Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Khái niệm “nghiệp” của đạo Jain qua kinh Devadaha

Khái niệm “nghiệp” của đạo Jain qua kinh Devadaha

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nguyên Sĩ
Tăng sinh Khoa Phật học Sanskrit, khóa XV, Học viện PGVN tại Tp.HCM

I. DẪN NHẬP

Sự ra đời của đạo Jain được sáng lập bởi Mahavira (600 TCN), còn gọi là Nirgrantha jñātiputra (Pāli: Nigaṇṭha Nātaputta), phiên âm Hán Ni-càn-đà-nhã-đề-tử (尼乾陀若提子). Cụ thể, chủ trương nghiệp của đạo Jain, coi trọng nghiệp nhân ở quá khứ, dùng khổ hạnh ép xác để diệt tận nghiệp. Điều này đối lập hoàn toàn với Phật giáo, từ đó đưa đến quan điểm nhận thức sai lầm về nghiệp, và chủ trương về quá trình tu tập cũng khác nhau. Người viết, nhận thấy những chủ trương về nghiệp của đạo Jain không hợp lý, đưa đến những quan điểm nhận định sai lầm về nghiệp. Vì thế chúng ta hãy đi vào nội dung của vấn đề này.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Dao Jain Mahavira

Chân dung Mahāvīra. Ảnh: https://vi.wikipedia.org/

II. NỘI DUNG

1. Tóm tắt nội dung kinh Devadaha

Kinh Devadaha, nguyên ngữ Pāli Devadaha-sutta, là bài kinh số 101, thuộc Trung Bộ kinh (Majjhimā-nikāya). Bản kinh này, hiện tương đương với Hán tạng Trung A-Hàm (Mādhyam-āgama), kinh số 19 Ni-kiền 尼[9]乾經.[1] Tuy nhiên, thể thức theo đề tài mà người viết đã dẫn trên, xin được dẫn phần tóm tắt nội dung kinh, do cố Ni sư Trí Hải soạn, và xuất bản vào năm 2002.[2] Nội dung như sau:

Tại thị trấn Devadaha của bộ tộc Sakya (Thích Ca), Phật thuật lại cho chúng tỳ kheo việc Ngài luận bại chủ trương của lõa thể ngoại đạo Nigantha (Ni-kiền Tử).

Ngoại đạo Ni-kiền Tử chủ trương: Tất cả cảm thọ vui, khổ, trung tính đều do nghiệp quá khứ. Nếu diệt nghiệp quá khứ (bằng khổ hạnh), không tạo nghiệp mới, thì tất cả nghiệp chấm dứt. Do nghiệp đoạn, khổ đoạn; do khổ đoạn, cảm thọ đoạn; do cảm thọ đoạn, tất cả khổ sẽ chấm dứt. Phật dạy, vì họ không biết gì về đời quá khứ, không biết thiện pháp hiện tại; nên thật không hợp lý chủ trương như vậy. Ví như người bị trúng tên độc cảm thọ đau đớn lúc y sĩ mổ xẻ, lúc vật dụng dò tìm chạm da thịt, lúc mũi tên được rút ra, lúc đốt miệng vết thương, lúc đắp thuốc. Khi vết thương lành, người ấy phải nhớ đã trải qua những đau khổ như thế nào, và cũng biết hiện tại mình đã khỏi bệnh, an vui.

Các Ni-kiền Tử nói: Nigantha tự xưng có tri kiến toàn diện luôn tồn tại khi đi đứng ngủ thức. Ông đã dạy tu khổ hạnh để làm mòn ác nghiệp cũ, hộ trì thân khẩu ý để tương lai không tạo ác nghiệp. Chúng tôi hoan hỉ tin nhận lý thuyết ấy. Phật dạy những gì ta tin tưởng, hoan hỉ chấp thuận, nghe đồn, xét thấy có lý, chấp nhận một quan điểm – cả năm điều ấy có thể đúng hoặc sai.

Vì chỉ có đau đớn khốc liệt khi có tha thiết tinh cần, không tinh cần thì không khổ, nên nói cảm thọ do nhân các nghiệp quá khứ là sai. Lại nữa, khổ hạnh không thể làm cho nghiệp hiện báo thành sinh báo và ngược lại; nghiệp có khổ báo thành nghiệp lạc báo và ngược lại; nghiệp đã chín thành chưa chín và ngược lại; nghiệp nhiều báo thành ít báo và ngược lại; nghiệp có báo thành nghiệp không báo và ngược lại.

Phật kết luận: Ni-kiền Tử đáng bị chỉ trích vì mười điểm: Nếu cảm giác khổ vui do nghiệp quá khứ, thì quá khứ họ đã làm nhiều phi pháp; nếu do tạo hóa họ đã có một tạo hóa hung ác; nếu do kết hợp các điều kiện, họ đã kết hợp ác duyên; nếu do sinh loại, họ bị ác sinh loại; nếu do tinh tấn hiện tại, họ đang thực hành tà tinh tấn. Nếu khổ vui không do năm nguyên nhân ấy, Ni kiền Tử vẫn đáng bị chỉ trích, vì vô cớ tự chuốc khổ.

Tinh tấn có kết quả là khi vị tỷ kheo không để tự ngã bị khổ thắng lướt, không từ bỏ lạc thọ hợp pháp nhưng cũng không bị nó chi phối. Vị ấy biết hai cách diệt trừ tham dục (nhân khổ) là tinh cần và xả. Vì khi tinh cần thì không có tham dục; cũng thế khi tu xả. Ví như có người sầu khổ vì nhiệt tình ái mộ một cô gái, khi biết vậy bèn xả tâm luyến ái và từ đấy đâm ra dửng dưng dù thấy nàng nói cười với bất cứ ai. Sự tinh cần chống lại ái dục trong trường hợp ấy được gọi là tinh tấn hợp pháp. Lại nữa nếu tự thấy lạc thọ khiến bất thiện tăng, thiện giảm, ngược lại tinh cần khiến thiện tăng, bất thiện giảm; vị tỷ kheo sẽ khổ hạnh vừa đủ để nhiếp phục tự ngã, như thợ làm tên nung tên cho dễ uốn. Sự tinh cần có kết quả là như cuộc đời Phật từ khi xuất gia đến lúc thành đạo.

Và Phật kết luận có mười trường hợp Như Lai đáng được tán thán, ngược lại với mười điều đáng chỉ trích của Ni-kiền Tử: Nếu lạc khổ do nghiệp quá khứ, Như Lai đã làm thiện hành nên nay được tối thắng lạc; nếu do tạo hóa, Như Lai đã được sinh bởi một tạo hóa toàn thiện; nếu do duyên hợp, Như Lai đã kết thiện duyên; nếu do sinh loại, Như Lai đã được thiện sinh; do tinh cần hiện tại, Như Lai đã thiện tinh tấn. Với năm giả thuyết ngược lại Như Lai cũng đáng được tán thán.

2. Quan điểm giáo lý nghiệp của đạo Jain trong kinh

Người viết sẽ nêu ra ba quan điểm, chủ trương về thuyết nghiệp, mà các sa-môn, bà-la-môn, đệ tử của Nigaṇṭha, lập luận, chủ trương, và cho rằng Nigaṇṭha Nātaputta là bậc toàn tri, toàn kiến, nên họ chấp nhận thực hành một cách mù quáng. Và các thuyết ấy sẽ lần lược nêu ra như sau.

Thứ nhất: Chủ trương thuyết định mệnh và nghiệp quá khứ.

Mở đầu bài kinh, Phật thuật lại cho các Tỳ-kheo về chủ trương nghiệp, lõa thể ngoại đạo Nigaṇṭha như sau: “Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, như lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ đoạn diệt, tất cả khổ sẽ diệt tận.”[3]

Thứ hai: Phương pháp diệt tận nghiệp.

Các đệ tử của Nigaṇṭha cho rằng, Nigaṇṭha Nātaputta là bậc có tri kiến toàn diện nên tín đồ tin nhận và thực hành một cách tinh cần, các vị ấy nói rằng: “Thưa Hiền giả, Nigaṇṭha Nātaputta là bậc toàn tri, toàn kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện như sau: ‘Dầu ta có đi, có đứng, có ngủ và có thức, tri kiến luôn luôn được tồn tại liên tục ở nơi ta’. Vị ấy nói như sau: ‘Này các Nigaṇṭha, nếu xưa kia các ông có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh thống khổ này. Chính do hộ trì thân, hộ trì lời nói, hộ trì ý. Ở đây, ngay trong hiện tại nên không làm các nghiệp trong tương lai. Với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận’. Và vì chúng tôi chấp nhận và chúng tôi kham nhẫn điều ấy nên chúng tôi được hoan hỷ.”[4]

Thứ ba: Mười thuyết tùy thuyết (tùy thuận thuyết)

Đức Thế Tôn đưa ra mười giả thuyết, mà qua đó nếu những giả thuyết này đúng với sự thật, thì sự hành trì khổ hạnh của Nigaṇṭha đáng chỉ trích: “Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân các việc làm quá khứ, lãnh thọ lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha thật sự đã làm những ác hạnh trong thời quá khứ, nên nay họ phải lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy…Này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp các Nigaṇṭha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích.”[5]

Đấy là ba quan điểm về giáo lý nghiệp mà đạo Jain chủ trương. Tuy nhiên, vì tránh trích dẫn dông dài, cho nên, người viết dẫn gọn phần thứ ba về mười tùy thuyết của nghiệp (dasa vādānuvādā); tức là, mười luận đề phụ của các học thuyết.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Dao Jain Mahavira 2

3. Góc nhìn toàn diện qua lăng kính Phật giáo

Tên kinh Devadaha, được lấy từ tên một thị trấn lớn trong vương quốc của bộ tộc Sakka (Thích-ca). Bài kinh này đức Phật dạy cho các Tỳ-kheo về những khuyết điểm, sự hành trì dựa trên giáo thuyết định mệnh mà Nigaṇṭha (Ni-kiền tử) đã thiết lập cho họ. Chúng ta sẽ luận bàn từng quan điểm sau.

Thứ nhất: Nhóm ngoại đạo Nigaṇṭha (Ni-kiền tử) cho rằng, khổ vui đều do nghiệp quá khứ tạo thành. Họ nói tất cả do quá khứ, nhưng thật ra không biết gì về quá khứ, ngay hiện tại vẫn mù mờ, thì nói chi về quá khứ. Quá khứ không biết, hiện tại mù mờ, mà bàn về tương lai là điều vô lý và phi thực tế. Ngoài kinh Trung Bộ số 101 Devadaha, ta có thể xem thêm kinh số 14-Tiểu kinh khổ uẩn (Cūḷadukkhakkhandha sutta); Tăng Chi Bộ (chương ba pháp, phẩm lớn, 61. Sở y xứ; chương 9 pháp, phẩm tiếng rống con sư tử, 13. Tôn Giả Mahākotthita); và kinh Tương Ưng Bộ (S.36.21.Sīvaka, tương ưng thọ, phẩm một trăm lẻ tám pháp môn; S.iv.230) cũng cho ta biết thông tin về sự mập mờ này. Giáo lý nghiệp của Phật giáo chỉ thừa nhận cảm thọ ở hiện tại, không có cảm thọ nghiệp ở quá khứ. Như vậy, chủ trương này là một thuyết định mệnh, ví như Thượng Đế đã sắp đặt sẵn cho con người.

Thứ hai: Sở tri hạn hẹp, chấp nhận tinh tấn thực hành một cách mù quáng, mà không có y cứ rành mạch. Phương pháp diệt tận nghiệp, bằng cách thực hành khổ hạnh, để làm tiêu mòn nghiệp, điểm này liên quan đến chủ trương mà Ni-kiền tử dạy cho các đệ tử; gồm thân phạt, khẩu phạt, ý phạt. Nhưng thân phạt có lẽ là nghiêm trọng nhất. Chúng ta sẽ thấy ý niệm về thân phạt rõ nhất, thông qua bản kinh số 56 Ưu-ba-li (Upāli sutta) thuộc Trung Bộ kinh, kinh văn đề cập: “Nigaṇṭha Nātaputta chủ trương thân phạt là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.”[6] Nigaṇṭha Nātaputta chủ trương làm tiêu mòn nghiệp, bằng cách thực hành khổ hạnh. Giáo lý của đức Phật không nói về phạt, mà Ngài nói về nghiệp; trong ba nghiệp, ý nghiệp là quan trọng nhất.

Thứ ba: Khi nhóm tín đồ của Ni-kiền tử được đức Phật cật vấn đến đường cùng, họ liền nói rằng Nigaṇṭha Nātaputta là bậc toàn tri, toàn kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện. Và đưa ra mười thuyết tùy thuyết, mười tùy thuyết này được đức Phật phê phán và chỉ trích trong bản kinh.

Tóm lại mà nói, chủ trương nghiệp của đạo Jain, thiên lệch, bi quan, chấp nhận về thuyết định mệnh, họ hành hạ thân thể đến tột cùng để từ đó khống chế tâm. Phật giáo thì ngược lại, đức Phật nêu giáo nghĩa về ý (manas). Từ ý chí mà khống chế bản thân, từ đó mới tự giải phóng con người, đạt được an lạc trong cuộc sống.

4. Nghiệp Phật giáo và những ngộ nhận

Từ chủ trương nghiệp của đạo Jain, dưới lăng kính của Phật giáo, chúng ta thử lạm bàn, và bóc tách những ngộ nhận về nghiệp trong giáo lý nhà Phật ra sao? Thời kì các bộ phái luận thuyết về chữ nghiệp, dựa trên hai hệ thống A-hàm và Nykāya rất nhiều, sự luận giải của 18 bộ phái không phải hoàn toàn mâu thuẫn, nhiều bộ phái còn có quan điểm đồng nhất với nhau. Giáo sư André Bareau trong tác phẩm “Les Sectes Bouddhiques Du Petit Véshicule, 1956” dịch sang English bởi Gelongma Migme Chodron với nhan đề “The Buddhist Sects of the Lesseer Vehicle, 2005”[7]; ông đã tổng kết một số tư liệu lên tới 23 bộ phái.

Ngày nay bao gồm cả xuất gia và tại gia, hiểu giáo lý nghiệp báo như một thuyết định mệnh; điều đó sai lầm ngay từ trong căn bản. Trong Phật giáo những người tin Phật như chúng ta có hai điều không thừa nhận. Thứ nhất: Không thừa nhận có một đấng quyền năng tối thượng tồn tại thường hằng, vị này chuyên có quyền thưởng phạt chúng sinh. Thứ hai: Không thừa nhận có một tự ngã thường hằng luôn cất giữ nghiệp của mình đã tạo. Giống như người cất giữ của cải để nhớ mà trả quả. Nhưng, không ngại khẳng định mà không sợ sai lầm, có nghiệp và nghiệp quả, không chỉ trong đời này mà hậu quả vẫn còn tồn tại đến đời vị lai.

Như chúng ta đã biết nghiệp nguyên âm Sanskrit: karma, Pāli: kamma; nghĩa là hành động có tác ý, có hành động thuộc về cá nhân, và cũng có hành động thuộc tập thể. Hành động nghiệp thuộc về tập thể, thuật ngữ Luật học gọi là yết-ma 羯磨 (karman) gọi đầy đủ karmavācanā, tức là, biện sự tác pháp 辨事作法. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ luận bàn về nghiệp của cá nhân. Nghiệp theo cách hiểu phổ thông “ăn quả nào trả quá đó” đấy chỉ nói theo sự nhận thức thông tục của thế gian, không hàm hết giáo nghĩa về nghiệp của Phật giáo. Định luật ăn quả nào trả quả đó, thì các loài động vật ăn cỏ cây, dĩ nhiên sẽ thành Chính Giác trước con người. Để minh chứng, loại bỏ những dị biệt, những ngộ nhận sai lầm, hiểu về giáo lý nghiệp báo như một thuyết định mệnh, người viết sẽ dẫn lược một số y cứ của kinh và luận sau.

Kinh Tăng Chi bộ, đề cập: “này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp: sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.”[8] Long Thọ (Nāgārjuna) luận sư nổi tiếng sống vào thế kỉ IV, với tác phẩm Trung Luận (Mādhyamaka-śāstra) chương 17-Quán Nghiệp phẩm 觀業品 (karmaphalaparīkṣā) đề cập: “cái Phật nói là tư, đó tức là ý nghiệp; được phát sinh từ tư, tức là thân khẩu nghiệp.”[9] Hoặc “pháp không mất như khoán, nghiệp bất khoán như tài vật”,[10] nghĩa là, nghiệp được thực hiện bởi thân và ngữ như món nợ, vật vay mượn. Vật vay mượn thì được biến mất sau đó, nhưng ý niệm giữa vay và cho vay không bao giờ biến mất, nên hành động bởi thân và ngữ nó sẽ mất đi trong giây phút hiện tại nhưng sẽ không bao giờ mất khi quả dị thục đã tới. Cái mà không mất đó Long Thọ ví như chứng khoán. Sau thời kì của Long Thọ, đại triết gia Thế Thân (Vasubandhu) sống vào thế kỉ V (khoảng 420-500Tl), sau Phật nhập diệt khoảng 900 năm, ông viết luận Câu-xá 阿毘達磨俱舍論 (Abhidharma-kośabhāṣya), chương 4-Phân biệt nghiệp 分別業品, kệ rằng: “thế biệt do nghiệp sinh, tư và tư sở tác; tư tức nghiệp thuộc ý, sở tác tức thân ngữ.”[11]

Qua một số dữ liệu trưng dẫn dông dài ở trên, chúng ta thấy rằng, nghiệp theo cách hiểu đơn giản nhất của Phật giáo, đó là tư nghiệp (ý nghiệp), và tư sở tác (hành động tạo tác bởi thân-ngữ thông qua sự điều khiển của ý). Nhưng quan trọng nhất là tiến trình xử lý từ nhân cho đến quả dị thục (quả báo). Có ba loại dị thục (quả báo) gồm dị thời, dị loại, biến dị. Nghĩa thứ ba biến dị là quan trọng nhất, nó hàm ý, các trạng thái hành động tạo tác từ nhân cho đến quả, phải qua một quá trình xử lý, và khi xử lý xong cho ra một kết quả không giống với nhân ban đầu đã tạo. Cũng như người nông dân trồng dưa thì cần có các kỹ thuật chăm sóc, và các loại phân bón mới cho ra được quả tốt, nhưng mục đích chính của người nông dân sau thu hoạch dưa là muốn được cái gì; ví dụ như xây nhà lầu mua xe hơi v..v. Như vậy, không thể nói rằng, trồng dưa được dưa, trồng cà được cà.

Thật sự mà nói, trong các kinh điển Nguyên Thủy thì nói có bốn bất khả tư nghị, trong đó có nghiệp, mà các chú giải và luận thì bảo, nghiệp chỉ có bậc Chính Giác mới biết rõ. Các bậc La-hán như Mục-kiều-liên, Xá-lợi-phất v.v; cũng không biết được mấy phần. Đức Phật dạy, cái gì cũng phải tự mình kiểm chứng, thấy có lợi mình, người mới làm, còn không thì không nên làm. Các bậc Đại Thánh còn như thế, thì huống gì những bậc hữu lậu [tham-sân-si] như chúng ta. Các luận giải, chú giải, thật sự làm ta rối rắm cả lên. Dù cố giải thích, trưng dẫn một cách nhập nhằng cỡ nào đi nữa, thì ta cũng không thể nào lĩnh hội hết lời Phật dạy. Bởi thế, Trung bộ kinh số 22-Kinh Ví dụ con rắn (AlagaddūpamaSuttaṃ) đề cập lời Phật dạy: “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè…Chính pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.”[12]; hoặc cũng có thể bắt gặp đoạn này trong kinh Kim Cang: “Pháp mà Ta đã nói, như là chiếc bè, pháp cần phải được xả, huống gì là phi pháp.”[13]

Để đóng khung cho lập luận này, ta phải có lập trường hiểu về nghiệp-báo một cách đầy đủ, đừng tiểu thuyết hóa giáo lý nghiệp thành một án lệ hăm dọa. Và ta sẵn sàng khẳng định rằng “dù trải qua trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo không mất; khi nhân duyên hội đủ, tự nó nhận kết quả.” Tuy không có người phán xét, không có người làm, cũng không có người nhận, nhưng có nghiệp và nghiệp quả. Điều này thật khó lĩnh hội, nhưng đó cũng chính là lời Phật dạy. Mặc dầu là lời Phật, hay không phải lời Phật dạy; nhưng phải tuyệt đối tin vào luật nhân-quả. Nghiệp thật bất khả tư nghì, không thể dùng lời văn, hoặc lời giảng độc thoại để luận giải hết được.

III. KẾT LUẬN

Đạo Jain chủ trương nghiệp là do thân làm ác nghiệp, tức là thân phạt, các cảm thọ tồn tại trong quá khứ, thân nghiệp là tối trọng, nên bây giờ phải tu hành khổ hạnh để diệt trừ. Phật giáo dưới sự giác ngộ của bậc toàn tri, toàn kiến, nghiệp được đức Phật khẳng định, do ý nghiệp. Chủ trương của đạo phật là tránh xa hai phạm trù cực đoan, đó là, ép xác khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc. Con đường thiết thực nhất là thực hành trung đạo, vượt ra ngoài hai phạm trù trên. Phật giáo không chấp nhận khái niệm về một yếu tố có thẩm quyền tuyệt đối, và siêu hình có khả năng sáng tạo con người, và những quan điểm từ việc làm của quá khứ để quyết định số phận con người. Thay vào đó đức Phật nhận định con người chính là chủ, mang yếu tố chủ đạo, yếu tố trung tâm để hình thành nên tính tính cách và số phận của mỗi người.

Giáo lý nghiệp trong Phật giáo nhằm có một hướng đi đúng đắn, với sự nhìn nhận quán chiếu trong cuộc sống, để thực hành giáo pháp của đức Phật mang lại hạnh phúc trong cuộc đời. Những lời nói, và suy nghĩ theo chiều hướng tốt đẹp nhất, để đem lại cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Chính là việc chủ động thực hiện tốt các việc làm, để chuyển hoá các nghiệp xấu, dựa trên nền tảng chính niệm trên từng phút giây, việc làm có trí tuệ để đưa đến an lạc giải thoát. Đây cũng chính là những điều cốt lõi của giáo lý nghiệp mà đức Phật đã chỉ dạy.

Tóm lại, lập trường tu tập của Phật giáo bắt nguồn từ nhận thức về nghiệp. Hiểu rõ và thực hành đúng sẽ mang lại lợi ích bản thân và mọi người xung quanh. Từ đó nhìn nhận cuộc sống chân thực hơn, không còn sự lầm chấp trong các quan niệm. Phương pháp hữu hiệu nhất đó là phát triển trí tuệ theo con đường giới-định-tuệ. Từ đó, làm nền tảng phát triển thực hành các giáo pháp của đức Phật.

Thích Nguyên Sĩ
Tăng sinh Khoa Phật học Sanskrit, khóa XV, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] 中阿含 4. Đại chính 1, no 26, p.442b.29.[9]
[2] Ni sư Trí Hải, Toát yếu kinh Trung Bộ (3). Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.
[3] Kinh Trung Bộ 2. HT. Thích Minh Châu (dịch). Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012; tr. 271.
[4] Kinh Trung Bộ 2. Tr. 275.
[5] Kinh Trung Bộ 2, tr. 279-280.
[6] Kinh Trung Bộ 1, tr.456.
[7] Xem André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu Thừa, Pháp Hiền dịch. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.
[8] Tăng Chi Bộ 3. HT.Thích Minh Châu (dịch). Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005; tr. 218.
[9] Trung luận 17. Đại chính 30, no. 1564, p.21c7.
[10] Trung luận 17, p.22b2.
[11] Câu-xá 13, Đại chính 29, no 1558, p.67b9.
[12] Kinh Trung Bộ 1, tr. 179.
[13] Kim Cang, Đại Chính 8, no 235, p.749b10.

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Ni sư Trí Hải, Toát yếu kinh Trung Bộ (3). Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.
2. Kinh Trung Bộ. HT. Thích Minh Châu (dịch). Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
3. Tăng Chi Bộ. HT.Thích Minh Châu (dịch). Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
4. Taishō Shinshū Daizōkyō (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh/大正新脩大藏經).
5. Mạng điện toán toàn cầu.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường