Trang chủ Chuyên đề Hòa Thượng Thích Vĩnh Gia (1840 – 1918)

Hòa Thượng Thích Vĩnh Gia (1840 – 1918)

Ngài có công lớn trong việc đại trùng tu Tổ đình Phước Lâm, chú trọng việc đào tạo Tăng tài, giáo hóa hậu lai. Nhờ thế dân chúng thấm nhuần ảnh hưởng đạo đức của Ngài, không những đối với Phật giáo đồ Quảng Nam mà còn đối với cả Phật giáo miền Trung.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Ngài họ Đoàn tên Nhược, quán làng Thế Dương, quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, sinh vào năm thứ 21, triều vua Minh Mạng (1840).

Xuất thân trong một gia đình nho phong, bẩm chất thông minh hiếu học, lúc Ngài được 18 tuổi thì thân sinh đã mạng chung. Từ đó Ngài vân du đó đây hầu mở rộng kiến thức. Đến tỉnh Thuận Hóa, Ngài gặp cụ Bố Chính Nguyễn Khoa Luân (Về sau tức Viên Giác Thiền sư) tại chùa Ba La Mật. Sau mấy ngày đàm đạo, các Ngài nhận thấy thân mạng là vô thường, tam giới như nhà lửa, chỉ có lối tu học chánh pháp của Như Lai mới là con đường giải thoát chân chánh.

Năm 1859, được 19 tuổi Ngài phát tâm tầm sư học đạo. Lúc bấy giờ tại tỉnh Quảng Nam, nơi quê quán của Ngài, có Hòa Thượng Quán Thông, một vị danh Tăng, vào hàng thứ năm dòng Lâm Tế, làm trú trì chùa Phước Lâm. Ngài mới xin thế phát đầu sư với Hòa Thượng. Thọ Sa Di giới được 6 năm, Ngài tỏ ra là một Tăng sĩ xuất chúng. Hòa Thượng Bổn sư Quán Thông đặt cho Ngài pháp danh là Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên, hiệu Vĩnh Gia.

Năm 1865, được 25 tuổi Ngài đến cầu đạo với Ngài Huệ Quang tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) Quảng Nam. Tại đây, Ngài thọ tam đàn Cụ Túc giới.

Năm 1893 (Quý Tỵ – triều Thành Thái) Ngài cùng Hòa thượng Chí Thành mở Đại giới đàn tại Tổ đình Chúc Thánh (Quảng Nam) và Ngài nhận chức Giáo Thọ A Xà Lê tại giới đàn này.

Năm 1894 (Giáp Ngọ), Ngài được thỉnh làm Đệ nhị Tôn chứng cho Đại giới đàn tại Tổ đình Báo Quốc (Thuận Hóa).

Năm 1906 (Bính Ngọ), Ngài nhận làm Yết Ma cho Đại giới đàn tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà (Bình Định).

Năm 1908 Mậu Thân, Ngài được thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn tại chùa Phước Lâm (Quảng Nam).

Đến năm 1910 (Canh Tuất – triều Duy Tân) Ngài khai Đại giới đàn tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An, và làm Đàn đầu Hòa Thượng. Giới đàn này quy tụ gần 200 giới tử, trong đó sau này có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đệ nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa thượng Thích Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn là đệ nhị Tăng Thống… Về phần tại gia thì có Miên Trinh Tuy Lý Vương, cụ Đô Thống Lê Viết Nghiêm v.v… và nhiều hoàng thân quốc thích khác đều là đệ tử của Ngài.

Ngài có công lớn trong việc đại trùng tu Tổ đình Phước Lâm, chú trọng việc đào tạo Tăng tài, giáo hóa hậu lai. Nhờ thế dân chúng thấm nhuần ảnh hưởng đạo đức của Ngài, không những đối với Phật giáo đồ Quảng Nam mà còn đối với cả Phật giáo miền Trung. Với sự nghiệp cao dày của Ngài, trọn đời hiến thân cho việc phục hưng Phật giáo, cụ Thượng thư Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Hà Đình (đệ tử của Ngài) một nhà thâm nho và cũng thâm uyên giáo lý đã dâng tặng Ngài hai câu đối bằng gỗ trầm hương, hiện nay còn treo tại chùa Phước Lâm :

Tăng lữ thả bồi hương hỏa xã,
Cao tình du ái thủy vân hương.

Ngài thường căn dặn đệ tử: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới thì phải hoàn lại y bát, ra khỏi già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chánh phân chia có vậy, nước Thiền định mới khai thông, đèn tri giác thêm sáng tỏ”. Trên 40 năm tu học và hành đạo, Ngài am tường giới luật, hành trì nghiêm tịnh, đạo hạnh ngày càng vang dội.

Đến năm 1918, tuổi già sức yếu, Ngài gọi đồ chúng dạy bảo lần cuối rồi an nhiên thị tịch. Ngài thọ 79 tuổi với 54 hạ lạp, tháp của Ngài được xây cất trang nghiêm cổ kính phía tả Tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam – Đà Nẵng.

Hàng năm đến ngày 20 tháng 3 âm lịch, Tăng tín đồ tề tựu lại Tổ đình Phước Lâm, thành kính lễ Húy kỵ tưởng niệm công đức Ngài. Đạo phong cao vời của Ngài tỏa sáng mãi trong Tăng tín đồ hậu thế.

Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX – Tập 1 (Gia đoạn tiền chấn hưng)
– Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường