Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh đang có một nền di sản độc đáo gắn với sự kiện Quan Âm Hương Tích tu hành và có đầy đủ căn cứ lịch sử cho thời điểm xuất hiện từ kỉ nhà Trần, điều đó không được nhiều phật tử biết đến.
Ths. Đỗ Duy Hưng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tóm tắt
Quan Âm Hương Tích, Quan Âm Diệu Thiện, Phật Bà Chùa Hương hay Bà Chúa Ba là một nhân vật tôn giáo nổi tiếng của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Bà là niềm tự hào của Lịch sử văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích được xây dựng khoảng thế kỉ XIII để thờ phụng Bà là nơi lưu giữ lại những chứng tích quan trọng của Phật giáo Việt Nam xoay quanh hình tượng Bà Chúa Ba. Khi phân tích bóc tách lớp vỏ thiêng hóa và tìm hiểu về những giá trị đạo đức trong câu chuyện về Quan Âm Hương Tích trong bối cảnh xã hội đương đại, chúng tôi nhận thấy các yếu tố về Đạo đức và giáo dục xoay quanh thần tích của Bà Chúa Ba vẫn còn nguyên giá trị và có thể đẩy mạnh trong trong việc giáo dục con người hiện đại nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ đương đại nói riêng trên các khía cạnh như sau: giáo dục Đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa, và định hướng mục đích sống - sự cống hiến.
Từ khóa: Chùa Hương Tích Hà Tĩnh, Quan Âm Hương Tích, Bà Chúa Ba, Đạo đức Tôn giáo, Giáo dục đạo đức
Dẫn nhập
Có thể nói, hình tượng Quan Âm Diệu Thiện xuất hiện đầu tiên không phải đến từ Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, qua tác phẩm Hương Sơn Bảo Quyền và chứng tích Quan Âm Diệu Thiện được lưu giữ lại tại Chùa Hương Tích, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lại là chứng tích vô cùng quý giá để khẳng định cho việc đã từng có một nhân vật là Bà Chúa Ba về tại Việt Thường, trên Thíu Lĩnh tu hành và đắc đạo. Hình tượng Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Hương Tích, Phật Bà Chùa Hương, Bà Chúa Ba,... được nghiên cứu rất sâu sắc bởi nhiều học giả và các công trình khoa học từ Tôn giáo học, Xã hội học cho đến Văn hóa học,... Song, giá trị cốt lõi của hình tượng Bà Chúa Ba cùng những phẩm hạnh của Bà được cha ông ta gửi gắm lại qua sự hiện diện thần tích Bà Chúa Ba tại chùa Hương lại chưa có nhiều cơ hội được áp dụng trong việc giáo dục con người trong xã hội 4.0. Trong khi đó, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, và phạm vi giáo dục truyền thống, đạo đức, văn hóa cho con người từ điển tích Phật giáo là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Nhân cơ hội hội thảo “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam” diễn ra, chúng tôi triển khai đề tài: “Hình tượng Quan Âm Diệu Thiện tại chùa Hương Tích huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh: Giáo dục con người từ điển tích trong Văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Kế thừa những công trình nghiên cứu khoa học đi trước về Bà Chúa Ba, về chùa Hương Tích, về đặc trưng của Đạo đức và tính hội nhập của đạo đức trong giai đoạn 4.0, qua cách tiếp cận liên ngành, chúng tôi tập trung nghiên cứu và làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, Phác họa khái lược về “Hoan Châu Đệ Nhất danh lam” và sự tích Quan Âm Diệu Thiện tại
chùa Hương Tích, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; Thứ hai nhận thức về đạo đức và sự giáo dục con người hiện đại qua hình tượng Quan Âm Diệu Thiện được lưu lại tại chùa Hương Tích Hà Tĩnh; Thứ ba, một vài đề xuất về phương pháp phát huy giá trị hình tượng Quan Âm Diệu Thiện tại Chùa Hương Tích trong việc giáo dục đạo đức truyền thống cho con người hiện đại.
1. Khái lược về “Hoan Châu Đệ Nhất danh lam” và sự tích Quan Âm Diệu Thiện tại chùa Hương Tích, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
Chùa Hương Tích có tên nôm là chùa Thơm, tọa lạc tại sườn núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Cao, chùa Nhang, chùa Thơm,... tuy nhiên, cái tên Chùa Hương Tích vẫn được biết đến và được nhiều người gọi nhất. Trong bộ Cửu đỉnh được vua Minh Mệnh đúc năm 1835, trên chiếc Anh Đỉnh chính là phong cảnh danh thắng Chùa Hương - Hà Tĩnh1.
Chùa Hương Tích nằm tại tuyến giao lộ quan trọng bậc nhất của nước Đại Việt cổ xưa. Có thể nhận thấy, vào thuở nhà Trần gia cố quyền lực để ngăn chặn quân Mông Nguyên lăm le xâm lược (cuối TK XIII đầu TK XIV), các miền sơn cước phía Bắc chịu quy thuận triều đình, các tù trưởng thần phục trước sức ép của triều đình nhà Trần thì ở phía Nam, để đề phòng Ô Mã Nhi kết hợp với quân chiêm Thành đánh từ phía Nam lên, triều đình phong kiến cũng cần có sự quan tâm đặc biệt với vùng biên ải xa Trung ương. Đây chính là một tiền đề quan trọng để minh chứng cho việc xuất hiện lớp trầm tích cổ xưa trong nền điện Trang Vương, chùa Hương Tích, Hà Tĩnh2. Sự tồn tại của lớp đá hoa văn thời Trần trong nền điện Trang Vương là dấu ấn mạnh nhất để khẳng định cho niên đại của ngôi chùa: TK XIII. Với lớp trầm tích lịch sử và minh chứng khảo cổ học như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, chùa Hương Tích Hà Tĩnh được xây dựng muộn nhất cũng có lẽ phải từ thế kỉ thứ XIII.
Chùa chịu tác động của trận hỏa hoạn vào thế kỉ XIX, nên các di vật khẳng định chính xác về dấu mốc ra đời của chùa đã không còn; Quá trình trùng tu tôn tạo dưới các triều đại nhà Nguyễn sau này hiện vẫn lưu dấu tích. Song, đến những năm đầu thế kỉ XXI, nhận thức được về tầm quan trọng của khu di tích chùa Hương Tích - Hà Tĩnh đối với Văn hóa - Tôn giáo và sự phát triển của du lịch địa phương nên chùa đã được tu bổ, tôn tạo lại như diện mạo hiện nay, bên cạnh đó khu dich tích Hương Sơn Hà Tĩnh cũng được tập đoàn Vingroup đầu tư hệ thống cáp treo để tín đồ phật tử đi lại dễ dàng hơn, góp phần đẩy mạnh du lịch tâm linh tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Trải qua ngót 800 năm đi song hành cùng lịch sử Việt Nam, lịch sử Hà Tĩnh và lịch sử Phật giáo
Hà Tĩnh, chùa Hương Tích đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Văn hóa Việt Nam nói chung, trong đó bao hàm cả Lịch sử Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh và Phật giáo Hà Tĩnh. Chính vì vậy, trong 21 đại danh lam cổ xưa, chùa Hương Tích được mệnh danh là Hoan Châu Đệ Nhất danh lam.
Chùa tọa lạc bên sườn núi Hồng Lĩnh, ngoảnh mặt về phương Nam. Trong “Thiên Lộc huyện phong thổ chí” của Lưu Công Đạo soạn năm Tân Mùi có đoạn dài miêu tả lại vẻ đẹp nước nhược non bồng, cảnh Phật non Tiên của chùa Hương Tích được Thái Kim Đỉnh dẫn xuất lại như sau: “Một dải suối xanh sóng trùng vạn khoảnh […] Theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại một cảnh sắc khác nhau, lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở Châu Hoan ta”3.
Cho đến hiện nay, khi các cảnh quan được chỉn chu trong việc đầu tư, từ cơ sở hạ tầng cho đến dịch vụ nghỉ dưỡng thì chùa Hương Tích vẫn điềm nhiên tọa lạc trên nền móng lịch sử hàng trăm năm và gắn chặt với cột mốc Văn hóa Phật giáo hai ngàn năm có lẻ về Bà Chúa Ba tu hành đắc đạo. Mặc dù đã có sự đại trùng tu vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, nhưng các hạng mục công trình quan trọng của chùa như Thượng điện, đền Thiên Vương, am Thánh Mẫu và hàng loạt các công trình khác như trạm nghỉ Phật Bà, am Dược Sư, nền Trang Vương,... vẫn nhuốm màu thời gian. Tất cả như bồi tụ cho sự hiện hữu linh thiêng của Bà Chúa Ba - Quan Âm Diệu Thiện trong dòng chảy Văn hóa và Văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Tín ngưỡng Quan Âm là một trong những tín ngưỡng tồn tại mạnh mẽ trong hệ thống Văn hóa Phật giáo thế giới nói chung và văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, trong đó bao hàm cả Phật giáo Hà Tĩnh. Xuất hiện từ bộ Đại Thánh Pháp bảo Hương Sơn Bảo Quyển, tên gốc là Quan Thế Âm Bồ Tát Bản Nguyện Kinh, được cho là của thiền sư Phổ Minh (chùa Thiên Trúc, Hàng Châu, Trung Quốc) sáng tác dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng Quan Âm phát triển mạnh mẽ vào thời Tống4, bộ Hương Sơn Bảo Quyển tập trung nói về quá trình Công Chúa Diệu Thiện sinh ra, lớn lên và tu hành đắc đạo ở nước Việt Thường, núi Thíu Lĩnh (Hồng Lĩnh).
Bà Diệu Thiện trong lưu truyền dân gian được nhắc tới là con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương, tên húy là Mậu5:
"Chúa Bà vẫn họ Bà La
Mẹ là Bảo Đức, cha là Trang Vương"6.
Có nhiều tư liệu khác nhau nói về sự kiện Bà xuất gia tu hành, nhưng phần lớn các tư liệu đều có sự đồng nhất rằng Diệu Trang Vương có ý gả bà cho một vị Võ Tướng độc ác, do không chấp nhận mối nghịch duyên, cùng sự nung nấu ý chí tu hành từ lâu nên Bà đã quyết định xuất gia tu hành tại chùa Bạch Tước:
“Rầy vâng chiếu đan trì đến trước Rằng đã chùa Bạch Tước ở sau Đắc Trân người trụ đã lâu Cho Bà ra đấy cùng nhau tu hành”7
Viên quan Võ ấy được Trang Vương sai đi trừng phạt Diệu Thiện, đốt bỏ chùa, nhưng Diệu Thiện cùng chư ni trong chùa được Phật che chở và thoát khỏi tai nạn. Lại được thần Bạch Hổ đưa về núi Thíu nước Việt Thường tu hành, tinh tấn theo hạnh nguyện từ bi bác ái. Đến khi Diệu Trang Vương bị bệnh, chính Diệu Thiện lại tự nguyện dâng cha đôi mắt và bàn tay làm dẫn dược. Khi Trang Vương đích thân sang tạ ơn mới nhận ra con gái bị mình ruồng bỏ. Chính tấm lòng từ bi của Diệu Thiện đã cảm ứng đến Phật, ban phép cho mắt bà sáng lại, bàn tay mọc ra tất cả như cũ8.
Sự tích về Quân Âm Diệu Thiện tu hành và đắc đạo trên ngọn Thíu Lĩnh Hà Tĩnh đã trở thành một giai thoại Phật giáo hết sức quan trọng đối với Phật giáo Á Đông nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, trong đó không thể bỏ qua Phật giáo Hà Tĩnh. Mặc dù được phủ lên một lớp thần tích - thần thoại với nhiều yếu tố hoang đường và hư ảo, nhưng chính các yếu tố ấy lại trở thành bệ đỡ vững chắc cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của nhân vật Quan Âm Diệu Thiện trong nếp “tôn giáo - tâm linh” của người Việt Nam.
Nhân vật Quan Âm Diệu Thiện khi tu hành tại chùa Hương Tích, Hà Tĩnh đã để lại nhiều chứng tích quý giá như nền Trang Vương, đài Trang Vương, am Thánh Mẫu, Phổ Cứu Tự,... Tất cả như quyện hòa lại trong hình tượng Quan Âm Hương Tích hay Phật Bà Chùa Hương - chính là Công chúa Diệu Thiện.
Xoay quanh câu chuyện về công chúa Diệu Thiện tu hành và đắc đạo ở Thíu Lĩnh, các hạng mục công trình kiến trúc tại chùa đều là sự củng cố cho việc Bà Chúa Ba xuất hiện tại nơi đây trong lịch sử. Từ việc ngôi đền Cô là nơi Bà nghỉ chân trước khi lên am Phật Bà tu hành, cho đến nền Trang Vương là nơi đóng quân của quân sĩ Trang Vương hay động Hương Tích là nơi bà đắc đạo, có ban thờ thần Hổ cõng Bà đi từ nước Sở về Việt Thường để tu hành và che chở cho bà trong suốt quá trình tu hành tại đây.
2. Nhận thức về sự giáo dục con người hiện đại thông qua hình tượng Quan Âm Diệu Thiện tại chùa Hương Tích Hà Tĩnh
Bản thân tôn giáo và đạo đức là hai vấn đề có tách biệt nhau, bởi tôn giáo hướng con người đến sự tin tưởng vào một sức mạnh kì bí siêu nhiên, còn đạo đức quy định về hành vi, chuẩn mực lối sống và cách hành xử của con người. Song, giữa đạo đức và tôn giáo lại có mối quan hệ hữu cơ với nhau, và ở mối quan hệ ấy thì tôn giáo là cái quyết định9.
Riêng đối với Phật giáo Bắc truyền và đặc biệt là hình tượng Quan Âm Hương Tích tại chùa Hương Tích, tinh thần từ bi - bác ái của toàn hệ thống giáo lý và niềm tin có phần tương thích với truyền thống lá lành đùm lá rách của người Việt, nhưng được nâng cao hơn và phát triển mạnh mẽ hơn trở thành một phạm trù triết học tôn giáo mà Phật giáo luôn hướng tới.
Dưới nhãn quan Tôn giáo học, đặc biệt là từ góc nhìn đạo đức tôn giáo khi soi chiếu vào lăng kính hiện đại và đời sống xã hội hiện đại, hình tượng Quan Âm Hương Tích - Phật Bà Chùa Hương là một ví dụ điển hình cho đạo đức sống mãi với thời gian. Trong Thần tích về Bà xuất hiện một cách khá sâu sắc sự từ - bi - hỷ - xả và ẩn chứa sự trí - bi dung hợp, mặc dù đã có phần được thần thoại hóa.
Quan Âm Hương Tích xuất hiện trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và dòng văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh nói riêng chính thức từ khi nào thì khó có thể đoán định. Tuy nhiên, trên nền tảng đạo đức tôn giáo, chúng ta có thể nhận thấy rằng sự xuất hiện của Quan Âm Hương tích đem đến cho con người bài học giá trị về lẽ sống - ý nghĩa cuộc sống. Trong thần tích của nhân vật Quan Âm Diệu Thiện - Bà Chúa Ba hay vẫn gọi là Phật Bà Chùa Hương, mặc dù bà bị chính Diệu Trang Vương là cha đẻ của mình ruồng bỏ vì không thể ép gả bà cho một viên quan võ độc ác:
“Con xin tu lấy thân này Họa là cha mẹ có ngày siêu sinh Nghe giọng Chúa ra hình thơ thẩn Động lòng cha nổi trận mây mưa Hoa viên lập khắc bấy giờ Bắt đầy thân trẻ cho chừa tinh ngoan”10
Song, khi biết tin cha bệnh nặng khó qua, cần bàn tay và đôi tròng mắt làm dược dẫn, Bà Chúa Ba (khi ấy đã đến được Hồng Lĩnh tu hành tại nước Việt Thường) vẫn không ngần ngại móc mắt chặt tay gửi về cho cha sao ra làm thuốc. Sự kiện này khi soi chiếu vào tư tưởng Phật giáo, nó là cái từ bi, buông xả. Và khi soi chiếu vào Kinh Vô Ngã Tướng của nhà Phật: sắc - thọ - tưởng - hành - thức đều không phải là ta11, như vậy, trên tinh thần Phật giáo, thì Công chúa Diệu Thiện ngay thì cho cha tay và mắt đã thấu ngộ được một phần kinh Vô Ngã Tướng. Song, nếu không bàn luận về câu chuyện Bà thấu ngộ đến đâu và tu hành đến ngưỡng nào, chỉ tập trung vào vấn đề giáo dục đạo đức thì ta nhận thấy được rằng sự việc cô Công Chúa Diệu Thiện gạt bỏ xung đột với cha, lấy tay và mắt để cứu cha là hành động đáng được hậu thế học tập, noi theo.
Trong khi ở thời kì hiện đại, chúng ta chỉ tốn khoảng vài giây tra trên các nền tảng thông tin đại chúng, các sự kiện con cái ruồng bỏ cha mẹ, đánh đập cha mẹ, thậm chí tai tiếng nhất là sự việc tẩm xăng đốt mẹ12 vì mâu thuẫn được hàng loạt các cơ quan ngôn luận đưa tin, điều đó đã đặt ra vấn đề về đạo Hiếu và giá trị đạo đức trong đời sống thực tại. Giá trị đạo đức vốn dĩ “là những chuẩn mực, khuôn mẫu lý tưởng, là các quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh và chuẩn hóa hành vi của con người”13. Tuy nhiên, giữa sự phát triển mạnh như vũ bão của công nghệ 4.0, “những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung và nhân cách con người nói riêng”14.
Chính vì vậy, việc hành thiện của Công Chúa Diệu Thiện: móc mắt chặt tay cứu cha, trước khi hiểu nó như một khía cạnh của tình thương và sự từ bi, thì nên nhìn nhận nó như một biểu tượng của đạo Hiếu, thể hiện giá trị Văn hóa truyền thống sâu sắc của người Việt. Đây có thể được xem là một yếu tố quan trọng trong việc giáo dục truyền thống - đạo đức và hành vi đến cho con người nói chung và một bộ phận người Việt có sự suy thoái về giá trị đạo đức và tư tưởng nói riêng. Và điều đó cần được nhân rộng và phát triển.
Nếu không xét niên đại của bản thần tích về Quan Âm Hương Tích ra đời từ khi nào, chỉ xét trên khía cạnh sự ra đời của Chùa Hương Tích - thành phố Hà Tĩnh với di chỉ từ thời kì nhà Trần trên nền Trang Vương đến nay, thì sự xuất hiện của Chùa Hương Tích và câu chuyện Quan Âm Diệu Thiện cũng ngót 800 năm. Ở thời kì này, cả Nho - Phật - Đạo cùng hưng thịnh, nhưng nổi bật nhất phải kể đến Phật giáo và việc chùa Hương Tích xuất hiện (có thể còn trước thời Trần) gắn với hình tượng Quan Âm Chùa Hương đã góp phần sâu sắc vào bức tranh tổng thể về sự lan tỏa mạnh mẽ của Phật giáo trong tiềm thức của người Việt. Kết tinh từ cái thiện, nên bản thân hình tượng Công chúa Diệu Thiện - Quan Âm Nam Hải tại chùa Hương Tích là minh chứng rõ nhất về sự từ bi - buông xả và góp phần cấu thành khái niệm về tình thương, sự nhân ái tồn tại hàng ngàn năm nay trong Văn hóa Việt Nam. “Nhân ái của người Việt còn biểu hiện trong quan hệ gia đình. Cha mẹ lo cho con cái khi còn nhỏ, con cái có trách nhiệm lo cho cha mẹ khi già yếu, bệnh tật”15. Song, nếu như thấy toàn bộ nền Phật giáo nói chung đều có sự định hướng con người đến sự từ bi - cứu khổ - giải thoát thì đích thị Phật Bà Chùa Hương Tích là một biểu trưng về sự nhân ái và bao dung trong truyền thống Văn hóa Việt Nam.
Trở lại với chi tiết Bà móc mắt, chặt tay đem về làm thuốc cho cha chữa bệnh, cùng với sự kiện cảm hóa Diệu Trang Vương để vua ở lại tu hành tại Hương Sơn trong các dị bản dân gian truyền lại, ta nhận thấy hiện diện trong nhân vật Quan Âm Hương Tích là đạo đức của người Việt Nam. Vốn dĩ 3 yếu tố tình thương, sự vị tha, sự bao dung luôn là các phạm trù đạo đức mà người Việt Nam rất đề cao, nó gắn chặt với việc làm thực tế và tác động đến đời sống thực tại thay vì chỉ đơn thuần là giáo lý và phương pháp giống như các dạng thức tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Hành động chặt tay móc mắt cho cha của Diệu Thiện Quan Âm không chỉ đơn thuần là đạo đức tôn giáo mà nó còn là đạo đức của người Việt Nam, truyền thống nhân văn của người Việt gửi gắm qua biểu tượng tôn giáo
Nhưng, đứng trước biểu tượng về sự bác ái, tính nhân văn và tình thương mà các thế hệ đi trước gửi gắm vào Công Chúa Diệu Thiện, soi chiếu vào nhịp sống đương hiện, ta nhận ra rằng: giữa sự xô bồ của đời sống, bên cạnh những mạnh thường quân có sự bao dung độ lượng và tấm lòng yêu thương đồng bào, lá lành đùm lá rách thì vẫn còn những chủ nghĩa vị kỷ, những con người vô nhân đạo và các hành vi suy thoái đạo đức. Những hành vi gây sát thương trên cơ thể người khác, các phương thức gây tổn hại đến danh dự - nhân phẩm - bôi nhọ người khác trên các trang mạng thông tin đại chúng, hoặc như các công việc buôn bán chất cấm, hóa chất trái phép gây tổn hại đến sức khỏe, trục lợi từ dịch bệnh,... đều là các hành vi nổi cộm trên các diễn đàn mạng xã hội. Rất nhiều vụ việc được Đảng, Chính phủ, Nhà nước đích thân điều tra và bật mở nhiều nghi điểm trong công tác đảm bảo chất lượng an sinh xã hội của nhân dân, không chỉ dừng lại ở số lượng. Từ đó ta có thể nhận thức được về sự nguy hại của sự vô nhân đạo, bất nhân tính, trục lợi cá nhân trên sức khỏe và sinh mạng của người khác. Cũng do các chiều kích tác động khác nhau mà vấn đề “nhìn mặt mà bắt hình dong”, sự tẩy chay, “triệt đường sống” của con người trên không gian mạng sau khi một scandal nổ ra khiến chúng ta quên mất bản chất của sự bao dung và lòng vị tha. Ông cha ta có câu: “đánh người chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, tuy nhiên, căn bệnh a dua16, hùa theo những vấn đề xã hội dưới sự tác động của báo “lá cải” lại khiến nhiều người mất đi đường kiếm kế sinh nhai từ sự phát triển của mạng xã hội. Từ đây, ta nhận thấy rằng việc giáo dục con người về tình thương, tương thân tương ái, đức hy sinh và khơi dậy lòng trắc ẩn của con người hiện đại theo tinh thần Phật giáo thông qua đức hạnh của nhân vật Bà Chúa Ba là điều nên được thực hiện.
Lật lại thần tích của Quan Âm Nam Hải tại Hương Tích Tự - Hà Tĩnh, ta nhận thấy rằng: trong khi hai chị gái của Bà nghe lời cha gả chồng, yên bề gia thất, khi cha bị bệnh cần tay và mắt làm dược dẫn, đã không cho cha đôi mắt và bàn tay của mình thì nhân vật Bà Chúa Ba, đứa con bị Vua Diệu Trang Vương từ bỏ sau sự kiện không chịu lấy viên Quan võ ác độc, đã tự nguyện dâng lên cha bàn tay và đôi tròng mắt. Gặp lại cha sau khi cha mạnh khỏe và hướng đạo cho cha tu hành tại núi Thíu Lĩnh (trong các câu chuyện dị bản dân gian kể lại) đã thể hiện sự khoan dung dành cho cha - người có công ơn sinh thành ra mình. Sự kiện ấy chính là việc phát triển mạnh nhất của sự bao dung và vị tha, trở thành tiền đề cho Bà Chúa Ba hóa Phật sau này.
Trong khi đó, giữa dòng chảy của nếp sống hiện đại, khi Công nghệ 4.0 càng xen lấn mạnh vào nhịp sống thì có lẽ, con người càng bị lệ thuộc vào Công nghệ và dần dần thu mình lại khỏi thế giới thực, đắm chìm vào không gian ảo, đánh mất dần truyền thống văn hóa và giá trị đạo đức cổ xưa. Chỉ cần một vài dòng bình luận trên mạng xã hội cũng đủ khiến cho cả không gian mạng xã hội "dậy sóng". Đứng trước những vấn đề như vậy, phải chăng, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội đang trở nên bó hẹp về giá trị đạo đức? Chính những tác động này một lần nữa khiến cho sự xuất hiện của nhân vật Quan Âm Hương Tích và giá trị đạo đức của người Việt gửi gắm trong Bà cần được nhân rộng và đề cao.
Chúng ta nhận thấy ở đây đang có sự đối lập rất mạnh về tính đương hiện của sự bao dung và lòng vị tha giữa một bên là truyền thống và một bên là đương đại. Mặc dù không thể đánh đồng tất cả, nhưng chúng ta cũng không thể ngó lơ trước tình trạng thực tế về suy thoái đạo đức của một bộ phận nhất định con người đương hiện. Đứng trước sự thay đổi đến chóng mặt về giá trị Văn hóa - tinh thần của con người, các giá trị Văn hóa xưa vẫn tồn tại nhưng dần dần có các dấu hiệu mờ nhạt và chìm vào lớp trầm tích thời gian.
Thứ ba, với việc phát triển và định hướng mục tiêu cuộc sống. Quan Âm Diệu Thiện tại chùa Hương Tích, Hà Tĩnh có nhiều dị bản khác nhau về việc lựa chọn đi tu của Bà.
Dị bản thứ nhất cho rằng bà phẫn trí trước việc bị ép gả cho người độc ác, bất nhân nên Bà chọn cách đi tu17. Dị bản thứ hai do Trần Ngọc Hoàn ghi chép theo di cảo của Tiên Điền18, gần với các tư liệu dân gian được truyền khẩu tản mạn quanh khu vực Hương Tích cho rằng vốn dĩ Bà Chúa Ba đã quyết chí tu hành và sự kiện gả con cho viên Quan Võ độc ác của Diệu Trang Vương chỉ là bước đệm để Bà Chúa Ba xuất gia tu hành và đắc đạo mà thôi. Song, dù trải qua sự kiện như thế nào, trong các bản tích về Bà Chúa Ba vẫn có sự thống nhất chung đó là Bà đã trải qua nhiều cam go thử thách, từ việc suýt bị thiêu chết tại nước Sở, phải chốn sang Việt Thường, cho đến việc Bà về động Hương Tích, sau đó móc mắt cắt tay cho cha làm thuốc dẫn, tất cả như chỉ dể khẳng định ý chí tu hành và quyết tâm cao độ của Công chúa Diệu Thiện.
Trong bối cảnh đương thời, giả sử nhân vật Bà Chúa Ba chấp nhận lấy viên quan võ kia thì ắt hẳn không có Phật bà Hương Tích, Nam Hải Quan Âm sau này. Theo Phật giáo gọi đó là Nhân quả, theo cách gọi hiện đại thì Bà đã tìm thấy được ngã rẽ trong cuộc sống để quyết định tìm ra chân lý cuộc đời và thực hiện mục đích giác ngộ và cứu khổ chúng sinh.
Nhưng soi vào với xã hội hiện hành, nếu không bàn tới vấn đề tu tập mà chỉ bàn luận về hệ giá trị tư tưởng gắn chặt với yếu tố mục đích cuộc sống thì chúng ta cần phải nhìn nhận rằng việc giới trẻ và tâm lý “nhảy việc” khi chạm nhẹ khó khăn, không nỗ lực hết sức mình đang trở nên đáng báo động. Theo khảo sát của Deloitte Global năm 2022 cho thấy: 40% người gen Z muốn rời bỏ công việc trong vòng 2 năm qua, với khoảng 46% tiết lộ cảm thấy kiệt sức do môi trường làm việc19. Chính từ đó chúng ta nhận thấy rằng việc xuất hiện quá nhiều cơ hội một mặt khiến bộ phận giới trẻ có điều kiện thử thách mình trong các môi trường khác nhau để khám phá giới hạn bản thân, mặt khác lại khiến cho sức chịu đựng áp lực công việc và mục tiêu cuộc sống không thể đạt được. Chính từ đó, khiến cho việc định hướng cuộc sống và kết quả gặt hái không như mong đợi.
Đứng trước sự đối lập như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng: việc Quan Âm Hương Tích và các giai thoại về Bà khi gán với nhịp sống đương hiện mang tính giáo dục rất cao. Sự quyết chí tu hành với ý chí kiên cường dù gặp phong ba trắc trở vẫn không từ bỏ. Từ đó, Bà gặt hái quả ngọt chính là sự đắc đạo, giác ngộ. Qua chi tiết Bà Chúa Ba đắc đạo sau khi trải qua thử thách, chúng ta có thể nhận thấy tính giáo dục về mục đích sống, sự kiên trì, tinh thần bền bỉ đang được ông cha ta đề cao.
Trước sự bon chen của nhịp sống 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì việc đưa nhân vât Bà Chúa Ba cùng những tư tưởng xuyên thời đại mà ông cha ta gửi gắm và đó đã thể hiện sự giáo dục sâu sắc: phi thời gian, vượt thời đại, cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn để con người hiện đại tiếp tu. Từ đây, việc sử dụng tôn giáo nói chung, hình tượng Quan Âm Diệu Thiện tại chùa Hương Tích nói riêng trong việc giáo dục mục đích cuộc sống, tìm kiếm chân lý cuộc sống và nỗ lực hoàn thành mục tiêu nên được quan tâm nhiều hơn. Đây không phải là sự lợi dụng Tôn giáo, càng không phải là mê tín dị đoan20, việc sử dụng thần tích Quan Âm Hương Tích trong công tác giáo dục con người hiện đại về truyền thống đạo đức và xây dựng mục đích sống cho con người đã góp phần đưa tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” được nâng cao. Và ta có thể nhận thấy rằng Phật giáo nói chung và Phật giáo Hà Tĩnh nói riêng, đang nắm giữ hình tượng hình tượng Quan Âm Diệu Thiện có tính chất nhập thể cao và có thể sử dụng trong việc giáo dục con người về đạo đức, lối sống và giá trị của cuộc sống; góp phần nang cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội trên phương diện tinh thần.
An sinh xã hội không nên chỉ đến thụ động từ một phía, mà nên có sự chủ động từ cá nhân và xã hội. Cá nhân nên có sự chủ động tương tác với xã hội để tạo ra của cải vật chất để nuôi sống chính mình, trong khi đó, xã hội và các nguồn lực xã hội (trong đó có tôn giáo và đạo đức tôn giáo) sẽ có sự tác động đến đời sống của cá nhân, đảm bảo lợi ích của cá nhân trước xã hội. Song, an sinh xã hội cũng cần có giáo dục và đảm bảo nhu cầu được giáo dục của con người. Và thay vì sử dụng các nguồn lực xã hội để đảm bảo nhu cầu cho đời sống cá thể, thì việc sử dụng Tôn giáo và điển tích trong Tôn giáo (ở đây chính là Quan Âm Diệu Thiện tại chùa Hương Tích - Hà Tĩnh) nhằm giáo dục con người một cách khoa học là điều nên được triển khai trong xu thế thay đổi và từng bước đổi mới của thời đại.
3. Một vài khuyến nghị nhằm phát huy giá trị hình tượng Quan Âm Diệu Thiện tại Chùa Hương Tích trong việc giáo dục đạo đức truyền thống cho con người hiện nay.
Việc sử dụng một điển tịch tôn giáo nhằm định hướng giáo dục là một vấn đề không quá mới, nhưng, dám lấy hình tượng tôn giáo, gạt bỏ đi yếu tố hư ảo trong tôn giáo và nhập thế hóa các tư tưởng của tôn giáo để phù hợp với nhu cầu của thời đại mà không đánh mất đi giá trị cốt lõi của nó là điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, cần có sự chỉn chu trong quá trình thực hành. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất 3 khuyến nghị về phương pháp phát huy giá trị của hình tượng Quan Âm Hương Tích trong việc giáo dục đạo đức và truyền thống con người hiện đại như sau:
Thứ nhất, xây dựng và quảng bá hình ảnh chùa Hương cùng hình tượng Quan Âm Diệu Thiện qua du lịch tâm linh tôn giáo mang tính trải nghiệm tại Hà Tĩnh. Lễ hội chùa Hương Tích được diễn ra từ rất lâu, chính lễ vào ngày 18/2 âm lịch, tức ngày Quan Âm Diệu Thiện hóa Phật. Với sự đầu tư kĩ lưỡng vào kiến trúc, cơ sở thờ tự, đường xá,... hiện nay, chùa Hương Tích trên cơ bản đã, đang và sẽ còn có rất nhiều thế mạnh để phát triển Du lịch Tâm Linh Tôn giáo, đóng góp vào GDP bình quân của địa phương. Tuy nhiên, để có thể đưa tín khách về lễ Phật, đến Hương Tích với tâm thành và ra về với trí tuệ thì cần có sự phát triển tính trải nghiệm của người đến lễ. Sự trải nghiệm ấy ban đầu nên là sự quảng bá, công bố hệ thống thần tích về Quan Âm Hương Tích và đức hạnh của Bà Chúa Ba thông qua hệ thống biển - bảng đặt tại các trạm - chùa trong khu quần thể. Nên xây dựng các mã QR code với các hệ thống quét mã nghe thuyết minh về chùa cũng như nhân vật Bà Chúa Ba để thấm được tinh thần từ bi, hỷ xả, bao dung, bác ái của Bà Chúa Ba. Cùng với đó, nên lồng ghép các yếu tố giáo dục nhẹ nhàng về truyền thống, về đạo đức của người Việt Nam qua hình tượng Bà Chúa Ba tại điểm di tích Chùa Hương.
Thứ hai, xây dựng các khóa tu và giảng Pháp gắn với yếu tố giáo dục truyền thống trên các nền tảng online từ việc khai thác nhân vật Quan Âm Diệu Thiện. Với sự bùng nổ của cách mạng 4.0, việc xuất hiện các nền tảng Online như các trang Youtobe, Tiktok, Facebook, Zalo,... đem đến sự hòa nhập và lan tỏa rộng lớn và mạnh mẽ. Không ít các lớp giảng Pháp, các cộng đồng Phật tử được nối kết với nhau qua các trang mạng xã hội. Để có thể lan tỏa hơn tinh thần nhập thế và giá trị giáo dục thực sự của hình tượng Bà Quan Âm Diệu Thiện giữa lòng hiện đại thì không thể bỏ qua việc thúc đẩy sử dụng mạng xã hội để quảng bá. Trao đi giá trị của Phật giáo, lan tỏa để tạo ra giá trị nên có những phương tiện hiện đại để áp dụng.
Chùa Hương Tích - Hà Tĩnh đang có một nền di sản độc đáo gắn với sự kiện Quan Âm Hương Tích tu hành và có đầy đủ căn cứ lịch sử cho thời điểm xuất hiện từ kỉ nhà Trần, điều đó không được nhiều phật tử biết đến. Và tinh thần Quan Âm Diệu Thiện tại chùa mang những yếu tố đặc trưng riêng biệt, gần gũi với Văn hóa Việt Nam cổ truyền nhưng cũng phù hợp với văn minh hiện đại, đây chính là điều kiện rất thích hợp cho việc truyền đi thông điệp về giáo dục con người và định hướng lại tư tưởng - nếp sống cho một bộ phận con người hiện đại tránh việc hòa tan giá trị giữa bước tiến vội vàng của dòng chảy kinh tế.
Thứ ba, trực tiếp đưa Di sản địa phương Hà Tĩnh vào công tác giáo dục và định hướng giáo dục truyền thống cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường. Cùng với sự thay đổi chương trình học tập của học sinh theo mô hình STEAM - phát triển năng lực thì sự xuất hiện của các hoạt động ngoại khóa tại các trường học càng trở nên nhiều hơn. Thiết nghĩ, nếu có thể đưa học sinh Trung học Phổ thông đến được các điểm tuyến du lịch tâm linh như chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) sẽ là một điều kiện tốt để người dân Hà Tĩnh nói chung, thế hệ trẻ Hà Tĩnh nói riêng có cơ hội được tiếp cận với truyền thống văn hóa dân gian, định hình tư duy và nền tảng đạo đức phù hợp với Văn minh thời đại sẽ đem lại những kết quả ấn tượng. Giáo dục ở đây chúng tôi đề xuất không phải là giáo dục Tôn giáo, không phải là truyền bá Phật giáo đến học sinh như các nhà truyền giáo cổ xưa đem tôn giáo của mình đến những vùng đất mới; mà giáo dục ở đây là thông qua một điển tích Phật giáo Hà Tĩnh (cụ thể chính là nhân vật Quan Âm Diệu Thiện) để định hướng cho người trẻ về tư duy, đạo đức, truyền thống và ý nghĩa của cuộc sống. Cũng giống như cách thức tìm hiểu về các văn bản Thánh Gióng hay An Dương Vương trong các văn bản Văn học hiện hành vậy!
Kết luận:
Quan Âm Hương Tích, Chùa Hương Tích là nhân vật - địa danh nổi tiếng tại Việt Nam và hiện diện tại Hà Tĩnh, nhưng không chỉ riêng Hà Tĩnh mới có Quan Âm Hương Tích và Chùa Hương. Tại Mỹ Đức - Hà Nội cũng có ngôi chùa Hương và Quan Âm Hương Tích hiện diện từ thế kỉ XVII. Do sự chênh lệch về niên đại, chùa Hương Tích Hà Tĩnh có từ kỉ nhà Trần, trong khi chùa Hương Hà Nội có sau thời chúa Trịnh nên ưu thế thời gian nghiêng về phía Hà Tĩnh nhiều hơn. Song, trên tinh thần Phật giáo, Chùa ở đâu cũng là Chùa, Phật đâu cũng chẳng bằng tâm có Phật nên chúng tôi không bàn luận về yếu tố chính - phụ của hai địa danh này ở trong khuôn khổ bài viết.
Tuy nhiên, khi bóc tách lớp vỏ thiêng hóa và gán câu chuyện về Quan Âm Hương Tích với ý thức về xã hội hiện thời, chúng tôi nhận thấy các yếu tố về Đạo đức và giáo dục xoay quanh thần tích của Bà Chúa Ba vẫn còn nguyên giá trị và có thể đẩy mạnh trong trong việc giáo dục con người hiện đại nói chung và đặc biệt là thế hệ trẻ đương thời nói riêng trên các khía cạnh như sau:
Thứ nhất, về giáo dục Đạo đức. Quan Âm Hương Tích là điển hình cho đạo Hiếu, sự phân định rạch ròi giữa thiện và ác, không chịu khuất phục trước cái ác và sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình để gieo quả thiện, cảm hóa chính vua Diệu Trang Vương tu hành đắc đạo.
Thứ hai, về giáo dục truyền thống văn hóa, Bà là sự hiện thân của từ bi, bao dung, độ lượng, của tấm lòng nhân ái và chủ nghĩa nhân văn cao cả. Bà không quan tâm đến việc chính mình bị cha ruồng bỏ, sẵn sàng chặt tay móc mắt làm thuốc cứu cha, tha thứ cho cha và dẫn đạo để Cha - Diệu Trang Vương tu hành.
Thứ ba, về định hướng mục đích sống và sự cống hiến: Bà Chúa Ba có mục đích tu hành, bằng sự nỗ lực và vượt qua hết mọi khó khăn, Bà không những đã đắc Phật quả mà còn giúp cho nhiều người phát tâm tu hành theo Phật Pháp.
Ba điều này là bài học đắt giá cho con người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ về đạo đức - văn hóa - mục đích sống. Nó như một hồi chuông ngân vang để cảnh tỉnh thế hệ đương thời về ngôn hành của bản thân, về ý thức và Văn hóa truyền thống giữa nhịp chảy hiện đại. Hòa nhập chứ không hòa tan, tiếp thu tinh hoa chứ không nên thay đổi bản chất.
Từ đó, chúng tôi đưa ra 3 đề xuất nhằm lan tỏa giá trị giáo dục đạo đức của Phật Bà Hương Tích như sau:
Thứ nhất, xây dựng và quảng bá hình ảnh chùa Hương cùng hình tượng Quan Âm Diệu Thiện qua du lịch tâm linh tôn giáo mang tính trải nghiệm tại Hà Tĩnh.
Thứ hai, xây dựng các khóa tu và giảng Pháp gắn với yếu tố giáo dục truyền thống trên các nền tảng online từ việc khai thác nhân vật Quan Âm Diệu Thiện.
Thứ ba, trực tiếp đưa Di sản Phật giáo Hà Tĩnh vào công tác giáo dục và định hướng giáo dục truyền thống cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường.
Ths. Đỗ Duy Hưng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam *** Tài liệu tham khảo 1. Thái Kim Đỉnh (2017), Chùa Cổ Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh, Vinh 2. Kinh Vô Ngã Tướng 3. Trần Ngọc Hoàn (sao lục và xuất bản theo di cảo của Tiên Điền, 1929), Sự tích Đức Quan Âm Chùa Hương, Nhà in Trung Bắc Tản Văn, Hà Nội 4. Nguyễn Quang Hồng (cb, 2022), Lược sử Phật giáo Hà Tĩnh, Nxb Nghệ An, Nghệ An 5. Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Tô Lan (2017), Tác phẩm Phật giáo Trung Quốc "Hương Sơn Bảo Quyển" từ tiếp cận tư liệu Hán Nôm, Thông tin Khoa học Xã hội số 10.2017 6. Nguyễn Quang Hưng (2017), Đạo đức Tôn giáo, Biến đổi văn hóa và tâm lý tộc người, in trong "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo 7. Nguyễn Trí Sơn (2006), Chùa Hương Tích, Di sản Văn hóa số 2 (15) 8. Võ Văn Thắng (2006), Nhân ái - một giá trị văn hóa truyền thống cần kế thừa và phát huy trong việc xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay, Triết học số 7 (182), năm 2006 9. Đặng Hữu Toàn (2006), Toàn cầu hóa, “nguy cơ tha hóa” và vấn đề định hướng giá trị Văn hóa tinh thần, Triết học số 5 (180) 10. Chu Văn Tuấn (2012), Bàn thêm về khái niệm mê tín, dị đoan, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 năm 2012 11. Nguyễn Đình Tường (2006), Giữ gìn và phát huy giá trị Văn hóa truyền thống ở Việt Nam trước tác động của toàn cầu hóa, Triết học số 5 (180) 12. https://tuoitre.vn/vu-ba-con-gai-do-xang-dot-nha-me-ruot truy cập ngày 7/12/2022 13. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/a-dua-can-benh-can-chua-tri-khong-de-bi- loi-dung-chong-pha truy cập 5/12/2022 14. https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-tre-khong-ngai-nhay-viec- 20220924202139931.htm truy cập 7/12/2022 Chú thích: 1. Xem thêm Nguyễn Trí Sơn (2006), Chùa Hương Tích, Di sản Văn hóa số 2 (15), tr96 2. Xem thêm Nguyễn Trí Sơn (2006), Chùa Hương Tích, Di sản Văn hóa số 2 (15), tr97 3. Thái Kim Đỉnh (2017), Chùa Cổ Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh, Vinh, tr82 4. Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Tô Lan (2017), Tác phẩm Phật giáo Trung Quốc "Hương Sơn Bảo Quyển" từ tiếp cận tư liệu Hán Nôm, Thông tin Khoa học Xã hội số 10.2017, tr33 5. Nguyễn Quang Hồng (cb, 2022), Lược sử Phật giáo Hà Tĩnh, Nxb Nghệ An, Nghệ An, tr100 6. Trần Ngọc Hoàn (sao lục và xuất bản theo di cảo của Tiên Điền, 1929), Sự tích Đức Quan Âm Chùa Hương, Nhà in Trung Bắc Tản Văn, Hà Nội, tr1 7. Trần Ngọc Hoàn (sao lục và xuất bản theo di cảo của Tiên Điền, 1929), Sự tích Đức Quan Âm Chùa Hương, Nhà in Trung Bắc Tản Văn, Hà Nội, tr 9 8. Dẫn theo Thái Kim Đỉnh (2017), Chùa Cổ Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh, Vinh, tr84 9. Theo Nguyễn Quang Hưng (2017), Đạo đức Tôn giáo, Biến đổi văn hóa và tâm lý tộc người, in trong "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb. Tôn giáo, tr. 329-330 10. Trần Ngọc Hoàn (sao lục và xuất bản theo di cảo của Tiên Điền, 1929), Sự tích Đức Quan Âm Chùa Hương, Nhà in Trung Bắc Tản Văn, Hà Nội, tr 6 11. Xem thêm Kinh Vô Ngã Tướng 12. Xem thêm tại https://tuoitre.vn/vu-ba-con-gai-do-xang-dot-nha-me-ruot truy cập ngày 7/12/2022 13. Đặng Hữu Toàn (2006), Toàn cầu hóa, “nguy cơ tha hóa” và vấn đề định hướng giá trị Văn hóa tinh thần, Triết học số 5 (180), tr25 14. Nguyễn Đình Tường (2006), Giữ gìn và phát huy giá trị Văn hóa truyền thống ở Việt Nam trước tác động của toàn cầu hóa, Triết học số 5 (180), tr29 15. Võ Văn Thắng (2006), Nhân ái - một giá trị văn hóa truyền thống cần kế thừa và phát huy trong việc xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay, Triết học số 7 (182), năm 2006, tr 40 16. Xem thêm tại https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/a-dua-can-benh-can-chua-tri-khong-de-bi-loi-dung-chong-pha truy cập 5/12/2022 17. Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên, 2022), Lược sử Phật giáo Hà Tĩnh, Nxb Nghệ An, Nghệ An, tr.100 18. Trần Ngọc Hoàn (sao lục và xuất bản theo di cảo của Tiên Điền, 1929), Sự tích Đức Quan Âm Chùa Hương, Nhà in Trung Bắc Tản Văn, Hà Nội, tr.4 19. Xem thêm tại https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-tre-khong-ngai-nhay-viec-20220924202139931.htm truy cập 7/12/2022 20. Xem thêm Chu Văn Tuấn (2012), Bàn thêm về khái niệm mê tín, dị đoan, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 năm 2012, tr .19
Bình luận (0)