Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Hòa thượng Thích Thanh Hanh – một trong những danh tăng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam

Hòa thượng Thích Thanh Hanh – một trong những danh tăng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Nguyễn Quang Khải

-Tóm tắt: Hoà thượng (HT) Thích Thanh Hanh là một vi tăng sĩ có trình độ uyên thâm về Nho, Phật; là một vị chân tu có nhiều đóng góp cho giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo tăng tài, Chấn hưng Phật giáo và bài trừ mê tín dị đoan. Ngài được suy tôn là Thiền gia Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Bắc kỳ vào giữa những năm 30 của thế kỷ XX. Công lao đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam của HT đã đưa HT lên vị trí danh tăng tiêu biểu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

-Từ khoá: Thanh Hanh, danh tăng, Vĩnh Nghiêm.

1. HT Thích Thanh Hanh với phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc

Theo Việt Nam Phật giáo sử luận[1] và Tiểu sử danh tăng Việt Nam[2], Hoà thượng (HT) Thích Thanh Hanh thế danh là Nguyễn[3] Thanh Đàm, sinh năm 1840 tại làng Thanh Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội) trong một gia đình thi lễ. Năm 7 tuổi, ngài được gia đình cho học chữ Nho. Nhờ có sẵn thiên tư, lại được cha rèn thầy dạy nên việc học của ngài tiến bộ rất nhanh. Tuy nhiên, ngài lại không thích cuộc đời trần tục mà có ý muốn xuất gia.

Mặc dù rất được cha mẹ thương yêu, ra sức khuyên can, ngài vẫn quyết một lòng xin song thân cho xuất gia. Cuối cùng, cha mẹ cũng phải chiều theo ý con. Năm 1850, khi mới 10 tuổi, ngài làm lễ xuất gia tại chùa Hoè Nhai (Tp.Hà Nội) và học với thiền sư họ Nguyễn tại đó. Năm 1858, khi 18 tuổi, ngài được sư thầy gửi về chùa Vĩnh Nghiêm[4] để tiếp tục học Phật dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Tâm Viên. Ngài tu học rất tinh tiến và trở thành một nhân vật rường cột của tổ đình Vĩnh Nghiêm. Năm 20 tuổi (1860), ngài thụ giới Cụ túc tại đại giới dàn chùa Vĩnh nghiêm.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To Vinh Nghiem Thich Thanh Hanh 1

Hòa thượng Thích Thanh Hanh

Năm 30 tuổi (1870), khi đã thấu hiểu tường tận giáo lý đạo Phật, ngài được thầy nghiệp sư cử vào tỉnh Ninh Bình giảng dạy về Phật pháp cho tăng ni ở chùa Phượng Ban, chùa Hoàng Kim, chùa Phúc Tỉnh,… Đến đâu, ngài cũng chăm chú vào việc lấy hoằng dương chính pháp, giáo hoá tăng ni làm phận sự. Ngài luôn tâm niệm làm việc lợi lạc cho tín đồ là sứ mệnh của người xuất gia.

Liên tục hơn 30 năm làm pháp sư, ngài mang hết kiến thức và tâm huyết của mình đem đạo truyền cho đời. Trong giáo giới thì các tăng ni, ngoài xã hội thì thập phương thiện tín, ai ai cũng thấm nhuần ơn dạy bảo của ngài. Vì vậy mà trong hàng ngũ đệ tử của ngài có người đã trở thành bậc tăng sĩ nổi tiếng về trình độ và đạo hạnh.

Năm Canh Tý (1900), ngài 60 tuổi. Sư huynh là HT Thanh Tuyền viên tịch. Sau khi sư huynh Thanh Tuyền viên tịch, HT Thanh Hanh đảm nhiệm nhiệm vụ trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Vào thời kỳ này, chùa Vĩnh Nghiêm là tổ đình lớn nhất của Bắc Giang. Mỗi năm có khoảng 200 tăng sĩ về đây yên cư kết hạ để học hỏi giáo lý. Từ khi trở thành người trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm, HT Thanh Hanh thường được gọi là sư tổ Vĩnh Nghiêm[5].

Trên cương vị đứng đầu một tổ đình lớn, có rất nhiều tín đồ thập phương đến vãng cảnh chiêm bái, công việc điều hành của HT rất bận rộn, nhưng HT Thanh Hanh vẫn không một phút sao nhãng việc hoằng dương chính pháp, đào tạo tăng tài, bồi dưỡng các lớp học trò thừa kế.

Trong một thời gian dài, HT thường xuyên qua lại trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, tìm tòi tam tạng kinh điển Đại thừa rồi xin phép Ban Giám đốc nhà trường cho học trò vào sao chép các kinh sách Phật giáo về chùa cho khắc ván ấn hành nhiều bản.

Công việc của ngài đã dấy nên phong trào ở khắp các sơn môn trên miền Bắc đua nhau sao chép và in ấn kinh sách, giúp cho tăng sĩ và cư sĩ có tài liệu thao khảo. Nhờ đó mà các các thiền môn có được các bộ kinh sách rất quý hiếm, như bộ Hoa nghiêm kinh, tấu sớ, Kinh Đại bát nhã, kinh Đại bảo tích, kinh Duy ma cật, kinh Trường A hàm, luật Tứ phận tu trì, luật Trừng trị tục khắc và các sách Duy thức luận, Phụ giáo biên,… Các bộ kinh, luật, luận đó được khắc ván và in đều có Lời tựa và Lời bạt của ngài. Những Lời tựa và Lời bạt ấy chứa đựng kiến thức rất uyên thâm, sự hiểu biết rất sâu sắc của ngài về kinh điển Phật giáo và tấm lòng thiết tha muốn giáo hoá cho tín đồ Phật tử nước ta.

Trong quá trình hoạt động của thời kỳ Chấn hưng Phật giáo[6], ngài đã nhanh chóng quy tụ được các sơn môn quy về một mối. Hoạt động của HT Thích Thanh Hanh và các tăng hữu ở các tỉnh miền Bắc đã có tiếng vang lớn đối với giới tăng sĩ ở các tỉnh miền Nam.

Ngày 5 tháng 12 năm 1934, Khi Bắc kỳ Phật giáo hội được thành lập, HT Thích Thanh Hanh được thỉnh cầu làm Thiền gia Pháp chủ, mặc dù khi đó ngài đã 94 tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, sức khoẻ đã giảm sút nhiều, nhưng do nhiệt tâm với sự trường tồn của Phật giáo nước nhà và trước mắt là phong trào Chấn hưng Phật giáo, ngài đã vui vẻ nhận  trách nhiệm cao cả đó.

Tuy nhiên, vào thời gian ấy (1934-1935), tình trạng mất đoàn kết ở một số sơn môn ở một số tỉnh phía Bắc vẫn chưa khắc phục được. Đó là chùa Linh Quang (tức chùa Bà Đá) và chùa Hồng Phúc đã phát hành tờ báo Tiếng chuông sớm vào giữa năm 1935. (Khi đó, tờ Đuốc tuệ- cơ quan ngôn luận của Hội Bắc kỳ Phật giáo chưa xuất hiện). Sự bất đồng ý kiến kéo dài 6 tháng (từ giữa năm 1935 đến hết năm đó). Nặng nề nhất là hai tổ đình Linh Quang và Hồng Phúc lôi kéo một số chùa khác tại Hà Nội và nột số tỉnh lân cận để thành lập ra tổ chức Bắc kỳ Phật giáo cổ sơn môn.

Trước tình trạng đó, HT Thích Thanh Hanh đã tìm mọi cách hoà giải. Ngài tìm đến các tổ đình để vận động, thuyết phục các chư tăng thực hành lối sống Lục hoà. Nhờ vậy, mối bất hoà giữa tổ đình Hồng Phúc và tổ đình Linh Quang dần dần được cải thiện.

Đầu tháng Chạp năm 1935, tờ Đuốc Tuệ được phép xuất bản và ra mắt độc giả. Báo Tiếng Chuông Sớm liền viết bài chào mừng và đăng một số bài mang tinh thần xây dựng và cổ vũ. Cách ứng xử đó tỏ ra thân thiện và có tác dụng hoà giải rất hiệu quả.

Sáng ngày 11, 12 tháng 01 năm 1936, Lễ suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ đươc tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ[7]. Tại buổi lễ đó, HT Thanh Hanh kêu gọi tăng ni thực hành theo nếp sống “Lục hoà” của Đức Phật dạy mà xả bỏ hết những sự khác biệt của các sơn môn tông phái nhằm dốc lòng chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Sau nhiều chục năm tận tuỵ phục vụ đạo pháp, đào tạo tăng tài, cổ vũ và trực tiếp hoạt động trong phong trào Chấn hưng Phật giáo một cách không tiếc sức lực, sau bao lần không quản gian khó để hoà giải những sự bất đồng trong giáo hội, đưa các sơn môn Phật giáo miền Bắc về sum họp đầm ấm dưới một mái nhà Phật giáo,… công đức của HT Thanh Hanh là không thể đo đếm được. Ngày 8 tháng 12 năm Bính Tý (1936)[8] HT Thích Thanh Hanh đã an nhiên viên tịch tại chùa Vĩnh Nghiêm hưởng thọ 96 tuổi, 76 tuổi đạo.

2. HT Thích Thanh Hanh – tấm gương sáng về giáo dục đệ tử

Theo cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha trong Lịch sử chư tổ chùa Quán Sứ, trong một bữa ăn, HT Thích Thanh Hanh đã ân cần dạy bảo đệ tử như sau:

“Người thế gian phần nhiều vì sự sinh kế mà hoá ra tham, sân, si; hoá ra gây tội nghiệp. Người ta muốn cầu phúc để gỡ tội nên phải bóp chắt ăn dùng, sẻ phần gia đình để đem đến cúng dàng cho mình thụ dụng. Thế có nghĩa là người ta đem của mồ hôi nước mắt để đổi lấy phúc tu hành của mình. Như vậy mà người tu hành không đem chính pháp giác ngộ cho người ta để báo ơn cúng dàng đó thì các món người ta cúng đó, nó sẽ bắt đầy đoạ làm súc loại để đền nợ người cung cấp mãi mãi về kiếp mai sau. Thế nên, tổ sư xưa có nói: Học đạo không hiểu lý sẽ phải đem thân đền nợ người bố thí. Phàm người học Phật cần phải tuỳ địa vị, tuỳ lực lượng của mình mà hàng ngày phải làm hết mọi việc lợi ích cho người đời. Không được lười biếng hoang toàng mà ngồi dỗi ăn không, có khi lại cho là phận mình được hưởng thụ mà phận người kia phải cung cấp”.

Tổ còn nói tiếp:

“Mắt ta thấy nhiều chùa, từ tượng Phật đến đồ thờ phụng, nếu không có mạng nhện chằng ngang dọc thì cũng bẩn thỉu lạnh lùng. Thế mà những đền miếu thì cực kỳ trang nghiêm mỹ lệ ở giữa các chùa đó. Các vị tăng ni chủ sự chẳng mấy khi giảng kinh thuyết pháp cho thập phương đàn na tín thí mà phần nhiều chỉ nghe được chuyện Tam toà Tứ phủ của ông hoàng bà chúa. Lại còn chuyện rất quái gở nữa: số các vị sư ông đã thụ 250 giới, tức là mình đã có 250 giới thần; các vị sư bà đã thụ 500 giới, cũng đã có 500 vị giới thần ở mình mà đua nhau đi trình đồng trình bóng để làm ghế làm đệm. Thử hỏi mỗi khi vua, mẫu, cô, cậu về giá ngự tất phải đuổi các vị giới thần đi nơi khác, hay là các ngài chen chúc nhau để giá ngự chung? Có thế mà thôi đâu, lại còn đi tụng kinh thuê, cúng đám mướn, nào chạy đàn phá ngục, nào vẽ bùa bắt ma, hoàn toàn chỉ vì lợi lộc mà làm những việc mê tín dị đoan, để cho người đời phỉ báng lây đến đến Phật pháp, làm mê hoặc dân chúng. Ta thấy bọn người giả danh tu hành ấy, nếu không sớm bài trừ thì dần dần sẽ làm hại cho Phật pháp, làm mê hoặc dân chúng. Ta thấy bọn người giả danh tu hành ấy nếu không sớm bài trừ thì dần dần sẽ làm hại cho Phật pháp không phải là nhỏ. Vì họ đã lấy mê tín làm chính tín, trước ít sau nhiều, tập mãi thành quen. Có một ngày kia, người ta bỏ mất hẳn chân tướng của Phật pháp đi, chỉ còn nhận những điều mê tín dị đoan là Phật pháp thôi. Số người tu hành mê tín ấy có thể gọi họ là hạng người trực tiếp phá hoại Phật pháp, xoá bỏ đức hạnh của giới tăng ni. Bài trừ đi là giác ngộ cho họ và cứu vớt tội lỗi của họ vậy”

Cư sĩ Thiều Chửu viết tiếp: Trước mấy ngày lâm chung, tôi (Thiều Chửu) còn được nghe tổ chỉ giáo:

“Phàm những người đã học Phật pháp Đại thừa, bất luận là tại gia hay xuất gia đều phải nhận rằng: Đức Thích ca xưa nay hy sinh hết mọi sự tôn vinh phú quý ở đời, chịu mọi sự khổ hạn của đời mới chứng được đạo mầu, cho chúng sinh được xây lâu đài lợi lạc trên nền tảng từ bi bác ái của Ngài. Xem thế cũng đủ biết ai đã là người Phật tử chân chính. Hàng ngày phải lo toan chăm chỉ, làm việc Phật pháp cũng như là các nhà đại lao động. Có thế mới là lợi ích chung cho chúng sinh, vì chúng sinh là cỗi rễ Bồ đề. Làm lợi ích cho chúng sinh tức là vun tưới cho cây Bồ đề, mới có ngày vin hoa hái quả Bồ đề về phần mình. Đọc đến 10 điều đại hạnh nguyện ở phẩm Phổ Hiền trong kinh Hoa nghiêm và 101 điều nguyện bao quát hết thảy nơi pháp sự về thế gian, xuất thế gian ở phẩm Tịnh hành sẽ thấy tâm địa chư Phật, chư Bồ tát làm việc gì cũng chỉ mong lợi ích chung cho chúng sinh thôi”[9].

Về quan điểm chống mê tín dị đoan trong giới tăng sĩ, người đồng quan điểm với HT Thích Thanh Hanh có HT Kim Cương Tử. Tháng 5 năm 1958, HT Kim Cương Tử[10] viết:

“Vì đâu mà có thuyết hoá vàng, đốt mã và thuyết ấy có từ bao giờ? Thuyết vàng mã có phải của tôn giáo nhà Phật không? Hoá vàng, đốt mã có phải để báo hiếu cho ông bà, cha mẹ khi đã chết rồi không?

“Đốt vàng mã có lợi, hại như thế nào?

Đó là những câu hỏi cần đặt ra để chúng ta nghiên cứu, nên làm hay bỏ?

“Theo tài liệu mà chúng tôi đã tìm thấy: vì trước đây ở chế độ phong kiến Trung Quốc, những vua chúa đời nhà Tấn, mỗi khi chết đi, họ đem chôn theo cả cung tần mỹ nữ, kẻ hầu người hạ (người sống) và của cải vàng bạc, châu báu, súc sản như trâu bò, lợn gà,… (một phần gia tài của thực).

“Không những vua chúa làm điều tàn nhẫn này mà cả đến những quan lại, các nhà giàu cũng học đòi làm theo.

“Đến sau, nhân dân thấy thuyết đó là dã man, tàn nhẫn, vô nhân đạo và ích kỷ liền kịch liệt đấu tranh. Cho nên đến đời nhà Minh (Trung Quốc), bọn thống trị nghĩ ra thuyết làm đồ bằng giấy thay cho người và đồ vật thật gọi là “hình nhân thế đại”.

“Vấn đề vàng mã từ đó được lưu truyền khắp nước Trung Hoa và khi nước ta bị bọn phong kiến Trung Quốc thống trị cũng đem thuyết ấy vào Việt Nam.

“Thực ra, tôn giáo nhà Phật không dạy và cũng không làm. Ai nói thuyết vàng mã là của đạo Phật là sai. Nên biết, trong kinh Nhật tụng còn có câu: “đốt vàng mã giết hại chúng sinh, vì tà tâm này không được Phật tiếp độ”.

“Hoá vàng đốt mã có phải làm cho người chết được hưởng không? Nếu nói để báo hiếu cho ông bà cha mẹ thì hàng ngàn, vạn, triệu người mới có 1 người được con cháu đốt cho quần áo đồ đạc có 1, 2 lần trong vài năm liền thôi. Còn bao người, bao năm không ai đốt cho thì lấy gì mà dùng. Nếu đem suy luận triết lý ra, còn nhiều cái vô lý. Thực ra trước đây chúng ta bị bọn phong kiến lừa bịp mà không biết.

“Tại sao thuyết đó được lưu truyền ở nước ta đến bây giờ, tuy đã có nhiều người giác ngộ nhưng chưa bỏ được hết, vẫn còn lẻ tẻ xuất hiện. Nhất là vào dịp mùa hè và tiết Rằm tháng 7 âm lịch. Nguyên do còn bọn thầy cúng, bói, phù thuỷ đặt ra đốt mã phải có người chứng kiến đó là Lý Thành Cảnh (Trung Quốc) phải có ông Vũ Lâm là giao thông mang những thứ đó đến cho ông bà cha mẹ thì mới nhận được, rồi phải mượn thầy cấp điệp cho vong hồn,… Xưa họ có câu: “mất tiền mua mã, mượn thầy cả đọc canh, chớ mượn trẻ ranh mà tốn oản”.[11]

Đọc những ý kiến của HT.Thích Thanh Hanh cách ngày nay gần 90 năm (1936-2023) và của HT.Kim Cương Tử cách ngày nay 65 năm 1958-2023), chúng ta thấy tư tưởng của các ngài về tu tập, về cách dạy đệ tử, về chống mê tín dị đoan trong giới tăng sĩ đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

3. HT.Thích Thanh Hanh với sự nghiệp đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Trong thời kỳ Chấn hưng Phật giáo, HT Thích Thanh Hanh đã cùng Ban lãnh đạo Hội Bắc kỳ Phật giáo mở trường đào tạo tăng tài tại chùa Quán Sứ và một số trường khác tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm).

Những trường Phật học đó dành cho các tăng sinh đã có kiến thức cơ bản về Phật học và có thể xem đó như là trường Trung học Phật giáo. Trường Bồ Đề sau đó được dùng làm trường ni, còn trường đặt tại chùa Quán Sứ được dùng để đào tạo cho các tăng. Ngoài ra, một lớp Đại học Phật giáo được mở tại chùa  Bằng Sở ở ấp Thái Hà[12] và hai lớp Tiểu học được mở tại chùa Cao Phong tỉnh Phúc Yên và ở chùa Côn Sơn huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.

Phật học đường Bằng Sở được chính thức khai giảng vào mùa thu năm 1936, do HT Trung Thứ làm Đốc giáo. Chương trình Phật học được áp dụng tại các trường tăng học ở Bắc kỳ do Hội Bắc kỳ Phật giáo thiết kế là:

-Đối với bậc Tiểu học (thời gian học là 4 năm):

Năm thứ nhất có các môn: Luật sa di, Phật tổ tam kinh, Phật học khoá bản tam tự kinh[13], Quốc ngữ, Toán.

Năm thứ hai học các môn: Địa tạng, Thuỷ sám, Báo ân, Thích giáo Tam tự kinh, Hộ Pháp lục, Quốc ngữ, Toán.

Năm thứ ba có các môn: Hiền ngu kinh, Mục Liên, Di Đà sớ sao, Cảnh sách lục, Tịnh độ hoặc vấn lục, Trích song lục, Quốc ngữ, Toán.

Năm thứ tư có các môn: Di đà đại bản, Lương Hoàng sám, Trường A hàm, Bảo huấn lục, Quốc ngữ, Toán.

-Đối với bậc Trung học (thời gian học là 3 năm):

Năm thứ nhất có các môn: Pháp hoa, Tâm kinh chú giải.

Năm thứ hai có các môn: Trung A hàm, Luật Tứ phận, Lục truy môn, Khoá hư luận, Hiển thức luận, Quốc ngữ, Toán.

Năm thứ hai có các môn: Lăng nghiêm bạch vân, Lăng già ký, Pháp hoa tri âm, Thập lục quán kinh, Luật chỉ nam, Quy nguyên lục, Trang nghiêm luận, Quốc ngữ, toán, Luận ngữ.

Năm thứ ba có các môn: Duy ma cật, Thủ lăng nghiêm, Luật Trùng trị, Luật Trung phong, Lục đạo lục, Phụ giáo biên lục, Quốc ngữ, Toán, Việt sử, Trung học, Đại học, Trung Dung[14].

-Đối với bậc Đại học (thời gian học là 3 năm)[15]:

Năm thứ nhất có các môn: Bát nhã phóng quang, Pháp Hoa huyền nghĩa, Di Đà viên thông, Luật Huyền ty, Pháp Uyển Châu lâm lục, Thiền uyển tập anh, Trúc Lâm tam tổ, Quốc ngữ diễn văn, Đông- Tây triết học, Kinh Thư, Kinh Lễ.

Năm thứ hai có các môn: Niết bàn chính văn, Pháp Hoa ôn lăng, Phạm Võng lược sớ luật, Đại thừa khởi tín luận, Đại trí độ luận, Vạn thiện Đông quy, Nhân quả, Quốc ngữ, Đông- Tây triết học, Kinh Dịch, Kinh Lễ.

Năm thứ ba có các môn: Viên giác kinh, Bảo tích kinh, Phạm võng lược sở luật, Phạm võng nghĩa sớ, Tông cảnh lục, Vạn thiện quy tâm, Đại thừa trang nghiêm kinh, Luận Quốc ngữ, Đông- Tây triết học, Bác sử quan hành.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, tăng sinh có thể ở lại nghiên cứu thêm 5 năm. Chương trình này gọi là chương trình Bác học cao đẳng. Trong 5 năm đó, tăng sinh được nghiên cứu các tác phẩm:

Hoa nghiêm sớ, Niết bàn sớ, Lăng nghiêm tông thông, Phật tổ thống kỷ, Duy thức thuật ký, Nhân minh đại sớ, Đại Bát nhã kinh, Tam luận sớ, Đại thừa nhất thiết luận, Đại thừa chỉ quán, Đại thừa chỉ quán Thiên thai, Chỉ nguyệt lục, Duy tôn luận sớ, Thành duy thức luận, Đại thừa trang nghiêm Mật kinh, Tu tập chỉ quán toạ thiền pháp yếu, Kim cương lược sớ, Duy thức luận.

Về tuổi đời và kiến thức tối thiểu: tăng sinh muốn vào học cấp Tiểu học phải trong độ tuổi từ 13 đến 20; thuộc lòng hai khóa tụng của Thiền môn và các văn sám nguyện khác. Những tăng sinh muốn thi vào bậc Trung học phải trong độ tuổi từ 20 đến 30. Riêng ở bậc Đại học, không hạn chế độ tuổi.

Tìm hiểu chương trình học của ba cấp, chúng ta thấy tính kế thừa, tính thiết thực và tính dân tộc thể hiện rõ ở đây. Đó là, mặc dù là các cấp của một nhà trường Phật giáo nhưng có đầy đủ các môn học cơ bản của Nho giáo, có học Triết học Đông – Tây, có các môn học văn học và ngôn ngữ của Việt Nam, có học môn toán. Điều này thể hiện cái nhìn toàn diện trong việc đào tạo tăng tài của Hội Bắc kỳ Phật giáo mà HT Thích Thanh Hanh là Thiền gia Pháp chủ.

Tóm lại, trong cuộc đời hành đạo của mình, HT Thích Thanh Hanh luôn thể hiện là bậc chân tu, luôn có ý thức trau dồi kiến thức Phật học và đạo hạnh, có ý thức cống hiến cho đạo pháp và xã hội. Trong mọi giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam khi HT tại thế, ngài đều có đóng góp đáng kể. Ngài xứng đáng với ngôi vị Thiền gia Pháp chủ và là bậc danh tăng không những của Phật giáo Bắc Giang mà còn là của chung của đất nước.

Tác giả: Nguyễn Quang Khải

***

Tài liệu tham khảo:
– Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh, Bản tin tôn giáo Bắc Ninh, số 4/2008.
-Thích Đông Bổn chủ biên (1996, Phật lịch 2540), Tiểu sử danh tăng Việt Nam tập I, Thành hội Phật giáo TP Hồ chí Minh ấn hành.
-Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Công ty sách Thời Đại và NXB Văn học xuất bản.
-Thích Thanh Ninh, Nguyễn Đại Đồng (2004), Chùa Quán Sứ, NXB Tôn giáo.
– Phân viện nghiên cứu Phật học Hà Nội (2004), Từ điển Phật giáo Hán Việt, NXB Khoa học xã hội.
– Kim Cương Tử (1999), Những bài viết của HT Kim Cương Tử, NXB Tôn giáo.

Chú thích:
[1] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Công ty sách Thời Đại và NXB Văn học xuất bản, tr. 870-872.
[2] Thích Đông Bổn chủ biên (1996, Phật lịch 2540), Tiểu sử danh tăng Việt Nam tập I, Thành hội Phật giáo TP Hồ chí Minh ấn hành, tr. 99-100.
[3] Theo HT Gia Quang trong tài liệu Tổ thiền gia pháp chủ và Thích Thanh Ninh, Nguyễn Đại Đồng (2004) trong Chùa Quán Sứ, NXB Tôn giáo, tr.80 thì tổ Thích Thanh Hanh họ Bùi.
[4] Nay thuộc thôn Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang.
[5] Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr.872, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời Lý Thái tổ (đầu thế kỷ XI). Nhiều tài liệu cũng nói rằng, vào thế kỷ XIII- XIV, chùa Vính Nghiêm là một trong những cơ sở hành đạo lớn nhất của Đại Việt và thiền phái Trúc Lâm đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm trụ sở hoạt động. Vào giữa thế kỷ thứ XV, chùa được thiền sư Trí Tín trùng tu. Dưới triều vua Lê Hiển tông (1740-1786), do chiến tranh tàn phá, chùa bị xiêu đổ. Sau đó, có ni sư Diệu Minh đứng ra trùng tu
[6] Phong trào chấn hưng Phật giáo có quy mô quốc tế, đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ do cư sĩ David Hewavitarane khởi xướng. Năm 1908, đại đức Dharmapala viết thư cho cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc mời cộng tác. Dương Nhân Sơn đã thành lập Kỳ Hoàn tinh xá và triệu tập thanh niên cư sĩ về nghiên cứu Phật học qua Hán văn, Anh văn và chữ Pali. Cộng tác với Dương Nhân Sơn có Âu Dương Tiệm, Mai Quang Huy, Thích Nhân Sơn,… Từ năm 1912, thiền sư Thái Hư thành lập Học viện Phật giáo Vũ Xương và nhiều học viện Phật học khác ở Trung Hoa, đồng thời xuất bản tạp chí Phật học. Từ năm 1914 trở đi, các cơ sở hoằng pháp được thành ở nhiều nơi ở Trung Quốc. Năm 1918, Thiền sư Thái Hư xuất bản tạp chí Giác Xã, sau, đổi thành nguyệt san Hải Triều âm.  Ở Việt Nam, phong trào Chấn hưng Phật giáo khởi phát từ năm 1934, chịu ảnh hưởng về mặt tư tưởng của thiền sư Thái Hư trong phong trào Chấn hưng Phật  giáo ở Trung Quốc.
[7] Hội Bắc kỳ Phật giáo dự định tổ chức lễ suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Phật giáo Bắc kỳ cho HT Thích Thanh Hanh vào ngày 16, 17, 18 tháng 12 năm 1934 nhưng vì Chính phi vua Đồng Khánh mới mất nên hoãn đến ngày 11, 12 tháng 01 năm 1936 mới tổ chức được.
[8] Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận (sđd, tr. 872), HT Thích Thanh Hanh viên tịch ngày 11 tháng 1 năm 1936. Thời điểm này không chính xác vì ngày đó là ngày HT Thích Thanh Hanh nhận sự suy tôn của Hội Bắc Kỳ Phật giáo lên ngôi Thiền gia Pháp chủ của Phật giáo Việt Nam.
[9] Dẫn theo Thích Thanh Ninh, Nguyễn Đại Đồng (2004), Chùa Quán Sứ, NXB Tôn giáo, tr. 81- 82
[10] Theo Những bài viết của HT Kim Cương Tử (1999), NXB Tôn giáo, HT Kim Cương Tử thế danh là Trần Hữu Cung, pháp hiệu Thúy Đồ Ba Thành, sinh ngày 16 tháng 10 năm 1914 tại xã Mỹ Thắng huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định trong gia đình Nho giáo có truyền thống hiếu học và tín mộ đạo Phật. Năm 1933 (9 tuổi), xuất gia đầu Phật. Năm 24 tuổi tham gia thuyết pháp tại chùa Quán Sứ; đỗ thứ 2 trong khoa thi đầu tiên của Trường Trung học Phật giáo Bắc kỳ, tham gia nghiên cứu ở trường Viễn Đông Bác cổ và tham gia viết bài cho báo Đuốc tuệ. Năm 1953, tham gia giảng dạy trường Trung học của Hội Phật giáo Bắc kỳ. HT là một trong những người đầu tiên thành lập Ban đại diện Phật giáo thủ đô và Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Năm 1957, xây dựng Chi hội Phật giáo TP Hải Phòng. Năm 1981, làm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TW và tham gia giảng dạy trường Cao cấp Phật học của TW Hội. Năm 1985, HT được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực GHPGVN, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN, Đại biểu nhân dân TP Hà Nội nhiều khoá, đại biểu Quốc hội các khoá VIII, I X, X, Uỷ viên UBBVHBTG TP Hà Nội, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, được UBTWMTTQVN tặng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”. Hoà thượng viên tịch ngày 23 tháng 4 năm 2001 (tức ngày mồng Một tháng Tư năm Tân Tỵ), trụ thế 88 năm, hạ lạp 65 năm.
[11] Những bài viết của HT Kim Cương Tử (1999), NXB Tôn giáo, tr.87-88
[12] Nay là chùa Phúc Khánh ở gần Ngã tư Sở, TP Hà Nội.
[13] Tác phẩm này do Cư sĩ Dương Nhân Sơn (Trung Quốc) soạn theo như sách Tam tự kinh của những người học Nho, có nội dung rất cơ bản về lịch sử đức Phật Thích ca, nội dung cốt lõi các bộ kinh, các uy nghi, điều Luật mà bậc Sa di phải tu,…
[14] So sánh với chương trình học và các môn học của trường Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Ninh từ năm 2000:
Năm thứ nhất, học kỳ I có các môn: Kinh Pháp cú (60 tiết), Kinh Bách dụ (60 tiết), Kinh Bát đại nhân giác ((45 tiết), Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư (90 tiết), Lịch sử đức Phật Thích ca (60 tiết), Luật uy nghi chính văn (75 tiết), Hán văn (45 tiết). Học kỳ II: Kinh Phật di giáo (45 tiết), Kinh Thập thiện ((45 tiết), Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư (90 tiết), Pháp Bồ đề tâm kinh văn (50 tiết), Luật Uy nghi chính văn (75 tiết), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (90 tiết), Hán văn (45 tiết).
Năm thứ hai, học kỳ I: Kinh Tứ thập nhị chương (45 tiết), Quy Sơn cảnh sách (45 tiết), Luật sa di chính văn (45 tiết), Phật pháp căn bản (80 tiết), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (70 tiết), Hán văn (45 tiết), Văn học (45 tiết), Giáo dục công dân (30 tiết). Học kỳ II: Kinh Trung bộ (90 tiết), Kinh Di đà yếu giải (60 tiết), Phật và Thánh chúng (60 tiết), Đại thừa bách pháp minh môn luận (90 tiết), Hán văn (45 tiết), Văn học (55 tiết), Giáo dục công dân và thời sự (35 tiết).
Năm thứ ba, học kỳ I: Trường A hàm (90 tiết), Kinh Trung bộ (45 tiết), Nhị khoá hiệp giải (60 tiết), Luật học đại cương (60 tiết), Duy thức cương yếu (60 tiết), Hán văn (45 tiết), Văn học (45 tiết), Giáo dục công dân (30 tiết). Học kỳ II: Kinh Trung bộ (45 tiết), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc (90 tiết), Nhị khoá hiệp giải (60 tiết), Đại thừa khởi tín luận (75 tiết), Hán văn (45 tiết), Văn học (45 tiết), Giáo dục công dân (30 tiết).
Năm thứ tư, học kỳ I: Kinh Duy ma cật (60 tiết), Kinh Kim cương (75 tiết), Thiền sư Việt Nam (60 tiết), Luật Tỷ khưu (90 tiết), Hán văn (45 tiết), Văn học (60 tiết), Giáo dục công dân (30 tiết), Sinh hoạt ngoại khoá (15 tiết). Học kỳ II: Pháp bảo đàn kinh (90 tiết), Pháp hoa cương yếu (90 tiết), Yết ma chỉ yếu (90 tiết), Thành thực luận (60 tiết), Văn học (60 tiết), Giáo dục công dân và thời sự (30 tiết), Sinh hoạt ngoại khoá (15 tiết). (Theo Bản tin tôn giáo Bắc Ninh, số 4/2008, tr.28).
[15] So sánh với chương trình của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội niên khoá 2010-2014:
Năm thứ nhất: Giới thiệu hệ thống kinh điển Nikaya (90 tiết), Kinh A hàm (75 tiết), Những vấn đề cơ bản của giới luật học Phật giáo (75 tiết), Lịch sử tư tưởng Phật giáo nguyên thuỷ (45 tiết), Quản trị tự viện hoằng pháp (45 tiết), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (45 tiết), Triết học Mác- Lênin (45 tiết), Lịch sử Việt Nam (75 tiết), Lịch sử các tôn giáo lớn trên thế giới (45 tiết), Lịch sử triết học phương Tây (30 tiết), Tiếng Việt thực hành (45 tiết), Lịch sử triết học phương Đông (75 tiết), Kinh tế chính trị Mác- Lênin  (30 tiết), Cổ ngữ (75 tiết), Trung văn (45 tiết), Anh văn (45 tiết), Tin học (45 tiết), Luật Hiến pháp (45 tiết), Chủ nghĩa Xã hội khoa học (30 tiết).
Năm thứ hai: Kinh A hàm (75 tiết), Ba la đề Mộc xoa giới (90 tiết), Kinh Bát nhã (75 tiết), Lịch sử tư tưởng Phật giáo bộ phái Tiểu thừa (45 tiết), Câu xá luận (75 tiết), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc (45 tiết), Tâm lý học đại cương (45 tiết), Cơ sở văn hoá Việt Nam (45 tiết), Tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam (45 tiết), Kinh Lăng nghiêm (75 tiết), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (30 tiết), Lịch sử văn minh thế giới (45 tiết), Quản trị tự viện: chuyên đề Giáo dục Phật giáo (30 tiết), Quản trị tự viện: chuyên đề Từ thiện xã hội (15 tiết), Cổ ngữ (75 tiết), Trung văn (45 tiết), Anh văn (45 tiết), Thiền học (75 tiết), Tin học (45 tiết), Niên luận (30 tiết), Thực tế (30 tiết).
Năm thứ ba: Kinh Hoa nghiêm (75 tiết), Kinh Duy ma cật (75 tiết), Yết ma chỉ nam (75 tiết), Giáo học pháp (45 tiết), Duy thức học (75 tiết), Đại thừa khởi tín luận (75 tiết), Lịch sử tư tưởng Phật giáo đại thừa (45 tiết), Quản trị tự viện (chuyên đề trụ trì) (30 tiết), Lịch sử các tông phái Phật giáo (90 tiết), Văn học Phật giáo Việt Nam (75 tiết), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (105 tiết), Văn bản quản lý hành chính Nhà nước- giáo hội Phật giáo (45 tiết), Cổ ngữ (75 tiết), Trung văn (45 tiết), Anh văn (45 tiết), Tin học (45 tiết), Thực tế (30 tiết), Niên luận (30 tiết).
Năm thứ tư: Kinh Pháp hoa (75 tiết), Kinh Viên giác (75 tiết), Kinh Niết bàn (75 tiết), Cương yếu giới luật Đại thừa (75 tiết), Trung quán luận (75 tiết), Đại trí độ luận (75 tiết),  Giáo học pháp- Xây dựng chương trình môn học và bài giảng (45 tiết), Logic học Phật giáo (60 tiết), Lịch sử kiến trúc- Mỹ thuật Phật giáo (45 tiết), Quản trị tự viện- Nghi lễ tổ chức hành chính (30 tiết), Hiến chương giáo hội (45 tiết), Cổ ngữ (75 tiết), Anh văn (45 tiết), Trung văn (45 tiết), Hướng dẫn nghiên cứu và viết khoá luận (15 tiết), Thực tế (30 tiết), Viết khoá luận tốt nghiệp (105 tiết).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường