Hòa thượng Thích Pháp Tràng (1898 - 1984)
Hòa thượng Thích Pháp Tràng, thế danh Đồng Ngọc Tự, sinh năm Mậu Tuất (1898) tại thôn Tân Long (nay là xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Song thân là cụ Đồng Văn Tỉnh và bà Ngô Thị Nơi. Gia đình Nho học, kính tín Phật đạo. Ngài là người con thứ tám trong gia đình, người anh thứ hai xuất gia trước Ngài.
Năm lên 7 tuổi, Ngài đã được cha cho học chữ Hán. Năm lên 13 tuổi, do sức học tiến nhanh, tiếp thu văn nghĩa thư kinh tốt nên Ngài được cha cho ra trường làng học chữ Quốc ngữ.
Năm Mậu Ngọ (1918), vừa tuổi 20, Ngài từ chối việc lập gia đình, kiên quyết xin cha mẹ cho xuất gia và tìm đến chùa Khánh Quới (cùng thôn Tân Long) xin thế độ. Được Hòa thượng Khánh Quới giới thiệu đến chùa Thiên Thai (Bà Rịa) đảnh lễ cầu pháp với Hòa thượng Huệ Đăng, được Hòa thượng đặt Pháp danh Trừng Tự, hiệu Pháp Tràng, nối đời thứ 42 dòng Lâm Tế. Nhờ sự dạy dỗ của Hòa thượng Thiên Thai, không bao lâu Ngài đã thông hiểu các kinh tạng và thiền luật.
Năm Mậu Thìn (1928), chúc thọ giới đàn được mở tại chùa Phước Long (nay là Hội Xuân, Cai Lậy) Ngài được mời tham dự với cương vị Giáo Thọ. Lúc bấy giờ Phật tử xã Mỹ Phước Tây đem cúng chùa Khánh Long vào Tổ đình Thiên Thai, Hòa thượng Thiên Thai nhận thấy Ngài đã đủ cơ duyên nên cử làm trụ trì chùa này. Nhờ vào tài đức của Ngài, các hàng Phật tử đã đến quy y và lễ bái rất đông.
Năm Ất Hợi (1935), Ngài tham dự giới đàn tại chùa Tiên Long (Biên Hòa) được cử làm Yết Ma A Xà Lê.
Năm Đinh Sửu (1937), Ngài an cư tại Tổ đình Long Hòa (Bà Rịa) do Hòa thượng Thiên Thai đứng ra tổ chức, Ngài được cử giữ chức Chánh Chúng.
Năm Mậu Dần (1938), Ngài được Hòa thượng Thiên Thai ủy nhiệm đứng ra tổ chức giới đàn. Công việc viên mãn tốt đẹp, Ngài được tấn phong Thượng Tọa (năm Ngài được 41 tuổi).
Từ đây, uy tín và đức độ của Ngài đã lan tỏa khắp nơi, bắt nhịp với cao trào cách mạng ở miền Nam, nên cán bộ cách mạng thường lui tới viếng thăm, đàm đạo để tranh thủ sự ủng hộ, và Ngài đã nhiệt tình cộng tác. Cuối tháng 11 năm 1940 (Canh Thìn) cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, Ngài là một trong những người đầu tiên có công lớn.
Tuy vậy, khi tình hình bình ổn, các cuộc truy lùng, bắt bớ của thực dân thêm dữ dội, những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa ấy lớp bị bắt, lớp bị lưu đày ra Côn Đảo. Riêng Ngài nhờ Phật tử thân tín giúp đỡ, nhanh chóng đưa Ngài sang chùa Phước Long, xã Tân Hợi, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ để ẩn tu. Mãi đến sau năm 1945 Ngài mới trở về quê cũ và tìm đến chùa Liên Từ nơi người anh ruột của Ngài là Thầy Minh Tâm đang ở tu. Ngài về đây là có mục đích liên lạc lại với các cơ sở cách mạng.
Năm Đinh Hợi (1947), Hòa thượng Minh Nguyệt đã về chùa Liên Từ, cùng Ngài thành lập Hội Phật Giáo Cứu Quốc huyện Cái Bè. Sau đó, Ngài được cử vào Ban Chấp Hành huyện, rồi Ban Chấp Hành cấp tỉnh, và Ủy viên Kiểm soát Ban Chấp Hành Phật Giáo Cứu quốc Nam bộ. Ngài đã đi đến hầu hết các nơi trong tỉnh vận động Tăng Ni Phật tử, quyên tiền ủng hộ kháng chiến và chế tạo vũ khí.
Năm Mậu Tý (1948), Ngài công tác ở Ban Chấp Hành Phật Giáo Cứu Quốc; Ủy viên Mặt Trận Liên Việt tỉnh Mỹ Tho.
Những năm 1949-1950, khi phong trào Phật Giáo Cứu Quốc bị giải tán, Ngài được cử vào làm đại biểu Phật giáo trong Mặt Trận Liên Việt.
Ngày 10.10.1952, trong chuyến công tác từ Mỹ Tho về Cai Lậy, Ngài bị bắt cùng với tiền quyên góp ủng hộ kháng chiến và không ít tài liệu quan trọng. Ngài bị giam ở khám số 7 (ở Mỹ Tho) và bị tra tấn trước khi đày lên Lộc Ninh. Đến năm Quý Tỵ (1953) Ngài mới được tự do, trở về tiếp tục công tác trong Mặt Trận Liên Việt Mỹ Tho.
Sau Hiệp định Genève 1954, Ngài nhận nhiệm vụ ở lại tại chỗ để đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, và đòi quyền dân chủ dân sinh, cùng tham gia Ban Chấp Hành Phật Giáo Lục Hòa tỉnh Định Tường.
Năm 1956, Ngài đứng ra vận động tổ chức ngày lễ Phật Đản tại thành phố Mỹ Tho rất trọng thể. Ngài thuyết phục chính quyền Sài Gòn cho vào nhà lao thăm các tù chính trị, cung cấp thuốc men, thức ăn... Nhờ đó những cán bộ bị giam giữ đều nắm được tình hình bên ngoài. Hình thức này tồn tại được hai năm thì bị cấm hẳn. Ngài chuyển hướng khác, đầu tiên là vận động giúp đỡ đồng bào bị nạn trong chiến dịch của chính quyền Ngô Đình Diệm truy quét quân Bình Xuyên của tướng Bảy Viển ở vùng cầu chữ Y, Xóm Củi - Sài Gòn Chợ Lớn.
Cuối năm 1957, Ngài đã thoát được đợt truy bắt của chính quyền Sài Gòn vào chùa Bửu Long, Trung Lương - Mỹ Tho (lúc này Ngài trụ trì nơi đây). Ngài liền lánh sang Bến Tre, đến chùa Bửu Long ở xã Phú Đức, do một Phật tử dâng cúng Ngài.
Ngày 15.01.1960, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Ngài được bầu làm Ủy viên Mặt trận tỉnh Mỹ Tho.
Cuối năm 1964, Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam mời Ngài tháp tùng đoàn đại biểu dự Đại hội Nhân dân Đông Dương tổ chức tại Campuchia từ ngày 1 đến 9 tháng 3.1965. Đoàn gồm 27 thành viên, do ông Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu.
Sau hội nghị, Ngài còn được mời tham quan Angkor và các nơi khác ở Campuchia. Sau khi về nước, Ngài được dự lớp Dân Vận Mặt Trận tại Văn phòng Trung ương. Hai tháng sau khi mãn khóa, Ngài về công tác ở Mặt trận Liên khu 8. Nhờ đó, Ngài có dịp lui tới các vùng An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công. Trong một chuyến công tác, Ngài bị máy bay oanh kích bị thương ở vai phải.
Năm 1969, Ngài cùng Hòa thượng Thiện Hào được ủy nhiệm hướng dẫn phái đoàn Phật giáo sang viếng tang Tăng Hoàng Campuchia.
Năm 1970, Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam cử Ngài tham gia phái đoàn dự Hội nghị Cao cấp Nhân dân Đông Dương, được tổ chức ở Campuchia. Sau đó, Ngài về ngụ tại chùa Long Khánh (xã Long Thành, tỉnh Vĩnh Long) do Hòa thượng Pháp Vân đang trụ trì.
Năm 1972, Ngài chuyển địa bàn hoạt động lên Sài Gòn Chợ Lớn. Trên đường về Sài Gòn, ngày 27.6 Ngài bị bắt tại Phú Lâm, nhưng do không tìm được gì khác hơn nên sau đó Ngài được trả tự do.
Năm 1973, Ngài được cử đến gặp Ni Sư Huỳnh Liên ở Tịnh xá Ngọc Phương (đường Lê Quang Định - Gò Vấp) để truyền đạt, bàn bạc các chỉ thị hoạt động của Tăng Ni tổ chức biểu tình chống chế độ Sài Gòn.
Năm 1975, Ngài trở lại Tiền Giang để thay mặt Quân Khu 8 kêu gọi Tăng Ni Phật tử đoàn kết và dốc tâm sức xây dựng đất nước trong hoàn cảnh mới của nước nhà thống nhất.
Năm 1978, lúc này đã 80 tuổi, Ngài được mời về trụ trì chùa Phật Ấn tại thành phố Mỹ Tho.
Năm 1981, Ngài tham dự Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và được suy cử làm thành viên Hội Đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Ngày 17.3.1984, Ngài trở lại thăm quê hương (Cai Lậy - Tiền Giang) lần sau cùng. Tối đêm ấy, đang ngồi tham dự một ván cờ tướng, Ngài đột ngột qua đời. Hưởng thọ 86 tuổi, 45 năm tham gia cách mạng và 66 năm sống trong Đạo pháp.
Kim quan Ngài được đưa về chùa Vĩnh Tràng và Bảo tháp được xây dựng trong khuôn viên chùa này.
Hòa thượng Thích Pháp Tràng đã được Nhà nước tặng thưởng các huân huy chương:
- Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
- Huân chương chống Mỹ hạng nhất.
- Bằng khen của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền
Bình luận (0)