Trang chủ Chuyên đề Hòa thượng Thích Phước Nhàn (1886-1962)

Hòa thượng Thích Phước Nhàn (1886-1962)

Hòa thượng Thích Phước Nhàn, thế danh Trương Văn Ninh, sinh năm Bính Tuất (1886) tại làng Phú Bình, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ngài sinh trong một gia đình Nho giáo nhưng thấm nhuần Phật giáo. Khi còn nhỏ Ngài được song thân cho theo học chữ Nho nên sớm am tường thi lễ.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Hòa thượng Thích Phước Nhàn, thế danh Trương Văn Ninh, sinh năm Bính Tuất (1886) tại làng Phú Bình, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ngài sinh trong một gia đình Nho giáo nhưng thấm nhuần Phật giáo. Khi còn nhỏ Ngài được song thân cho theo học chữ Nho nên sớm am tường thi lễ.

Năm 14 tuổi (1899) túc duyên đã đến, Ngài được song thân cho tầm sư học đạo. Ngài xuất gia đầu sư với Hòa thượng Thanh Minh – Viên Tâm (Tổ khai sơn chùa Linh Sơn Diên Thọ – Hố Dầu – núi Cú), được Hòa thượng ban pháp danh Trừng Phong, tự Phước Nhàn, thuộc đời 41 dòng Lâm Tế Chánh Tôn, chi phái Liễu Quán.

Sau khi xuất gia, Ngài chuyên cần tu học, chấp lao phục dịch tròn bổn phận của một Sa Di sơ cơ nhập đạo. Ngài được Tổ Thanh Minh dạy kinh luật, chữ Hán, và các khoa nghi ứng phú đạo tràng. Hầu thầy học đạo được bốn năm thì Tổ viên tịch. Ngài thay thầy trông nom Tổ đình và nhiếp hóa đồ chúng.

Hòa Thượng Thích Phước Nhàn (1886-1962)

Năm Ất Tỵ (1905), Ngài được 19 tuổi, Hòa thượng Phước Dư chùa Thập Tháp, Bình Định vào Diên Thọ, Ngài ân cần thỉnh Hòa thượng dạy thêm kinh luật, nhất là bốn bộ luật giải. Dạy được sáu tháng, Hòa thượng Phước Dư trở về Bình Định. Từ đó, Ngài một mình sống nơi non cao rừng thẳm, làm bạn với cỏ cây, chim muông và duy nhất với một hổ tướng (cọp), pháp danh Trừng Hộ (vị cọp này, trước đây quy y với Tổ Thanh Minh – Viên Tâm).

Năm Giáp Dần (1915) khi Ngài 29 tuổi, bấy giờ tại chùa Thiền Long, xã Đại Nan, Phan Thiết, khai đại giới đàn, Ngài được thọ Tam đàn Cụ Túc do Hòa thượng Tường Vân làm Hòa thượng Đàn đầu thí giới, và được ban pháp hiệu Chánh Pháp.

Sau khi thọ giới xong, Ngài trở về chốn Tổ, tiếp tục trau giồi đạo hạnh, nhiếp hóa đồ chúng và ẩn thân nơi núi Tà Cú để tiếp tục hành trì pháp môn Du già Mật tông (Sau này, Ngài rất nổi tiếng về khoa nghi Du già chẩn tế). Với sức học uyên thâm, sự hành trì tinh tấn, nên đức độ của Ngài vang tiếng một thời nơi đất Bình Thuận. Phật tử ở Bình Thuận quy y với Ngài rất đông.

Để hướng dẫn phật tử tu hành theo pháp môn Tịnh độ công cứ, Ngài đứng ra lập Hội Diên Khánh ở thôn Phú Long, thuyết giáo giảng kinh cho Phật tử ở địa phương này hướng về Phật đạo. Năm Khải Định thứ 7 (1922), Ngài tổ chức đại trùng tu chùa Diên Thọ (Tổ đình Hố Dầu).

Năm Giáp Tý (1924), Ngài 38 tuổi được thỉnh làm Đệ tam Tôn chứng giới đàn chùa Phước Lâm, và khai sơn chùa Hiệp Phước (Hiệp Nghĩa, huyện Hàm Tân). Cũng trong năm này, Ngài làm Giáo Thọ A Xà Lê đại giới đàn chùa Thiền Lâm, Phan Thiết. Năm 1936, Ngài khai sơn chùa Pháp Diên (phường Đức Long, Phan Thiết).

chùa Pháp Diên (phường Đức Long, Phan Thiết)

Chùa Pháp Diên (phường Đức Long, Phan Thiết) (Ảnh st)

Năm 1938, Ngài làm Yết ma A Xà Lê Đại giới đàn chùa Linh Sơn Trường Thọ (núi Cú ). Năm 1940, Ngài được Hội Phật Học cung thỉnh đảm nhiệm Đệ tam Chứng minh Đạo sư Hội Phật Học Bình Thuận, và trụ trì chùa Tỉnh hội. Cũng trong năm này, Ngài làm Chánh chủ hương trường hạ chùa Phật Học, và Yết Ma A Xà Lê giới đàn chùa Long Thành, Bồ Tát sư chùa Xuân Quang, Phan Thiết. Năm 1942, chùa Hưng Long tỉnh Gia Định (Nam kỳ) khai đại giới đàn cung thỉnh Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới.

Năm 1943, Ngài làm Thiền chủ trường hạ chùa Long Hải và đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới của giới đàn này. Năm 1944, chùa Thạnh Long (đảo Phú Quí) khai giới đàn, Ngài làm Nội đàn chủ sám. Năm 1945, chùa Thái An (Hòa Đa – Phan Rí) khai giới đàn, Ngài làm Nội ngoại đàn chủ sám. Năm 1946, chùa Phước Thọ (Lương Sơn) khai giới đàn, Ngài được cung thỉnh đương vi Tam Đàn thí giới Đại lão Hòa thượng.

Năm 1947, chư Tăng trong sơn môn Bình Thuận cung thỉnh Ngài đảm nhiệm Tòng lâm Pháp chủ, kiêm Đệ nhị Chứng minh Đạo sư. Và năm 1948, Ngài được suy tôn ngôi vị Thượng Thủ Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận. Năm 1958, Ngài làm Chứng minh tối cao trường hạ chùa Phật Quang – Phan Thiết và Chứng minh khai sơn Tòng Lâm Vạn Thiện – Bình Thuận. Sang năm 1959, Ngài lại khai sơn chùa Phước Trí. Năm 1960, Ngài làm Chứng minh Đạo sư trường hạ chùa Linh Bảo (Tuy Phong – Bình Thuận), và được chư Tăng tỉnh Bình Tuy cung thỉnh đảm nhiệm Chứng minh Đạo sư Giáo Hội Tăng Già Bình Tuy.

Hòa Thượng Thích Phước Nhàn (1886-1962)

Năm 1958 Hòa Thượng Thích Phước Nhàn làm Chứng minh tối cao chùa Phật Quang (Ảnh st)

Dù tuổi già sức yếu nhưng Ngài không quản khó khăn. Tổ đình Linh Sơn Diên Thọ (Hố Dầu) trải bao mưa nắng và sự tàn phá của thời gian cũng bị hư sụp. Để duy trì và trùng hưng chốn Tổ, Ngài phát tâm trùng tu lại Tổ đình. Năm 1962, Ngài khởi công đại trùng tu.

Công việc đang còn dang dở, ngày 15 tháng 3, Ngài thọ bệnh. Đến 10 giờ 30 ngày 19 tháng 3 năm 1962, sau khi dặn dò việc Tổ đình với các đệ tử, Ngài đã an nhiên thị tịch tại chùa Pháp Diên. Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận và đồ chúng xây Bảo tháp tại chùa Linh Sơn Diên Thọ (Hố Dầu – Tà Cú) để lưu giữ nhục thể của Ngài.

Hòa thượng Thích Phước Nhàn, suốt cuộc đời đã tận tụy phụng sự chánh pháp và hướng dẫn tứ chúng tu học, Ngài luôn đem hết sức mình để phò trì Phật pháp, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng do Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận suy cử. Ngài là một bậc Tôn túc hữu công đối với Phật Giáo Bình Thuận, mà việc hoằng dương chánh pháp nơi địa bàn khiêm tốn này trong giai đoạn lịch sử Phật Giáo nửa đầu thế kỷ XX là tham gia chấn hưng Phật Giáo nước nhà.

Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam Thế kỷ XX – Tập 1 (Gia đoạn chia đôi đất nước)
– Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường