) già mựa(38) nỡ hạ đường phụ nhau
Gái thời tiết sạch làu làu
Giãi niềm chuyên chính xưa sau phó trời
Bao giờ mãn kiếp trọn đời
Mới hay nạp tử chẳng lời thốt(39) hư

115.
Vọng ngôn là giới thứ tư
Kẻo còn thất tín khiếm dư vô bằng
Lưỡi mềm uốn phải làm chăng(40)
Thấy rằng chẳng thấy hay rằng chẳng hay
Miễn loài đồng cốt lếu vay(41)

120.
Mượn hồn ma quỷ múa may dối thời(42)
Giả hình vóc(43) tướng tăng ni
Đá mài(44) lận ngọc, đồng xuy luận vàng
Ỷ ngữ là nói vẻ vang
Quyến bề hoa nguyệt khêu đàng yến oanh

125.
Thư từ ton ngót dỗ dành
Khiến người đắm sắc say thanh quên nhà
Lẫn loài lợi kỷ tổn tha
Đồ mưu thợ kiện, giáo toa(45) thầy dùi
Lời khong(46) tiếng phỉnh ngọt bùi

130.
Tai phàm bén phải ưa mùi dễ phiêu
Lưỡng thiệt là lưỡi hai chiều
Ở đây nói đó đăm chiêu thất thường
Nống(47) gièm hủy kẻ hiền lương
Tố thầy tố bạn nhiễu nhương phép lề

135.
Lại còn một giống muông dê
Khen lao trước mặt rón bì sau lưng
Ngộ(48) khi sa thế sảy chừng
Vỗ tay vào thỏa vui mừng giàu sang
Ác khẩu là miệng dữ dàng

140.
Lấy điều sất sá cang cường mà giơ(50)
Bõ hờn trong một bấy giờ
Phun người chẳng cóc lại nhơ miệng mình(51)
Lại còn một giống vô minh
Chê bôi(52) đạo chính vực(53) bênh thầy tà

145.
Lẫn(54) loài mắng mẹ mắng cha
Chửi mưa chửi gió gièm pha thánh hiền.
Miệng người bốn giống nghiệp duyên
Như bình phải giữ cho tuyền khó thay
Sảy chèo khôn lẽ bá tay(55)

150.
Đến khi đã lỗi mới hay là lầm
Ẩm tửu là giới thứ năm
Rượu hay tổn trí bại tâm lao thần
Hòa thêm phí của nhọc thân
Ăn càn ở rỡ(56) thế nhân xem hèn

155.
Say sưa quáng nắng ngỡ(57) đèn
Cơ quan để mặc thần men dụng màng(58)
Hỗn hào ngọc đá thau vàng
Lõa lồ hình thể hoang đàng thốt thăng(59)
Dắt tay díu áo lăng nhăng

160.
Gặp nơi tranh đấu cũng băng mình vào
Một đôi chân thấp chân cao
Thấy cha chú cũng mày tao chẳng nhường
Mê hồn đổi tính khác thường
Mấy lời trung cấu tỏ tường nói ra

165.
So kè chẳng quản nhuốc nha
Đem mình tới chốn phồn hoa mới càng
Chi từ bầu rắn nhà vàng(60)
Mây mưa miễn thỏa một tràng mộng xuân
Trong vui nào đoái tiếc thân

170.
Đã liều khí huyết tinh thần cho hư
Đã(61) mà tỉnh giấc lao lư
Áo xiêm đầu tóc khéo như ai vò
Lạ thay lòng đói miệng no
Nước cơm bã cháo cầm cho khỏi ngày

175.
Nóc nhà trông ngỡ ai quay(62)
Ruột gan nồng nã chân tay rụng rời
Khi say sảng sốt mấy lời
Bấy giờ nghĩ lại nhiều nơi(63) thẹn thò
Người khôn sao chẳng sấn so

180.
Ích chi sự ấy làm cho hại mình
Bằng nay phép Phật độ sinh
Dựng làm giới luật thiết tình cấm răn
Bui khi bệnh khổ bức thân
Rộng cho chế thuốc mỗ phân cứu nàn

185.
Kỳ dư(64) bình nhật an nhàn
Trọn đời chẳng được loàn đan(65) đãi đằng
Sắt son một tấm lòng hằng
Giữ năm giới ấy khăng khăng chớ dời
Trước là thanh bạch ở đời

190.
Thánh thần cấp phúc, bụt trời sủng ơn
Khác nào cây cỏ đất hơn
Tuy chẳng thấy lớn một cơn(66) bấy giờ
Song le ngày có lãi lờ(67)
Đượm nhuần(68) hoa lá sởn sơ cội cành

195.
Sau thời thiện quả viên thành
Thiên đường phật quốc siêu sanh mãn nguyền
Đại công đức, đại nhân duyên
Đem nhau cùng tới bảo liên hoa đài
No(69) ngày trưởng dưỡng thánh thai

200.
Nở(70) ra liền thấy nghiệm lời Như Như.

Nguyện dĩ thử công đức                 願以此功德
Tiêu không vãng thế khiên              消空往世愆
Quang hiển hiện thế nhân               光顕現世因
Viên thành lai thế quả                     圓成來世果
Chân Nguyên thường hạo hạo       眞源常浩浩
Tính tướng tự Như Như                 性相自如如
Dữ pháp giới chúng sinh               與法界衆生
Đồng đắc bồ đề đạo.                    同得菩提道。

(Nguyện đem công đức này
Tiêu không lầm vãng thế
Quang hiển hiện thế nhân
Viên thành đến thế quả
Chân Nguyên thường bát ngát
Tính tướng tự Như Như
Cùng pháp giới chúng sinh
Cùng được đạo bồ đề).

NNC Phan Anh Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

***

CHÚ THÍCH:

(1) Thầy Thích Thái Hòa trong loạt bài “Những áng quốc văn cổ trong Phật học” giới thiệu trên báo Đuốc Tuệ còn phiên âm một số bản Nôm cổ khác như Lý sự dung thông, và đều có ghi rõ là theo sách Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi bản in của chùa Yên Ninh tức chùa Trăm Gian Hải Dương, nhưng riêng bản “Ngũ giới diễn ca” này không rõ vì sao lại không theo bản trong Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi dù bản in trong sách này phổ thông hơn.

(2) Nay là Hòa Thượng trú trì chùa Liên Phái.

(3) Bản TTH: người ở.

(4) Bản TTH: đổi nam nữ thành trai gái.

(5) Nguyển bản viết chữ “ghi” dạng (đa+ki 多+箕) thể hiện ngữ âm cổ, có một tiền âm tiết trước âm chính. Bản B viết thành dạng hình thanh (箕+記 ki biểu âm + kí biểu nghĩa).

(6) Bản TTH phiên âm lũy cũng có nghĩa, nhưng xét thấy chữ đa sinh ở sau cũng đã thể hiện đầy đủ ý là kiếp luân hồi, trải nhiều sinh hóa, nên lũy kiếp hơi thừa, vì vậy chúng tôi phiên âm lụy tức phiền lụy, câu văn có phần hay hơn.

(7) Nói không: nói xuông, không có căn cứ.

(8) Quá phi (chữ hán): lỗi và sai.

(9) Chữ cựa là móng cựa (danh từ), nhưng đi với chữ bay ở trước thì phải hiểu là động từ, như trong từ “cựa quậy”, chỉ chung các loài động vật, thành ngữ có câu “bò bay máy cựa”.

(10) Đối chiếu cả câu thì xui nghĩa là xui người khác giết (không dám tự tay giết súc vật sợ phạm giới sát sinh nên xui hay sai khiến người khác giết).

(11) Tức là thấy súc vật bị giết thì nên ngậm ngùi thương hại.

(12) Bản B sửa đã ra được, rõ nghĩa hơn.

(13) Bui 盃 là từ cổ, nghĩa là duy, phải, thế vậy. Bản B sửa ra vui (thêm bộ tâm đứng 𢝙) có phần trái nghĩa, có lẽ vì nhận thấy sự trái nghĩa đó nên bản TTH sửa tiếp thành : “Dầu ngăn chẳng được còn vui nhẽ nào”.

(14) Bản TTH phiên ra vó, đúng mặt chữ Nôm 𥿠, nhưng đọc bủa theo nghĩa động từ mới cân đối với động từ dò đứng ở trước.

(15) Chữ da có thể chỉ là một từ đệm như ấy, vậy… nhưng cũng có thể là “xa”, bản Nôm Phật thuyết cũng dùng da để viết chữ xa, nếu vậy thì câu nghĩa: chớ có dung túng cho người thế gian để mà nhờ cậy trong ngày vị lai.

(16) Thịt bán ở hàng và cá bán ở ngã ba sông.

(17) Bản A viết chữ nhàn thể hiện âm cổ nhèn, còn bản B đã viết dạng chữ hiền bên bộ nhân 𠍦, thể hiện âm hiện đại là hèn.

(18) Ý cả 2 câu: Kẻ sang người hèn có khác nhau về thói quen và ý thức luân lý, nhưng đã mang lòng tham thì cũng một hạng đáng khinh như nhau mà thôi.

(19) Nguyên bản A viết chữ thì 時, sửa theo bản B là chữ được 特 đúng nghĩa hơn, hai chữ có nửa bên phải giống nhau, dễ khắc lầm.

(20) Ỷ cũng có thể đọc Nôm là ấy, ỷ có hay ấy có tức là chừng có, cả câu nghĩa là “thí của ra thì có vẻ ngần ngại”. Câu này diễn đạt kiểu cổ nên có phần khó hiểu, bản B sửa ra nếu cho dễ hiểu nhưng lại thành sai nghĩa.

(21) Nguyên bản A viết chữ nghi, sửa theo bản B là ngừng mới hiệp vần chữ chừng ở câu sau. Ngại ngừng là ngập ngừng không quyết khi thí của ra.

(22) Khi no: khi nao, khi nào (từ cổ), chú ý không phải no là no bụng.

(23) Ý nói cái lòng mọn (lòng tham) ấy so tày cái hại, chứ chẳng phải chuyện chơi.

(24) Chữ kỳ 期 là kỳ hạn, có thể hiểu là kì cho, hạn cho, nghĩa gần như là “cho phép”, lấy câu “người ta không cho thì đừng lấy” làm kỳ, làm phép tắc.

(25) Kém thước vơi thăng khi đong đo, ấy là kẻ tham lam mà còn biết giấu. Còn kẻ dùng quyền thế để lấy không của người khác, ấy là tham lam một cách công khai (có câu: cướp ngày là quan).

(26) Bản B: để truyền.

(27) Long hương thảo nễ: có lẽ chỉ mực viết, vì mực tàu có loại có mùi thơm.

(28) Vật mắt: đảo mắt, chỉ ánh mắt gian xảo.

(29) Cóc hay: từ cổ nghĩa là hay biết. Ý cả câu: đã biết thời khó thì thôi đừng cầu chi, cứ vui đi theo cái lý “biết đủ thì được đủ”.

(30) Bản A: dầu đi. Phiên mà theo bản B cho rõ nghĩa.

(31) Bản A: lễ , nhưng có khoanh tròn chứng tỏ chữ có vấn đề. Sửa theo bản B là nghĩa thì cả câu đọc lên thấy dễ nghe hơn.

(32) Bản A khắc không chuẩn, nên theo bản B là chữ lay 𢯦.

(33) Lung: dung túng, chứa chấp (từ cổ).

(34) Bản A viết (忄+苦), có thể là đọc âm khổ hay khủ, nhưng không rõ nghĩa. Bản B sửa ra ghét 恄 , ghen ghét nghĩa cổ có lẽ hơi khác ngày nay, hàm ý có tranh đua nhau.

(35) Nguyên bản viết: làm tiêu, tức là làm mục tiêu làm nêu, chữ Hán tiêu標 có nghĩa Nôm là cái nêu, lại còn có cả âm nôm là bêu nên ban đầu chúng tôi định sửa ra “mà bêu thế cười”, nhưng sợ xa với nguyên tác nên bỏ.

(36) Ốc ngờ hay ốc ngỡ: nghĩa như “tưởng rằng, nghĩ rằng”. Đây là là từ cổ, trong bản tuồng chữ Nôm Sơn Hậu chúng tôi còn ghi nhận được dạng phiên âm là ốt ngỡ hay ốt ngẫm.

(37) Cợm già có thể hiểu là dẫu đến già ?

(38) Bản B: chớ nỡ. Do từ cổ mựa ít người còn hiểu nên bản B sửa ra chớ.

(39) Bản B sửa thốt ra nói.

(40) Chăng là không, là sai ,đối với phải là có, là đúng.

(41) Lếu vay: láo lếu thay. Bản B sửa ra mê say thành ra không rõ nghĩa..

(42) Bản B: đời. (Nghĩa không khác nhau).

(43) Chữ nôm có vẻ không chuẩn (𧴤), đoán là chữ vóc 𦘱/𨈒 theo văn cảnh.

(44) Bản A viết dùi cũng có thể đọc chùi hay chùy. Sửa theo bản B là mài cho người thời nay dễ hiểu, ý nghĩa gần như nhau (như trong từ dùi mài), tức là mài, lau chùi cho đá sáng bóng để giả làm ngọc.

(45) Toa như trong từ toa thuốc, là tờ giấy ghi các mục cần bày, cần soạn ra …

(46) Khong là khen, trong Chinh phụ ngâm có từ “khong khen”, nhưng trong văn cảnh câu này thì là khen nịnh.

(47) Có thể hiểu nống là nói nống lên, nói quá (không thực).

(48) Nguyên bản viết chữ át遏, sửa là ngộ theo bản B cho xuôi nghĩa.

(49) Vỗ tay trong hoàn cảnh đối phương gặp vận hạn hiển nhiên là có ý mỉa mai.

(50) Giơ: giơ ra, dương lên.

(51) Có lẽ câu này diễn theo ý câu thành ngữ “ngậm máu phun người”. Chẳng cóc là chẳng ra sao cả, chả được, tức người ta chả sao cả còn chính mình thì nhơ cái lỗ miệng.

(52) Bản B: chê bai (𠾦) . Nhưng xét ra chỉ là biến âm của chê bôi hay chê vùi, chứ không hẳn là dị bản.

(53) Vực là đỡ, nâng. Kiểu nói đảo bênh vực thành vực bênh này khá cổ.

(54) Lẫn viết bằng chữ Hán miễn thể hiện cổ âm mlẫn. Khi phiên phải dựa vào văn cảnh mới hiểu người viết muốn dùng nghĩa chữ Hán (đọc ra miễn) hay nghĩa Nôm (đọc ra lẫn), văn cảnh đoạn này là chữ lẫn.

(55) Bá tay là bám tay, vin tay, ý nói sảy tay rồi thì đừng cố bám.

(56) Bản B: nói rỡ.

(57) Phiên ngỡ theo bản B. Bản A là lỡ, tức là lầm như trong từ kép lầm lỡ. Nhưng vì từ lỡ còn có nghĩa phái sinh khác nên xin phiên là ngỡ cho người đọc khỏi lầm.

(58) Câu này phải suy ngẫm kỹ mới hiểu nghĩa, để thần men dụng màng tức là mình thì không màng, ko dùng đến (không để ý) nữa.

(59) Bản B : nói nhăng. Chúng tôi nghi vấn thốt thăng là một cách nói cổ của nói nhăng của nên vẫn phiên theo bản A chứ không sửa theo bản B dù ý nghĩa rõ ràng hơn.

(60) Chi từ : chẳng từ, chẳng kể. Bầu rắn nhà vàng: chưa khảo rõ điển tích này.

(61) Bản B: rồi.

(62) Bản B : ai xoay.

(63) Nhiều nơi: nhiều chỗ, nhiều điều.

(64) Kỳ dư (Hán ngữ) : ngoài ra.

(65) Loàn đan: là vô lễ, lếu láo, bậy bạ. Từ cổ.

(66) Lớn một cơn: ý nói lớn nhanh.

(67) Lãi lờ : là đọc biến âm của lãi lời (lời và lãi)

(68) Bản TTH sửa ra Tốt tươi, sai với bản Nôm A và B, nhưng có vẻ hay hơn.

(69) No ngày là là đầy ngày (từ cổ), chứ không phải no bụng.

(70) Nở trong câu này là đẻ (nghĩa cổ còn thấy trong từ sinh nở).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường