Trang chủ Danh tăng Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907 – 1992)

Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907 – 1992)

Hòa thượng Thích Mật Hiển, pháp danh Tâm Hương, nối pháp đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế. Ngài thế danh Nguyễn Duy Quảng, sinh ngày 04/02/1907 (tức năm Đinh Mùi) tại làng Dạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (Huế) trong một gia đình thuần túy Phật giáo. Thân phụ là cụ Nguyễn Duy Bút và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Tang.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907 – 1992)

Hòa thượng Thích Mật Hiển, pháp danh Tâm Hương, nối pháp đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế. Ngài thế danh Nguyễn Duy Quảng, sinh ngày 04/02/1907 (tức năm Đinh Mùi) tại làng Dạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (Huế) trong một gia đình thuần túy Phật giáo. Thân phụ là cụ Nguyễn Duy Bút và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Tang.

Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907 - 1992)

Vốn có thiện duyên với Phật chủng, nên năm lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho phép rời mái ấm gia đình xuất gia học đạo với Hòa thượng Giác Tiên- Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm – Huế. Khi còn là chú tiểu, Ngài đã có cốt cách đạo phong; tâm chí chân trực cầu tiến, Ngài sớm thấm nhuần mưa pháp trong suốt bảy năm hầu Thầy học đạo.

Năm 1921, lúc Ngài 14 tuổi, trước sự mến mộ của vị Hoàng Cả (tức vua Khải Định) và được Bổn sư cho phép, Ngài theo học cùng lớp với các vương tôn công tử tại nội phủ Hoàng gia. Sống trong cảnh cao sang Ngài vẫn không tham đắm, ngược lại Ngài càng thiết tha với nếp sống an bần lạc đạo của chốn Thiền môn nhàn tịnh nên sau một năm, Ngài đã khẩn khoản xin trở về chùa.

Năm 1927, trường Phật học tại chùa Thập Tháp Di Đà tỉnh Bình Định khai giảng, do Tổ Phước Huệ, vị cao Tăng lúc bấy giờ làm Giáo thọ; Ngài cùng các Pháp lữ ở Huế vào đây tham học. Trong khóa học này, Ngài rất tâm đắc về Mật giáo.

Năm 1932, hội An Nam Phật Học được thành lập, Tổ Phước Huệ được cung thỉnh ra Huế làm Giáo thọ cho Đại học Phật giáo tại Phật học đường Tây Thiên, do Ngài Giác Nhiên làm Giám đốc. Tham học lớp này, Ngài là một học Tăng được Hòa thượng Giáo thọ chiếu cố ngợi khen.

Năm 1935, Ngài là Thủ Sa Di tại Giới đàn Phúc Lâm tỉnh Bình Định do Tổ Phước Huệ làm Đàn đầu. Sau thời gian thọ Đại giới, Ngài đã được Bổn sư phú pháp qua bài kệ: Tâm hương thế giới huân Tùy xử kết tường vân Phú nhữ tâm hương tánh Cừ kim chánh thị quân.

Năm 1937, Ngài được bà Từ Cung mời về cung An Định – Huế giảng dạy Phật học cho những vị trong Hoàng tộc qui ngưỡng Phật pháp.

Năm 1938, Ngài đảm trách trú trì Trúc Lâm thay cho Sư huynh Mật Tín già bệnh. Năm sau đó Sơn môn và bộ Lễ cung cử Ngài giữ chức trú trì Thánh Duyên Quốc Tự tại núi Túy Vân, thuộc huyện Phú Lộc – Huế.

Năm 1940 – 1941, Ngài chuyên trì Mật giáo và đạt nhiều thành quả, góp phần không nhỏ vào công việc độ sanh.

Đầu năm 1947, sau khi Hòa thượng Phúc Hậu, trú trì Tổ đình Báo Quốc viên tịch, Giáo Hội Tăng Già Thừa Thiên đã thành lập Ban Quản Trị chùa gồm ba vị là: Hòa thượng Châu Lâm, Hòa thượng Trí Thủ và Ngài, trong đó Hòa thượng Trí Thủ trực tiếp trông coi.

Trên bước đường hoằng dương chánh pháp, năm 1949, Ngài vào Sa Đéc. Suốt hai năm Ngài đã tận tụy trao truyền Phật pháp căn bản cho Tăng Ni tỉnh này.

Năm 1953, Ngài làm Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Trung Việt. Năm 1956, Ngài dự Đại lễ Phật Đản tại Đông Hồi, trong dịp này Ngài đã chiêm bái các Thánh tích tại Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao và Cao Miên. Năm 1958, Ngài cùng với các Ngài Thiện Hoa, Thiện Minh, Tâm Châu, Đại diện Phật giáo Việt Nam tham dự Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới tại Nhật Bản.

Năm 1963, là Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản PL 2507 và chính trong ngày lễ này, Ngài cùng chư Tôn túc phát động phong trào chống chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1964, Ngài tham gia đoàn Đại biểu Phật giáo Thừa Thiên – Huế vào dự Đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại chùa Xá Lợi – Sài Gòn.

Năm 1965, Ngài làm Đệ tứ Tôn chứng Đại giới đàn Vạn Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu – Huế.

Năm 1967, Ngài là Giáo sư cho lớp Chuyên khoa Phật học Liễu Quán, do Ngài Thích Mật Nguyện tổ chức tại chùa Linh Quang – Huế. Năm 1968, Ngài được Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất suy cử lên hàng giáo phẩm Hòa thượng cùng một lúc với Ngài Trí Thủ và Ngài Thiện Hòa. Năm này, Ngài làm Đệ ngũ Tôn chứng tại Giới đàn Hải Đức – Nha Trang.

Trước sự phát triển của các Phật học viện, Ngài cùng Hòa thượng Trí Thủ và Hòa thượng Thiện Hòa thành lập Ban Bảo trợ Phật học viện, nhằm đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Ngài luôn quan niệm rằng Tăng đoàn là giềng mối của Giáo Hội, và xem nhiệm vụ chăm lo Tăng sự là việc chính yếu của đời mình.

Năm 1972, sau khi Pháp đệ của Ngài là Hòa thượng Thích Mật Nguyện viên tịch. Ngài kiêm giữ chức trú trì chùa Linh Quang, một cơ sở trọng yếu của Giáo Hội.

Năm 1973, Ngài được mời vào Hội đồng Giáo phẩm Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên đã mời Ngài tham gia vào Mặt trận và Hội đồng Nhân dân. Vì sự nghiệp đoàn kết, Ngài đã làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại Tổ đình Báo Quốc, các giới đàn lần lượt được tổ chức và Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ, Yết ma và Đàn đầu Hòa thượng.

Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, Đại hội Phật giáo kỳ I đã suy cử Ngài lên chức vụ Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm 1984, những biến cố dồn dập cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương thị tịch, tiếp Hòa thượng Thích Thanh Trí, Trưởng ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Trị Thiên cũng viên tịch, Ngài phải đảm trách nhiệm vụ Trưởng Ban Trị sự.

Năm 1990 Đại hội Đại biểu Kỳ I của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên – Huế, Ngài đã được Đại hội cung thỉnh làm Trưởng ban Trị sự kiêm Ủy viên Tăng sự.

Trong cuộc đời tu tập, Ngài đã khéo dung nhiếp Thiền tông, Tịnh độ và Mật giáo thành một pháp môn tổng hợp, cẩn mật hành trì. Trên cương vị lãnh đạo, Ngài đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với mọi Phật sự.

Ngài đã sống thật đơn giản, bình dị, tâm chí thì cương trực, hành động thì hết lòng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã không từ nan bất cứ một nhiệm vụ nào do Tăng đoàn hay Giáo hội giao phó.

Đầu năm 1992, linh cảm về sự ra đi của mình, nên trong ngày húy nhật của thân sinh, Ngài đã về quê viếng mộ phần tổ tiên để thăm lại lần cuối cùng những nấm mồ quý kính.

Sau đó, Ngài lần lượt thăm viếng các bực Tôn túc trong Giáo hội, chiêm bái các Tổ đình, khuyên dạy và nhắc nhủ chư Tăng Ni và đồ chúng tinh cần tu học, phục vụ chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Sau hơn một tháng thị bệnh và tịnh dưỡng, Ngài đã an nhiên thị tịch vào ngày Rằm tháng 4 năm Nhâm Thân tại Tổ đình Trúc Lâm – Huế giữa tiếng tụng kinh niệm Phật của chư Tăng Ni cùng môn đồ, hiếu quyến.

Ngài đã trụ thế 85 năm và gần 80 năm tu tập, phụng sự đạo pháp. Ngài đã ra đi vào cõi tịnh lạc, đạo phong của Ngài vẫn mãi còn với quê hương non nước và còn mãi trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập 1 (Phật giáo giai đoạn thống nhất Phật giáo lần thứ 2)

Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường