Trang chủ Văn hóa Hoa Mai trong cảm thức người xưa

Hoa Mai trong cảm thức người xưa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Nguyễn Thanh Huy – Trường Đại học Khánh Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

Hoa mai là đề tài bất tử trong nghệ thuật thi ca và hội hoạ. Không phải ngẫu nhiên mà các bậc danh gia đã chọn hoa mai làm cảm thức sáng tạo; bởi tự thân hoa mai luôn toát lên vẻ đẹp cốt cách, cũng như sức sống tiềm tàng trong những hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt. Nếu ai đã từng theo dõi, tận mắt chứng kiến mai đương đầu trong giông bão, giá rét sẽ hiểu vì sao người xưa yêu thích, ngưỡng mộ và tôn lên hàng cao quý – tượng trưng cho khí tiết thanh cao, cho cốt cách của bậc quân tử, hay là biểu tượng của niềm hy vọng, sự lạc quan yêu đời.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Hoa mai trong cam thuc nguoi xua 1

Điều đó khiến chúng ta sẽ cảm nhận được đầy đủ hơn hình ảnh trong câu thơ “Hàn mai xuân tín tảo” 寒梅春信早 thường được ghi trên những chiếc đĩa cổ vẽ mai hạc. Ở đây không chỉ nói lên sự báo hiệu mùa xuân đến sớm khi thấy hoa mai chớm nở, mà ẩn sâu trong đó chính là sức sống mãnh liệt của loài hoa cao quý này. Cho dù trong suốt mùa đông rét mướt vẫn không thể khuất phục được sự khai hoa nở nhuỵ để tống tiễn đi cái lạnh lẽo, để chào đón một mùa xuân ấm áp bắt đầu.

Hay trong điển tích “Đạp tuyết tầm mai” 踏雪 尋梅, lại một lần nữa khẳng định sức chịu đựng, sự bất phục; sẵn sàng đương đầu với gió, tuyết. Cảm động, ngưỡng mộ trước điều đó mà lòng người ngại chi chẳng vượt sương tuyết để có được một nhành mai!

Hoa mai vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn bởi sự phản ánh tinh tế của tiền nhân trong thi ca, ở đó là sự quan sát, cách nhìn đậm chất phương Đông khi chỉ miêu tả điểm xuyết mà không khắc hoạ thành mảng, khối. Đó là lí do chúng ta thường thấy hình ảnh “nhất chi mai” đã trở nên phổ quát trong thi ca cổ điển, như Mãn Giác Thiền Sư đã viết trong “Cáo tật thị chúng”:

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
告疾示眾
春去百花落
春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅

Hai câu kết “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” hay đến độ người ta chỉ thích ngâm nga nó mà không cần phải nhớ đến cả bài thơ. Và ngữ “nhất chi mai” dường như đã dần tách ra khỏi văn cảnh để độc lập tạo nghĩa: sự lạc quan, yêu đời.

Nhưng, vượt xa hơn cái nghĩa của thế tục, hình ảnh “nhất chi mai” còn gợi cho chúng ta về một quan niệm Thiền, ở đó như bóng dáng của tích truyền tâm “Niêm hoa vi tiếu” 拈花微笑 – khi đức Thế Tôn im lặng đưa bông hoa lên thì chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp mỉm cười, tức giác ngộ. Điều này không có gì là mơ hồ khi người đọc chiêm nghiệm lại tầng nghĩa sâu xa ở bốn câu đầu. Trong đó hai câu “Xuân khứ bách hoa lạc/Xuân đáo bách hoa khai” không chỉ đơn thuần là muốn nói đến một quy luật tuần hoàn của tự nhiên, mà còn chính là lẽ vô thường: đến lại đi, còn rồi mất. Tiếp theo, hai câu ba bốn “Sự trục nhãn tiền quá/Lão tòng đầu thượng lai” lại cho thấy rõ sự đời và con người đều tuân theo lẽ sinh lão bệnh tử, thành trụ hoại không. Vậy nên hình ảnh “nhất chi mai” nếu chưa thể xem là một chứng ngộ thì chí ít nó cũng là một ý niệm Thiền.

Dưới một ánh nhìn khác, hoa mai bỗng hóa long lanh khi khách thơ không ngắm nhìn trực diện, thay vào đó là thưởng lãm qua lăng kính lòng sông, như cách của Trần Quang Khải trong bài “Lưu Gia độ”:

“Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình thu thuỷ thượng,
Hoang tử cổ trũng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lý đại sơn hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.”
劉家渡
劉家渡口樹參天,
扈從東行昔泊船
舊塔江亭秋水上
荒祠古塚石麟前
太平圖誌幾千里
李代山河二百年
詩客重來頭髮白
梅花如雪照晴川

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Hoa mai trong cam thuc nguoi xua 2

Hai câu kết thật là tài tình! Mai hoa như một tặng vật của thiên nhiên dành riêng cho thi khách. Hình ảnh hoa trắng soi bóng lòng sông không chỉ gợi lên vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của loài bạch mai, mà còn vẽ ra trước mắt một lòng sông yên ả, trong ngần; một không gian tĩnh lặng, nên thơ. Mai – tuyết – tình xuyên vốn là những khách thể tuyệt đẹp trong thi ca, và ở đây, dưới nét bút tài hoa của thi nhân đã khiến chúng trở nên lung linh hơn, trác tuyệt hơn!

Nói đến hoa mai không thể không nhắc đến những câu “Kiều” đã đi vào trong tâm thức người Việt. Nguyễn Du đã khéo léo dùng hình ảnh ước lệ để tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều – một vẻ đẹp toát ra từ bên trong bởi tâm hồn, cốt cách.

“Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”

Vẻ đẹp ấy trong trẻo mà mê hoặc, thanh tao mà quyến rũ. Ở Kiều, tài sắc còn khiến cả hoa ghen liễu hờn, người xiêu thành đổ.

Có lẽ, xuất phát từ tình yêu, lòng si mê mà người xưa đã nghĩ đến sự chiếm hữu để được chạm gần hơn và thưởng thức hoa mai theo cách của riêng mình – thú chơi mai cành và rồi, bình cắm mai cũng bắt đầu từ đây.

Sự sáng tạo độc đáo, điển hình trong các dạng bình dùng cắm hoa chính là “mai bình” 梅 瓶. Kiểu thức này mang lại nhiều cảm xúc thẩm mĩ hơn trong tất cả các hình dạng bình cổ của gốm sứ, nó luôn gợi lên sự liên tưởng đến một vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha như người con gái đương độ đôi mươi.

Ngay cái tên gọi cũng đã là một sự tôn vinh của người xưa. Ở đó có sự quy ước mặc nhiên chức năng trang trí của nó – chỉ để cắm mai. Đặc biệt, cấu tạo miệng bình nhỏ như một cách ngụ ý rằng người cắm hoa, chơi hoa chỉ nên lựa chọn một cành duy nhất. Những ai có con mắt tinh tế chắc chắn phải đồng ý rằng cắm hoa không dày sẽ tao nhã, nghệ thuật hơn.

Như vậy, ban đầu từ tình yêu mai mà tái hiện, bộc lộ cảm xúc cho đến sự si mê muốn nắm bắt, chiếm hữu bắng cách này hay cách khác thì càng tô vẽ thêm cho sức hấp dẫn khó cưỡng của hoa mai.

Viết đến đây hình ảnh hoa mai cứ như hiện ra trước mắt, một cảm xúc trào dâng khó tả, xin học theo cách của tiền nhân mà ghi tạc lại mấy câu:

梅 花 題
梅 花 君 子 格
騷 人 以 作 題
多 言 不 可 盡
千 秋 同 感 詩
Mai Hoa Đề
Mai hoa quân tử cách
Tao nhân dĩ tác đề
Đa ngôn bất khả tận
Thiên thu đồng cảm thi.

Vẫn biết rằng không một ngôn từ hay một cách biểu đạt nào có đủ sức lột tả hết được vẻ đẹp tao nhã, cũng như phẩm cách thoát tục của hoa mai. Và mãi mãi hoa mai luôn là mạch nguồn cảm tác chảy trong những tâm hồn đa cảm, là thi hứng của tao nhân mặc khách, là thử thách trước bao hoạ sư muốn khẳng định mình.

Tác giả: Nguyễn Thanh Huy – Trường Đại học Khánh Hòa
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường