Trang chủ Bài viết nổi bật Quá trình hình thành và phát triển văn chương chữ Nôm

Quá trình hình thành và phát triển văn chương chữ Nôm

Dẫn chứng về quá trình hình thành và phát triển văn chương chữ Nôm ở trên cho thấy chữ Nôm ra đời từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, lưu hành trong các văn bản từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII, phát triển từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX và hình thành nên văn học chữ Nôm.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Dẫn chứng về quá trình hình thành và phát triển văn chương chữ Nôm ở trên cho thấy chữ Nôm ra đời từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, lưu hành trong các văn bản từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII, phát triển từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX và hình thành nên văn học chữ Nôm.

Tác giả: Thích nữ Nhật Thiện
Học viên Cao học Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

Lời mở đầu

Chữ viết là một trong những yếu tố quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền của mỗi dân tộc, và là một bước ngoặt trên con đường phát triển văn hoá của dân tộc đó. Tổ tiên ta, với truyền thống yêu nước và bằng trí thông minh của mình đã xây dựng một hệ thống văn tự dựa trên cơ sở của chữ Hán. Đó là chữ Nôm.

Vậy thì, “Chữ Nôm có từ bao giờ?” Từ xưa đến nay, chưa có một nhà khoa học nào dám khẳng định chắc chắn thời gian cụ thể chữ Nôm ra đời. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở các tiêu chí khác nhau với những cứ liệu về chứng tích, ngôn ngữ, văn tự, và các yếu tố văn hóa, lịch sử; các nhà nghiên cứu đưa ra các nhận định về thời kì ra đời của chữ Nôm.

Căn cứ vào nghiên cứu của GS. Đào Duy Anh: do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới các triều Đinh, Lê và đầu Lý, chữ Nôm đã xuất hiện [1]. Như vậy, vào khoảng cuối thời Lý, hệ thống chữ Nôm mới có thể được coi là tạm hoàn chỉnh, là sản phẩm của giai đoạn đầu trong quá trình hình thành và phát triển của chữ Nôm và làm tiền đề tạo nên văn học chữ Nôm ở Việt Nam sau này.

Từ khóa: Chữ Nôm, văn chương chữ Nôm, văn tự, sự hình thành và phát triển…

Nội dung

Chữ Nôm ra đời có ý nghĩa hết sức lớn lao trong các lĩnh vực: Lịch sử, Văn học và Văn hóa. Từ cuối thế kỉ XIII đến thế kỉ XIX, chữ Nôm đã đóng một vai trò hữu hiệu trong việc ghi chép và lưu truyền văn học Việt Nam. Lịch sử văn học chữ Nôm Việt Nam trải dài gần bảy thế kỉ, có thể phân thành những giai đoạn sau:

1) Từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XIV.

2) Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVI.

3) Từ thế kỉ XVII đến nữa đầu thế kỉ XVIII.

4) Từ nữa cuối thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Qua trinh hinh thanh va phat trien van chuong chu Nom 1

1. Giai đoạn từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XIV

Theo các nhà nghiên cứu, chữ Nôm xuất hiện trong các văn bia thời nhà Lý, đơn thuần là những từ ghi tên người hay tên đất, để trở thành một tác phẩm văn học chữ Nôm thì phải đến thời nhà Trần.

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tác giả đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tác thơ là Nguyễn Thuyên, còn gọi là Hàn Thuyên, một học giả sống vào cuối thế kỉ XIII dưới triều nhà Trần, ông được vua Trần Nhân Tông lệnh cho viết một bài văn đuổi con cá sấu xuất hiện ở sông Hồng. Vua cho việc ấy giống việc làm của Hàn Dũ (768 – 824) đời nhà Đường, nên ban cho ông họ Hàn.

Tương truyền Nguyễn Thuyên có Phi sa tập, Chu Văn An có Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, nhưng cả hai tập thơ Nôm này đều đã mất. Theo Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử thì Hồ Tông Thốc (thế kỷ XIV) có soạn cuốn Phú học chỉ nam và Nguyễn Phi Khanh (1355- 1428) cùng nhiều nho sĩ có làm bài phú Con ngựa lá. [2]

Giai đoạn này nổi bậc là thể loại phú viết bằng chữ Nôm, trong đó có: Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của vua Trần Nhân Tông; Hoa Yên tự phú của Huyền Quang, Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi. Bốn bài phú này, hiện còn được ghi chép trong sách Thiền tông bản hạnh.

Nhìn chung, tác phẩm văn học chữ Nôm thời Trần truyền lại đến nay không được nhiều; những tác phẩm này tuy thuộc thời Trần, nhưng chắc chắn đã được người đời sau sửa chữa, thay đổi, vấn đề giám định văn bản vẫn đang được đặt ra cho giới Hán Nôm học. Tuy nhiên, đây là những văn bản có giá trị giúp chúng ta tìm hiểu về sự hình thành văn Nôm (đặc biệt là văn Nôm biền ngẫu) nói riêng và văn học chữ Nôm thời Trần nói chung. Đây là sự khởi đầu, tạo tiền đề cho sự phát triển nở rộ những tác phẩm văn học chữ Nôm các thế kỷ tiếp theo.

2. Giai đoạn từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVI

Năm 1400, sau khi lật đổ nhà Trần, Hồ Quý Ly lập nên nhà Hồ, mặc dù nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm nhưng Hồ Quý Ly đã có những cải cách tiến bộ vượt thời đại, ông cũng kịp đưa chữ Nôm vào nội dung thi cử, cho dịch một số sách ra chữ Nôm. Đáng tiếc thay những dự án, phương pháp cải cách đó chưa được hoàn thành thì bị nhà Minh sang xâm chiếm.

Đến thời nhà Lê, sau khi chiến thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng lại đất nước với tư tưởng lấy Nho giáo làm chuẩn và ông đề cao việc giáo dục, khoa cử. Vì vậy, vào thế kỷ XV, văn học Nôm đạt được những thành tựu nhất định với những tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng, đó là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442) gồm 254

bài thơ Nôm, Nguyễn Trãi được đánh giá là một trong những tác giả làm thơ Nôm hay nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm; Hồng Đức quốc âm thi tập gồm khoảng 328 bài thơ Nôm, trong đó Lê Thánh Tông có 128 bài. Ngoài ra, còn có các tác phẩm, như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn chép trong Thiên Nam dư hạ tập tương truyền là của Lê Thánh Tông, Kim lăng ký và Phan Trần tương truyền là của Đỗ Cận (thế kỷ XV), Hồng Châu quốc ngữ thi tập của Lương Như Hộc (thế kỷ XV); rất tiếc, những tác phẩm này hầu hết đã thất truyền.

Tình hình văn bản các tác phẩm viết bằng chữ Nôm thế kỷ XV, tuy còn nhiều vấn đề cần xem xét, nhưng những tác phẩm còn lại đến hôm nay thể hiện sức sống, âm hưởng cảm xúc của ngôn ngữ dân tộc, tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ nhà văn, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn học chữ Nôm.

3. Giai đoạn từ thế kỉ XVI đến nữa đầu thế kỉ XVIII

Đây được coi là mốc thời gian đen tối và đau thương nhất trong lịch dân tộc, đất nước bị phân chia, các cuộc nội chiến diễn ra liên tục, làm cho người dân bất mãn, mất niềm tin đối với triều đình. Cho nên, một phần nào đó đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của văn học Nôm vào thời kì này. Sau đây là những tác phẩm văn học Nôm Việt Nam tiêu biểu:

Ở miền Bắc của chúa Trịnh, chúng ta có thể kể đến: Giai cảnh hứng tình phú, Ngã ba hạc phú của Nguyễn Bá Lân; Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự; Tự tình vãn của Nguyễn Thị Ngọc Vinh; Lí triều Đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca của Trương Ngọc Trong; Ngự đề Thiên hòa doanh bách vịnh thi tập của chúa Trịnh Căn; Kiền Nguyên thi tập của chúa Trịnh Doanh; Tâm thanh tồn dụy tập của chúa Trịnh Sâm.

Các tác phẩm Nôm triều Mạc: Đại Đồng phong cảnh phú, Tam Ngung động phú, và Tịch cư ninh thể phú của Nguyễn Hãng; Sứ Bắc quốc ngữ thi tập, Sứ trình khúc, Tứ thời khúc, Tiểu độc lạc phú của Hoàng Sĩ Khải, cuối cùng là Ngư phủ nhập đào nguyên truyện của Phùng Khắc Khoan.

Trong số những tác phẩm Nôm tiêu biểu ở miền Nam của chúa Nguyễn, chúng ta phải kể đến Huê tình truyện của Hoàng tử Đán (1699 – 1753); Ngọa Long cương vãn và Tư Dung vãn của Đào Duy Từ; Sãi vãi một tác phẩm trào phúng của Nguyễn Cư Trinh ; Song tinh bất dạ truyện của Nguyễn Hữu Hào… [3]

4. Giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỉ XIX

Giai đoạn từ thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, văn học Nôm phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng, Văn học chữ Hán cũng phồn thịnh, nhưng văn học Nôm gần như là dòng văn học chủ đạo lúc này. Văn học Nôm đạt độ sắc sảo, khoáng đạt, bứt phá, đó là bản dịch Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, là thơ Hồ Xuân Hương, là Truyện Kiều bất hủ.

Văn học Nôm làm trỗi dậy ý thức phản phòng, ý thức yêu chuộng quốc âm, ý thức dân chủ, ý thức đòi hỏi quyền được bộc lộ tình cảm chân thật. Văn học Nôm đi sâu vào nhân dân, nói chuyện đời thường, đồng thời trở thành mẫu mực, cổ điển, mà văn học chữ Hán không nói được, hoặc có đề cập chút ít thì cũng không thể đến với những người không biết âm Hán – Việt.

Nội dung mới của văn học Nôm kéo theo sự phát triển, hoàn thiện của các thể loại văn học đậm sắc màu bản địa. Truyện Nôm phát triển, không ít những truyện ghi dấu ấn sâu đậm, như: Phan Trần, Nhị Độ Mai, Bích Câu Kỳ Ngộ, Quan Âm Thị Kính,… Có thể nói, những tác phẩm truyện Nôm ấy là manh nha của tiểu thuyết văn xuôi sau này. Đỉnh cao là Truyện Kiều, một thành tựu chói lọi của văn xuôi nghệ thuật và thơ lục bát.

Đặc biệt, giai đoạn này xuất hiện các tác phẩm Nôm thể lục bát diễn ca lịch sử, điển hình là Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh), đây là tác phẩm viết bằng chữ Nôm dài nhất trong lịch sử văn học chữ Nôm với hơn 8.000 câu thơ lục bát; Truyện Song tinh, Việt sử diễn âm, Thiên Nam quốc ngữ lục ký, sau này có Đại Nam Quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (1827-1875).

Tiếp đó là các tác phẩm diễn ca truyện cổ tích, như: Chúa Thao cổ truyện, Ông Ninh cổ truyện, Tấm Cám, Thạch Sanh, Trương Chi v.v… Rồi loại ký sự lục bát cũng ra đời, như: Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), Bất phong lưu truyện của Lý Văn Phức (1875-1849),…

Thể ca khúc viết theo lối song thất lục bát ở giai đoạn này cũng phát triển và thành thể ngâm, như các tác phẩm: Tứ thời khúc của Hoàng Sĩ Khải (thế kỷ XVI), Thiên Nam minh giám (khuyết danh), Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (1705-1748) và của Phan Huy ích (1750-1822), Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân (thế kỷ XVIII), Chức cẩm hồi văn của Hoàng Quang (?-1801), Văn triệu linh của Phạm Thái (1777-1813), Văn chiêu hồn của Nguyễn Du (1765-1820)…

Thể truyện thơ Nôm luật Đường, như: Vương Tường, Tô công phụng sứ, Lâm tuyền kỳ ngộ, Tam quốc thi v.v.., đều là những truyện khuyết danh cũng lần lượt xuất hiện.

Ngoài ra, còn phải kể đến việc dịch sách và diễn ca kinh truyện sang chữ Nôm của các tác giả văn học thời kỳ này, tiêu biểu là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú của Nguyễn Thế Nghi; rồi Hương Hải thiền sư dịch và chú giải kinh phật ra quốc âm, Đặng Thái Phương (1678-?) diễn ca Kinh Dịch, Nguyễn Bá Lân (1701-1785) diễn ca Kinh Thi v.v…, để phổ biến bằng ngôn ngữ dân tộc.

Thời kỳ cuối của chữ Nôm xuất hiện nhiều tác phẩm thi ca theo thể hát nói như của Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương… Đó là chưa kể những vở tuồng hoặc chèo dân gian cũng được soạn bằng chữ Nôm như Kim Thạch kỳ duyên, Quan Âm Thị Kính…

Kết luận

Một văn tự ra đời là cái mốc ghi nhận bước phát triển văn minh của một dân tộc. Sự ra đời của chữ Nôm là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng. Chữ Nôm ra đời phản ánh ý chí tự cường dân tộc, có tác dụng trong việc nâng cao địa vị của tiếng Việt. Nó đánh dấu một bước phát triển lớn của nền văn hoá dân tộc trên con đường độc lập.

Từ những phân tích, dẫn chứng về quá trình hình thành và phát triển văn chương chữ Nôm ở trên cho thấy chữ Nôm ra đời từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, lưu hành trong các văn bản từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII, phát triển từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX và hình thành nên văn học chữ Nôm.

Văn học chữ Nôm trải theo chiều dài lịch sử đã phát triển ngày càng rộng rãi trong đời sống văn học của xã hội, đáp ứng nhu cầu tình cảm của tầng lớp nhân dân, phản ánh tư tưởng yêu nước nhân đạo theo khuynh hướng nhân đạo chủ nghĩa, đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn học chữ Nôm trong lịch sử văn học Việt Nam.

Hiện nay, số lượng văn bản Hán Nôm rất nhiều đang được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như trong dân gian. Tuy nhiên, số người thông hiểu về chữ Hán, chữ Nôm lại rất ít. Vì thế, việc giáo dục đạo tạo chữ Hán Nôm cần được chú trọng hơn để kịp thời khai thác di sản văn hóa này cũng như bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, vốn quý của dân tộc.

Tác giả: Thích nữ Nhật Thiện
Học viên Cao học Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

***

CHÚ THÍCH

[1] Đào Duy Anh(1975), Chữ Nôm – Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 10.

[2] Trịnh Khắc Mạnh, Chữ Nôm và văn học chữ Nôm, http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/Ng%E1%BB%AF-v%C4%83n- H%C3%A1n-N%C3%B4m/p/chu-nom-va-van-hoc-chu-nom-987, truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.

[3] Nguyễn Khắc Kham, Chữ Nôm và cống hiến với Văn học cổ Việt Nam, Nguyễn Tuấn Cường (Việt dịch), Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006, tr.15-17.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (1975), Chữ Nôm – nguồn gốc cấu tạo diễn biến, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Tài Cẩn (1985), Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

3. Nguyễn Tài Cẩn (2004), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Nguyễn Ðổng Chi (1942), Việt Nam cổ văn học sử, Hàn Thuyên.

5. Nguyễn Tuấn Cường (2012), Diễn cách cấu trúc chữ Nôm Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Nguyễn Quang Hồng (2008), Khái luận văn tự học chữ Nôm, Nxb Giáo dục.

7. Nguyễn Quang Hồng (2014), Tự điển chữ Nôm dẫn giải, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Nguyễn Khắc Kham, Chữ Nôm và cống hiến với Văn học cổ Việt Nam, Nguyễn Tuấn Cường (Việt dịch), Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006, tr.3-21.

9. Lê Văn Quán (1981), Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Web:

10. Trần Trọng Dương, “Nguồn gốc, lịch sử và cấu trúc của chữ Nôm từ bối cảnh văn hóa Đông Á”, http://thanhdiavietnamhoc.com/nguon-goc-lich-suva-cau-truc-cua-chu-nom-tu-boi-canh- van-hoa-dong-a/.

11. Trịnh Khắc Mạnh, Chữ Nôm và văn học chữ Nôm, http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/Ng%E1%BB%AF-v%C4%83n- H%C3%A1n-N%C3%B4m/p/chu-nom-va-van-hoc-chu-nom-987.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường