Tác giả: Thích Nữ Quảng Hiếu Ni viện Diệu Nhân, Phú An, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng

A. Dẫn nhập

“Nhạn quá trường không Ảnh trầm hàn thủy Nhạn vô di tích chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm”

Dẫu biết rằng thời gian và không gian là vô tận, Phật ý vô ngôn đã hàm dung tất cả nhưng thể tính vô tướng kia lại ảo diệu khôn cùng. Ngược dòng thời gian, tìm về nền văn hiến bốn ngàn năm của dân tộc với những trang sử bi tráng, mang đậm bản sắc văn hóa Á Đông. Trong mạch nguồn đó, Phật giáo có vai trò huyết mạch luân lưu, đặc biệt là Phật giáo giai đoạn triều đại Lý - Trần.

Những bậc đống lương của dân tộc, đã viết nên những vầng thơ tạo nên một kho tàng thơ thiền triều đại Lý - Trần lấy hình tượng con người là trung tâm. Thời đại này đã để lại cho nền văn học nước ta nhiều tác phẩm thơ thiền bất hủ, những áng thi ca diễm lệ, đậm chất nhân văn, thanh thoát có sức sống vượt thời gian.

B. Nội dung

Nhắc đến thiền học ta không thể không nhắc đến Sơ tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, người đã đem lại làn gió mới cho nền tư tưởng văn học Việt Nam, người đã khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc dân tộc Đại Việt.

Lịch sử Phật giáo hơn hai ngàn năm đã có rất nhiều vị thiền sư góp phần cho kho tàng văn học thơ thiền trong giai đoạn triều đại Lý - Trần, thể hiện trọn vẹn tinh thần vì đạo, vì dân. Chư vị thiền sư xuất hiện dưới nhiều tướng trạng khác nhau như thái sư Khuông Việt, người lái đò Đỗ Thuận, lương y Tuệ Tĩnh, quốc sư Vạn Hạnh..vv. Đối với quý Ngài dù ở cương vị nào, ở hình thức nào chẳng qua chỉ là lớp áo đổi thay không dừng trong các vai trên sân khấu cuộc đời. Vì vậy, tất cả chư vị Thiền sư đi vào đời mà không bị dòng đời xoay chuyển, tâm hồn các Ngài thanh thoát như hoa sen giữa bùn lầy mà không bị ô nhiễm, chính điều đó đã thể hiện trọn vẹn tinh thần vô ngã, tùy duyên bất biến giữa dòng đời vạn ảo.

Tư tưởng thiền học trong Phật giáo góp phần hình thành nên hình tượng nhân vật trong những vầng thơ đậm tinh thần vô ngã, vị tha, bình dị, thiết thực. Những vầng thơ đi tìm chân lý, hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại. Người ta thường nói Thiền học chính là tâm học. Thật vậy, phương pháp tu tập Thiền học đưa ta đến con đường cảm ngộ trực tính tâm linh, bởi lẽ một khi tâm rỗng không mới có thể kiến đạo, từ đó giác ngộ giáo lý nhiệm mầu của Như Lai, bản chất các pháp được bừng tỏ bởi vầng nhật nguyệt. Tinh thần vô thường, vô ngã được thể hiện rõ:

“Bát nhã vốn chân không Nhân không ngã diệc không Quá hiện vị lai Phật Pháp tính bản lai đồng” (Lý Thái Tông)

Vô thường là một quy luật của tự nhiên, dẫu muốn hay không hành giả cũng phải luôn đón nhận chúng, hành giả tu tập nhận rõ bản lai diện mục, hiểu rõ vô thường sẽ không còn khổ lụy, đau thương khi nghịch cảnh ập đến bản thân, gia đình cũng như những người thân yêu xung quanh chúng ta. Cuộc đời con người ai rồi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc bởi sự hơn thua, được mất, vinh nhục, tốt xấu, thành bại.

Điểm nổi bật trong thơ Thiền Phật giáo Lý - Trần ấy chính là những vầng thơ đậm tinh thần tùy duyên bất biến. Kiếp người chỉ là tạm bợ, cát bụi vô thường, vì vậy hãy sống an nhiên tự tại giữa dòng đời vạn biến, đừng để mọi hư danh chi phối tâm hồn bậc xuất sĩ:

“Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ hất chi mai” (Thiền sư Mãn Giác)

Kiếp người  mong manh, hình ảnh cành hoa mai hồi sinh sau đông tàn để nảy lộc, trổ hoa ấy cũng chính là tâm hồn con người  hồi sinh sau đêm đông lạnh giá để đón ánh bình minh, hướng đến cuộc sống tốt đẹp. Giữa thế gian vạn ảo, chiếc lá vàng khô khẽ rơi, tâm hồn hành giả như chợt nhiên giác ngộ, trở về bản tính chân như. Thế mới nói, thơ Thiền có thể chấp cánh ước mơ cho con người hướng đến đích tối thượng của giác ngộ là Niết Bàn giải thoát.

Trên tinh thần vô ngã, vị tha vạn pháp duyên sinh vượt qua mọi pháp thế gian, đập tan mọi ranh giới, giữa thực và hư vô, bởi lẽ mọi chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề. Tấm thân tứ đại này là giả tạm được vay mượn từ đất nước gió lửa, một khi hơi thở mất đi tất cả sẽ trở về với lòng đất mẹ”

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”[1] (Thiền sư Vạn Hạnh)

Tinh thần vô ngã được thể hiện qua nhiều bài thơ thiền thời kỳ này. Con người sinh ra, sống và tồn tại trong một tổng thể tương quan bởi vạn pháp duyên sinh. Vì vậy, ta phải có cái nhìn thật sáng suốt về bản chất của vạn vật, đặt mình vào thế giới thực tại mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc sự nhiệm mầu của thế giới vi diệu này. Tư tưởng thiền tông trong thơ thiền dẫn hành giả đến sự phá chấp theo giáo lý nhà Phật. Điều này được thể hiện qua bài thơ của Ni sư Diệu Nhân:

“Sinh lão bệnh tử Tự cổ thường nhiên Dục cầu xuất ly Giải trọc thêm phiền Mê chi cầu Phật Hoặc chi cầu thiền Thiền, Phật bất cầu Uổng khẩu vô nhiên”

Người tu thiền an nhiên tự tại giữa mọi hoàn cảnh. Bởi lẽ Phật pháp bất ly thế gian pháp, ngay trong nghịch cảnh, mọi chướng duyên con người vẫn có thể tu tập giác ngộ đạo ấy chính là Thiền. Bên cạnh đó, thơ Thiền thời Lý - Trần còn thể hiện tính khai phóng, phá tan mọi khuôn phép, sự rập khuôn mở ra lối tư duy mới hướng đến giác ngộ, con người tồn tại bởi do nhiều nhân duyên hòa hợp của trùng trùng duyên khởi:

“Mấy ai thành Phật ở tu hành Chỉ trói cùm thêm trí óc mình Thấu lẽ huyền vi trong ngọc sáng Là vầng dương hiện giữa trời xanh”

Giá trị tâm hồn của con người chính là đức tu hướng đến giải thoát. Chân tâm thường hằng ấy như ngọc ma ni sáng soi, phá tan mọi vô minh đen tối bởi vọng trần, kiến giải hoặc phiền não. Chư vị thiền sư dấn thân vào đời, phụng sự đạo pháp, cứu độ chúng sinh nhưng vẫn không quên sứ mệnh cao cả của mình là tu tập để xuôi về Niết Bàn. Đây là tinh thần nhập thế tích cực, hòa nhập chứ không bị hòa tan như hoa sen nằm giữa bùn lầy cũng không hôi tanh mùi bùn. Vinh hoa, phú quý, địa vị, danh vọng, sắc đẹp đều như giấc mộng Nam Kha, như đám phù vân chẳng nghĩa lý gì cả đối với hành giả giải thoát giác ngộ. Bởi lẽ:

“Sắc tức là không Không tức là sắc” (Ni Sư Diệu Nhân)

Có thể nói xuyên suốt trong hệ thống thơ thiền Lý Trần, hình tượng con người luôn hiền thiện bởi sự tu tập giác ngộ, bởi tư tưởng tùy tục, tinh thần nhập thế tích cực, hoằng pháp lợi sinh, tùy duyên hóa độ. Bởi lẽ phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật.

Đỉnh cao văn học thời kỳ này là sự kết hợp hài hòa  giữa con người thiền sư và con người thi nhân. Đó là sự cảm nhận tinh tế, sâu lắng trước thiên nhiên. Thiên nhiên không ồn ào mà trầm mặc gắn liền với những đường nét nhẹ nhàng, gắn với cảnh lặng lẽ u tịch để qua đó gửi gắm ý niệm cuộc đời với một tâm hồn đạt đạo cao thượng:

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên Bán vô bán hữu tịch dương biên’ Mục đồng định lý ngưu quy tận Bạch lộ song song phi hạ điền” (Trần Nhân Tông)

Với bút pháp vừa thực vừa hư, vừa tĩnh vừa động, tâm thức con người dường như hòa quyện vào thời gian, không gian, vạn vật một cách vô cùng tự tại. Sương khói, bóng chiều, tiếng sáo, đồng ruộng, người và vạn vật dường như trầm lắng trước hoàng hôn thiên nhiên. Bóng chiều dường có lại dường không là nét đẹp, là sự cảm nhận tuyệt vời của tâm hồn con người, là dấu ấn thẩm mỹ khai phóng tâm thức văn học thi ca.

Nếu con người đạt đến đỉnh cao nhân văn thì con người có thể gặp lại chính mình ở mọi chỗ, mọi nơi. Bài thơ có thể nói đã đạt đến mức thi trung hữu họa được viết dưới ánh sáng của Mỹ học Thiền tông, bởi trạng thái chập chờn giữa thực và hư, giữa tính với động, giữa hữu và vô.

Bên cạnh con người thiền sư, chúng ta còn có thể thấy bóng dáng con người bình thường, con người thi sĩ, con người với những rung cảm trước cuộc đời:

“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư Lộ trích thu đình dạ khí hư Thụy khởi châm thinh vô mích xứ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ” (Trần Nhân Tông)

Mộng và thực, thực và mộng. Với tâm hồn thanh cao, thiền sư đã đạt đến đích của sự cảm nhận. Thiên nhiên dường như đã trở thành thực tại của chủ thể bởi sự sáng tạo. Nơi đây, dường như con người ta không còn  nhận ra cái tôi riêng mình, cái tôi trở nên sự thấy, nghe, biết một cách thuần khiết, trầm lắng trong cảnh sắc thiên nhiên huyền diệu. Triết lý sống kết hợp giữa đạo và đời còn được thể hiện qua bài thơ Cư trần lạc đạo:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mích Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”[2] (Trần Nhân Tông)

Mỗi câu trong bài thơ hàm ẩn chứa triết lý hành trì của sự tu tập, nội dung phản phất thể hiện phong thái thiền gia. Tổng hợp bốn câu thơ ta có triết lý nhập thế, rất năng động và tích cực. Hai câu thơ đầu nói lên sự cần thiết của đời sống nhân sinh thường tình, đây là đời sống tục đế, của con người thế tục nơi cõi trần gian. Qua đây, đức Vua  nhằm khuyên nhủ nhân dân phải có nếp sống đạo đức, tu tâm dưỡng tính.  Bởi lẽ mấu chốt của thiền tông là làm cho tâm được bình an đưa đến giải thoát tự tại.

Trong Khóa Hư Lục, vua Trần Thái Tông đã diễn tả bốn núi ví như bốn tướng sinh già bệnh chết mà mọi vật sinh ra đều không tránh khỏi. Sinh lão bệnh tử như bốn ngọn núi lớn, chúng luôn đè nặng, cản trở bước chân của chúng sinh

“Tứ sơn liễu bích vạn thanh trùng Bích liễu đô vô, vạn vật không Hỷ đắc lư nhi tam cước tại, Mịch ký đả sấn thướng cao phong” (Tranh vanh bốn núi vạn cây tùng Liễu ngộ đều không vạn vật không Ba cẳng lừa kia mừng vướng đó Cưỡi lên thẳng tới đỉnh non bồng)[3]

Tinh thần nhân bản được thể hiện một cách sâu sắc trong văn học thiền tông thời kỳ này. Con người được đặt lên trên hết. Trần Thái Tông  đã thắp lên ngọn đuốc mới trong văn học Phật giáo và văn học đời thường. Thiền sư không bước theo con đường mòn để ràng buộc con người vào vị trí yếm thế bi quan, mà chúng ta thường gặp trong thế giới thi ca:

“Kiếp sau xin chớ làm người Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”[4]

Con người vẫn thường rong ruỗi theo cảnh trần để nhằm tìm kiếm và thỏa mãn mong muốn của bản thân.Sự giác ngộ đạt đạo phải thực hiện được ngay trong cuộc đời, bởi vì thành Phật không có gì khác là nhận chân con người thật của mình chính là Phật. Khi Trần Thái Tông bỏ ngôi vàng lên núi gặp thiền sư Viên Chứng để cầu đạo, cầu làm Phật, thiền sư trả lời rằng:

“Sơn bản vô Phật Duy tồn hồ tâm Tâm tịch nhi tri Thị danh chân Phật”[5]

Văn học trung đại Việt Nam gắn liền với điều kiện xã hội, lịch sử đương thời. Vì vậy, hình tượng con người trong văn học thời kỳ này mang đậm dấu ấn tinh thần yêu nước, luôn sống vì quê hương. Cảm hứng văn học thời kỳ này đậm tinh thần yêu nước. Bởi thời kỳ này đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, xã hội phong kiến đương thời dường như rơi vào khủng hoảng, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị đạt đến đỉnh cao của sự mẫu thuẫn. Văn học như một công cụ chuyển tải thông tin về tiếng nói của mình mang thông điệp của sự yêu thương, trân trọng và đoàn kết. Nhìn chung các tác phẩm thơ luôn chứa đựng chất liệu tinh thần của con người, đây cũng chính là sự thành công của một nền văn học lừng danh thời Lý - Trần cũng như văn học trung đại Việt Nam.

C. Kết luận

“Tây thiên tổ tổ tương truyền Đông độ sư sư tiếp dẫn”

Chư vị tổ sư như cánh nhạn lưng trời đến đi không lưu lại dấu. Nhưng tài năng và đức hạnh của chư vị mãi lưu lại ngàn đời cho đàn hậu học mai sau. Bởi lẽ: “Hương các loài hoa không ngược bay chiều gió-Hương người đức hạnh ngược gió khắp tung bay”. Kho tàng văn học hơ Thiền Lý Trần cũng như văn học trung đại Việt Nam là gia tài quý báu của nền văn học nước nhà nói chung cũng như nền văn học Phật giáo Thiền tông nói riêng. Chính kho tàng chất liệu tâm hồn này nuối dưỡng bao người con Phật trưởng dưỡng đạo tâm trên con đường tu tập hướng đến giác ngộ.

Tác giả: Thích Nữ Quảng Hiếu Ni viện Diệu Nhân, Phú An, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng ***

CHÚ THÍCH 1. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh Ấn Hành, 1995, p.55. 2. Cư Trần Lạc Đạo Phú, Thơ Văn Lý Trần, Tập II, Quyển thượng, p.54. 3. HT. Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục, Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1992, p. 12. 4. Trương Chính (biên soạn và giới thiệu), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB.Văn Học, 1983, p.36. 5. Thiền Tông chỉ Nam tự, thơ Văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, p. 27.

THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh Ấn Hành, 1995. 2. Cư Trần Lạc Đạo Phú, Thơ Văn Lý Trần, Tập II, Quyển thượng. 3. HT. Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục, Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1992. 4. Trương Chính (biên soạn và giới thiệu), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB.Văn Học, 1983. 5. Thiền Tông chỉ Nam tự, thơ Văn Lý Trần, tập II, quyển thượng.