Trang chủ Bài viết nổi bật Đóng góp của Hội Lưỡng Xuyên Phật học cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Đóng góp của Hội Lưỡng Xuyên Phật học cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã xuất bản sách Phật học Giáo khoa bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng đến mức báo Lục Tịnh tân văn ở Sài Gòn cũng mở trang mục “Phật giáo”. Tạp chí Duy Tâm thường xuyên kêu gọi thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã xuất bản sách Phật học Giáo khoa bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng đến mức báo Lục Tịnh tân văn ở Sài Gòn cũng mở trang mục “Phật giáo”. Tạp chí Duy Tâm thường xuyên kêu gọi thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Thích Minh Nghĩa
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Học viện PGVN tại Hà Nội

1. Dẫn nhập

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 là một phần của sự phục hưng Phật giáo trong quá trình phản đối thực dân Pháp và xâm lược của các thế lực ngoại xâm khác. Nhiều Hòa thượng có uy tín như HT.Khánh Hòa, HT.Huệ Quang, HT.Huệ Đăng, sư Thiện Chiếu, HT.Giác Tiên, HT.Thanh Hanh, HT.Trí Hải và nhiều nhân sĩ trí thức trở thành những nhân vật chủ chốt chấn hưng lại tổ chức, sinh hoạt của Phật giáo.

Phong trào chấn hưng Phật giáo đã đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất và đoàn kết cộng đồng Phật tử, giúp họ đồng lòng chống lại thực dân Pháp và các thế lực ngoại xâm khác. Phong trào đã giữ cho văn hóa Phật giáo ở Việt Nam phát triển và truyền bá, duy trì giá trị truyền thống của tôn giáo này trong cộng đồng.

Đồng thời, với sự lãnh đạo của các đoàn thể Phật giáo đã thức tỉnh tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc trong cộng đồng phật tử, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động phản đối xâm lược ngoại xâm và ủng hộ độc lập dân tộc. Trong đó, Hội Phật học Lưỡng Xuyên đã có đóng góp tích cực cho hoạt động chấn hưng Phật giáo nước nhà trên nhiều phương diện.

2. Nội dung

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ, chúng ta thấy nhiều hội Phật học được thành lập, mỗi Hội có những điểm mạnh khác nhau. Như Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học chú trọng xuất bản tạp chí làm phương tiện hoằng pháp. Hội Phật học Kiêm Tế chú tâm đến hoạt động từ thiện xã hội. Hội Tịnh độ Cư sĩ quan tâm đến chữa trị bệnh cho nhân dân. Hội Thiên Thai lại tổ chức hoằng pháp, giáo dục…

Mỗi hội có những đóng góp cụ thể khác nhau. Trong đó, Hội Lưỡng Xuyên Phật học cũng có những đóng góp của mình qua ba phương diện chính như sau:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoi Luong Xuyen Phat hoc Chan hung Phat giao 3

2.1. Về phương diện xây dựng hệ thống tổ chức Phật giáo

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ năm 1923, nhân ngày giỗ Tổ tại chùa Long Hòa, huyện Tiêu Cầu, tỉnh Trà Vinh (19/9/Quý Hợi). HT. Khánh Hòa mời tất cả các Hòa thượng khắp vùng Tiền Giang, Hậu Giang về Tiểu Cầu dự lễ, đồng thời tổ chức họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo.

Các vị cao tăng nổi tiếng như Huệ Quang, Chí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc… đều có mặt bàn bạc, thống nhất với nhau, dẫn đến việc hình thành Hội lục hòa liên hiệp. Mục đích của Hội là đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau nâng cao việc nghiên cứu Phật giáo, đường lối tu tập và mục tiêu đạt được thành công thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất trên toàn quốc.

Ngày 5/1/1927, trên tờ Đông Pháp thời báo, số 529, Nguyễn Mục Tiên với bài Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà đã kêu gọi chấn hưng Phật giáo trước sự nổi lên của đạo Cao Đài ở Nam kỳ. Sư Thiện Chiếu, sư Tâm Lai, Tâm Ứng, Nguyễn Tiệm Hồng… đã hưởng ứng đề xuất nhiều chương trình chấn hưng Phật giáo.

HT.Khánh Hòa cùng với sư Thiện Chiếu còn mong muốn liên kết Phật giáo ba xứ Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ lại thành lập Tổng hội Phật giáo. Thế nhưng do nhân duyên chưa thuận lợi nên quý ngài quyết định thành lập tổ chức Phật giáo tứng xứ trước và khởi đầu là ở Nam kỳ.

Năm 1931, Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học chính thức thành lập, lấy chùa Linh Sơn làm trụ sở. Do HT.Khánh Hòa làm Hội trưởng. Ngày 18/3/1932, Thống đốc Nam Kỳ phê chuẩn nghị định cho phép thành lập Hội Phật giáo Liên hữu tại chùa Bình An, Long Xuyên. Tiếp theo các hội Phật học thành lập như Hội Phật giáo Tương Tế (11/6/1934), Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu (19/10/1934), Hội Tịnh độ Cư sĩ (1934), Hội Phật học Kiêm Tế (1937)…

Mục đích các hội Phật học đều mong muốn phục hưng lại đời sống Phật giáo nước nhà: “Về cơ bản, các hội Phật giáo đương thời đều hướng đến mục tiêu là cải tổ đường lối tu tập và cách thức sinh hoạt của tăng già, đổi mới phương thức giáo dục và đào tạo tăng ni sinh, ra báo chí nhằm hậu thuẫn cho hoạt động hoằng dương chính pháp, Việt hóa kinh điển nhằm phục vụ cho hoạt động tu tập và nghiên cứu”[1].

Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học  là một tổ chức Phật giáo đầu tiên được thành lập, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp trong xã hội miền Nam. Bước đầu, Hội đã thành công trong việc xây dựng một thư viện Phật giáo tên là Pháp bảo phường, Duyệt kinh thất và Thích học đường.

Nhưng do có mâu thuẫn trong ban lãnh đạo Hội, nguyên nhân chính là do Phó hội trưởng thứ nhì Trần Nguyên Chấn không đồng tình với HT. Khánh Hòa và HT. Huệ Quang nên mãi đến năm 1933 Phật học đường chưa được khai giảng. Do vậy, HT. Khánh Hòa đã từ bỏ hết chức vụ ở Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học trở về Trà Vinh lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học.

Ngày 13/8/1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học (Association Bouddhique Luong – Xuyen – Phat – hoc) được được Thống đốc Nam Kỳ Pagès phê chuẩn thành lập theo Nghị định số 2286, tại chùa Long Phước, Trà Vinh. Trụ sở đặt tại chùa Long Phước, Tiểu Cần, Trà Vinh. Cơ cấu tổ chức của Hội gồm

Ban Trị sự lãnh đạo gồm các ban như sau:

– Chứng minh đạo sư: HT. Từ Phong chùa Giác Hải (Chợ Lớn) được mời làm Chứng minh Đạo sư.

– Ban quản lý: 1). Hội trưởng Lê Văn Xuyến (pháp danh An Lạc); 2). Hội phó là Phạm Văn Liêu; 3). Thủ quỹ là Thái Phước; 4). Thư ký là Phạm Văn Luông; 5). Pháp sư học đường là Võ Khánh Anh; 6). Đốc học sư là Lê Khánh Hòa; 7). Kiểm soát là Nguyễn Văn Khỏe, Sơn Sau.

– Ban chỉ huy gồm: 1). Chánh Tổng lý là Nguyễn Huệ Quang; 2). Phó Tổng lý là Lê Diệu Pháp; 3). Cố vấn hành chính của Hội là Lê Tâm Quang.

Điều lệ của Hội được xây dựng trên 17 điều quy định về tên gọi, vai trò, vị trí của hội viên, xác định tài sản, cách thức gia nhập Hội, yêu cầu rời khỏi Hội hoặc bị khai trừ; phương thức và thời gian tổ chức đại hội và việc giải tán Hội. Điều lệ được xây dựng thành 5 chương với 19 điều.

Nội dung chính là xác định công việc chung của Hội như: vị trí của chùa và hội quán, nguyên tắc của Hiệp hội (điều 1, 2); Quy định để được gia nhập Hội là: từ 21 tuổi trở lên và phải được 2 thành viên của Hiệp hội giới thiệu (Điều 3); Nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên tham gia (Điều 6).

Mục đích của Hội Lưỡng Xuyên Phật học là: “Thứ nhất, đó là xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật học, với thành phần, gồm: Chứng minh HT. Từ phong, HT. Khánh Hòa; chủ nhiệm HT. Huệ Quang, quản lý Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Giác. Mục đích của tạp chí Duy Tâm Phật học là phổ biến giáo lý Phật giáo, dịch kinh, nghiên cứu văn hóa Phật giáo.

Thứ hai, lập thư viện Phật giáo: Phật tử Trà Vinh cúng một bộ Đại tạng kinh và rất nhiều sách nghiên cứu, tham khảo. Đông thời Hội Lưỡng Xuyên Phật học còn lập một tủ kinh sách ấn tống cho tăng ni, cư sĩ tu học.

Thứ ba, mở trường Phật học. Lưỡng Xuyên Phật học hội khai giảng trường Lưỡng Xuyên Phật học, Sư phạm học đường bên cạnh chùa Long Phước. Ban giảng huấn có HT. Huệ Quang (chùa Long Hòa), HT. Từ Phong (chùa Giác Hải), HT. An Lạc (chùa Vĩnh Tràng) và HT. Khánh Anh (chùa Phước Hậu)”[2].

Hội Lưỡng Xuyên Phật học tích cực trong công tác hoằng pháp, muốn thể hiện tinh thần nhập thế cứu độ chúng sinh, các vị giảng sư chỉ dạy các phương pháp bài trừ các phong tục mê tín dị đoan. Chúng sinh thấy Phật pháp là tích cực, cực sinh, không bi quan tiêu cực. Bên cạnh đó, Hội Lưỡng Xuyên Phật học thường lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật Giáo Tổng hội thống nhất Phật giáo ba xứ. Từ cuối năm 1937 trở đi, trong số nào Duy Tâm cũng có bài bàn về vấn đề này.

Ngoài những đặc điểm trên, Hội Nghiên cứu Phật giáo còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức của người tu sĩ, tức là chỉnh đốn lối sống của người tu sĩ theo tinh thần giới luật. Giới luật cũng là hình mẫu giúp tu sĩ hoàn thiện mình về các phương diện thân, khẩu và ý.

Vì vậy, việc trau dồi tư cách đạo đức của người tu sĩ là điều tất yếu trong bất kỳ thời đại nào, nhất là trong thời kỳ Phật giáo đang suy thoái nên việc người tu sĩ có đạo đức là điều có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng khắp nơi, các tu sĩ được giáo dục cả về đức lẫn tài, trở thành những hành giả chân chính sẽ là trụ cột của Phật giáo sau này.

Hội Lưỡng Xuyên Phật học luôn khuyến khích lòng bi từ, hòa bình và sự hiểu biết giữa con người, và phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần vào việc lan tỏa những giá trị này trong xã hội. Các vị lãnh đạo cũng đã góp phần vào việc thay đổi tư tưởng xã hội, khuyến khích tinh thần tự hào dân tộc và xây dựng một xã hội công bằng, hòa bình.

2.2. Về phương diện báo chi, truyền bá chính pháp

Báo chí Phật giáo Việt Nam thực sự ra đời và phát triển kể từ khi phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên vào đầu những năm 1930. Các tạp chí Phật giáo lần lượt được xuất bản như: Pháp Âm, Phật hóa Tân Thanh Niên, Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ, Tiếng chuông sớm, Duy Tâm, Pháp âm Phật học, Tiến Hóa, Bồ Đề,… đã đóng góp sức mạnh to lớn cho Phật giáo Phong trào phục hưng lúc bấy giờ.

Lịch sử ra đời và tiến bộ của phong trào chấn hưng Phật giáo cùng với báo chí Phật giáo nửa đầu thế kỷ 20 đã kịp thời thể hiện một số giáo lý tích cực, truyền thống tốt đẹp của Phật giáo và dân tộc, góp phần tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoi Luong Xuyen Phat hoc Chan hung Phat giao 2 1

Ngày 5 tháng 7 năm 1935, Toàn quyền Đông Dương René Robin ký Nghị định số N604-S cho phép Hội Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản tạp chí Duy tâm, mỗi tháng xuất bản 04 số, số đầu tiên xuất bản ngày 1 tháng 10 năm 1935 và số cuối cùng  ra ngày 6 tháng 7 năm 1943 với số đôi 53-54.

Tôn chỉ của tạp chí nhằm “đem giáo lý cao thượng của Phật đà mà bày tỏ cho những người học Phật biết được cái mục đích học Phật của mình. Duy Tâm ra đời để cứu rỗi cái đời đảo điên thống khổ, cái tri thứ lu lờ, sửa đổi hết thảy những phong tục xấu xa, kiểu chánh các điều thành kiến dở dang của xã hội, mưu sao cho nhân loại yên vui, cõi đời bình tĩnh, từ chốn quê mùa đến nơi khai hóa được biết đến giáo lý huyền diệu cao siêu của Phật pháp[3]”

Từ số 4 ra 01 tháng 01 năm 1936, tạp chí Duy Tâm bao gồm 11 mục: 1. Thông luận; 2. Diễn đàn; 3. Chư kinh luật giải nghĩa; 4. Khai thị pháp môn; 5. Phật học nghiên cứu; 6. Phật giáo thông tin; 7. Đáp ký; 8. Bài kệ; 9. Sự tích; 10. Pháp uyển; 11. Từ khảo.

Trong mục Biện minh số đầu tiên (1/10/1935), Duy Tâm có nói rõ chí hướng của mình như sau: “Duy tâm ra đời là quyết xương minh Phật học, cải chính những chổ sai lầm, để mưu hạnh phúc cho nhơn loại quần sinh, sửa đổi cõi đời dơ đục trở nên thanh tịnh, ngỏ hầu chúng sinh khổ thống được hoàn toàn giải thoát; chừng ấy cõi Diêm Phù trở thành Tịnh độ.

Dầu rằng cái kết quả có chầy chóng thế nào, “Duy tâm” cũng xin nói lớn lên rằng “Chúng sinh vị tận, ngả vị thành Phật”. Ấy là cái bổn nguyện của “Duy tâm” ra đời là quyết đeo đuổi và kỳ cho đạt được mục đích mới thôi”[4].

Tạp chí Duy Tâm cùng với tờ báo Phật học khác đã thể hiện vai trò truyền tải thông tin Phật sự, tư tưởng giáo lý, cũng như đưa ra những phương châm hành động cụ thể, đưa con thuyền giáo hội vững vàng vượt qua phong ba bão táp tiến đến bờ thanh bình, hanh thông, tươi sáng.

Tạp chí Duy Tâm với hơn 10 chuyên đề thuộc nhiều lãnh vực như triết học, lịch sử, văn chương, sử truyện chuyên về Phật học đã khai thị cho người Phật tử có được nhận thức thông suốt về giáo pháp đức Phật, trở thành người Phật tử chân chính và xây dựng gia đình hạnh phúc, phục vụ đất nước chiến thắng giặc ngoại xâm, khôi phục chủ quyền dân tộc. Cho nên, tạp chí Duy Tâm Phật học tiếp sức thêm cho các cơ quan truyền thông Phật giáo thực hiện nhiệm vụ chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

2.3. Về phương diện giáo dục đào tạo Tăng tài

Khánh Hòa với nhiệt huyết đào tạo tăng tài, năm 1933 sau khi về chùa Long Hòa ở Trà Vinh đã tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật học xã, lớp học đầu tiên được khai giảng tại chùa Long Hòa với khoảng 50 vị học Tăng. Các Hòa thượng như Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải đứng ra giảng dạy. Lớp học kéo dài được thêm 02 khóa ở chùa Thiên Phước (Trà Ôn) và chùa Viên Giác (Bến Tre) thì tan rã vì lý do thiếu tài chính.

Khánh Hòa nhận thấy cần phải thành lập một hội Phật học quy mô với đông đảo hội viên đóng góp tài chính thường trực mới có thể duy trì Phật học đường lâu dài được. Lưỡng Xuyên Phật học hội ra đời trong hoàn cảnh ấy. Công việc đầu tiên của hội là tổ chức Phật học đường, tuyển chọn học tăng, khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1934.

Ngay từ khi mới thành lập, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã tổ chức Phật học đường. Công việc tổ chức cơ sở và tuyên truyền chọn học tăng được thực hiện rất nhanh chóng. “Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng ngay vào cuối năm 1934, khoảng 50 vị học tăng được thu nhận vào liên đoàn và lớp học đầu được khai giảng tại chùa Long Hòa, do các Hòa thượng Huệ Quang và Khánh Anh giảng dạy. Hòa thượng Khánh Hòa đảm nhiệm trách vụ đốc giáo”[5].

Phật học đường Lưỡng Xuyên nhận cả Tăng ni, nhưng chư Ni được tổ chức thành các lớp riêng do Hòa thượng Minh Tịnh và Hòa thượng Khánh Hòa giảng dạy. Hòa thượng Huệ Quang và Khánh Anh làm giảng viên.

Ông Ngô Trung Tín và Huỳnh Thái Cửu mua thêm một bộ Tam tạng cho Phật học viện làm tài liệu học tập. Hội Phật học Biên Xuyên duy trì trong hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn, có khi phải đóng cửa vài tháng vì thiếu kinh phí. Đến cuối năm 1941, Hội phải chính thức đóng cửa do thiếu nguồn tài chính. Trong quá trình hoạt động, Phật giáo Lương Xuyên đã góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ tu sĩ tài đức, sau này  tiếp tục kế thừa sự nghiệp chấn hưng Phật giáo.

Năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã xuất bản sách Phật học Giáo khoa bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng đến mức báo Lục Tịnh tân văn ở Sài Gòn cũng mở trang mục “Phật giáo”. Tạp chí Duy Tâm thường xuyên kêu gọi thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ cuối năm 1937 trở đi, Duy Tâm cũng bàn đến vấn đề thành lập Tổng hội Phật giáo.

Lớp Sơ đẳng Phật học khóa I số lượng học chúng Tăng ni lên đến 30 vị. Lớp Ni do Thích Minh Tịnh đảm nhiệm. (thời gian sau lớp Ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre). Năm 1936, trường chọn gởi ra Huế học đợt I gồm 2 vị: Thích Thiện Hòa, Thích Hiển Không.

Năm 1937 trường chọn gởi ra Huế học đợt II những học Tăng ưu tú của trường: Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, Thích Bửu Ngọc, Thích Chí Thiện, Thích Chánh Quang, Thích Hiển Thụy, Thích Hành Trụ, Thích Quảng Liên…

Từ năm 1939 – 1942 khai giảng Lớp Trung đẳng Phật học. Từ năm 1943 khai giảng Lớp Cao đẳng Phật học. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, Phật học đường Lưỡng Xuyên đã đào tạo được nhiều nhân tài cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Phật học đường Lưỡng Xuyên hoạt động đến năm 1945 thì Phật học đường Lưỡng Xuyên đều ngừng hoạt động vì chiến tranh leo thang.

3. Kết luận

Với tâm nguyện chấn hưng đạo pháp, từ khi thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản tạp chí Duy Tâm và mở Phật học đường do các Hòa thượng như Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang phụ trách. Mục đích thành lập Hội là đào tạo đội ngũ tu sĩ tài năng để chấn hưng Phật giáo.

Đây là một trong những hội Phật giáo đầu tiên  ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện phong trào chấn hưng, Hội đã đi tiên phong trong mọi hoạt động chấn chỉnh giáo lý, cơ cấu tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất của Phật giáo, nhằm chấn chỉnh, khôi phục các giá trị vàng son của Phật giáo. Qua đó, chúng ta thấy được những đóng góp có ý nghĩa thực tiễn của Hội Phật học Lưỡng Xuyên và đã để lại dấu ấn rõ nét trong trang sử Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Thích Minh Nghĩa
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Học viện PGVN tại Hà Nội

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoi Luong Xuyen Phat hoc Chan hung Phat giao 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường