Trang chủ Bài viết nổi bật Khái lược về chủ đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam

Khái lược về chủ đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ tách ra khỏi dòng chảy lịch sử mà uyển chuyển thực hiện những sứ mệnh gắn bó cùng dân tộc. Khi đất nước nguy nan, người tu hành sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, khi đất nước hòa bình, tăng, ni tín đồ phật tử lại dốc sức hết mình vì sự nghiệp an dân trong mọi mặt đời sống xã hội

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ tách ra khỏi dòng chảy lịch sử mà uyển chuyển thực hiện những sứ mệnh gắn bó cùng dân tộc. Khi đất nước nguy nan, người tu hành sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, khi đất nước hòa bình, tăng, ni tín đồ phật tử lại dốc sức hết mình vì sự nghiệp an dân trong mọi mặt đời sống xã hội.

Tác giả: ThS Lê Thị Kiều Trinh

Tóm tắt: Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong vấn đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” là không thể đong đếm. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết nói đến đề tài này. Tuy nhiên, lý luận chung về nó lại chưa thực sự đầy đủ, khiến cho quá trình tìm hiểu còn gặp nhiều khó khăn.

Rõ ràng việc phải xây dựng nên một khung lý thuyết là cần thiết, bởi lẽ: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”(1). Nếu như vấn đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam cũng có một hệ thống lý luận chung, thì những nhận định, đánh giá càng sâu sắc và rõ ràng hơn.

Từ đó kịp thời tháo gỡ những mâu thuẫn có thể nảy sinh trong thời đại mới. Chính vì vậy, tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài này, với mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình để xây dựng nên khung lý thuyết, tập trung làm rõ khái niệm, biểu hiện, và mối quan hệ giữa “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam với nhà nước, dân tộc Việt Nam.

Từ khoá: Phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân, Phật giáo Việt Nam.

1. Khái lược chung

1.1. Khái niệm

Phụng đạo: nghĩa là phụng sự đạo pháp, phục vụ hết lòng những nguyên tắc của tôn giáo. Trong phạm vi bài này, đạo pháp mà tác giả nói đến là Phật pháp. Phụng đạo là phục vụ hết lòng những lời giáo huấn của đức Phật – một hệ thống triết lý dựa trên nền tảng từ bi, trí tuệ có thể dẫn con người đến sự giác ngộ, giúp con người thoát khỏi những đau khổ trong cuộc đời và hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

Trong kinh Hoa Nghiêm có một câu như sau: “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư phật”. Phụng sự là sự sống, điều động toàn bộ cuộc đời, tất cả thân khẩu ý của một người tu đạo Bồ tát hạnh, điều này phù hợp với tính nhập thế tích cực của Phật giáo nước ta (nhập thế là phải đi vào đời làm cho đời thêm tươi sáng).

Cách hay nhất làm ta hạnh phúc chính là làm cho người khác hạnh phúc, không thể hạnh phúc khi khiến ai đó đau khổ, phụng sự càng lớn thì an vui càng lớn, sự khởi phát của phụng sự chính là sự khởi phát của Bồ đề tâm.

Trong bài thoại “Các phương diện nhập thế của Phật giáo Việt Nam, Thượng toạ Thích Nhật Từ đã cho biết việc dấn thân phụng sự nhân sinh chính là quay về với cách mà đức Phật đã hành đạo. Đức Phật là tấm gương vĩ đại trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của người tu sĩ.

Yêu nước: đó là những cảm xúc, tình cảm yêu thương hướng về quê hương, đất nước, là sự tôn thờ được khắc sâu trong tim đối với sứ sở của mình. Quê hương có thể chỉ là một vùng, nhưng thông thường thì khái niệm này gắn với khái niệm đất nước. Lòng yêu nước biểu hiện ở hành động sẵn sàng đứng lên khi đất nước gặp nguy nan.

Tại Việt Nam, lòng yêu nước là một truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành sức mạnh vô giá mà dân tộc ta đã lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hộ quốc: là giúp đỡ, bảo vệ tổ quốc. An dân là khiến cho nhân dân được an ổn. Có thể hiểu “hộ quốc an dân” là sự cống hiến giúp đỡ bằng sức lực và trí tuệ để hộ trì đất nước, góp phần gìn giữ nền độc lập của tổ quốc, làm cho đất nước phát triển tốt đẹp, giúp người dân có cuộc sống tự do, bình an, hạnh phúc. (2)

Một số ý kiến cho rằng, nguồn gốc “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam xuất phát từ thuyết Duyên Khởi trong kinh Hoa Nghiêm. Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ kinh I), nguyên lý Duyên Khởi đã được đức Thế Tôn tóm tắt như sau:

“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt

Do cái này sinh nên cái kia sinh

Do cái này diệt nên cái kia diệt”.

Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới tồn tại đều có mối liên hệ phổ biến, ràng buộc, chi phối lẫn nhau cùng vận động và biến đổi không ngừng. Vì vậy, nguồn gốc của “hộ quốc an dân” nếu như nói xuất phát từ Kinh Hoa Nghiêm không hề sai, bởi lẽ điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong phép biện chứng duy vật của Triết học Mác – Lênin.

Như vậy, vấn đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” là hết lòng phục vụ triết lý, những lời giáo huấn của đức Phật, nhưng gắn liền với yêu nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ tổ quốc, mang lại an lành, hạnh phúc cho nhân dân. Tác giả cho rằng, “phụng đạo” được đặt đầu tiên của vế “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” là rộng nhất, có thể bao trùm ba vế sau. Bởi lẽ, “phụng đạo” sẽ mang lại cho con người sự giác ngộ.

Khi con người giác ngộ và đạt được hạnh phúc, thế giới hòa bình, yêu thương lẫn nhau thì những mâu thuẫn trong xã hội sẽ được giải quyết dễ dàng… Tuy nhiên, để không sa vào biểu hiện “phụng đạo” thái quá và mất đi tính khách quan của vấn đề, trong phạm vi bài viết, tác giả không nghiên cứu theo hướng này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ho quoc an dan Phat giao Viet Nam 3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba cho các tập thể và cá nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Thống Nhất

1.2   Sơ lược quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam

Theo một số nghiên cứu, đạo Phật du nhập và phát triển tại nước ta thể hiện qua 4 thời kỳ.

Thứ nhất: Từ khi du nhập cho đến thế kỷ X, mặc dù lúc này đất nước bị xâm lược và đô hộ nhưng đạo Phật đã tạo ra những ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân, có sự chuẩn bị để bước vào giai đoạn mới.

Thứ hai: Phật giáo thời Đinh – Lê – Lý – Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV). Nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, Phật giáo có sự phát triển mạnh mẽ và đạt tới cực thịnh dưới triều nhà Trần. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện Thiền phái Trúc lâm Yên tử ở Việt Nam, được xem là dòng thiền thuần tuý và là nền móng đầu tiên cho thống nhất Phật giáo ở nước ta.

Thứ ba: Thời kỳ Lê Sơ cho đến nhà Nguyễn (thế kỷ XV đến thế kỷ XX), đạo Phật có phần suy yếu do chế độ phong kiến Việt Nam lấy Nho giáo làm chỗ dựa cho tư tưởng chính trị. Mặt khác, chính sách tiêu diệt văn hoá thâm độc của giặc Minh khiến nước ta bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn giữ được gốc rễ sâu bền, vẫn âm thầm phát triển trong lòng nhân dân.

Thời kỳ thứ tư: Phật giáo từ thế kỷ XX cho đến hiện nay. Những năm 30 của thế kỷ XX, trước những biến đổi lớn về kinh tế, văn hoá, xã hội…phong trào Chấn hhưng Phật giáo diễn ra ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Một số nhà sư cùng nhân sĩ trí thức yêu nước sử dụng ngọn cờ Phật giáo để đoàn kết, tập hợp lực lượng chống thực dân Pháp. Tuy chỉ kéo dài đến 1950 nhưng kết quả của Phong trào này đã đưa Phật giáo đi vào hoạt động có Tổ chức.

Việc Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời được coi là cuộc vận động thống nhất Phật giáo đầu tiên về mặt tổ chức tại nước ta trong thế kỷ XX… Đến năm 1954, khi đất nước bị chia làm hai miền thì Phật giáo cũng có sự khác nhau.

Tại Miền Bắc, Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam thành lập với mục đích hoạt động là: “Hòa hợp tăng sự, cư sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học để hoằng dương phật pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự tổ quốc và bảo vệ hòa bình”, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là bước chuyển quan trọng trong tiến trình gắn bó với dân tộc của Phật giáo miền Bắc.

Tại Miền Nam, tình hình Phật giáo có những diễn biến phức tạp, ra đời nhiều tổ chức hệ phái, gây nên bất đồng sâu sắc trong nội bộ và có lúc đi ngược lại nguyện vọng của tăng ni, phật tử.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước hòa bình độc lập, thống nhất. Tháng 11/1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo được long trọng tổ chức. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, thông qua Hiến chương, chương trình hành động của giáo hội với đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Đây là sự kiện cực kỳ quan trọng đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tăng ni, phật tử cả nước, tạo điều kiện phát triển hơn bao giờ hết cho Phật giáo, tạo ra sức mạnh đoàn kết chính trong nội bộ Phật giáo, “Từ nay, chúng ta không còn phân biệt phật tử miền Nam, phật tử miền Trung, phật tử miền Bắc. Chúng ta chỉ gọi bằng một danh từ quý báu nhất thiêng liêng nhất là Phật tử Việt Nam”. Sự kiện này mở đường cho những hoạt động phật sự ý nghĩa, đóng góp quan trọng trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước.

2. Nội dung vấn đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam

2.1. Biểu hiện của vấn đề “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân”

Thứ nhất, phật tử nhận thức được chân lý Phật pháp, phát huy giáo lý Phật đà để giáo lý đó sáng tỏ và trường tồn.

Trong Tụng phẩm III kinh Đại Bát Niết Bàn có đoạn: “Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”.

Đây là một trong những lời dạy sau cùng của Đức Phật trước khi người nhập cõi Niết Bàn, người nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng của Phật tử là truyền bá giáo lý của ngài đến chúng sinh, “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, lấy họ là đối tượng phụng sự.

Chính người phật tử phải học hỏi, tu tập thực chứng Chính Pháp để đạt được trí tuệ, khi thực chứng được Pháp, chúng ta mới có khả năng giải quyết những khổ đau của chính mình, từ đó mới đi vào đời để phục vụ chúng sinh, truyền bá được Chính Pháp, mong chúng sinh đều hưởng được pháp vị giải thoát.

Trong kinh Pháp Hoa ở Phẩm Phương Tiện, đức Thế Tôn nói: “Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”. Lý do duy nhất để đạo pháp tồn tại đó là đức Phật và đệ tử của mình phải gắn liền việc tu tập, giải thoát cho chính mình với việc giải thoát cho con người, mang lại lợi lạc lâu dài cho quần chúng.

Chúng ta từng nghe đến câu “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”, có thể nói câu này hàm chứa tư tưởng nhập thế của Đại Thừa, là niềm mong ước của chư Phật – câu này chia làm hai vế, vế một là trên cầu thành phật, vế hai là dưới hoá độ chúng sinh. Cứu giúp chúng sinh tức là thực tập Phật pháp và ngược lại, cả hai có mối quan hệ nhân quả, vế một là quả, vế thứ hai là nhân, không nhân sẽ không quả, có quả mới có nhân.

Thứ hai, Phật giáo Việt Nam luôn đặt sự tồn vong và phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc.

Phật giáo từ trong thực tiễn đã toát lên truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với tổ quốc và nhân dân. Từ sau khi chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, chấm dứt 1.000 năm nô lệ của dân tộc ta, các thiền sư đã cùng triều đình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó là tái thiết đất nước và đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược.

Triều đại phong kiến Đinh, Lê, Lý, Trần đều rất coi trọng Phật giáo. Các vị thiền sư đức cao vọng trọng được mời làm cố vấn với vai trò Quốc sư. Nhà sư Ngô Chân Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành phong làm Tăng Thống, ban chức Quốc sư, ban hiệu Khuông Việt.

Qua Tràng kinh phát hiện tại Hoa Lư vào năm 1963, 1987 cho thấy, Thiền Sư Khuông Việt có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hoá dưới thời nhà Đinh. Đến thời Tiền Lê, Thiền uyển tập anh có ghi lại: “Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư (Ngô Chân Lưu) đặc biệt được vua kính trọng, phàm việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự”(3).

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, Thiền sư còn có đóng góp to lớn đối với hoạt động đối ngoại, góp phần tạo lập mối quan hệ hoà hảo giữa hai nước Việt – Tống, giữ gìn biên cương đất nước ta bình ổn suốt những năm cuối thế kỷ X, đầu thế XI.

Đến thời Tiền Lê, không thể không nhắc đến thiền sư Vạn Hạnh – người có nhiều đóng góp to lớn cho việc mở ra triều đại nhà Lý. Ông có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống, khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê vô đạo, Thiền sư đã phò tá Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế và khuyên Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đặt nền móng vững chắc cho dân tộc ta.

Hoà Thượng Thích Mãn Giác viết trong cuốn “Vạn Hạnh, Kẻ Đi Qua Cầu Lịch Sử” như sau: “Con đường Vạn Hạnh đi không phải là con đường lên núi làm một nhà tu cô đơn khổ hạnh, cũng không phải con đường đưa Sư đến chỗ ngồi nhìn vách quay lưng lại cuộc đời mà tu. Con đường Sư đi là con đường hành động với con tim vô tư, vô cầu, với quyết ý dốc cả tâm can phò trợ những người khoan dung được lòng dân có hoài bão làm cho dân cho nước thịnh trị”.

Trong thời kỳ này còn có rất nhiều thiền sư khác đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lúc này đạo pháp với dân tộc là một. Với ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, nhà Lý thực thi chính sách dùng Chính Pháp để xây dựng và bảo vệ thành quả độc lập tự chủ. Sang thời Trần, các vua Trần đều giỏi về đạo Phật và có căn bản Phật học vững chắc.

Thời đại Trần Nhân Tông là thời đại mà Phật giáo đạt tới hưng thịnh. Chính tại vương triều này, từ năm 1258 đến 1288 quân và dân nhà Trần đã ba lần đánh bại quân Mông – Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc giang sơn, lãnh thổ. Những nhà lãnh đạo lúc đó vừa giữ vai trò là người đứng đầu một nước, vừa có tâm thế là một nhà lãnh tụ Phật giáo để đoàn kết toàn dân, tập trung năng lực cũng như trí tuệ để bảo vệ đất nước.

Sau khi đánh bại quân Nguyên, ổn định xã tắc, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã quyết chí xuất gia và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị, văn hoá xã hội nước ta, tạo ra bản sắc Thiền Tông Đại Việt, mở ra trang sử huy hoàng cho cả thời đại, phát huy cao độ tinh thần nhập thế của Phật giáo.

Đến thời Lê Sơ, có một số nhận định rằng Phật giáo Việt Nam suy yếu. Tuy nhiên, điều này là chưa khách quan vì “Thời Lê là thời đại Phật giáo Việt Nam phát triển rầm rộ, do đối kháng lại với nền Phật giáo mà nhà Minh đưa qua…”(4). Trong suốt 20 năm nước ta bị giặc Minh đô hộ hà khắc về chính trị, kinh tế, chúng đã thi hành chính sách huỷ diệt độc ác về văn hoá.

Theo nghiên cứu của Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng: “Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết.

Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”(5).

Nếu như, sau cuộc chiến tranh chống giặc Minh, tư tưởng Phật giáo sau khi đã kết hợp với những yếu tố dân tộc không góp phần phát huy vai trò như một bức tường thành kiên cố để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, thì có khi nào, văn hoá của ta trắng trơn suốt mấy trăm năm.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều tăng ni, phật tử sẵn sàng “cởi áo cà sa, khoác chiến bảo”, xả thân bảo vệ cơ sở và cán bộ cách mạng. Hình ảnh Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu chống lại chế độ Ngô Đình Diệm gây xúc động mạnh mẽ đến tất cả mọi tầng lớp nhân dân.

Và rất nhiều nhà sư đã hy sinh anh dũng cho nền độc lập của nước nhà như: Hoà thượng Thích Nguyên Uyển (ông nuôi giấu cán bộ, trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở huyện Tiên Lãng, khi bị địch bắt và tra tấn dã man, ông vẫn giữ một lòng kiên trung và hy sinh vào ngày 17/10/1951), Hoà thượng Thích Thanh Lãng (ông hy sinh ngày 20/9/1952 và được Nhà nước công nhật liệt sỹ năm 2005) …

Thứ ba, Giáo hội các cấp và tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác bảo trợ an sinh xã hội.

Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam tích cực trợ giúp đối với những nhóm người bị yếu thế trong xã hội, dễ bị tổn thương, góp phần chung tay với Đảng và Nhà nước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, chung tay xây dựng phát triển đất nước.

Trải qua 8 kỳ Đại hội Phật giáo, bắt đầu từ tháng 11 năm 1981, Phật giáo đã đóng góp rất lớn và đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực an sinh xã hội. Nếu như ở nhiệm kỳ I (1981-1987) và nhiệm kỳ II (1987-1992), Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới thành lập, tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân nói chung và đời sống tăng ni phật tử còn thiếu thốn nên công tác an sinh xã hội có nhiều hạn chế.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ho quoc an dan Phat giao Viet Nam 4

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (thứ 2 từ trái sang), Chủ tịch HĐTS GHPGVN và Hòa thượng Thích Lệ Trang (ngoài cùng bên phải), Trưởng BTS GHPGVN Tp.HCM, tặng quà cho người dân nghèo trong chương trình “Xuân yêu thương 2023”. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thì đến nhiệm kỳ thứ VIII (2017-2022), tổng số kinh phí dành cho từ thiện xã hội của Phật giáo đã đạt 7.133.000.281.000đ (Bảy nghìn một trăm ba mươi ba tỷ hai trăm tám mươi mốt nghìn đồng).

Trong Toàn văn Báo cáo Tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương GHPGVN nêu rõ: Hiện nay, “trong toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y, với 206 ương y, 40 bác sĩ đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân…

Có 120 lớp học tình thương với 5.678 em, 64 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tập đã được cơ quan chức năng cấp phép, 15 trung tâm nuôi dưỡng 527 cụ già, neo đơn, 46 trung tâm nuôi dạy 1.429 trẻ mồ côi, trẻ em chất độc màu da cam, 1 trung tâm phục hồi chức năng…”.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành và Tăng Ni, Phật tử cả nước đã nỗ lực vận động tài chính vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa…Tham gia phong trào phòng chống HIV/AIDS, thành lập cơ sở chăm sóc người nhiễm bệnh, mở các văn phòng tư vấn sức khoẻ cho họ…

Khi đất nước trải qua dịch Covid-19, Tăng Ni, phật tử các chùa, cơ sở tu viện cả nước luôn chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực không nhỏ trong công tác phòng chống dịch.

Trên lĩnh vực tinh thần, hầu hết các chùa đều lập các đạo tràng, nhà sư tăng cường thuyết pháp, giảng đạo lý nhà Phật… để phật tử hiểu được nhân quả, tu nhân tích đức, làm nhiều điều thiện.

Thứ tư, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đức Phật đã dạy các đệ tử của mình rằng sức mạnh của giáo pháp nằm ở sự đoàn kết, “Này các Tỳ kheo, ngày nào chư đệ tử còn hội họp, chung sống trong tinh thần đoàn kết, làm việc trong tinh thần đoàn kết, giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì nhất định giáo pháp không thể suy đồi, mà trái lại còn mãi mãi phồn thịnh”(6).

Phật giáo sớm hoà vào dòng chảy văn hoá dân tộc ta, luôn đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường lịch sử. Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tổ chức từ ngày 04-07/11/1981 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) quy tụ 9 tổ chức Giáo hội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) mở ra một bước tiến mới của Phật giáo nước ta. Đặc biệt là trong vấn đề củng cố khối đại đoàn kết.

Lời mở đầu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong hơn hai ngàn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(7).

Trải qua 8 kỳ Đại hội và đạt được nhiều thành tựu Phật sự, GHPGVN thực sự là ngôi nhà của đại đoàn kết, không chỉ kết nối chính những Tăng Ni, Phật tử của tất cả các hệ phái Phật giáo mà còn là đóng góp sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân. Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện dựa trên báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố như sau:

“- Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm: 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ.

– Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa).

– Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số”(8).

GHPGVN luôn là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn coi công tác từ thiện, an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bởi lẽ thông qua đó thúc đẩy việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng, đoàn kết các dân tộc và tôn giáo.

Không chỉ củng cố khối đại đoàn kết trong nước, mà GHPGVN còn đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế, làm sâu sắc mối quan hệ với cộng đồng Phật giáo thế giới. Chủ động tích cực tham gia với tư cách là thành viên của các Tổ chức Phật giáo quốc tế và thường xuyên trao đổi những thành tựu nghiên cứu phật học.

Đặc biệt, GHPGVN đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với sự tham dự của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ; năm 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) với sự tham dự của 95 quốc gia và vùng lãnh thổ; năm 2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) với sự tham dự của 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với những thành tựu Phật sự như vậy, GHPGVN không chỉ khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc mà còn khẳng định vị thế chủ động trong hội nhập quốc tế.

2.2. Mối quan hệ giữa “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam và Nhà nước.

Trước tiên ta cần nhắc lại, Phật giáo là một tôn giáo. Khi một tôn giáo ra đời và hình thành ở một quốc gia, thì thường dựa theo chính thể ở quốc gia đó. Mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo diễn ra hai quá trình, quá trình từ trên xuống là chính trị hoá tôn giáo và quá trình từ dưới lên là tôn giáo hoá chính trị.

Tại một số quốc gia, tôn giáo được sử dụng cho các mục tiêu chính trị và chính trị cũng trở thành công cụ để thực hành tôn giáo, không có loại trừ lẫn nhau, dù con đường ở mỗi nước là khác nhau. Do điều kiện lịch sử và hoàn cảnh của mỗi nước nên quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo khó theo mô hình có sẵn, nhưng dựa trên nguyên tắc cơ bản sau: xây dựng nhà nước thế tục (quyền lực nhà nước trung lập về vấn đề tôn giáo), thực hiện khoan dung tôn giáo, đảm bảo dân chủ và bình đẳng giữa các tôn giáo.

Từ trước đến nay tôn giáo tồn tại khách quan. Tuy nhiên, khi nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật thì sẽ ảnh hưởng đến chuẩn mực tôn giáo. Nếu một tôn giáo có tư tưởng quan điểm không phù hợp, tác động xấu đến xã hội hiện tại thì pháp luật sẽ điều chỉnh hay kìm hãm tính tiêu cực đó. Pháp luật góp phần tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển và các quy phạm tôn giáo vận hành có hiệu quả.

Mặt khác, những tín điều, giáo lý hầu hết là khuyên con người hướng thiện, góp phần xây dựng tình đoàn kết, điều này hỗ trợ hoàn thiện pháp luật và khi các tín đồ của tôn giáo thực hiện theo những tín điều này thì phần nào giúp cho xã hội ổn định, phát triển. Như vậy, nhờ quy phạm tôn giáo mà công việc quản lý xã hội của pháp luật cũng thuận lợi hơn, san sẻ một phần “gánh nặng” cho nhà nước và hệ thống pháp luật.

Xin mượn lời của cố thiền sư Thích Vạn Hạnh để làm rõ quan hệ này: “Bên tôn giáo có thể đóng góp tuệ giác và nhắc chừng về chiều hướng tâm linh đạo đức trong cả hai ngành lập pháp và hành pháp, bên chính trị có thể đóng góp ý kiến về sự suy thoái đạo đức trong tôn giáo và sự lạm dụng giáo quyền trong việc tìm cầu danh lợi và quyền bính, và yểm trợ cho tôn giáo trong những công tác giáo dục đạo đức và thực tập đưa tới lành mạnh hóa xã hội”.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vận mệnh dân tộc tác động sâu sắc tới vận mệnh tôn giáo và sự phát triển tôn giáo có ảnh hưởng đến dân tộc. Người luôn hướng tôn giáo vào cuộc đấu tranh giành tự do của dân tộc ta.

Bởi vì Tổ quốc độc lập thì tôn giáo mới tự do, dù tôn giáo có thể khác nhau, nhưng đã là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước dù ít hay nhiều. “Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo, mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”(9) nếu các tôn giáo chủ trương tiêu trừ các tộc ác đối với loài người.

Ngày 10-5-1958 khi trả lời câu hỏi của cử tri Hà Nội: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không”. Hồ Chí Minh trả lời rõ: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy”(10). Đối với Phật giáo, người cũng khẳng định: “Phật giáo với dân tộc Việt Nam như hình với bóng, tuy hai mà một”.

Quay trở lại vấn đề, nhà nghiên cứu sử học Trần Văn Giàu ghi nhận: “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo”. Giáo lý từ bi, trí tuệ của đạo Phật đã hoà quyện với tinh thần nhân văn của truyền thống văn hoá Việt, tạo nên một sức sống mới cho dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng.

Tại sao lại là đồng hành, bởi lẽ Phật giáo Việt Nam không nằm ngoài dân tộc, an nguy của dân tộc chính là an nguy của Phật giáo. Nguyên lý Duyên Khởi trong kinh Hoa Nghiêm cho ta hiểu, không ai có thể tách biệt mình ra khỏi các mối quan hệ khác, nên cần có một cái nhìn bao dung với thế giới hiện hữu, cùng nhau xây dựng một đời sống hạnh phúc, an vui. Vì thế, khi đất nước cần, Phật tử sẵn sàng gánh vác việc non sông đất nước.

Thật khó có một công trình đánh giá hết vai trò và tầm ảnh hưởng của đạo Phật trên mảnh đất thấm đẫm máu xương này. Cố đại lão Hoà thượng Thích Trí Thủ đã nói: “Những gì tôi làm cho Dân tộc chính là làm cho Đạo pháp; những gì tôi làm cho Đạo pháp cũng chính là làm cho Dân tộc”.

Mặt khác, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo hộ và tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. Thời Lý- Trần, Nhà vua và hoàng tộc sùng Phật, nhiều đường lối chính sách có sự tham gia của của trí thức Phật giáo, cho nên đường lối chính trị thời kỳ nay mang đậm tinh thần khoan dung của đạo Phật, sức mạnh của triều đại không nằm ở sự chuyên quyền của người đứng đầu, hay bạo lực chuyên chế của nhà nước mà nằm ở trí tuệ và đạo đức của người cầm quyền.

Giáo hội, chùa chiền thời kỳ này… đều được bảo hộ và đạt tới đỉnh cao của sự phát triển. Cho đến hiện tại, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành chủ trương chính sách tạo điều kiện cho Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động, phát triển theo đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Nhờ đó, tín đồ Phật giáo tăng lên không ngừng với nhiều thành tựu trong hoạt động phật sự.

Trong Diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 – 07/11/2021), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định: “chặng đường 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam có được tiền đồ như ngày nay ở trong nước và trên thế giới”

Mặt khác, mối quan hệ này không bao giờ có sự tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền, ngay cả khi những nhà Phật giáo trực tiếp tham gia chính trị, có đầy đủ quyền uy và điều kiện cần thiết. Các thiền sư không tham dự sâu vào bộ máy quyền lực, cũng không giữ một vị trí chính thức nào trong đó, kết thúc công việc lại lui về chùa như thiền sư Khuông Việt, thiền sư Vạn Hạnh…

Có nhiều vị vua say mê học Phật nhưng họ luôn phân biệt khi ở vị thế là một ông vua hay một vị Phật. Khi làm vua, làm tướng thì hết mình vì dân vì nước, nhưng khi thấy vai trò của mình đã hết lại sẵn sàng từ bỏ để chuyên tâm tu thiền như vua Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông…

Như vậy, Phật giáo Việt Nam với tinh thần “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” có mối liên hệ chặt chẽ với Nhà nước. Mục đích cao cả của Phật giáo là giải thoát chúng sinh. Tuy nhiên, Phật giáo muốn tồn tại thì lại phải hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống chứ không dừng ở ở lý thuyết cao siêu. Nhà nước tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển ổn định, vững mạnh, tiếp thu những tư tưởng nhân văn của Phật giáo vào xây dựng đất nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

3. Kết luận

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam luôn là vấn đề quan trọng đối với đất nước ta. Người Phật tử không chỉ thực hiện nhiệm vụ học tập và phát huy chân lý Phật pháp, mà họ còn là những người dân có tinh thần yêu nước, luôn đặt sự tồn vong, phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc.

Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ tách mình ra khỏi dòng chảy lịch sử mà uyển chuyển thực hiện những sứ mệnh thời kỳ lịch sử đó tạo ra. Khi đất nước nguy nan, họ sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, khi đất nước hoà bình, lại hết mình vì sự nghiệp an dân, chung tay xoa dịu những bất hạnh còn hiện hữu.

Trong khuôn khổ có hạn, bài viết không thể đề cập đến mọi khía cạnh, giải quyết mọi vấn đề nhưng cũng góp phần làm rõ một số nội dung cơ bản sau: Trình bày có hệ thống từ khái niệm, biểu hiện, mối quan hệ giữa “phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam và Nhà nước. Những nhận định này xuất phát từ thực tiễn lịch sử và được kiểm chứng trong lịch sử.

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc vấn đề trên là cơ sở để khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Phật giáo đối với dân tộc ta, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo và xây dựng mối quan hệ bền chắc giữa Phật giáo Việt Nam với Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

Tác giả: ThS. Lê Thị Kiều Trinh

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ho quoc an dan Phat giao Viet Nam 1 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ho quoc an dan Phat giao Viet Nam 2

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường