Tổng luận:

Kinh sách đạo Phật quá nhiều, chữ nghĩa rối rắm, ý tứ sâu xa… Khi nghe ai đó mở lời thương cảm ông A, bà B… sống đời thực vật mấy năm rồi, thì ắt có người thở dài cho rằng “cái nghiệp” nó thế; đọc báo thấy con cái ai đó bất hiếu với cha mẹ, thì cũng cho rằng “cái nghiệp” nó thế, đời này không trả thì đời sau phải trả và sẽ trả đắt hơn. Cái nghiệp ấy giống như món nợ, để càng lâu thì trả lãi càng cao… Vậy nghiệp là gì mà cứ quấn lấy con người? Khi từ giã cõi Ta bà này, nghiệp có hết không? Nếu vào lục đạo luân hồi, nghiệp có đeo theo không?,... Những câu hỏi tưởng chừng vu vơ ấy lại bám lấy tôi, buộc tôi phải tìm hiểu, bởi học phải hiểu chứ học mà không hiểu thì thà đừng học còn hơn.

Từ khóa: Nghiệp chung, nghiệp riêng, nhà sư – chiến sĩ, học Phật không dễ.

Nghe hai tiếng “học Phật” thấy nhẹ hơn hơi thở, song càng “học”, càng nghĩ thì chẳng thấy nhẹ chút nào.

Chữ “nghiệp” qua một số nghiên cứu

Dựa vào “khuôn vàng thước ngọc” là Từ điển Phật học, tôi thấy “Nghiệp” được viết như sau: “1- Hành vi, hành động, hoạt động; 2- Hành vi của con người; cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân; 3- Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng – nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác; 4- Hành vi xấu ác, tai hại, mê muội; 5- Hạnh thanh tịnh; 6- Nỗ lực, tinh tấn, phấn đấu.

Khái niệm nghiệp rất quan trọng trong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) – dưới các điều kiện và duyên nhất định - sẽ tạo thành hệ quả. Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại người tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp là phải tốt hay xấu và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của người tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có người, cứ lưu mãi trong luân hồi.

Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi người ta có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh). Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, sự phản ánh đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người”(1).

Đọc tới đọc lui, hết ngẫm tới nghĩ đã nghe lùng bùng lỗ tai và thấy việc học Phật không đơn giản chút nào. Một hôm cơ duyên đưa đẩy, tôi đọc được bài “Nhận thức luận kinh Thủ Lăng Nghiêm” của Tuệ Vũ đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, tôi biết thêm “nghiệp” không chỉ như giải thích của Từ điển Phật học dẫn trên, mà còn có “nghiệp chung”, “nghiệp riêng”. Theo Tuệ Vũ, “Nghiệp chung là tính cách giống nhau của nhiều người cùng sinh sống trong một môi trường rộng lớn (một nước). Nghiệp riêng là của một cộng đồng nhỏ (làng bản) hay một cá nhân. Dù nghiệp chung, dù nghiệp riêng nếu chúng ta hiểu ra rằng, tính hay phân biệt, tính cách đối đãi Năng, Sở ấy chính là một thứ bệnh lòa của con mắt nhận thức thế tục thì sự hiểu biết ấy là nhận thức không có bệnh; là Cái thấy không bị điều kiện hóa, nó nhận ra được Tính Thấy”(2).

Để hiểu cái “nghiệp chung”, “nghiệp riêng” này, người học Phật phải biết tới Tâm Năng và Tâm Sở, tức là biết được “Cái thấy” và “Cái bị thấy”. Theo lý giải của Tuệ Vũ thông qua kinh Lăng Nghiêm, thì “Cái bị thấy” gọi là Tâm Sở. “Cái thấy” còn gọi là “kiến phần”. Kiến phần gọi là Tâm Năng. Tâm Năng và Tâm Sở đều từ một Tâm mà sinh ra.

Nhưng chữ “nghiệp” ấy là “đặc sản” của đạo Phật hay của tôn giáo có trước thời đức Phật? Trong bài “Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại”, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, Chí Anh cho rằng: “Hai giáo lý quan trọng mà người học Phật phải biết rõ. Đó là Nghiệp báo và Luân hồi, hay những kiếp sinh tồn trở đi trở lại. Đó cũng là hai giáo lý cốt yếu của Ấn Độ giáo, nhưng người theo Ấn giáo thấm nhuần những ý niệm về một linh hồn tự ngã, trái lại Phật giáo hoàn toàn phủ nhận”(3). Như vậy, Nghiệp báo và Luân hồi có trước thời đức Phật. Và đến thời đức Phật đã có lý giải khác về vấn đề này.

Theo nghiên cứu của mình, Chí Anh cho biết Phật giáo đã có lý giải khác về Nghiệp báo và Luân hồi so với cách lý giải của Ấn Độ giáo, như sau: “Nghiệp báo và Luân hồi là định luật mang tính nhân quả, là ánh sáng rọi bản thể con người. Do đó, nó chính là nền móng đạo đức học của Phật giáo. Tóm lại, hiểu một cách rốt ráo, Nghiệp báo là sự tác ý hay ý muốn. Còn Luân hồi theo Phật giáo thì sau khi chết hoặc trước khi sinh ra không có đời sống nào nơi con người là không tùy thuộc vào Nghiệp, hay hành động có tác ý. Nghiệp báo là hệ luận của Luân hồi, và ngược lại. Luân hồi là hệ luận của Nghiệp báo. Hai giáo lý này bổ sung và gắn bó với nhau rất mật thiết”(4).

Chí Anh cho biết thêm: “Luận cứ Nghiệp từ kinh Vệ Đà qua đạo Phật đã biến đổi và mang một sắc thái khác hẳn: Nghiệp Phật giáo hàm chứa tính chất tự do và tinh thần trách nhiệm của cá nhân trên lộ trình đi đến bến bờ giác ngộ… Ở đây cần phải nói là Nghiệp đã dạy cho con người tự mình xây dựng kiếp mai sau cho mình, chứ không trông chờ ở Đấng Sáng tạo Brahma ban phát cho một ân huệ siêu hình nào cả”(5). Và kết luận: “Phật giáo đã đặt vấn đề lý giải hành động con người trên cơ sở hợp lý, và Thiện, Ác cũng không do siêu hình bản thể nào áp đặt, mà do chính con người quyết định. Ở đây ta thấy Nghiệp Phật giáo thể hiện tính công lý và công bằng triệt để”(6).

Chỉ một chữ “nghiệp” mà đã rắc rối đến thế đấy, nên ai dám nói học Phật chẳng có gì khó?

Học Phật từ hành động cụ thể của 27 nhà sư - chiến sĩ

Trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1/2001, có đăng bài “Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ phật tử cởi áo cà sa ra trận (27-2-1947) của Đinh Thế Hinh, dựa theo tư liệu trong cuốn “Chùa Cổ Lễ - Văn hóa cách mạng” (NXB Tôn giáo, 2000).

Bài viết cho biết: “Cuối năm 1946, giặc Pháp đã tràn vào thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định,… dã tâm tái chiếm Việt Nam của chúng đang ở thời điểm bộc lộ hung hãn nhất. Thế nước chênh vênh!” (7). Hòa thượng Thích Thế Long, trụ trì chùa Cổ Lễ gọi 2 đệ tử thân tín là Thích Trí Không, Thích Pháp Lữ lên thư phòng hỏi:

“- Giặc dữ hoành hành, cơ đồ Tiên Rồng nghiêng ngả, muôn vạn sinh linh lâm cảnh tang thương… Phật dạy “việc đạo không rời việc đời”, hai vị có cao kiến gì không?”(8).

Nghe được lòng yêu nước xuất phát từ tâm của đệ tử, HT.Thích Thế Long “giao cho Trí Không lo việc đối ngoại quan hệ với các cơ quan tổ chức lễ ra quân, Pháp Lữ lo việc đối nội vận động tăng ni chấp tác sửa soạn trai nghi thiết khách…”(9). Và sáng ngày 27-2-1947, tại chùa Cổ Lễ, hàng ngàn người chứng kiến buổi lễ đoàn phật tử “cởi áo cà sa ra trận”. Theo tường thuật, thì “Sau khi cử lễ “Tam Bảo”, “Tứ Ân” theo điển thức lễ trọng, tất cả 27 vị tăng, ni ngồi tọa thiền, đồng thanh tụng một đoạn kinh Bát Nhã và kết thúc bằng 4 câu nguyện phổ thông của chư Phật, Bồ tát:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn Pháp môn vô lượng thệ nguyện học Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Câu kệ dứt, cả đoàn đứng lên cùng cởi áo cà sa, để lộ những thân hình tráng niên rắn rỏi trong bộ đồng phục màu cỏ úa. Hòa thượng Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật; sư Tường Minh hô “Đội mũ”. Đồng loạt các vị đội mũ có gắn sao lên đầu, thế là đã biến 27 nhà sư thành 27 chiến sĩ vệ quốc đoàn” (10).

Đây là truyền thống Phật giáo Việt Nam có từ thời Lý – Trần. Khi HT.Thích Thế Long hỏi đệ tử: “Phật dạy “việc đạo không rời việc đời”, hai vị có cao kiến gì không”, chắc là ngài ngộ từ bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:

佛法在世间 Phật pháp tại thế gian Phật pháp trên thế gian 不离世间觉 Bất ly thế gian giác Không thể rời thế gian mà giác ngộ 离世觅菩提 Ly thế gian mịch bồ đề Rời thế gian tìm giác ngộ 恰如求兔角 Kháp như cầu thố giác Giống như tìm sừng thỏ

Ý bài kệ muốn nói rằng không có cái pháp xuất thế gian hay Phật pháp riêng biệt ở ngoài pháp thế gian. Cố gắng tìm kiếm sự giác ngộ ở ngoài thế gian chỉ là tốn công vô ích giống như tìm sừng thỏ. Thỏ không bao giờ có sừng nên tìm sừng thỏ chỉ là phí công vô ích. Nghĩ cho cùng, Phật pháp và thế gian chỉ khác nhau về hình tướng. Phật pháp và thế gian chỉ là hai khái niệm được con người gán ghép nhau chứ hai pháp ấy không có thực thể, không có tự tính… “Sắc tức là không, không tức là sắc” (kinh Bát Nhã Ba la mật đa) là như thế.

Những tiếng hoan hô vang dội trong buổi lễ ra quân ấy còn vang vọng tới bây giờ, bởi điều đơn giản, xưa nay, ở thế tục này, hễ ai làm được việc thiện lớn, nhân phẩm tốt đẹp, đều được mọi người sùng bái, tôn làm thánh nhân. Từ xa xưa, nhân dân ta đã khẳng định: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Con người còn sống trên cõi đời này, hỏi ai không có giới hạn kiên trì của mình? Tuy xuất gia đầu Phật là cắt ái lìa gia, nhưng một khi gót giày xâm lược giày xéo nhân dân, đẩy người dân vô tội vào cuộc sống lầm than thì không một ai chịu lùi nửa bước, nếu họ còn là con người đúng nghĩa. Bởi trong thực tế cuộc sống, chỉ cần lùi một bước, kẻ không ưa thích mình sẽ tiến lên mười bước, chứ đừng nói đến kẻ thù xâm lược; lùi mười bước sẽ bị ức hiếp hơn và kẻ thù sẽ tiến lên trăm bước. Đến lúc không lùi được nữa thì mới biết sự thiện lương không giúp được gì. Dân tộc ta là dân tộc hiếu hòa, nhưng vĩnh viễn không để người khác có cơ hội lợi dụng sự thiện lương của mình. Thiện lương có thể, nhưng cho rằng thiện lương dễ bắt nạt, vậy tuyệt đối không được. 27 nhà sư – chiến sĩ ấy đã có việc làm đúng trong thời điểm lịch sử ấy. Đến nay, chúng ta đều biết bất kể ở nơi nào cũng không có chuyện bình đẳng thật sự. Vì thế, muốn có cuộc sống tốt, chỉ có thể dựa vào nỗ lực của chính mình.

Công bình chẳng ai cho, tất cả đều bằng nỗ lực mà giành lấy. Vả lại, cái gì do người ta cho thì người ta cũng có quyền lấy lại bất cứ lúc nào họ muốn. Nếu ai cũng buông bỏ tất thảy, không có tư tâm, không có thất tình lục dục, hoàn toàn vô dục vô cầu, cái gì cũng không muốn, cái gì cũng không cần, thì cuộc sống có bao nhiêu ý nghĩa đây? Ai cũng như thế thì xã hội sẽ ra sao? Nhân loại sẽ đi về đâu? Và như thế thì làm gì có quốc gia, có tôn giáo? Do đó, nếu muốn không bị ức hiếp, biện pháp tốt nhất và duy nhất chính là đối mặt với khiêu khích. Và “Đoàn quân theo tiếng hô dõng dạc của Trung đội trưởng Tường Minh, tất cả đi đều, đồng thanh ca vang bài: “Tiến lên đường, tới sa trường…”.

Cuộc mít tinh dự lễ Cởi áo cà sa ra trận biến thành cuộc tuần hành, tiến ra phố Cổ Lễ và tỏa về các làng quê trong khí thế cứu nước hào hùng(11).

Khí thế ấy và những lời hoan hô vang dội ấy chính là thính dục dành cho con người ở cõi Ta bà này, tức là con người ham muốn nghe âm thanh êm tai, nhưng trong tâm của 27 nhà sư – chiến sĩ ấy, chắc có người còn nghe được những âm thanh vi diệu khác, như: đàn ba la mật âm, thi ba la mật âm, sạn đề ba la mật âm, bì li da ba la mật âm, thiện ba la mật âm, bàn nhược ba la mật âm, từ bi âm, hỉ xả âm, giải thoát âm, vô lậu âm, trí tuệ âm,… Theo nhà Phật, người đang mang bệnh, đang khổ đau, sau khi nghe được những âm thanh này tựa như được thánh quang tẩy rửa, lập tức cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, tinh thần sung túc. Do vậy, tôi tin 27 như sư – chiến sĩ nghe được những âm thanh ấy. Nếu ngày đó chưa được nghe, thì sau ngày nước nhà sạch bóng quân thù dù ở cõi nào trong lục đạo luân hồi, tôi cầu nguyện các vị sẽ nghe được âm thanh ấy.

Qua bài “Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ phật tử cởi áo cà sa ra trận (27-2-1947)”, tôi hiểu phần nào lời Phật dạy. Phải qua hàng vạn kiếp luân hồi mới cắt đứt được nhân quả, tâm cảnh vô cùng kiên cố, lúc đó mới thật sự là người ngộ đạo; lúc đó, ta tức là ta, thủy chung bất biến. Học Phật nào có dễ!

Tác giả: Vu Gia - Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020 --------------------

CHÚ THÍCH: (1) Ban Biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, NXB Tôn giáo, H, 2016, trg 388. (2) Tuệ Vũ, Nhận thức luận kinh Thủ Lăng nghiêm, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, trg 10. (3) Chí Anh, Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001, trg 16. (4) Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, đd, trg 16. (5) Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, đd, trg 17. (6) Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, đd, trg 17. (7) Đinh Thế Hinh, Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ Phật tử…, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1/2001, trg 47. (8) Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ Phật tử…, đd, trg 47. (9) Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ Phật tử…, đd, trg 47. (10) Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ Phật tử…, đd, trg 48. (11) Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ Phật tử…, đd, trg 48.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN: 1- Ban Biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, NXB Tôn giáo, H, 2016. 2- Chí Anh, Nhân bản luận Phật giáo, cứu cánh của con người hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001. 3- Đinh Thế Hinh, Lễ Phát nguyện của Đoàn Nghĩa sĩ Phật tử…, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1/2001. 4- Tuệ Vũ, Nhận thức luận kinh Thủ Lăng nghiêm, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2001.