Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993)
Hòa thượng Thích Đức Nhuận thế danh là Phạm Đức Hạp, pháp hiệu Thanh Thiện, pháp danh Đức Nhuận, sinh năm Đinh Dậu, triều Thành Thái năm thứ 9 (1897), tại Quần Phương, xã Hải Phương; huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Nam Hà). Thân phụ là cụ ông Phạm Công Toán, hiệu Thành Phủ, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Vụ. Ngài là con thứ 6 trong một gia đình có 8 anh chị em.
Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp Nho phong, lên 7 tuổi Ngài đã được cho đi học chữ Hán. Thân phụ Ngài vốn là một vị lương y Đông dược nổi tiếng trong vùng, được Sư tổ chùa Đồng Đắc ở tỉnh Ninh Bình mời sang để bào chế thuốc phong cứu giúp dân làng. Do được theo hầu thân phụ, dần dần Ngài mến mộ cảnh yên tĩnh và không khí thoát tục của chốn thiền môn.
Năm Nhâm Tý (1912) khi Ngài tròn 15 tuổi, Ngài nhận chân được cuộc đời là vô thường, thân người là giả tạm, nên Ngài xin phép song thân xuất gia đầu Phật. Ngài sơ tâm cầu pháp với Sư Tổ Thích Thanh Nghĩa thuộc dòng thiền Tào Động chùa Quảng Bá, Hà Nội, trú trì chùa Đồng Đắc xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Sau khi thế phát quy y, Ngài được nghiệp sư gửi tới chùa Thanh Nộn, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà cầu học với Sư Tổ Thích Thanh Ninh. Với đức hạnh khiêm cung, siêng năng, hiếu học, Ngài luôn được Sư Tổ thương yêu và kỳ vọng sau này Ngài là pháp khí của tùng lâm.
Năm Đinh Tỵ (1917) Ngài được 20 tuổi, được Tôn sư cho thọ giới Cụ Túc tại giới đàn chùa Già Lê Tự làng Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình. Giới Đàn này được các bậc Cao tăng thạc đức giữ các chức vụ quan trọng như : Sư tổ Thích Thanh Khiết làm Hòa thượng Đàn đầu, Sư tổ Thích Trung Định làm Yết Ma A Xà Lê, Sư tổ Thích Thanh Phúc làm Giáo Thọ, Sư tổ Thích Khang Thượng và Sư tổ Thích Thanh Nghĩa làm Tôn chứng. Từ đây Ngài thực sự được dự vào hàng Tăng Bảo với trọng trách “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh”.
Sau khi đắc pháp, Ngài tiếp tục con đường tu học, tìm đến tham vấn với chư Tổ danh tiếng khắp nơi, như chốn Tổ đình Đào Xuyên ở huyện Gia Lâm do Tổ Giám Thông Mệnh truyền dạy, chốn Tổ Bằng ở huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây) và chốn Tổ Sở ở huyện Hoàn Long (nay là quận Đống Đa) Hà Nội do Sư Tổ Phan Trung Thứ thuyết pháp. và còn nhiều nơi khác nữa.
Trải qua bao năm tháng chuyên tâm tu học, tinh tấn trau dồi đạo hạnh, Ngài đã trở thành một bậc tôn đức không những uyên thâm Phật học, mà còn quán thông cả Khổng học, Lão học, đạo hạnh sáng ngời đáng làm tiêu đích cho hàng Tăng Ni hậu tấn, Phật tử sơ cơ ngưỡng mộ, quy tâm.
Trong thời gian tu học ở Tổ đình Bằng Sở, nhận thức của Ngài về chánh đạo đã nhập sâu, Ngài nhận thấy thực trạng mê tín dị đoan có tính truyền thống là một trở ngại rất lớn cho người Phật tử trên con đường tu học. Nên Ngài đã hăng hái và tích cực khởi xướng việc bài trừ. Ban đầu Ngài đã phải đối phó với tư tưởng dị đồng của chính những bạn đồng môn, nhất là của một số Phật tử có dính dáng ít nhiều với các đền, các phủ.
Tuy việc làm của Ngài lúc đó chưa đạt thắng lợi, nhưng ít ra cũng gợi cho mọi người khái niệm so sánh, phân biệt giữa chánh tín và mê tín. Tổ Bằng Sở sau này đã hết lời khen ngợi Ngài như một viên dũng tướng, khi mà trình độ cũng như điều kiện phát triển Phật giáo nước nhà đã được nâng cao.
Năm Kỷ Mão (1939), nhằm thực hành hạnh nguyện từ bi, Ngài đã phát tâm thọ giới Bồ Tát do Sư tổ Thích Doãn Hài, viện chủ chùa Tế Xuyên ở tỉnh Hà Nam chứng đàn.
Năm Canh Thìn (1940), Ngài trở lại chùa Đồng Đắc xưa tiếp tục tu học. Tại đây, sau khi nghiệp sư viên tịch, Ngài được cử thừa kế làm trú trì. Phật sự đầu tiên được đặt ra trong tâm trí Ngài là: đào tạo Tăng tài, tổ chức Giáo Hội. Ngài liền lập hai trường Phật Học : một ở chùa Đồng Đắc và một ở chùa Kỳ Lân thôn Đại Hữu, xã Văn Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Ngài luôn được chư Tăng Ni và Phật tử cung thỉnh làm chủ hạ các trường như trường hạ chùa Phúc Nhạc, chùa Đại Hữu, chùa Sơn Thủy (Non Nước), chùa Lê Xá (huyện Gia Viễn), chùa Bà Đá ở Hà Nội v.v... Ngài luôn nêu cao uy mãnh Thích Hải Côn Bằng, tiêu biểu cho ngôi vị Tòng lâm Pháp chủ.
Sau năm Ất Dậu (1945), vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tổ đình Đồng Đắc do Ngài trú trì là cơ sở nuôi giấu cách mạng. Ngài còn vận động Tăng tín đồ khắp nơi, nhất là vùng Hà Nam Ninh ủng hộ và tham gia kháng chiến, đáp lời kêu gọi của cách mạng. Bấy giờ vì chiến tranh lan tràn, nhu cầu nhân tài vật lực cho kháng chiến rất cao: Tất cả cho kháng chiến. Tất cả cho mặt trận.
Do đó các Phật học đường đều ngưng hoạt động. Các chùa thu hẹp sinh hoạt, Tăng Ni đều phải tạm thời rời bỏ cuộc sống tu hành, lên đường tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc.
Khoảng năm Canh Dần (1950), với đức độ ngời sáng, giới luật tinh nghiêm của Ngài, Hội Phật học tỉnh Ninh Bình cung thỉnh Ngài giữ chức Giám luật cho hội để giữ vững kỷ cương cho hàng Tăng Ni, Phật tử trên con đường tiến tu Tam vô lậu học.
Năm Nhâm Thìn (1952), quê hương bản sở của Ngài bị quân đội viễn chinh Pháp và bọn tay sai khủng bố ác liệt. Một số tín đồ Phật giáo bị gò ép bỏ đạo. Chùa chiền bị phong tỏa hoặc đập phá. Tinh thần Phật tử bị khủng hoảng trầm trọng. Đứng trước thảm họa mất nước và nguy cơ mất đạo, với cương vị là người đứng đầu hàng cao Tăng trong vùng, sứ giả của Như Lai, Ngài đã cương quyết bảo vệ tôn giáo và tín ngưỡng của quần chúng, kêu gọi mọi người hãy sát cánh bên Ngài.
Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, hăm dọa tù đày hòng uy hiếp tinh thần Ngài. Nhưng Ngài vẫn an nhiên, hiên ngang trước mọi sự đe dọa. Cuối cùng, trước nguy cơ bị ám hại, Ngài đành phải thuận theo lời thỉnh cầu của Tăng tín đồ, tạm lánh lên Hà Nội một thời gian.
Năm Giáp Ngọ (1954), hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Trên miền Bắc sạch bóng xâm lược, Ngài mới cùng các đệ tử trở lại chùa xua, gầy dựng lại tất cả để tiếp tục tu hành, hoằng dương Chánh pháp.
Năm Ất Mùi (1955), Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng thủ Giáo hội Tăng già Việt Nam và Hòa thượng Mật Ứng, Pháp chủ Phật giáo Bắc Việt, hiệp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tận chùa Đồng Đắc, mời Ngài trở lên chùa Quán Sứ - Hà Nội nhận chức Phó Hội trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam.
Trong thời gian này, Ngài được thỉnh về trú trì chùa Tàu (Phổ Giác tự) ở quận Đống Đa, Hà Nội. Từ ngôi chùa này, Ngài thường xuyên sang làm việc tại trụ sở trung ương của Hội chùa Quán Sứ. Về sau do nhu cầu của Giáo Hội, Ngài ở lại chùa Quán Sứ, được ít lâu sau Ngài lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Quán Sứ. Năm Bính Thân (1956), Ngài được bầu làm Phó ban Đại diện Phật giáo Thủ đô.
Năm Đinh Dậu (1957), Ngài là một thành viên trong Phái đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam đến yết kiến Chủ tịch nước Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Phủ Chủ tịch. Cùng năm này, Ngài được bầu làm Trưởng Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô.
Tháng 3 năm 1958, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (ở miền Bắc ) được thành lập. Hòa thượng Thích Trí Độ được bầu làm Hội trưởng, Ngài được bầu làm Phó Hội trưởng. Ngài đảm nhiệm chức vụ này liên tục qua bốn kỳ Đại hội từ năm 1979, Ngài làm quyền Hội trưởng cho đến năm 1981, sau khi Hòa thượng Trí Độ viên tịch.
Năm 1969, Ngài về trú trì chùa Quảng Bá (Hoàng Ân tự) xã Quảng An, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cũng trong năm này, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam mở trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa này và thỉnh Ngài làm hiệu trưởng. Đây là Phật học đường đầu tiên từ sau ngày miền Bắc được giải phóng. Ngài trú trì và giáo hóa Tăng ni, Phật tử ở chùa Quảng Bá hơn 20 năm, sau đó về chùa Hòe Nhai.
Để có nơi an táng sắc thân tứ đại của Tăng Ni toàn thành phố Hà Nội, năm 1980 Ngài đứng ra xin phép Nhà nước thành lập nghĩa trang tại chùa Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Cũng trong năm này, Ngài nhận lãnh Tổ đình Hồng Phúc (Hòe Nhai), chốn Tổ của thiền phái Tào Động. Năm 1986, Ngài chính thức về đây trú trì cho đến khi viên tịch.
Năm 1980, trong bối cảnh nước nhà hoàn toàn độc lập và thống nhất, Tăng Ni, Phật tử cả nước mong muốn thực hiện ý nguyện bao đời của các bậc tiền bối là thống nhất, hòa hợp Phật giáo Việt Nam thành một khối. Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời trong thời điểm này và đã cung thỉnh Ngài làm Chứng minh.
Cũng trong năm này Ngài vào lưu trú tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh) một năm để cùng với Ban Vận Động đi thăm viếng trao đổi, bàn bạc với chư vị tôn đức lãnh đạo các giáo phái, hệ phái, hội đoàn Phật giáo tại các tỉnh phía Nam để thực hiện ý nguyện thống nhất Phật giáo.
Tháng 11 năm 1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ - Hà Nội để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Toàn thể đại biểu nhất tâm cung thỉnh Ngài đảm nhận ngôi vị Pháp Chủ. Nhưng Ngài từ chối đến 3 lần. Cuối cùng với sự thành tâm tha thiết của Hội nghị, Ngài nhận lãnh ngôi vị Pháp chủ với điều kiện là Hội nghị sẽ đề đạt lên Chính Phủ ba nguyện vọng tha thiết của Ngài. Đó là :
1.- Cho phép mở tại 3 thành phố Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh 3 trường Đại học Phật học.
2.- Cho mỗi tự viện được nhập khẩu từ 2 đến 5 người để chăm lo Phật sự. 3.- Cho phép Phật tử được tự do đến chùa lễ Phật, nghe Pháp.
Từ đó, qua hai kỳ đại hội nữa, Ngài vẫn được Tăng tín đồ cung thỉnh ở ngôi vị Pháp Chủ.
Ngoài Phật sự, Ngài còn tham gia các công tác từ thiện, xã hội. Ngài được bầu vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều khóa. Do công lao đóng góp của Ngài cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Nhà nước đã tặng thưởng Ngài Huân Chương Hồ Chí Minh và Huân Chương Độc Lập hạng nhất.
Là một vị đại cao Tăng, cống hiến trọn đời cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã đóng góp nhiều công sức trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần đoàn kết và phụng sự dân tộc.
Vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 11 tháng 11 năm Quý Dậu (23-12-1993), hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh đã viên mãn, Ngài đã an nhiên thị tịch tại bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô - Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi đời, 77 hạ lạp.
Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập 1 (Phật giáo giai đoạn thống nhất Phật giáo lần thứ 2)
Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)