Trang chủ Hệ pháiCác Hệ phái khác Kệ phái Liễu Quán trong quá trình hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Kệ phái Liễu Quán trong quá trình hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Kệ phái Liễu Quán do Thiền sư Liễu Quán khởi xướng đã có sức sống mạnh mẽ, vững vàng không chỉ vì tôn chỉ, phương pháp thiết thực mà điều quan trọng là luôn hướng về dân tộc, đưa Phật giáo gần lại với con người Việt Nam, hòa vào văn hóa chung của dân tộc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Kệ phái Liễu Quán do Thiền sư Liễu Quán khởi xướng đã có sức sống mạnh mẽ, vững vàng không chỉ vì tôn chỉ, phương pháp thiết thực mà điều quan trọng là luôn hướng về dân tộc, đưa Phật giáo gần lại với con người Việt Nam, hòa vào văn hóa chung của dân tộc

ThS. Nguyễn Thanh Hải
Pháp danh Quảng Trí, học viên sau Đại học Học viện Phật giáo tại TP.HCM, hiện đang công tác tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là trong sự đồng thuận với nguyện vọng chân chính của Tăng, Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội và các hệ phái Phật giáo trong cả nước. Quá trình thống nhất từ chín hệ phái và giáo hội Phật giáo đương thời để tiến tới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một công việc không đơn giản. Các Ban Liên lạc, Ban Vận động được thành lập với mục tiêu thống nhất ý tưởng, nguyện vọng tín đồ Phật giáo để phát triển đạo pháp nước nhà. Trong đó sự đóng góp công sức của chư Tôn Hòa thượng trong các hệ phái và tổ chức giáo hội là không nhỏ. Đặc biệt hơn là sự đóng góp của chư Tôn Kệ Phái Liễu Quán trong quá trình thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Kệ Phái Liễu Quán; Phật giáo Việt Nam; Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

I. KHÁI QUÁT

Đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập vào Việt Nam, đồng thời hòa quyện vào văn hóa dân tộc tạo nên nét đặc trưng riêng riêng của đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có những thời kỳ Phật giáo được coi là Quốc giáo, những cũng có thời kỳ Phật giáo đứng trước những chướng duyên, thế nhưng “dòng mạch” như giáo lý nhà Phật vẫn không bao giờ đứt. Điều đó khẳng định rằng các tín đồ của Phật giáo, dù trong hoàn cảnh nào, luôn có một niềm tin mãnh liệt vào triết lý nhà Phật, vào sự đồng thuận của Tăng Ni và sự hòa hợp của đông đảo tín đồ.

Để có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) với quy mô như ngày nay, là “mái nhà chung” duy nhất của tín đồ Phật giáo Việt Nam. Giáo hội đã phải trải qua không ít khó khăn. Từ những tổ chức nhỏ lẻ hoạt động một cách tự phát, chưa có sự đồng bộ trong đường hướng hoạt động, trong tổ chức, trong lễ nghi tôn giáo, v.v… Giờ đây GHPGVN đã là một thể thống nhất từ các tổ chức, hoạt động của hệ phái đại diện cho toàn bộ Tăng đoàn ở khắp đất nước Việt Nam.

Kệ phái Liễu Quán do Thiền sư Liễu Quán khởi xướng đã có sức sống mạnh mẽ, vững vàng không chỉ vì tôn chỉ, phương pháp thiết thực mà điều quan trọng là luôn hướng về dân tộc, đưa Phật giáo gần lại với con người Việt Nam, hòa vào văn hóa chung của dân tộc, góp phần xây dựng đạo pháp trường tồn song song với sự hùng mạnh của quốc gia. Điều ấy đủ để thấy vai trò lớn lao của Thiền sư Liễu Quán với Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XVIII cho đến hôm nay.

Kệ phái Liễu Quán (KPLQ) do Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán xuất kệ với Tổ đình Thiền Tông, núi Thiên Thai (Huế) đã truyền bá sâu rộng khắp Nam kỳ Lục tỉnh. Tìm hiểu quá trình hình thành cũng như những đóng góp của chư Tôn đức KPLQ trong quá trình vận động và tham gia thống giáo hội Phật giáo Việt Nam (1975 – 1981) là trọng tâm của tham luận này. Nhằm ghi nhận, tôn vinh, tri ân những bậc tiền bối hữu công trong kệ phái, đã có những cống hiến thiết thực, hiệu quả cho đạo pháp và dân tộc trong một thời kỳ lịch sử, đồng thời với mong muốn làm sáng tỏ những giá trị lịch sử về những đóng góp KPLQ trong quá trình vận động thống nhất GHPGVN (1975 -1981).

II. KHÁI QUÁT KỆ PHÁI LIỄU QUÁN

Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán (1667 – 1742) họ Lê, quê quán tại Phú Yên, là đệ tử của Thiền sư Tế Viên ở chùa Hội Tôn (tỉnh Phú Yên) và thọ giáo với Thiền sư Giác Phong ở chùa Hàm Long nay là chùa Báo Quốc (Huế). Sau khi thọ giới tu học một thời gian, Tổ đến chùa Ấn Tôn sau này đổi tên là chùa Từ Đàm, tu hành và đắc pháp với Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung, nối đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế. Nhưng lúc bấy giờ Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung truyền không trực hệ tông môn của Thiền sư Nguyên Thiều – Thọ Tông (tức Siêu Bạch Hoán Bích)7 (Bảng 1). Theo bài kệ “Tổ Đạo Giới Định Tông; Phương Quảng Chứng Viên Thông; Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế; Liễu Đạt Ngộ Chơn Không…”.

Bảng 1. Tóm tắt truyền thừa Thiền sư Nguyên Thiều và Thiền sư Liễu Quán1

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ke phai Lieu Quan trong qua trinh hinh thanh Giao hoi Phat giao Viet Nam 1

Tổ Liễu Quán khai sơn chùa Thiền Tông núi Thiên Thai (Phú Xuân) và là Tổ Thiền tông người Việt đầu tiên xuất kệ, sáng lập một pháp phái mời mang đậm nét văn hóa Việt Nam đó là “Lâm Tế chánh tông, Thiên Thai Sơn, Thiền Tông tự pháp phái”4; vì pháp phái này không trực hệ Tổ sư Nguyên Thiều nên gọi là Tế Thượng chánh tông. Tông môn đệ tử phát triển rất nhanh và truyền thừa theo bài kệ riêng.

實際大道性海清澄
心源廣潤德本慈風
戒定福慧體用圓通
永超智果密契成功
傳持妙理演昌正宗
行解相應達悟真空

Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận Đức Bổn Từ Phong
Giới Định Phước Huệ Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý Xiễn Dương Chánh Tông
Hành Giả Tương Ưng Đạt Ngộ Chân Không

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ke phai Lieu Quan trong qua trinh hinh thanh Giao hoi Phat giao Viet Nam 2 To Lieu Quan

Tổ Liễu Quán có nhiều thế hệ đệ tử hành đạo vùng Phú Xuân và Phú Yên quê hương ngài. Ở Nam bộ, KPLQ phát triển khá nhanh. Tuy nhiên giai đoạn đầu, do địa lý và sự ảnh hưởng sâu sắc thiền phái Lâm Tế chánh tông, Gia Phổ, Trí Bảng nên các thiền sư KPLQ hàng chữ “Tế”, “Đại” đến rồi lại đi, hoặc có trụ lại thì ở những nơi hoang vắng, sự truyền thừa rất hạn hẹp.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử nước nhà, trong suốt quảng thời gian dài này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân đế quốc xâm lược đô hộ và toàn dân tộc đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điều đáng ghi nhận là trong đó có sự đóng góp trí tuệ công sức đáng kể của các tổ chức của chư Tôn đức Kệ phái công cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc và phát triển đạo pháp nước nhà như: HT. Trừng Thông – Tịnh Khiết, Trừng Thủy – Giác Nhiên, Trừng Nguyên – Đôn Hậu, Tâm Lợi – Thiện Hòa, Tâm Như – Trí Thủ,… (Phật giáo Việt Nam Thống nhất); HT. Trừng Kim – Minh Nguyệt, … (Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ); HT. Trừng Thanh – Thiện Hào, Trừng Hinh – Pháp Dõng,… (Phật giáo Cổ truyền Việt Nam); HT. Quảng Liên, Quảng Minh, Tâm Lợi – Thiện Hòa … (Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt );… Đó là chư Tôn đức Kệ phái hàng chữ Trừng (hệ thứ 7), Tâm (hệ thứ 8), Nguyên (hệ thứ 9), Quảng (hệ thứ 10), v.v…

III. ĐÓNG GÓP CHƯ TÔN KỆ PHÁI LIỄU QUÁN TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH GHPGVN

Đại thắng mùa xuân năm 1975, cơ duyên hội đủ, trước nguyện vọng của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Chư Tôn đức lãnh đạo các tổ chức Giáo hội đã cùng nhau ngồi lại bàn bạc việc thống nhất Phật giáo toàn quốc. Tiêu biểu là đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (năm 1977) đã nêu quyết tâm tiếp tục vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam “Đại hội cẩn ủy Trung ương Giáo hội tiếp tục cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước trong tinh thần đạo pháp và truyền thống”5.

Ngày 12 và 13-2-1980 chư Tôn đức của các tổ chức Phật giáo của 3 miền đã tổ chức Hội nghị Phật giáo cấp cao để bàn bạc việc thống nhất Phật giáo toàn quốc. Hội nghị được tổ chức tại TP. HCM và Ban Vận động thống nhất Phật giáo được thành lập với sự tham gia của 9 tổ chức Giáo hội: Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Giáo hội Thiên Thai giáo quán; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ; Hội Phật học Nam Việt.6

3.1. Đóng góp chư Tôn KPLQ trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh (1975 – 1980).

Mang trên vai sứ mạng lịch sử giai đoạn đầu thống nhất đất nước, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM (gọi tắt Ban Liên lạc) ra đời nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo, bước tiến đến thống nhất Phật giáo thành một tổ chức duy nhất. Ban Liên lạc được thành lập với sư tham gia của chư Tôn đức từ mười tổ chức Giáo hội, Hội và hệ phái tại chùa Xá Lợi vào ngày 7-8-1975, do HT. Minh Nguyệt làm Chủ tịch; HT. Thiện Hào và HT. Bửu Ý, đồng làm Phó Chủ tịch; HT. Thích Hiển Pháp làm Tổng Thư ký Ban Liên lạc; thành phần trong Ban Liên lạc lúc bấy giờ gồm có quý Ngài như HT. Pháp Dõng, TT. Từ Thông và các ĐĐ. Huệ Xướng, Thiện Đức, Thiện Xuân… Trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm.7

Ban Liên lạc đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, đã tạo kết nối, đồng cảm sâu sắc giữa Tăng Ni các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đặc biệt hơn là sự đồng thuận sâu sắc về tư tưởng lớn của chư vị Tôn túc có vai trò lãnh đạo cao nhất thời bấy giờ, như HT. Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT. Thích Minh Nguyệt, Hội trưởng hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ; HT. Thích Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Đây được xem là ba vị Tôn túc đầu tiên trong số các Hòa thượng đại diện các hệ phái đặt nền tảng cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, và sự ủng hộ của quý HT. Thích Trí Độ, HT. Thích Đức Nhuận, HT. Thích Đôn Hậu, HT. Thích Thiện Hào, HT. Thích Huệ Thành, HT. Thích Bửu Ý, v.v… Cũng chính nhờ đó, ngày 12 và 13-2-1980, đã diễn ra một cuộc họp mặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam tính từ sau ngày miền Nam giải phóng đến thời điểm đó.8

Ban Liên lạc đã làm tròn vai trò lịch sử, đã góp phần ổn định xã hội, giúp cho Tăng Ni, Phật tử có định hướng tu học. Như Hòa thượng Thích Thiện Hào phát biểu “… Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP. Hồ Chí Minh chúng tôi, được hình thành với chức năng liên lạc, vận động đoàn kết các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo để động viên Tăng Ni, Phật tử góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, phát huy ánh sáng Chính pháp, phục vụ lợi lạc quần sinh, làm đạo mạch được kết hợp hài hòa theo dòng lịch sử tiến lên của dân tộc… ”.9 Những thành công của Ban Liên lạc là nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử trong cả nước Việt Nam. Trong đó góp phần không nhỏ của chư vị Hòa thượng Tôn túc KPLQ như Trừng Kim – Minh Nguyệt, Trừng Thanh – Thiện Hào, Trừng Hinh – Pháp Dõng, Trừng Tâm – Pháp Lan, Trừng Sám – Huệ Thới và các ĐĐ. Nguyên Đức – Minh Thành (chùa Ấn Quang), Thiện Xuân… là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên Ban Liên lạc. Đặc biệt là kết nối được với các tôn đức có vai trò lãnh đạo các hệ phái Phật giáo đương thời như HT. Tâm Như – Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo; HT. Trừng Nguyên – Đôn Hậu, Xử lý Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT. Trừng Kim – Minh Nguyệt, Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ; HT. Trừng Thanh – Thiện Hào, Trừng Hinh – Pháp Dõng, Nguyên Đức – Minh Thành, Thiện Xuân là lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, v.v…

3.2. Đóng góp chư tôn KPLQ trong Ban Vận động thành lập GHPGVN (1980 – 1981)

Ngày 12-2-1980, chư Tôn đức Hòa thượng lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại TP.HCM. Trong cuộc gặp lịch sử này có sự quang lâm các vị cao Tăng như HT. Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; HT. Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT. Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT. Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; HT. Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; HT. Thích Giác Tánh, HT. Thích Trí Nghiêm, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT. Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; HT. Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; HT. Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; HT. Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; TT. Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; TT. Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; TT. Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; TT. Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm10.

Phiên họp tán thành suy tôn HT. Thích Đức Nhuận và HT. Thích Đôn Hậu, trong chứng minh; HT. Thích Trí Thủ và HT. Thích Minh Nguyệt là chủ tọa điều hành. TT. Thích Minh Châu, TT. Thích Từ Hạnh và TT. Thích Thanh Tứ được bầu làm Thư ký phiên họp. Nội dung phiên họp đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là thành lập “Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” (gọi tắt là Ban Vận động) có nhiệm vụ vận động và nghiên cứu thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà.11

Ban Vận động được thành lập gồm 23 thành viên, đứng đầu là HT. Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; các quý Hòa thượng là HT. Thích Trí Tịnh, HT. Thích Mật Hiển, HT. Thích Bửu Ý, HT. Thích Giới Nghiêm, HT. Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Thế Long đồng Phó Trưởng ban; HT. Thích Thiện Hào là Ủy viên Thường trực; TT. Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký; TT. Thích Từ Hạnh và TT. Thích Thanh Tứ đồng Phó Thư ký; cùng với các Hòa thượng là Ủy viên HT. Thích Giác Tánh, HT. Thích Trí Nghiêm, HT. Thích Đạt Hảo, HT. Châu Mum, TT. Thích Thanh Trí, TT. Thích Chánh Trực, TT. Thích Giác Toàn, Ni sư Huỳnh Liên, cư sĩ Nguyễn Văn Chế, cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm. Và đặc biệt, trong Ban Vận động chư Tôn Đức KPLQ được suy tôn rất nhiều, đã có những đóng góp không nhỏ trong Ban Vận động. Trong Ban Chứng minh Ban Vận động, có 4 Hòa thượng được suy tôn, KPLQ có 2 vị là HT. Trừng Tự – Pháp Tràng, HT. Quảng Châu – Hoằng Thông. Trong Ban Thường trực Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam có 8 vị Hòa thượng, KPLQ có 4 vị là HT. Tâm Như – Trí Thủ, HT. Tâm Hương – Mật Hiển, HT. Trừng Kim – Minh Nguyệt và HT. Trừng Thanh – Thiện Hào. TT. Tâm Trí – Minh Châu và TT. Quảng Y – Từ Hạnh (có 2 trong 3 vị Thượng tọa trong Ban thư ký). TT. Tâm Bổn – Trí Nghiêm, TT. Tâm Tuệ – Thanh Trí, TT. Tâm Trung – Chánh Trực, cư sĩ Nguyên Hùng – Võ Đình Cường và cư sĩ Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm (có 5 trên 11 vị là Ủy viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam). Điều đó minh chứng cho sự tin tưởng của Giáo hội và Tăng Ni đại chúng với KPLQ.

Về hoạt động vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, chư tôn KPLQ hoạt động cụ thể với mục tiêu vận động để thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đó không chỉ là nguyện vọng của toàn thể Tăng Ni, Phật tử, mà hơn thế nữa đó là chân lý tất yếu của Phật giáo Việt Nam, như HT. Tâm Trí – Minh Châu đã nói “Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng, Ni, Phật tử cả nước, nhờ đó chúng ta mới có thể thực hiện những Phật sự trọng đại của Phật giáo Việt Nam”12. Hoặc như HT. Tâm Như – Trí Thủ bày tỏ niềm xúc động “Đạo Phật và dân tộc gắn liền nhau trong lịch sử. Từ khi du nhập đến nay, đạo Phật xem dân tộc Việt Nam là quê hương”13 và HT. Trừng Nguyên – Đôn Hậu phát biểu: “Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo”14.

Trong buổi ra mắt Ban vận động ở Huế, ngày 24-5-1980, Ban vận động đứng đầu là HT. Tâm Như – Trí Thủ rất khó khăn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ “Ôn Từ Đàm” TT. Tâm Phật – Thiên Siêu đang ở Nha Trang được Hòa thượng mời đi cùng. Mọi việc ở Huế êm thấm, buổi ra mắt Ban vận động ở Huế tạm ổn. Qua đây thấy được sự tinh tường khéo léo của “Ôn Già Lam”.

Trong buổi họp Ban Vận động tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP. HCM), để sơ vấn ý kiến Tăng Ni và tín đồ về nội dung tổ chức Phật giáo thống nhất sắp tới. Ni sư Huỳnh Liên và bà Luật sư Ngô Bá Thành hăng hái góp ý về bình đẳng giới. Những góp ý hợp lý như do thẳng tính nên làm cho không khí buổi hợp căng thẳng, quý Hòa thượng cho rằng kém lễ với các các vị Tôn trưởng. HT. Tâm Như Trí Thủ vẫn ôn đồn tươi cười và nói “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” chứ đâu ai nói “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Tăng Phật”. Ni ở gần Phật, Tăng thì ở xa Phật lắm. Vậy đấu tranh bình đẳng nam nữ làm gì. Phải không Ni sư và bà Luật sư”15. Đại chúng kể cả Ni sư và bà Ngô Bá Thành điều cười vui vẻ, không khí buổi họp vui vẻ thoải mái lại. Sự hòa hợp và thuyết phục của Hòa thượng thật duyên dáng và sâu sắc.

Tiến trình soạn thảo Hiến chương tại thiền viện Vạn Đức (Thủ Đức) sau khi Ban Vận động lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái; tham gia buổi soạn thảo có HT.Thích Trí Tịnh và Tôn túc KPLQ là HT. Tâm Như – Trí Thủ, HT. Tâm Hương – Mật Hiển, TT. Tâm Trí – Minh Châu và TT. Quảng Y – Từ Hạnh. Bước đầu tổng hợp ý kiến của Đại chúng trước khi tổ chức thống nhất GHPGVN.

Trong gần hai năm, Ban Vận động đã tích cực làm tốt vai trò của mình, thu thập ý kiến của lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất; đồng thời tổ chức hội nghị đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành.16 Đó sự đồng thuận thực sự và trọn vẹn ý nghĩa của cuộc vận động. Những khó khăn gặp phải với sự hoan hỷ và nhiệt tâm của Ban Vận động nói chung và với chư tôn KPLQ trong Ban Vận động nói riêng đã tổng hợp và giải quyết nguyện vọng trên tinh thần thống nhất Phật giáo. Nói như HT. Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ trước thềm Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam là “Chân lý bao giờ cũng thắng”.17

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ke phai Lieu Quan trong qua trinh hinh thanh Giao hoi Phat giao Viet Nam 3 To Lieu Quan

Tháp mộ Tổ sư Liễu Quán ở chân núi Thiên Thai, Huế

3.3. Đóng góp chư tôn KPLQ trong GHPGVN lần thứ I (1981-1987)

Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam và sự ra đời của GHPGVN vào năm 1981 đã chính thức quy tụ tất cả Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước về một mối thống nhất, hoạt động dưới sự lãnh đạo tối cao của chư tôn đức Trưởng lão trong Hội đồng Chứng minh (HĐCM) và dưới sự điều hành của chư Tôn đức trong Hội đồng Trị sự (HĐTS) Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên cơ sở phương châm hành động từ bản Hiến chương đầu tiên của Giáo hội. Trong nhiệm kỳ I (1981 – 1987), Đại hội đã suy tôn HĐCM và suy cử HĐTS GHPGVN trong thành phần nhân sự lãnh đạo GHPGVN nhiệm kỳ I (1981 – 1987) tóm lược như sau: Về HĐCM GHPGVN có 50 vị Hòa thượng đại diện của các Giáo hội và hệ phái, trong đó đứng đầu Ban Thường trực HĐCM GHPGVN do HT. Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ và các vị Phó Pháp chủ là HT. Thích Đôn Hậu, HT. Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Mật Hiển, HT. Thích Huệ Thành, HT.Maha Saray. Về HĐTS GHPGVN có 49 vị Hòa thượng của các Giáo hội và hệ phái, trong đó đứng đầu Ban Thường trực HĐTS GHPGVN do HT. Thích Trí Thủ làm Chủ tịch; cùng với 9 vị Phó Chủ tịch. Về cơ cấu tổ chức, GHPGVN trong nhiệm kỳ I (1981 – 1987), trong giai đoạn đầu, GHPGVN chỉ có 6 Ban chuyên ngành gồm có Ban Tăng sự Trung ương; Ban Giáo dục Tăng Ni; Ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử; Ban Hoằng pháp; Ban Nghi lễ và Ban Văn hóa; cùng với 2 bộ phận trực thuộc là bộ phận Tài chính (Thủ quỹ) và bộ phận Kiểm soát.

Trong hội nghị lịch sử này, có rất nhiều vị cao tăng tiêu biểu của KPLQ được suy tôn vào các chức vụ quan trọng của GHPGVN. Trong HĐCM quý Hòa thượng suy tôn chư Tôn đức KPLQ như HT. Trừng Nguyên – Đôn Hậu, HT. Trừng Kim – Minh Nguyệt, HT. Tâm Hương – Mật Hiển, 3 trong 8 vị Hòa thượng được suy tôn làm Phó Pháp chủ Ban Thường trực HĐCM; Cùng với chư Hòa thượng trong HĐCM như: HT. Thanh Giới – Th n Tường, HT. Trừng Lực – Pháp Dõng, HT. Trừng Thanh – Thiện Hào, HT. Trừng Minh – Phước Quang, HT. Trừng Tự – Pháp Tràng, TT. Tâm Như – Trí Thủ, TT. Tâm Bổn – Trí Nghiêm, HT. Quảng Châu – Hoằng Thông, …

Trong HĐTS GHPGVN nhiều vị cao tăng tiêu biểu của KPLQ được suy cử như HT. Tâm Như – Trí Thủ (Chủ tịch), HT. Trừng Thanh – Thiện Hào (Phó Chủ tịch), TT. Tâm Trí – Minh Châu (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký), TT. Quảng Y – Từ Hạnh (Phó Tổng Thư ký), TT. Tâm Phật -Thiện Siêu (Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni), Đạo hữu Nguyên Hùng – Võ Đình Cường (Trưởng ban Văn hóa) và Đạo hữu Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm (Ủy viên Kiểm soát) trong Ban thường trực HĐTS GHPGVN chiếm 7 trong 23 vị trong Ban thường trực HĐTS; Cùng với chư vị Tôn túc KPLQ trong HĐTS GHPGVN như: TT. Trừng Tâm – Pháp Lan, TT. Tâm Lượng – Từ Mẫn, TT. Tâm Tuệ – Thanh Trí, TT. Tâm Trung – Chánh Trực, TT. Quảng Thành – Thiện Duyên, Sư bà Trừng Hảo – Diệu Không, v.v… GHPGVN đã chọn ca khúc “Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ cư sĩ Quảng Hội – Lê Cao Phan (cư sĩ hàng chữ Quảng trong KPLQ) làm Đạo ca của GHPGVN.

Sự tín nhiệm của hội nghị đối với chư tôn đức và cư sĩ KPLQ là một thành tựu rất lớn lao, là niềm tự hào về sự đóng góp vào thành công chung của dân tộc và đạo pháp.

IV. KẾT LUẬN

Nhìn lại bối cảnh lịch sử nước nhà, trong suốt quãng thời gian dài này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân đế quốc xâm lược đô hộ và toàn dân tộc đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điều đáng ghi nhận là trong đó có sự đóng góp trí tuệ công sức đáng kể của các tổ chức hệ phái. Phật giáo Việt Nam có duy nhất một tổ chức Giáo hội – Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong những thành công đó có sự đóng góp quý báu của chư Tôn đức và cư sĩ của KPLQ là thành phần nhân sự nòng cốt trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh và trong Ban vận động thống nhất Phật giáo, chúng ta sẽ nhận thấy vai trò, vị trí và những đóng góp quý báu của KPLQ cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà vào năm 1981.

ThS. Nguyễn Thanh Hải
Pháp danh Quảng Trí, học viên sau Đại học Học viện Phật giáo tại TP.HCM, hiện đang công tác tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Theo “Chánh Pháp nhãn tạng” do Hòa thượng Thanh Phước – Nguyên Long phù pháp cho Đại sư Trừng Minh – Thọ Đức của tác giả Thích Đồng Dưỡng (2018); Bước đầu tìm hiểu phả hệ truyền thừa Thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên; tạp chí Liễu Quán số 14 tháng 5/2018; trang 60.
2 Thông Thiên – Hoằng Giác quốc sư (tức Đạo Mẫn) thế hệ thứ 31 Lâm Tế chánh tông ở chùa Thiên Khai (Trung Quốc) đã biệt xuất một pháp phái: “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên…” Trương Ngọc Tường (…), Các chi phái Lâm Tế ở Nam Bộ, http://phatgiaobaclieu. com/cac-chi-phai-lam-te-o-nam-bo-truong-ngoc-tuong-2 / truy cập ngày 31-8-2019.
3 Nguyễn Duy Đoan (2018); Truyền thừa và chấn hưng Phật giáo của Th n Phái Lâm Tế ở Bình Định; Kỷ yếu HTKH “Phật giáo và văn học ở Bình Định”; Nxb Khoa học Xã hội; trang 174.
4 Trương Ngọc Tường (…), Các chi phái Lâm Tế ở Nam bộ, http://phatgiaobaclieu.com/ cac-chi-phai-lam-te-o-nam-bo-truong-ngoc-tuong-2 / truy cập ngày 31-8-2019.
5 Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam; http://phatgiaolongdien.com/boi-canh-lich-su-va-su-hinh-thanhgiao-hoi-phat-giao-viet-nam.html; truy cập ngày 1-8- 2021.
6 Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam; http://phatgiaolongdien. com/boi-canh-lich-su-va-su-hinh-thanhgiao-hoi-phat-giao-viet-nam.html; truy cập ngày 1-8- 2021.
7 HT. Thích Huệ Thông; “Kỳ 2: Sự ra đời của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM”; Tạp chí Văn hóa Phật giáo; https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8440; truy cập ngày 4-8-2020.
8 HT. Thích Huệ Thông, tlđd.
9 HT. Thích Thiện Nhơn; “Công đức của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào với GH- PGVN”; https://baomoi.com/cong-duc-cua-dai-lao-hoa-thuong-thich-thien-hao-voi-ghp- gvn/c/39624811.epi ; truy cập ngày 4-8-2020.
10 Hòa thượng Thích Huệ Thông kỳ 3: Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Tạp chí Văn hóa Phật giáo; https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8689 ; truy cập ngày 5-8-2020.
11 Hòa thượng Thích Huệ Thông kỳ 3: Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Tạp chí Văn hóa Phật giáo; https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8689; truy cập ngày 5-8-2020.
12 Hòa thượng Thích Huệ Thông, kỳ 3: Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Tạp chí Văn hóa Phật giáo; https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8689; truy cập ngày 5-8-2020.
13 Hoàng Hạ; Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Báo Giác Ngộ; https:// giacngo.vn/tien-trinh-van-dong-thong-nhat-phat-giao-viet-nam-post36463.html; truy cập ngày 5-8-2020.
14 Hoàng Hạ; Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Báo Giác Ngộ; https:// giacngo.vn/tien-trinh-van-dong-thong-nhat-phat-giao-viet-nam-post36463.html; truy cập ngày 5-8-2020.
15 Đỗ Trung Hiếu; Thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Quê Mẹ ấn hành – Paris 1994; trang 37.
16 http://chuaxaloi.vn/thong-tin/su-hinh-thanh-giao-hoi-phat-giao-co-truyen-viet- nam/3177.html.
17 Đinh Hữu Chí; Sự Hình Thành Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam; http://ch- uaxaloi.vn/thong-tin/su-hinh-thanh-giao-hoi-phat-giao-co-truyen-viet-nam/3177.html; truy cập ngày 5/8/2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Duy Đoan (2018); “Truyền thừa và chấn hưng Phật giáo của Thiền Phái Lâm Tế ở Bình Định”; Kỷ yếu HTKH “Phật giáo và văn học ở Bình Định”; Nxb Khoa học Xã hội; trang 174.
Thích Đồng Dưỡng (2018); “Bước đầu tìm hiểu phả hệ truyền thừa Thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên”; Tạp chí Liễu Quán, số 14 tháng 5/2018; trang 60.
Đỗ Trung Hiếu; Thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Quê Mẹ ấn hành – Paris 1994; trang 37.
Trương Ngọc Tường (…), Các chi phái Lâm Tế ở Nam bộ, http:// phatgiaobaclieu.com/cac-chi-phai-lam-te-o-nam-bo-truong- ngoc-tuong-2/ truy cập ngày 1-8-2020
Đinh Hữu Chí, Sự hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; http://chuaxaloi.vn/thong-tin/su-hinh-thanh-giao-hoi- phat-giao-co-truyen-viet-nam/3177.html; truy cập ngày 5-8- 2020.
Hoàng Hạ; Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Báo Giác Ngộ; https://giacngo.vn/tien-trinh-van-dong-thong- nhat-phat-giao-viet-nam-post36463.html; truy cập ngày 5-8- 2020.
HT. Thích Thiện Nhơn; “Công đức của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào với GHPGVN”; https://baomoi.com/ cong-duc-cua-dai-lao-hoa-thuong-thich-thien-hao-voi- ghpgvn/c/39624811.epi; truy cập ngày 4-8-2020.
HT. Thích Huệ Thông, kỳ 2: Sự ra đời của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM; Tạp chí Văn hóa Phật giáo; https:// tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8440; truy cập ngày 4-8- 2020.
HT. Thích Huệ Thông, kỳ 3: Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; Tạp chí Văn hóa Phật giáo; https:// tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8689; truy cập ngày 5-8- 2020.
Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam; http://phatgiaolongdien.com/boi-canh-lich-su-va-su-hinh- thanhgiao-hoi-phat-giao-viet-nam.html; truy cập ngày 1-8- 2021.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường