Tác giả: Thích nữ Bảo Minh
Học viên Thạc sĩ khóa VII, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tóm tắt: Phật giáo Campuchia ở thời kì Angkor phát triển đến đỉnh cao, được thể hiện rõ nét qua hệ thống kiến trúc đền thờ vĩ đại tại Angkor mà người hỗ trợ và chỉ đạo xây dựng vinh danh vị Vua phật tử Jayavaman VII – hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, ông còn được tôn xưng là Asoka của đế chế Angkor. Những đóng góp lớn lao của vị Hộ pháp Vương này đã đưa tên tuổi triều đại Angkor đi vào huyền thoại, đồng thời mang đến sức ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Từ khóa: thánh vương, đế chế Angkor, Phật giáo Campuchia
Mở đầu
Thế kỷ thứ III trước Công nguyên, đại đế Asoka, vị quốc vương xứ Ấn đưa ánh sáng Phật pháp từ nội xứ Ấn Độ đến các quốc gia trên thế giới. Kế thừa và phát huy tinh thần ấy, mỗi quốc gia Phật giáo du nhập đều có một vị vua anh minh ủng hộ Phật pháp. Có thể nói, những đóng góp của họ là nét son chói lọi trong lịch sử quốc gia và dân tộc.
Miến Điện có Anawrahta, Tích Lan có Dutthagamani, Nhật Bản có Thánh Đức Thái tử, còn Campuchia có Jayavarman VII, vị vua vĩ đại của vương quốc Khmer, cũng được gọi là Asoka của đế chế Angkor. Mặc dù bất kì quốc vương nào cũng không thể so sánh được với đại đế Asoka về tâm lượng đại bi cũng như những đóng góp to lớn cho quốc gia, dân tộc và đạo pháp.
Nhưng có thể nói Jayavarman VII cũng là một bậc Thánh vương vô cùng vĩ đại đối với sự tồn vong, phát triển đạo pháp của đế chế Angkor. Những điều ông làm tuy không thể sánh ngang với Asoka, nhưng người viết cũng xin được làm một so sánh nhỏ để thấy được những công hạnh và niềm tin tín ngưỡng sâu sắc của bậc Thánh vương của đế chế Angkor. Vì vậy, người viết xin chọn đề tài “Jayavarman VII – Asoka của Đế Chế Angkor” làm nội dung cho bài nghiên cứu.
1. Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp Jayavarman
Ở giai đoạn trước, sau khi Suryavarman II băng hà, anh bà con cô cậu của ông là Dharanindravarman II (1150 – 1160) lên kế vị, lấy công chúa Chudamani, con gái vua Harshavarman III và hạ sinh Jayavarman VII. Jayavarman VII (1181-1220) tuổi trẻ đã ở xa kinh đô Angkor, vì khi vua cha băng hà, Thái tử Jayavarman VII lúc đó đang cầm quân chinh phạt Chiêm Thành nên không có mặt tại thủ đô, triều đình tôn một vị hoàng thân là Yasovarman III (1160 – 1165) lên kế nghiệp. “Trước sự việc đã rồi, bản thân thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ cha mẹ, thái tử không muốn tranh giành ngôi báu, gây ra nội chiến mà tự nguyện đến sống lưu vong ở Champa, hết lòng trung thành với vị tân vương”.(1) Cuộc sống tuy lưu vong nhưng thái tử luôn hướng về đất nước với lòng yêu nước nồng nàn. Khi nghe tin đất nước bị xâm lăng, thái tử đã muốn tức tốc trở về nhưng lúc này chưa đủ điều kiện chống giặc. Năm 1177 Jayavarman VII lúc này đã chiêu mộ đủ quân sĩ, tổ chức vũ trang, đứng lên đánh đuổi quân Champa. Sau một trận thủy chiến ác liệt mà hình ảnh hào hùng của trận đấu được chạm khắc sinh động trên tường đá tại đền Bayon và Bantey Ch’mar, quân đội Angkor giành chiến thắng. Đó là năm 1181. Người chỉ huy cuộc chiến lên ngôi, hiệu là Jayavarman VII. Trị vị 38 năm, Jayavarman VII đã xây dựng nên một đất nước Campuchia hùng mạnh và phát triển trên mọi lĩnh vực. Không chỉ vị vua của đất nước, ông còn là vị cha lành của muôn dân. Đặc biệt, đối với Phật giáo ông là người đệ tử với niềm tin chính kiến sâu sắc.
2. Jayavarman VII – Asoka của Đế chế Angkor
Với Jayavarman VII sự phát triển của Phật giáo và đất nước đều có vị trí quan trọng. Phát triển Phật giáo cũng là phát triển đất nước và ngược lại. Có thể nói, Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một truyền thống, một đời sống tâm linh gắn liền với con người Campuchia từ khi sinh ra cho đến khi qua đời. Để hiểu rõ hơn về vị Vua phật tử này, con sẽ đi vào tìm hiểu một số đóng góp của ông với Phật giáo. Con xin được làm một so sánh nhỏ giữa Asoka và Jayavarman VII để làm rõ điểm tương giao giữa hai bậc Thánh vương.
2.1. Bành trướng lãnh thổ và Quy hướng Phật giáo
Dựa theo sử liệu về “The Girnar rock”, Đại đế Asoka chinh phục xứ Kalinga tám năm sau khi đăng quang. Ngài Huyền Trang đã nhận xét: Chính sự đau thương, tàn hại của cuộc chiến Kalinga đã đánh thức đại đế Asoka ra khỏi giấc mơ quyền lực, quay về với chính pháp, đó là giọt nước mắt cuối cùng tràn đầy ly nước tỉnh giác. Sau khi Kalinga bị chinh phục, Asoka cảm giác hướng về chính pháp, sự kính trọng chính pháp và muốn được huấn thi trong chính pháp. Ông cảm thấy hối hận về việc chinh phạt Kalinga. Đây có thể xem là một nỗi trăn trở mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để thừa nhận sai trái của tự thân. Đức vua cho rằng: Sự chinh phục, chiến thắng của chính pháp mới là sự chiến thắng tối thượng.
Cũng vậy, “Dựa vào bia ký của Hoàng hậu Indradevi ca ngợi sự nghiệp lừng lẫy của Jayavarman VII, cho chúng ta thấy ông lúc đang còn là một hoàng tử đã lãnh đạo đoàn quân chinh phạt Chiêm Thành2”. Jayavarman VII là cháu gọi Suyavarman II bằng chú.
Kế thừa nền tảng của đế chế Angkor do Suryavarman II gầy dựng, Jayavarman VII mở rộng phạm vi lãnh thổ của mình hơn hẳn thời đại trước, làm chủ vùng đất rộng lớn phía Bắc đến tận Vĩnh Trân, phía Tây đến hạ lưu sông Mê Nam, khống chế toàn bộ phần miền Bắc bán đảo Mã Lai ở phía Nam, đưa Angkor lên vị thế đại cường quốc có diện tích lớn nhất trong lịch sử dựng nước từ xưa đến nay.
Tuy nhiên, vốn bản thân là một phật tử, chịu ảnh hưởng lớn từ cha, mẹ và hai người vợ, Phật giáo Đại thừa với tinh thần cứu khổ ban vui làm lợi lạc chúng sinh của Bồ tát đã khiến Jayavarman VII nhận thức được đâu là giới hạn. Bởi lòng tham của con người là không cùng tận. Ông đã gác lại đao binh, sự tàn hại cùng những cuộc viễn chinh và trở về với bản chất thiện lành, quy hướng đến Tam bảo, trở thành người phật tử chân chính. Lấy việc xây dựng quốc gia, bảo vệ cuộc sống an bình cho nhân dân là trọng yếu.
2.2. Chính sách cai trị quốc gia
Lấy Chính pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ, thống trị các quốc độ và đầy đủ bảy món báu(3). Nếu nói Asoka là một bậc minh vương thương dân như con đẻ, thực hiện chính sách cai trị lấy Phật giáo làm nền cương.
Ông đã áp dụng giáo lý Phật đà vào việc cai trị đất nước, lấy lòng nhân từ làm chính yếu và thưởng phạt phân minh. Khuyến khích, giúp đỡ dân chúng, dùng chính nghĩa để loại bỏ ác nghiệp, khuyên dân chúng nên thực hiện hạnh từ bi, không sát sinh. Ông tuyên bố, không có một sinh vật nào đáng bị giết và hiến tế’ Và nhà vua chính là tấm gương tiên phong cho những gì được ban ra. Một chỉ dụ về bài học đạo đức được viết lên bởi nhà vua.
Nghiêm cấm sát sinh trong đời thường, bao gồm cả việc giết súc vật để tế lễ và ăn thịt. Không có một lễ hội nào cúng tế và hiến tế được tổ chức. Nhà vua cũng đem chính pháp thương thảo với các nước lân cận, mong họ cũng biết xấu về những việc làm sai trái của tự thân. Ông mong muốn tất cả thần dân được yên bình, tự kiềm chế và công bằng, ngay cả những nơi mà điều sai trái đã xảy ra.
Chỉ có chiến thắng chính pháp mới là sự chiến thắng tối thượng. Ông sai sứ giả mang chính pháp truyền đi các nước. Jayavarman VII cũng là một bậc minh quân sống vì dân. Ông đã thực hiện những chính sách chính trị, xây dựng và phát triển đời sống nhân dân. Vua cho mở rộng hệ thống đường giao thông khắp đế quốc, nối đến các quốc gia kế cận, để phát triển kinh tế, thương mại và ngoại giao.
Để giúp đỡ khách bộ hành, ông cất 121 trạm nghỉ mát trên nhiều con đường khắp lãnh thổ từ miền Đông Thái Lan đến Chiêm Thành. ‘Theo bia đá ở đền Prah Khan, những trạm nghỉ này được gọi là “nhà có lửa”, mỗi trạm cách nhau 15 km, dọc theo các con đường khắp lãnh thổ, gồm 57 trạm trên đường từ thủ đô Angkor đến thủ đô Chiêm Thành, 17 trạm trên đường từ Angkor đến P’imai trên đồi K’orat, 44 trạm ở các tỉnh, 1 trạm ở Phnom Chisor, còn 2 trạm chưa xác định được vị trí (4).
Lòng từ bi của ông thể hiện qua các hoạt động từ thiện mà những tài liệu trong văn bia có ghi chép một cách khá rõ ràng. Đó là hệ thống bệnh viện ước chừng 102 cái được xây dựng khắp nơi trong đất nước, mỗi một bệnh viện đều có một bản nội quy được khắc trong tấm bia đá dựng trong một ngôi chùa nhỏ bên cạnh mỗi bệnh viện. Chính đức vua là người thường coi sóc về thuốc men và dụng cụ cần thiết luôn được đầy đủ, sẵn sàng.
Trong mỗi bệnh viện đều có thờ đức Phật chữa bệnh cho người đời là Bhaishajyaguru Vaiduryaprabha (Phật Dược Sư)(5). Đức Phật này vẫn được Trung Hoa và Tây Tạng sùng bái đến tận ngày nay. Ngoài ra, yếu tố giúp Angkor vương lên địa vị đế quốc với nền kinh tế phát triển hàng đầu phải kể đến hệ thống kênh rạch quy mô và vĩ đại được các vị vua Campuchia kế thừa và tiếp tục xây dựng. Những hồ chứa nước khổng lồ là nơi lưu trữ nước mưa lớn, được nối liền với những thửa ruộng màu mỡ bởi hệ thống kênh đào dẫn nước. Mạng lưới này một mặt làm nhiệm vụ cung cấp nước để trồng trọt, mặt khác trở thành hệ thống bảo vệ đất đai khỏi bị xói mòn và sụp lún, tạo một nền đất vững chắc để xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá nặng hàng trăm tấn. Thêm vào đó, đây còn là phương tiện giao thông vận tải hữu hiệu để di chuyển đá từ núi Kulen và các nơi khác trên đất nước đến Angkor, rút ngắn thời gian xây dựng đến mức kỷ lục.
Trong vòng 20 năm, Jayavarman VII đã hoàn thiện được kiến trúc Angkor Thom vĩ đại được cho là phải mất cả trăm năm mới có thể hoàn tất. Những chính sách đối nội, đối ngoại và phát triển kinh tế, ngoại giao trên của Jayavarman VII chứng tỏ ông là một vị vua có tầm nhìn chiến lược, nhà lãnh đạo tài ba có khả năng chinh phục quân sự và đặt ách thống trị lên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng đã tuyên bố từ khước mọi tham vọng xâm lăng, từ bỏ bất bạo động để cai trị đất nước bằng một tâm lượng từ bi và cao cả, trở thành tấm gương đạo đức cho nhân dân noi theo.
2.3. Xây dựng công trình kiến trúc Phật giáo
Ngoài những công việc chính trị, Asoka còn dành thời gian để đi chiêm bái những Phật tích – Thánh địa Phật giáo như tứ động tâm và ông đã cho khắc bia đá để làm dấu ấn trên đó. Tại Bồ đề đạo tràng ông cho dựng trụ đá lớn, trên đầu trụ còn khắc chạm hình sư tử. Không chỉ vậy, ông còn cho thu hồi xá lợi Phật tại 8 tháp và xây dựng tám mươi bốn ngàn bảo tháp để tôn thờ xá lợi của Phật(6). Nhờ những dấu tích bia kí truyền lại cho đến ngày nay mà Phật giáo nói chung và Phật giáo Ấn Độ nói riêng có nơi y cứ một cách chính xác và thuận tiện cho việc lưu truyền, tạo niềm tin vào chính pháp được rộng rãi và dễ dàng hơn.
Bằng việc chuyển tải tư tưởng tôn giáo thông qua các công trình kiến trúc, sau khi Jayavarman VII lên ngôi, ông cho xây dựng rất nhiều công trình, mỗi công trình đều mang nét nghệ thuật riêng, đặc biệt là nghệ thuật Phật giáo.
Năm 1186, nhà vua đã vì mẹ mà cho xây dựng chùa Taphrom ở Bati, năm 1911 vì cha mà xây dựng chùa Preah Khan, và cho đào hố chứa nước, ở giữa xây chùa Neak pean.(7) Những ngôi đền lớn ở kinh đô như Banteay Kdei, Ta Phrom, Preah Khan, Neak Pean và một số đền tháp ít quan trọng như Banteay Ch’mar ở phía Tây Bắc, Vat Nokor ở tỉnh Kongpong Cham, Taphrom ở Bati... Nhưng nổi bật hơn cả về sự kỳ vỹ và độc đáo là Angkor Thom và đền Bayon ở trung tâm, một nét kiến trúc hoa mỹ, độc đáo, đưa nghệ thuật Phật giáo Campuchia lên đến đỉnh cao. Mỹ thuật là con đường hiện thực hóa vai trò lĩnh vực hoằng pháp không kém phần hữu hiệu so với ngôn từ. Bằng nghệ thuật, các tác phẩm đã thể hiện văn hóa tâm linh của người con Phật.
Ngoài những kinh sách viết bằng Phạn ngữ thì “mỹ thuật là phương tiện truyền đạt tình ý bằng hình sắc, là một ngôn ngữ vô ngôn rất hợp với bản chất của đạo Mâu Ni”(8).
2.4. Truyền bá Phật giáo
Dưới thời vua A Dục, Phật giáo đã trở thành tôn giáo mang tính quốc tế. Vua chủ tâm dùng giáo lý đức Phật giáo hóa khắp vùng châu Á, châu Phi và giáp biên giới châu Âu. Đây được xem như ông đã đảm nhiệm sứ mệnh mang lại hòa bình cho thế giới. Đối với Phật giáo, Asoka là nhà đại hộ pháp; đối với lịch sử Ấn Độ, ông là bậc đại minh quân có cống hiến vô cùng lớn lao cho đất nước, ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay. Jayavarman VII tuy không làm được vị Hộ pháp vượt tầm như đại đế Asoka nhưng việc làm của ông cũng đóng góp không nhỏ cho Phật giáo.
Nếu nói vua Asoka có được phước đức lớn khi có đến hai người con xuất gia và hành trì theo giáo pháp của Thế Tôn. Đặc biệt, người đứng đầu trong đoàn truyền giáo thứ 5 đi đến đảo quốc Lanka(9) (Tích Lan) chính là con trai vua Asoka, Hoàng tử Mahinda, người đã xuất gia tu tập và trở thành một vị tỳ kheo tinh thông Phật pháp thì Jayavarman VII cũng được niềm vui ấy.
Theo bia ký Kalyani của Tích Lan ghi nhận, vị sư Chapata người Miến Điện sau khi thọ Cụ túc giới với chư tăng Tích Lan đã trở về Pagan năm 1181 cùng với 3 vị sư khác thành lập giáo phái Tích Lan tại Miến Điện. Một trong ba vị ấy là con vua xứ Cao Miên, tên Shin Tamalinda. ‘Theo học giả Coedes, Shin Tamalinda có thể là con trai của vua Jayavarman VII(10). Những giáo huấn của giáo phái mới này được các nhà sư truyền giáo mang đến các nước lưu vực sông Mê Nam, cuối cùng đến Campuchia, tạo nên một cuộc thay đổi mang tính cách mạng. Đạo thờ Siva, Vishnu và Phật giáo Đại thừa đều là những tôn giáo được áp đặt từ trên cao xuống, các học thuyết mới này được truyền giảng trong nhân dân, lôi kéo được đông đảo quần chúng và chuyển hướng dân tộc Campuchia sang Phật giáo Nam truyền(11).
Kết luận
Thời kì Angkor có thể được là giai đoạn phát triển đỉnh cao của đất nước Campuchia về mọi mặt. Đồng thời sự phát triển của Phật giáo cùng những công trình kiến trúc là nét đẹp tâm linh trong đời sống, là nguồn năng lượng bình an được truyền tải thông qua những chính sách và chủ trương của Jayavarmna VII. Qua tìm hiểu, nghiên cứu nhỏ, tác giả đã bắt gặp hai tư tưởng lớn trên con đường xây dựng đất nước và hoằng truyền chính pháp. Asoka, Jayavarman VII, hai con người, hai thế hệ đã xóa nhòa ranh giới của không gian, vượt qua giới hạn thời gian hơn 15 thế kỷ để gặp nhau trong lý tưởng phụng sự Phật pháp. Tuy nói không một vị quốc vương nào có thể so sánh ngang với Asoka nhưng đâu đó vẫn còn những bậc Hộ pháp thực hành hạnh nguyện giống với Ngài, mà tiêu biểu ở đất nước Campuchia là Jayavarmna VII.
Tác giả: Thích nữ Bảo Minh
Học viên Thạc sĩ khóa VII, Học viện PGVN tại Tp.HCM
***
CHÚ THÍCH:
1. D.G.E.Hall, Lịch Sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1997, tr. 193.
2. Trần Quang Thuận, Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Campuchia, Nxb Hồng Đức, TP. HCM, 2007, tr. 157.
3. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr. 528.
4. Lê Hương, Sử Cao Miên, Nhà sách Huệ Quang phát hành, 1970, tr. 106-107.
5. Edward Conze, Nguyễn Minh Tiến (dịch), Lược Sử Phật Giáo, Nxb. Tổng hợp, TP. HCM, 2005, tr. 208.
6. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, tập 1, tr. 348. (8 địa điểm xây tháp là Vương Xá, Vesāli, Kapilavatthu, Allakappa, Rāmagama, Vethedīpa, Pāva, Kusinārā).
7. Pháp sư Thánh Nghiêm và Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2013, tr.875.
8. Phạm Kim Khải, Tạp Chí Vạn Hạnh, Khai Nguyên Mỹ Thuật Phật Giáo Huyền Thoại Udayana, Số 22-24, Tòa soạn 95b Gia Long, Saigon, 1967, tr. 132.
9. Tỳ khưu Indacanda (dịch), Sử Liệu Về Đảo Lanka – Dipavamsa, Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, 2005, tr. 111.
10. Trần Quang Thuận, Phật Giáo Trong Dòng Lịch Sử, Văn Hóa Campuchia, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 188.
11. D.G.E.Hall, Lịch Sử Đông Nam Á, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1997, tr. 196.
THƯ MỤC THAM KHẢO:
1. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2018.
2. Pháp sư Thánh Nghiêm và Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2013.
3. Tỳ khưu Indacanda (dịch), Sử Liệu Về Đảo Lanka – Dipavamsa, Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, 2005.
4. Edward Conze, Nguyễn Minh Tiến (dịch), Lược Sử Phật Giáo, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2005.
5. Trần Quang Thuận, Phật Giáo Trong Dòng Lịch Sử - Văn Hóa Campuchia, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
6. D.G.E.Hall, Lịch Sử Đông Nam Á, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1997.
7. Phạm Kim Khải, Tạp chí Vạn Hạnh, Khai Nguyên Mỹ Thuật Phật Giáo Huyền Thoại Udayana, Số 22-24, Tòa soạn 95b Gia Long, Sài Gòn, 1967.
8. Lê Hương, Sử Cao Miên, Nhà sách Huệ Quang phát hành, 1970.
Bình luận (0)