TS Đinh Văn Viễn - Đại học Hoa Lư Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021
1. Về giá trị đạo đức của Phật giáo
Về bản chất, Phật giáo mang giá trị nhân bản, nhân văn, hướng đến giải phóng con người khỏi hoàn cảnh hiện tại, hướng tới cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn. Giáo lý Phật giáo hướng con người đến xã hội lý tưởng, ở đó, con người sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Trần Văn Giàu khẳng định: “Từ lâu rồi, triết lý Phật giáo trở thành một thứ đạo đức học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu và làm được, không cao xa, rắc rối như triết lý Phật giáo nguyên thuỷ. Tu nhân tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau”(1).
Phật giáo có hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức thể hiện lối sống đạo mang nét đặc thù. Trong đó nổi bật là đề cao tính hướng thiện, khuyên con người làm điều lành, tránh điều ác. Tinh thần hướng thiện của Phật giáo thể hiện rõ trong những quy định về “Ngũ giới”, “Thập thiện” để tín đồ thực hiện, trong đó có những giá trị đạo đức mà con người trong xã hội văn minh cần có, như: không sát sinh, không trộm cướp, không được nói điều sai trái, không tham lam,… Lối sống “lục hòa”, “lục độ” mà cốt lõi là sống hòa hợp, vị tha dựa trên sự tự giác, hiểu biết, trí tuệ của Phật giáo.
Phật giáo quan niệm mọi chúng sinh, con người đều bình đẳng “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Điều này cũng có nghĩa là, tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt nghiệp báo, luân hồi và về phương diện thành tựu chính quả… không kể chủng tính, chức nghiệp cao thấp, đều dựa vào nghiệp báo của bản thân để quyết định sinh, tử, luân hồi, cơ hội, điều kiện để đạt thành chính quả là bình đẳng như nhau.
Với chức năng bảo tồn văn hóa, các tôn giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đã lưu giữ và phát huy nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: truyền thống hiếu thuận, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện ở tục thờ cúng tổ tiên, anh hùng liệt sĩ, những người có công với cộng đồng, với dân tộc...
2. Hồ Chí Minh và các giá trị đạo đức của Phật giáo
2.1. Hồ Chí Minh đề cao các giá trị đạo đức của Phật giáo
Hồ Chí Minh vốn là được sinh ra trong cái nôi văn hóa truyền thống Việt Nam, Người đã sớm nhận ra những giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Trước hết, Người đánh giá cao các giá trị, lý tưởng đạo Phật. Hồ Chí Minh thừa nhận một cách khách quan đạo đức của Phật giáo mang các yếu tố lý tưởng cao đẹp, giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc. Người viết: “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng, họ nhất định sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Còn tôi, Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy”(2).
Mỗi tôn giáo đều có các giá trị đạo đức riêng, giáo lý các tôn giáo có thể khác nhau song đều có điểm chung là mưu hạnh phúc cho loài người, mưu hoà bình, phúc lợi cho xã hội. Hồ Chí Minh kế thừa tất cả cái cao cả đó ở các tôn giáo, phát triển trong tư tưởng của mình thành lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản: suốt đời Người, Người chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Riêng đối với đạo Phật, Hồ Chí Minh đã khẳng định trong hệ thống giáo lý đồ sộ có nhiều yếu tố có giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc về phương diện đạo đức, lối sống. Người đã khái quát, tổng kết các yếu tố giá trị là hạt nhân trong giáo lý đạo Phật. Đó là các tư tưởng “từ, bi, hỷ, xả”. “Từ” là điểm tựa, dường cột, là sự che chở, bao dung; “Bi” là sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu với tha nhân, với đồng bào; “Hỷ” là hạnh phúc vui sướng mà Phật giáo gọi là an lạc; “Xả” là thái độ sống vô trụ vô chấp, thuần nhiên, tự nhiên[45, 60]. Những yếu tố nằm trong hệ thống giáo lý Phật giáo này được Hồ Chí Minh coi là những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn. Người cũng đã nhiều lần khác nhắc tới giáo lý này của đạo Phật và đề cập với một thái độ tôn trọng, khâm phục, một tinh thần muốn học hỏi, kế thừa: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” . Năm 1957, Hồ Chí Minh viết Thư gửi các vị tăng, ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ đức Phật Thích ca thành đạo, trong đó có đoan: “Đời sống của nhân dân ta ngày càng được cải thiện cũng giống như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui, nào ấm”(4).
Trong thư gửi Hội nghị Đại biểu Phật giáo năm 1964, Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha””(5).
2.2. Hồ Chí Minh với việc hiện thực hóa các giá trị của Phật giáo
Xuất phát từ việc đề cao các giá trị đạo đức của Phật giáo nên nhiều giá trị đạo đức trong giáo lý của đạo Phật được Hồ Chí Minh hiện thực hoá trong cuộc sống của mình. Suốt cuộc đời hoạt động Người mong muốn hy sinh, cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại. Lòng từ bi luôn hiện lên trong mỗi trang viết, lời nói của Người. Đọc lại lời kêu gọi cứu đói, sẻ áo nhường cơm năm 1945 sẽ toát lên tâm hồn từ bi, quảng độ ấy: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ, cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên”(6).
Tất cả các triết lý “từ bi, cứu khổ cứu nạn” vốn là của nhà Phật đã thấm nhuần và ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Chí Minh. Phải chăng phải là một người am các triết lý đó mới có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn được như Bác. Tâm “từ bi” của Người dành cho mọi người Việt từ cụ già cho đến em nhỏ, từ người nông dân cho đến phu làm đường… ngay cả khi Người còn ở trong nhà lao.
Hồ Chí Minh không có điều kiện nghiên cứu nhiều triết lý đạo Phật. Người không nói các triết lý đó một cách thuần túy lý thuyết. Người hiện thực hóa các triết lý đó trong cuộc đời của mình, bằng hoạt động thực tiễn của mình.
Hạt nhân của triết lý nhân sinh hiện hữu nhiều nhất trong đời thường chính là thuyết nhân quả, là quan hệ nhân quả. Thuyết nhân quả chỉ ra rằng mọi sự vật hiện tượng đều chịu sự chi phối của mối liên hệ nhân quả, kết quả có được là do nguyên nhân sinh ra, trong mối quan hệ khác, kết quả lại là nguyên nhân nảy sinh các kết quả khác. Thuyết luân hồi, nghiệp báo của đạo Phật là dựa trên luật nhân quả này. Nó chỉ ra nhiều tư tưởng đạo đức trong cuộc sống: ác giả ác báo, ở hiền gặp lành, gieo nhân nào, gặt quả ấy… Nó cũng chỉ ra sự biến đổi sinh diệt nối tiếp nhau của thế giới vạn vật. Tư tưởng này, Hồ Chí Minh chuyển hoá một cách nhuần nhuyễn, dễ hiểu: “Sự vật vần xoay đà định sẵn. Hết mưa là nắng hửng lên thôi”.
Triết lý nhân sinh của Phật giáo thường nhấn mạnh vai trò tu tập, rèn luyện bền bỉ, nhẫn nại để đạt mục đích, để đi đến giác ngộ của con người. Hồ Chí Minh đã truyền tải các triết lý đó, răn dậy thế hệ sau bằng cách đề cập đến vai trò chủ thể trong rèn luyện, phấn đấu:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn Gạo giã xong rồi trắng tựa bông Sống ở trên đời người cũng vậy Gian nan rèn luyện mới thành công”(7)
Ngoài các triết lý kể trên, triết lý nhân sinh đạo Phật còn thể hiện tập trung trong Thập Thiện, Tứ ân, Lục hòa,… Thực tế nhiều bậc tu hành đã vận dụng triết lý đó, hiện thực hóa nó trong cuộc sống và trở thành các mẫu mực trong việc xả thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu cao các tấm gương đó, kêu gọi đồng bào cả nước cũng như đồng bào Phật giáo làm theo các tấm gương đó để đất nước nhanh chóng thắng lợi, để xây dựng cuộc đời “thuần mỹ, chí thiện, yên vui, no ấm”.
Đi đôi với việc đánh giá cao các triết lý, giáo lý đạo Phật, Hồ Chí Minh còn đề cao các giá trị, lý tưởng cao đẹp của đạo Phật qua nhân cách bậc chí tôn sáng lập - đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Có thể nói ở một góc độ nhất định đức Thích Ca là mẫu người lý tưởng để Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu, học tập và noi theo. Đức Phật là hiện thân của sự hy sinh cao thượng, hiện thân của khát vọng tự do và no ấm. Người đã từ bỏ cuộc sống vàng son để “vào bể khổ cứu chúng sinh”: “Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu diệt lũ ác ma”(8). Hồ Chí Minh đã viết: “Phật Thích Ca là một người quý tộc. Ngài đã bỏ hết công danh phú quý để đi cứu vớt chúng sinh, tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ”(9).
Trong nhận thức của Hồ Chí Minh, Phật Thích Ca là một con người có nhân cách vĩ đại, là một bậc chí tôn mà mọi người cần noi theo tấm gương đạo đức của Ngài. Do đó, Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ thành kính, tôn trọng và cầu mong sự che chở của Ngài cho dân tộc, cho Tổ quốc. Người đã nhiều lần bộc bạch tấm lòng trung thành của mình trước đức Phật. Trong buổi lễ mừng Liên hiệp quốc gia, Người viết: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, hy sinh, nếu cần hy sinh đến cả tính mạng tôi cũng không từ”(10).
Một lần khác, trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, Hồ Chí Minh đã kính cẩn cầu nguyện đức Phật che chở cho đồng bào, Tổ quốc: “Nhân ngày lễ Phật Rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử”(11).
Có thể nói, từ chỗ hiểu trân trọng những giá trị mà các tôn giáo đã đóng góp cho nền văn hóa của dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã ý thức kế thừa tiếp thu những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo nhằm hoàn thiện nhân cách của mình. Nhà nghiên cứu người Ba Lan Helen Tuocmero có nhận xét: “Hồ Chí Minh là hình ảnh của sự khôn ngoan của đức Phật, nhân từ của đức Chúa, tinh thần cách mạng của Lê Nin, sự ung dung của một người chủ gia tộc. Tất cả được kết hợp hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên"(12).
Hồ Chí Minh còn vận dụng một cách sáng tạo những hạt nhân hợp lý trong các tôn giáo vào việc giáo dục rèn luyện cán bộ và đồng bào của mình. Người đã căn dặn cán bộ của mình trong công tác vận động quần chúng rằng: "Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì phải nói đến hai lần, ba lần. Về đức tính này phải học theo những người đi truyền giáo"(13).
Phát triển tư tưởng nhập thế của Phật giáo trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc đạo như việc đời, hướng vào cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người từng nói: Phật pháp không xa rời thế gian. Kêu gọi mọi người hãy kêu đói giặc dốt, Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa nhân bản cao đẹp của Phật giáo hướng vào nhân tố con người trong mọi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Phản đối chế độ bất công, đòi tự do, bình đẳng, dân chủ cho mọi người, Hồ Chí Minh từng viết: “Đức Phật đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, mong muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hi sinh tranh đấu diệt lũ ác ma”(14).
Qua tất cả các nội dung đã trình bày trên, có thể nói, Hồ Chí Minh là một con người thực sự chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo. Từ quê hương, gia đình, dân tộc, và ngay cả hoạt động thực tiễn của Người cũng ít nhiều gắn bó với Phật giáo. Hồ Chí Minh đã thừa nhận, đề cao nhiều yếu tố có giá trị đạo đức, văn hóa cũng như lý tưởng của đạo Phật. Tất cả các giá trị đó được Hồ Chí Minh tôn vinh, trân trọng, kế thừa và phát triển trong cả cuộc đời của mình. Nhiều phật tử đã cho rằng Người chính là Bồ tát hóa thân đem các giáo lý, giá trị chân chính đó của đạo Phật tỏa chiếu cho cuộc sống trên cả lĩnh vực tư tưởng và hiện thực. Tất cả các giá trị đó đều được dân tộc Việt Nam tôn vinh, lưu giữ và phát triển trong những hoàn cảnh lịch sử khó khăn nhất của đất nước, nhằm mục đích xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
TS Đinh Văn Viễn - Đại học Hoa Lư Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021 -----------------------CHÚ THÍCH: (1) Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 495. (2) Viện nghiên cứu tôn giáo (1996), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.185 (3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 95. (4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 472. (5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 383. (6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 33. (7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 382. (8) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 228. (9) Viện nghiên cứu tôn giáo (1996), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.239. (10) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.169. (11) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 228. (12) Dẫn theo Phạm Văn Đồng (1991), Hồ Chí Minh- một con người, một dân tộc, một thời đại; Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, trang 19. (13) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 72. (14) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 228
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Phạm Văn Đồng (1991), Hồ Chí Minh- một con người, một dân tộc, một thời đại; Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 2. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3,4, 5, 7, 10, 14; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Phùng Hữu Phú, Hoàng Đức Thắng (Thích Minh Trí) (2005), Hồ Chí Minh với Phật giáo Việt Nam (1945-1969), Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 5. Viện nghiên cứu tôn giáo (1996), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bình luận (0)