Nhận thấy được sự quan trọng của việc mở trường Phật học để giáo dục và đào tạo tăng tài. Bởi nếu không có tăng tài hậu thuẫn thì sau này lấy gì để tuyên truyền, hoằng pháp, lấy gì để duy trì phật pháp. HT.Khánh Hòa đã rất lo lắng về vấn đề này. Cho nên sau khi thành lập, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã tập trung hết sức mình cho hoạt động này.
Tác giả: Phan Thị Thảo Sương, Pháp danh: Thích nữ Thiện Tánh Học viên Thạc sĩ Khóa V - Học viện PGVN tại Tp.HCM cơ sở 1
Dẫn nhập
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo tăng tài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo nên ngay sau khi thành lập, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã tập trung mọi nỗ lực cho hoạt động này. Hội cho rằng:
“Đạo Phật muốn được vẻ vang hay không là khởi nguyên từ các chùa, quan trọng hơn nữa là những đạo tiểu. Vì những đạo tiểu sẽ là rường cột trong tương lai. Phật giáo sau này được rực rỡ hay tối tăm là do các đạo tiểu hiện giờ thông minh hay dốt nát. Nói là lo cho xã hội mà bỏ phế trẻ con, nói là lo cho có tăng tài, lo cho Phật giáo được vẻ vang mà bỏ phế các đạo tiểu là lo ngọn mà bỏ gốc.
Nếu gốc rẽ khởi sự mục khô thì chẳng bao lâu ngọn sẽ khô héo. Bởi vậy nên muốn có tăng tài phải đào tạo ngay các đạo tiểu trong mỗi chùa”[1].
Vì vậy, Phật giáo xứ ta cần phải lập trường Phật học, đạo tạo tăng tài để duy trì mạng mạch của phật pháp.
1. Hoạt động mở trường Phật học, đào tạo tăng tài
Nhận thấy được sự quan trọng của việc mở trường Phật học để giáo dục và đào tạo tăng tài. Bởi nếu không có tăng tài hậu thuẫn thì sau này lấy gì để tuyên truyền, hoằng pháp, lấy gì để duy trì Phật pháp. HT.Khánh Hòa đã rất lo lắng về vấn đề này. Cho nên sau khi thành lập, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã tập trung hết sức mình cho hoạt động này. Nếu không có Thích học đường thì khó mà phát huy nghĩa màu trong kinh tạng của chư tổ lưu truyền.
Bởi vì có hai nguyên nhân như dưới đây:
“1. Xưa kia quốc độ ta nội thuộc với nước Trung Hoa, nên văn tự và Phật hóa đều hấp thụ về hán học cả. Kể từ ngày Chính phủ bảo hộ xứ này thì Hán học lần lần sút kém vì không phải là món chuyên môn về đường khoa cử. Thành ra ít ai quan tâm đến, nên nay chỉ còn ảnh hưởng một đôi chỗ mà thôi. 2. Kinh điển của Phật toàn là Hán tự, đã biết rằng Phật giáo sản xuất bên xứ Trung-Bắc Ấn-Độ, song chư tổ Trung Hoa lại đắc truyền chính pháp”[2].
Bởi vì, Phật giáo trong xứ toàn ảnh hưởng với nước Trung Hoa, mà Hán học lại suy đồi thì Phật giáo cũng không thể phổ biến ra được. Cho nên, Phật giáo xứ ta cần phải lập trường Phật học, đạo tạo tăng tài để duy trì mạng mạch của Phật pháp.
1.1. Thành lập Phật học đường
Hội Lưỡng Xuyên cho rằng:
“Đạo Phật muốn được vẻ vang hay không là khởi nguyên từ các chùa, quan trọng hơn nữa là những đạo tiểu. Vì những đạo tiểu sẽ là rường cột trong tương lai. Phật giáo sau này rực rỡ hay tối tăm là do các đạo tiểu hiện giờ thông minh hay dốt nát. Nói là lo cho xã hội mà bỏ phế trẻ con, nói là lo cho có tăng tài, lo cho Phật giáo được vẻ vang mà bỏ phế các đạo tiểu là lo ngọn mà bỏ gốc. Nếu gốc rễ khởi sự mục khô thì chẳng bao lâu ngọn sẽ khô héo. Bởi vậy nên muốn có tăng tài phải đào tạo ngay các đạo tiểu trong mỗi chùa”[3].
Chính vì vậy, Phật giáo sau này phát triển hay ngưng trệ đều là do các đạo tiểu có được đào tạo hay không. Những vị này trong tương lai sẽ là rường cột của Phật pháp và xã hội.Chính vì thế, nơi nào có những vị tăng được đào tạo tốt thì nơi ấy Phật giáo sẽ được tồn tại và phát triển.
Do đó, cuối năm 1934, Phật Học Đường Lưỡng Xuyên được khai giảng. Năm 1935, Thích Học Đường Lưỡng Xuyên bắt đầu hoạt động với ban điều hành gồm: HT.Khánh Hòa (Đốc học sư), HT.Huệ Quang (Đốc giáo), HT.Khánh Anh (Giáo thọ trưởng)[4].
Đến năm 1940 “Lưỡng Xuyên mở chi nhánh ở Kế Sách - Sóc Trăng, ở Sa Đéc, ở Phú Nhuận - Sài Gòn, những pháp sư tốt nghiệp ở 36 Huế như ngài Bửu Ngọc, Hành Trụ được bổ nhiệm coi sóc sinh hoạt các chi hội. Năm 1943, Lưỡng Xuyên mở lớp Cao đẳng có 10 học tăng theo học như: Thầy Đồng Huy, thầy Quảng Liên, thầy Huyền Quang. Cụ tổng lý Huệ Quang viết thư mời chư Thượng tọa, pháp sư ở Huế vô sống trọn năm tại Lưỡng Xuyên để dạy học gồm quý Ngài: Mật Thể, Như Ý, Nhựt Liên…”[5].
Ngoài ra, Hội còn mở thêm Phật học đường cho ni chúng tại miền Nam là ni trường Vĩnh Bửu. Đây chính là ngôi trường ni đầu tiên tại miền Nam Việt Nam.
Theo tâm nguyện mở trường Phật học cho chư ni của sư cô Diệu Hường trong ngày khai hội, Duy Tâm Phật học có ghi lại lời phát biểu của cô rằng: “Hội Lưỡng Xuyên chú trọng về hai phương diện: Một phương diện thì đào tạo nhân tài, hầu một ngày kia cho có người hằng pháp lợi sinh, chấn hưng nền Phật giáo... Còn một phương diện thì nghiên cứu giáo nghĩa trong ba tạng, khuếch trương cái chủ nghĩa lợi tha của Đức Từ Phụ Thích Tôn, hầu tế độ quần sinh thoát chốn tam đồ lánh xa mộng huyễn”[6].
Trong bài phát biểu này, sư cô đã tán dương công đức quý ngài đã mở trường Phật học ở Nam Kỳ. Đồng thời, sư cô cũng thay mặt cho tất cả ni lưu tha thiết mong quý ngài trong hội mở trường để đào tạo ni giới.
1.2. Những Điều lệ và quy tắc
a/ Điều lệ và Quy tắc thâu nhận học sinh
Bàn về chương trình giáo dục và đào tạo tăng tài, trong bản “Điều lệ và Quy tắc” khi thành lập hội, có rất nhiều quy tắc đề cập đến vấn đề này. Điển hình như: Điều 1, Hội chỉ thâu nhận những học trò từ 15-25 tuổi. Người đã xuất gia thì phải có trụ trì chùa mình ở chứng nhận đủ tư cách và đạo đức của một người tu hành, còn tại gia thì phải kê khai lý lịch của mình, cha mẹ. Trong đơn phải được cha mẹ và làng xã xác nhận cho theo học thì mới được.
Khi theo học sẽ chịu sự khảo thí theo chương trình của hội trước mặt Ban hội đồng tạm thời. Nếu quá trình theo học, ai không theo nổi sẽ bị hội bác ra liền, những vị không tuân thủ thanh quy cũng sẽ bị tẩn xuất. Hội sẽ sắm đủ tài liệu và tứ sự cúng dường, chịu học phí mỗi khóa 5 năm, đến khi ra trường phải giúp hội 5 năm. Sau đó sẽ được hội bổ đi nơi khác hoằng pháp hoặc làm giáo viên.
Điều 3, hội sẽ thành lập Phật học đường để đào tạo tăng tài và tuyên truyền giáo lý của đức Phật. Điều 4, để trông nom về phần giáo dục trong Phật học đường và chọn những bài diễn giảng mỗi ngày chủ nhật và các ngày lễ vía cho bá tánh đến lễ Phật nghe kinh, Ban trị sự giáo dục cử các chức vụ có trật tự như sau:
Một đức hòa thượng Đô giám
Bốn vị Giám học sư
Hai vị Pháp sư
Hai vị Giảng sư
Hai vị Giáo viên
Một vị Trụ trì
Hai vị Thư ký
Một vị Tri tạng[7].
Về không gian đào tạo, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã dành ra rất nhiều diện tích để chăm lo cho các cơ sở giáo dục như: 1. Đại hùng Bảo điện, 2. Tàng kinh Bảo viện, 3. Thiền lâm Tịnh xá, 4. Tòng lâm Tịnh xá, 5. Sư sinh Tịnh phòng, 6. Cư sĩ Lâm viện, 7. Giảng đường, 8. Biên tập sở, 9. Nghiên cứu viện, 10. Đông trù, 11. Ưu Bà Di viện, 12. Trụ trì phòng, 13. Phật học đường, 14. Tổng lý Văn phòng, 15. Công khố.
Trong đó, Phật học đường là nơi sẽ đào tạo học viên theo đúng tinh thần Phật pháp, nghiêm trì giới luật, đầy đủ tánh hạnh để sau này làm gương cho hậu học và đủ trình độ để diễn dịch kinh, luật, luận từ Hán ngữ sang Quốc ngữ. Phật kinh Thư viện có trữ hai tạng kinh là Đại tạng và Tục tạng, các kinh điển đã dịch ra chữ Quốc ngữ và các loại báo chí Đông Tây có nghiên cứu đến triết lý của Phật để cho học viên tới lui khảo cứu.
Giảng đường là nơi cần thiết cho những người học Phật. Mỗi tháng sẽ có bốn ngày giảng thuyết, hội chọn những vị sư đủ tư cách đạo đức và học thức uyên thâm về giáo lý của Phật để diễn giải cho những vị sơ tâm học đạo có thể hiểu rõ nghĩa lý mà tu hành[8].
Đến ngày 12/9/1935 15/08/Âm lịch), Phật học đường Lưỡng Xuyên chính thức khai giảng tại chùa Long Phước. Với mục đích: “Tùy theo trình độ Tiến Hóa của nhân loại để cải cách cho phù hợp với thời kỳ Phật pháp xương minh, cốt để giáo hóa nhân tâm, phò trì mạt vận cho được “đạo tùy cơ cảm, giáo dĩ thi hưng, đào tạo cho một ngày kia có người thành tài, đạt đức”, nhơn thiệt nhĩ mục, phật pháp đống lương, để làm sư bảo trong Phật giáo”[9].
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đăng ký theo học được, mà các học viên cần phải đủ các điều kiện sau: “phải thọ giới, kiết hạ ba tháng để học tập oai nghi, tế hạnh, giới luật cho biết tánh tướng khai giá trì phạm. Những học tăng được chọn vào hạ phải y theo luật: Chẳng đặng ăn phi thời và chẳng có các chứng bịnh như lao, ghẻ, lác, cùng là bịnh có thể truyền nhiễm”[10].
Ngoài ra, các vị theo học cần phải có sức khỏe, phải biết đọc, viết chữ Quốc ngữ và chữ Hán, lại thêm phải biết ít nhiều về kinh luật của Phật. Cộng thêm đó, phải được sự chứng nhận của địa phương về tánh hạnh và đạo đức tốt mới được thâu nhận như các quy tắc trên đã trình bày.
b/ Điều lệ và Quy tắc riêng của Phật học đường
Ngoài các quy tắc và điều kiện để được thâu nhận vào học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học còn ban hành các quy tắc riêng của học đường. Với các điều như:
Điều 1, vấn đề thâu nhận học sinh thì chỉ nhận từ 15-25 tuổi, phải biết chữ Quốc ngữ và Hán văn, ít nhiều phải biết kinh, luật, luận của Phật. Phải có đơn kê khai rõ lý lịch của mình và người thân đối với tại gia, phải có xác nhận của bổn sư đối với xuất gia. Phải được địa phương chứng nhận tánh hạnh và đặc biệt là phải có sức khỏe mới được thâu nhận.
Điều 2, nói về khảo thí học sinh thì hội sẽ tổ chức một ban Hội đồng giáo dục để khảo thí mới được thâu nhận vào học. Nếu trải qua cuộc khảo thí mà đặng trúng tuyển sẽ được cúng dường tứ sự đầy đủ như: Một năm được hai cái áo tràng, giày, mũ, giường, chiếu, mùng, mền, gối,... Hai kỳ quần áo được bốn bộ, còn khi bệnh tật ốm đau thì được chăm sóc thuốc thang điều dưỡng cho khỏi bệnh.
Điều 3, nói về việc học kinh, luật, luận. Năm thứ nhất sẽ học Sa di yếu lược, năm thứ hai học luật, năm thứ ba học kinh, năm thứ tư tiếp tục học kinh và năm thứ năm học luận[11].
Điều thứ 4, đề cập đến vấn đề y phục và ăn uống. Quần áo thì mặc một màu sắc như nhau, đồ dùng ở lớp học khác với đồ lúc hành lễ. Khi dùng bữa, sẽ y theo luật Bá Trượng, 6 giờ sáng ăn cháo, 11 giờ trưa ăn cơm và 4 giờ chiều ăn cơm.
Điều thứ 5, đề cập về việc tạm phóng cộng trụ. Mỗi năm đến ngày 23 tháng Chạp sẽ được nghỉ học trong hai thất nhựt để sơn quét Phật học đường, đến ngày 28 nếu ai muốn về thăm bổn sư thì trình với Viện trưởng và được hội hỗ trợ kinh phí đi lại. Đến ngày 8 tháng Giêng thì tựu trường. Mỗi tháng sẽ được nghỉ hai ngày sám hối và nghe giảng, hoặc các ngày vía Phật, Bồ tát sẽ được nghỉ một ngày và luân phiên trị nhựt và thời khóa tụng. 4 giờ khuya sẽ có bốn học trò khấu chung công phu, hai trò sẽ trị nhựt.
Mỗi phiên trị nhựt một ngày một đêm gồm các công việc sửa soạn phục dịch cho các vị pháp sư, lau bàn ghế, quét dọn trường lớp, chăm nom những vị bị bệnh, báo cáo cho Viện trưởng, tối đến phải coi đèn lửa các phòng cho chu đáo và kiểm tra cửa nẻo[12],...
Điều 6, nói về sự tính ước. Những vị trúng tuyển thì bổn sư hoặc cha mẹ phải làm đơn giao kèo với hội. Về mặt kinh phí học tập, hội sẽ lo cho những vị trúng tuyển. Tuy nhiên, những vị nào học hoài không tiến bộ, hoặc vi phạm thanh quy sẽ bị trục xuất. Người bảo lãnh phải đến trường để hội giao lại người ấy và những giấy tờ đã nộp trước đó, cộng thêm đó là phải chịu sự trách cứ theo lời giao.
Điều 7, nói về học vụ. Mỗi năm sẽ thi một kỳ, đến ngày 24 tháng Chạp sẽ gom tất cả bài vở học dịch và tánh hạnh của mỗi vị mà cho điểm. Vị nào cao điểm sẽ có phần thưởng riêng. Sau khi hoàn tất 5 năm học tại bổn trường, phải quay lại làm việc giúp cho trường, hoặc dịch kinh luật hay là đi làm giáo viên ở các nơi khác. Sau khi mãn kỳ hạn định, hội sẽ phong chức giáo thọ đại sư.
Điều 8, nói đến chấp tác công vụ. Hàng ngày trừ 2 vị trị nhựt ra, những người còn lại 4 giờ khuya phải thức dậy tựu tại học sở, học bài đến 6 giờ nghe đánh bảng thì vào phòng ăn cháo, sau đó đi làm công chuyện. 8 giờ ra tại học sở đến 8 giờ 15 phút thì pháp sư sẽ ra giảng bài. 9 giờ 15 giải lao, sau đó vào học lại đến 10 giờ rưỡi thì nghe bảng mà đi thời ngọ, xong rồi ngủ nghỉ. Buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ vào lớp, sau đó nghe bảng thì dùng cơm chiều.
Xong rồi thì tùy giám viện chỉ bảo công chuyện mà chấp tác. Đến 18 giờ tắm rửa, 19 giờ vào lớp cho đến lúc đi ngủ. Nếu ai trễ nãi, biếng nhác thì sẽ có tội. Phải tuân thủ oai nghi tế hạnh, theo thứ lớp mà đi đứng. Đặc biêt là không được đọc các loại truyện, tiểu thuyết thế tục.
Điều 9, về vấn đề thư tín. Trường cử ra một thầy gác để chăm nom về oai nghi, đức hạnh, cũng như kiểm soát thư từ, bài vở của các học trò. Nếu thư từ của cha mẹ gởi đến thì thầy gác có quyền coi trước, hoặc học sinh gửi thư về cho bổn sư hay cha mẹ thì phải trình cho thầy gác coi trước rồi mới được gởi đi. Tuy nhiên, việc tầm thường không được thư tín vãng lai vì e sẽ trở ngại cho đường tu học.
Điều 10, nói về hành lý vật dụng. Học sinh vào trường có đồ đạc gì cũng phải trình với sư Viện trưởng, và đồ không dùng phải gởi vào công khố để biên vào sổ. Các học sinh phải tự bảo quản đồ đạc cá nhân, các đồ dùng bổn trường cấm mà vẫn cố tình đem vào thì sẽ bị khiển trách và luận tội[13].
Sau khi xem xét về đạo đức cũng như lai lịch đầy đủ của học sinh, hội tổ chức một cuộc thi nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh. Hội thành lập một Ban giám khảo gồm: HT.Khánh Hòa làm trưởng ban, HT.Huệ Quang làm phó ban, HT.An Lạc làm cố vấn, HT.Bảo Lâm làm ủy viên, HT.Tâm Quang làm ủy viên và HT.Khánh Anh làm giám trưởng.
Cuộc thi sẽ được chia: Buổi sáng thi đọc một bài Hán văn và viết một bài ám tả và một đoạn kinh bằng chữ Hán. Buổi chiều sẽ viết một bài ám tả bằng chữ Quốc ngữ, làm một bài luận với đề tài bổn phận của một người học sinh khi đỗ rồi phải làm như thế nào cho tròn nghĩa vụ đối với Hội Lưỡng Xuyên Phật học và phật pháp[14].
Kết quả là với 20 người đăng ký thì có 8 người đủ điều kiện dự thi và cả 8 người đều thi đậu. Với số lượng này, hội đã khai mở hơn các quy tắc và điều kiện để giúp cho các học sinh đăng ký theo học. Tính từ năm 1936-1936, Phật học đường Lưỡng Xuyên đã đào tạo được hai lớp tăng, ni với khoảng 30 người.
Khóa đầu tiên có những vị như: Hành Trụ, Huyền Quang, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Hiển Không,… Lớp ni gồm các vị như: Huệ Chơn (Lê Trâm Anh, chùa Tiên Linh), Kim Viên (Lê Ngọc Trinh), Diệu Ninh (Dương Thị Kiến, chùa Giác Hải), Diệu Tâm (Lê Thị Thanh, chùa Giác Hải), Diệu Kim (Thái Thị Thanh), Diệu Minh (Thái Thị Nguyệt), Diệu Trước (Võ Thị Lựu), Diệu Tánh (Lưu Thị Nhạn), Huệ Hoa (Trương Thị Lý),…
Lúc ấy, lớp ni do ngài Minh Tịnh đảm nhiệm, sau dời về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre, được HT. Khánh Hòa quản lý, Nguyễn Văn Hoài và Nguyễn Trung Tín tham gia công tác tổ chức.
2. Thành phần Ban Giáo dục
Năm 1936, Hội Lưỡng Xuyên Phật học có Ban Giáo dục gồm có:
Đại Đạo sư là HT.Từ Phong
Đại Pháp sư là HT.Khánh Hòa và HT.Khánh Anh
Giảng sư là HT.Chí Thiền và Nguyễn Bửu Sơn
Cố vấn là Thích Pháp Ân và Lê Tâm Quang
Kiểm soát là Lê Diệu Pháp và Thích Liễu Đàn[15].
Đến năm 1937, Ban Giáo dục có sự điều chỉnh lại một số chức danh cho nên cơ cấu nhân sự cũng thay đổi.
Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải-Chợ Lớn) vẫn giữ chức Đại đạo sư, phó đạo sư là HT.An Lạc (chùa Vĩnh Tràng-Mỹ Tho) và HT.Khánh Hòa, giảng sư là HT.Nguyễn Bửu Sơn (chùa Phước Long-Sa Đéc) và Võ Khánh Anh (chùa Long An-Cần Thơ), cố vấn là HT.Lê Tâm Quang (chùa Viên Giác-Bến Tre) và Thích Pháp Ấn (chùa Phước Tường-Gia Định), kiểm soát là HT.Phạm Văn Ngưu (chùa Kim Huê-Sa Đéc) và HT.Viên Minh (chùa Hòa Thạnh-Châu Đốc)[16].
Ngoài ra, thỉnh thoảng hội còn mời các vị như ngài Mật Thể, Nhật Liên, Như Ý, Trí Thuyên từ miền Trung vào tham gia giảng dạy.
3. Chương trình đào tạo
Ngoài việc thành lập Phật học đường, thỉnh chọn giảng sư, việc tiếp theo chính là đào tạo tăng tài. Bởi tăng tài có mối quan hệ mật thiết với tương lai hưng thịnh của Phật giáo.
Đào tạo tăng tài nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình là “Hộ trì phật pháp cho được cửu trường, khuếch trương Phật giáo cho được tinh tấn, truyền bá Phật học cho bồng bồng bộc bộc, bành trướng lan rộng ra, để trên thì trả ơn tứ trọng, dưới cứu khổ tam đồ, cả pháp giới chúng sinh đồng lên đến con đường giải thoát”[17].
Trong bài giảng của Cố Đạo Trân với chủ đề “Người học Phật phải biết việc cần yếu nên làm” cũng cho rằng đời nay người học Phật trước tiên cần phải hoàn thiện nhân cách, làm cho đúng sự nghiệp để trả ơn cha mẹ, thầy bạn và xã hội. Nhờ đó mà có thể nuôi sống thân mạng. Tiếp đến phải tinh cần sự nghiệp chí hướng cho thanh tịnh, để đạt được đức hạnh Phật tính. Hoàn thiện được hai điều đó tức là Phật, Phật là thế, thì người người đều có thể học được làm được, và người như thế mới thật là người học Phật.
Những người học Phật cần làm những điều nên làm mới là tự lợi lợi tha. Bởi vì sao? Vì sự nghiệp để nuôi sống trong đời, đối với phật pháp không hề trái nhau. Nếu sống lụy mình phụ người là vô nghiệp lưu dân, cơ mưu léo lất là trộm giựt của đời, thế là đạo tạo thượng lưu chớ không phải thiên tăng cao hạnh.
Do đó, người xuất gia vẫn có gia vụ, sự nghiệp của người xuất gia, tức là “hoằng pháp làm gia vụ, lợi sinh làm sự nghiệp”. Người tại gia thì có gia vụ và sự nghiệp của người tại gia, tức là “sĩ, nông, công, thương” đều lãnh một cái trách nhiệm về cấp dưỡng cho thân, chi độ cho nhà, lợi tế cho nước và giúp ích cho quần chúng. Ngược lại, nếu chẳng làm được như thế thì thành ra hạng người chỉ ăn của chúng mà không trả, tức nhiên là người thiếu nợ đời, có thể nào thành tựu được cái chí nghiệp xuất thế siêu phàm của chúng ta trong Phật pháp[18].
HT.Trí Thủ trong bài giảng “tại gia và xuất gia” cũng cho rằng: “Chúng ta nên tinh tấn, nên phát đại Bồ đề tâm, lấy sự nghiệp độ sinh làm sự nghiệp, đem việc hoằng pháp làm việc hằng ngày, cho đến khi nào tất cả chúng sinh đều thành Phật thì chúng ta mới tròn nghĩa vụ”[19].
Về việc học tập thì lúc bấy giờ nhiều địa phương vẫn chưa thành lập được Phật học đường và còn thiếu rất nhiều giảng sư có khả năng tham gia giảng dạy, cho nên những vị tăng ni sinh ở gần Phật học đường Lưỡng Xuyên thì sẽ được hội hỗ trợ điều kiện trước để theo học. Còn những ai ở xa chưa đủ điều kiện theo học thì tại các chùa mời giáo viên ở bên ngoài vào dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và Hán văn để lấy đó làm nền tảng căn bản trước trong quá trình tiếp cận kinh điển và tu tập.
Nếu chùa nào không có đủ khả năng mời giáo viên từ bên ngoài thì khuyến khích các chùa cho tăng ni sinh hằng ngày đến các trường làng để học thêm. Vì tăng ni sinh là tương lai của Phật pháp, chỉ có như vậy mới có thể gánh vác trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh.
Sau buổi lễ bãi trường, Trần Văn Giác mong muốn hội cho các ngài Huệ Pháp và Khánh Anh chia dạy theo chương trình tiểu học ở Huế. Hết năm, tăng ni sinh phải chịu khảo thí được cấp bằng sơ đẳng hầu để lãnh học phí của hội, sau đó theo học lớp trung học và đại học. Bởi vì muốn Phật giáo được phát triển, tăng già được chỉnh đốn nên mới lập ra Phật học đường. Nếu chư tăng và thiện tín hiệp sức, người góp tiền, người góp trí thì lo gì trong năm năm Phật pháp không xương minh, tăng già không được chỉnh đốn.
Những vị được gửi đi các nơi để học đủ tài, đủ đức, giúp ích được cho hội rất nhiều việc. Vì ai cũng biết rõ rằng: “Nếu học thuyết được cao sâu thì sau nhân tài mới xuất chúng, nếu giáo dục được chân chính thì sau xã hội mới thuần lương. Vậy chúng ta không nên lần lựa ngày qua tháng lại, phải nhanh đem hết quan niệm của mỗi người mà hiệp chí đồng tâm để nghĩ bàn cách gửi tăng ni sinh ra Trung Bắc; ấy là điều cần thiết của Hội chúng ta”[20].
Nhờ đó, được sự gợi ý của HT.Khánh Hòa, Phật học đường Lưỡng Xuyên đã chọn ra tăng sinh có thành tích tu học tốt nhất gửi ra Huế là Thích Thiện Hoà và Thích Hiển Không ra học tại Phật học viện Tây Thiên. Sau đó đến năm 1938 lại gửi ra các vị như: Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, Thích Bửu Ngọc, Thích Chí Thiện, Thích Chánh Quang, Thích Hành Trụ, Thích Hiển Thụy, Thích Quảng Liên, Nguyễn Tấn Tài,… theo học ở Huế.
Bên cạnh đó, hội còn chủ trương tham khảo các mô hình giáo dục quốc dân cũng như của các tổ chức Phật giáo đương thời để hoàn thành chương trình đào tạo. Điều này thể hiện vào cuối năm 1936, hội đã cử Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Văn Trọng ra Huế thăm quan cách thức tổ chức Phật học đường của hội An Nam Phật học cũng như cách thức chấn chỉnh quy cũ thiền môn của tăng già.
Kết quả của chuyến tham quan là hội Lưỡng Xuyên xây dựng được một chương trình đào tạo dựa trên nền tảng của chương trình giáo dục của hội An Nam Phật học xây dựng từ năm 1934. Theo đó, chương trình tiểu học, tăng ni sinh sẽ phải trải qua 5 năm.
Ngày 1/9/1937, Hội Lưỡng Xuyên Phật học tiếp tục khai giảng năm học mới. Lớp lớn do HT.Khánh Anh và HT.Khánh Hoà đảm nhiệm (giảng dạy về kinh Lăng Nghiêm, Tâm kinh, Trực chỉ). Hai lớp nhỏ do HT.Huệ Pháp phụ trách (Sa di và Tâm kinh).
Đặc biệt hơn, trong năm này hội đã mở một lớp học dành riêng cho chư ni. Kết quả là ngày 16/1/1938 có 50 tăng ni sinh đã tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau đó nhận thấy chương trình học lúc đó hơi nặng và khả năng cung ứng những vấn đề bức bách của hội nên hội đã rút gọn thời gian đào tạo và học phần lại.
Ngày 1/4/1938, trong buổi lễ khai giảng, hội chính thức áp dụng chương trình đào tạo thời gian 5 năm. Trong năm đầu tiên, chương trình học là: Sa di, Lễ kí, Quy nguyên, Minh Tâm, Thân thư. Năm thứ hai học Tỳ kheo, Di Đà, Pháp Hoa, Tứ thư, Chu dịch. Năm thứ ba học Tứ phần, Tam kinh, Bảo đàn, Lăng già, Lão Tử, Trang Tử. Năm thứ tư học Bồ tát, Kim Cang chư gia, Tâm kinh, Lăng Nghiêm, Giải thâm mật, Bách pháp, Nhân minh, Tam chi tỉ lượng. Năm cuối học Thành duy thức, Đại thừa khởi tín, Du già.
Tuy nhiên, hoạt động giáo dục của hội vẫn chưa thống nhất về mặt nội dung cũng như chương trình giảng dạy. Cho nên, một số hội viên đã đưa ra ý kiến đề xuất những chương trình giảng dạy mới. Trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc mong muốn hội nên cử các vị đại đức, nghĩa là thầy cả trong mỗi tông phái lên làm đại sư đặng cho tiện bề quản lý đệ tử của mình.
Bà đưa ra năm điều yêu cầu như sau:
1/ Nếu trong chúng có người vi phạm thì trách nhiệm thuộc về người thầy của vị đó.
2/ Mỗi chùa nên phân biệt chùa nam nữ ở học. Học sinh xuất gia phải có tánh hạnh tốt, có chứng nhận của làng, bổn sư. Tại gia muốn học thì khỏi giấy tờ, nhưng vật dụng thì của ai người nấy dùng.
3/ Nên chọn chỗ tiện bề nhóm họp đại hội đồng thường niên để trao đổi ý kiến, bàn chương trình cho thích hợp. Khi đến kỳ thi thì các vị đại sư nhóm họp đặng khảo hạch học sinh. Học sinh đi thi thì phải có giấy chứng nhận tánh hạnh của thầy dạy học và của làng. Ai thọ giới gì thì sống và thực hành đúng giới ấy, không được càn quấy.
4/ Trừng trị tinh nghiêm đối với những trường hợp sai phạm.
5/ Mỗi chùa 1 tháng nên thuyết pháp hai lần vào ngày 14 và 30 để giúp cho người rõ biết đường tà nẻo chính[21].
Hay Hải Ấn cũng đưa ra sáu điều mong chấn chỉnh lại như sau:
1/ Dùng quy tắc giới luật để sắp đặt lại trật tự trong tăng đồ.
2/ Mở cuộc tân giáo dục dạy đủ cho các hạng người.
3/ Mở lớp nghiên cứu, sưu tầm kinh sách nội điển và ngoại điển.
4/ Vận động học sinh đi du học Phật giáo ở các nước.
5/ Lập nhà tịnh tu để thực hành giáo lý đức Phật. 6/ Đi nhiều nơi để tuyên truyền Phật giáo[22]. Vị này còn cho rằng thanh niên còn rất nhiều việc cần làm, tuy nhiên bây giờ việc cần làm trước hết là phải nghiên cứu, biên tập, trước tác và nhất là giữ giới luật.
Riêng ngài Thiện Quả trong bài viết “Luận về chấn hưng Phật học ở nước ta” có quan điểm muốn các hội Phật giáo của ta cũng nên noi theo thể cách tổ chức của Thiên Chúa và Phật giáo ở Cao Miên mà thi hành thì kết quả mới mong đặng tốt đẹp. Bắt đầu xin phép Chính phủ thành lập Hội Nghiên cứu Phật học và Thích học đường, mục đích để huấn luyện nhân tài và hoằng dương Phật pháp. Tiếp đó là cho xuất bản tạp chí Phật học để làm cơ quan truyền bá cho Phật giáo.
Bởi vì, tạp chí không tốn phí nhiều, ngoài ra các việc không cần thiết thì từ từ để theo thứ lớp mà làm. Trường Phật học thì nên chia ra ba lớp sơ học, trung học và cao học. Phải có nam học đường và nữ học đường, học sinh không phân biệt tại gia hay xuất gia đều phải đóng tiền học phí sơ học và trung học, trừ cao học thì không cần đóng. Lấy một nửa số lượng học tăng cho học chuyên về Phật học, còn tín đồ nam thì học xong trung học chuyển qua học y học.
Khi học sinh sắp ra trường thì lấy số tiền dự định đem lập nhà in. Lập y viện cho tín đồ học y tốt nghiệp ra có chỗ giúp việc. Bên nữ học sinh cũng tương tự như thế, chia ra hai phần, các ni cô thì chuyên về Phật học còn tín đồ nữ thì chuyên về nữ công cho đến đậu nữ công tốt nghiệp. Như thế thì phụ nữ đặng rõ đạo lý, công dung ngôn hạnh, đặng trở nên một người phụ nữ có đủ chức nghiệp. Trong y viện, tăng thì chữa bệnh bên nam, còn chư ni thì chữa bệnh bên nữ.
Còn về phần tăng ni học sinh sau khi đậu tốt nghiệp rồi thì trường phái đi các chùa dạy đạo hay giảng đạo, chùa nào có đủ thế lực nên dựng trường trung học, còn trường nào không đủ thế lực, không dựng được trường thì mỗi năm phải phái người đến giảng dạy ít nhất ba kỳ, làm như thế đến khi Phật học lan rộng ra, có đầy đủ nhân tài rồi thì các hội Phật giáo chung nhau xin phép chính quyền bảo hộ và Chính phủ Nam Triều đặng công cử người cầm quyền trong giáo hội và chỉnh đốn lại cho có trật tự[23].
Đến năm 1937, Ban Trị sự Hội Lưỡng Xuyên Phật học cho xây dựng một chương trình đào tạo với sáu điểm. Trong đó, điều thứ hai nói về vấn đề cử một Ban Giáo dục để chỉnh đốn các giáo viên, pháp sư và chứng kiến cho cấp bằng để dạy cho Thích học đường và thuyết pháp. Soạn thảo chương trình giáo dục cho tiểu học, trung học và đại học. Xuất bản Phật học giáo khoa để dùng trong các trường tiểu học, trung học, đại học và các chùa[24]. Tiếp sau đó, Hội phác họa ra một chương trình đào tạo chung cho các Thích học đường cả nước.
Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận, các đồng nhơn không đi đến thống nhất cho nên chương trình đào tạo này không được thực hiện.
Tiếp sau đó, ngài Huệ Quang lên kế hoạch cho một chương trình đào tạo mới lấy tên là Lưỡng Xuyên Thiền Na Học Hiệu[25], ngài mong muốn thực hiện được chương trình đào tạo như trên thì mới có thể xương minh Phật pháp, phổ cập dân gian, bài trừ cái nạn thất học ngỏ hầu đào tạo nên những vị xuất gia chân chính, thông minh mẫn trực, kẻ tại gia uyên thâm lý Phật mới tránh khỏi sự hoang đường mê tín, mà cũng là một phương pháp lợi ích cho tất cả gia đình.
Đến năm 1938, vấn đề tài chính của hội gặp nhiều khó khăn nên số lượng học sinh theo học cũng giảm. Sang năm 1939 thì Phật học đường tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, may mắn là được một vị phát tâm hỗ trợ cho Phật học đường cho nên năm 1940 Phật học đường được hoạt động trở lại.
Khả quan nhất là đến năm 1941, Phật học đường được chỉnh đốn, có thêm những vị pháp sư là HT. Khánh Anh, Mật Thể, Hiển Thụy, Như Ý đảm nhận công tác giảng dạy. Về tứ sự hỗ trợ cho học sinh đã có cư sĩ trong hội giúp đỡ. Những vị được hội gửi ra Huế học bây giờ đã đủ khả năng tham gia công tác giáo dục của hội[26].
Đến năm 1943, hội mở một cuộc thi khảo sát các vị học ở năm 1942, kết quả có 10 vị vượt qua được kì thi là: Đại Thông, Như Mĩ, Huyền Lý, Tâm Hy, Thiện Phước, Lương Tâm, Hoài Oai, Hoài Lâm, Đại Quang, Như Nhu. Ngoài ra, hội còn mở thêm một lớp trung học, thu nhận thêm 10 vị học trung học và 10 vị học lớp tiểu học. Sau năm học đó, chương trình đào tạo của Hội Lưỡng Xuyên chấm dứt.
Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tài chính thiếu hụt, nguồn nhân sự hoạt động cũng thiếu. Mặt khác, những biến động trong nước cũng ảnh hưởng không kém. Bên cạnh đó, hội còn phải xót xa trước thực trạng lúc bấy giờ: “Gần đây các nhà giáo chỉ cốt lấy lương hướng, bổng lộc làm kế sinh nhai, còn các học giả thì thiên trọng về khoa cử, công danh, ai cũng lấy chủ nghĩa cá nhân, vinh thân, phì da, sung thê ấm tử làm đầu…
Nghĩa là từ lúc đang còn học trò cho đến khi ra làm thầy giáo, đốc học hay làm quan, làm dân, ai cũng thiên trọng cái chủ nghĩa kiếm tiền, cố lấy danh vị, quyền thế làm đầu”[27].
Kết luận
Như vậy, từ khi thành lập Phật học đường đến khi kết thúc, Phật học đường Lưỡng Xuyên đã đào tạo được nhiều vị tăng tài góp phần gánh vác công việc của hội nói riêng và công tác phụng sự đạo pháp nói chung. Nhờ vào chủ trương xây dụng Phật học đường để đào tạo tăng tài mà hội đã làm góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Phật giáo lúc bấy giờ rất lớn. Mặc dù hội đã cố gắng rất nhiều trong công tác giáo dục và đào tạo tăng tài nhưng kết quả không được như hội mong đợi.
Tác giả: Phan Thị Thảo Sương, Pháp danh: Thích nữ Thiện Tánh Học viên Thạc sĩ Khóa V-Học viện PGVN tại Tp.HCM cơ sở 1
***TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939), “Muốn có tăng tài cần đào tạo ngay các đạo tiểu”, Duy Tâm Phật học, số 38, tr. 58-60.
2. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Đôi lời biểu lộ”, Duy Tâm Phật học, số 1, tr. 14-16.
3. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939), “Muốn có tăng tài cần đào tạo ngay các đạo tiểu”, Duy Tâm Phật học, số 38, tr. 58-60.
4. Thích Minh Cảnh, “Các trường Phật học ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX”, Đặc san Suối nguồn, số 5, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang.
5. Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Tổng Hợp, Tp.Hồ Chí Minh, tr. 114-115.
6. Thích nữ Diệu Hường (1935), Lời yêu cầu của cô Diệu Hường đọc bữa khai trường Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Duy Tâm Phật học , số 3, tr.132-134.
7. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc riêng của Hội Lưỡng Xuyên Phật học”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 101-108.
8. Trần Văn Giác (1935), “Bài diễn văn của ông Trần Văn Giác Thông phán hồi hưu, đọc bữa khai đại hội Lưỡng Xuyên Phật học”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 67.
9. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Kết quả cuộc thi tuyển chọn sĩ tử và lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 85-90.
10. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1937), “Bố cáo”, Duy Tâm Phật học, số 19, tr. 413.
11. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc học đường”, Phụ trương Phật học, số 4, tr. 61.
12. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc học đường”, Phụ trương Phật học, số 5, tr. 79.
13. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc học đường”, Phụ trương Phật học, số 5, tr. 94-96.
14. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Kết quả cuộc thi tuyển chọn sĩ tử và lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 85-91.
15. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1936), “Lễ Chu niên đại hội tại hội LXPH Trà Vinh”, Duy Tâm Phật học, số 6, tr. 313-317.
16. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1937), “Đại hội đồng thường niên”, Duy Tâm Phật học, số 19, tr. 399-410.
17. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Kết quả cuộc thi tuyển chọn sĩ tử và lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 85-91.
18. Cố Đạo Trân (1936), “Người học Phật phải biết việc cần yếu nên làm”, Duy Tâm Phật học,, số 15, tr. 135-140.
19. Trí Thủ (1936), “Tại gia và xuất gia”, Duy Tâm Phật học, số 5, tr. 245-254.
20. Trần Văn Giác (1938), “Bài diễn văn đọc sau bữa tiệc lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 28, tr. 190-193.
21. Nguyễn Thị Ngọc (1936), “Cảm tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng và tại gia tín ngưỡng”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 414-415.
22. Hải Ấn (1937), “Những việc cần làm của thanh niên học Phật”, Duy Tâm Phật học, số 18, tr. 314-317.
23. Thiện Quả (1936), “Luận về chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 409-411.
24. Huệ Quang (1937), “Vấn đề Phật học tổng hội”, Duy Tâm Phật học, số 25, tr. 39.
25. Huệ Quang (1938), “Phật pháp bất ly thế gian giác”, Duy Tâm Phật học, số 31, tr. 295-298.
26. Trường Lạc (1942), “Tờ phúc bẩm về Thích học đường cuối năm 1941”, Duy Tâm Phật học, số 44, tr.308-309.
27. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939), “Thể lượng Tăng già”, Duy Tâm Phật học, số 39, tr. 116-120.
CHÚ THÍCH
[1] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939), “Muốn có tăng tài cần đào tạo ngay các đạo tiểu”, Duy Tâm Phật học, số 38, tr. 58-60.
[2] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Đôi lời biểu lộ”, Duy Tâm Phật học, số 1, tr. 14-16.
[3] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939), “Muốn có tăng tài cần đào tạo ngay các đạo tiểu”, Duy Tâm Phật học, số 38, tr. 58-60.
[4] Thích Minh Cảnh, “Các trường Phật học ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX”, Đặc san Suối nguồn, số 5, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang.
[5] Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Tổng Hợp, Tp.Hồ Chí Minh, tr. 114-115.
[6] Thích nữ Diệu Hường (1935), Lời yêu cầu của cô Diệu Hường đọc bữa khai trường Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Duy Tâm Phật học , số 3, tr.132-134.
[7] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc riêng của Hội Lưỡng Xuyên Phật học”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 101-108.
[8] Trần Văn Giác (1935), “Bài diễn văn của ông Trần Văn Giác Thông phán hồi hưu, đọc bữa khai đại hội Lưỡng Xuyên Phật học”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 67.
[9] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Kết quả cuộc thi tuyển chọn sĩ tử và lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 85-90.
[10] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1937), “Bố cáo”, Duy Tâm Phật học, số 19, tr. 413.
[11] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc học đường”, Phụ trương Phật học, số 4, tr. 61.
[12] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc học đường”, Phụ trương Phật học, số 5, tr. 79.
[13] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Quy tắc học đường”, Phụ trương Phật học, số 5, tr. 94-96.
[14] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Kết quả cuộc thi tuyển chọn sĩ tử và lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 85-91.
[15] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1936), “Lễ Chu niên đại hội tại hội LXPH Trà Vinh”, Duy Tâm Phật học, số 6, tr. 313-317.
[16] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1937), “Đại hội đồng thường niên”, Duy Tâm Phật học, số 19, tr. 399-410.
[17] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), “Kết quả cuộc thi tuyển chọn sĩ tử và lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 2, tr. 85-91.
[18] Cố Đạo Trân (1936), “Người học Phật phải biết việc cần yếu nên làm”, Duy Tâm Phật học,, số 15, tr. 135-140.
[19] Trí Thủ (1936), “Tại gia và xuất gia”, Duy Tâm Phật học, số 5, tr. 245-254.
[20] Trần Văn Giác (1938), “Bài diễn văn đọc sau bữa tiệc lễ khai trường”, Duy Tâm Phật học, số 28, tr. 190-193.
[21] Nguyễn Thị Ngọc (1936), “Cảm tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng và tại gia tín ngưỡng”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 414-415.
[22] Hải Ấn (1937), “Những việc cần làm của thanh niên học Phật”, Duy Tâm Phật học, số 18, tr. 314-317.
[23] Thiện Quả (1936), “Luận về chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 409-411.
[24] Huệ Quang (1937), “Vấn đề Phật học tổng hội”, Duy Tâm Phật học, số 25, tr. 39.
[25] Huệ Quang (1938), “Phật pháp bất ly thế gian giác”, Duy Tâm Phật học, số 31, tr. 295-298.
[26] Trường Lạc (1942), “Tờ phúc bẩm về Thích học đường cuối năm 1941”, Duy Tâm Phật học, số 44, tr.308-309.
[27] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1939), “Thể lượng Tăng già”, Duy Tâm Phật học, số 39, tr. 116-120.
Bình luận (0)