Trang chủ Quốc tế Khái lược Tông phái Phật giáo Won Hàn Quốc

Khái lược Tông phái Phật giáo Won Hàn Quốc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: 원불교)

Phật giáo Won (원불교), một tông phái Phật giáo mới ra đời tại Hàn Quốc vào đầu thế kỷ 20, do Đại tông sư Đạo hiệu Thiểu Thái San tục danh Phác Trọng Bân (1891-1943) sáng lập vào năm 1916.

Phật giáo Won có ý nghĩa là “ngộ ra chân lý Viên mãn”. Trong số các truyền thống tôn giáo ở Hàn Quốc, tiếp cận Phật giáo gần nhất là Phật giáo Won. Phật giáo Won là một tông phái mới xuất phát từ Phật giáo bản địa Hàn Quốc.

Phật giáo Won kế thừa từ những nguồn giáo lý đạo Phật, tập trung vào việc xây dựng cộng đồng Phật giáo tăng gia sản xuất, và hòa nhập với phong trào nông dân, công nhân và những người lao động phổ thông. Cho đến nay, rất nhiều cơ sở giáo dục và tổ chức xã hội nổi tiếng tại Hàn Quốc do Phật giáo Won thành lập và quản lý, Phật giáo Won đã phát triển thành một tổ chức thành thục, có tầm ảnh hưởng ở Hàn Quốc và từng bước lan tỏa ra ngoại quốc.

Quá trình Sáng lập và Phát triển

Vị Tổ sư sáng lập Phật giáo Won là Đại Tông sư đạo hiệu Thiểu Thái San, tục danh Phác Trọng Bân (1891-1943), sinh quán tại Yeongchon, Giyong-ri, Baeksu-myeon, Yeonggwang-gun, Jeollanam-do, Hàn Quốc, Ngài là con trai thứ ba của cụ ông Cư sĩ Phật tử Phác Thành Tam, mẫu thân là cụ bà Cư sĩ Phật tử Lưu Định Thiên.

Khi còn là còn ấu thơ, Ngài đã tỏ ra là một cậu bé thông minh lanh lợi, và chăm học. Năm lên 7 tuổi trong tâm của Ngài đã đặt nghi vấn mọi hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ và xã hội loài người.

Năm lên 11 tuổi, Ngài tham gia lễ hội “Thời Hưởng Tế”, nghe nói về sức mạnh của Sơn thần, và Ngài lưu lại Madangbawi, Dobong-gu, Seoul suốt bốn năm để dùng thần núi làm đối tượng nhằm giải quyết mối nghi của mình.

Năm lên 25 tuổi, Ngài luôn nhập đại định, miệt mài công phu tu tập tham công án, thoại đầu, tham thiền một cách miên mật và luôn trong một khối nghi tình, quên ăn bỏ ngủ, thời gian, không gian không biết tới. Vào sáng sớm ngày 28 tháng 4 năm 1916 (26/3/Bính Thìn), ở tuổi 26 xuân, Ngài đã hoát nhiên đại triệt ngộ, minh tâm kiến tính.

Các Hiệp ước Nhật Bản – Hàn Quốc năm 1910, được gọi là Điều ước Sáp nhập Hàn Quốc – Nhật Bản, được thực hiện bởi Đế quốc Nhật Bản và Đế chế Hàn Quốc vào ngày 22 tháng 8 năm 1910 (18/7/Canh Tuất). Sau đó chính thức bắt đầu thời kỳ cai trị của Nhật Bản tại Hàn Quốc. Tổ sư Thiểu Thái San cảm thấy rằng tổ quốc của mình bị thống trị bởi chủng tộc ngoại lai, các tôn giáo truyền thống mâu thuẫn với các tín ngưỡng du nhập từ phương Tây, do đó bắt đầu với cuộc sống theo chân lý đạo Phật. Sau hơn 20 năm miệt mài trong khổ hạnh, công phu tu tập tham công án thoại đầu, cuối cùng Ngài đã hoát nhiên đại triệt ngộ, minh tâm kiến tính. Phật tử của Phật giáo Won kỷ niệm thường niên vào ngày 28 tháng 4 là “Đại Giác Khai Giáo Tiết” hay kỷ niệm ngày “Phật giáo Won Đản sinh”.
Ngày này, bổn đạo thiện nam tín nữ long trọng kỷ niệm đại lễ Khánh chúc Phật giáo Won, là ngày sinh nhật chung cho cộng đồng Phật giáo Won, và năm 1916 trở thành năm đầu tiên kỷ niệm ngày “Phật giáo Won Đản sinh”.

Tổ sư Thiểu Thái San chủ trương “hiện đại hóa” và “sinh hoạt hóa” Phật giáo. Ngài luôn xem trọng Pháp thân (một trong ba thân của vị Phật, tướng vũ trụ chân lý nhân cách hóa của Phật Tổ), là một vòng tròng “O” tương tác với đối tượng tín ngưỡng, chủ trương hóa duyên các hoạt động phúc lợi từ thiện xã hội, với tiêu bản “sinh hoạt hóa Phật giáo”, nghĩa là các phật tử đang tham gia vào các ngành nghề hợp pháp, đồng thời tiến hành sự nghiệp giáo hóa. Sau khi Đại Tông sư đạo hiệu Thiểu Thái San, tục danh Phác Trọng Bân đại triệt ngộ, ban đầu Ngài có hơn 40 đệ tử, và tám người trong số đệ tử được chọn là đạt tử tiêu chuẩn xuất sắc. Cùng với đệ tử thượng thủ, Đỉnh Sơn Tống Khuê tông sư (1900-1962), người sau này trở thành Tổ sư đời thứ hai của Phật giáo Won kết thành “chín người đệ tử” của Tổ sư Thiểu Thái San.

Phong trào đầu tiên mà Tổ sư Thiểu Thái San và chín người đệ tử phát động “Tổ hợp Vận động Tiết kiệm”. Tháng 8 năm 1917, Tổ sư Thiểu Thái San cùng với các đệ tử thành lập “Tổ hợp Tiết kiệm” và phát động phong trào đời sống mới với hình thức “xóa bỏ sự phù phiếm, xóa mù chữ, thắp sáng Chính tín, Chính kiến, xua tan bóng đêm tà kiến, mê tín dị đoan, khuyến hóa không lạm dụng rượu và không hút thuốc lá, các chất làm say nghiện, phát huy đức tính siêng năng, kiên trì và tiết kiệm, chung tay góp sức cùng cộng đồng tăng gia sản xuất”. Phong trào này không chỉ nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, mà còn là giáo dục tinh thần, dạy mọi người thay đổi tư duy, lối sống. Ngay sau đó, Tổ sư Thiểu Thái San đã thực hiện dự án ngăn đập để khai hoang lấn biển, cải tạo hơn 25.000m2 đất canh tác. Mục đích của Ngài khi khởi động dự án ngăn đập này là muốn nói với thế giới rằng, thực tế đời sống vật chất và đời sống tinh thần đều quan trọng như nhau. Hai chủ trưởng trên dưới sự lãnh đạo của Tổ sư Thiểu Thái San đã trở thành nền tảng kinh tế học Phật giáo cho việc thành lập Tăng đoàn Phật giáo Won. Hiện vẫn có những trang trại tổng hợp lớn tham gia nông nghiệp, trồng trọt, vườn thảo mộc, vườn cây ăn quả. . .

Tinh thần và giáo lý cơ bản của Tông phái Phật giáo Won, Hàn Quốc được khai sinh tại Tinh Xá Bồng Lai, tỉnh Jeollabuk-do, Hàn Quốc. Vào ngày 21 tháng 8 năm 1919, khi kết thúc Pháp hội Kỳ nguyện một trăm ngày, nơi đây Tổ sư Thiểu Thái San đã thực hiện Pháp ấn Thánh sự “Bạch Chỉ Huyết Ấn” và hơn bốn năm lưu trú tại đây, Ngài đã thiết lập những giáo lý cơ bản của Phật giáo Won.

Năm 1924, Phật giáo Won đã chính thức trở thành một tông phái, một trong những tông phái của Phật giáo Hàn Quốc. Tổ sư Thiểu Thái San đã chuyển giai đoạn của các sự kiện Phật sự đến Iksan, một thành phố thuộc tỉnh Jeolla Bắc tại Hàn Quốc, và thành lập Tổng Bộ Phật giáo Won Trung Ương với danh xưng “Hội Nghiên cứu Phật pháp” tọa lạc tại phường Xinlong quận Iksan, tỉnh Jeolla Bắc, nơi có trụ sở Tổng Bộ Trung Ương Phật giáo Won ngày nay. . . Năm 1924 Phật giáo Won lấy chuẩn làm mốc kỷ niệm thường niên ngày thành lập trụ sở Tổng Bộ Trung Ương Phật giáo Won, gọi là thời đại tiên thiên và thời đại hậu thiên. Tổ sư Thiểu Thái San đã sống và hoằng dương chính pháp tại đây hơn 20 năm, sau khi thành lập trụ sở Tổng Bộ Trung Ương Phật giáo Won, giáo dục đào tạo đệ tử, bồi dưỡng giáo chức nhân viên, biên soạn giáo lý Phật học, tiến hành giáo đoàn kiến thiết kinh tế, triển khai việc vận động giáo hóa tín đồ, đặt nền móng cho thành lập và phát triển của Tổng Bộ Trung Ương Phật giáo Won.

Tổ sư Thiểu Thái San được chính quyền Đế quốc Nhật đương thời tôn xưng là “Thánh Gandhi của Hàn Quốc” và Ngài đã viên tịch vào ngày 01 tháng 06 năm 1943, trụ thế 53 xuân.

Sau đó, đại đệ tử Đỉnh Sơn Tống Khuê tông sư nhận giáo chỉ kế truyền ngôi vị đệ nhị Tổ sư tông phái Phật giáo Won. Năm 1947, Đỉnh Sơn Tống Khuê tông sư với tư cách người đứng đầu tông phái Phật giáo Won, đã dùng trí lực trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, cống hiến hết mình cho việc mở rộng hoạt động cứu tế. Ngay sau khi bán đảo Triều Tiên được khôi phục, với sự nghiệp kiến quốc, Ngài đã thảo kế hoạch một loạt dự án xây dựng đất nước đã được khởi động như giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại bởi chiến tranh, phổ biến Quốc ngữ tiếng Hàn và và vận động xây dựng các Cô Nhi viện.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khai Luoc Tong Phai Phat Giao Won Han Quoc 2

Năm 1953, lần đầu tiên được triệu tập tổ chức Đại hội Thánh nghiệp Phụng tán, Đỉnh Sơn Tống Khuê tông sư bày tỏ quyết tâm kế thừa Thánh nghiệp của Tổ sư Thiểu Thái San, và quyết tâm phát triển và mở rộng tông phái Phật giáo Won. Mặc dù Thủy tổ Thiểu Thái San khai sáng, nhưng tông phái Phật giáo Won có thể phát triển đến quy mô như ngày nay là nhờ đệ nhị Tổ Đỉnh Sơn Tống Khuê tông sư.

Năm 1962, đệ nhị Tổ Đỉnh Sơn Tống Khuê tông sư viên tịch, Đại San Kim Đại Cử (1914-1998) nhận giáo chỉ kế truyền ngôi vị đệ tam Tổ sư tông phái Phật giáo Won. Năm 1971, Phật giáo Won tổ chức Đại hội kỷ niệm 55 chu niên Ngày thành lập tông phái. Tháng 4 năm 1991, Pháp hội được tổ chức để kỷ niệm 100 chu niên Ngày Đản thần của Sơ tổ tông phái Phật giáo Won Thiểu Thái San (1891-1991), Pháp hội tuyên bố rằng, sự suy thoái đạo đức của xã hội đương thời cần được cải biến, diện mạo về tinh thần của thế nhân cần được khôi phục, kiến lập một thế giới nhất nguyên “Cực lạc Nhân gian”, hoằng dương văn hóa nhất nguyên “Văn hóa Phật giáo Won”.

Năm 1998 (Mậu Dần), đệ tam Tổ sư Đại San Kim Đại Cử viên tịch, Đại sư Quảng Tịnh (1936-2006) nhận giáo chỉ kế truyền lãnh đạo đời thứ tư tông phái Phật giáo Won. Năm 2006 (Bính Tuất, tông phái Phật giáo Won mở ra kỷ nguyên mới của thế hệ thứ năm Pháp sư Canh San Trương Ưng Triết (1930) kế tục phát triển. Ngày nay tông phái Phật giáo Won được quản lý bởi Trụ sở Tổng Bộ Trung Ương Phật giáo Won ở thành phố Iksan, Jeollabuk-do, thống quản giáo đoàn, và các cơ sở tự viện khác nhau ở nhiều nơi.

Tổ chức cơ cấu quản lý tập trung giáo quyền bởi vị lãnh đạo tối cao của tông phái Phật giáo Won, bao gồm các tổ chức hội đoàn, Hội đồng Trung ương Tông phái, các ủy viên Hội đồng Trung ương Phật giáo Won.

Điểm nổi bật của tông phái Phật giáo Won là số lượng đa số nữ giáo chức nhân viên. Tông phái Phật giáo Won ngày nay có hơn 1.300 giảng sư Phật học, trong đó hơn 80% là nữ cư sĩ. Những vị nữ giảng sư Phật học này là những nữ cư sĩ sống độc thân. Họ mặc trang phục màu đen vào mùa đông và mặc trang phục màu trắng vào mùa hè, đầu tóc búi, trang phục và phong cách rất mới mẻ. Sơ tổ tông phái Phật giáo Won, Thiểu Thái San đã tập trung vào việc cải thiện quyền nữ giới kể từ thời kỳ truyền giáo, và tuyển dụng nữ cư sĩ trong nhiều lĩnh vực của tổ chức tông phái Phật giáo Won.

Năm 1931, quyết nghị tối cao của Hội đồng Tổng Bộ Trung ương Phật giáo Won, cơ cấu hội đoàn nam, nữ cư sĩ Phật tử được xuất hiện, và có đến 9 nam, nữ cư sĩ phật tử xuất sắc được sắp xếp cho mỗi người ở những vị trí trong tổ chức. Ngoài ra, nữ cư sĩ phật tử tích cực tham gia đi đầu trong sứ mệnh truyền giáo, vì vậy có nhiều nữ cư sĩ phật tử trong tổ chức tông phái Phật giáo Won.

Trong số 12 hệ thống tôn giáo mới nổi được thành lập tại lãnh thổ Hàn Quốc, hầu hết các tôn giáo đã có hiện tượng chia rẽ nghiêm trọng, thậm chí một số tôn giáo do nội bộ chia rẽ đã tách thành hàng chục giáo phái. Nhưng tông phái Phật giáo Won vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay, đây là nét đặc trưng để phân biệt giữa Phật giáo Won với các tôn giáo khác.

Giáo lý căn bản

Giáo lý căn bản của tông phái Phật giáo Won là hệ thống trật tự cơ bản của vũ trụ, nhân sinh, và chân tướng cuộc sống viên mãn của Pháp thân Phật, một chân lý Won, (biểu tượng vòng tròn) là đối tượng của niềm tin và tiêu chuẩn của sự tu hành, thông qua tu hành Tứ trọng ân, Tam vô lậu học và Tám giới, hoàn thành bồi dưỡng nhân cách, kiến thiết thế giới Cực lạc quảng đại vô biên. Đây là lý tưởng tối cao của Phật giáo Won.

Giáo lý Phật giáo Won được phân bởi niềm tin pháp môn tu hành Chân không Diệu hữu và Nhân Quả Báo Ứng. 1. Chân không Diệu hữu: bao gồm Tam vô lậu học: Giới (Giới luật), Định (Thiền định), Tuệ (Bát nhã) tức Tam vô lậu học (tinh thần tu dưỡng, nghiên cứu lý sự, hành vi và lựa chọn), Tám giới (tiêu diệt tham, sân, si, mạn, nghi, giải đãi, bất tín, phẫn nộ) và động tịnh chẳng lìa thiền định (thiền định trong bất cứ mọi lúc, mọi nơi). 2. Nhân Quả Báo Ứng: hành môn gồm Tứ trọng ân (Ân trời đất, Ân cha mẹ, Ân đồng bào, Ân Pháp luật), tứ yếu (tự lực dưỡng sinh, cương vị của bậc trí giả, nữ nhân giáo dục con người ta, tôn thờ công lý) và báo ân tức cung kính đức Phật (khắp nơi đều có Phật tượng, mỗi sự kiện đều cúng dường đức Phật).

Đệ tam Tổ sư Đại San Kim Đại Cử đề xuất đối giáo nội “Tự chủ lực Tinh thần, Tự chủ lực Thể chất, Tự chủ lực Kinh tế”, đối giáo ngoại, ba phương châm “tại gia, xuất gia, ái quốc (gia), tế thế (giới)” và biểu hiện bốn yếu tố của Phụng Công Hội.

Quy Tắc Phụng Công hội thuộc Giáo khu Jeolla Bắc

Chương thứ nhất (Tổng Quy tắc)

Điều 1: Danh xưng

Căn cứ Điều 5 Quy tắc của Hội đồng Tổng Bộ Trung ương Phật giáo Won, Phụng Công hội thuộc Giáo khu Jeolla Bắc (được đặt danh xưng).

Điều 2: Theo tinh thần “Đại đạo Nhất viên”, Bản hội cam kết để giúp nhân loại giảm thiểu các thảm họa bởi nạn mù chữ, nghèo đói, bệnh tật và thiên tai. Phục vụ đạt chỉ tiêu hoàn hảo trên ba phương diện Tinh thần, Thể chất và Vật chất, và mục đích là vận hành hiệu quả bởi sự điều hành của Hội đồng Tổng Bộ Trung ương Phật giáo Won, Phụng Công hội thuộc Giáo khu Jeolla Bắc.

Điều 3: (Các bộ phận xử lý Văn phòng) trực thuộc Ban Thư ký Giáo khu Jeolla Bắc, Phật giáo Won.

Điều 4: (Tổ chức) Phiên họp toàn thể bao gồm liên kết của mỗi thành viên cộng đồng tăng già thuộc Giáo khu và Phụng Công hội.

Chương 2: Hội viên

Điều 5 (Tư cách Hội viên) Các Hội viên của Hiệp hội này là Hội viên của mỗi Giáo đường thuộc Phụng Công hội, và có thể là những Hội viên đặc biệt.

Điều 6 (Hội viên đặc biệt) Là những Hội viên đã đạt được thành tích đóng góp cho Hiệp hội, phục vụ đạt chỉ tiêu hoàn hảo trên phương diện Tinh thần, Thể chất và Vật chất.

Chương 3: Hội viên Đảm nhiệm

Điều 7: (Hội viên Đảm nhiệm) Mục đích để thực hiện hiệu quả của Hiệp hội này, các Hội viên sau đây sẽ được bổ nhiệm.

1. Chủ tịch, một người

2. Chỉ đạo Giáo vụ, một người

3. Hội trưởng, một người

4. Các vị Phó Hội trưởng

5. Tổng vụ, một người

6. Tài vụ, một người

7. Kiểm soát viên, hai người

8. Chủ tịch; Người đứng đầu Giáo khu, điều hành phật sự, chủ tọa các phiên họp tăng sự.

9. Hội trưởng; đại diện và tiếp quản các phật sự của hội, dưới sự điều phối của Giáo khu và Hội đồng Tổng Bộ Trung ương Phật giáo Won.

10. Phó Chủ tịch; giúp Chủ tịch chỉ đạo xử lý thường xuyên các công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Chủ tịch, thường trực để giúp Chủ tịch chỉ đạo, giải quyết công việc khi Chủ tịch đi vắng.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khai Luoc Tong Phai Phat Giao Won Han Quoc 1

Logo Phật giáo Won Hàn Quốc

Ý nghĩa Logo Vòng tròn của Phật giáo Won

Thông thường bổn đạo phật tử đến chùa để tham dự các pháp hội định kỳ vào mỗi Chủ nhật. Ngay khi bước vào chùa thuộc cơ sở của Phật giáo Won, quý phật tử sẽ nhìn thấy một vòng tròn lớn, vòng tròn này có một danh tự rất đặt biệt “Một vòng tròn”. Sau khi Tổ sư Thiểu Thái San, người sáng lập Phật giáo Won, đại triệt ngộ chân lý tối hậu, Ngài dùng hình tướng vòng tròn “O” để chỉ cho mọi người. Là biểu tượng của chân lý, đồng thời là biểu tượng của Phật giáo Won.

Ba chữ “Một vòng tròn” với nội hàm sâu sắc của nó. Trước hết, “nhất” có nghĩa là “Tuyệt đối”, tức chân lý độc nhất vô nhị, tuyệt đối hơn là tương đối, và mọi thứ trên đời đều bắt đầu từ “Nhất”. “Nhất” là căn bản của chân lý, và là nền tảng của mọi sự sống. “Won” tức “Viên mãn”, “Won” bao hàm vạn vật, mà không có bất kỳ cạnh, góc nào. Bất luận không gian hay thời gian, “Won” luôn viên mãn và vĩnh hằng. Cái gọi là “Tướng” là chỉ mô dạng hoặc tượng trưng, tức là sự mô dạng của chân lý thường được dùng “Tướng” để biểu hiện. Nói cách khác “Tướng” để tỏ rõ chân lý, và hình thái tâm linh Phật Tổ.

Đoạn nêu trên “Nhất”, “Won” tổng hợp lại bao gồm, ý nghĩa là “mô phỏng tướng trạng của chân lý tuyệt đối”. Vậy chân lý cứu kính này phải được diễn đạt như thế nào? Làm thế nào để chúng ta có thể trình bày một cách trực quan về chân lý khó hình dung và ngôn ngữ khó diễn đạt này? Đối với nghi vấn trên, Tổ sư Thiểu Thái San đã trình bày ba chữ “Một vòng tròn”. Vì vậy, ba chữ “Một vòng tròn” đã trở thành sự chứng thực của chân lý và dần dần trở thành chân lý.

Tất yếu của Tứ ân là gì

Tứ Ân dựa trên sự nhận thức cụ thể về Chân lý “Một vòng tròn”, để hiện thực hóa Tứ Ân, “Ân Trời Đất”, “Ân Cha Mẹ”, “Ân Đồng bào”, Ân Pháp luật”. Nội hàm cơ bản của tư tưởng “Tứ Ân”:

Ân Trời Đất: “Trời Đất” là thế giới tự nhiên. Giáo nghĩa nhấn mạnh “Không có Trời Đất thì không có sinh linh”, sự sinh thành của nhân loại không thể tách rời thế giới tự nhiên, không khí, ánh sáng mặt trời, không thể tách rời đại địa và vũ thủy. “Trời Đất có Đạo với Đức”, sự biểu hiện của quy luật tự nhiên, quang minh công chính. Thuận theo tự nhiên để duy trì sự sống. Báo Ân Trời Đất là “Tuân theo đạo lý của Trời Đất” tức là y cứ vào đường đại địa, nghiên cứu vạn sự vạn lý, dung thông vô ngại, nên tư tưởng hành vi hợp với mệnh trời, để đạt đến “Trời đất và Ta chẳng khác, Ta tức là Trời đất, Trời đất tức là ta” luôn tương tức giữa Trời, Đất, Người và được tôn trọng.

Ân Cha Mẹ: “Không có cha mẹ thì không có sinh mạng này”, cha mẹ sinh thành dưỡng dục, dạy dỗ, giúp đỡ con cái nên người có được năng lực và tính tự lập. Báo ân Phụ Mẫu, là phải “biết báo ân cha mẹ khi tuổi cao sức yếu, giúp song thân hiểu được đạo lý, đích thân mình tận lực để bảo hộ khi song thân không còn tự lực được”. Về hành động, một mặt phải tự mình phụng dưỡng cha mẹ, mặt khác còn phải “Tận lực để hỗ trợ cha mẹ của người khác, đối đãi giống như cha mẹ của mình, những người già không nên nương tựa”. Đây là thể hiện tính nhân văn cao quý đáng được trân trọng.

Ân Đồng bào: Đồng bào một trong “Tứ Ân”, không chỉ những người cùng quốc gia dân tộc, anh chị em cùng cha mẹ, mà là tất cả những người cùng chung sống nương tựa vào nhau trong cộng đồng xã hội, nhân loại thế giới cùng giúp đỡ lẫn nhau. Đồng bào có sự phân công lao động, nông nghiệp, giáo dục và kinh doanh, nghề nghiệp là lĩnh vực hoạt động khác nhau. Bởi con người, cầm thú, thảo mộc đều cung cấp và hỗ trợ lẫn nhau, theo nghĩa này, cầm thú, thảo mộc cũng là đồng bào. Báo đáp công ân của đồng bào là phải công bằng hợp lý, tự lợi, lợi người, đôi bên cùng có lợi khi tham gia vào các ngành nghề khác nhau, đồng thời không nên vô duyên vô cớ cố ý làm tổn thương thảo mộc, sát hại cầm thú.

Ân Pháp luật: Pháp luật thường đề cập đến các định chế của cơ quan Lập pháp, và được bảo chứng bởi quyền lực quốc gia. Quy định Pháp luật của tổ chức Phật giáo Won có ý nghĩa cụ thể, “Các quy tắc chính nghĩa công cộng của con người, được gọi là Pháp luật”. Dưới góc độ nội dung của Pháp luật, thực chất Pháp luật bao gồm các chuẩn tắc luân lý, quy phạm đạo đức, và các quy tắc ứng xử do Pháp luật quy định, tức là tất cả các quy tắc công bằng hợp lý, chính nghĩa và nhân đạo. Báo ân Pháp luật là kiên quyết không vi phạm Pháp luật, mạnh dạn khuyến khích tuân thủ Pháp luật, Có như thế thì cá nhân mới hoàn thiện được nhân cách, xã hội trật tự, thế giới ổn định, an lạc hạnh phúc.

Thông qua “Tứ Ân” mối quan hệ giữa thế giới và bản thân là một loại ân huệ, vì vậy Tứ Ân khiến con người khẳng định với cái nhìn tích cực về thế giới quan và nhân sinh quan.

Trên tinh thần “Tứ Ân” như một điểm tựa vững chắc, dùng luân lý đạo đức bình đẳng để cứu thế giới, đưa xã hội nhân loại tiến bộ và phát triển bốn loại cương lĩnh hành động. Bốn yếu tố bao gồm “Tự lập dưỡng thành” (phát triển bản thân và tự lực cánh sinh), “Bản vị Trí giả” (người có học vấn khởi đầu dẫn đạo và vận dụng sở học đông tây vào cuộc sống), “Giáo dục con cái” (bất phân bỉ thử, cộng đồng cùng nỗ lực giáo dục con cái, “Tôn thờ Công lý” (Ưu đãi những người cống hiến hết mình cho phúc lợi công cộng).

Tam học, Bát điều là gì

Tam học là dùng chân lý Won (một vòng tròn) làm cơ sở, để trau dồi một nhân cách hoàn hảo dựa trên lộ trình học tập ba điều. Cụ thể “Tu dưỡng Tinh thần”, Nghiên cứu Sự lý”, “Tác nghiệp thủ xả”. Bát điều gồm có hai phần, phần một là “Tín”, “Phẫn”, “Nghi”, “Thành” xúc tiến tu hành Tam học, phần lại là “Bất tín”, “Tham dục”, “Lãn”, Ngu”, các điều này trở ngại việc tu hành Tam học.

Tóm lại, trên thế gian này bất kể là ai, chỉ cần bằng cách thực hành niềm tin Tứ trọng ân, tu hành Tam vô lậu học, Tám giới, sự hợp nhất hoàn hảo với chân lý của “Một vòng tròn” và trở thành người cao quý, để kiến thiết một cực lạc nhân gian thông qua chân lý của “Một vòng tròn”, đây là cốt lõi của Phật giáo Won.

Giáo lý cơ bản và Khẩu hiệu

“Vật chất đã được phát triển, nhưng tinh thần cần được phát triển”

Khẩu hiệu này thể hiện khái niệm đầu tiên của Phật giáo Won, và là khẩu hiệu khởi nguyên của Phật giáo Won. Sau khi đại triệt ngộ, minh tâm kiến tính, Tổ sư Thiểu Thái San đã khảo sát kỹ lưỡng tình hình xã hội đương thời và đời sống của người dân, và đi đến kết luận rằng văn minh vật chất và văn minh tinh thần nên phát triển một cách đồng bộ và cân bằng. Có nghĩa là, chỉ khi một thời đại văn hóa tinh thần và văn minh vật chất song hành với nhau, thì chúng ta mới có thể thành tựu được một thế giới hòa bình, an lạc hạnh phúc.

“Khắp nơi đều có hình ảnh đức Phật, mỗi sự kiện đều cúng dường chư Phật”

Khẩu hiệu này có nghĩa là Phật thị hiện cùng khắp mọi nơi trên thế gian này, vì vậy mỗi sự kiện trên tinh thần “Cúng dường chư Phật”. Khẩu hiện này thể hiện tốt các đặc sắc của sự tiến bộ bởi niềm tin và sự tu hành của Phật giáo Won. Xứ xứ Phật tượng là tư thái niềm tin lý tưởng, có nghĩa là vạn vật trên thế gian đều là hóa thân của Đức Phật. Và “Mỗi sự kiện là cúng dường Đức Phật” là tư thái lý tưởng thực hành, có nghĩa là mỗi khi đối đãi, mỗi sự kiện đều thành tâm đối với Phật Tổ.

“Tất cả thời gian là Thiền, tất cả không gian là Thiền”

Khẩu hiệu này có nghĩa là bất kể khi nào và ở đâu, bạn vẫn không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian và thường trong tu tập thiền định.

“Động Tịnh đều nhất như”

Khẩu hiệu này có nghĩa là phải có biện pháp điều chỉnh động và tĩnh. Giữa hai trạng thái động và tịnh phải luôn thủy chung nhất trí và chẳng tách rời “Đạo”.

“Kiện toàn Thể chất và Tinh thần”

Khẩu hiệu này đề cập đến sự phối hợp phát triển, kiện toàn về thể chất và tinh thần kiện khang của con người. Đây cũng là một trong những đặc điểm của Phật giáo Won với tư cách là một sinh hoạt tôn giáo. Từ khẩu hiệu này, chúng ta có thể thấy những tính thực tiễn, tính thực học, tính thực chứng và tính thực dụng của Phật giáo Won.

“Cuộc sống là Phật pháp, Phật pháp là cuộc sống”

Khẩu hiệu này hiệu triệu mọi người đề cao chất lượng cuộc sống, và đến gần với chân lý Phật pháp trong cuộc đời mình. Đó là dạy mọi người đừng nhìn cuộc sống và đạo Phật khác nhau, mà hãy nhìn giữa Đạo và Đời luôn tương ưng nhất thể, và cuối cùng đạt được sự hài hòa. Tổ sư Thiểu Thái San vận động phong trào cải cách Phật giáo dựa trên tông chỉ này và sáng lập tông phái Phật giáo Won. Mục đích cuối của của khẩu hiệu “Cuộc sống là Phật pháp, Phật pháp là cuộc sống” là để bồi dưỡng sinh hoạt Phật pháp trong đời sống thường nhật, kiến thiết thế giới Phật quốc, thông qua việc hoạt động tôn giáo và đời sống tôn giáo hóa.

“Thực hành Lý Sự tương quan”

Tư tưởng Thực hành Lý Sự tương quan của các tôn giáo, cho thấy cuộc sống đạo Phật là phương hướng phát triển giữa đạo và đời. Theo phương hướng này, việc tu dưỡng tôn giáo và đời sống thường nhật được phát triển một cách đồng bộ và thống nhất. Đạo Phật không thể tách rời hiện thực, cũng không thể chối bỏ thực tại, và không có thái độ tiêu cực đối với cuộc sống thực tại. Tôn giáo nên trở thành một đạo sống bằng cách cải tạo thành một loại sinh hoạt tôn giáo hiện thực.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khai Luoc Tong Phai Phat Giao Won Han Quoc 3

Điển tịch

Sau khi Tông sư Thiểu Thái San đại triệt ngộ, minh tâm kiến tính, Ngài đã hạ bút viết một cuốn “Chính điển” là một bộ điển tịch tối quan trọng của tông phái Phật giáo Won. Ngoài ra, tông phái Phật giáo Won còn trước tác một bộ sách quan trọng là tác phẩm “Đại Tông Kinh”, quyển ngữ lục ghi những danh ngôn của các bậc đại tông sư dạy đệ tử. Ngoài ra, có sáu tác phẩm điển tịch, tổng cộng là tám tác phẩm. Đó là “Chính điển”, “Đại Tông Kinh”, “Phật Tổ Yếu Kinh”, “Lễ Điển”, “Thế Điển”, “Pháp Ngữ”, “Sử Phật Giáo Won”, “Thánh Ca Phật Giáo Won”. Các thế hệ sau đã kết hợp tám tác phẩm điển tịch này thành một bộ sách “Phật Giáo Won Toàn Thư”.

Nhân viên Thánh chức và Giáo đồ

Phật tử tông phái Phật giáo Won được chia thành hai hạng: phật tử xuất gia và phật tử tại gia. Phật tử tại gia không thoát ly với cuộc sống gia đình, lao động, sản xuất, đồng thời tin tưởng và thực hành Phật pháp theo tôn chỉ Phật giáo Won, thực hiện các nghĩa vụ của một tông đồ của Phật giáo Won. Người phật tử xuất gia như là một giáo chức chuyên môn phụ trách các hoạt động của giáo đoàn Phật giáo Won. Các Thánh chức của Phật giáo Won có nền tảng chuyên môn và cũng được gọi là nhân viên giáo chức. Là một phật tử xuất gia, nhà sư chỉ phục vụ và phụng hiến hiệu lực cho giáo đoàn cả về tinh thần lẫn thể chất. Nền tảng chuyên vụ có thể được chia thành ba loại: Giáo vụ, Đạo vụ và Đức vụ theo nguyện vọng của mỗi cá nhân, tính cách, công việc và vai trò của họ. Giáo vụ: phụ trách giảng thuyết giáo lý đạo Phật, tổ chức các nghi lễ quan trọng trong Phật giáo, trong khi đảm nhận nhiệm vụ giáo hóa một cách toàn diện, họ cũng tham gia tham gia vào các công tác Phật sự chung của tông phái. Đạo vụ: chỉ phụ trách công tác giáo dục, hành chính, từ thiện, nghiên cứu, kỹ thuật, y tế và các lĩnh vực chuyên môn khác. Đức vụ: chịu trách nhiệm về lĩnh vực lao động và kỹ năng.

Sự nghiệp Xã hội

So với các tôn giáo khác, sự phát triển của Phật giáo Won rất ấn tượng. Bởi nguyên nhân của Phật giáo Won không quan trọng hoạt động tôn giáo thuần túy, mà đã thực hiện một loạt các hoạt động tự lực kinh tế bên cạnh các hoạt động truyền giáo, và tích cực phát triển các chủ trương của xã hội tân thời. Ngay từ khi buổi bình mình, khi sáng lập Phật giáo Won đã đặt mục tiêu trở thành một tổ chức đoàn thể Phật giáo vì mục đích lợi ích chung cho cộng đồng xã hội. Tổ sư Thiểu Thái San đề xuất rằng: “Mục tiêu của sự nghiệp hành đạo của chúng tôi là cùng nhau thăng tiến trong giáo dục “tinh thần tu dưỡng tâm linh”, Giáo dục “Bồi dưỡng ba yếu tố Đạo đức, Nhân cách và Tri thức”, Từ thiện “Cứu tế những hiện thực hoàn cảnh nhân sinh đang trong khó khăn” ba việc trợ giúp hàng đầu cùng tinh tiến” và cam kết đã và đang làm việc trên. Sau khi Tổ sư Thiểu Thái San viên tịch, sự nghiệp giáo hóa, giáo dục, từ thiện đã đạt được sự phát triển đại quy mô. Ngày nay Phật giáo Won đã thực hiện tinh thần thực dụng thông qua ba đại sự nghiệp này, và nỗ lực đạt được các mục tiêu tham gia xã hội, cải cách xã hội và công bằng xã hội.

Sự nghiệp Giáo hóa

Phật giáo Won tại Hàn Quốc có 20 Giáo khu và hơn 520 cơ sở tự viện Phật giáo, ở ngoại quốc có bốn Giáo khu, hơn 20 cơ sở tự viện Phật giáo tại 14 quốc gia trên thế giới, để thực hiện mạnh mẽ, triển khai các hoạt động Phật sự giáo hóa. Đặc biệt, một phần sự nghiệp giáo dục tại các quốc gia trên thế giới, Phật giáo Won đã bổ xứ các giảng sư đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Nga, Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác; và thành lập trường Đại Phật học Wonkwang School tại thành phố New York, Hoa Kỳ, Viện Huấn Lyện Quốc tế tại Hawaii, Trung tâm Phật giáo Won Dharma center, được xây dựng trên diện tích 426 mẫu Anh tọa lạc thượng lưu sông Hudson, Columbia, New York, Hoa Kỳ, nơi chịu trách nhiệm chính về việc giáo dục và đào tạo tông đồ Phật giáo tại nước ngoài.

Đáng chú ý nhất trong số cơ sở giáo dục đào tạo ở nước ngoài là Học viện Phật giáo Won ladelphia, một trong những thành phố quan trọng và cổ xưa nhất của Hoa Kỳ, đây là ngôi trường giáo dục đào tạo chính quy được thành lập với sự cho phép của chính quyền sở tại, được quyền cấp bằng học vị, đây là ngôi trường Đại học duy nhất được thành lập tại Hoa Kỳ bởi giáo đoàn Phật giáo Won, tôn giáo dân tộc Hàn Quốc.

Tại Đại Hàn Dân Quốc, Phật giáo Won đã thành công qua các hoạt động tôn giáo khác nhau, đã phá vỡ rào cản giữa các tôn giáo khác nhau Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành . . ., cùng tồn tại hòa hợp với các giáo phái khác và cùng nhau phát triển trong khối cộng đồng thịnh vượng.

Về phương diện hoạt động mang tính quốc tế, Phật giáo Won hoạt động trong các liên hiệp tôn giáo thế giới “tổ chức Thế giới Tôn giáo vì Hòa bình”, Liên Tôn giáo Châu Á vì hòa bình, Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists, Liên đoàn Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Alliance, và các thành viên chính thức khác, mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác tôn giáo quốc tế.

Sự nghiệp Giáo dục

Dựa trên sự phát triển của thế giới, sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại, Phật giáo Won đã thành lập các trường Đại học; Đại học Wonkwang University, Viện Đại học Phật giáo Won, Đại họcWon Buddhism Graduate School, Đại học Wonkwang Health Science University, Iksan-si, Jeollabuk-do, Hàn Quốc. Ngoài ra, Phật giáo Won đã kiến tạo 9 cơ sở giáo dục Cao đẳng, Trung học, hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non. Thông qua các cơ sở giáo dục đào tạo này, Phật giáo Won đã thực hiện một loạt các hoạt động bồi dưỡng nhân tài, khuyến học, đồng thời thành lập 4 pháp nhân trường học để thống nhất quản lý các cơ sở giáo dục này. Điều thú vị là Phật giáo Won còn đặc biệt thành lập ba trường chuyên môn Alternative School, chỉ tiếp nhận những em được gọi là “Học sinh có vấn đề” không thể thích nghi với cuộc sống học đường bình thường.

Sự nghiệp Từ thiện

Là một phần của hoạt động từ thiện, Phật giáo Won đã thành lập các cơ sở phúc lợi cá biệt, và các viện phúc lợi xã hội toàn diện, thành lập Bệnh viện Đa khoa Donghwa, Hàn Phương Y Viện, Bệnh viện Bohwadang Oriental Medicine Clinic và các hoạt động y tế khác, đồng thời thực hiện các hoạt động phúc lợi xã hội khác.

Sự nghiệp Văn hóa

Ngoài ba đại sự nghiệp trên, Phật giáo Won còn tích cực đẩy mạnh phát triển các sự nghiệp văn hóa. Là một phần của các sự nghiệp văn hóa, Phật giáo Won đã xuất bản nhiều tờ báo khác nhau, các tin tức Phật giáo, ấn phẩm học thuật như Phật giáo Won Tân văn, Học thuật San vật, Luận Văn tập, Tùy Bút tập.v.v. . . và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác nhau như (Âm nhạc, Mỹ thuật, Quốc nhạc, các trò chơi dân gian, v.v. . .) mưu cầu sự thịnh vượng chung và phát triển các sự nghiệp văn hóa thông qua các hoạt động này.

Ngoài ra, các tổ chức thông tin truyền thông Phật giáo Won thông qua các báo đài, “Phật giáo Won Tân văn”, và “Tạp chí Nguyệt san Viên Quang”. Các tổ chức xuất bản bao gồm “Viên Quang xã”, “Chính Hóa xã”, có cơ sở in ấn toàn diện, chịu trách nhiệm xuất bản, “Nhà Xuất bản Phật giáo Won”, “Nhà Xuất bản Đông Nam Phong”. Các cơ sở Hàn lâm bao gồm “Viện Nghiên cứu Tư Tưởng”, “Sở Nghiên cứu Vấn đề Tôn giáo”. Các tổ chức chịu trách nhiệm quảng bá và giáo dục văn hóa nghệ thuật bao gồm, các Nghệ sĩ Giáo đường và Đoàn Nghệ thuật Nhi đồng Viên Hoa. Các cơ quan chịu trách nhiệm phát sóng bao gồm đài truyền hình và đài phát thanh.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Phật giáo Won bao gồm, Lễ hội Dân gian dành cho Nhi đồng vào ngày 5 tháng 5 thường niên, và Lễ hội Mỹ thuật Phật giáo Won. Ngoài ra, các hoạt động đa dạng hóa học thuật như Hý kịch, Xướng kịch, Vũ đạo phong phú đa dạng được tổ chức thường xuyên.

Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: 원불교)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường