Ban Trị sự GHPGVN Tp.Hà Nội Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HOẰNG PHÁP

Sứ mệnh hoằng pháp thật quan trọng, vì đây là tiền đề để Phật Pháp lưu truyền. Từ xưa đến nay, dù ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, hệ phái nào, hoằng pháp đều có vai trò vô cùng trọng yếu trong việc duy trì mạng mạch của Phật pháp. Sau khi Đức Phật chứng thành đạo quả, nếu Ngài không vận chuyển bánh xe chính pháp lần đầu tiên tại vườn Nai, nếu bốn chúng đệ tử của Ngài suốt 26 thế kỷ qua không tiếp tục thực hành và truyền bá giáo lý thì Phật giáo sẽ không tồn tại và không có Phật pháp để chúng ta học tập, hành trì cho đến ngày nay.

Với tâm nguyện “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” chư vị Tổ sư nhiều đời đã không ngại hy sinh cả thân mạng của mình vì sự nghiệp truyền trì Phật pháp.  Với lòng từ bi thương xót chúng sinh, các bậc Tổ sư tiền bối đã cất bước vân du đến những vùng đất xa xôi, khắp các quốc độ để truyền thừa giáo pháp không quản gian lao, khó nhọc. Hơn 26 thế kỷ Phật giáo luôn ôn hòa, không có sự cảm hóa bằng vũ lực hay bất kỳ một phương tiện cưỡng bức nào, không có ý đồ xâm lăng chiếm đoạt. Phật giáo đi đến đâu cũng chỉ mang ánh sáng từ bi trí tuệ chiếu soi đến đó và tạo dựng hòa bình an lạc cho dân tộc xứ ấy. Có những quốc gia hưng thịnh rồi suy tàn, có những đế quốc được xây dựng trên bạo lực và cường quyền để trở nên thịnh vượng rồi cũng bị tan rã, nhưng vương quốc chính pháp do Đức Phật lập ra bằng tình thương, lòng từ bi và tuệ giác vẫn đang phồn thịnh và sẽ tiếp tục thịnh vượng trên thế gian này. Cũng vì vậy, sứ mệnh hoằng pháp thật quan trọng, và không phải là việc riêng của một cá nhân người xuất gia nào.

Đức Phật đã từng dạy các vị Tỳ kheo hãy lên đường truyền bá Chính pháp với lời lẽ thật cảm động như sau: “Này các Tỷ khiêu!... Hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chính pháp... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ”. Lời dạy tha thiết này trở thành tuyên ngôn, là cương lĩnh nêu rõ động cơ và mục đích của việc hoằng pháp mà Tăng Ni ngày nay cần phải thực hiện. Trong hoàn cảnh hiện nay, những vùng nông thôn còn rất nhiều thiếu thốn về vật chất và tinh thần và đặc biệt là thiếu sự soi sáng của giáo pháp. Hơn bao giờ hết, những sứ giả của Như Lai cần nỗ lực nối gót tiền nhân, hoằng pháp lợi sinh để báo đáp thâm ân hóa độ của Đức Phật và ân đức giáo dưỡng của Thầy Tổ, đồng thời làm hiển lộ hạnh nguyện của tập thể Tăng già Việt Nam.

II. THỰC TRẠNG HOẰNG PHÁP HIỆN NAY Ở CÁC VÙNG NÔNG THÔN

Ở vùng nông thôn, có những thuận lợi và cũng còn rất nhiều khó khăn trong công tác hoằng pháp, dưới đây xin trình bày một số thuận lợi và khó khăn tiêu biểu.

1. Thuận lợi

Tâm tính người nông thôn thuần hậu, chất phác, rất dễ tin vào đời sống tâm linh. Giáo lý nhà Phật lại gần gũi với truyền thống, đạo lý nhân nghĩa, tín ngưỡng dân gian của người nông dân, nên rất dễ được đón nhận.

Vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh rất hiếm những sinh hoạt văn hóa tinh thần nên đa số người dân rất nhiệt tình tham gia các tổ chức sinh hoạt tập thể. Nếu ở vùng đô thị có nhiều phương tiện giải trí cho mọi người lựa chọn thì ngược lại người dân nông thôn có rất ít. Người dân thường chỉ bận rộn vào những lúc mùa màng gặt hái còn lại là thời gian rảnh rỗi. Vậy nên, chùa nếu tổ chức những sinh hoạt, lễ hội thì rất dễ qui tụ người dân đến tham gia.

Về nhân lực hoằng pháp, một số Tăng Ni trẻ có sức khỏe, lòng nhiệt tình đã và đang rất tích cực tham gia hoằng pháp ở vùng quê. Giáo hội đã có nhiều chủ trương, ưu tiên và ủng hộ về nhiều mặt cho việc phát triển Phật giáo ở vùng nông thôn.

Được thừa hưởng thành quả của sự phát triển khoa học, công nghệ thông tin, việc tra cứu tìm hiểu giáo lý có nhiều thuận lợi. Khi cần một tư liệu để tham khảo, chỉ cần vài giây nối mạng là chúng ta có ngay những thông tin cần thiết.. Nguồn kinh sách in ấn dồi dào, máy nghe pháp, văn hóa phẩm Phật giáo từ báo chí đến băng đĩa….. quý thầy thuyết giảng về giáo lý rất đa dạng phong phú, dễ dàng thỉnh, mua để phổ biến cho tín đồ Phật tử.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

2. Khó khăn:

Bên cạnh những thuận lợi, hoằng pháp ở nông thôn còn có rất nhiều những khó khăn nhất định. Nói khó khăn không phải để chúng ta nản chí mà để tìm phương pháp khắc phục. Xin nêu một số khó khăn nổi bật như sau:

Ở vùng nông thôn, mật độ dân cư thường thưa thớt, số lượng chùa chiền ít, số lượng Tăng chúng ít dẫn đến lực lượng hoằng pháp mỏng, công tác hoằng pháp gặp nhiều khó khăn. Ở những vùng nông thôn mới, sự phát triển kinh tế xã hội khiến cho mặt bằng nông thôn ngày càng thu hẹp, con người và xã hội cũng thay đổi tất yếu. Trước đây vùng nông thôn người dân sống theo nhịp sống của thời vụ, công việc đồng áng chỉ tất bật vào ngày mùa nên phần lớn thời gian rỗi, vì thế họ về chùa tu học cũng thường xuyên và đều đặn hơn. Ngày nay, tại các vùng nông thôn được đô thị hóa, việc chuyển đổi nghề nghiệp, địa bàn sinh sống khiến cho người nông dân có những lo toan mới bận rộn hơn, thời gian tham gia tu học của họ gặp nhiều trở ngại. Từ đô thị đến nông thôn, đa số tín đồ Phật tử là những người cao tuổi, phần đông là nữ giới. Từ đây chúng ta nhận thấy, giới trẻ không phải là tất yếu nhưng phần lớn bận tâm đến đời sống vật chất, rất ít để tâm đến đời sống tinh thần, đạo đức. Đây cũng là yếu tố quan trọng mà xã hội đang quan tâm. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ của giới trẻ tại nông thôn đi đến những nơi đô thị, nơi có nền công nghiệp phát triển để tìm kế mưu sinh nhằm nâng cao cuộc sống. Do đó, việc đến chùa của giới trẻ ngày một ít đi, dẫn đến hệ lụy là đối tượng nghe pháp cũng cần được nghiên cứu sâu sắc để có thể đem Phật pháp đến cho họ trong điều kiện thích hợp. Ngoài ra, khi đời sống vật chất lên cao, con người dễ dàng bỏ quên giá trị đạo đức, dẫn đến bị cuốn theo hoặc bị nhấn chìm bởi sự ham muốn hưởng thụ thậm chí trụy lạc, tệ nạn xã hội dễ dàng phát sinh.

Ở những vùng nông thôn xa xôi thì trình độ dân trí thường thấp, ảnh hưởng đến sự tiếp thu giáo lý Phật Đà. Đa số người dân chưa có lòng ham học, ham nghiên cứu như người thành thị. Người nông thôn mang nặng sắc thái tín ngưỡng, cho rằng đến chùa chỉ lễ Phật, cầu xin giải hạn, tụng kinh và làm công quả. Có địa phương thì cởi mở, cho thuyết pháp mở lớp giáo lý, phát hành kinh sách. Nhưng cũng có địa phương vẫn xem những hoạt động đó là hình thức tuyên truyền mê tín. Bản thân cán bộ địa phương cũng chưa hiểu đúng về Phật giáo, vẫn nhìn Phật giáo qua lăng kính mê tín, thụ động, yếm thế, bi quan. Vì thực tế họ cũng chưa từng đọc qua giáo lý nhà Phật.

Ở nông thôn từ thị xã xuống huyện còn đỡ, nhưng xuống đến xã, ấp, thôn, bản thì đa số chùa nghèo, Phật tử nghèo, công tác hoằng pháp khó khăn hơn do thiếu thốn cơ sở vật chất, phòng ốc, bàn ghế, trang thiết bị cần thiết...

Nhiều Tăng Ni trẻ có sức khỏe, lòng nhiệt tình đã và đang rất tích cực tham gia hoằng pháp ở vùng quê. Tuổi trẻ là điểm thuận lợi nhưng cũng là điều khó khăn do trong truyền thống phương Đông bắt người già kính ngưỡng người trẻ là điều rất khó. Do vậy, ngoài việc có khả năng trình độ thực sự, vấn đề thân giáo, đạo đức Tăng Ni trẻ chúng ta phải được quan tâm chú ý hết sức cẩn thận, sâu sắc. Để khắc phục điều này là một thử thách lớn đối với chúng ta.

Nhiều vùng quê vẫn còn tồn tại những định kiến, hủ tục lạc hậu, khó thay đổi, lại có thành kiến như “Bụt chùa nhà không thiêng”…. Điều này đòi hỏi người làm công tác hoằng pháp phải kham nhẫn, khéo léo.

Nông thôn ngày nay cũng có một số nơi những ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa hoặc xây cất mới khá khang trang nhưng đa số các ngôi chùa được xây dựng đều theo một mục đích tín ngưỡng thuần túy. Chỉ có ít nơi chú trọng đến việc xây cất những giảng đường, nơi dành để thuyết giảng Phật Pháp cho đông đảo người nghe. Còn lại đa số chùa ở nông thôn chưa được sửa chữa xây dựng. Nhiều vị trụ trì chưa đủ khả năng vực dậy phong trào tu học, thu hút Phật tử đến chùa, không thiết lập được những mối quan hệ với các mạnh thường quân. Chùa tồn tại lẻ loi và dường như không dính dáng gì đến xã hội bên ngoài, vị trụ trì dần dần giống như ông Từ giữ đền chớ không còn là một vị sư trụ trì nữa. Một số ngôi chùa bị biến thể thành nơi thờ cúng nửa vời, lai tạp, mang tính cách cá nhân. Một số ít bị cá nhân sở hữu, xem chùa như của riêng một giòng tộc, gia đình, đôi khi giống như am miếu, nơi để cầu xin cúng kiếng. Một số khác do không có người quản lý nên địa phương đưa vào sử dụng cho những việc khác như cơ sở sinh hoạt văn hóa…

Có những khu dân cư mới hầu như không có bóng dáng một ngôi chùa. Người dân ở những khu dân cư mới thường là dân từ nhiều nơi qui về nên tín ngưỡng, tập tục khá khác nhau. Họ lo việc định cư, mưu sinh là chính, ít quan tâm đến đời sống tâm linh; chính quyền địa phương cũng không tạo kiện, không ủng hộ sự có mặt của các tôn giáo vì e ngại những phần tử xấu lợi dụng. Do vậy, ở những khu dân cư mới hầu như không có bóng dáng của chùa chiền.

Ở những vùng nông thôn xa xôi hiếm có những bậc Tôn đức trú ngụ hành đạo. Nếu có cũng là nơi ẩn tu của các vị chỉ chuyên tâm tu hành một cách lặng lẽ, không tham gia Phật sự. Quí Tăng Ni lớn tuổi thì đa số trình độ giáo lý và khả năng thuyết pháp có hạn, chỉ có thể làm công việc tụng kinh lễ bái, phục vụ tín ngưỡng…

Một số Tăng Ni trẻ được đào tạo, học hành ở thành phố về thì không có điều kiện thể hiện khả năng hoặc cũng thực sự không có khả năng làm Phật sự. Một số có lối sống buông lung, làm mất đi hình ảnh của Tăng đoàn trong lòng dân chúng. Đó là một thực trạng mà Giáo hội và các Ban Trị sự tỉnh, thành cần phải quan tâm sâu sắc, có biện pháp xử lý kịp thời để người dân không bị mất lòng tin vào Tam Bảo.

Về sinh hoạt Phật sự, chủ yếu là hoạt động tín ngưỡng thờ cúng, cầu an cầu siêu. Đa số các chùa ở nông thôn chủ yếu là tổ chức lễ bái vào những ngày rằm, ngày vía, ngày kỵ,… chưa quan tâm đưa việc truyền bá giáo lý bằng hình thức thuyết pháp cho dân chúng. Nếu có chùa tổ chức được những khóa tu thì lại thiếu chặt chẽ, khoa học, thiếu kinh nghiệm. Những chùa khá hơn, thỉnh thoảng có tổ chức những khóa tu niệm Phật, Bát quan trai, khóa tu báo hiếu, khóa tu một ngày an lạc… nhưng còn rất sơ khởi, chưa thu hút được nhiều Phật tử tham gia.

Có nhiều sự khó khăn từ nguyên nhân chủ quan và khách quan như vậy nhưng khó khăn cơ bản nhất của Phật giáo nói chung và của ngành hoằng pháp nói riêng đó là yếu tố chủ quan xuất phát từ sự giới hạn trong công phu tu tập của hàng tứ chúng. Những khó khăn như vậy chỉ có thể khắc phục bởi ý thức giác ngộ nơi mỗi người và sự nỗ lực hành trì nơi mỗi bản thân.

Trên đây là một số tình hình thực tế về những thuận lợi và khó khăn trong việc hoằng pháp ở nông thôn hiện nay.

III. GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN

Để phát huy những thuận lợi và khắc phục các khó khăn trên, thiết nghĩ cần có một số giải pháp và một số vấn đề cần thảo luận như sau:

3.1. Cần phải hiểu rõ đối tượng

Người nông dân ở nông thôn rất hiền lành chất phác, tất nhiên họ thích nói giản dị, dễ hiểu hơn là dùng chữ nghĩa văn hoa. Đôi khi giảng sư phải học những phương ngữ nơi vùng đất ấy, những nét văn hóa bản địa sẽ tạo thêm thiện cảm với họ, hoặc tìm hiểu hoàn cảnh vài người, rồi dẫn chứng họ rất cảm động, nghĩ rằng giảng sư quan tâm đến họ. Người nông dân học chậm nhưng tâm hồn lại thuần khiết, nên giảng sư dạy cái gì họ tiếp thu trọn vẹn cái đó. Không cần dạy nhiều, chỉ xoáy vào trọng tâm cuộc sống là đủ giúp họ có cái nhìn đúng đắn với đạo.

Cần thay đổi quan niệm mà hiện nay nhiều vị đang chấp chặt, đó là “ai cầu pháp thì mới thuyết giảng cho họ” giáo pháp là qúy báu, không phải năn nỉ người ta học, sẽ giảm giá trị. Chúng ta nhớ lại lúc đức Phật thành đạo, Ngài đã lặn lội trở về vườn Lộc Uyển tìm gặp năm anh em Kiều Trần Như thuyết giảng cho họ. Nếu những người tự giác đi cầu học Phật pháp thì đó là những người căn tính đã thuần thiện nhiều đời nhiều kiếp, còn người căn tính chưa thuần thì chúng ta mới sợ họ đi vào con đường xấu, càng phải nỗ lực giúp họ chứ đừng câu nệ ai đi tìm ai. Chúng sinh mang tâm bệnh chúng ta cần dỗ dành cho họ thuốc giáo pháp, vì thương họ mà kham nhẫn tất cả khó khăn.

Hoằng pháp nông thôn không dễ, vấn đề biết tổ chức ra sao và đừng mơ ước những gì quá to tát vượt khỏi khả năng của mình, cứ kiên nhẫn đi từ nấc thang. Thà hóa độ được một người còn hơn xuôi tay đổ thừa cho hoàn cảnh.

3.2. Xác định vai trò và trách nhiệm của những vị Tăng Ni đang trụ trì các chùa ở vùng nông thôn

Vị trụ trì là sứ giả trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ, ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người và xã hội. Công cuộc hoằng dương Chính pháp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi công năng tu tập và hiệu quả gánh vác các hoạt động Phật sự địa phương của vị trụ trì. Ở góc độ thực tế, vai trò người trụ trì trở thành tác nhân trung tâm của mọi vận động Phật sự và truyền tải nội dung Phật pháp vào xã hội, giúp cho giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa khắp nơi, đến với nhiều đối tượng khác nhau. Nếu vị trụ trì đó có đạo hạnh, thiện xảo trong việc hoằng dương, truyền trì mạng mạch Phật pháp, hướng dẫn quần chúng tu học thì Phật giáo nơi đó hưng thịnh, Phật tử càng sinh tín tâm hộ pháp. Ngược lại, nếu chỉ đặt nặng phát triển về cơ sở vật chất, cuộc sống thực dụng, sinh hoạt theo những hình thức mê tín dị đoan, không chú trọng đến việc truyền bá Chính pháp và tạo dựng môi trường chuyên tu thì Phật pháp cũng sẽ theo đó mà suy vi.

Nghiêm trì giới luật là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của vị trụ trì. Đạo hạnh uy nghiêm mới có thể làm chỗ nương tựa vững chắc cho tứ chúng noi theo tu tập và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sinh. Khi giới luật được giữ gìn một cách thanh tịnh thì tính ly trần thoát tục của một bậc xuất gia hiện bày. Mọi người khi nhìn vào đạo hạnh sáng ngời của vị trụ trì sẽ phát tâm quy hướng Phật pháp. Do đó, việc giữ gìn giới luật của vị trụ trì không chỉ lợi ích cá nhân mà còn làm lợi ích cho rất nhiều người. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự cảm hóa quần chúng đến với đạo Phật, dẫn đến thành công trong quá trình hoằng dương Chính pháp. Hình ảnh và nếp sống đạo hạnh của vị trụ trì sẽ là một bài thuyết pháp vô ngôn sinh động, đầy tính thuyết phục để cảm hóa mọi người trở về với Chính pháp. Thân giáo là một biểu tượng mẫu mực gây được ấn tượng đạo hạnh trên bước đường cảm hóa tha nhân. Trong cuộc sống thường nhật, quần chúng Phật tử thường quan sát và nhận xét vị trụ trì ở nhiều góc độ, từ hình dáng, cử chỉ cho đến phong cách ứng xử, trình độ tu tập cũng như phương pháp hành trì...Có những vị trụ trì tuy khả năng thuyết giảng không được trôi chảy, hoạt bát nhưng chính thân giáo của vị ấy với uy đức thanh cao là bài pháp vô ngôn chuyển hóa biết bao con người quay về nẻo giác. Tự thân của người mang sứ mệnh hoằng pháp phải luôn tu dưỡng bản thân, hoàn thiện nhân cách của mình để làm mô phạm cho mọi người xung quanh. Nếu không có một đời sống mẫu mực thì không thể tạo cho đồ chúng niềm tin tưởng và khiến họ thực hành theo những gì mình hướng dẫn, con đường giáo hóa sẽ không mang lại kết quả. Khi muốn chỉ dạy cho người khác một phương pháp tu tập nào đó, đòi hỏi người trụ trì phải là người có quá trình công năng tu tập, đạo lực thăng tiến, đã có hành trì qua phương pháp thực nghiệm mới có khả năng ứng dụng một cách nhuần nhuyễn để chuyển hóa và tháo gỡ những vướng mắc cho người khác. Những phương pháp hướng dẫn đó phải đúng theo lời Phật dạy, thực tế và mang đến lợi ích thiết thực trong hiện tại và tương lai. Vị trụ trì cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức về mọi lĩnh vực cần thiết, thông suốt nội điển, am hiểu ngoại điển, phải có kinh nghiệm tiếp Tăng độ chúng, biết cách tổ chức tu học trong thiền môn, kiến thức thẩm mỹ về xây dựng chùa, cách trần thiết nơi thờ tự...dành thời gian nghiên cứu thêm kiến thức phổ thông và nội điển để theo kịp sự phát triển và đổi mới của thời đại, tích cực tham dự các khóa hội thảo, bồi dưỡng hoằng pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Giáo hội tổ chức.

3.3. Về công tác tổ chức Phật sự

Công tác hoằng pháp muốn thành công cần có sự trợ giúp của nhiều người, vậy nên phải thành lập đội ngũ Phật tử nòng cốt. Sự nghiệp hoằng pháp là trường kỳ, lâu dài, nhưng công việc thì bắt đầu từ những việc nhỏ. Ngay từ những việc quan tâm chăm sóc từng con người cụ thể, từng số phận bé nhỏ…cũng rất cần thiết và quan trọng bởi chính những cử chỉ, hành động cụ thể thiết thực dù nhỏ nhưng đem lại cho chúng ta ấn tượng rất tốt từ người dân.

Khéo léo thiết lập mối quan hệ, kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức những hoạt động từ thiện, sinh hoạt đạo đức cộng đồng, tham gia tích cực ủng hộ phong trào xã hội, cùng với chính quyền xây dựng làng xóm. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu được sự ủng hộ từ phía họ thì công tác hoằng pháp rất thuận tiện.

Cố gắng tổ chức những ngày lễ lớn như Phật Đản, ngày Phật thành đạo, Vu Lan... tạo nên những lễ hội Phật giáo bổ ích cho người dân nông thôn. Để những ngày lễ trên được trang nghiêm và đầy đủ ý nghĩa, ngoài việc tổ chức trang trọng cần nên đề cập về ý nghĩa của những ngày lễ để người dân họ được hiểu biết thêm. Duy trì thời khóa tụng kinh đều đặn, đúng giờ, tập thói quen đến chùa hằng ngày cho đông đảo quần chúng và Phật tử. Sau buổi tụng kinh nên có vài lời thuyết pháp ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và thiết thực để người dân thấy được lợi lạc và thích thú khi đến chùa. Nếu có điều kiện, có thể tổ chức cho các Phật tử những chuyến đi tham quan các ngôi chùa đẹp, danh lam thắng cảnh của Phật giáo, hoặc giao lưu với các đạo tràng, thỉnh mời các vị giảng sư về giảng pháp làm khích lệ tinh thần tu học của các Phật tử.

3.4 .Về việc tổ chức thuyết pháp và giảng dạy

Hoằng pháp là công tác thường xuyên, trực tiếp, lâu dài và bền bỉ. Người làm công tác hoằng pháp cần phải có đức tính hy sinh, chịu đựng gian khổ. Chư Tăng, chư Ni cần phải nghiên cứu những bài giảng phù hợp với căn cơ, trình độ, phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người dân bản địa để cho công tác hoằng pháp có tính khế cơ và khế thời. Nên tổ chức các lớp học Phật Pháp cho các đối tượng, có giáo án, lộ trình cụ thể. Với đối tượng là trẻ em, do ở nông thôn đang thiếu môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần, cho nên tổ chức lớp học Phật Pháp là tạo môi trường lành mạnh cho các em sinh hoạt, tạo được niềm tin nơi chính quyền địa phương. Chùa có thể tổ chức lớp dạy kiến thức văn hóa đơn giản cho thiếu nhi, góp phần nâng cao dân trí. Các em được chơi, được thư giãn mà vẫn thu thập được kiến thức. Bởi kinh nghiệm cho thấy, ở nhiều vùng nông thôn, trẻ em thường nghỉ học sớm, để phụ giúp cha mẹ vì cha mẹ cũng không có tiền cho con học, các em đi làm thuê làm mướn, rồi lấy vợ chồng sớm, rồi tiếp tục nghèo khổ, sinh ra đàn con nheo nhóc, hứa hẹn một thế hệ trẻ cũng nghèo như vậy. Cho nên chúng ta cần đầu tư sớm cho các em về học chữ. Có thể mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo hiếu học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đọc chữ, viết chữ cho các em, có thể khuyến hóa hoặc thuê những giáo viên bên ngoài hay những Phật tử thuần thành có kinh nghiệm giảng dạy để đủ điều kiện truyền đạt tri thức cho các em.

Người già đa số thích nghe chuyện nhân quả, chuyện cổ, khi chết sẽ đi về đâu…. Người trung niên họ cần lý giải những ưu tư trong cuộc sống dưới cái nhìn của Phật giáo do đã trải nghiệm nhiều thăng trầm cuộc sống. Vì vậy giảng sư cần tham khảo nhiều tài liệu để giảng dạy sâu sắc hơn, nếu chỉ bám tài liệu một cách khô khan e rằng họ mau nản vì không giải quyết được những bận tâm của họ.

Giáo hội địa phương cần hoạch định chương trình cho Tín đồ cùng hoằng pháp, mở rộng các khóa đào tạo để lựa chọn những tín đồ thực tu, đầy đủ tín tâm, có khả năng tiếp nhận và truyền giảng giáo pháp giúp họ trở thành những hoằng pháp viên trong cộng đồng dân cư nơi họ cư trú. Hoặc đoàn hoằng pháp với thành phần là những hoằng pháp viên cư sĩ, họ có thể tổ chức kế hoạch, chương trình giúp đỡ người dân bản địa, từ đó có thể hướng quần chúng đến với đạo Phật thông qua thân giáo và khẩu giáo của người làm công tác hoằng pháp, nhân đây từng bước xây dựng cơ sở và thành lập đạo tràng để truyền trao Phật pháp cho nhân dân ở nơi đó.

3.5. Về việc hoạt động từ thiện:

Với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo, chia sớt bớt nỗi khổ đau thiếu thốn của những người dân nghèo khổ. Phật giáo với lòng bi mẫn chúng sinh, tâm từ bi rộng khắp, nên tiến hành song song với hoạt động truyền bá giáo lý với những họat động từ thiện. Làm từ thiện ở đây cũng nên bàn tính đến kế sách gây ấn tượng lâu dài như xây dựng trường học, làm cầu, đắp đường, ủng hộ xây dựng trạm y tế....

Để có nguồn tài chính phải vận động các tấm lòng hảo tâm của những người con Phật trong vùng và trên mọi miền. Vận động cứu giúp những nhà nghèo khổ, khó khăn, bệnh hoạn, xây nhà tình thương, cứu trợ những vùng bị thiên tai lũ lụt v.v... là những hoạt động rất cần thực thi ở những vùng nông thôn, nơi mà đời sống người dân đang còn nhiều khó khăn.

3.6. Vấn đề xây dựng cơ sở vật chất:

Ngoài những hoạt động truyền bá giáo lý, từ thiện xã hội, công tác hoằng pháp muốn trọn vẹn phải thực hiện tốt các điều kiện cần thiết của cơ sở vật chất như xây dựng sửa sang chùa chiền, giảng đường…phục vụ nhu cầu tu học, việc xây dựng cơ sở là điều tất yếu trong việc hoằng pháp. Không như thời đức Phật, một y, một bát là có thể đi giáo hóa khắp nơi. Ngày nay nếu không có cơ sở vật chất thì rất khó hoằng pháp. Chúng ta cần vận động các mạnh thường quân có khả năng tài chính ở thành phố phát tâm để trợ duyên cho việc này.

IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ

- Đối với Giáo hội và Ban Trị sự các tỉnh, thành: Giáo hội nên quan tâm sâu sắc hơn, có một chương trình, kế hoạch cụ thể hơn đối với công tác hoằng pháp vùng nông thôn,… Ban hoằng pháp TW nên quan tâm tình hình thực tế ở các vùng, cung cấp và điều động hợp lý đội ngũ giảng sư, tài liệu kinh sách ưu tiên cho vùng nông thôn.

- Ban Trị sự các tỉnh nên kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các tự viện trong phạm vi trách nhiệm của mình. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni có nguyện vọng và khả năng làm Phật sự ở vùng nông thôn. Sẵn sàng ủng hộ tinh thần cũng như vật chất cho việc hoằng pháp tại các vùng nông thôn nghèo khó. Kêu gọi và động viên Tăng Ni đã tốt nghiệp các trường Phật học trở về địa phương làm Phật sự.

- Đối với các cấp lãnh đạo chính quyền: Nâng cao đời sống tinh thần, đạo đức cho người dân cũng là một đóng góp tích cực về mặt văn hóa, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh văn minh. Đạo Phật trong lịch sử mấy ngàn năm qua đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng đất nước. Những vị vua anh minh thời Lý Trần đã mang lại cho dân tộc niềm tự hào rất lớn với những thành tựu rực rỡ. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của cha ông, thiết nghĩ những người lãnh đạo đất nước hôm nay cần có sự nhìn nhận đúng mức về vai trò đóng góp của đạo Phật trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống đạo đức bền vững, lợi ích cho nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động của Phật giáo mang lại lợi ích cho đời sống tinh thần và đạo đức người dân, đồng thời nghiêm khắc xử lý những trường hợp trá hình, lợi dụng tôn giáo làm điều không tốt, đi ngược lại lợi ích cộng đồng và làm ảnh hưởng uy tín đạo Phật.

- Đối với thế hệ Tăng Ni trẻ: Hãy nhiệt tâm, phát nguyện hạnh lợi tha. Vùng nông thôn rất cần những tấm lòng từ bi và sự nỗ lực của quí vị. Sau khi đã thụ ơn đàn na tín thí cho ta ăn học, hãy trở về những nơi thực sự cần những bước chân hoằng hóa. Gạt bỏ những suy tính lợi ích cá nhân, hãy vì lòng bi mẫn chúng sinh mà đem hết sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.

V. KẾT LUẬN

Người có tâm nguyện về hoằng pháp thì sẽ không ngại khó, ngại khổ. Nhiệt tình là cái gốc của sự dấn thân, khi dấn thân sẽ tìm được cách xoay xở để vượt qua mọi khó khăn.  Thực tế, trong Tăng đoàn chúng ta số người có năng khiếu giảng dạy không nhiều lắm. Tuy nhiên, trong trường hợp năng khiếu kém mà có nhiệt tình thì việc hoằng pháp cũng được bù đắp ít nhiều, bù đắp từ việc nghiên cứu, học hỏi tài liệu, từ việc mày mò sáng tạo. Giảng sư không có năng khiếu cũng đừng sợ, cứ mạnh dạn vào cuộc dần dần ắt sẽ gặt hái được những thành tựu khả quan.

Muốn cho công tác hoằng pháp vùng nông thôn được nhiều thành tựu, người phát nguyện hoằng pháp phải chuẩn bị cho mình một tinh thần Bi - Trí - Dũng, phải trang bị cho mình một hành trang kiến thức chu đáo, một tinh thần vững vàng, phải xác định chấp nhận khó khăn, quyết tâm làm Phật sự, chuẩn bị một tinh thần như thế thì khi bước vào thực tế có khó khăn, những sứ giả Như Lai sẽ không chùn bước. Công cuộc hoằng dương Chính Pháp mới có thể thành tựu.

Hiện nay vấn đề hoằng pháp vùng nông thôn là vấn đề đang được Giáo hội quan tâm. Bởi đất nước ta nông thôn chiếm phần lớn diện tích, nơi đó có rất nhiều việc cho ta thực hiện. Trong khi ở những vùng đô thị có rất đông Tăng Ni tập trung về tu học và làm việc, những ngôi chùa trong thành phố dày đặc những khóa tu, những lớp giáo lý thường xuyên… còn ở những vùng nông thôn xa xôi rất thiếu vắng những bóng áo nâu, áo vàng của Tăng Ni. Những lớp giáo lý, những buổi thuyết pháp lại càng hiếm. Người dân chỉ biết đến chùa vào những ngày rằm. Tăng Ni chỉ có vai trò trong việc cúng sám lễ bái khi hữu sự ma chay… Người dân nông thôn rất cần có những tấm lòng đại bi đại trí, mang ánh sáng Phật Đà đến với họ, để cho những con người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” biết ngẩng lên tìm về nẻo sáng. “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Đây chính là thông điệp mà đức Bản Sư muốn truyền lại cho Tăng Ni chúng ta. Ngài dạy: “Chư Tăng tắm mình trong Chính pháp, thực hành Chính pháp, suy nghĩ công cuộc hoằng pháp lợi sinh, Chư Tăng ấy không bao giờ phí tổn cuộc đời”. Thế nên, Tăng Ni ngày nay cần xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của mình về hoằng pháp, nhất là giới trẻ, để góp phần xây dựng Chính pháp của đức Như Lai. Hãy sống và cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho tinh thần Đạo pháp. Đây là trách nhiệm và bổn phận chung của mỗi sứ giả Như Lai, ngõ hầu có thể báo ơn Tam Bảo trong muôn một.

Có thể nói vấn đề hoằng pháp là một việc hết sức quan trọng. Chính việc làm này đã đem lại sự hiểu biết, xây dựng căn bản sự giác ngộ cho mọi người. Tăng Ni và Phật tử chúng ta ai cũng nhiệt tâm, nhiệt tình với sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh thì chính pháp sẽ lan truyền đến những nơi xa xôi hẻo lánh. HT. Thích Đức Nhuận - Đệ nhất Pháp chủ HĐCM GHPGVN đã dạy: “Đạo Phật Việt Nam có được duy trì và phát triển hay không, vấn đề không tùy thuộc ở đạo, mà chính tùy thuộc ở con người, ở mỗi chúng ta, trước hết là những Tăng Ni và cư sĩ có trách nhiệm với Giáo hội”.

Trên đây là một vài thiển ý con xin được đóng góp. Nếu có điều gì sơ thất, ngưỡng mong chư Tôn thiền đức niệm tình hoan hỷ. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ chư Tôn thiền đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, bình an. Chúc Đại hội thành công viên mãn.

Trân trọng cảm ơn!

Ban Trị sự GHPGVN Tp.Hà Nội Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX