Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Hộ Pháp Luận và câu nói của Âu Dương Tu: “Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm”

Hộ Pháp Luận và câu nói của Âu Dương Tu: “Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Hiển Liên
ThS Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. DẪN NHẬP

Phật giáo đã trải qua bao cuộc biến thiên, thăng trầm của lịch sử nhưng cũng chính vì vậy đã khắc họa rõ nét về sự kiên cường, phát triển và tỏa sáng ở mọi vùng đất mà Phật giáo có mặt.

Phật giáo truyền sang Trung Quốc, có mặt ở mảnh đất của Khổng – Lão đến nay gần hai nghìn năm, trải qua không biết bao nhiêu hưng, suy thăng trầm với vô vàn pháp nạn, từ Thái Vũ Đế (438) đến Vũ Đế (566), Hội xương (842), Thế Tông (951), Phật giáo không những không bị biến mất, mà còn phát triển theo một cách riêng, lặng lẽ và đẹp đẽ.

Nét chung của những Pháp nạn mà Phật giáo phải trải qua là sự chống phá mạnh mẽ đến từ Nho gia bởi những nhà Nho nặng nề trong tư tưởng. Thời Bắc Tống, xung đột giữa những nhà Nho đương thời và Phật giáo diễn ra thường xuyên, mà nổi lên là sự chống phá của Âu Dương Tu với nhiều cách thức khác nhau. Cũng trong giai đoạn này, Hộ Pháp luận ra đời với sự giác ngộ Phật pháp của Vương Thương Anh vốn xuất thân là Nho gia đắc lực đương thời. Những tương tác tư tưởng giữa Nho – Phật, mà tiêu biểu là Âu Dương Tu và Vương Thương Anh, đã tạo nên điểm chấm phá đặc sắc tạo dấu ấn rõ nét cho giá trị thiết thực mang tên giáo lý Phật Đà. Từ đây, Phật giáo phát triển, lan tỏa và bám trụ vững chắc tại đất nước nặng thành kiến Nho gia, chuộng tư tưởng Khổng – Lão này.

Luận Hộ Pháp có câu: “歐陽修曰:佛者,善施無驗不實之事”, như một sự gợi nhắc về những khó khăn đối với Phật giáo xuất phát từ những bộ phận chống đối, cũng là một động lực nhắc nhở để mỗi hành giả học Phật chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại giá trị chân thực của Phật giáo cũng như sứ mạng tiếp nối tâm nguyện của Phật Đà: vì hạnh phúc của chúng sinh và loài người. Học hiểu về Hộ Pháp luận, tìm hiểu về quan niệm của Âu Dương Tu về Phật giáo là một bước quan trọng trên con đường đến giác ngộ tự thân, hoằng giáo tha nhân để đôi bên đều được lợi lạc.

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN VỀ HỘ PHÁP LUẬN VÀ ÂU DƯƠNG TU

Để hiểu phê bình về một nhận định ta cần phải tìm hiểu một cách rõ ràng nhận định ấy trong tương quan tác giả, tư tưởng tác giả, bối cảnh xã hội và mục đích nhận định hướng tới, bởi, “y văn giải nghĩa tam thế Phật oan”. Trước nhận định của Âu Dương Tu: “佛者,善施無驗不實之事”[1], (Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm), ta càng phải xem xét cụ thể hơn nữa, kĩ càng hơn nữa mới có thể phê bình một cách công tâm và trực quan nhất. Tìm hiểu đôi điều về Âu Dương Tu, Hộ Pháp luận và các yếu tố liên quan là bước quan trọng khi tiến hành đánh giá nhận định này của Âu Dương Tu.

1. Sơ lược về Phật giáo Trung Quốc thời nhà Đường, Tống

Phật giáo được cho là du nhập vào Trung Quốc trước đời Hán Minh Đế, ngay giai đoạn Đạo giáo đang rất thịnh hành. Trước tiên hòa nhập vào văn hóa bản xứ, chấp nhận ảnh hưởng của Đạo gia, sau đó là tự chủ về tư tưởng và cuối cùng là nắm thế chủ động trên phương diện văn hóa tôn giáo là các giai đoạn Phật giáo trải qua khi truyền đến Trung Quốc.[2] Ngày nay, ta có thể thấy rõ bức tranh toàn cảnh về văn hóa và tôn giáo Trung Hoa đều thấp thoáng đâu đó sắc màu Phật giáo. Đặc biệt là thời Tùy Đường kéo dài hơn ba trăm năm được xem là giai đoạn hưng thịnh của đạo Phật, được đánh giá là giai đoạn Phật hóa văn hóa Hán.

Khi mà cuộc tranh luận giữa Phật giáo và Nho giáo vào Tùy Đường[3] diễn ra cũng là lúc Phật giáo ở Trung Quốc đã trở thành trung tâm tôn giáo lớn mạnh và Nho sĩ cũng phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ Phât giáo. “Nho gia yếu kém, bất ổn, đều quy về họ Thích”[4] là nỗi sợ chủ yếu khiến các Nho sĩ phản đối Phật giáo mà tiêu biểu là Hàn Dũ với biểu can vua gây chấn động một thời. Mặc dù làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ là thế, nhưng họ lại không ngừng tham khảo và thậm chí mô phỏng Phật giáo để chấn hưng Nho giáo và làm cơ sở cho Nho học đời Tống sau này.[5]

Đến đời Tống, triều đình giữ thái độ khoan hòa với các tôn giáo, mặc dù vẫn có bằng chứng rằng Thái Tông xem trọng Phật giáo.[6] Thái độ của một số các sĩ phu Nho giáo tuy vẫn giữ lập trường chống đối nhưng thái độ có phần ôn hòa hơn rất nhiều mà ở đó Âu Dương Tu là nổi trội. Một số khác lại trở nên ưa chuộng và tán dương giáo lý Phật Đà. Dù thế nào thì vị trí của Phật giáo trong lịch sử Trung Hoa đã ổn định và rõ ràng đến đời Tống Phật giáo đã bám rễ sâu dày ở xứ sở này rồi.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung dac diem cua PG Trung Quoc trong các giai doan lich su 5

2. Vài nét về Âu Dương Tu

Âu Dương Tu, tự Vĩnh Thúc, hiệu là Túy Ông, làm quan dưới thời Tống Nhân Tông. Ông có một nhận thức khá tỉnh táo đối với nguy cơ về kinh tế, chính trị và quân sự đương thời. Ông chủ trương lấy nông nghiệp làm gốc, yêu cầu trừ bỏ những tệ hại tồn đọng nhằm ổn định các giai cấp. Ông được nhận định là có tư tưởng rất tiến bộ. Cũng vì điều này khiến ông bị chèn ép và liên tiếp bị cách chức.

Ông đã kế thừa toàn bộ, nhưng tinh giản, uyển chuyển theo một cách nhẹ nhàng hơn những tư tưởng của Hàn Dũ, tiêu biểu là cuộc vận động cổ văn, với sự nhấn mạnh nội dung thay cho hình thức của văn chương, nhằm bỏ đi những tàn văn hoa mỹ về ngôn ngữ những rỗng tuếch về ý nghĩa. Là một nhà văn với rất nhiều thành công trên hầu hết các lĩnh vực, ông đóng vai trò trọng yếu trong nền văn học Hán.

Âu Dương Tu đồng tư tưởng với Hàn Dũ, phản đối Phật giáo. Khác với sự kịch liệt của Hàn Dũ, ông mềm mỏng, uyển chuyển hơn, thêm tính lý trí với mong muốn ổn định xã hội, nền văn hóa đa nguyên. Bản thân ông cũng công nhận: “Ngày nay các học sĩ sáng tác văn chương rất nhiều, thâm chí viết cả thanh từ, tria văn, dùng lời lẽ của Lão Tử và Phù – đồ”[7]. Về già, ông sống đời nhàn nhã ở Dĩnh Châu, thích đàm đạo với Tăng sĩ, lấy hiệu là Lục Nhất cư sĩ và lưu lại Cư sĩ tập.

3. Vài nét về Vương Thương Anh và Hộ Pháp luận

Trương Thương Anh, hiệu là Vô Tận cư sĩ, đỗ tiến sĩ và giữ chức thừa tướng vào thời Tống Nhân Tông. Thiếu thời, ông là người có khí phách, thích đọc kinh sách nhưng lại không thích Phật. Từng có ý viết luận Vô Phật, sau phu nhân can gián mà từ bỏ. Ông đến chùa, đọc được câu: “Tòng si hữu ái, tắc ngã bệnh sinh”[8] liền có cái nhìn khác về Phật giáo, liền cầu học Phật Pháp với các danh tăng, đặc biệt là thiền sư Chiếu Giác và Hòa thượng Đâu Xuất. Nương huyền diệu của Phật pháp, ngôn ngữ ông sử dụng được ví như gươm bén chặt cây vô minh, tà kiến.[9]

Hộ Pháp luận là biểu hiện sự sám hối của ông về quá khứ, cũng là minh chứng cho sự dốc lòng hộ trì chính pháp. Nho gia rất thành kiến với Phật và những ai tin theo giáo lý Phật đặc biệt là đối với Nho sĩ học Phật. Vì thế trong Hộ Pháp Luận, tác giả thê lương viết rằng: “…buồn vì cái học của thế tục còn mờ tối, chẳng hiểu được chân tính của mình, trong khi sinh hoạt hằng ngày, lại điên đảo nghĩ lầm, … mang lòng ghen tức sâu cay, khua môi múa lưỡi, trổ tài bài Phật,… thực ra, họ là kẻ mù điếc,… thế thì Hộ pháp nầy đâu có thể im lặng được.”[10] Tinh thần của Hộ Pháp luận là bảo hộ, hộ trì chính pháp trên ba phương diện giữ gìn chính pháp, phát triển phật pháp và đứng ra chống lại các thế lực phá hoại phật pháp, trước tình hình nội tại Phật giáo nhiều biến động và chịu sức ép từ các bên.

CHƯƠNG II. GIÁ TRỊ THỰC TIỂN CỦA PHẬT GIÁO

Tính thiết thực của Phật giáo không chỉ thể hiện ở giáo lý mà còn thể hiện rõ ở thái độ của đức Thế Tôn và tứ chúng đệ tử, mà ở đó nhất cử nhất động đều không nằm ngoài mục đích vì hạnh phúc chúng sinh và loài người, đúng như lời Hòa thượng Walpola: “Chính Đạo Phật là thiết thực, nhìn vào cuộc sống, nhìn sự vật một cách như thật… chỉ ra đường đi đến tự do, hoàn toàn, an tịnh và hạnh phúc.”[11]

1. Tránh xa việc làm không thiết thực

Vấn đề trọng tâm đạo Phật muốn hướng đến không phải là thế giới mà là con người. Mục đích chuyển bánh xe pháp của Thế Tôn là đoạn tận khổ đau, đem lại an lạc cho chúng sinh. Ngoài các vấn đề trên, Thế Tôn đều chủ trương bỏ qua, không trả lời, không bàn luận, không lưu tâm vì nó không mang lại lại lợi ích gì.

Một ví dụ điển hình nhất là khi Vaccha đặt câu hỏi về triết lý siêu hình, Thế Tôn không trả lời và cảnh báo những nguy hại về việc truy đuổi theo vấn đề không đưa đến lợi ích: “Ta không chấp thủ tri kiến nào, vì chúng là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến phược đi đôi với khổ… không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng tri chứng ngộ và Niết bàn.”[12]

Bên cạnh đó, tính thực tiễn của Phật giáo được biểu hiện rõ thể hiện qua hệ thống giáo lý. Điều này được trình bày rành mạch trong kinh Màlunkyaputta về mủi tên độc.[13] Mục đích thuyết pháp không phải vì tranh luận với đời, thế nên, “Này Ananda Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta.”[14]

Hơn thế nữa, đức Phật đã nhấn mạnh việc hồi tưởng về quá khứ, mơ mộng đến tương lại là hai thái cực không đưa đến bất kì lợi ích nào mà hành giả cần phải từ bỏ, tránh xa. “Đừng tìm về quá khứ/Đừng mơ tới tương lai… Hãy quán chiếu sự sống/Trong giờ phút hiện tại.”[15] Hiện tại nghĩa là không tìm về quá khứ, chờ đợi kết quả của tương lai, có tu tập là có hướng thượng, có giải thoát ngay hiện tại. Giáo lý đạo Phật là giáo lý thực nghiệm, không chờ đợi ân sủng hay bất cứ mặc khải nào một cách vô ích. Vì vậy, đừng đánh mất đi phút giây hiện tại nhiệm mầu.

2. Tính nhân bản Phật giáo – tính thiết thực chuẩn mực

Tính nhân bản của đạo Phật được biểu hiện qua giáo lý và thái độ sống. Thế Tôn là vị giáo chủ, hướng đạo sư, không phải thần hay đấng sáng thế. Thế Tôn phê phán quan niệm gửi gắm vào thần linh, xem trọng tự tu tự chứng, đề cao giá trị cá nhân: “Chớ có chỉ tin theo chỉ vì truyền thống, … chớ có tin chỉ vì Sa Môn là bậc đạo sư của mình” [16] và rằng: “Các ngươi hãy làm công việc của mình, Như Lai chỉ giảng dạy đường lối mà thôi” [17] hay “hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình…”[18].

Con người là chủ nhân nghiệp, kẻ thừa tự nghiệp, là thượng đế toàn quyền thưởng phạt cuộc đời chính mình, ngoài ta không đấng toàn năng nào có thể làm ta hạnh phúc, khổ đau. “Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình ác không làm/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai.”[19]

“Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật”[20] là tư tưởng quan trọng, xuyên suốt giáo lý đạo Phật. Phật giáo là đạo con người, xuất phát từ con người, con người là trung tâm. Là một giáo lý xây dựng trên nền tảng nhân bản, Phật giáo thể hiện rõ tính thiết thực và đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của giáo lý Phật Đà.

3. Đạo đức Phật giáo – vì hạnh phúc hiện tại

Nếu không có đạo đức thì không có hạnh phúc, “hạnh phúc là mục đích của mọi hành động”[21] và “một nền đạo đức không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ”[22] Không có hạnh phúc thì tính thiết thực của một tôn giáo sẽ không còn nữa. Để hiểu về giá trị thiết thực của đạo Phật, ta cần phải hiểu về đạo đức Phật giáo.

Tại đây, vấn đề đoạn tận khổ đau, xây dựng nếp sống hạnh phúc an lạc là mục tiêu tối hậu. Nền tảng đạo đức Phật giáo xây dựng trên lời dạy đức Phật với đại nguyện cứu khổ độ sinh. Thế Tôn thiết lập nền đạo đức toàn diện chuyển hóa con người từ ác thành thiện, từ mê thành giác. Ngài nhấn mạnh, một người có giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến là người có đạo đức.

“Một đời sống đạo đức là một đời sống hạnh phúc”[23] và hơn thế khi “thành tựu năm pháp, Tỳ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, hạnh phúc cho người”[24]. Với lời dạy “Hãy du hành vì hạnh phúc của quần chúng… Chớ có đi hai người một chỗ…”[25] thể hiện một cách cụ thể nhất về mục đích thật sự: vì hạnh phúc chúng sinh. Đó là tính thiết thực của Phật giáo.

Tiểu kết

Với những minh chứng hùng hồn về một tôn giáo đầy tính thiết thực đối với nhân sinh như thế, Phật giáo vẫn phải gánh chịu những luận điệu chê trách, đôi khi là phỉ báng nặng nề. Đây là những nhận định sai lầm, võ đoán, phiến diện khi chưa có một góc nhìn thực tế và đúng đắn về Phật giáo. Đó là một thực trạng đáng buồn, mà hơn ai hết, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận để đưa đến biện pháp đúng đắn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung dac diem cua PG Trung Quoc trong các giai doan lich su 2

CHƯƠNG III. TÍNH THIẾT THỰC GIỮA QUAN ĐIỂM ÂU DƯƠNG TU VÀ PHẬT GIÁO

Quan điểm của Âu Dương Tu rằng: “Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm” dường như tiêu biểu cho những luận điệu “vùi dập” Phật giáo trong khi vẫn chưa hiểu rõ về giáo lý chắc thật của Thế Tôn. Để chứng minh được tính thiết thực của Phật giáo, ta cần phải tìm hiểu rõ “thực nghiệm” mà Âu Dương Tu cần. Từ đây, “bức màng” che chắn cho những nhận định trên sẽ được tháo bỏ bằng nền tảng giáo lý Phật Đà thiết thực mà quay về với hạnh phúc thực tại là nòng cốt.

1. Quan điểm của Âu Dương Tu về tính thiết thực

Trong Đường Tống Bát gia[26], Hàn Dũ và Âu Dương Tu được xem là kiên định bác bỏ Phật giáo. Hàn Dũ nổi tiếng với tấu chương phản bác Phật vô cùng đanh thép và họ Âu luôn xem tư tưởng đó là cương lĩnh.[27] Tuy hình thức ôn hòa và lý trí hơn, nhưng bên trong ông rất kiên định rằng Phật giáo là tai họa lớn đối với Nho, cần phải bài trừ. Dù là vì theo tư tưởng Hàn Dũ, hay là từ nỗi lo sợ Phật giáo “áp chế” Nho gia, thì xuất phát điểm ông đã có phần phiến diện và ta hoàn toàn có thể nghi ngờ về tính đúng đắn của nhận định về Phật giáo mà ông tuyên bố.

Lịch sử Trung Hoa ghi nhận, Âu Dương Tu vốn là một vị quan vì dân vì nước, nhiều lần bị biếm quan vì bênh vực hiền tài. “Thực nghiệm” mà ông hướng tới là hành động với mục đích rõ ràng, được thực hiện một cách kiên quyết và dứt khoát. Với ông, thái độ và hành động là những yếu tố quan trọng thể hiện tính thực tế của một tư tưởng. So sánh với thái độ ôn hòa tùy duyên của Phật giáo đương thời, thì cái nhìn phiến diện và kết luận vội vã của ông về Phật giáo là có thể lý giải.

Nổi bật trong cuộc đời của Âu Dương Tu là cuộc vận động cổ văn với sự chống lại lối văn màu mè, không có nội dung và cố gắng phát triển lời văn bình dị, lưu loát mà văn gia thế hệ sau phần lớn đều đi theo.[28] Đây là câu trả lời đẹp về tính thực nghiệm của ông. Chẳng có gì đáng nói, nếu tinh thần này không cực đoạn áp đặt lên Phật giáo vốn vừa trải qua thời kì pháp nạn, từng bước phục hưng về hình thức, phát triển về nội dung. Việc kinh điển được biên dịch, ghi chép lại bằng chữ vàng bạc, kiến chùa lập tháp, lập đàn cúng tế, … diễn ra rầm rộ khiến họ Âu càng chắc chắn về quan điểm Phật giáo chỉ có hình thức mà không có nội dung.

Vương Thương Anh có viết “誠以赒急饑寒,苟免患難已。佛者,捨其貴極富為道忘身。非饑寒之急,無患難可免”[29] (Nếu thực vì sự đói rét mà chu cấp, chỉ khởi được hoạn nạn, chẳng phải lấy sự đói rét làm cấn cấp, cũng không phải để tránh sự hoạn nạn). Cái gọi là “thực nghiệm” mà họ Âu luôn tâm niệm có chăng là cơm ăn, áo mặc, tránh nỗi cơ hàn. Tác giả “từng đọc sách của Âu Dương Tu, chỉ thấy ông luôn luôn lo buồn vì cái già, bệnh, nung nấu”[30]. Nỗi ưu tư ấy chỉ dừng lại ở mặt nổi của nhân quả, mang tính biểu hiện hời hợt, kéo theo đó là nhận định vội vàng về Phật giáo vốn xem trọng giá trị thiết thực, xem nhẹ nhu cầu về vật chất.

Thời đại Đường và Tống đều đối diện với cái họa bất ổn về chính trị[31], khiến tầng lớp sĩ phu nói riêng và nhân dân nói chung khủng hoảng, bất an. Thế nên “thực nghiệm” mà ông hướng đến là tư tưởng vì dân vì nước, cống hiến hết mình vì hòa bình dân tộc…và điều này, có lẽ ông đã chưa tìm thấy được ở Phật giáo đương thời.

2. Nhu cầu của Âu Dương Tu đối với Phật giáo là rất thấp

Hàn Tử ngoại truyện có ghi, Hàn Dũ sau khi đối đáp với hòa Thượng Đại Diên xoay chuyển ủng hộ Phật pháp. Hòa thượng Đại Diễn hỏi: có am hiểu tường tận Phật pháp hay không mà phản bác Phật pháp? Hàn Dũ trả lời: Không rảnh để đọc dăm ba cái sách ấy. Đây là một sự khẳng định cho việc tùy tiện nhận định và phản bác Phật giáo của Hàn Dũ. Hàn Dũ về già quay đầu hướng Phật. “Bị lời sư núi phen xoay chuyển/ Từ đây đổi ruột lòng trơ gan”[32] là minh chứng cho điều đó.

Vương Thương Anh khẳng định: “Những kẻ muốn bài xích tôn giáo hãy nên đọc hết các kinh sách của đạo ấy… rồi xét xem chỗ nào không hợp với đạo Nho của ta… phân tích chỗ nghi, biện minh chỗ hoặc, rồi sau bài xích…”[33]. Hàn Dũ không hiểu rõ Phật giáo mà vội vàng phản bác là sai, thì việc ta nghi ngờ tính sáng suốt khi mà Âu Dương Tu tin theo Hàn Dũ phản bác Phật giáo là hoàn toàn hợp lý.

Tô Triệt đã phê bình thái độ của Nho sĩ với Phật giáo: “… Khổng Tử lấy lễ nhạc dạy người. Còn lão Tử lấy vô vi làm tông. Khổng từng hỏi lão về lễ, chưa có lời nào chê bai… Đời sau Mạnh Kha, Hàn Dũ đều học theo Khổng, nhưng Mạnh đối với Dương – Mặc, Hàn Dũ đối họ Phù – đồ dùng lời lẽ công kích, ghét bỏ như thù… Đó là do đâu?”[34] Từ đây, ta thấy rõ, đi phê phán, đả kích tư tưởng khác để nâng cao mình thì giá trị của chính đạo mình cũng chưa thấu rõ, giương cao lá cờ Nho học đả phá Phật giáo chỉ là đang tô đậm cho sự chưa hiểu đạo của mình thôi.

Âu Dương Tu bị biếm quan hai lần thể hiện rõ sự chính trực vì dân. Tuy nhiên, cách làm thẳng thắn như thế liệu có phải là tinh thần “反者道之动,弱者道之用”[35] (Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng) vốn là đường hướng của Nho gia hay không khi mà mục đích vì dân vẫn không đạt được. So sánh với một Phật giáo có phần uyển chuyển tùy duyên, hòa mình theo hoàn cảnh, lặng lẽ thích nghi rồi từ từ phát triển, và theo dòng chảy của thời gian, Phật giáo phát triển mạnh mẽ đến không ngờ. Tinh thần tùy duyên, nhập thế, thái độ nhu nhuyến chính là biểu hiện của tính thiết thực mà ở họ Âu cũng không có. Điều này xác chứng sự sai lệch hệ quy chiếu, võ đoán, ngộ nhận, chủ quan, thiếu thực tế trong nhận định của Âu Dương Tu.

Với nhận định về khổ là thiếu thốn vật chất, bất an về chiến tranh loạn lạc, mong cầu quyền lực, … Âu Dương Tu cho rằng Phật giáo không thể giải quyết. Ta thấy rõ một sự phiến diện nguy hiểm. Đói khát về vật chất là một loại khổ đau có thể hành hạ con người thậm chí là đưa đến cái chết. Song đói khát về tinh thần càng là một loại đau khổ nguy hiểm có thể dằn vặt triệt để con người ngay cả trong hiện tại. Nhận định của họ Âu rằng thỏa mãn nhu cầu vật chất sẽ thoát khổ giống như người bệnh phong cùi hơ trên lửa nóng để hết bệnh hay dùng thuốc độc giải khát .[36]

Bản chất của đau khổ đều xuất phát từ lòng ham muốn không được đáp ứng. Đó là những khát ái trong tâm, ngọn lửa tham dục trong lòng, là tham, sân, si đang ngấm ngầm chờ chực. “…thọ hưởng, ái luyến lợi đắc, danh văn cung kính… đã nuốt lưỡi câu của ác ma, bị rơi vào bất hạnh, bị rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm”[37]. Xuất phát từ những quan điểm khác nhau, đưa ra đường hướng giải quyết khác nhau là đương nhiên. Khi ấy, tính đúng sai phải được xét dựa trên quan điểm gốc và rõ ràng nhận định về gốc khổ đau của họ Âu là không chuẩn và việc xác định đâu là giá trị thiết thực bị thiên lệch là chuyện không tránh khỏi.

Phật ra đời chính là “bậc đại y vương” chữa lành mọi gốc bệnh khổ của thế gian[38], là bậc đạo sư dẫn đường cho mọi chúng sinh ra khỏi tam đồ với lòng từ bi rộng lớn, nguyện lực sâu dày.[39] “Tụng lời vua Nghiêu, làm hạnh vua Nghiêu tức vua Nghiêu vậy; đọc tụng lời Phật, làm theo hạnh Phật tức là Phật”[40]. Học theo Phật là học Giới, Định, Tuệ và đạt được giải thoát sinh tử. “若能持戒,決定不落三塗; 若能定⼒,決定功超六欲;若能定慧圓明,則達佛知見,⼊⼤乘位矣。何難之有哉.”[41] (Nếu ai hay trì giới thì quyết định chẳng sa vào ba đường; nếu ai hay Định lực được, thì quyết định thành công vượt ra ngoài sáu cõi; nếu ai hay Định và Tuệ được thì tròn sáng thì đến chỗ thấy biết của chư Phật vào ngôi Đại thừa).

Khi dục vọng là gốc của khổ đau được nhìn thấu và dừng lại, thì nỗi âu sầu về già, bệnh, khổ của họ Âu cũng được giải quyết. Đạo Phật vốn xem nhẹ cái nghèo khổ vật chất vì cứu cánh mới là hạnh phúc thật sự. Việc từ bỏ đi ngôi vị để cầu giải thoát chính là một lời khẳng định cho sự quyết tâm đạt đến giá trị chân thiết đưa đến thoát khổ của Thế Tôn.

Quan niệm chú trọng ý nghĩa thật sự ẩn sau con chữ của Âu Dương Tu là đúng đắn nếu như không vướng mắc vào tính chất ngôn từ.  Lão tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì mềm yếu như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”.[42] Ngôn ngữ cũng như dụng của nước, dù hoa mỹ hay giản đơn, mục đích vẫn là phương tiện để truyền tải được giá trị thiết thực được hàm chứa. Tinh thần đó thể hiện trọn vẹn khi Phật giáo phát triển ở Trung Hoa. So với “thực nghiệm” khuôn khổ của họ Âu, Phật giáo đã thiết thực hơn nhiều.

3. Vài điều suy tư

Giáo lý Phật Đà là giáo lý chắc thật với mục đích không gì ngoài hạnh phúc của chúng sinh. Hứng chịu những luận điệu không mấy dễ chịu từ nhiều tư tưởng trái chiều là điều không tránh khỏi. Bên cạnh việc vững tin vào giá trị của giáo lý, ta cần có những giây phút suy tư, mà cụ thể là suy tư về nhận định của họ Âu.

Thực tế là đúng, nhưng nếu thực tế bị đẩy lên thực dụng thì mọi thứ sẽ chẳng còn lại gì ngoài sự cô độc và tuyệt vọng. Sai lầm của họ Âu là nghĩ rằng sẽ có thể giải quyết khổ đau bằng vật chất/ Song sự thật lại ngược lại. Đó là bài học đầu tiên từ sai lầm của họ Âu, cũng chính là giáo lý Trung đạo mà Thế Tôn đã truyền trao.

Trong ví dụ con rắn, Thế Tôn ẩn dụ hình ảnh đội thuyền lên đầu đi dụ cho người chấp Pháp.[43] Kinh A-lê-tra chỉ ra phải sử dụng đúng pháp, xả khi cần và chấp pháp sẽ gây ra khổ đau.[44] Nhận định của họ Âu tuy có phần phiến diện, song ta cần nghiêm túc xem xét lại để tránh việc quá chú trọng vào hình thức, có được bước đi đúng đắn, tránh đi ánh nhìn xấu từ dư luận, để sự tự độ, độ tha được toàn vẹn.

Đông Tấn có Huệ Viện soạn Sa Môn luận để phản đối Sa-môn phải hành lễ vua. Lý Hoặc Luận chỉ rõ quan điểm sai lầm của Nho – Lão, thể hiện rõ vai trò hộ pháp. Hộ Pháp luận được đánh giá cao về giá trị cũng như thái độ hộ pháp mà ở đó việc “lấy nho trị nho” là vô cùng đặc biệt. Thì nay, ở thời đại bùng nổ về công nghệ, các chiều tư tưởng được rộng mở và giao thoa nhau, là điều kiện vừa thuận lợi vừa thách thức, sự hộ pháp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này một lần nữa nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của một hành giả học Phật.

Hòa hợp luôn là tiêu chí hàng đầu của Phật giáo dù trong nội bộ hay với nhân sinh. Việc họ Âu phản bác Phật giáo chính là một bài học lớn cho ta về cách thức chung sống với các tôn giáo bạn. Tự hào về tôn giáo của mình là vô cùng đúng đắn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hạ thấp đi các tôn giáo khác. Giữ một thái độ hòa thuận, luôn tôn trọng, học hỏi là cách ta ứng dụng giáo lý Phật đà triệt để nhất, là biểu hiện của lòng tự hào tôn giáo chuẩn mực nhất.

C. KẾT LUẬN

Nghiên cứu về Hộ Pháp luận, cùng những nhận định đánh giá về quan điểm của Âu Dương Tu đối với Phật giáo, ta có thể mạnh dạn khẳng định về một nền giáo lý thực nghiệm với những giá trị cao tột của nhân sinh mang tên giáo lý Phật đà. Tính thiết thực của Phật giáo là điều không còn gì để bàn cãi.

Điều quan trọng là phương hướng phát triển sao cho phù hợp với cuộc sống, mà ở đó vai trò của mỗi đệ tử Phật là rất quan trọng. Luận điệu phản bác nếu không muốn nói là phỉ báng Phật pháp thì thời nào cũng có. Thế nên, nâng cao lòng tự hào tôn giáo, có một sự am hiểu về giáo lý Thế Tôn, có một sự hành trì đạt được giá trị và có một sự dũng mãnh trên bước đường hoằng pháp là hành trang cần và đủ của mỗi hành giả.

Học hỏi những giá trị hay tốt là một cách học hay, thì học từ những sai lầm của người khác là một cách học tuyệt diệu. Bài học rút ra từ nhận định của Âu Dương Tu như một sự cảnh tỉnh chúng ta tránh đi thái độ cực đoan khi nhìn nhận các tư tưởng, sẵn sàng học hỏi trên hệ quy chiếu của Phật Đà, hòa hợp trên nền tảng trí tuệ trong mối tương giao với xã hội, trong đó có mối quan hệ với các tôn giáo. Từ sự nghiêm túc của mỗi cá nhân, bức tranh toàn cảnh về một Phật giáo thực nghiệm sẽ tỏa rạng, phát triển mạnh mẽ trên tiến trình phát triển của nhân loại.

Tác giả: Thích Nữ Hiển Liên
ThS Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

[1] Vương Thương Anh, Tuệ Hải (dịch), Hộ Pháp luận, Nxb. Hương Quang, tr. 16. Nguyên văn: 佛者,善施無驗不實之事.
[2] Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung Quốc, quyển thượng, Nxb. Tao Đàn, 1965, tr. 202.
[3] Bùi Hữu Hồng (dịch), Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, tập 1, Nxb. Thế giới, 2000, tr. 167.
[4] 儒门淡薄, 收拾不住, 皆归释氏。
[5] Chu Cương, Đường Tống tứ đại gia đích đạo luận dữ văn học, Nxb. Đồng Phương, 1994.
[6] Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb. Văn học, 1964.
[7] 今学士所作文章多矣, 之于清词斋文必用老子, 浮阇之说.
[8] Đoàn Trung Còn- Nguyễn Minh Tiến (dịch, chú giải), Kinh Duy-Ma-Cật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr. 117.
[9] Phật học tùng thư, Cực Lạc quê nhà, Trường thiền học trung ương Bắc Kỳ Phật giáo, 1939, tr. 30.
[10] Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật giáo với khoa học, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 5.
[11] NS. Trí Hải (dịch), Đức Phật đã dạy những gì, Nxb. Tôn giáo, 1998, tr. 73.
[12] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 30.
[13] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Māluṅkyāputta, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.527.
[14] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Hoa, phần Bông hoa [lược], Nxb Tôn Giáo, 2000, tr. 249.
[15] HT. Thích Nhất Hạnh (dịch), Tạp A Hàm, số 1071.
[16] HT. Thích Thông Lạc, Đường về xứ Phật, Nxb. Tôn giáo, 2011, tr. 51-52.
[17] NS. Trí Hải (dịch), Đức Phật đã dạy những gì, Nxb. Tôn giáo, 1998, tr. 97.
[18] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Trường Bộ Kinh tập I, kinh Đại Bát Niết Bàn, Nxb. Tôn giáo, 2013, tr. 662.
[19] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr. 63.
[20] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 148, Bộ Luận Sớ III, Số 1821 (Quyển 17- 36), Số 1822 – Câu – Xá Luận Sớ – Quyển 1, Hội VHGD Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 652.
[21] Aristoteles là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế.
[22] Sokrates là một triết gia người Hy Lạp cổ đại, ông được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây, và là nhà triết gia đạo đức đầu tiên của nền tư tưởng đạo đức phương Tây.
[23]Andy Luong (dịch), Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức, Nxb. Thế Giới, 2021, tr. 32.
[24] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.  140.
Năm pháp gồm: Giới, thiền định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.
[25]HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương IV Tương Ưng Ác Ma I. Phẩm Thứ Nhất, VNCPHVN, 1991, tr. 241.
[26] Tám văn gia nổi tiếng thời Đường, Tống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học Trung Quốc, gồm: Hàn Dũ, Liễu Nguyên (Đời Đường); Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch, Tăng Củng (Đời Tống).
[27] Đồng Đệ Đức, Hàn Dũ văn tuyển, Nxb. Văn học, 1997, tr. 45.
[28] Trương Phác Dân, Đường Tống bát đại gia bình truyện, Nxb. Học sinh, Đài Loan, 1974.
[29] Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật giáo với khoa học, Nxb. Tôn giáo, Hà nội, 2007, tr. 17.
[30] Sđd, tr. 232.
[31] Các mâu thuẩn tiêu biểu như: Loạn An sử và các phiên trấn cát cứ đời Đường, thế lực nhà Kim đời Tống.
[32] Tôn Xương Vũ, Hàn Dũ tản văn nghệ thuật luận, Nxb. Nam Khai Đại Học, 1986.
[33] Sđd, tr. 16.
[34] Trong Tư thức tiễn sĩ sách vấn nhị thấp bát thủ, nguyên văn: 问:孔子与老子同时。孔子以礼乐教人 ,而老子以清净无为为宗。孔子盖尝问礼于老子 ,未可一言非之者。夫孔老岂同道哉?后世孟轲,韩愈皆学于 孔子, 然孟子之于杨朱,墨翟, 韩愈之于浮阇氏皆讼言攻之, 嫉之如仇雠。夫韩,孟之贤不过于孔子, 而杨朱,浮阇之害无异于老子 。或释而不问,或排而 不置, 其说安在?
[35] Vũ Thế Ngọc (dịch), Lão tử Đạo Đức kinh, Nxb. Alphabooks, 2019, tr. 40.
[36] HT. Thích Minh Châu (dịch), kinh Trung bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 140.
[37] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phần 1, phần lưỡi câu, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr. 390
[38] Thích Đức Thắng (dịch), Kinh Tạp A Hàm I, Kinh 388 Lương Y, Nxb. Phương Đông, 2015, tr. 735.
[39] Thích Tuệ Hải (dịch), Hộ Pháp luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr. 15.
[40] Sđd, tr. 18.
[41] Sđd, tr. 18.
[42] Vũ Thế Ngọc (dịch), Lão tử Đạo Đức kinh, Nxb. Alphabooks, 2019, tr. 151.
[43] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.222.
[44] HT. Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm Tập 2, Kinh A – Lê – Tra, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr.441.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, 2013.
2. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, chương Bốn Pháp, Phẩm Nguồn Sinh Phước, VNCPHVN, 1996.
3. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, phẩm Nam Cư Sĩ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
4. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V, phẩm Triền Cái, VNCPHVN, 1996.
5. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Māluṅkyāputta, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
6. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
7. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
8. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
9. HT. Thích Minh Châu (dịch), kinh Trung bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
10. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương IV Tương Ưng Ác Ma I. Phẩm Thứ Nhất, VNCPHVN, 1991.
11. HT. Thích Minh Châu (dịch),Trung Bộ II, kinh Đa Giới, Nxb. Tôn giáo, 2012.
12. Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo, Nxb. Phương Đông, 2009.
13. Đoàn Trung Còn (dịch), Tứ Thư, Luận Ngữ, Nxb. Thuận Hóa, 2011.
14. Đoàn Trung Còn- Nguyễn Minh Tiến (dịch, chú giải), Kinh Duy-Ma-Cật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011.
15. Chu Cương, Đường Tống tứ đại gia đích đạo luận dữ văn học, Nxb. Đồng Phương, 1994.
16. Trương Phác Dân, Đường Tống bát đại gia bình truyện, Nxb. Học sinh, Đài Loan, 1974.
17. ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phần 1, phần lưỡi câu, VNCPHVN ấn hành, 1993.
18. ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Hoa, phần Bông hoa [lược], Nxb Tôn Giáo, 2000.
19. Đồng Đệ Đức, Hàn Dũ văn tuyển, Nxb. Văn học, 1997.
20. Chử Đồng Giao, Vương An Thạch, Nxb. TVATQ, 1928.
21. NS. Trí Hải (dịch), Đức Phật đã dạy những gì, Nxb. Tôn giáo, 1998.
22. Thích Tuệ Hải (dịch), Hộ Pháp luận, Nxb. Hương Quang, 1962.
23. HT. Thích Nhất Hạnh (dịch), Tạp A Hàm, số 1071.
24. Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 148, Bộ Luận Sớ III, Số 1821 (Quyển 17- 36), Số 1822 – Câu – Xá Luận Sớ – Quyển 1, Hội VHGD Linh Sơn Đài Bắc, 2000.
25. Bùi Hữu Hồng (dịch), Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, tập 1, Nxb. Thế giới, 2000.
26. NS. Thích Nữ Như Huyền (1996), Kinh Bách Dụ, Nxb. VPHQT.
27. HT. Thích Thông Lạc, Đường về xứ Phật, Nxb. Tôn giáo, 2011.
28. Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung Quốc, quyển thượng, Nxb. Tao Đàn, 1965.
29. Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb. Văn học, 1964.
30. Vương Lực, Cổ đại Hán ngữ, Bắc Kinh.
31. Andy Luong (dịch), Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức, Nxb. Thế Giới, 2021.
32. Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật giáo với khoa học, Nxb. Tôn giáo, Hà nội, 2007.
33. Vũ Thế Ngọc (dịch), Lão tử Đạo Đức kinh, Nxb. Alphabooks, 2019.
34. HT. Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm Tập 2, Kinh A – Lê – Tra, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.
35. Thích Đức Thắng (dịch), Kinh Tạp A Hàm I, Kinh 388 Lương Y, Nxb. Phương Đông, 2015.
36. HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Trường Bộ Kinh tập I, kinh Đại Bát Niết Bàn, Nxb. Tôn giáo, 2013.
37. Lưu Kim Trụ, Đường Tống bát đại gia dữ Phật giáo, Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 1997.
38. Tôn Xương Vũ, Hàn Dũ tản văn nghệ thuật luận, Nxb. Nam Khai Đại Học, 1986.
39. Phật học tùng thư, Cực Lạc quê nhà, Trường thiền học trung ương Bắc Kỳ Phật giáo, 1939.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường